Thứ Bảy, 10 tháng 12, 2011

Steve Jobs - Huyền thoại và sự bất tử


Có lẽ bạn sẽ lần giở mỗi trang của cuốn sách về Steve Jobs này, ở một nơi thanh vắng nào đó, trong một đêm yên tĩnh nào đó chẳng hạn, duy chỉ có điều, bạn không thể cảm thấy sự an tĩnh khi đọc cuốn sách này cũng như khi đọc bất kỳ điều gì liên quan đến Steve Jobs.

Máu trong huyết quản của bạn phải chảy nhanh hơn và tim bạn phải đập mạnh hơn nếu như bạn thật sự hiểu được những tinh hoa trong con người Steve Jobs. Người đàn ông này không phải là con người của sự đứng yên, tĩnh tại, hay bình lặng, cho dù ông có ăn chay và tin tưởng vào đạo Phật.

Tuy thế, Steve không theo đuổi bất kỳ thứ chủ nghĩa trung tính và ôn hòa nào theo tinh thần Phật giáo. Cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn là một con người của sự nổi loạn, của một tinh thần hippie chảy rần rật trong mỗi mạch máu của mình. Tinh thần ấy thể hiện rõ nhất trong một phát biểu của ông: “Những kẻ đủ điên để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thể giới cũng chính là những người có thể làm được điều đó.”

“Gã điên khùng” Steve Jobs đã đi qua hết những chặng đường điên loạn của mình. Ai đó nói rằng, thế giới này phát triển không bởi những con người suy nghĩ duy lý mà ngược lại. Điều ấy có vẻ như đúng hơn cả với Steve, con người luôn thách thức tất cả những quy luật thông thường bằng sự ngang ngược của mình: “thà làm hải tặc còn hơn làm hải quân”, “tôi không quan trọng mình có lý hay không, tôi chỉ quan tâm mình có thành công hay không…”

Steve bất tử, tất nhiên rồi. Nhưng kỳ lạ thay, con người đặc biệt này lại dùng nỗi ám ảnh từ cái chết để lấy đó làm động lực cho những nỗ lực phi thường trên con đường vươn tới thành công của mình. Ai cũng có thể nói rằng, hãy sống như ngày mai mình chết. Nhưng chỉ có một người như Steve, người trong suốt 33 năm cuộc đời, đã nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời, tôi có làm những điều tôi muốn hay không?”

Động lực chi phối hành vi của chúng ta. Động lực bạc tiền, động lực danh vọng, động lực tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác giới, động lực tình yêu và còn nhiều động lực khác nữa … Duy chỉ có Steve coi cái chết là động lực ngay từ thời trai trẻ, phải chăng nhà tiên tri công nghệ này dường như đã linh cảm được sự yểu mệnh của chính mình?

Bạn có thể yêu mến Steve, tùy bạn, nhưng với những người làm việc cùng Steve, sẽ không hẳn thế. Đặc tính cáu gắt, thất thường, hay quát nạt cấp dưới và luôn luôn đòi hỏi quá cao của Steve khiến ông trở thành “hung thần” trong mắt nhân viên. Khí chất “điên loạn” xét theo nghĩa nào đó của Steve thể hiện một sự không hài lòng thường trực về mọi thứ, dưới mắt Steve, không gì là hoàn hảo. Thứ chủ nghĩa tối hảo hay chủ nghĩa tinh hoa tuyệt đối ấy là đặc trưng cơ bản nhất trong tinh thần Steve Jobs, là giá trị vô hình đã tạo ra những siêu phẩm hữu hình như Ipod, Iphone, Ipad… Như một câu bất hủ của Steve: “Người thợ mộc giỏi không sử dụng miếng gỗ tồi cho tấm lát sau lưng tủ cho dù chỗ đó không ai nhìn thấy…”

Ở Apple, những con người nổi loạn một cách sáng tạo và sáng tạo trên tinh thần nổi loạn có lẽ đã không thể kết hợp với nhau thành “đoàn hải tặc” nếu thiếu vị “hung thần” Steve. Chính nền “độc tài chuyên chính” lấy tinh thần tối hảo làm hệ tư tưởng ấy mới tạo ra những siêu phẩm, chứ không phải thứ dân chủ cãi vã và chủ nghĩa bình quân nhờ nhờ. Nhưng đừng vội quên, độc tài kiểu Steve khác hẳn những thứ độc tài lấy lợi ích cá nhân làm mục đích.

“Nghĩ khác” - Steve đặt khẩu hiệu cho công ty Apple như vậy. Không ít người dám nói thế, nhưng không nhiều người làm được thế. Ai cũng có thể ca ngợi tinh thần giản dị nhưng rồi lại vác về nhà một đống những thứ xa hoa, chỉ có Steve, nghĩ khác và làm cũng khác, tôi đặc biệt thích chi tiết ông vứt bỏ mọi thứ trong nhà, chỉ để lại một vài vật dụng giản đơn. Ông nói: “Tôi tự hào về những điều tôi không làm còn hơn cả những điều tôi làm”. Vứt đi càng nhiều càng tốt, buông bỏ được hết thì hay, riêng có điểm này, tôi thấy tinh thần của ông rất gần gũi với đạo Phật.

Steve là người đã khai sinh ra ngành máy tính cá nhân và Steve cũng là người đã hủy diệt nó. Với iPhone, iPad... máy tính cá nhân bỗng trở thành thứ gì đó nặng nề, cục mịch, quê mùa... Những thiết bị cầm tay nhỏ nhắn rồi sẽ bào mòn thị trường máy tính cá nhân bởi bản thân chúng đã là một thế giới hoàn hảo của những ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm số.

Với tư cách là nhà sáng tạo, Steve đã tự hủy diệt chính mình, tự hủy diệt những đứa con tinh thần của mình bằng cách cho ra đời những đứa con khác để rồi lại hủy diệt nó đi….

“Cái chết có khả năng là phát minh duy nhất của cuộc sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới…” Steve Jobs đã khẳng định điều ấy trong bài phát biểu súc tích ở trường Đại học Stanford năm 2005.

Vòng tròn sinh diệt ấy không bao giờ ngừng lại và đây là điểm mấu chốt: Steve bất tử bởi ông chưa bao giờ cho phép mình ngừng lại trên con đường kiếm tìm sự hoàn hảo, không có gì bất tử ngoài sự tiếp nối không ngừng và chỉ có sự tiếp nối không ngừng mới đem lại sự bất tử mà thôi...

Khánh Duy

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Kỳ 2: Tắm Thổ “thật” và màn “tra tấn” với già Thổ

“Tắm Thổ với các cô gái mặc bikini như vậy không phải kiểu truyền thống đâu. Muốn biết tắm Thổ truyền thống như thế nào phải lên Istanbul.” Ilknuk, người dẫn đoàn du lịch giải thích lại một lần nữa.

Hóa ra, chúng tôi vẫn chưa biết thực sự thế nào là tắm Thổ. Càng tò mò, rà lại Lonely Planet, chúng tôi ghi ra tên Nhà tắm Thổ truyền thống nổi tiếng nhất Istanbul và quyết tâm đi tắm một lần nữa.

Cemberlitas Hamami
Vezirhan Cad. No: 8 – 34120

Quá tình cờ, Nhà tắm Thổ Cemberlitas ở ngay khu phố cổ trung tâm Istanbul, đường Divanyolu, đối diện Cây cột Vòng Constantine nổi tiếng. Vào năm 1584, kiến trúc sư hoàng gia Sinan đã xây nhà tắm này dưới sự ủy nhiệm của Nurbanu Sultan, vợ của Hoàng đế Selim II. Nhà tắm này đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Mehmed Pasa và ngay sát Lăng Hoàng đế Mahmud II.

“Nhà tắm lại ngay sát Nhà thờ?” Có cái gì bất thường ở đây khi người ta sắp đặt một công trình thánh thiêng bên cạnh một nhu cầu “trần tục” của con người là tắm rửa. Hay đó là sự lập dị chỉ có ở Cemberlitas? Bạn đã nhầm, các nhà tắm Thổ (Hamam) trong văn hóa Ottoman thường được coi như một thành tố kiến trúc phụ trợ nhưng quan trọng trong Nhà thờ Hồi giáo. Theo thời gian, chúng nhanh chóng trở thành những công trình độc lập và hơn thế nữa, thành những kiến trúc hoành tráng. Cemberlitas là một trong số đó.

Chúng tôi tách đoàn và nhảy vào nhà tắm Thổ Cemberlitas vào quãng cuối giờ chiều. Nhà tắm đông như hội, biển ngoài chỉ rõ: nhà tắm mở cửa từ 6h sáng cho tới nửa đêm. Hamam này như các loại hình Nhà tắm khác từ La Mã không chỉ dành cho đàn ông. Quần thể Cemberlitas bao gồm những khu riêng cho nam và nữ.

“Nam nữ không tắm lẫn lỗn nhưng người tắm cho chúng tôi là nam hay nữ?” Anh bạn tôi hỏi đùa cô bán vé.

“Nam tắm cho nam và nữ tắm cho nữ.”

Hết chuyện, lần này không còn cô Nga nào tắm cho chúng tôi nữa. Dẫu sao thì chúng tôi cũng trả 59 Lira Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 40 đôla Mỹ để bước vào trong cánh cửa của nhà tắm Thổ. Một không gian hai tầng bằng gỗ được xây như kiểu Tứ Hợp Viện Trung Quốc, 4 mặt đều là ban công và các phòng thay đồ, ở giữa là sảnh lớn lớn nhộn nhịp người qua kẻ lại...

Một người đàn ông chờ chúng tôi ở ngay sảnh để phát khăn tắm và một hộp nhỏ chứa găng tay. Anh này dẫn chúng tôi lên một phòng ở tầng 2 để thay đồ.

“Khi bước chân vào khu nhà tắm này, bạn được chào đón bằng một không gian hoài cổ, nơi thời gian như trôi ngược về quá khứ....” Tôi đọc nhanh mấy dòng chữ trên tờ rơi giới thiệu về Nhà tắm. Cuối cùng, cái cảm giác trôi về quá khứ Ottoman ấy cũng đến khi chúng tôi được dẫn vào phòng tắm nóng.

Tương tự như nhà tắm kiểu La Mã, một Hamam truyền thống có 3 phòng chính liên thông nhau, caldarium (phòng nóng), tepidarium (phòng ấm) và frigidarium (phòng lạnh).

Phòng nóng là trung tâm của Nhà tắm Thổ và chỉ khi bước vào đây với một chiếc khăn duy nhất quấn trên người, chúng tôi mới được trải nghiệm thật sự thế nào là tắm Thổ. Tắm Thổ Nhĩ Kỳ hay còn gọi là Hamam là một biến thể của tắm hơi, xông hơi và tắm kiểu Nga, nhưng chú trọng nhiều hơn tới sử dụng nước để phân biệt với tắm hơi truyền thống.

Kiến trúc của Phòng nóng mang đặc trưng Hồi giáo Ottoman và được giữ nguyên như 5 thế kỷ trước. Một căn phòng rộng, hình tròn với mái vòm như mọi nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul. Điểm khác biệt chỉ là, người ta đục hàng trăm lỗ nhỏ trên mái để tạo ra hàng trăm tia sáng tự nhiên chiếu xuống phòng tắm. Giữa ánh sáng mờ ảo như thế, hàng chục người đàn ông nằm la liệt trên một tảng đá cẩm thạch lớn được đặt giữa phòng. Một số ngồi cạnh các bệ nước nhỏ gắn chặt vào hốc tường xung quanh căn phòng.

Một ông già Thổ người gày đét như La Hán chỉ cho chúng tôi một chỗ trên phiến đá tròn cẩm thạch khổng lồ ấy. Chúng tôi nằm xuống phiến đá, gối đầu lên một chiếc bát sắt và cảm nhận sức nóng rát khắp toàn thân. Phiến đá nóng này nhằm mục đích giúp cơ thể bạn được thư giãn, mở hết các lỗ chân lông và toát mồ hôi một cách tự nhiên. Chúng tôi thả lỏng cơ thể để cảm nhận hết sức nóng, nhìn lên những tia sáng đục chiếu qua đỉnh mái vòm. Hàng trăm năm trước, những hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng được tắm như thế và bây giờ với 40 đôla Mỹ, chúng tôi đã có được cảm giác như họ.

20 phút thư giãn trôi qua và ông già người Thổ đến dựng chúng tôi dạy để bắt đầu màn tắm. Kỳ cọ bằng găng tay nhám, massage toàn thân, giội nước nóng ùm ụp và thổi xà phòng khắp người, lần này cũng khác bao nhiêu so với kiểu tắm cùng các cô gái Nga. Chỉ có điều, khác với bàn tay mềm mại lần trước, bàn tay của các ông già Thổ như gọng kìm miết khắp cơ thể chúng tôi.

Đau quá, tôi kêu oai oái và mấy lần yêu cầu nhẹ tay. Có lúc, tôi tưởng bị chuột rút khi bàn tay cứng như sắt của ông già ấn vào hai bắp chân. Những người xung quanh lại có vẻ rất khoan khoái với màn tẩm quất như “tra tấn” này. Tắm Thổ truyền thông là như thế, một sự kết hợp kỳ lạ giữa xông xơi, tẩm quất và tắm thông thường, ngay giữa những di sản của đế chế một thời oanh liệt.

Không thấu hiểu hết những di sản lịch sử ấy thì việc tắm Thổ mất đi nhiều ý nghĩa. Từng dụng cụ tắm đang được sử dụng đều mang dấu ấn của lịch sử từ thời La Mã, loại khăn chúng tôi cuốn quanh cơ thể là peştemal làm bằng lụa hoặc cotton, nalın một loại guốc gỗ để tránh bị trơn trượt trong phòng tắm, kese là chiếc găng tay nhám để kỳ cọ cơ thể.

Trong giai đoạn thịnh trị của đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông thường, nhân viên tắm Thổ thường là những thanh niên trẻ có đủ sức khoẻ giúp khách hàng massage và kỳ cọ cơ thể. Những thanh niên này thường không phải người Hồi giáo, có thể là Do Thái, Hy Lạp, La Mã hay Armenia. Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ 20, những người đứng tuổi như ông già La Hán tắm cho chúng tôi mới thay thế thanh niên trong vai trò ấy.

Màn xông hơi, kỳ cọ, massage toàn thân ở phòng nóng dừng lại, chúng tôi được đưa ra phòng ấm để tắm tráng với xà phòng và nước. Tráng gội xong những tưởng đã đến lúc kết thúc, người hướng dẫn lại đẩy chúng tôi vào phòng nóng để nằm lên phiến đá một lần nữa. Lần toát mồ hôi thứ hai giải phóng nốt toàn bộ những mệt mỏi cuối cùng ra khỏi cơ thể.

Tắm tráng một lần nữa, chúng tôi được đưa trở ra phòng lạnh để thư giãn. Sảnh gỗ bốn mặt nơi chúng tôi bước vào đầu tiên chính là phòng lạnh theo quan niệm truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ. Một cốc cam tươi lạnh hoàn toàn nguyên chất cho chúng tôi cảm giác sảng khoái trọn vẹn. Xung quanh, những khách tắm vẫn tấp nập đi lại như trảy hội.

Chúng tôi bước ra khỏi nhà tắm Thổ truyền thống với một tinh thần thoải mái và tươi trẻ hơn nhiều so với trước khi bước vào. Tắm Thổ có giá trị nhiều hơn việc làm sạch cơ thể, đó còn là biện pháp thư giãn và tập thể dục. Chưa hết, trong lịch sử huy hoàng của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, nhà tắm Thổ không chỉ là nơi tắm rửa mà còn được coi như một trung tâm xã hội. Đó là nơi gặp gỡ bạn bè, vui chơi giải trí (nhảy múa, ăn uống, đặc biệt trong khu phụ nữ), lễ hội (như trước đám cưới, lễ tết, thôi nôi). Vì thế, mô hình này nở rộ khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đế chế Ottoman thịnh trị.

Nơi nào trên thế giới con người chẳng tắm rửa, chỉ có ở Thổ Nhĩ Kỳ, những giá trị nội tại và giá trị gia tăng của hoạt động này mới được nâng lên thành một thứ văn hóa, một di sản văn hóa đích thực. Di sản ấy đã mang lại doanh thu rất lớn cho du lịch Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm.

Khách du lịch may mắn khi được tắm theo nghĩa đen giữa những di sản của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ còn may mắn hơn, họ được hưởng lợi nhờ “tắm” giữa những di sản văn hóa giàu có cha ông để lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Duy Khánh

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Kỳ 1: Tắm Thổ hụt và tắm Thổ với “tiên Nga”


“Chúc đi vui vẻ, nhớ đi tắm Thổ nhé.” Chúng tôi nhận được tin nhắn của anh bạn trước khi lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tắm Thổ (Turkish Bath) hay nói rõ hơn là đi tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là điều đầu tiên trong 10 điều phải làm ở Thổ Nhĩ Kỳ theo nhiều trang website và sách hướng dẫn du lịch. “Tiếng lành đồn xa” càng làm chúng tôi tò mò. “Sang tới Thổ, rất khoát phải đi tắm Thổ!” Chúng tôi đã bàn bạc kỹ với nhau như vậy.

Điểm dừng chân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ là một khu vực có kiến tạo địa chất bởi núi lửa có tên Cappadocia. Trên con đường quanh co của thị trấn, Ilknuk, người dẫn chương trình có chỉ cho chúng tôi một tòa nhà mái vòm nhỏ nhắn và cũ kỹ với tấm biển: “Turkish Bath” ở ngoài. “Đó là một nhà tắm Thổ, nhưng tôi không chắc về chất lượng, lên Istanbul hãy đi tắm thì tốt hơn.” Ilknuk nói.

Quá sốt ruột vì tò mò, chúng tôi muốn thử luôn ở Cappadocia. Nhưng khách sạn chúng tôi ở lại khá xa trung tâm thị trấn nơi có nhà tắm Thổ. Đành ngậm ngùi chờ khi lên tới Pamukkale, một trung tâm tắm suối nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi hỏi lễ tân khách sạn xem có thể tắm Thổ ở đâu thì được trả lời: “Ngay trong khách sạn cũng có tắm Thổ, miễn phí, xin mời các bạn.”

Oa, như bắt được vàng, cả nhóm 4,5 người chúng tôi ùa vào một cánh cửa nhà tắm Thổ của khách sạn. Một căn phòng bằng đá cẩm thạch cỡ 15 mét vuông với một chiếc bàn đá cao khoảng chưa tới một mét nằm chềnh ềnh giữa phòng, chiếm 2/3 diện tích. Xung quanh căn phòng là 4 kệ đá nhỏ chứa nước và một số xô chậu. Căn phòng đá trắng được thiết kế theo kiểu cổ khá đẹp nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người người hướng dẫn.

“Tắm Thổ kiểu gì thế này, tắm như thế nào bây giờ?” Chúng tôi hỏi nhau và kéo ra ngoài hỏi ông bạn lễ tân thì nhận được câu trả lời: “Các bạn cứ vào đó tự tắm. Nếu muốn có người tắm cho thì mất 30 đôla Mỹ. Nhưng hôm nay cũng hết ca rồi, phải đợi tới ngày mai.”

“Tự tắm! Tắm Thổ là thế này á, hay là vào đó tắm cho nhau.” Đùa chán, chúng tôi lục tục rời khỏi phòng tắm Thổ để lên phòng “tự” tắm bồn.

Lần tắm hụt thứ nhất làm tăng thêm nỗi tò mò “tắm Thổ” của chúng tôi. Không đợi lâu hơn nữa, vừa tới khách sạn ven biển ở thành phố Kusadasi, chúng tôi đã hẹn nhau, 6h30 tập trung ở sảnh để đi tắm Thổ.

Trung tâm tắm, xông hơi và massage kiểu Thổ Nhĩ Kỳ của khách sạn nằm ngay ở tầng trệt. Sau khi “đóng học phí” 20 đôla mỗi người, chúng tôi được phát một chiếc khăn tắm để quấn quanh người và bị “lùa vào một phòng xông hơi tập thể. 2 “bà chị” đi cùng đoàn cũng bị lùa chung vào căn phòng xông hơi lổn nhổn cỡ chục đàn ông đóng mỗi chiếc “khố” nhỏ quanh người như thổ dân Châu Phi ấy.

“3 người đầu tiên đi theo tôi.” Người hướng dẫn vào phòng xông hơi gọi và 3 thằng đàn ông chúng tôi lẽo đẽo theo anh ta vào một phòng tắm. Căn phòng đá cỡ 20 mét vuông có trang trí y hệt phòng tắm ở khách sạn trước. Một chiếc bàn đá cẩm thạch hình lục lăng nằm giữa phòng và xung quanh là 4 bể nước đá. Lần này khác ở chỗ, 2 cô gái xinh xắn, trắng muốt chỉ mặc bikini đứng chờ sẵn ở đó. Chính xác hơn là các cô cũng quấn ngang hông một lớp khăn dài hơn gang tay y hệt chúng tôi. Phía bên kia, một gã đàn ông râu quai nón cao to lực lưỡng cũng quấn ngang hông một mảnh khăn tương tự.

A lê hấp!

Mảnh khăn mỏng quanh người chúng tôi nhanh chóng bị hai cô “phù phép’” biến đi đâu mất. Trong khi chúng tôi còn đang ngượng nghịu lấy tay che thì các cô đã ra lệnh ngồi xuống và múc nước từ kệ đá đổ ùm ùm lên người chúng tôi. Chúng tôi còn mải cười như như nắc nẻ với cái cảnh “mẹ tắm cho con” này thì anh bạn còn lại đang cãi nhau với gã Thổ đô vật cởi trần. Gã định “đè” anh ra tắm nhưng anh dứt khoát không chịu bởi nhìn sang thấy cảnh được “em út” tắm cho như chúng tôi sướng hơn. Cuối cùng, gã Thổ đành để cho bạn tôi ngồi một góc chờ đến lượt hai mỹ nhân kia tắm cho.

Đổ nước chán lên người chúng tôi, hai mỹ nữ một người Thổ, một người Nga ra lệnh cho hai chúng tôi nằm xuống. Chúng tôi vừa nằm sấp thì lại được ra hiệu phải nằm ngửa. Hai mỹ nhân lấy chiếc khăn cũ vo vo lại thành một mảnh bé tí ti rồi đặt lên “điểm cần thiết” trên người chúng tôi. Cả hai chúng tôi vẫn nằm nhìn nhau cười “như được mùa” làm hai mỹ nhân cũng cười theo. Hai cô lấy một cái khăn thô như xơ mướp đeo vào bàn tay rồi bắt đầu kỳ cọ khắp người chúng tôi như người ta đánh giấy ráp cho đồ gỗ.

Chưa hết cơn cười thì cánh cửa phòng tắm lại mở, hai nhân nữa trong đoàn bước vào, một nam một nữ. Chị nữ vội vã hét lên đòi ra khi nhìn thấy cảnh tượng “tồng ngồng” trong phòng tắm.

“Ủa sao lại tắm chung nam nữ thế này, nữ phải có phòng tắm riêng chứ.”
“Không có riêng tư gì hết, ở đây là unisex, không đọc biển báo à, không phân biệt giới tính.” Chúng tôi trả lời.

Gã Thổ to con kiếm được khách thích quá vội vã kéo ngay chị nữ vào tắm cho. Chị cũng được đặt nằm như xác ướp ngay cạnh chúng tôi, anh chàng còn lại cũng ra ngồi góc như anh trước để đợi tới lượt “tiên tắm” hay “tắm tiên” cũng được.

Trong lúc đó, hai cô gái đã lấy đâu ra cái xô trắng như xô nước rửa xe máy ở Việt Nam. Hai cô vục vào đó một cái khăn vải rất dài và khi rút khăn ra, toàn bộ tấm khăn đẫm nước xà phòng. Nhoằng một cái, không hiểu các cô kéo tấm khăn kiểu gì, một tầng bọt xà phòng dày tới ba chục phân đã trải lên người chúng tôi. Các cô bắt đầu xoa khắp người chúng tôi như massage.

“Như rửa xe.”
“Giữ cẩn thận cái nhẫn. Không nó kỳ cọ một hồi ra không thấy nhẫn đâu.”
“Hỏi các cô này xem mình tắm cho các cô ý thì hết bao nhiêu tiền.”

Hai ông bạn ở ngoài vừa nhìn chúng tôi “được” tắm vừa châm chọc. Được thể, chúng tôi tôi cũng kêu la để trêu tức: “Sướng quá, phê quá, tắm Thổ có khác.” Anh bạn tắm cùng còn vờ nắm tay cô gái và bị cô phát đùa vào tay. Cả phòng tắm nam nữ lộn xộn, vui như họp chợ, lời qua tiếng lại rôm rả như đánh tổ tôm.

Khi chúng tôi vẫn chưa dứt được cơn cười thì lại nhận chỉ thị của hai cô phải nằm sấp, một lớp bong bóng xà phòng nữa lại đổ ụp lên người chúng tôi và lại là những cơn cười.

“Thế ngày nào em cũng làm ở đây à?”
“Vâng” Cô gái Thổ tắm cho chúng tôi bập bẹ mãi mới trả lời được, không biết tiếng Anh của cô kém hay cô “giả vờ”kém.

Màn tắm tiếp tục bằng pha gội đầu bằng thứ xà phòng Thổ Nhĩ Kỳ và kết thúc bằng màn tắm tráng. Thời gian tắm quảng cáo 30 phút sao mà trôi nhanh thế. Chúng tôi được thay cho một chiếc khăn quấn người mới và mời ra nằm thư giãn ở một giường xa lông bên ngoài. Không hiểu xà phòng gội đầu kiểu gì, tóc chúng tôi vẫn bết vào như 3 ngày chưa gội.

“Thôi cũng đã, phê phết, biết thế nào là tắm Thổ.” Chúng tôi bảo nhau.

Hóa ra, cái sự tắm Thổ nó vẫn không đơn giản thế….

Duy Khánh

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Trò hắc ám News of The World và sự tha hóa của báo chí


Bê bối New of The World không phải là một con sâu bỏ rầu nồi canh. Nó là phần nổi của một tảng băng chìm bấy lâu không được biết tới công khai bởi nỗi e ngại xâm phạm tới quyền lực và sự tự do của báo chí.

Nick Davies, phóng viên tự do của tờ The Guardian (Anh), là người đã phanh phui vụ bê bối nghe lén của tờ News of The World bằng một loạt những bài viết vạch trần cách thức tờ báo lá cải này xâm phạm trái phép các thông tin riêng tư của nạn nhân.

Một sự trùng hợp tình cờ, thời điểm vụ News of The World nổ ra cũng là thời điểm cuốn sách nổi tiếng nhất của Nick Davies được xuất bản tại Việt Nam. “The Flat Earth News”, cuốn sách gây chấn động được Nick Davies viết 3 năm trước vừa được công ty Nhã Nam phát hành dưới tựa “Tin tức trái đất phẳng”.

Trái đất thì tròn nhưng báo chí lại đồng loạt đưa tin là nó phẳng. Mượn hình ảnh một nghịch lý hiển nhiên, Nick Davies đã viết 500 trang sách chỉ để phơi bày sự lệch lạc của nền báo chí toàn cầu. Một nguyên tắc trong ngành báo: “Chó không ăn thịt chó”, các nhà báo phê phán người khác nhưng sẽ không phê bình lẫn nhau. Lần này, Nick Davies đã “bước qua lời nguyền” ấy để làm một cuộc phẫu thuật vào gan ruột báo chí.

Ca mổ đã phanh phui ra 3 căn bệnh lớn của báo chí: sự dốt nát trong các phòng biên tập tin tức dẫn tới việc đưa tin sai có hệ thống, sự tác động của PR vào báo chí làm biến dạng sự thật và cuối cùng, căn bệnh liên quan trực tiếp tới sự sụp đổ của News of The World. Tên của nó là “Nghệ thuật hắc ám”.

“Nghệ thuật hắc ám”

“Nghệ thuật hắc ám” là gì? Đó đơn giản là những cách thức phi pháp và đen tối mà nhà báo sử dụng để có được những thông tin riêng tư và bí mật. Vụ nghe lén điện thoại của các phóng viên News of The World là một ví dụ điển hình. Rất tiếc, đó không phải là tất cả.

Ai là người thường có thông tin riêng tư và bí mật: cảnh sát. Ai là người cần nó: nhà báo. Cầu nảy sinh cung và họ phải gặp nhau ở một thị trường mà Nick Davies gọi là thị trường chợ đen thông tin. Ban đầu, nhà báo “mua” cảnh sát để có những tin tức và dự liệu riêng tư. Sợ bị lộ, về sau, họ “mua” qua các “cò” thông tin, người đứng ra thay họ điều đình với cảnh sát và những người có thông tin. Trò “hắc ám” phát triển tiếp với việc nhà báo thuê thám tử tư và những kẻ moi tin chuyên nghiệp để có được những gì họ muốn.

Các thám tử được báo chí thuê đã sử dụng những nghiệp vụ của an ninh để xâm phạm đời tư của cả những nhân vật nổi tiếng, tai to mặt lớn ở Anh Quốc. Bằng đủ mọi cách, “cài phần mềm gián điệp” trong ổ cứng máy tính của đối tượng, “lắp một bức tường gương” vào máy tính để sao chép mọi thư điện tử ra vào, nghe trộm điện thoại từ mọi máy cố định và di động…

Đó là toàn bộ quá trình vận hành của thị trường thông tin “hắc ám”. Hài hước hơn cả là chuyện những kẻ moi tin chuyên nghiệp sáng sáng đi lục trộm thùng rác nhà các VIP để hi vọng tìm được thứ gì đó khả dĩ có thể xào thành tin lá cải cho buổi sáng hôm sau…

Cuốn sách của Nick Davies cho chúng ta 2 góc nhìn sâu vào vụ News of The World. Thứ nhất, đây không phải là vụ việc mang tính thời điểm, nó là một xu hướng đã kéo dài suốt 30 năm qua trong báo chí Anh Quốc, khởi nguồn từ thập niên 80. Thứ hai, đây không chỉ là câu chuyện của News of The World, những trò hắc ám tương tự đã lan rộng trong toàn bộ hệ thống báo lá cải và cả báo chính thống.

2 góc nhìn dẫn tới 1 kết luận: Bê bối New of The World không phải là một con sâu bỏ rầu nồi canh. Nó là phần nổi của một tảng băng chìm bấy lâu không được biết tới công khai bởi nỗi e ngại xâm phạm tới quyền lực và sự tự do của báo chí.

Tha hóa tuyệt đối


“Những tổ chức này tồn tại để kể sự thật, vậy mà lại thường xuyên nói dối về bản thân mình. Nhiều tổ chức báo chí là những người lớn tiếng nhất trong việc kêu gọi tôn trọng pháp luật và trật tự, kêu gọi trừng trị mạnh tay với tội phạm, có biện pháp mạnh hơn đối với hành vi chống lại xã hội, trong khi đó, chính họ lại thoải mái hối lộ, tham nhũng và đánh cắp thông tin bảo mật…”

Nick Davies viết về trò “đạo đức giả của báo chí”. Báo chí vẫn ra rả câu nói: Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Chính vì thế, vai trò của nó là kiểm soát và cân bằng các quyền lực khác để ngăn chặn sự tha hóa ấy. Nhưng cuối cùng, chính báo chí cũng vấp phải một nghịch lý chưa lời đáp: ai sẽ quản lý các nhà quản lý. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, quyền lực tuyệt đối của báo chí có dẫn nó tới sự tha hóa tuyệt đối như bản thân mọi quyền lực khác.

Các nhà báo thường trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cha đẻ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Thomas Jefferson: “Nếu phải lựa chọn giữa một chính phủ không có báo chí và báo chí mà không cần chính phủ, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái sau.” Câu nói ấy minh họa cho tầm quan trọng quyết định của báo chí trong một xã hội dân chủ.

Thomas Jefferson đã nói câu ấy vào năm 1787, 14 năm trước khi ông trở thành vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Khi đã trở thành Tổng thống, chịu không ít búa rìu dư luận, ông nói một câu chẳng nhà báo nào thích dẫn: “Những người không đọc gì còn có giáo dục hơn những người không đọc gì, chỉ đọc báo.”

Sự giận dữ đối với báo chí của người khai sinh ra “Đế chế Tự Do” Hoa Kỳ từ 300 năm trước cho thấy khía cạnh tích cực: báo chí đã thể hiện quyền lực thứ 4 của mình mạnh tới mức khiến một Tổng thống cũng không thể yên thân. Nhưng sẽ ra sao nếu hiểu theo cách tiêu cực, báo chí đã lạm dụng quyền lực tự do của mình để phê phán mù quáng và xâm phạm sai trái lợi ích của người khác?

Câu hỏi ấy cần sự phân định rõ ràng bởi đúng như câu nói của Joseph Pulitzer mà Nick Davies đã dùng để kết thúc cuốn sách của mình: “Một nền báo chí bất cần đạo lý, đánh thuê, mị dân, tha hóa sẽ dần tạo ra một dân tộc như chính nó.”

Khánh Duy

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

“Ngợp” trong thành phố lớn thứ hai thế giới thời La Mã





Trải qua 3000 năm lịch sử, sự rộng lớn và tinh xảo của những phế tích ở Ephesus còn khiến du khách bị ngợp hơn cả khi thăm những phế tích của cả Hy Lạp lẫn La Mã cổ đại ở Athens và Rome.

Dấu tích còn lại của nền văn minh Hy Lạp là thành cổ Acropolis ở thủ đô Athens và dấu tích của văn minh La Mỹ là khu vực Quảng Trường La Mã ở Rome. Nhưng cả hai địa danh lịch sử ấy đều đã chỉ còn là những cột đá ngổn ngang và đổ nát trong hoang phế. Thật bất ngờ, dấu vết “hoành tráng” của văn minh của Hy Lạp và đặc biệt là La Mã lại không phải ở nơi khai sinh ra nó mà lại ở khu vực gần thành phố biển Kusadasi, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm của toàn bộ khu vực ấy là một thành phố cổ có tên Ephesus, toàn bộ khu khảo cổ Ephesus trải dài trên một con đường 3Km với nhiều phế tích của các Cung điện, Nhà tắm, Quảng Trường, Đại lộ, Khu chợ, Nhà hát lớn, Sân Vận động và thậm chí cả những Nhà vệ sinh công cộng từ thời La Mã.

Không di sản La Mã nào trên thế giới còn lưu giữ được lại rộng lớn hơn về quy mô như ở Ephesus. Vào thời kỳ đế chế La Mã hưng thịnh, Đây là thành phố La Mã lớn thứ hai chỉ sau Rome và cũng là thành phố lớn thứ hai thế giới thời kỳ đó.

Tuy thế, lịch sử của Ephesus không bắt nguồn từ La Mã mà khởi thủy xa hơn thế. Ephesus là vùng đất được tìm thấy đầu tiên bởi người Amazon và sau đó nhiều bộ lạc địa phương như Carian và Lelegean đã sinh sống tại đây. Tuy nhiên, giữa những bộ lạc sinh sống tại khu vực duyên hải phía Tây này lại hoàn toàn không có sự thống nhất ngay cả về mặt ngôn ngữ dẫn tới việc Ephesus rơi vào tay người Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên.

Thành phố này đã nổi tiếng từ thời thời cổ đại bởi có Ngôi đền thờ thần Artemis nổi tiếng, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Vào thế kỷ thứ 3, Alexander Đại Đế thống trị Hy Lạp và Châu Âu. Vị Hoàng Đế này chiếm được Ephesus vào năm 334 trước Công nguyên và đưa thành phố này vào kỷ nguyên vàng trong lịch sử của nó với dân số lên tới 300 000 người. Năm 130 trước Công nguyên, người La Mã chiếm được toàn bộ khu vực Tiểu Á và thành phố Ephesus trở thành thủ đô cũng như đô thị lớn nhất Tiểu Á với dân số lên tới 200 000 người.

Nằm ngay dưới chân những quả đồi thấp và ở một khu vực địa lý sát bờ biển, miền đất Ephesus trù phú và phì nhiêu với khí hậu luôn mát mẻ và trong lành. Miền đất lành ấy cũng là nơi chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của đạo Cơ Đốc. Không xa so với Israel nơi Chúc Jesus đã ra đời và phục sinh, hai tông đồ của ông là Thánh John và Thánh Paul đều đã dành phần nhiều thời gian của mình để tới đây thuyết pháp. Cơ Đốc giáo nhanh chóng trở thành tôn giáo chủ đạo ở Ephesus và người dân tụ tập quanh ngọn đồi Ayasuluk nơi Nhà thờ thánh John tọa lạc.

Đặc biệt nhất trên ngọn đồi ngay sát Ephesus còn có căn nhà nơi Đức Mẹ Maria tương truyền đã sống và qua đời. Căn nhà nhỏ giữa núi đồi ngân vang tiếng kinh cầu buổi sáng trong trẻo tạo cho du khách một cảm giác rất dễ chịu. Ephesus không chỉ là lịch sử, nơi đây xứng đáng được coi là một điểm du lịch hành hương tôn giáo đối với những người theo đạo Cơ Đốc.

Ephesus giảm dần kích thước lẫn dân số của nó cùng với đà suy vong của đế chế La Mã và trở thành một nơi hoang phế khi đế chế Ottoman bắt đầu thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy đã bị bỏ hoang hàng trăm năm, nhiều di tích quan trọng trong lịch sử kinh qua cả hai đế chế Hy Lạp và La Mã ở Ephesus vẫn giữ được hình hài tương đối so với những di tích tương tự trên thế giới.

Điển hình nhất trong số đó là Thư viện Celsus, điểm gần cuối trên con đường di sản Ephesus. Tòa nhà này được xây như một lăng mộ vĩ đại vào năm 117 trước công nguyên bởi quan chấp chính tối cao La Mã Julius Aquila nhân danh cha mình là Celsus Polamaeanus. Tòa nhà này về sau được sử dụng với cả chức năng hầm mộ lẫn thư viện nơi những cuộn giấy được lưu trữ trong những hốc tường. Mặt trước cổng Thư viện là 4 bức tượng nữ nhân biểu trưng cho 4 đặc điểm của Celcus: trí tuệ, đức hạnh, thông minh và học thức.

Trải qua 3000 năm lịch sử, sự rộng lớn và tinh xảo của những phế tích ở Ephesus còn khiến du khách bị ngợp hơn cả khi thăm những phế tích của cả Hy Lạp lẫn La Mã cổ đại ở Athens và Rome.

Duy Khánh

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bơi giữa những đổ nát ở "thành phố chết"





Một thành phố nơi người ta tới để được… “chết”, không phải để tự tử, bạn đừng nhầm, nơi ấy, người ta tới để trị liệu và làm dịu nỗi đau bệnh tật trước khi qua đời. Đó chính là thành phố cổ Hierapolis ở một khu vực thiên nhiên nằm ở tỉnh Denizli, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực thiên nhiên vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc Pamukkale hay Lâu Đài Bông.

“Thành phố chết” Khi người dẫn chương trình Ilknuk nói với chúng tôi chi tiết ấy, chúng tôi đã bật cười. “Tớ còn yêu cuộc sống lắm, chưa muốn chết.” Tôi quay sang đùa Ilknuk. “Không, một thành phố chết nhưng mọi người sống đều muốn đến. Ở đó có rất nhiều cô gái Nga xinh đẹp, các bạn sẽ thấy.”

Cuối cùng thì Pamukkale đã hiện ra, xóa đi đôi chút sự tò mò của chúng tôi, một mảng núi trắng lấp lóa trải dài như một dải lụa trong ánh sáng của những tia nắng cuối chiều. Cũng khá hùng vĩ nhưng chưa có gì ấn tượng, thị trấn khá vắng vẻ và yên ả. Cảm giác đầu tiên: một nơi lý tưởng để thư giãn và nghỉ ngơi hơn là du lịch.

Sự thực, nơi đây đã từng là nơi thư giãn hoàn hảo từ thời cổ đại chứ không phải bây giờ và chuyện người ta tới đây để “chết” là câu chuyện có thật của lịch sử. Nhưng đến với Pamukkale những ngày nay chỉ có khách du lịch chứ không phải bệnh nhân. Pamukkale có gì mà hấp dẫn tới vậy, câu trả lời đến với chúng tôi khi trực tiếp leo lên đỉnh núi để thăm quan thành cổ vào buổi sáng hôm sau.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khu du lịch Pamukkale là các suối nước nóng trên nền những dãy đá vôi lắng động hàng triệu năm bởi dòng chảy suối khoáng. Pamukkale có khoảng 17 suối khoáng với nhiệt độ từ 35 tới 100 độ C. Các suối khoáng trên nền đá vôi xếp tầng tầng lớp lớp trông rất ngoạn mục.

Các nhà sử học cho rằng các suối khoáng này chính là lý do khiến từ hơn 2000 năm trước, người dân đã về đây để tắm với mục đich thư giãn, làm dịu nỗi đau bệnh tật. Những bệnh nhân từ thời La Mã đã về đây tĩnh dưỡng và thậm chí qua đời khiến nơi này hiện còn rất nhiều những ngôi mộ. Cái tên thành phố chết xuất phát từ đó.

Tuy nhiên, giờ đây, thành phố chết lại trở thành một trung tâm du lịch sôi động xôn xao tiếng trẻ em và hình ảnh những cô gái mặc bikini từ khắp nơi, đặc biệt từ Nga và Đông Âu. “Không có mấy cô Nga mặc bikini tắm trên các suối khoáng lộ thiên này, Pamukkale mất một nửa giá trị.” Anh bạn đi cùng chúng tôi bình luận trên con đường “lội nước” men theo các lớp suối khoáng.

Mất tới 30 phút đi bộ bằng chân đất dọc theo lớp suối khoáng, chúng tôi trở ra và bắt đầu đi ngược lên khu thành cổ phía trên. Thành phố cổ Hierapolis được xây dựng ngay trên đỉnh của Pamukkale có chiều dài 2700 mét và chiều rộng 600 mét. Hiện có rất ít bằng chứng lịch sử về nguồn gốc của thành cổ này. Tuy nhiên, khi người La Mã chiếm được thành phố này vào khoảng thế kỷ 2 trước công nguyên, thành phố đã biến chuyển từ từ trở thành một thị trấn mang phong cách La Mã.

Người La Mã đã xây dựng ở thành phố này nhiều công trình quan trọng để phục vụ cho nhu cầu trị liệu bằng suối nóng ở đây bao gồm: nhà tắm kiểu La Mã, trường huấn luyện thể dục, một vài đền thờ và một khu phố chính với những hàng cột và đài phun nước. Đặc biệt là một nhà hát khổng lồ với sức chứa 15 000 chỗ ngồi. Những công trình chứng tỏ Hierapolis đã từng là một thành phố nổi bật dưới thời đế chế La Mã với dân số lên tới 100 000 người và thương mại phát triển mạnh.

Tuy nhiên, những trận động đất mạnh ở thế kỷ 7 và đặc biệt ở thế kỷ 14 đã phá hủy toàn bộ thành phố và chôn vùi nó dưới một lớp đá vôi dày. Những cuộc khai quật từ giữa thế kỷ 20 bắt đầu trả lại gương mặt đã mất cho Hierapolis. Những hàng cột của khu phố chính được dựng lại, nhiều ngôi nhà từ thời Byzantine được đào lên và một viện bảo tàng được xây trên nền Nhà tắm của La Mã cũ.

Du lịch tới Hierapolis quá phát triển vào cuối thể kỷ 20 khi những suối nóng ở đây trở nên nổi tiếng. Người ta bắt đầu xây dựng hàng loạt khách sạn hiện đại ngay trên đỉnh thành cổ, dẫn tới sự phá hại không nhỏ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

Những năm gần đây, những khách sạn này đã được dỡ bỏ, trả lại cho thành cổ sự yên tĩnh vốn có của nó. Tuy nhiên, bể bơi nước nóng của một khách sạn vẫn được giữ lại để du khách có cơ hội bơi trên những đổ nát của thành phố La Mã cũ. Khuôn viên của bể bơi La Mã ấy là một không gian “tiên cảnh” nơi những cô gái Châu Âu bơi tung tăng trên những phiến đá và cột đá vụn vỡ của cổ thành.

Bể bơi trên nền đổ nát được viền quanh bởi những cây trúc đào hồng rực ấy là điểm nhấn cuối cùng và ấn tượng bậc nhất cho mỗi du khách từng đặt chân tới Pamukkale.

Duy Khánh

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Miền đất được “vẽ” bằng phun trào núi lửa







Những thành phố được xây trên nền và dưới lòng đất đá và tro bụi núi lửa phun trào từ ít nhất 2 triệu năm về trước. Sự độc đáo ấy nằm ở một khu vực địa chất kỳ thú có tên Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.


Cappadocia không phải là một thành phố, chính xác đó là một vùng lãnh thổ nằm giữa các thành phố ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ như Aksasay, Nigde, Nevsehir và Keyseri. Vùng lãnh thổ có cái tên lịch sử Cappadicia ấy luôn là điểm đến ưu tiên của mọi tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bởi cấu tạo địa chất độc nhất vô nhị làm sững sờ mọi khách thăm.

Thành phố trên đá núi lửa


Đi vào Cappadocia là bạn đang đi trên một tầng đất đá, dung nham, tro bụi và cặn núi lửa còn sót lại từ hàng triệu năm về trước. Cấu tạo địa chất của kỳ quan thiên nhiên thế giới Cappadocia là kết quả của hai lực lượng tự nhiên đối nghịch. Lực lượng thứ nhất là những đợt phun trào của núi lửa từ khoảng Kỷ thứ 3, tức cách thời điểm chúng ta đang sống từ 50 tới 2 triệu năm. Lực lượng thứ hai là sự xói mòn lãnh thổ xảy ra sau khi các đợt phun trào của núi lửa đã kết thúc.

Núi lửa và xói mòn đã để lại một “bình nguyên” với những “cánh rừng” bạt ngàn. Không phải bình nguyên mang màu xanh hoa cỏ mà một bình nguyên vàng nhạt của đất đá núi lửa. Không phải một cánh rừng cây cối um tùm mà là một rừng của những cột đá hình tháp nhọn xếp lớp và trải dài mênh mông.

Lớp đất đá và dung nham phun trào từ núi lửa luôn mềm và dễ tạo hình hơn đất đá thông thường. Vì thế, ở Cappadocia, trong hàng ngàn năm qua, con người đã đẽo vào những đồi đá và cột đá để tạo thành nơi cư trú cho riêng mình. Những hốc nhà nhỏ xinh trong đá núi lửa là một đặc trưng lạ và hiếm của mảnh đất này.

Cao điểm nhất trong toàn bộ bình nguyên đá Cappadicia là Uchisar, hay còn được người dân ở đây gọi là Pháo đài. Đó là hai cột đá khổng lồ được viền quanh bởi những cột đá nhỏ hơn, trông giống một ngọn tháp. Người dân đã đào vào đá để cư trú trong ngọn tháp này suốt từ thời Byzantine cho tới thời Ottoman, tức khoảng 1500 năm. Họ tiếp tục sống như vậy và chỉ phải rời khỏi “ngôi nhà” của mình vài chục năm trước do đá bị xói mòn.

Cơ Đốc giáo trong lòng đá núi lửa


Thành phố cổ nhất của khu vực Cappadocia là Gorome, còn có tên là thành phố Macan trong quá khứ. Người bản địa sống trong những căn phòng được đào sâu trong núi đá và không gian thành phố được bao bọc bởi những lớp đá cao.

Điểm đặc biệt nhất của thành phố này là có rất nhiều nhà thờ trong hang đá, một cách để người bản địa theo đạo Thiên Chúa che giấu niềm tin của mình trước sự cấm đoán. Đa phần các nhà thờ ở Gorome đều nhỏ và chỉ có một phòng đơn, nhưng những bức họa về Đức Jerus và các điển tích Kinh thánh được vẽ trang trí cho thấy sự phát triển mạnh của Đạo Cơ Đốc ở khu vực này từ khoảng thế kỷ 7. Hiện chưa xác định rõ sự phát triển ấy kết thúc vào năm nào nhưng từ khoảng thế kỷ 11, rất ít nhà thờ mới được xây dựng. Với di sản địa chất, lịch sử và tôn giáo của mình, Gorome được gọi là “Bảo tàng mở ngoài trời” của Cappadocia.

Thung lũng của nấm bằng đá núi lửa

Nhưng di sản ngoài trời ấn tượng nhất ở Cappadocia phải là Thung lũng nấm. Cấu tạo nổi bật nhất ở đây là những hình nấm như trong cổ tích. Hàng loạt những cấu trúc nấm xếp liền nhau tạo thành những thung lũng nấm đẹp hùng vĩ.

Những hình nấm này chính là sản phẩm địa chất hình thành trong hàng triệu năm. Phun trào núi lửa đã tạo ra hàng loạt hình nón với đá tuff ở dưới và phủ bên trên là lớp đá magma bazan hoặc andesite. Lớp đá magma bazan có thể tạo thành những cột lớn hình nón hoặc tạo ra mỏm đá hình nón bên trên lớp đá tuff. Có những cột đá đội nón bazan cao tới 40 mét.

Theo thời gian, hiện tượng xói mòn bắt đầu làm mỏng đi lớp đá tuff mềm hơn phía dưới phần nón bazan cứng bên trên. Sự xói mòn này tạo ra những cột đá đội nón như những chiếc nấm tự nhiên độc đáo.

Thành phố ngầm dưới lòng đá núi lửa

Không chỉ đẽo đá trên mặt đất để cư trú, người Cappadocia còn đào xuống dưới lòng đất để tạo ra ra những thành phố ngầm, có khoảng 40 thành phố ngầm như thế liên thông với nhau.

Những thành phố ngầm này có 8 tới 9 tầng được đào sâu hơn 80 mét xuống lòng đất, chính xác hơn là được đào trên lớp đá tuff phun trào từ núi lửa. Những thành phố ngầm tạo ra một mê cung với hàng loạt những phòng ốc, đường đi hẹp và hệ thống dấn khí.

Các nhà sử học cho rằng người bản địa Cappadicia đã liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công và cướp bóc của người Ba Tư phương Đông và người Arập phương Nam từ thế kỷ thứ 7. Chính vì thế, họ đã phải xây những thành phố ngầm dưới đá núi lửa này để trú ẩn.

Thành phố ngầm Kaymakli mà chúng tôi tới thăm cách Nevsehir 20Km về phía Nam. Thành phố này dự tính được xây từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 trong thời gian bị người Ba Tư và Arập tấn công. Thành phố rộng tới 2,5 Km vuông với đầy đủ những phòng ở, nhà thờ, hầm mộ, kho chứa, nhà sản xuất rượu và phòng bếp.

Sự rộng lớn và kích thước đa dạng của các phòng ốc trong thành phố ngầm chứng tỏ nó đã là nơi trú ẩn của không ít người nhưng các nhà sử học vẫn khó xác định chính xác niên đại cũng như thành phần cư trú, bởi không hề có một hình vẽ nào trên các bức tường đá.

Lịch sử Cappadocia còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết, chỉ có một điều chắc chắn, lịch sử ấy đã được “vẽ” bởi những phun trào núi lửa. Chỉ điều ấy cũng đủ để mỗi năm 30 triệu lượt khách đổ về Thổ Nhĩ Kỳ không thể quên tới thăm Cappadocia.

Duy Khánh

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi”


“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi.” Những dòng tít trên chiếc standy giới thiệu về triển lãm “Ngai vàng của những ông hoàng” tại cung điễn Versailles nước Pháp làm người xem tò mò. Tại sao người Pháp lại trưng bày một triển lãm chỉ để đi tìm sự khác biệt giữa quyền lực và quyền uy?

Đó là thứ 3. Một ngày thường. Không vì thế mà cung điện Versailles vắng khách. Không có những di sản đặc biệt quý hiếm như Louvre, Versailles có những không gian hấp dẫn của riêng nó. Một giá trị gia tăng khác, từ ngày 1 tháng 3 tới 19 tháng 6 năm nay, những gian phòng của Versailles giành để trưng bày những chiếc ngai vàng từ khắp nơi trên thế giới.

Từ năm châu bốn biển, ngai vàng tụ tập cả về Versailles: ngai của lãnh tụ Inca ở Peru (Châu Mỹ) , ngai của vua Ghezo (vương quốc Dahomey) ở Benin (Châu Phi), ngai của Hoàng đế đào hoa Càn Long ở Trung Quốc (Châu Á), ngai của Louis XVI, ông vua bị đưa lên máy chém bởi cách mạng Pháp (Châu Âu)…

Đa dạng về không gian, đa dạng cả về thời gian. Chiếc ngai cổ nhất là của nước Marsch thuộc Đức thế kỷ thứ 5, rồi tới ngai của ông hoàng Dagobert nước Pháp thế kỷ thứ 7, gần đây nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khách 14 tháng 7 năm 2005…

Versailles đã mất công đi mượn từ các lâu đài, cung điện, bảo tàng ở khắp nơi trên thế giới để có được cuộc triển lãm kéo dài gần 4 tháng này. Cuộc triển lãm ngoài mục đích trình diễn “ngai vàng” để “mua vui” còn muốn đi tìm ý nghĩa thực của hai chữ “quyền uy” như cuốn sách giới thiệu về nó viết: “Từ Dagobert tới Pius VI, từ Hoàng đế Trung Quốc tới Sa hoàng Nga, những chiếc ngai bao giờ cũng đi đôi với uy quyền. Chế độ này hay chế độ khác, châu lục này sang châu lục khác, hình dáng có thể đổi thay nhưng chức năng của những chiếc ngai không hề thay đổi…”

Quyền uy ổn định, quyền lực mong manh

Hàng ngàn năm trước, người Hy Lạp cổ đại đã phân biệt giữa hai khái niệm mang tính bản chất cùng ám chỉ sự vận dụng quyền năng: quyền lực (power) và quyền uy (authority).

Quyền lực đi đôi với sức mạnh, một ông vua dùng sức mạnh để đàn áp người dân hay chiếm đoạt lãnh thổ của các quốc gia khác là một ông vua có quyền lực. Quyền lực thường biểu trưng bằng hình tượng đứng. Người “anh hùng” ấy sau trận thắng trở về thường đứng thẳng người để các thần dân xung quanh tung hô, hình ảnh đó tượng trưng cho sức mạnh của quyền lực. Xét về khía cạnh ổn định, quyền lực khá mong manh và rất dễ đổi thay.

Quyền uy cũng là một thứ quyền lực nhưng đi kèm với nó là một vị thế mang tính pháp lý và tinh thần lớn hơn. Chính vì thế, quyền uy có tính bền vững và chắc chắn hơn quyền lực. Quyền uy luôn đi kèm với hình tượng ngồi. Cảnh tượng ông vua ngồi trên chiếc ngai vững chãi và to lớn của mình mô tả đúng bản chất của hai chữ quyền uy.

“Khi cách mạng Pháp chấm dứt chế độ quân chủ, người ta đổi tên Quảng trường Ngai vàng thành Quảng trường Lật đổ Ngai vàng. Không giây phút nào trong lịch sử mà nền tảng và sức mạnh của biểu tượng ấy bị lãng quên. Khi Napoleon hồi phục lại nền quân chủ, ông ấy đã nhanh chóng tái lập lại những nghi thức và lễ lạt của nó trong đó có việc sử dụng lại ngai vàng đã bị xóa bỏ nhân danh sự bình đẳng trong Cách mạng.” Ông Jean Jacques Aillagon, giám đốc bảo tàng Versailles nói.

Những chiếc ngai vàng là biểu tượng hợp lý của quyền uy, không chỉ trong chính trị mà cả ở những lĩnh vực khác như tôn giáo hay tri thức. Quyền uy không chỉ mang tính “vật chất” mà tồn tại ở cả địa hạt tinh thần. Minh hoạ cho ý tưởng đó, bảo tàng Versailles không chỉ triển lãm ngai vàng của các ông hoàng mà còn triển lãm cả những bức tượng của các lãnh tự tôn giáo Đông Tây đang ngồi trên “ngai vàng” của mình. Bức tượng Phật ngồi bằng đồng Gandhara từ thế kỷ thứ 3 và bức tượng Đức Chúa Jesus năm 1230 đều được trưng bày lần này. Hai chiếc ngai thật của hai giáo hoàng Innocent X và Pius VI cũng được sắp xếp ở các vị trí quan trọng.

Quyền lực di chuyển, quyền uy đứng yên

Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là các “ngai vàng di động” như của Napoleong III, giáo hoàng Pius VII hay triều đại Habsburg cuối thế kỷ 18. Khi các ông hoàng phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, để đảm bảo vị thế uy nghi của mình, họ vẫn sử dụng những chiếc ngai di động được hầu cận khiêng vác hoặc đặt trên lưng những động vật to khoẻ như voi hay lạc đà.

“Quyền lực có thể di chuyển nhưng quyền uy thì luôn ngồi vững chãi. Làm thế nào để có thể tương thích hóa tính cố định và vững chắc của quyền uy với sự chuyển động của người nắm uy quyền. Cách thức đơn giản nhất là đặt họ lên những chiếc ngai di động. Như thế, bản chất ung dung và thường hằng của quyền uy vẫn được giữ vững.” Ông Jean Jacques Aillagon phân tích.

Quyền uy quan trọng đặc biệt với những bậc nguyên thủ. Trong lịch sử, khi tới Boulogne để chuẩn bị tấn công nước Anh, Napoleon đã mượn chiếc ngai vàng của hoàng tộc lâu đời nhất nước Pháp Dagobert nhằm chứng minh tính chính đáng trong quyền uy của ông. Những chiếc ngai thường được đặt trên bệ cao để chứng minh cho sự vượt trội và thống trị của nguyên thủ so với thần dân.

Quyền uy đích thực không cần biểu tượng hình thức

Điều ngạc nhiên là ngay ở Versailles nhưng chiếc ngai bạc của chủ nhân cung điện, ông vua mặt trời Louis XIV, lại không thấy đâu. Hóa ra, chiếc ghế bạc ấy đã được chính chủ nhân của nó ra lệnh đốt cùng với nhiều đồ bạc khác vào năm 1689 để trả chiến phí.

Được quyết định khởi công từ năm 1666 bởi Vua mặt trời, Versailles đã trở thành cung điện hoàng gia vĩ đại nhất thế giới và cũng là một trong số ít cung điện không có thành lũy. Vua Louis XIV đã xây hoàng cung giữa đồng trống, để chứng tỏ một đấng quân vương đủ quyền uy không cần đến hào và tường thành bảo vệ. Vua mặt trời được người đời ngợi ca là vị hoàng đế lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Pháp cho dù biểu tượng hình thức của uy quyền là chiếc ngai vàng ông cũng sẵn sàng để vứt nó đi.

Khánh Duy

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Bữa cơm gà với “trùm khủng bố” ở Palestine






Cuối cùng thì “tên khủng bố” cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, ngay ở cổng biệt thự của ông ở vùng ven thành phố Jericho. Xộc xệch trong chiếc áo phông xanh da trời và chiếc quần kaki đã cũ, Abu Sharif chào đón nhóm nhà báo Việt Nam bằng một nụ cười hài hài và hiền hiền trông rất giống Mr Bean….

Bassam Abu-Sharif. Thử google cái tên ấy, kết quả tìm kiếm bạn nhận được sẽ rất nhiều. Tiểu sử của ông trên Wikipedia, những bài trả lời phỏng vấn trên BBC, New York Times, Al Jazeera, những cuốn sách do Bassam viết trên Amazon… Một núi thông tin dễ khiến những người muốn tìm hiểu về ông nản lòng…

Vậy Bassam Abu-Sharif thực chất là ai? Đơn giản thế này, chúng tôi tạm giở cuốn sách “Arafat và giấc mơ của Palestine” mà Đại sứ Saadi đã tặng trước đó và dịch nguyên văn câu mở đầu ngay trên bìa gấp: “Bassam Abu Sharif là một trong những tên khủng bố khét tiếng và nguy hiểm bậc nhất trên thế giới vào những năm 60 và 70 của thập kỷ này….”

“Hôm nay, chúng ta sẽ tới nhà ăn cơm với Abu Sharif. Có bể bơi ở đó, các bạn có thể mang theo đồ bơi nếu muốn.” Đại sứ Saadi dặn dò. Đến nhà “trùm khủng bố” để ăn cơm và ....“bơi”. Thì đi, “In Sha’allah, Ma’alesh”, chúng tôi đã học được mấy câu cửa miệng của người Arập: “Nếu thánh Allah cho phép, không sao cả.”

Cuối cùng thì “tên khủng bố” cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, ngay ở cổng biệt thự của ông ở vùng ven thành phố Jericho. Xộc xệch trong chiếc áo phông xanh da trời và chiếc quần kaki đã cũ, Abu Sharif chào đón nhóm nhà báo Việt Nam bằng một nụ cười hài hài và hiền hiền trông rất giống Mr Bean.

“Abu Sharif là một người tôi vô cùng kính trọng về tinh thần đấu tranh, ông từng là cố vấn thân cận của Chủ tịch Arafat. Có những thời điểm ông được coi là nhân vật số 2 để thay thế Chủ tịch Arafat trong Tổ chức giải phóng Palestine PLO.” Đại sứ Saadi Salama giới thiệu.

Trùm khủng bố. Cố vấn cho Chủ tịch Arafat. Nhân vật số 2. Quá nhiều danh xưng và chúng tôi bắt đầu rối trí và tò mò về người đàn ông này. Chưa hết, Đại sứ Saadi lại dặn riêng tôi: “Chút nữa phỏng vấn, nhớ hỏi tại sao ông lại từ bỏ việc học ở Đại học Mỹ để đi theo con đường cách mạng nhé.” Cùng lúc, trợ lý của Abu Sharif đã đi xuống mang theo một chồng sách tặng chúng tôi, mỗi người hai cuốn với tựa “Điều đẹp nhất của những kẻ thù” và “Arafat và giấc mơ của Palestine.”

“Abu Sharif viết trực tiếp bằng tiếng Anh đấy, cả hai cuốn. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng. Ông từng đóng vai trò “Bộ trưởng Tuyên truyền” trong Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine PFLP.” Đại sứ Saadi giới thiệu tiếp.

Học giả lớn. Nhà cách mạng. “Bộ trưởng” nữa. Lại thêm những danh xưng nữa cho Abu Sharif. Quá nhiều để không biết gọi ông là gì? Chúng tôi liếc nhanh hai cuốn sách của Abu và đập vào mắt là một câu ghi ngay trên bìa của cả hai cuốn: “Người đàn ông này từng được tạp chí TIME gọi bằng cái tên “Gương mặt Khủng bố””

Rốt cục, “Gương mặt Khủng bố” cũng thanh thản ngồi xuống cạnh chúng tôi vẫn với nụ cười của Mr Bean, rất hài hước và hiền lành. Chỉ cho đến khi quan sát kỹ gương mặt ấy, chúng tôi mới thấy những dấu vết của “khủng bố” theo đúng nghĩa đen của nó. Gương mặt Abu Sharif đen sạm, lỗ chỗ, một con mắt bất động hoàn toàn và tai bên phải gắn kèm một nút nhựa trắng, có thể đó là chiếc máy nghe điếc.

“Tôi vẫn làm việc ít nhất 15 tiếng một ngày với chỉ một mắt mà chính xác ra là nửa mắt, và một tai chỉ có thể nghe được bằng nửa tai.” Abu Sharif tâm sự.

Người đàn ông chỉ còn “nửa mắt và nửa tai” bắt đầu nói bằng một thứ tiếng Anh sôi nổi, rõ ràng, chuẩn mực và cực kỳ logic. Dưới cặp kính nâu, không còn đôi mắt tinh anh nữa nhưng từ con người thương tật đầy mình ấy vẫn toát ra một “charisma”, một thần thái cuốn hút và hấp dẫn người khác của lãnh tụ.

“Nguy hiểm hơn bom tấn”


Năm 1967, Abu Sharif tốt nghiệp thạc sỹ tại Trường Đại học Mỹ ở Beirut, Lebanon. Đó cũng là thời điểm Israel chiếm đóng Jerusalem, Bờ Tây, Gaza, Sinai và Cao nguyên Golan. Dù đã có học bổng tới Canada, Abu Sharif từ bỏ con đường học thuật để tham gia cách mạng sau khi nhìn thấy những người Palestine tị nạn, “không nhà cửa, không tự do, không quê hương và không phẩm giá” ở Jordan.

“Tấm bằng tiến sỹ không đem đến cho tôi phẩm giá, không mang lại cho tôi Giấy chứng minh là một con người. Tôi quyết định chỉ có một con đường, đó là đấu tranh để giành lại tự do cũng có nghĩa là giành lại phẩm giá. Tôi muốn trở thành một chiến binh giải phóng cho Palestine cũng chính là giải phóng cho bản thân mình, trả lại cho bản thân giá trị của một con người đích thực.”

Abu Sharif bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về giai đoạn thanh niên của ông, giai đoạn ông đã dừng việc học tập để đồng sáng lập Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine (PFLP), một tổ chức chính trị theo khuynh hướng Marxist, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng là nền tảng phân tích.

PFLP đã thực hiện vụ “không tặc” Dawson’s Field chấn động thế giới năm 1970, khi “đánh cắp” đồng loạt 5 máy bay khởi hành từ các địa điểm ở Châu Âu và Trung Đông tới New York. Các máy bay này và con tin được đưa đến một địa điểm trên sa mạc ở Jordan, 310 con tin được thả ngay sau đó nhưng phi hành đoàn và các hành khách Do Thái gồm 56 người đã bị giữ lại. Abu Sharif lúc đó đóng vai trò Bộ trưởng Thông tin của PFLP đã ra tuyên bố: mục tiêu của cuộc không tặc này là “buộc Israel phải thả những tù nhân chính trị đang bị giam giữ để đổi lấy các con tin.”

Vụ không tặc đình đám này đã chụp lên đầu Abu Sharif cái mũ “Gương mặt khủng bố”. Không chỉ thế, vào một buổi sáng của năm 1972, một bưu kiện được gửi đến cho Abu Sharif. Ông mở nó ra và run lên vì mừng rỡ. Trong bưu kiện là cuốn sách về người anh hùng cách mạng Che Guevara của Châu Mỹ, một cuốn sách Abu Sharif đã chờ đợi biết bao lâu để đọc nó. Nhưng ông vừa mới lật trang thì phát hiện cuốn sách được khoét rỗng, bên trong chứa hai tuýp thuốc nổ màu nâu.

“Khoảnh khắc tiếp nối, tôi như cảm thấy bị rơi vào căn hầm sâu hút và tối tăm của sự im lặng kinh hoàng. Tôi nghĩ mình đang chết. Tôi cảm thấy cái gì đó ẩm ướt đang chảy ròng trên khuôn mặt và bàn tay tôi, đó là máu. Tôi cảm thấy con ngươi mắt phải của mình đang lủng lẳng dưới má như một giọt nước mắt to. Tôi chết lặng đi và sau đó là một cơn đau khủng khiếp...”

Đó là một cơn ác mộng mà Abu Sharif vẫn nhớ rõ từng chi tiết cho dù đã gần 40 năm trôi qua. Chàng trai 26 tuổi đã mất một con mắt, một bên tai và bốn ngón tay vì quả bom thư ấy. Khi được hỏi tại sao người ta lại muốn giết ông, Abu Sharif dựng thẳng người lên, nheo nheo con mắt còn lại đầy hài hước:

“Sao anh lại hỏi tôi, hãy đem câu hỏi ấy tới người phụ trách lực lượng Mossad của Israel lúc ấy chứ. Tôi cho anh tên và số điện thoại của ông ấy nhé. Ông ấy hiện là giám đốc một công ty ở Tel Aviv. Đã từng có lần, một số nhà báo Israel mời tôi tới ăn tối tại Tel Aviv. Họ nảy ra ý định gọi cả ông ấy tới để cho thế giới thấy hai kẻ thù xưa giờ đã bắt tay nhau. Ông ấy trả lời thế này: Ôi các nhà báo ngu ngốc, các bạn chưa hiểu Basam Abu Sharif là ai. Ông ta còn nguy hiểm với Israel hơn bom tấn. Nếu tôi có thể giết ông ta vào ngày mai, tôi vẫn sẽ làm như thế...”

“Gương mặt của hòa bình”


Basam Abu Sharif “bốc” một chiếc đùi gà vào đĩa của mình. Ông lặng lẽ ăn ngon lành như như thể không có ai ở xung quanh, ngây ngô và hiền lành như một đứa trẻ. Ông ăn bằng hai bàn tay với những ngón cụt lủn của mình. Bàn tay dù cụt lủn ấy vẫn chưa bao giờ ngừng viết những sự thật về cuộc xung đột trên quê hương mình. Basam Abu Sharif “nguy hiểm” bởi ngòi bút chứ không phải bởi “cây súng”, nhưng “trùm khủng bố” không bao giờ khuyên người Palestine buông súng:

“Chúng tôi phải tự giành lấy tự do cho mình cho dù phải giành lấy bằng đá. Nỗ lực để được Liên Hợp Quốc công nhận là một nhà nước độc lập trên danh nghĩa là có thể nhưng đó chỉ là một cuộc chơi chính trị. Nhưng trên thực tế, cần có một nỗ lực có tổ chức để chống lại và đuổi quân chiếm đóng khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Độc lập không phải cái được cho, đó là cái phải giành lấy. Người Việt Nam là một minh chứng cho điều đó...”

Basam Abu Sharif lấy lại cách nói chuyện “sục sôi” của mình sau giờ ăn trưa. Ông mang xuống một chai whiskey và bắt đầu uống. Nhà cách mạng lão làng này của Palestine là một người mê rượu, lửa cách mạng và men rượu sẵn trong máu của Abu Sharif bắt đầu tỏa mạnh hơn. Và chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa đó qua từng lời nói của Abu Sharif, dõng dạc và mạch lạc. Mỗi câu nói như một câu văn viết, đó là phẩm chất của nhà chính trị.

“Một ai đó vào nhà bạn, bắn súng vào con em bạn. Bạn có quyền giết anh ta. Tôi chờ đợi một cuộc nổi dậy. Người Palestine không cần phải nghe lãnh đạo nếu lãnh đạo của họ nói: Đừng chiến đấu. Không ai muốn bạo lực, nhưng tự vệ là quyền chính đáng của con người.”

Mỗi lời nói vang lên như một viên đạn trong căn phòng rất rộng ở biệt thự của Basam Abu Sharif.

“Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng thông minh và học thức nhất trong lịch sử thế giới. Tôi không cho rằng ông ấy là một chiến binh vì dân tộc Việt Nam, ông ấy là một chiến binh của nhân loại. Arafat là một nhà biện chứng từ bản chất, ông ấy luôn suy nghĩ theo cách biện chứng, không phải bao giờ ông ấy cũng đúng như quan trọng là không bao giờ Arafat cho phép bản thân dừng lại và đợi chờ.”

Abu Sharif bắt đầu nói về lịch sử Việt Nam, lịch sử Chiến tranh lạnh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Arafat... Người đàn ông này vẫn được các nhà báo và bạn bè gọi là “Bộ trưởng Thông tin” bởi khối kiến thức đồ sộ của ông về lịch sử, chính trị, triết học, kinh tế, vật lý.... Khát khao tranh đấu và khát khao kiến thức vẫn chi phối cuộc sống của “trùm khủng bố”. Ông kết thúc bài phỏng vấn với chúng tôi bằng quan điểm của mình về cuộc Cách mạng mùa xuân đang diễn ra ở thế giới Arập.

“Mùa xuân Arập đang đến, tôi già rồi, tôi không có điều kiện để chứng kiến tất cả nhưng nó sẽ đến. Nó giống như nước sôi, bạn không thấy nước sôi ngay lúc đầu mà chỉ nhìn thấy từng bong bóng một. Nhưng sau đó tất cả sẽ sục sôi. Người dân đang tỉnh giấc chống lại những chính quyền tham nhũng, những kẻ bù nhìn được chỉ định từ thời thực dân.”

“Tinh thần chiến đấu của ông còn mãnh mẽ và cách mạng lắm. Thế ông nghĩ sao khi bị người ta gọi là “Gương mặt khủng bố?” Chúng tôi hỏi Basam Abu Sharif như vậy và ông lại cười hỏi lại chúng tôi:

“Tôi hỏi thật các anh, các anh có nghe thấy người ta gọi những chiến binh đấu tranh cho tự do ở những nước thuộc địa ngày xưa là gì khác ngoài “kẻ khủng bố” chưa? Cứ ai chống đối mà họ chẳng gọi là khủng bố, ngay cả với Gandhi của Ấn Độ, con người ôn hòa nhất chỉ đấu tranh bất bạo động. Người Việt Nam chống Mỹ: khủng bố. Người Palestine chống Israel: khủng bố. Trong khi đó, chính những kẻ xâm lược kia mới là khủng bố.”

Abu Sharif đứng lên tiễn chúng tôi ra ngoài, mảnh sân rộng trước cửa nhà ông rực lên bởi màu nắng gắt và màu hoa đỏ như phượng vỹ của Việt Nam. Ông đứng thẳng, cười mím môi và nghiêng nghiêng mái đầu chào chúng tôi một cách kiêu hãnh. “Gương mặt khủng bố” còn có một câu chuyện chưa kể nốt: ông chính là người đã chủ trương đề xuất hai nhà nước dẫn tới cái bắt tay lịch sử giữa Arafat và Rabin năm 1993 tại Oslo. Ông đã không nhắc tới một biệt danh khác của mình đã được báo chí quốc tế đặt cho.

“Gương mặt của hòa bình”

Khánh Duy

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Kỳ 7: Hội chứng Jerusalem của người Palestine




Người Ý có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome.” Ở Palestine, mọi con đường đều dẫn tới Jerusalem. Mọi địa điểm quan trọng chúng tôi đi qua, từ Lăng mộ cố Chủ tịch Arafat tới Khu trại tị nạn Zelazon, đều có tấm biển chỉ khoảng cách tới Jerusalem...

“Đến Palestine mà không vào được Jerusalem thì chuyến đi mất một nửa ý nghĩa.” Nhà báo Như Phong ca thán bởi giấy phép nhập cảnh của chúng tôi không cho phép vào Jerusalem.

“Bên những dòng sông của Babylon, chúng tôi ngồi, chúng tôi khóc, khi chúng tôi nhớ Zion.”*

Nhưng không phải nhóm nhà báo đang khóc, chúng tôi cũng chưa thương nhớ và tiếc nuối Jerusalem đến vậy. Lời ca thán trên là những câu thơ được trích dẫn khá phổ biến ở Israel, mô tả nỗi đau của những người Do Thái trong quá khứ, khi không trở về được Ngôi đền thiêng của họ nằm giữa Jerusalem. Lịch sử dân tộc Do Thái gắn liền với nỗi đau ly hương như thế và chính ký ức về ngôi đền cổ ở Jerusalem đã gắn kết dân tộc từng bị tan tác ấy lại với nhau.

Cho đến khi người Do Thái được trở về năm 1948 và đặc biệt khi người Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, lại đến một dân tộc khác phải than khóc vì tiếc nhớ, đó là những người Arập sống trên lãnh thổ Palestine:

“Ngôi nhà là của chúng ta
Jerusalem là của chúng ta.”*

Bài ca Zahrat al-Madayin của người Palestine, cũng ai oán và bi thương không kém gì những khúc ca của người Do Thái. Nỗi khát khao trở về Jerusalem của họ gần như đã trở thành nỗi ám ảnh.

Nỗi ám ảnh ấy, chúng tôi nhìn thấy ở khắp mọi nẻo đường Palestine, dưới khắp mọi hình thức khác nhau. Chóp tròn màu vàng của Nhà thờ Hồi giáo là một biểu tượng dễ nhận ra nhất của Jerusalem và nó hiển hiện trên mọi ngóc nghách Bờ Tây. Người Palestine vẫn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của họ, ít nhất cũng ở trong địa hạt tinh thần. Họ vẽ màu vàng của chóp tròn ấy trên lưng những bức tường bê tông của Israel và cả trên những bức tường gạch của chính mình.

Ngạc nhiên hơn cả là khi chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Tây Ban Nha ở Ramallah. Ở đây, những đứa trẻ Palestine đã tự thể hiện nỗi ám ảnh Jerusalem bằng mọi dạng thức của nghệ thuật. Chúng dựng những mô hình Nhà thờ Hồi giáo ở Jerusalem bằng giấy, vẽ những bức tranh bằng mực màu, thêu bằng chỉ, ghép bằng đá... Jerusalem của chúng hiện ra trong những chiếc bình đã vỡ, phía sau những bức tường chiếm đóng, trên vai một ông già đã yếu sức hoặc trải dài rực rỡ suốt dọc bức tường...

“Chúng em chưa bao giờ được đặt chân tới Jerusalem, chúng em rất muốn tới đó...” Những đứa trẻ nói từ nơi cách Jerusalem chỉ vài cây số, Jerusalem ở ngay phía sau kia thôi, sau những bức tường an ninh ngồn ngộn che lấp tầm mắt, nhưng không ai trong số chúng tới được.

Khi chúng tôi đi trên một đỉnh đồi ra ngoại ô Ramallah, Đại sứ Saadi Salama cho dừng xe, để chỉ cho chúng tôi chóp nhà thờ màu vàng của Jerusalem. Khoảng cách quá xa và chúng tôi phải căng mắt mới nhìn rõ, một đốm vàng sáng đậm hơn màu vàng nhờn nhợt của phần còn lại ở Jerusalem.

“Tôi xin vào Jerusalem nhiều lần nhưng chưa lần nào được chấp nhận vì lý do an ninh.” Đại sứ Saadi nói. Không dễ để những người Palestine ngoài Jerusalem vào được đó, nơi vẫn còn khoảng 240 000 người Arập đồng bào của họ đang sinh sống. Khoảng cách rất gần về địa lý nhưng đã bị cách ly bởi những trạm kiểm soát và hàng rào an ninh phân chia đường ranh giới giữa Jerusalem và phần còn lại.

Jerusalem đặc biệt hơn tất cả phần còn lại, bao giờ cũng thế. Thành phố này thêu dệt xung quanh nó những huyền thoại thần thánh, để không chỉ khiến người ta muốn tới thăm mà còn “phát điên” lên vì nó. Tác giả Anton La Guardia còn viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về một căn bệnh tâm thần có tên “Hội chứng Jerusalem”. Thành phố này tạo ra những ảo tưởng linh thánh trong tâm trí những khách thăm. Họ đi vào và tự cảm thấy như bị mê muội bởi âm vang của thánh kinh. Mỗi căn nhà góc phố đều như đang ẩn chứa một bí mật nào đó, một hoài niệm nào đó được ghi trong sách thánh.

Jerusalem còn đó phần sót lại của Đền Thờ Do Thái, bức tường Than Khóc nơi những người Do Thái mộ đạo vẫn ngày ngày úp mặt vào đó nguyện cầu. Jerusalem còn đó Mộ Thánh, nơi Chúa Jesus đã được chôn sau khi bị đóng đinh trên Thập tự giá. Jerusalem còn đó Nhà thờ Hồi giáo, nơi chứa Vòm đá thiêng mà tương truyền nhà tiên tri Mohammed của Đạo Hồi đã bay từ đó lên Thiên đàng. Vô vàn những di tích khác bao trùm lên thánh địa Jerusalem một bầu không khí huyền hoặc của một thành phố luôn được coi là treo giữa trời và đất...

“Tôi đã từng vào được đó, nhưng phải đi trốn, đi một con đường khác vòng qua núi để trốn vào...” Cô nhà báo Palestine dẫn đoàn kể lại. Đi trốn vào Jerusalem! Một giải pháp nhưng quá mạo hiểm đối với chúng tôi.

“Có một cách khác, các bạn cứ thuê taxi đi vào đó như bình thường, nếu gặp trạm kiểm soát thì đưa hộ chiếu nước ngoài ra. Họ có thể sẽ cho qua, nếu không thì thôi, đừng ngại, với người nước ngoài, Israel cũng dễ chấp nhận thôi...” Những nhân viên ở khách sạn Movenpick, Ramallah đã khuyên chúng tôi như vậy.

Và tới khi chúng tôi đã sẵn sàng tập trung dưới sảnh, chuẩn bị gọi taxi để đi theo cách đó thì nhận được lời khuyên dừng lại. “Hôm nay là thứ 7, người Do Thái nghỉ làm việc, nếu có bất kỳ vấn đề gì với các bạn, sẽ không thể giải quyết trong hôm nay, chủ nhật mới giải quyết được thì đã chậm chuyến bay về mất rồi. Các bạn không nên vào đó nữa.” Đại sứ Saadi nhắc nhở.

Vậy nên, trên con đường đưa chúng tôi từ trung tâm Ramallah ra biên giới với Jordan để quay về nước, Jerusalem đành ở lại phía sau, phía sau cả những bức tường an ninh cao vời vợi kia nữa. Nhìn từ phía bên này, Jerusalem cũng không có gì đặc biệt ngoài một màu vàng của đá nhờn nhợt, nhờn nhợt như mọi nơi khác ở đây, đúng như Herman Melville viết khi đi thăm Palestine hồi năm 1857:

“Những ngọn núi đá và những đồng bằng đầy đá, những dòng nước lổn ngổn đá và những con đường lổn nhổn đá, những bức tường đá và những thửa ruộng đầy đá, những căn nhà làm bằng đá và những ngôi mộ xây bằng đá, những con mắt vô hồn như đá và những con tim chai cứng như đá....”*

Cũng chỉ là một đống đá thôi, có gì đáng để xem. Nhóm nhà báo Việt Nam phải tự an ủi mình như thế để ra về. Hoặc sẽ AQ theo kiểu: Thôi không vào được mới hiểu nỗi khao khát trở về Jerusalem của người Palestine.

Dẫu sao, mọi sự AQ cũng không khiến sự ra về ấy tránh khỏi một niềm tiếc nuối. Xét thế, có khi chúng tôi cũng đã mắc căn bệnh tâm thần mang tên “Hội chứng Jerusalem” ngay cả khi chưa được bước vào...

* Các trích dẫn được lấy từ cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” của tác giả Anton La Guardia, NXB Văn hóa Thông tin, Lưu Văn Hy dịch.


Khánh Duy

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Kỳ 6: Việt Nam trong khát vọng của người Palestine


“Ở Palestine, rất nhiều gia đình đặt tên con là Giáp, vì ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama từng nói vậy từ lâu rồi nhưng chúng tôi đã quên mất tình tiết ấy cho tới khi trực tiếp đặt chân đến Palestine….

“Bạn nghĩ gì về Việt Nam?” “Đất nước các bạn thật xinh đẹp, con người thì hiếu khách, lịch sử Việt Nam thật anh hùng.” Một câu hỏi đã quá nhàm tai của cánh nhà báo cho người nước ngoài và một câu trả lời cũng nhàm đến mức chưa nói nhưng ai cũng biết.

Ở Palestine thì khác, bạn không cần phải hỏi và bạn sẽ luôn có những câu trả lời khác biệt. “Đi bất kỳ nơi đâu ở Palestine, các bạn cứ nói rằng tới từ Việt Nam, người dân sẽ mời bạn vào nhà để tiếp đón như thượng khách.” Đại sứ Saadi đã không nói theo cách “ngoại giao” cho dù ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tình cảm của người Palestine với Việt Nam là một sự ngạc nhiên với nhóm nhà báo và chúng tôi đã kiểm chứng điều ấy trên khắp các nẻo đường Palestine.

Giữa khu chợ bán hoa quả khá sầm uất giữa lòng Ramallah, chúng tôi dừng lại để mua một túi “cốm” kiểu Palestine. “Đây là các bạn tới từ Việt Nam.” Đại sứ Saadi vừa giới thiệu xong thì người bán hàng đã gom một túi đầy đưa cho chúng tôi và nhất quyết không chịu lấy tiền. Buổi sáng đầu tiên của các nhà báo ở Palestine đã được chào đón như vậy.

Xuôi những đoạn đường đèo quanh co từ Ramallah về thị trấn Idna, ngoại ô Hebron, chúng tôi tới thăm nhà Đại sứ Saadi Salama. Khoảng sân phía ngoài ngôi nhà nhanh chóng đầy khách khứa khi nghe tin Đại sứ trở về cùng những người bạn Việt Nam. Mohamad Shaker và Khalil Tumaizi, những nhà cách mạng cao tuổi ở làng, là những người đến đầu tiên.

“Các bạn biết không, khi tôi 11 tuổi, tất cả dân làng chúng tôi ở đây tổ chức Liên Hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.” Nhà giáo Khalil Tumaizi nói. Râu tóc bạc trắng và bàn tay run run, Khalil đã quên nhiều nhưng lịch sử chiến thắng của Việt Nam thì ông nhớ khá rõ.

Mohamad Shaker thậm chí còn thuộc lịch sử Việt Nam hơn cho dù ông không phải là nhà giáo như Khalil. Người đàn ông 60 tuổi đã từng vào nhà tù của Israel 9 lần trong 9 năm này nổi tiếng khắp Palestine về tinh thần tranh đấu. Là con trai của người Cộng sản đầu tiên trong làng, Shaker đã từng tổ chức kết nạp nhiều Đảng viên vào Đảng Cộng sản Palestine. Thân thể sứt sẹo vì bị tra tấn và hai tai đã nghễnh ngãng, cách nói chuyện của Shaker vẫn hào sảng: “Người Việt Nam đã truyền cảm hứng và niềm tin cho người Palestine đấu tranh. Người Viết Nam đã làm được, đã giải phóng được dân tộc mình thì tại sao người Palestine không làm được. Rồi sẽ tới ngày đó.”

Ở mọi nơi và mọi lúc, từ những người dân bình thường tới quan chức, người ta chào đón Việt Nam với một sự nồng hậu chân tình. Sẽ có nhiều vùng đất mà trong quá khứ, Việt Nam từng được nhắc tới như một biểu tượng của chiến tranh giành độc lập, là hình mẫu để họ noi theo. Nhưng chỉ ở đây, ngay lúc này, giữa vùng đất mà nỗi đau chiếm đóng còn bỏ ngỏ, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là một nỗi khát vọng chưa dứt.

“Đừng tin tôi vì tôi là một nhà chính trị, hãy đến những làng quê gặp những người già thất học. Các bạn sẽ hiểu ở đây hai chữ Việt Nam có ý nghĩa như thế nào.” Giám đốc Học viện an ninh Palestine chia sẻ. Mặc bộ quần áo thể thao để tiếp chúng tôi ngay ở phòng khách Học viện, vị tướng này không tỏ ra là một người thích lễ nghi và nói những lời sáo rỗng.

Theo lời ông, chúng tôi đi xuống nhiều làng quê và gặp gỡ không ít người Palestine. Những bà mẹ Palestine đã già lắm vẫn ra ôm lấy chúng tôi và tận tình mang thịt nướng “bắt” chúng tôi thưởng thức. Những thanh niên Palestine vội chạy tới bắt tay khi nghe nói “Việt Nam”. Ở những khách sạn năm sao sang trọng trong thế giới phương Tây, vẫn có những nhân viên lễ tân tưởng nhầm Việt Nam là một tỉnh nào đó của Nhật Bản. Nhưng ở những làng quê còn nghèo nàn này của Palestine, Việt Nam không chỉ được biết đến rộng rãi, mà còn được quý trọng một cách chân thành.

Ahman Samara, người đàn ông ở làng Belein ngoại ô Ramallah năm nay đã 63 tuổi. Ông ngồi dưới những tán cây tỏa nắng loang lổ xuống mảnh sân nhà để kể cho nhóm nhà báo nghe về những ngày ở tù với tội danh tổ chức bạo lực chống Israel của mình: “Các bạn có biết rằng chúng tôi đã kỷ niệm chiến thắng năm 1975 của Việt Nam trong nhà tù không? Trong tù, có nhiều nhóm chính trị khác nhau của Palestine nhưng tất cả đều viết mật thư và thống nhất rằng: tới giờ quản ngục cho uống trà thì chúng tôi đồng thanh hát bài “Quê hương tôi” từ các phòng giam khác nhau. Hát xong, tất cả cùng hô to: “Việt Nam độc lập dân chủ thống nhất muôn năm”. Sau đó, chúng tôi uống trà trong niềm vui vô bờ bến.”

Vợ của Samara cũng bắt đầu mang trà Palestine ra mảnh sân nhỏ mời khách, những tách trà bao giờ cũng được bỏ thêm một nhánh rau bạc hà theo truyền thống ở đây. Ở ngôi làng ngay sát hàng rào thép của Israel này, 7 năm nay, có khoảng 260 người phải vào tù. Sự im vắng của cái nắng buổi trưa thứ sáu ngược hoàn toàn với tinh thần đấu tranh sôi sục của làng Belein.

“Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong quá khứ và cuộc đấu tranh của Palestine bây giờ có nhiều điểm đồng nhưng cũng khác nhau. Các bạn xưa kia có hậu phương là khối XHCN, chúng tôi không có. Không có một viên đạn nào được cung cấp cho Palestine từ thế giới Arập. Nhưng tôi vẫn tin rằng người dân Palestine sẽ có một ngày vui như người dân Việt Nam năm 1975 bởi chúng tôi có câu thế này: Không có chân lý nào phải chết nếu còn có người đòi hỏi.”

Cuối ngày, chúng tôi lật lại cuốn sổ tay và đọc thấy câu nói trên của Giám đốc Học viện An ninh Palestine. “Không có chân lý nào chết nếu còn có người đòi hỏi”. Chân lý nào đây? Rất giản dị. Thế mà chúng tôi đã không nghĩ ra cho tới khi nhà báo Như Phong nhắc tới: “Đến đây mới thấy cụ Hồ nói đúng quá, KHỐNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO.”

Khánh Duy

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Kỳ 5: Palestine: nỗi đau giữa những bức tường chiếm đóng



9 năm, 8 năm, 2 năm, 5 năm và 10 năm…. Đại sứ Palestine Saadi Salama lần lượt giới thiệu một số người bạn của ông ở ngôi làng Nilin, cách Ramallah quãng nửa giờ đi xe, không phải bằng tên mà bằng số năm tù.


Xét theo khía cạnh này, hài hước một chút, Palestine chắc chắn là nơi có phần trăm số người từng có “tiền án, tiền sự” trên tổng dân số nhiều nhất thế giới.

“Có 850 000 người Palestine đã từng vào nhà tù của Israel từ năm 1967 tới bây giờ, hiện vẫn còn khoảng gần 10 000 ở trong tù.” Một người đàn ông trong nhóm bạn cho biết. “Con số này rất lớn nếu tính tới dân số Palestine trong vùng lãnh thổ Bờ Tây chỉ khoảng 2,8 triệu và dân số năm 1967 chỉ hơn 1 triệu.”

Những gương mặt đàn ông khá giản dị và chất phác, không có vẻ gì chứng tỏ họ đã từng trải qua những năm tháng bóc lịch lâu đến vậy vì tổ chức bạo lực chống lại Israel. Mà không chỉ một lần, mỗi người trong số họ đều đã từng ra vào nhà tù chí ít cũng hai ba lần.

Chuyện thường ngày ở “tù”


9 lần vào tù với tổng cộng 9 năm, Mohamad Shaker, 60 tuổi, nổi tiếng khắp Palestine. Người đàn ông mà chúng tôi gặp ở thị trấn Idna, Hebron từng là thành viên tích cực của Mặt trận Dân chủ Palestine. Mái tóc bạc trắng và hai tai gần như điếc đặc, Shaker vẫn nhớ từng ngày tháng của những lần vào trại với tội danh: kết nạp và tổ chức quần chúng để đấu tranh vũ trang.

“Riêng ở làng này, 850 người đã từng bị giam giữ từ năm 1967.” Shaker nói. Người Palestine không quên các tù nhân. Ngay giữa quảng trường Sư tử, trung tâm thành phố Ramallah, người ta quây một khu riêng bằng dây thép gai như nhà tù, trong đó có những tấm bảng dán ảnh to của những tù nhân đã vào trại từ lâu lắm nhưng nay chưa thấy trở về.

Trên con đường vào trại tị nạn Zalazon ở Ramallah, chúng tôi gặp 4 thanh niên đi ngược chiều. 15, 16, 17, 16, lần giới thiệu này của người dẫn đoàn không phải là số năm tù mà là số tuổi, ơn chúa. Nhưng câu tiếp theo đã vội vã là: “Tất cả họ đều đã vào tù vì tội ném đá vào người Israel.”

Khanla Nakla, 53 tuổi, một người mẹ Palestine sống thanh đạm trong một căn nhà nơi con đường chính của trại tị nạn đâm thẳng vào cửa chính. Không biết có phải vì “phong thủy”, cậu con trai 16 tuổi của bà đã 15 tháng rồi nằm trong nhà giam ở Nam Jerusalem. Cứ 3 tháng một lần, một người nhà lại được vào thăm cậu bé để tiếp tế quần áo, vật dụng.

“Con cô có bị đưa ra tòa không?” Chúng tôi hỏi.
“Có chứ, nó bị kết án 20 tháng vì ném bom xăng vào Israel.” Bà Khanla Nakla trả lời
“Israel có đưa ra tòa. Như anh trai tôi bị xử 4 năm rưỡi vì tội dùng vũ khí.” Anh Jihad, người hướng dẫn đoàn trong trại tị nạn nói thêm.

Chúng tôi rời trại tị nạn 10 000 dân Zelazon khi tiếng kinh cầu từ nhà thờ Hồi giáo văng vẳng đâu đó theo một nhịp điệu buồn. Nhịp điệu của cuộc sống nơi này cũng không vui hơn. Ở khu trung tâm trại tị nạn, những người đàn ông tụ tập đầy trên hè phố, ngơ ngác ngó lơ theo những bước chân chúng tôi qua. Không thấy ai cười, còn lại chỉ là sự chịu đựng khắc khổ với những gì đã trở nên quá bình thường, như khi người mẹ tù nhân Khanla Nakla ấy thốt ra câu này, trong một sự bình thản khó ngờ:

“Gia đình nào ở đây chả có 1, 2 người đi tù. Đâu phải chỉ có con tôi, cả nhân dân Palestine đang sống trong nhà tù cơ mà.”

Trong vòng kim cô của những bức tường

“Israel đã phải sống trong gươm giáo từ thời lập quốc.” Nhà báo Pháp Anton La Guardia viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nhà báo Pháp cho rằng: sống trong một vòng vây Arập xung quanh, người Israel phải thiết lập một kỷ luật an ninh gang thép để có thể sinh tồn.

Palestine là nơi hứng chịu trọn vẹn nhất vòng cương tỏa về an ninh đó, thể hiện rõ ràng nhất ở những bức tường được dựng ra ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Bờ Tây. Từ những hàng rào thép vây xung quanh một khu định cư, tới những hàng rào bê tông cao ngút được dựng lên để ngăn chặn, những tường rào như thế là biểu tượng trực quan nhất của chiếm đóng.

Nhưng còn có vô vàn những nỗi đau ẩn ngầm khác của chiếm đóng khác mà phải sống sâu trong lòng Palestine mới hiểu thấu. Chiếm đóng không chỉ là những bức tường, ở giữa chúng là một loạt những phức hợp khó tưởng tượng.

Xét trên khía cạnh quản lý, vùng lãnh thổ Bờ Tây chia làm 3 khu chính. Khu A do người Palestine kiểm soát, Khu B thuộc quyền kiểm soát dân sự của Palestine nhưng kiểm soát an ninh của Israel và Khu C người Israel kiểm soát hoàn toàn.

Trên những nẻo đường Bờ Tây, Đại sứ Saadi Salama vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi những khu định cư Do Thái do Israel kiểm soát nằm gọn gàng trên những quả đồi. Rất dễ nhận ra chúng bởi những lớp ngói đỏ, những hàng rào an ninh và sự khang trang so với những khu vực xung quanh. “Có khoảng nửa triệu người Do Thái đang sống trong những khu định cư như vậy ở Bờ Tây.” Đại sự Saadi cho biết.

Những khu định cư Do Thái xen kẽ như tổ ong với phần đất của người Palestine biến cuộc xung đột Trung Đông thành một cuộc tranh chấp lãnh thổ có một không hai. Ở đây không chỉ là tranh chấp đường biên giới giữa Bờ Tây, Gaza và phần còn lại, bởi ngay trong đường biên giới lớn ấy đã có hàng ngàn đường biên giới nhỏ bao quanh mỗi khu định cư. Chính xác hơn là, không có một đường biên giới nào cả.

“Ở tỉnh Jerico, có 60 000 người Palestine sống chung với 6000 người Do Thái. Nhưng hơn 80% đất đai bị coi là khu quân sự, 12% dành cho người Do Thái định cư, 7% cho người Palestine. Trong khu quân sự, không một hòn đá nào được đưa vào để xây dựng.” Tỉnh trưởng thành phố Jericho Majed Al-Fityani chia sẻ với chúng tôi. Jerico là thành phố cổ nhất thế giới với 10 000 năm tuổi và sâu nhất thế giới dưới mặt nước biển 320 mét, việc ông tỉnh trưởng chỉ có quyền quản trị tối đa 7% diện tích thành phố của mình là một sự độc nhất vô nhị nữa chỉ có ở Jericho, thành phố vốn đã có thừa sự “lập dị” của mình.

Thành phố Hebron cũng “lập dị” không kém theo lời tỉnh trưởng Kamel Hemeid: “Ở khu vực Hebron số 2, có 400 người định cư Do Thái sống giữa 65 000 người Palestine. Chỉ có 400 người nhưng nhiều thời điểm, Israel phải thiết lập tới 170 trạm kiểm soát và 15 camera để theo dõi khu vực này. Phải có những con đường riêng dành cho người Do Thái và người Arập. Những thời điểm như ngay sau phong trào ném đá Intifada năm 2000, đi lại ở đây cực kỳ khó khăn, cứ 1 Km lại phải dừng bởi một trạm kiểm soát.”

Những kiểm soát “vô hình” với máy ảnh

Chiếm đóng luôn đi kèm với sự kiểm soát, sự kiểm soát tồn tại ở khắp nơi trên vùng lãnh thổ Palestine. Nhưng không dễ nhận ra chúng đối với những khách du lịch chỉ tới đây để “chụp ảnh”. Họ có thể chụp được những trạm kiểm soát hữu hình trên đường, những kiểm soát “vô hình” khác thì không. Kinh tế là một ví dụ.

Chúng tôi tới thăm nhà “liệt sỹ” mới 16 tuổi Mohamad Hamdan trong Trại tị nạn Zelazon. Những căn nhà trong Trại tị nạn không hề tồi tàn, sập sệ hay chỉ là những túp lều tranh như trong phim ảnh, đó đã là chuyện của giai đoạn sau 1948. Với sự hỗ trợ của quốc tế và nỗ lực của người dân, người tị nạn giờ cũng sống trong những ngôi nhà tươm tất của họ.

“Thu nhập của tôi một tháng là 800 đôla Mỹ. Tôi chỉ là công nhân trong 1 xưởng làm đá, cắt đá để xây nhà.” Anh trai Mohamad nói.

Chúng tôi “tá hỏa” và đùa nhau chắc phải bỏ việc để xin sang đây “tị nạn”. Sự thật không đơn giản thế, thu nhập “cao” không phản ánh chất lượng sống bởi nền kinh tế Palestine tương thuộc vào Israel, người Palestine tiêu tiền Israel và mua hàng với mức giá tương đương với Israel. Mọi mặt hàng phải nhập khẩu qua Israel nên giá cả trở nên đắt đỏ.

“25 đôla một Kg thịt cừu, 18 đôla một Kg thịt bò. 1 Kg gạo là 3 đôla. Phải có thu nhập 1500 đôla để một gia đình 5 người sống tương đối thoải mái.” Bố của Mohamad nói.

800 đôla của anh trai Mohamad phải giành để nuôi 6 người còn lại trong gia đình không đi làm. “50% dân số của trại tị nạn Zelazon thất nghiệp, chỉ có 1% vào Đại học mà đa số là nữ bởi nam còn bận đi làm kiếm ăn.” Jihad, người dẫn đoàn chúng tôi vào trại tị nạn cho biết.

Không dễ dàng cho anh trai Mohamad và những người Palestine khác phải sống trong một nền kinh tế “ký sinh” trên một cơ thể kinh tế khác có mức thu nhập trung bình cao vượt trội. Cảnh sống “ký sinh” ấy tạo ra những hoàn cảnh chẳng giống ai, đối với mọi người và với mọi khía cạnh của nền kinh tế. Du lịch là một ví dụ khác.

“Du lịch là một ngành mong manh, phụ thuộc vào chính trị. Làm du lịch trong tình trạng chiếm đóng cực kỳ khó khăn. Người Palestine không kiểm soát được điều đơn giản nhất là visa nhập cảnh. Mỗi năm có tới 2 triệu du khách tới đây, nhưng phần đông đến từ Israel. Chúng tôi chỉ thu được khoảng 5 đến 10% doanh thu bởi họ không ở lãnh thổ Palestine mà chỉ đi qua, chủ yếu họ ở Jerusalem.” TS Abu Dayyeh, Bộ trưởng Du lịch Palestine, một người theo đạo Thiên Chúa cho biết.

Palestine là điểm đến vàng cho du lịch tôn giáo và văn hóa. Thành Phố Bethlehem còn đó Nhà thờ Máng Cỏ nơi Chúa Jesus ra đời, đó chỉ là một trong vô số những di tích gắn liền với các truyền thuyết trong cả Cựu ước và Tân Ước. Mảnh đất của cả ba tôn giáo lớn này bản thân nó đã tạo ra một sức hút “thần thánh” với khách du lịch. Doanh thu 900 triệu đôla từ du lịch năm 2010, chiếm tới 15% GDP của Palestine là một minh chứng cho điều đó, bất chấp những khó khăn của một vùng lãnh thổ còn chưa hết xung đột và chiếm đóng.

“Độc nhất, vô nhị”

“Sự chiếm đóng tạo ra những hoàn cảnh độc nhất vô nhị.” Câu nói ấy của Bà Bộ trưởng Du lịch Palestine không dễ quên. Những cảnh tưởng “độc” và “lạ” ấy chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trên mỗi nẻo đường. Ngôi trường cấp I trong trại tị nạn Aida cách Jerusalem 7,3 Km chẳng hạn. Ngôi trường ấy hoàn toàn không có cửa sổ hay nói đúng ra là mọi cửa sổ đã được bịt kín bởi sợ đạn từ phía hàng rào phân chia cách đó không xa.

Những học sinh trong đó sẽ không dễ thở, tất nhiên rồi. Người Palestine không dễ thở khi sống trong vùng lãnh thổ còn đang bị chiếm đóng. “Không ai từ nhỏ tới lớn ở Palestine chấp nhận được sự chiếm đóng.” Tỉnh trưởng Jericho chia sẻ với chúng tôi khoảng 30 phút về tình hình của thành phố, 30 phút liên tục, chúng tôi không hề nhìn thấy trên khuôn mặt người đàn ông ấy một nụ cười...

Khánh Duy