Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Kỳ 5: Palestine: nỗi đau giữa những bức tường chiếm đóng



9 năm, 8 năm, 2 năm, 5 năm và 10 năm…. Đại sứ Palestine Saadi Salama lần lượt giới thiệu một số người bạn của ông ở ngôi làng Nilin, cách Ramallah quãng nửa giờ đi xe, không phải bằng tên mà bằng số năm tù.


Xét theo khía cạnh này, hài hước một chút, Palestine chắc chắn là nơi có phần trăm số người từng có “tiền án, tiền sự” trên tổng dân số nhiều nhất thế giới.

“Có 850 000 người Palestine đã từng vào nhà tù của Israel từ năm 1967 tới bây giờ, hiện vẫn còn khoảng gần 10 000 ở trong tù.” Một người đàn ông trong nhóm bạn cho biết. “Con số này rất lớn nếu tính tới dân số Palestine trong vùng lãnh thổ Bờ Tây chỉ khoảng 2,8 triệu và dân số năm 1967 chỉ hơn 1 triệu.”

Những gương mặt đàn ông khá giản dị và chất phác, không có vẻ gì chứng tỏ họ đã từng trải qua những năm tháng bóc lịch lâu đến vậy vì tổ chức bạo lực chống lại Israel. Mà không chỉ một lần, mỗi người trong số họ đều đã từng ra vào nhà tù chí ít cũng hai ba lần.

Chuyện thường ngày ở “tù”


9 lần vào tù với tổng cộng 9 năm, Mohamad Shaker, 60 tuổi, nổi tiếng khắp Palestine. Người đàn ông mà chúng tôi gặp ở thị trấn Idna, Hebron từng là thành viên tích cực của Mặt trận Dân chủ Palestine. Mái tóc bạc trắng và hai tai gần như điếc đặc, Shaker vẫn nhớ từng ngày tháng của những lần vào trại với tội danh: kết nạp và tổ chức quần chúng để đấu tranh vũ trang.

“Riêng ở làng này, 850 người đã từng bị giam giữ từ năm 1967.” Shaker nói. Người Palestine không quên các tù nhân. Ngay giữa quảng trường Sư tử, trung tâm thành phố Ramallah, người ta quây một khu riêng bằng dây thép gai như nhà tù, trong đó có những tấm bảng dán ảnh to của những tù nhân đã vào trại từ lâu lắm nhưng nay chưa thấy trở về.

Trên con đường vào trại tị nạn Zalazon ở Ramallah, chúng tôi gặp 4 thanh niên đi ngược chiều. 15, 16, 17, 16, lần giới thiệu này của người dẫn đoàn không phải là số năm tù mà là số tuổi, ơn chúa. Nhưng câu tiếp theo đã vội vã là: “Tất cả họ đều đã vào tù vì tội ném đá vào người Israel.”

Khanla Nakla, 53 tuổi, một người mẹ Palestine sống thanh đạm trong một căn nhà nơi con đường chính của trại tị nạn đâm thẳng vào cửa chính. Không biết có phải vì “phong thủy”, cậu con trai 16 tuổi của bà đã 15 tháng rồi nằm trong nhà giam ở Nam Jerusalem. Cứ 3 tháng một lần, một người nhà lại được vào thăm cậu bé để tiếp tế quần áo, vật dụng.

“Con cô có bị đưa ra tòa không?” Chúng tôi hỏi.
“Có chứ, nó bị kết án 20 tháng vì ném bom xăng vào Israel.” Bà Khanla Nakla trả lời
“Israel có đưa ra tòa. Như anh trai tôi bị xử 4 năm rưỡi vì tội dùng vũ khí.” Anh Jihad, người hướng dẫn đoàn trong trại tị nạn nói thêm.

Chúng tôi rời trại tị nạn 10 000 dân Zelazon khi tiếng kinh cầu từ nhà thờ Hồi giáo văng vẳng đâu đó theo một nhịp điệu buồn. Nhịp điệu của cuộc sống nơi này cũng không vui hơn. Ở khu trung tâm trại tị nạn, những người đàn ông tụ tập đầy trên hè phố, ngơ ngác ngó lơ theo những bước chân chúng tôi qua. Không thấy ai cười, còn lại chỉ là sự chịu đựng khắc khổ với những gì đã trở nên quá bình thường, như khi người mẹ tù nhân Khanla Nakla ấy thốt ra câu này, trong một sự bình thản khó ngờ:

“Gia đình nào ở đây chả có 1, 2 người đi tù. Đâu phải chỉ có con tôi, cả nhân dân Palestine đang sống trong nhà tù cơ mà.”

Trong vòng kim cô của những bức tường

“Israel đã phải sống trong gươm giáo từ thời lập quốc.” Nhà báo Pháp Anton La Guardia viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nhà báo Pháp cho rằng: sống trong một vòng vây Arập xung quanh, người Israel phải thiết lập một kỷ luật an ninh gang thép để có thể sinh tồn.

Palestine là nơi hứng chịu trọn vẹn nhất vòng cương tỏa về an ninh đó, thể hiện rõ ràng nhất ở những bức tường được dựng ra ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Bờ Tây. Từ những hàng rào thép vây xung quanh một khu định cư, tới những hàng rào bê tông cao ngút được dựng lên để ngăn chặn, những tường rào như thế là biểu tượng trực quan nhất của chiếm đóng.

Nhưng còn có vô vàn những nỗi đau ẩn ngầm khác của chiếm đóng khác mà phải sống sâu trong lòng Palestine mới hiểu thấu. Chiếm đóng không chỉ là những bức tường, ở giữa chúng là một loạt những phức hợp khó tưởng tượng.

Xét trên khía cạnh quản lý, vùng lãnh thổ Bờ Tây chia làm 3 khu chính. Khu A do người Palestine kiểm soát, Khu B thuộc quyền kiểm soát dân sự của Palestine nhưng kiểm soát an ninh của Israel và Khu C người Israel kiểm soát hoàn toàn.

Trên những nẻo đường Bờ Tây, Đại sứ Saadi Salama vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi những khu định cư Do Thái do Israel kiểm soát nằm gọn gàng trên những quả đồi. Rất dễ nhận ra chúng bởi những lớp ngói đỏ, những hàng rào an ninh và sự khang trang so với những khu vực xung quanh. “Có khoảng nửa triệu người Do Thái đang sống trong những khu định cư như vậy ở Bờ Tây.” Đại sự Saadi cho biết.

Những khu định cư Do Thái xen kẽ như tổ ong với phần đất của người Palestine biến cuộc xung đột Trung Đông thành một cuộc tranh chấp lãnh thổ có một không hai. Ở đây không chỉ là tranh chấp đường biên giới giữa Bờ Tây, Gaza và phần còn lại, bởi ngay trong đường biên giới lớn ấy đã có hàng ngàn đường biên giới nhỏ bao quanh mỗi khu định cư. Chính xác hơn là, không có một đường biên giới nào cả.

“Ở tỉnh Jerico, có 60 000 người Palestine sống chung với 6000 người Do Thái. Nhưng hơn 80% đất đai bị coi là khu quân sự, 12% dành cho người Do Thái định cư, 7% cho người Palestine. Trong khu quân sự, không một hòn đá nào được đưa vào để xây dựng.” Tỉnh trưởng thành phố Jericho Majed Al-Fityani chia sẻ với chúng tôi. Jerico là thành phố cổ nhất thế giới với 10 000 năm tuổi và sâu nhất thế giới dưới mặt nước biển 320 mét, việc ông tỉnh trưởng chỉ có quyền quản trị tối đa 7% diện tích thành phố của mình là một sự độc nhất vô nhị nữa chỉ có ở Jericho, thành phố vốn đã có thừa sự “lập dị” của mình.

Thành phố Hebron cũng “lập dị” không kém theo lời tỉnh trưởng Kamel Hemeid: “Ở khu vực Hebron số 2, có 400 người định cư Do Thái sống giữa 65 000 người Palestine. Chỉ có 400 người nhưng nhiều thời điểm, Israel phải thiết lập tới 170 trạm kiểm soát và 15 camera để theo dõi khu vực này. Phải có những con đường riêng dành cho người Do Thái và người Arập. Những thời điểm như ngay sau phong trào ném đá Intifada năm 2000, đi lại ở đây cực kỳ khó khăn, cứ 1 Km lại phải dừng bởi một trạm kiểm soát.”

Những kiểm soát “vô hình” với máy ảnh

Chiếm đóng luôn đi kèm với sự kiểm soát, sự kiểm soát tồn tại ở khắp nơi trên vùng lãnh thổ Palestine. Nhưng không dễ nhận ra chúng đối với những khách du lịch chỉ tới đây để “chụp ảnh”. Họ có thể chụp được những trạm kiểm soát hữu hình trên đường, những kiểm soát “vô hình” khác thì không. Kinh tế là một ví dụ.

Chúng tôi tới thăm nhà “liệt sỹ” mới 16 tuổi Mohamad Hamdan trong Trại tị nạn Zelazon. Những căn nhà trong Trại tị nạn không hề tồi tàn, sập sệ hay chỉ là những túp lều tranh như trong phim ảnh, đó đã là chuyện của giai đoạn sau 1948. Với sự hỗ trợ của quốc tế và nỗ lực của người dân, người tị nạn giờ cũng sống trong những ngôi nhà tươm tất của họ.

“Thu nhập của tôi một tháng là 800 đôla Mỹ. Tôi chỉ là công nhân trong 1 xưởng làm đá, cắt đá để xây nhà.” Anh trai Mohamad nói.

Chúng tôi “tá hỏa” và đùa nhau chắc phải bỏ việc để xin sang đây “tị nạn”. Sự thật không đơn giản thế, thu nhập “cao” không phản ánh chất lượng sống bởi nền kinh tế Palestine tương thuộc vào Israel, người Palestine tiêu tiền Israel và mua hàng với mức giá tương đương với Israel. Mọi mặt hàng phải nhập khẩu qua Israel nên giá cả trở nên đắt đỏ.

“25 đôla một Kg thịt cừu, 18 đôla một Kg thịt bò. 1 Kg gạo là 3 đôla. Phải có thu nhập 1500 đôla để một gia đình 5 người sống tương đối thoải mái.” Bố của Mohamad nói.

800 đôla của anh trai Mohamad phải giành để nuôi 6 người còn lại trong gia đình không đi làm. “50% dân số của trại tị nạn Zelazon thất nghiệp, chỉ có 1% vào Đại học mà đa số là nữ bởi nam còn bận đi làm kiếm ăn.” Jihad, người dẫn đoàn chúng tôi vào trại tị nạn cho biết.

Không dễ dàng cho anh trai Mohamad và những người Palestine khác phải sống trong một nền kinh tế “ký sinh” trên một cơ thể kinh tế khác có mức thu nhập trung bình cao vượt trội. Cảnh sống “ký sinh” ấy tạo ra những hoàn cảnh chẳng giống ai, đối với mọi người và với mọi khía cạnh của nền kinh tế. Du lịch là một ví dụ khác.

“Du lịch là một ngành mong manh, phụ thuộc vào chính trị. Làm du lịch trong tình trạng chiếm đóng cực kỳ khó khăn. Người Palestine không kiểm soát được điều đơn giản nhất là visa nhập cảnh. Mỗi năm có tới 2 triệu du khách tới đây, nhưng phần đông đến từ Israel. Chúng tôi chỉ thu được khoảng 5 đến 10% doanh thu bởi họ không ở lãnh thổ Palestine mà chỉ đi qua, chủ yếu họ ở Jerusalem.” TS Abu Dayyeh, Bộ trưởng Du lịch Palestine, một người theo đạo Thiên Chúa cho biết.

Palestine là điểm đến vàng cho du lịch tôn giáo và văn hóa. Thành Phố Bethlehem còn đó Nhà thờ Máng Cỏ nơi Chúa Jesus ra đời, đó chỉ là một trong vô số những di tích gắn liền với các truyền thuyết trong cả Cựu ước và Tân Ước. Mảnh đất của cả ba tôn giáo lớn này bản thân nó đã tạo ra một sức hút “thần thánh” với khách du lịch. Doanh thu 900 triệu đôla từ du lịch năm 2010, chiếm tới 15% GDP của Palestine là một minh chứng cho điều đó, bất chấp những khó khăn của một vùng lãnh thổ còn chưa hết xung đột và chiếm đóng.

“Độc nhất, vô nhị”

“Sự chiếm đóng tạo ra những hoàn cảnh độc nhất vô nhị.” Câu nói ấy của Bà Bộ trưởng Du lịch Palestine không dễ quên. Những cảnh tưởng “độc” và “lạ” ấy chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trên mỗi nẻo đường. Ngôi trường cấp I trong trại tị nạn Aida cách Jerusalem 7,3 Km chẳng hạn. Ngôi trường ấy hoàn toàn không có cửa sổ hay nói đúng ra là mọi cửa sổ đã được bịt kín bởi sợ đạn từ phía hàng rào phân chia cách đó không xa.

Những học sinh trong đó sẽ không dễ thở, tất nhiên rồi. Người Palestine không dễ thở khi sống trong vùng lãnh thổ còn đang bị chiếm đóng. “Không ai từ nhỏ tới lớn ở Palestine chấp nhận được sự chiếm đóng.” Tỉnh trưởng Jericho chia sẻ với chúng tôi khoảng 30 phút về tình hình của thành phố, 30 phút liên tục, chúng tôi không hề nhìn thấy trên khuôn mặt người đàn ông ấy một nụ cười...

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét