Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Kỳ 2: Tắm Thổ “thật” và màn “tra tấn” với già Thổ

“Tắm Thổ với các cô gái mặc bikini như vậy không phải kiểu truyền thống đâu. Muốn biết tắm Thổ truyền thống như thế nào phải lên Istanbul.” Ilknuk, người dẫn đoàn du lịch giải thích lại một lần nữa.

Hóa ra, chúng tôi vẫn chưa biết thực sự thế nào là tắm Thổ. Càng tò mò, rà lại Lonely Planet, chúng tôi ghi ra tên Nhà tắm Thổ truyền thống nổi tiếng nhất Istanbul và quyết tâm đi tắm một lần nữa.

Cemberlitas Hamami
Vezirhan Cad. No: 8 – 34120

Quá tình cờ, Nhà tắm Thổ Cemberlitas ở ngay khu phố cổ trung tâm Istanbul, đường Divanyolu, đối diện Cây cột Vòng Constantine nổi tiếng. Vào năm 1584, kiến trúc sư hoàng gia Sinan đã xây nhà tắm này dưới sự ủy nhiệm của Nurbanu Sultan, vợ của Hoàng đế Selim II. Nhà tắm này đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Mehmed Pasa và ngay sát Lăng Hoàng đế Mahmud II.

“Nhà tắm lại ngay sát Nhà thờ?” Có cái gì bất thường ở đây khi người ta sắp đặt một công trình thánh thiêng bên cạnh một nhu cầu “trần tục” của con người là tắm rửa. Hay đó là sự lập dị chỉ có ở Cemberlitas? Bạn đã nhầm, các nhà tắm Thổ (Hamam) trong văn hóa Ottoman thường được coi như một thành tố kiến trúc phụ trợ nhưng quan trọng trong Nhà thờ Hồi giáo. Theo thời gian, chúng nhanh chóng trở thành những công trình độc lập và hơn thế nữa, thành những kiến trúc hoành tráng. Cemberlitas là một trong số đó.

Chúng tôi tách đoàn và nhảy vào nhà tắm Thổ Cemberlitas vào quãng cuối giờ chiều. Nhà tắm đông như hội, biển ngoài chỉ rõ: nhà tắm mở cửa từ 6h sáng cho tới nửa đêm. Hamam này như các loại hình Nhà tắm khác từ La Mã không chỉ dành cho đàn ông. Quần thể Cemberlitas bao gồm những khu riêng cho nam và nữ.

“Nam nữ không tắm lẫn lỗn nhưng người tắm cho chúng tôi là nam hay nữ?” Anh bạn tôi hỏi đùa cô bán vé.

“Nam tắm cho nam và nữ tắm cho nữ.”

Hết chuyện, lần này không còn cô Nga nào tắm cho chúng tôi nữa. Dẫu sao thì chúng tôi cũng trả 59 Lira Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 40 đôla Mỹ để bước vào trong cánh cửa của nhà tắm Thổ. Một không gian hai tầng bằng gỗ được xây như kiểu Tứ Hợp Viện Trung Quốc, 4 mặt đều là ban công và các phòng thay đồ, ở giữa là sảnh lớn lớn nhộn nhịp người qua kẻ lại...

Một người đàn ông chờ chúng tôi ở ngay sảnh để phát khăn tắm và một hộp nhỏ chứa găng tay. Anh này dẫn chúng tôi lên một phòng ở tầng 2 để thay đồ.

“Khi bước chân vào khu nhà tắm này, bạn được chào đón bằng một không gian hoài cổ, nơi thời gian như trôi ngược về quá khứ....” Tôi đọc nhanh mấy dòng chữ trên tờ rơi giới thiệu về Nhà tắm. Cuối cùng, cái cảm giác trôi về quá khứ Ottoman ấy cũng đến khi chúng tôi được dẫn vào phòng tắm nóng.

Tương tự như nhà tắm kiểu La Mã, một Hamam truyền thống có 3 phòng chính liên thông nhau, caldarium (phòng nóng), tepidarium (phòng ấm) và frigidarium (phòng lạnh).

Phòng nóng là trung tâm của Nhà tắm Thổ và chỉ khi bước vào đây với một chiếc khăn duy nhất quấn trên người, chúng tôi mới được trải nghiệm thật sự thế nào là tắm Thổ. Tắm Thổ Nhĩ Kỳ hay còn gọi là Hamam là một biến thể của tắm hơi, xông hơi và tắm kiểu Nga, nhưng chú trọng nhiều hơn tới sử dụng nước để phân biệt với tắm hơi truyền thống.

Kiến trúc của Phòng nóng mang đặc trưng Hồi giáo Ottoman và được giữ nguyên như 5 thế kỷ trước. Một căn phòng rộng, hình tròn với mái vòm như mọi nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul. Điểm khác biệt chỉ là, người ta đục hàng trăm lỗ nhỏ trên mái để tạo ra hàng trăm tia sáng tự nhiên chiếu xuống phòng tắm. Giữa ánh sáng mờ ảo như thế, hàng chục người đàn ông nằm la liệt trên một tảng đá cẩm thạch lớn được đặt giữa phòng. Một số ngồi cạnh các bệ nước nhỏ gắn chặt vào hốc tường xung quanh căn phòng.

Một ông già Thổ người gày đét như La Hán chỉ cho chúng tôi một chỗ trên phiến đá tròn cẩm thạch khổng lồ ấy. Chúng tôi nằm xuống phiến đá, gối đầu lên một chiếc bát sắt và cảm nhận sức nóng rát khắp toàn thân. Phiến đá nóng này nhằm mục đích giúp cơ thể bạn được thư giãn, mở hết các lỗ chân lông và toát mồ hôi một cách tự nhiên. Chúng tôi thả lỏng cơ thể để cảm nhận hết sức nóng, nhìn lên những tia sáng đục chiếu qua đỉnh mái vòm. Hàng trăm năm trước, những hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng được tắm như thế và bây giờ với 40 đôla Mỹ, chúng tôi đã có được cảm giác như họ.

20 phút thư giãn trôi qua và ông già người Thổ đến dựng chúng tôi dạy để bắt đầu màn tắm. Kỳ cọ bằng găng tay nhám, massage toàn thân, giội nước nóng ùm ụp và thổi xà phòng khắp người, lần này cũng khác bao nhiêu so với kiểu tắm cùng các cô gái Nga. Chỉ có điều, khác với bàn tay mềm mại lần trước, bàn tay của các ông già Thổ như gọng kìm miết khắp cơ thể chúng tôi.

Đau quá, tôi kêu oai oái và mấy lần yêu cầu nhẹ tay. Có lúc, tôi tưởng bị chuột rút khi bàn tay cứng như sắt của ông già ấn vào hai bắp chân. Những người xung quanh lại có vẻ rất khoan khoái với màn tẩm quất như “tra tấn” này. Tắm Thổ truyền thông là như thế, một sự kết hợp kỳ lạ giữa xông xơi, tẩm quất và tắm thông thường, ngay giữa những di sản của đế chế một thời oanh liệt.

Không thấu hiểu hết những di sản lịch sử ấy thì việc tắm Thổ mất đi nhiều ý nghĩa. Từng dụng cụ tắm đang được sử dụng đều mang dấu ấn của lịch sử từ thời La Mã, loại khăn chúng tôi cuốn quanh cơ thể là peştemal làm bằng lụa hoặc cotton, nalın một loại guốc gỗ để tránh bị trơn trượt trong phòng tắm, kese là chiếc găng tay nhám để kỳ cọ cơ thể.

Trong giai đoạn thịnh trị của đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông thường, nhân viên tắm Thổ thường là những thanh niên trẻ có đủ sức khoẻ giúp khách hàng massage và kỳ cọ cơ thể. Những thanh niên này thường không phải người Hồi giáo, có thể là Do Thái, Hy Lạp, La Mã hay Armenia. Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ 20, những người đứng tuổi như ông già La Hán tắm cho chúng tôi mới thay thế thanh niên trong vai trò ấy.

Màn xông hơi, kỳ cọ, massage toàn thân ở phòng nóng dừng lại, chúng tôi được đưa ra phòng ấm để tắm tráng với xà phòng và nước. Tráng gội xong những tưởng đã đến lúc kết thúc, người hướng dẫn lại đẩy chúng tôi vào phòng nóng để nằm lên phiến đá một lần nữa. Lần toát mồ hôi thứ hai giải phóng nốt toàn bộ những mệt mỏi cuối cùng ra khỏi cơ thể.

Tắm tráng một lần nữa, chúng tôi được đưa trở ra phòng lạnh để thư giãn. Sảnh gỗ bốn mặt nơi chúng tôi bước vào đầu tiên chính là phòng lạnh theo quan niệm truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ. Một cốc cam tươi lạnh hoàn toàn nguyên chất cho chúng tôi cảm giác sảng khoái trọn vẹn. Xung quanh, những khách tắm vẫn tấp nập đi lại như trảy hội.

Chúng tôi bước ra khỏi nhà tắm Thổ truyền thống với một tinh thần thoải mái và tươi trẻ hơn nhiều so với trước khi bước vào. Tắm Thổ có giá trị nhiều hơn việc làm sạch cơ thể, đó còn là biện pháp thư giãn và tập thể dục. Chưa hết, trong lịch sử huy hoàng của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, nhà tắm Thổ không chỉ là nơi tắm rửa mà còn được coi như một trung tâm xã hội. Đó là nơi gặp gỡ bạn bè, vui chơi giải trí (nhảy múa, ăn uống, đặc biệt trong khu phụ nữ), lễ hội (như trước đám cưới, lễ tết, thôi nôi). Vì thế, mô hình này nở rộ khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đế chế Ottoman thịnh trị.

Nơi nào trên thế giới con người chẳng tắm rửa, chỉ có ở Thổ Nhĩ Kỳ, những giá trị nội tại và giá trị gia tăng của hoạt động này mới được nâng lên thành một thứ văn hóa, một di sản văn hóa đích thực. Di sản ấy đã mang lại doanh thu rất lớn cho du lịch Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm.

Khách du lịch may mắn khi được tắm theo nghĩa đen giữa những di sản của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ còn may mắn hơn, họ được hưởng lợi nhờ “tắm” giữa những di sản văn hóa giàu có cha ông để lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Duy Khánh

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Kỳ 1: Tắm Thổ hụt và tắm Thổ với “tiên Nga”


“Chúc đi vui vẻ, nhớ đi tắm Thổ nhé.” Chúng tôi nhận được tin nhắn của anh bạn trước khi lên đường đi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tắm Thổ (Turkish Bath) hay nói rõ hơn là đi tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là điều đầu tiên trong 10 điều phải làm ở Thổ Nhĩ Kỳ theo nhiều trang website và sách hướng dẫn du lịch. “Tiếng lành đồn xa” càng làm chúng tôi tò mò. “Sang tới Thổ, rất khoát phải đi tắm Thổ!” Chúng tôi đã bàn bạc kỹ với nhau như vậy.

Điểm dừng chân đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ là một khu vực có kiến tạo địa chất bởi núi lửa có tên Cappadocia. Trên con đường quanh co của thị trấn, Ilknuk, người dẫn chương trình có chỉ cho chúng tôi một tòa nhà mái vòm nhỏ nhắn và cũ kỹ với tấm biển: “Turkish Bath” ở ngoài. “Đó là một nhà tắm Thổ, nhưng tôi không chắc về chất lượng, lên Istanbul hãy đi tắm thì tốt hơn.” Ilknuk nói.

Quá sốt ruột vì tò mò, chúng tôi muốn thử luôn ở Cappadocia. Nhưng khách sạn chúng tôi ở lại khá xa trung tâm thị trấn nơi có nhà tắm Thổ. Đành ngậm ngùi chờ khi lên tới Pamukkale, một trung tâm tắm suối nóng ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi hỏi lễ tân khách sạn xem có thể tắm Thổ ở đâu thì được trả lời: “Ngay trong khách sạn cũng có tắm Thổ, miễn phí, xin mời các bạn.”

Oa, như bắt được vàng, cả nhóm 4,5 người chúng tôi ùa vào một cánh cửa nhà tắm Thổ của khách sạn. Một căn phòng bằng đá cẩm thạch cỡ 15 mét vuông với một chiếc bàn đá cao khoảng chưa tới một mét nằm chềnh ềnh giữa phòng, chiếm 2/3 diện tích. Xung quanh căn phòng là 4 kệ đá nhỏ chứa nước và một số xô chậu. Căn phòng đá trắng được thiết kế theo kiểu cổ khá đẹp nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng người người hướng dẫn.

“Tắm Thổ kiểu gì thế này, tắm như thế nào bây giờ?” Chúng tôi hỏi nhau và kéo ra ngoài hỏi ông bạn lễ tân thì nhận được câu trả lời: “Các bạn cứ vào đó tự tắm. Nếu muốn có người tắm cho thì mất 30 đôla Mỹ. Nhưng hôm nay cũng hết ca rồi, phải đợi tới ngày mai.”

“Tự tắm! Tắm Thổ là thế này á, hay là vào đó tắm cho nhau.” Đùa chán, chúng tôi lục tục rời khỏi phòng tắm Thổ để lên phòng “tự” tắm bồn.

Lần tắm hụt thứ nhất làm tăng thêm nỗi tò mò “tắm Thổ” của chúng tôi. Không đợi lâu hơn nữa, vừa tới khách sạn ven biển ở thành phố Kusadasi, chúng tôi đã hẹn nhau, 6h30 tập trung ở sảnh để đi tắm Thổ.

Trung tâm tắm, xông hơi và massage kiểu Thổ Nhĩ Kỳ của khách sạn nằm ngay ở tầng trệt. Sau khi “đóng học phí” 20 đôla mỗi người, chúng tôi được phát một chiếc khăn tắm để quấn quanh người và bị “lùa vào một phòng xông hơi tập thể. 2 “bà chị” đi cùng đoàn cũng bị lùa chung vào căn phòng xông hơi lổn nhổn cỡ chục đàn ông đóng mỗi chiếc “khố” nhỏ quanh người như thổ dân Châu Phi ấy.

“3 người đầu tiên đi theo tôi.” Người hướng dẫn vào phòng xông hơi gọi và 3 thằng đàn ông chúng tôi lẽo đẽo theo anh ta vào một phòng tắm. Căn phòng đá cỡ 20 mét vuông có trang trí y hệt phòng tắm ở khách sạn trước. Một chiếc bàn đá cẩm thạch hình lục lăng nằm giữa phòng và xung quanh là 4 bể nước đá. Lần này khác ở chỗ, 2 cô gái xinh xắn, trắng muốt chỉ mặc bikini đứng chờ sẵn ở đó. Chính xác hơn là các cô cũng quấn ngang hông một lớp khăn dài hơn gang tay y hệt chúng tôi. Phía bên kia, một gã đàn ông râu quai nón cao to lực lưỡng cũng quấn ngang hông một mảnh khăn tương tự.

A lê hấp!

Mảnh khăn mỏng quanh người chúng tôi nhanh chóng bị hai cô “phù phép’” biến đi đâu mất. Trong khi chúng tôi còn đang ngượng nghịu lấy tay che thì các cô đã ra lệnh ngồi xuống và múc nước từ kệ đá đổ ùm ùm lên người chúng tôi. Chúng tôi còn mải cười như như nắc nẻ với cái cảnh “mẹ tắm cho con” này thì anh bạn còn lại đang cãi nhau với gã Thổ đô vật cởi trần. Gã định “đè” anh ra tắm nhưng anh dứt khoát không chịu bởi nhìn sang thấy cảnh được “em út” tắm cho như chúng tôi sướng hơn. Cuối cùng, gã Thổ đành để cho bạn tôi ngồi một góc chờ đến lượt hai mỹ nhân kia tắm cho.

Đổ nước chán lên người chúng tôi, hai mỹ nữ một người Thổ, một người Nga ra lệnh cho hai chúng tôi nằm xuống. Chúng tôi vừa nằm sấp thì lại được ra hiệu phải nằm ngửa. Hai mỹ nhân lấy chiếc khăn cũ vo vo lại thành một mảnh bé tí ti rồi đặt lên “điểm cần thiết” trên người chúng tôi. Cả hai chúng tôi vẫn nằm nhìn nhau cười “như được mùa” làm hai mỹ nhân cũng cười theo. Hai cô lấy một cái khăn thô như xơ mướp đeo vào bàn tay rồi bắt đầu kỳ cọ khắp người chúng tôi như người ta đánh giấy ráp cho đồ gỗ.

Chưa hết cơn cười thì cánh cửa phòng tắm lại mở, hai nhân nữa trong đoàn bước vào, một nam một nữ. Chị nữ vội vã hét lên đòi ra khi nhìn thấy cảnh tượng “tồng ngồng” trong phòng tắm.

“Ủa sao lại tắm chung nam nữ thế này, nữ phải có phòng tắm riêng chứ.”
“Không có riêng tư gì hết, ở đây là unisex, không đọc biển báo à, không phân biệt giới tính.” Chúng tôi trả lời.

Gã Thổ to con kiếm được khách thích quá vội vã kéo ngay chị nữ vào tắm cho. Chị cũng được đặt nằm như xác ướp ngay cạnh chúng tôi, anh chàng còn lại cũng ra ngồi góc như anh trước để đợi tới lượt “tiên tắm” hay “tắm tiên” cũng được.

Trong lúc đó, hai cô gái đã lấy đâu ra cái xô trắng như xô nước rửa xe máy ở Việt Nam. Hai cô vục vào đó một cái khăn vải rất dài và khi rút khăn ra, toàn bộ tấm khăn đẫm nước xà phòng. Nhoằng một cái, không hiểu các cô kéo tấm khăn kiểu gì, một tầng bọt xà phòng dày tới ba chục phân đã trải lên người chúng tôi. Các cô bắt đầu xoa khắp người chúng tôi như massage.

“Như rửa xe.”
“Giữ cẩn thận cái nhẫn. Không nó kỳ cọ một hồi ra không thấy nhẫn đâu.”
“Hỏi các cô này xem mình tắm cho các cô ý thì hết bao nhiêu tiền.”

Hai ông bạn ở ngoài vừa nhìn chúng tôi “được” tắm vừa châm chọc. Được thể, chúng tôi tôi cũng kêu la để trêu tức: “Sướng quá, phê quá, tắm Thổ có khác.” Anh bạn tắm cùng còn vờ nắm tay cô gái và bị cô phát đùa vào tay. Cả phòng tắm nam nữ lộn xộn, vui như họp chợ, lời qua tiếng lại rôm rả như đánh tổ tôm.

Khi chúng tôi vẫn chưa dứt được cơn cười thì lại nhận chỉ thị của hai cô phải nằm sấp, một lớp bong bóng xà phòng nữa lại đổ ụp lên người chúng tôi và lại là những cơn cười.

“Thế ngày nào em cũng làm ở đây à?”
“Vâng” Cô gái Thổ tắm cho chúng tôi bập bẹ mãi mới trả lời được, không biết tiếng Anh của cô kém hay cô “giả vờ”kém.

Màn tắm tiếp tục bằng pha gội đầu bằng thứ xà phòng Thổ Nhĩ Kỳ và kết thúc bằng màn tắm tráng. Thời gian tắm quảng cáo 30 phút sao mà trôi nhanh thế. Chúng tôi được thay cho một chiếc khăn quấn người mới và mời ra nằm thư giãn ở một giường xa lông bên ngoài. Không hiểu xà phòng gội đầu kiểu gì, tóc chúng tôi vẫn bết vào như 3 ngày chưa gội.

“Thôi cũng đã, phê phết, biết thế nào là tắm Thổ.” Chúng tôi bảo nhau.

Hóa ra, cái sự tắm Thổ nó vẫn không đơn giản thế….

Duy Khánh