Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi”


“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi.” Những dòng tít trên chiếc standy giới thiệu về triển lãm “Ngai vàng của những ông hoàng” tại cung điễn Versailles nước Pháp làm người xem tò mò. Tại sao người Pháp lại trưng bày một triển lãm chỉ để đi tìm sự khác biệt giữa quyền lực và quyền uy?

Đó là thứ 3. Một ngày thường. Không vì thế mà cung điện Versailles vắng khách. Không có những di sản đặc biệt quý hiếm như Louvre, Versailles có những không gian hấp dẫn của riêng nó. Một giá trị gia tăng khác, từ ngày 1 tháng 3 tới 19 tháng 6 năm nay, những gian phòng của Versailles giành để trưng bày những chiếc ngai vàng từ khắp nơi trên thế giới.

Từ năm châu bốn biển, ngai vàng tụ tập cả về Versailles: ngai của lãnh tụ Inca ở Peru (Châu Mỹ) , ngai của vua Ghezo (vương quốc Dahomey) ở Benin (Châu Phi), ngai của Hoàng đế đào hoa Càn Long ở Trung Quốc (Châu Á), ngai của Louis XVI, ông vua bị đưa lên máy chém bởi cách mạng Pháp (Châu Âu)…

Đa dạng về không gian, đa dạng cả về thời gian. Chiếc ngai cổ nhất là của nước Marsch thuộc Đức thế kỷ thứ 5, rồi tới ngai của ông hoàng Dagobert nước Pháp thế kỷ thứ 7, gần đây nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khách 14 tháng 7 năm 2005…

Versailles đã mất công đi mượn từ các lâu đài, cung điện, bảo tàng ở khắp nơi trên thế giới để có được cuộc triển lãm kéo dài gần 4 tháng này. Cuộc triển lãm ngoài mục đích trình diễn “ngai vàng” để “mua vui” còn muốn đi tìm ý nghĩa thực của hai chữ “quyền uy” như cuốn sách giới thiệu về nó viết: “Từ Dagobert tới Pius VI, từ Hoàng đế Trung Quốc tới Sa hoàng Nga, những chiếc ngai bao giờ cũng đi đôi với uy quyền. Chế độ này hay chế độ khác, châu lục này sang châu lục khác, hình dáng có thể đổi thay nhưng chức năng của những chiếc ngai không hề thay đổi…”

Quyền uy ổn định, quyền lực mong manh

Hàng ngàn năm trước, người Hy Lạp cổ đại đã phân biệt giữa hai khái niệm mang tính bản chất cùng ám chỉ sự vận dụng quyền năng: quyền lực (power) và quyền uy (authority).

Quyền lực đi đôi với sức mạnh, một ông vua dùng sức mạnh để đàn áp người dân hay chiếm đoạt lãnh thổ của các quốc gia khác là một ông vua có quyền lực. Quyền lực thường biểu trưng bằng hình tượng đứng. Người “anh hùng” ấy sau trận thắng trở về thường đứng thẳng người để các thần dân xung quanh tung hô, hình ảnh đó tượng trưng cho sức mạnh của quyền lực. Xét về khía cạnh ổn định, quyền lực khá mong manh và rất dễ đổi thay.

Quyền uy cũng là một thứ quyền lực nhưng đi kèm với nó là một vị thế mang tính pháp lý và tinh thần lớn hơn. Chính vì thế, quyền uy có tính bền vững và chắc chắn hơn quyền lực. Quyền uy luôn đi kèm với hình tượng ngồi. Cảnh tượng ông vua ngồi trên chiếc ngai vững chãi và to lớn của mình mô tả đúng bản chất của hai chữ quyền uy.

“Khi cách mạng Pháp chấm dứt chế độ quân chủ, người ta đổi tên Quảng trường Ngai vàng thành Quảng trường Lật đổ Ngai vàng. Không giây phút nào trong lịch sử mà nền tảng và sức mạnh của biểu tượng ấy bị lãng quên. Khi Napoleon hồi phục lại nền quân chủ, ông ấy đã nhanh chóng tái lập lại những nghi thức và lễ lạt của nó trong đó có việc sử dụng lại ngai vàng đã bị xóa bỏ nhân danh sự bình đẳng trong Cách mạng.” Ông Jean Jacques Aillagon, giám đốc bảo tàng Versailles nói.

Những chiếc ngai vàng là biểu tượng hợp lý của quyền uy, không chỉ trong chính trị mà cả ở những lĩnh vực khác như tôn giáo hay tri thức. Quyền uy không chỉ mang tính “vật chất” mà tồn tại ở cả địa hạt tinh thần. Minh hoạ cho ý tưởng đó, bảo tàng Versailles không chỉ triển lãm ngai vàng của các ông hoàng mà còn triển lãm cả những bức tượng của các lãnh tự tôn giáo Đông Tây đang ngồi trên “ngai vàng” của mình. Bức tượng Phật ngồi bằng đồng Gandhara từ thế kỷ thứ 3 và bức tượng Đức Chúa Jesus năm 1230 đều được trưng bày lần này. Hai chiếc ngai thật của hai giáo hoàng Innocent X và Pius VI cũng được sắp xếp ở các vị trí quan trọng.

Quyền lực di chuyển, quyền uy đứng yên

Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là các “ngai vàng di động” như của Napoleong III, giáo hoàng Pius VII hay triều đại Habsburg cuối thế kỷ 18. Khi các ông hoàng phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, để đảm bảo vị thế uy nghi của mình, họ vẫn sử dụng những chiếc ngai di động được hầu cận khiêng vác hoặc đặt trên lưng những động vật to khoẻ như voi hay lạc đà.

“Quyền lực có thể di chuyển nhưng quyền uy thì luôn ngồi vững chãi. Làm thế nào để có thể tương thích hóa tính cố định và vững chắc của quyền uy với sự chuyển động của người nắm uy quyền. Cách thức đơn giản nhất là đặt họ lên những chiếc ngai di động. Như thế, bản chất ung dung và thường hằng của quyền uy vẫn được giữ vững.” Ông Jean Jacques Aillagon phân tích.

Quyền uy quan trọng đặc biệt với những bậc nguyên thủ. Trong lịch sử, khi tới Boulogne để chuẩn bị tấn công nước Anh, Napoleon đã mượn chiếc ngai vàng của hoàng tộc lâu đời nhất nước Pháp Dagobert nhằm chứng minh tính chính đáng trong quyền uy của ông. Những chiếc ngai thường được đặt trên bệ cao để chứng minh cho sự vượt trội và thống trị của nguyên thủ so với thần dân.

Quyền uy đích thực không cần biểu tượng hình thức

Điều ngạc nhiên là ngay ở Versailles nhưng chiếc ngai bạc của chủ nhân cung điện, ông vua mặt trời Louis XIV, lại không thấy đâu. Hóa ra, chiếc ghế bạc ấy đã được chính chủ nhân của nó ra lệnh đốt cùng với nhiều đồ bạc khác vào năm 1689 để trả chiến phí.

Được quyết định khởi công từ năm 1666 bởi Vua mặt trời, Versailles đã trở thành cung điện hoàng gia vĩ đại nhất thế giới và cũng là một trong số ít cung điện không có thành lũy. Vua Louis XIV đã xây hoàng cung giữa đồng trống, để chứng tỏ một đấng quân vương đủ quyền uy không cần đến hào và tường thành bảo vệ. Vua mặt trời được người đời ngợi ca là vị hoàng đế lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Pháp cho dù biểu tượng hình thức của uy quyền là chiếc ngai vàng ông cũng sẵn sàng để vứt nó đi.

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét