Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2011

Từ cấm kẹo cao su tới khát vọng hoàn hảo của Singapore


Báo chí phương Tây gọi Singapore là gì nhỉ? Nhà nước vú em, một nhà nước đánh thức bạn mỗi sáng, theo dõi bạn cả ngày, và đưa bạn đi ngủ mỗi tối.

Còn Lý Quang Diệu được gọi ra sao? “Tiểu Hitler ở Đông Nam Á“, “nhà độc tài”, “ông bố biết tuốt”.

Thực hư thế nào chưa bàn, chỉ có điều, Singapore dưới con mắt truyền thông quốc tế nổi lên với một đặc điểm cơ bản: một chính quyền nghiêm khắc tới mức không có trong từ điển của nó chữ “tình”. Từ việc duy trì hình thức phạt đánh bằng roi cho tới cấm bán kẹo cao su, có vẻ trong mắt không ít người, sự quá quắt đã đi quá giới hạn của nó.

Sự kiện gây chấn động thế giới hơn cả là việc công dân người Úc gốc Việt Nguyễn Tường Vân bị chính phủ Singapore tuyên án tử hình năm 2005 do mang 400g ma tuý vào nước này. Không phải bởi án tử hình cho tội phạm ma túy, Singapore quá nổi tiếng với bộ luật đưa lên giá treo cổ bất kỳ ai sở hữu trên 15g heroin rồi.

Điều đặc biệt ở chỗ, bất chấp năm lần bảy lượt đích thân thủ tướng Australia John Howard “cầu xin” thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, và thậm chí cả “đe doạ” sẽ làm xấu đi quan hệ ngoại giao hay đưa vụ việc ra tòa án quốc tế, chính quyền Singapore hoàn toàn không nhượng bộ.

Ân huệ lớn nhất là họ đã cho phép mẹ của Nguyễn Tường Vân được gặp, nắm tay và vuốt mặt con trai lần cuối trước khi treo cổ phạm nhân. Ngay cả điều nhỏ nhất ấy cũng chưa có tiền lệ ở quốc gia cấm tử tù không được gặp người thân này.

“Vô nhân đạo”, “dã man”, “bất trị” là những từ ngữ trong số không biết bao nhiêu tính từ những người chủ trương “nhân quyền” đã dùng để mô tả chính quyền của Singapore khi ấy.

Vậy cho nên, trong một cuộc ăn trưa tình cờ với hai nữ doanh nhân Singapore trong lĩnh vực y tế vài tuần trước, khi được hỏi có thích Singapore không, cho dù rất muốn ngoại giao, người viết bài này vẫn phải nói “Không” với cái lý do đầy cảm tính: “Singapore có quá nhiều luật lệ!”

Rất tiếc, vài tuần sau, người viết cảm thấy thật lòng hối tiếc với câu trả lời ấy của mình. Không phải bởi nghĩ lại thấy hai cô gái ấy xinh đẹp, mà do một cuốn sách mới tinh có tên: “Đối thoại với Lý Quang Diệu” của nhà báo Mỹ Tom Plate.

Lý Quang Diệu là cáo hay là nhím?


“Đối thoại với Lý Quang Diệu” đơn giản mô tả lại cuộc phỏng vấn 2 ngày giữa Tom Plate và cha đẻ của đất nước Singapore. Đáng ra, với một cuộc phỏng vấn kéo dài 2 ngày mà lại về chính trị nữa thì cuốn sách phải nhàm chán mới đúng. Người viết đã mua về nhưng cũng không định mất công đọc cho tới khi nhận được chỉ thị của “cấp trên”: phải đọc!

Đến lạ! Đọc rồi không dứt ra được, cuốn sách có ma lực khó cưỡng.

Nói một cách đơn giản thế này, Tom Plate định làm một cuộc đại phẫu với “ông già” đã 86 tuổi Lý Quang Diệu. Một cơ hội hiếm hoi cuối cùng để hiểu lại một vĩ nhân chính trị chắc cũng sắp “tìm về với Marx”. Lý Quang Diệu ho sù sụ và phải chườm hết bình này đến túi kia trong suốt cuộc phỏng vấn, còn Tom Plate vừa đùa cợt vừa “biểu diễn” kiến thức Đông Tây Kim Cổ để “thử” ông già họ Lý.

Cuộc phỏng vấn “như đùa” ấy thế mà cũng trả lời được khối câu hỏi hay hay, trong đó quan trọng nhất có lẽ là: Lý Quang Diệu đã”cấy” DNA gì vào đất nước Singapore mà họ phất thế hay nói một cách nghiêm túc hơn: tư tưởng quản trị đất nước và phát triển kinh tế của Lý Quang Diệu như thế nào?

Tom Plate “soi” Lý Quang Diệu dưới lăng kính của một loạt những nhà tư tưởng phương Tây từ cổ đại như Plato, tới cận đại: Machiavelli, Thommas Hobbes, Thommas Moore và hiện đại: Friedric Hayek, Isaiah Berlin… cho dù Lý Quang Diệu bảo:

“Tôi không giỏi triết học và các học thuyết, tôi chỉ đọc qua loa thôi, tôi chỉ quan tâm tới những gì hiệu quả trong thực tiễn.”

Ấy thế mà, trong tư duy phát triển của Lý Quang Diệu tồn tại tất cả những tư tưởng đặc sắc của các nhà triết học vừa kể, cho dù họ vẫn được coi là đối nghịch nhau “chan chát”.

Lý Quang Diệu kiên quyết dùng kỷ luật sắt để điều hành đất nước, thà làm cho dân sợ còn hơn làm cho dân yêu, như đúng như những gì Machiavelli từng răn dạy các bậc Quân vương trong cuốn sách cùng tên 500 năm trước. Thế nhưng, ông cũng tạo ra một “thành bang” Singapore được quản trị bởi những con người tinh hoa bậc nhất đúng như nền Cộng hòa lý tưởng được điều hành bởi quý tộc ưu tú trong tưởng tượng của Plato.

Lý Quang Diệu góp công quan trọng kiến tạo một xã hội không tưởng (utopia) kiểu Thommas Moore với kinh tế, giáo dục, y tế… đứng hàng đầu thế giới trong khi tỉ lệ tội phạm thấp nhất toàn cầu. Trong khi ấy, ông lại sử dụng những biện pháp “cảnh sát trị” để duy trì luật pháp và trật tự thép kiểu Thommas Hobbes.

Không phản đối Karl Marx nhưng cũng lại rất hâm mộ kinh tế thị trường của Hayek, với những người phê bình, Lý Quang Diệu có thể hiện lên như một chú “cáo” hai mặt, luôn luôn biến hình, chẳng có tư tưởng phát triển gì chủ đạo ngoài những thủ đoạn chính trị để sẵn sàng “vùi xuống đất đen” mọi phe phái đối lập với mình.

Tom Plate không nghĩ thế và tay nhà báo Mỹ “ma quái” này có tài thuyết phục để độc giả cũng không nghĩ thế. Cho dù đã được Lý Quang Diệu “rỉ tai” nói nhỏ rằng cứ viết về ông tiêu cực nếu “anh thấy thế”, Tom Plate đã nhìn “ngước lên” để thấy tầm vóc của một Lý Quang Diệu với bản lĩnh sắt đá, động lực phi phàm và trí tuệ vô song.

Con người ấy luôn là một “chú nhím” lầm lũi tìm mọi cách đưa Singapore tiến lên phía trước, sẵn sàng xù gai nhọn với những ai cản bước trên đường. Xã hội muốn phát triển phải được dẫn dắt bởi một tập thể trí tuệ siêu việt. Xã hội muốn ổn định phải có kỷ luật gang thép. Không có gì mâu thuẫn nhau cả, mọi tư tưởng đều có lý nếu vì lợi ích xã hội và đều vô lý nếu để phục vụ quyền lực và lợi ích cá nhân.

Đừng mải cãi nhau về học thuyết này nọ nữa, hãy bắt tay vào làm hết sức để phục vụ xã hội rồi sẽ đúc kết ra lý thuyết. Vì xã hội hãy làm việc tốt, đối xử tử tế với mọi người và trung thành với đất nước, đơn giản vậy thôi, đó chính là tinh thần đạo Khổng.

“Mưa sẽ rửa trôi tất cả, chỉ Khổng giáo còn lại, đó là DNA văn hóa, thứ ăn sâu bám rễ hơn bất kỳ một tư tưởng hiện đại nào.”

Lý Quang Diệu phát ngôn như thế trong bối cảnh Khổng giáo bị số đông coi là một học thuyết hủ lậu đã tạo nền tảng cho chế độ phong kiến cản trở sự phát triển hàng ngàn năm trời. Lạ chưa, ông già họ Lý lại coi đó chính là gen phát triển của Singapore và của cả thế giới người Hoa, là “giá trị Châu Á” đóng góp vào thế giới.

Không lập loè, không hoa mỹ và không mấy khi cảm thấy cần lịch thiệp, nhà “độc tài ôn hòa” theo cách gọi của Phương Tây sẵn sàng nói “Không” với những DNA văn hóa khác như tự do dân chủ kiểu Mỹ, nếu điều đó chỉ dẫn tới tranh cãi và chia rẽ lẫn nhau.

Kẹo cao su và ước vọng hoàn hảo


Ừ, cứ cấm kẹo cao su đi, bỏ phiếu chắc gì dân đồng ý, nhưng cứ cẩm, ông cựu thủ tướng cầm quyền 31 năm ấy được lợi gì nhỉ? Tự làm việc quái dị để gây nổi chăng? Không, Tom Plate trả lời: “Hành vi nhã bã kẹo cao su khắp nơi được nhà cầm quyền coi là đe doạ tới khát vọng trở thành một quốc gia hoàn hảo của Singapore.”

Ôi trời đất, thật là không thể hiểu nổi. Phải chăng vì đã chứng kiến quá nhiều những vứt rác, vứt chuột chết hay thậm chí trói tay vứt cả… vợ ra đường để hành hạ nên người viết không thể hiểu nổi khát khao hoàn hảo ấy của người Sin?

Bất ngờ, sửng sốt, hài hước nhưng không bao giờ là nông cạn, “Đối thoại với Lý Quang Diệu” khiến cho những ai ác cảm với Singapore ít ra cũng có đôi chút nghĩ lại. Người viết sau khi đọc sách có nhấc máy gọi điện cho một người bạn học lâu năm ở Sinapore, xin ghi lại cuộc đối thoại thay cho lời kết:

“Này, Singapore độc tài tới mức cấm kẹo cao su đúng không? Cuộc sống bên đó gò bó vì chính quyền kiểm soát ghê lắm phải không?”

“Cũng bình thường, thoải mái thôi chứ có gì đâu nhỉ. Đúng là có cấm bán kẹo cao su nhưng bọn bạn mình vẫn mua từ trong nước sang đây ăn mà.”

Khánh Duy