Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Dầu mỏ




“Dầu mỏ”: “Tam Quốc diễn nghĩa” thời hiện đại

1200 trang sách với hàng trăm nhân vật được miêu tả trong suốt gần 150 năm lịch sử, từ khi những giọt dầu đầu tiên được khai thác ở Pennsylvania nước Mỹ cho tới cuộc chiến Iraq xâm lược Côoét. Tác phẩm “Dầu mỏ - Tiền bạc và Quyền lực” của tác giả Daniel Yergin do công ty sách Alpha xuất bản có tầm vóc của một “Tam quốc diễn nghĩa” thời hiện đại.

Kỳ I: Kỷ nguyên của những người anh hùng

Toàn bộ thế kỷ 20 được coi là kỷ nguyên Dầu mỏ. Cuộc chiến tìm kiếm và chiếm giữ nguồn “vàng đen” này đã tạo ra những nhân vật anh hùng và chính họ lại làm biến đổi kỷ nguyên ấy theo những con đường khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ giai đoạn nào trước đó.

“Tam Quốc Diễn Nghĩa” của Daniel Yergin

Câu chuyện mở đầu ở “một vùng đồi núi xa xôi phía tây bắc bang Pennsylvania” những năm 1850, nơi người ta nhìn thấy “một loại vật chất tối màu và nặng mùi trên mặt các con suối và nhánh sông.” Loại vật chất ban đầu chỉ được người dân ở đây dùng để làm thuốc và thắp sáng. Một người đàn ông nhạy bén với cơ hội kinh doanh có tên George Bissell đã nảy ra ý tưởng khai thác loại vật chất này với khối lượng lớn để bán như một loại dầu thắp sáng. Ý tưởng bị những người xung quanh nhạo báng này đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lịch sử loài người - kỷ nguyên dầu mỏ. Và ngay cả cha đẻ của kỷ nguyên ấy, George Bissell, cũng không thể ngờ rằng thứ vật chất mà ông chỉ nghĩ rằng dùng để thắp sáng đó, đã vĩnh viễn thay đổi cuộc sống và vận mệnh của biết bao cá nhân, công ty và quốc gia trên khắp địa cầu.

Tác phẩm “Dầu mỏ” khởi đầu nhẹ nhàng như vậy nhưng toàn bộ cuốn sách dày như một quyển từ điển này thì hoàn toàn ngược lại. Xuyên suốt tác phẩm là cuộc chiến không khoan nhượng giữa 3 thế lực trụ cột nhằm kiểm soát dầu mỏ: đó là các công ty dầu lửa, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn và các cường quốc. Tương tự như ba nước Ngụy, Thục, Ngô trong “Tam Quốc diễn nghĩa” tranh giành đất đai và quyền lực, ba thế lực trong “Dầu mỏ” cũng xung đột liên tục trong suốt hơn một thế kỷ để tranh giành dầu mỏ - thứ vật chất có thể mang lại tiền bạc và quyền lực tối thượng cho những người sở hữu nó.

Nếu như “Tam quốc diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc thì “Dầu mỏ” như lời bình luận của các tờ báo phương Tây là “thiên sử vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Điểm khác nhau chỉ là “Dầu mỏ” không phải là một tác phẩm có ít nhiều hư cấu như Tam Quốc. Cuốn sách ngập tràn những thông tin và dữ liệu chính xác về lịch sử và tác giả của nó đã thể hiện rõ đẳng cấp của một học giả đoạt giải Pulitzer bởi tầm hiểu biết, khả năng tổng hợp và phân tích “siêu đẳng” các biến cố lịch sử phức tạp.

Nhân vật lịch sử: đã chết mà như đang sống

Không phải là một cuốn biên niên sử với những con số và ngày tháng khô khan, cuốn sách của Daniel sống động với những nhân vật được miêu tả đậm chất sử thi và mang tính “anh hùng” như những nhân vật trong Tam Quốc. Vua dầu mỏ Rockefeller, thủ tướng Anh Churchill, trùm phát xít Đức Hitler, tổng thống Bush cha và nhà độc tài Saddam Hussein, tất cả hiện lên trong cuốn sách bằng những nét khắc độc đáo rất “con người”.

Trùm dầu mỏ Rockefeller được nhắc tới nhiều nhất trong cuốn sách. Người đã sáng lập nên đế chế dầu mỏ Standard Oil này được miêu tả là một nhà doanh nghiệp đa nghi, lạnh lùng và khôn ngoan đến nỗi “khi mới ra đời, hẳn ông ta đã 100 tuổi.” Tuy là người giàu nhất nước Mỹ thời bấy giờ nhưng ông vẫn “duy trì tính căn cơ kỳ lạ”, “kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách”. Thế mà, nhà tư bản bị người cùng thời nguyền rủa là tàn nhẫn và vô cảm ấy lại dành “số tiền lẻ” của mình để làm từ thiện lên tới 550 triệu đôla, trong đó có việc sáng lập ra đại học Chicago danh tiếng nhưng “từ chối việc đặt tên mình cho bất kỳ ngôi nhà nào trong trường.”

Tổng thống Bush cha lập nghiệp từ ngành dầu mỏ. Ông chủ dầu mỏ sau này thành người đứng đầu nước Mỹ, đã từng “làm những công việc nhỏ nhất của một nhân viên tập sự, từ sơn các thiết bị bơm dầu cho đến phụ trách bán hàng, lăn lộn khắp nơi để hỏi khách hàng cần mũi khoan cỡ nào, loại đá nào…” Xuất thân từ dòng dõi quý tộc và tốt nghiệp Đại học Yale nhưng Bush cha đã “từ chối một công việc đúng chuyên môn” để “thành lập một công ty dầu cùng với những người trẻ tuổi tham vọng và khao khát kiếm tiền.” Thấu hiểu “chân tơ kẽ tóc” của ngành dầu mỏ đã khiến Bush cha có những quyết định nhanh chóng và cứng rắn ngay khi Iraq xâm lược Côoét vào năm 1990.

Saddam Hussein được nhắc tới như một nhà độc tài với những quyết định sai lầm đã huỷ hoại dân tộc Iraq và gây ảnh hưởng tới nền công nghiệp dầu lửa thế giới. Chào đời năm 1937, tính cách Saddam được “hình thành trong môi trường chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và bởi “nền văn hóa quê nhà Tikit, một vùng đất xa xôi hẻo lánh, nằm trên sa mạc khắc nghiệt. Người Tikrit đề cao giá trị của những quy luật sinh tồn trên sa mạc. Đó là sự đa nghi, yếu tố bất ngờ, và sử dụng vũ lực để đạt mục đích.” Môi trường đó là nguyên nhân biến Saddam trở thành một nhà lãnh đạo chuyên chế bậc nhất với âm mưu bá chủ thế giới dầu mỏ ở Trung Đông.

Nhiều nhân vật có vai trò quan trọng khác trong sân khấu dầu mỏ được mô tả rất đắt và hài hước. Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegn, người đã quốc hữu hóa các công ty dầu lửa nước ngoài tại Iran những năm 50, là người lập dị đến nỗi luôn “mặc pijama và nằm dài trên giường” mỗi khi tiếp những nhân vật ngoại quốc quan trọng. Ông này còn là một “diễn viên chính trị” vĩ đại, cứ “đến đỉnh điểm của mỗi bài diễn văn là ông lại ngất.” Người sáng lập ra tập đoàn danh tiếng Shell, Marcus Samuel, đặt tên công ty như vậy bởi cha ông là người “buôn vỏ sò”, thương gia nhiều ý tưởng này lại đặc biệt đến nỗi “không tin vào khái niệm chi phí quản lý doanh nghiệp” bởi “điều hành công ty từ một văn phòng nhỏ” và “gần như chẳng có nhân viên nào.” Calouste Gulbenkian, người đã có công tạo lập chỗ đứng cho công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông sau chiến tranh thế giới thứ nhất, là người đa nghi quá mức, khi về già đã thuê “hai nhóm bác sỹ khác nhau để có thể kiếm tra chéo”, chính ông này cũng “luôn có ít nhất một người tình dưới 18 tuổi ngay cả khi đã 80 tuổi.” Thế giới nhân vật trong Dầu mỏ đa dạng từ những nguyên thủ quốc gia, các chủ tịch tập đoàn cho tới những kẻ giang hồ, nhưng tất cả đều mang trong đầu một tham vọng chung, đó là kiếm tìm thứ vật chất có thể tạo ra tiền bạc và quyền lực vô hạn: dầu mỏ.

Kỳ 2: Thời đại của những cuộc xung đột

Kỷ nguyên Dầu mỏ là một thế kỷ xung đột kéo dài giữa ba nhóm thực thể chính tạo nên bức tranh dầu mỏ toàn cầu: các cường quốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ và các công ty dầu mỏ. Những câu chuyện tưởng như đã là quá khứ vẫn nóng hổi hơi thở hiện tại bởi những diễn biến lịch sử vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới ngày nay.

Xung đột lịch sử : quá khứ mang hơi thở hiện tại

Trước nhất phải nhắc tới cuộc đấu tranh giữa các cường quốc xung quanh nguồn tài nguyên có vai trò chi phối sức mạnh quân sự và kinh tế này. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quyết định của thủ tướng Anh Churchill “xây dựng sức mạnh hải quân dựa trên dầu mỏ” đã tạo cho quân đội Anh lợi thế nổi bật so với việc sử dụng than đá trước đó. Việc quân đội Đức thất bại trong việc tiếp cận nguồn dầu ở Baku ở thời điểm cuối cuộc chiến đã là “một đòn quyết định”, khiến nước Đức kiệt quệ nguồn năng lượng và đầu hàng sớm. Yếu tố năng lượng đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng minh, dầu mỏ là “huyết mạch của chiến thắng” theo như lời thượng nghị sỹ Pháp Bérenger.

Nhưng chiến tranh thế giới nhất chỉ như một “phép thử” đối với vai trò của dầu mỏ trong cuộc tranh giành quyền lực. Trong thế chiến thứ hai, dầu mỏ mới thực sự là yếu tố then chốt trong chiến lược, chiến thuật của các nước lớn cũng như đóng vai trò quan yếu vào chiến thắng của phe đồng minh. Người đọc sẽ phát hiện ra những mốc lịch sử quan trọng lại xuất phát từ nguyên nhân dầu mỏ. Quân đội Nhật phải tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng bởi muốn ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ khi Nhật chiếm những mỏ dầu ở Đông Ấn. Quân Đức phải tấn công Liên Xô bất chấp hiệp định giữa Stalin và Hitler trước đó bởi muốn chiếm mỏ dầu ở Baku. Tuy nhiên, âm ưu chiếm dầu của Hitler thất bại, đẩy phe Trục vào tình thế thiếu nhiên liệu trầm trọng và sụp đổ. Phe Đồng minh ngược lại với nguồn cung cấp dầu dồi dào từ Mỹ đã ngày càng chiếm ưu thế. Đoạn hay nhất là khi hồng quân Liên Xô tiến vào tới sát bongke của Hitler thì trùm phát xít đã “ra lệnh đổ xăng vào người mình và tự thiêu để không rơi vào tay những người Slav đáng ghét”. “Vẫn còn đủ xăng để thực hiện mệnh lệnh cuối cùng đó” của Hitler.

Cuộc chiến khốc liệt thứ hai phải nhắc tới là giữa các công ty dầu lửa và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Khởi đầu là các nhà tư bản dầu lửa phương Tây tìm cách đạt được các thoả thuận nhượng quyền khai thác với các quốc gia Trung Đông bằng cách trả một khoản tiền nhất định ban đầu. Giai đoạn khởi đầu đó, khi các nước Trung Đông chưa hiểu gì về dầu mỏ, những khoản tiền như vậy đã có thể coi là hợp đồng béo bở. Nhưng khi đã nhận thấy sức mạnh khủng khiếp của dầu mỏ, các nước xuất khẩu dầu mỏ bắt đầu quá trình “ép ngược” các tập đoàn dầu khí phương Tây. Đầu tiên, là các hợp đồng nhượng quyền, sau đó tới những thoả thuận phân chia lợi nhuận ngày càng có lợi cho các nước có dầu, từ 50-50, rồi 60-40, 70-30 và thậm chí 98-2. Đầu tiên, các công ty được trao độc quyền “tự tung tự tác”, sau đó, các quốc gia có mỏ dầu tiến tới “dự phần” tham gia điều hành, cuối cùng là nắm toàn bộ và chỉ thuê các công ty khai thác như những “nhà thầu”. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng hấp dẫn và đỉnh điểm của nó là những lần quốc hữu hóa. Khởi điểm là vào năm 1938 khi tổng thống Mexico Lazaro Cardenas tuyên bố truất hữu các công ty dầu. Tiếp đó là thủ tướng Iran Mossadegh quốc hữu hóa công ty BP của Anh quốc vào năm 1951. Nhưng việc quốc hữu hóa bao giờ cũng là thảm bại cho các nước có dầu bởi sự sụt giảm sản lượng trầm trọng do thiếu công nghệ của phương Tây.

Đặc sắc trong cuộc chiến giữa các công ty và các nước xuất khẩu dầu mỏ là vấn đề giá cả. Ban đầu, các công ty có quyền định giá dầu nhưng nhận thấy giá dầu thấp ảnh hưởng tới lợi nhuận của mình, các nước xuất khẩu dầu mỏ tìm mọi cách tăng giá dầu. Tổ chức OPEC ra đời những năm 60 chính xuất phát từ nhu cầu đoàn kết để kiểm soát giá dầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Mỗi lần OPEC quyết định tăng giá là mỗi lần nền kinh tế toàn cấu lại chao đảo bởi dầu mỏ đã trở thành “máu” của nhiều ngành công nghiệp.

Cuộc xung đột thứ ba là giữa các cường quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Trong cuộc chiến này, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã sử dụng thứ vật chất này như “vũ khí” để tấn công các cường quốc. Tiêu biểu là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel. Các nước Trung Đông đã dùng việc “cấm vận, cắt giảm sản lượng và giới hạn xuất khẩu dầu mỏ” để gây sức ép khiến Mỹ, Anh, Nhật và các nước phương Tây khác phải thay đổi thái độ bênh vực Israel của mình. Lệnh cấm vận đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiệm trong những năm 73-74 và “vũ khí dầu mỏ” đã phát huy phần nào tác dụng của nó. Theo lời Kissinger thì, vũ khí dầu mỏ đã “biến đổi thế giới theo một cách không thể khác được.” Đúng như vậy, các cuộc khủng hoảng dầu mỏ dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở Phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử đều bắt đầu từ những biến đổi trong động thái chính trị của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, mà điển hình là cuộc khủng hoảng 1979-1981 khi vua Iran bị lật đổ bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo căm thù phương Tây Ayatollah Khomeini.

Trung Đông với tư cách là rốn dầu của thế giới đã trở thành một khu vực đặc biệt quan trọng xét về mặt địa chính trị. Năm 1990, Saddam Hussein đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể “nuốt chửng Côoét và đặt thế giới và sự đã rồi”. Mỗi động thái chính trị ở khu vực tối quan trọng này ngay lập tức sẽ được cộng đồng quốc tế phản ứng tức thời bởi giá dầu quyết định sự thịnh vượng của mọi nền kinh tế. Saddam đã không ngờ rằng thế giới phương Tây và các quốc gia Ả Rập lại bắt tay nhau nhanh tới vậy để ngăn chặn âm mưu của Iraq. Và đúng như lời tổng thống Bush cha: “Cuộc xâm lược sẽ không kéo dài lâu” bởi “công việc của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, tự do của chúng ta và các nước bạn bè trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới rơi vào tay Saddam Hussein.”

Bài học nhỏ từ lịch sử dài những thăng trầm

Vào năm 1986, trong một cuộc đối thoại ở trường Đại học Havard, khi được một giáo sư hỏi về quá trình xác lập chính sách năng lượng của ArâpXêút, Yamani, vị bộ trưởng năng lượng xuất chúng của quốc gia này đã “trả lời không hề do dự”: “chúng tôi tuỳ cơ ứng biến.”

Khán giả cười ồ lên, nhưng chỉ một câu trả lời đó đã cho thấy tính chất lên xuống, bất định, bất thường của ngành công nghiệp dầu lửa thế giới trong suốt thế kỷ 20. Giá dầu lên rồi lại xuống, sản lượng tăng vọt rồi bị siết lại, nguồn cung thiếu hụt rồi lại dư thừa, hạn ngạch áp đặt rồi lại xóa bỏ, toàn bộ tác phẩm Dầu mỏ vẽ lại đồ thị hình sin của những thăng trầm như thế trong suốt hơn một trăm năm lịch sử.

Tuy nhiên, “Dầu mỏ” không chỉ là một cuốn biên niên sử chi tiết về ngành công nghiệp dầu lửa, mà đúng như Chicago Tribune Book World bình luận: “Yergin viết về lịch sử thế giới từ quan điểm dầu mỏ.” Cuốn sách như một cuốn cẩm nang về lịch sử chính trị và kinh tế của thế kỷ 20 với ngập tràn những số liệu và phân tích từ vi mô tới vĩ mô. Sự đồ sộ của tác phẩm và những kiến giải uyên thâm của tác giả tạo ra ấn tượng mạnh với người đọc.

Nhưng, điều đọng lại cuối cùng của tác phẩm với nhiều người có lẽ lại không phải là tầm khái quát khủng khiếp của tác giả trên suốt chiều dài lịch sử, mà lại là khả năng kể lại những tích truyện ngắn, nhỏ, nhiều ý nghĩa. Giống với Tam quốc diễn nghĩa, hay nhất trong tác phẩm là các đoạn kể về cuộc đời các vĩ nhân, ở đây là vĩ nhân trong sân khấu dầu mỏ thế giới. Dù là chính khách, doanh nhân hay những kẻ giang hồ, họ đều hiện lên mạnh mẽ, kiên định, quyết liệt, mưu lược và đầy tham vọng. Trong thế giới của những bất ổn và mưu toan tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, đó chính là những phẩm chất để thành công. Đúng như Rockefeller đã viết trong bức thư khiển trách ban giám đốc Standard Oil:

Chúng ta phải là những con người tháo vát, dám đương đầu với bất kỳ định mệnh nào. Phải tiến tới, phải theo đuổi, phải học cách nỗ lực và chờ đợi…

Đó là bài học nhỏ hay nhất rút ra từ lịch sử dài đầy những thăng trầm trong “Dầu mỏ” .

Nghịch lý của Chiến lược đuổi kịp




http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5351/index.aspx

Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp
Chủ nhật, 23/11/2008, 09:41 GMT+7

Tên sách: NGHỊCH LÝ CỦA CHIẾN LƯỢC ĐUỔI KỊP (The Paradox of Catching up)
Tác giả: Litan
Dịch giả: Nguyễn Minh Vũ, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Nguyễn Hồng Quang
Phát hành: NXB Trẻ
*****

Khi Alexander Đại đế đến thăm nhà triết học Diogenes và hỏi liệu ngài có thể làm được gì cho ông ta không, câu trả lời của Diogenes là: "Có đấy, xin hãy tránh xa ra một chút để đừng che lấp mặt trời của tôi".

Câu chuyện ngụ ngôn được kể trong cuốn sách Hiểu kinh tế qua một bài học của Henry Hazlitt đã trở thành một ẩn dụ để những người theo trường phái tự do nói về vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế. Theo họ, chức năng của chính phủ chỉ là khuyến khích và duy trì thị trường tự do chứ không can thiệp vào thị trường.

Vào những năm 1980 và đặc biệt sau khi hệ thống các nước cộng sản sụp đổ vào thập niên 90, tư tưởng laissez-faire đó đã thống trị toàn cầu và tưởng như đã trở thành một chân lý bất biến.

Nhưng, tư tưởng duy thị trường đó lại không giải thích được một cách trọn vẹn nhiều hình mẫu trong thực tiễn. Tại sao Trung Quốc với rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOE) là trụ cột của nền kinh tế lại vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt?

Tại sao các nước Đông Á vẫn làm nên những "sự thần kỳ" cho dù chính phủ tham gia sâu vào quá trình định hướng thị trường, thao túng doanh nghiệp? Và thậm chí, ngay cả những mô hình hoàn toàn phi thị trường như Liên Xô cũng có những giai đoạn dài trong lịch sử phát triển rất mạnh mẽ?

Với chỉ 300 trang, cuốn sách: The paradox of catching up của tác giả Litan với bản dịch tiếng Việt là Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp đã nỗ lực tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên. Cuốn sách tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước, lý giải sự ưu việt cũng như giới hạn không thể vượt qua của nó.

"Lợi thế của sự lạc hậu"

Tác giả Litan đã sử dụng Lý thuyết chi phí giao dịch của nhà kinh tế học Ronald Case để lý giải lợi thế của các nền kinh tế dựa vào nhà nước trong quá trình phát triển.

Theo lý thuyết này, "luôn tồn tại chi phí thực hiện các trao đổi trên thị trường". Nghiên cứu của các nhà kinh tế học sau này đã chỉ ra rằng "chi phí giao dịch chiếm gần một nửa thu nhập quốc dân của nền kinh tế Mỹ".

Nói cách khác, người mua kẻ bán không thể đơn giản gặp nhau và tự nguyện trao đổi với chi phí giao dịch bằng không (0) như lý thuyết tân cổ điển đơn giản hóa. Nền kinh tế càng phát triển càng đòi hỏi các giao dịch nhằm "bôi trơn" để thị trường vận hành, ví dụ như các ngành ngân hàng, bảo hiểm, luật, quảng cáo, bán lẻ…

Trong những nền kinh tế phát triển trước như Anh, Mỹ, các doanh nghiệp phải tự mày mò phát triển và tìm thị trường. Những ngành công nghiệp mới, những sản phẩm mới, thị trường mới nảy sinh từ quá trình "tự thân vận động" của doanh nghiệp.

Quá trình dài nhiều gian nan này là tiền đề để nảy sinh các dịch vụ giao dịch hỗ trợ, ngược lại, các dịch vụ giao dịch cũng tác động ngược, bôi trơn để quá trình phát triển công nghiệp diễn ra xuôi chèo mát mái hơn.

Nhưng, các quốc gia phát triển sau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và cả Liên Xô cũ, không nhất thiết phải tự thân vận động để tìm kiếm các ngành công nghiệp mới, thị trường mới. Do lợi thế thông tin của các nước phát triển sau, chính phủ của họ đã "nghiên cứu các mô hình phát triển công nghiệp của các nền kinh tế đi trước để áp dụng vào quá trình sản xuất của nước mình".

Đó chính "là lợi thế của sự lạc hậu", là nguyên nhân quan trọng khiến các quốc gia này dù dựa vào nhà nước để định hình nền kinh tế vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ.

Vật cản: sự kém phát triển của khu vực phi sản xuất

Sự lạc hậu, như Litan đã viết, có lợi thế của nó. Các quốc gia đi sau, nhờ "tương tác thường xuyên và trực tiếp với các thị trường phát triển của thế giới" (xét về cả đầu vào là mô hình lẫn đầu ra là xuất khẩu), đã rút ngắn được giai đoạn công nghiệp hóa xuống còn vài chục năm thay vì vài trăm năm như những nước tiên phong.

Tuy nhiên, quá trình đi tắt đón đầu này cũng tạo ra một rào cản mang tính thể chế trên con đường chinh phục vị trí lãnh đạo của các nền kinh tế này. Sự phát triển tắt dựa vào việc nhà nước định hướng, định hình đã tạo ra sự bất cân xứng giữa hai khu vực sản xuất và dịch vụ giao dịch. Trong khi khu vực sản xuất phát triển mạnh nhờ học theo mô hình các nước đi trước thì khu vực phi sản xuất lại lẹt đẹt.

Chính sự kém phát triển của khu vực phi sản xuất đã "đóng vai trò kìm hãm sự phát triển của thị trường trong nước, cản trở khả năng tạo ra sự đổi mới cơ bản trong cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu về kinh tế".

Ví dụ, luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ kém không thể tạo ra đòn bẩy khuyến khích cần thiết để những phát minh, sáng chế, sáng tạo mang tính đột phá ra đời. Theo tác giả Litan thì sự bất cân xứng này khiến các quốc gia đi sau không thể vượt lên để dẫn dắt nền kinh tế thế giới thay thế Mỹ, Anh hay Đức được.

Phát triển, nhưng không tạo ra cách mạng

Khung lý thuyết thứ hai mà Litan đã dùng để lý giải sự nhảy vọt cũng như điểm tới hạn của các nền kinh tế dựa vào nhà nước là lý thuyết Tiến hóa hay lý thuyết Tân Schumpeter.

"Sự thần kỳ châu Á", đối với Litan, mang lại phát triển và thịnh vượng nhưng không tạo ra những cuộc cách mạng về văn minh,
vì châu Á thiếu những doanh nhân cách mạng.
Nguồn: stuckincustoms.com

Lý thuyết này khái quát sự phát triển của nền kinh tế thế giới như một quá trình năng động, từ "mô hình kinh tế - công nghệ cũ sang mô hình kinh tế - công nghệ mới".

Ví dụ, làn sóng công nghệ thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 ở nước Anh là dệt may và sản xuất than. Làn sóng công nghệ thứ hai giữa thế kỷ 19 là đột phá về đầu máy hơi nước, đường sắt. Làn sóng thứ ba là điện lực, luyện thép, cơ khí nặng diễn ra đầu tiên ở Hoa Kỳ và Đức.

Làn sóng thứ tư khởi nguồn ở Hoa Kỳ là sáng chế trong công nghiệp ôtô, hàng không và tự động hóa, sản xuất hàng loạt… Làn sóng mới nhất là cuộc cách mạng thông tin: máy tính, Internet, điện thoại di động…

Quá trình phát triển của mô hình kinh tế - công nghệ này được thúc đẩy bởi hai quá trình nhỏ hơn là đổi mới cơ bản và đổi mới tiệm tiến. Đổi mới cơ bản là những thay đổi công nghệ mang tính cách mạng, bước ngoặt, tạo ra động lực chính và dẫn tới sự phát triển lên tầm mới của nền kinh tế thế giới.

Đổi mới tiệm tiến, ngược lại, chỉ mang tính tiến hóa, giúp phát tán các đổi mới cơ bản tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thông qua bắt chước và thích nghi.

Dễ thấy các quốc gia đi sau và dựa vào nhà nước như nhóm Đông Á, Trung Quốc đều bắt chước và thích nghi với công nghệ nhiều hơn là có những phát minh mang tính cách mạng. Hay nói cách khác, các nước đi sau chỉ có những đổi mới tiệm tiến chứ không tạo ra được sự đổi mới cơ bản sang hẳn một làn sóng công nghệ mới như Anh, Mỹ, Đức đã làm được.

Biết đâu, khi thế giới "phẳng" hơn nữa, những Bill Gates hay Steve Jobs
sẽ xuất hiện ở những nơi không phải là nước Mỹ
Nguồn: gizmodo.com

Nguyên nhân là do mô hình phát triển dựa do nhà nước định hình không tạo ra được môi trường năng động, cởi mở và khuyến khích cần thiết để có những đột phá mang tính cách mạng.

Ở các quốc gia phát triển sau dựa vào nhà nước, không có những doanh nhân anh hùng tạo ra cả một nền công nghiệp như Rockefeller, Henry Ford, Thomas Edison, Bill Gates… mà chỉ thấy những nhà lãnh đạo nhà nước như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, Pak Chung Hee, Mahathir Mohamad…

Các nhà lãnh đạo đã chỉ ra con đường phát triển "từ trên xuống" chứ không phải những doanh nhân dám nghĩ dám làm đã tạo ra sự thay đổi "từ dưới lên".

Theo tác giả, không thể có những doanh nhân anh hùng trong một thể chế mà dịch vụ giao dịch không phát triển và nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế. Sự tham dự của nhà nước đã giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và bắt chước công nghệ, tạo ra sự thần kỳ trong phát triển nhờ tận dụng lợi thế thông tin của nước đi sau. Nhưng, đó lại là rào cản trong quá trình vươn lên vị trí dẫn đầu. Đó là nghịch lý của chiến lược đuổi kịp.

Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp giải thích sự phát triển đột phá của các quốc gia Đông Á, Trung Quốc nhưng cũng lý giải tại sao Nhật Bản trong quá khứ và cả Trung Quốc của tương lai khó có thể vượt qua Mỹ với thể chế hiện tại.

Nhưng một câu hỏi đặt ra sau khi ta gấp cuốn sách lại: Liệu khi thế giới trở nên phẳng hơn nữa, xã hội mở hơn nữa và toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng hơn nữa theo một chuẩn mực chung, thì những rào cản về mặt thể chế kia có bị san bằng hay không? Biết đâu, khi đó lại có một Bill Gates hay Steve Jobs ra đời ở một quốc gia nào đó - không phải Mỹ?

  • Khánh Duy

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

Soros nói gì về nước Mỹ hậu khủng hoảng




http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5343/index.aspx

Soros nói gì về nước Mỹ hậu khủng hoảng?

Năm 1992, nhờ tiên đoán đúng xu hướng của đồng bảng Anh, tỉ phú George Soros đã kiếm được hơn một tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần. Từ đó, tên tuổi và tài “tiên tri” của Soros nổi như cồn. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, ông cũng là một trong số ít người tiên đoán trước sự suy thoái nặng nề. Theo Soros, một kỷ nguyên đã thực sự kết thúc với cuộc khủng hoảng này.

“Soros đã nhìn thấy trước sự kết thúc của một kỷ nguyên” Đó là tựa của một bài viết dài đăng trên The New York Review of Books. Trong cuốn sách mới của ông, Soros cũng đã viết như vậy.

“Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại”

Khủng hoảng tín dụng nổ ra, Soros “đắt sô” với báo chí, truyền hình. Đi đâu người ta cũng hỏi ông: “Kỷ nguyên mà ông nói sẽ kết thúc là kỷ nguyên nào vậy?”

Nhiều quan điểm chống thị trường tuyên bố: chủ nghĩa tư bản đã kết thúc, “Xin chào Chủ nghĩa xã hội” quay trở lại. Nhưng, Soros đã vội vã “chỉnh” lại những lập luận như vậy: “Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại.” Mặc dù phê phán chủ nghĩa duy thị trường đã góp phần tạo ra khủng hoảng, nhưng Soros khẳng định: “Nhiều người muốn chính phủ đóng một vai trò ít nhất có thể và tôi cũng cho rằng chính phủ nên đóng một vai trò nhỏ hơn. Nhiều người tin vào thị trường, tôi cũng tin vào thị trường. Nhưng tôi chỉ muốn thị trường vận hành một cách hợp lý hơn…”

Để thị trường vận hành hợp lý, chính phủ phải đóng một vai trò nhất định, không phải đóng vai trò nhiều hơn mà là tốt hơn, không phải gia tăng thêm nhiều luật lệ mà đưa ra và thực thi một số những luật lệ phù hợp. Cho dù “chính phủ cũng là con người, họ luôn có xu hướng sai, luôn quan liêu, chậm trễ và bị ảnh hưởng bởi chính trị. Nhưng nếu chính phủ không can thiệp mà cứ để đấy cho thị trường quyết tất thì là một sai lầm.”

Nhà đầu tư 77 tuổi lập luận: “chủ nghĩa thị trường và chủ nghĩa Marx mắc phải một sai lầm tương tự nhau. Chủ nghĩa xã hội có thể phát triển tốt nếu những người cầm quyền luôn đặt lợi ích của dân chúng ở trong tim. Nhưng thực chất họ lại theo đuổi lợi ích cá nhân.” Cũng vậy, những “ông lớn” tài chính chỉ quan tâm đến lợi ích của họ chứ không phải nền kinh tế nói chung hay khách hàng họ đại diện. Đó là hai vấn đề về bản chất giống nhau và đương nhiên chính phủ cần đóng vai trò nắn cho các dòng lợi ích đó tương hợp với nhau ít nhất một cách tương đối.

Kinh tế khủng hoảng có nghĩa là dân chúng đang nghèo đi nhưng Soros nhấn mạnh rằng giấc mơ Mỹ sẽ không kết thúc. “Nước Mỹ vẫn là đất nước của những cơ hội vĩ đại và năng lực tự học hỏi vĩ đại.” Giấc mơ Mỹ không kết thúc nhưng thời đại của một nước Mỹ tiêu dùng đã kết thúc.

Nước Mỹ không còn là “động cơ” của nền kinh tế toàn cầu

Trong suốt 25 năm qua, nước Mỹ đã trở thành “động cơ” của nền kinh tế thế giới. “Động cơ” đó chính là năng lực tiêu dùng của người Mỹ, người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn 6,5% so với khả năng sản xuất của nó. Giờ đây, “động cơ đã tắt”. Kỷ nguyên tiêu dùng Mỹ đã kết thúc.

Đó sẽ là một thời kỳ quá độ đầy khó khăn, nhưng Soros cho rằng: “thay vì tiêu dùng, giờ đây nước Mỹ phải xây dựng lại hệ thống điện, tiết kiệm năng lượng, làm cho cuộc sống thích nghi với năng lượng đắt đỏ cho đến khi khám khá ra nguồn năng lượng mới. Khí hậu toàn cầu nóng lên cũng là vấn đề lớn phải đối mặt. Tất cả sẽ đòi hỏi phải đầu tư lớn nhưng cuối cùng, nước Mỹ sẽ vượt qua…”

Đồng đôla Mỹ sẽ yếu đi, nước Mỹ xuất khẩu suy thoái sang các quốc gia khác nhưng đồng thời lại nhập khẩu lạm phát, giá cả sẽ tăng ở các siêu thị của Wal-Mart. Đồng đôla Mỹ cũng sẽ không còn là lựa chọn dự trữ quốc gia “không phải bàn cãi” của các nước khác. Chưa thực sự có một đồng tiền thay thế hoàn hảo nên đồng đô la vẫn có giá trị nhất định của nó nhưng “nước Mỹ sẽ phải tuân thủ những giới hạn được áp đặt bởi ý chí của các nước dự trữ đôla Mỹ, điều đó làm hạn chế khả năng của FED, ví dụ hạ lãi suất.”

“Obama là một người đặc biệt…”

Là nhà đầu cơ số một đã từng bị cựu thủ tướng Malaysia Mahatir Mohamad gọi là “quỷ dữ”, nhưng George Soros lại là một trong những người làm tự thiện nhiều nhất thế giới. Ông đã chi khoảng 5 tỉ đôla thông qua quỹ của mình trong đó có 27 triệu đô cho những “tổ chức chống Bush”. Soros đi du thuyết khắp cả nước để phê phán vị tổng thống này.

Soros nhận định trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây: “Bộ máy của Bush đã bịa đặt rất thành công nhắm mục đích thao túng nhân dân, thay đổi dữ kiện. Điều này thể hiện rõ khi chính quyền Bush nhận được tới 90% sự ủng hộ khi đánh chiếm Iraq dưới mác chống khủng bố giả tạo. Cuối cùng, họ đã nhận được những gì đáng nhận được. Bush muốn chứng minh sự vượt trội của sức mạnh Mỹ và thế là ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. Bush nghĩ rằng sẽ có thể làm cho tên tuổi ông ta vang danh thì cuối cùng lại tự vấy bẩn chính danh tiếng của mình.”

Về kinh tế, chủ thuyết duy thị trường gắn chặt với Đảng Cộng Hòa, có nguồn gốc sâu xa từ Reagan chứ không chỉ thời kỳ của Bush. Vì thế, Soros càng có xu hướng ủng hộ Đảng Dân Chủ. Ông đặt niềm tin mạnh mẽ vào Barack Obama: “Tôi cho rằng Obama đã chứng tỏ là một người đặc biệt, anh ta có thần thái và tầm nhìn để định hướng lại nước Mỹ một cách triệt để.”

“Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.”

Khi được hỏi: “Tiền tỉ có làm ông hạnh phúc?” Soros từng trả lời rằng: “Tất nhiên là tôi hạnh phúc nhưng không phải vì tiền, mà bởi tôi đã thành công trong hành trình lớn lao để thấu hiểu thực tại.”

Nhà tỉ phú luôn nhắc đi nhắc lại lý thuyết của mình rằng: ngộ nhận về thực tại là nguyên nhân của mọi khủng hoảng. Cho rằng phải chống khủng bố bằng cách đến tiêu diệt khủng bố ở một quốc gia khác, “đạp cửa nhà nguời khác và đe doạ họ” để tìm khủng bố là một ngộ nhận dẫn tới việc nước Mỹ sa lầy ở Iraq. Cho rằng cứ để đấy cho thị trường “làm tất” cũng là một ngộ nhận đẩy nước Mỹ và thế giới tới cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.

Soros nhấn mạnh: “Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.” Bóp méo thực tại vì mục đích tự lợi (dù cố ý hay vô tình) cũng để lại những hệ luỵ khôn lường cho tương lai.

Khánh Duy

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

Khủng hoảng tài chính dưới góc nhìn Soros




http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5289/index.aspx

Khủng hoảng tài chính 2008 dưới góc nhìn George Soros

Trong cuốn sách mới được xuất bản tại Việt Nam “Mô thức mới cho thị trường tài chính”, nhà đầu cơ tài chính George Soros đã lý giải cuộc khủng hoảng hiện nay dưới một góc nhìn khái quát nhưng cũng rất cụ thể từ trải nghiệm của người trong cuộc.

Một bài báo phê phán George Soros đăng trên tờ Jewish World Review đã mở đầu bằng một câu chuyện hài hước thế này:

“Trong một bộ phim, diễn viễn Peter Sellers đã thủ vai một nhân vật mà chúng ta không biết dùng từ nào để diễn tả hợp hơn từ “tâm thần có vấn đề”. Thế mà, người ta lại cứ coi ông ta như một thiên tài. Trong cuộc họp báo, phóng viên hỏi ông nghĩ gì về đất nước Trung Quốc. Thiên tài trầm ngâm, cúi đầu rồi chậm rãi trả lời: “Đất nước Trung Quốc toàn là… người Trung Quốc”. Đám đông phóng viên ở dưới gật đầu lia lịa, tán thưởng trí tuệ của thiên tài và thì thầm với nhau: “Toàn người Trung Quốc, đúng quá rồi”.

Cũng đúng như vậy với người có tiền, khi anh có nhiều tiền, chẳng ai nghĩ anh điên cả. Hoạ chỉ có người nghèo mới điên. Khi một người giàu đến dạ hội với một bộ cánh kỳ quặc thì những người khác sẽ nghĩ rằng chính cách ăn mặc của họ mới không hợp mốt. Câu chuyện này làm ta nghĩ đến George Soros…”

Sự thật là Soros có quá nhiều tiền, năm 2004, ông đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tài sản của ông hiện tại khoảng 9 tỉ USD. Và nhà đầu cơ huyền thoại này lại là một kẻ lắm tiền hay “nói”, ông viết đến cả chục cuốn sách từ kinh tế tới chính trị. Tất nhiên, chỉ tên tuổi của nhân vật được coi là “Mozart của thị trường chứng khoán” này đã khiến người ta quan tâm đến những điều ông nói rồi, đặc biệt khi ông nói về tài chính. Và những điều “thiên tài” nói không hề “ngu ngốc” như câu chuyện mỉa mai trên, điều đó thể hiện rõ trong tác phẩm mới nhất của ông “Mô thức mới cho thị trường tài chính.”

“Triết học” của một “triết gia bất thành”

Soros như thường lệ không bắt đầu một cuốn sách bằng cách đi ngay vào vấn đề chính mà ông bắt đầu bằng triết học. Đó là điểm đặc biệt của ông. Soros xây dựng cho người đọc một bộ khung tư duy triết học sau đó mới dùng khuôn mẫu tư duy đó áp vào chủ đề chính, cụ thể trong cuốn sách này là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Khung tư duy của Soros vẫn là một lý thuyết mà ông gọi là “lý thuyết phản thân” (Bản tiếng Việt dịch là “phản hồi” nhưng tôi cho rằng từ “phản thân” hợp lý hơn khi nói đến một mối liên hệ mà một vật có với chính nó). Lý thuyết này cho rằng các hiện tượng xã hội có một cấu trúc khác so với hiện tượng tự nhiên. Trong hiện tượng tự nhiên, người quan sát và hiện tượng độc lập với nhau, diễn trình của hiện tượng không phụ thuộc vào người quan sát. Ví dụ, người quan sát có đứng ở đâu thì trái đất vẫn quay, họ không thể thay đổi thực tế đó.

Nhưng trong hiện tượng xã hội thì ngược lại, người quan sát trực tiếp tác động làm thay đổi hiện tượng chứ không chỉ đơn thuần là nhận thức chúng. Soros gọi đó là “chức năng thao túng”. Ví dụ, Karl Mark cho rằng lịch sử là một quá trình tiếp nối các hình thái kinh tế xã hội, chủ nghĩa tư bản rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Khi đó, ông không chỉ dừng lại ở việc nhận thức quá trình thay đổi mà thực chất đã tác động vào quá trình đó. Những người đi sau đã ứng dụng học thuyết của ông để xây dựng chủ nghĩa cộng sản ngay cả ở những quốc gia mà tư bản chủ nghĩa mới manh nha hoặc chưa định hình. Như vậy, con người không chỉ “nhận thức” hiện tượng xã hội mà còn “thao túng” để thay đổi chúng theo nhận thức của mình.

Nhưng nhận thức con người theo Soros luôn không hoàn hảo và “có thể sai” , thậm chí “triệt để sai”. Những nhận thức sai hay ngộ nhận này tác động làm thay đổi hiện tượng xã hội theo những con đường bất định, không đúng với những khung lý thuyết sẵn có mà chúng ta vẫn coi như chân lý. Ví dụ trong lĩnh vực kinh tế học là lý thuyết cân bằng: hành vi con người dựa trên cơ sở thông tin, nhận thức hoàn hảo cho nên giá cả thị trường luôn có xu hướng chạy về điểm cân bằng. Sự thực là nhận thức không hoàn hảo và luôn sai nên “thị trường rời khỏi trạng thái cân bằng với tần suất cũng ngang với chúng tiến lại trạng thái cân bằng ấy”. Khi ấy, thị trường không tuân theo quy luật cân bằng mà tuân theo quy luật bùng-vỡ (boom-bust). Giá cả tăng theo kiểu “bong bóng” rồi nổ tung dẫn tới sụp đổ, phá sản hàng loạt chứ không tự điều chỉnh cân bằng. Đó chính là khủng hoảng và theo Soros thì nhiều cuộc khủng hoảng tài chính đặc biệt là cuộc khủng hoảng hiện nay đã diễn tiến theo mô thức đó.

Mô thức tài chính mới của một “kẻ đầu cơ”

Từ triết học, Soros chuyển bước sang lĩnh vực sở trường của mình là tài chính. Nhân vật được mệnh danh là “RobinHood tài chính” đã lý giải đâu là những ngộ nhận dẫn tới quá trình bùng-vỡ tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Theo Soros, quá trình bùng-vỡ này không chỉ là hệ quả của một bong bóng bất động sản như lý giải của các nhà nghiên cứu khác mà còn của một siêu bong bóng kéo dài 25 năm qua. Mọi bong bóng đều bao gồm một xu thế chủ đạo và một ngộ nhận chủ đạo tương tác với nhau theo kiểu phản thân.

Như nhiều nhà quan sát khác, Soros cho rằng xuất phát điểm trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay là sự hình thành của bong bóng trên thị trường bất động sản Hoa Kỳ. Bong bóng này là kết quả của xu hướng chủ đạo là việc FED hạ lãi suất liên tục xuống còn 1% để kích thích nền kinh tế sau khi bong bóng công nghệ nổ năm 2000 và sự kiện 11 tháng 9 năm 2001. Lãi suất thấp cho tới giữa năm 2004 đã tạo ra bong bóng bất động sản quy mô lớn.

Tín dụng lỏng và rẻ đã khiến người đi vay “nô nức” vay còn kẻ cho vay thì tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay thế chấp. Người có “xếp hạng mức độ tín dụng kém cũng dễ dàng vay được tiền mua nhà” (các khoản vay dưới chuẩn). Những người có ít hoặc không có giấy tờ chứng minh thu nhập thậm chí không thu nhập, không nghề nghiệp, không tài sản, cũng có thể vay để mua nhà với tài sản thế chấp là chính căn nhà đó. Cầu nhiều tất giá nhà đất càng được đẩy lên theo kiểu “bong bóng”, dẫn tới hiện tượng đầu cơ tràn lan. Đa số “con bạc” trong cuộc chơi này đều ngộ nhận rằng: “giá trị của tài khoản cầm cố nhà đất đó không bị ảnh hưởng bởi sự sẵn lòng cho vay”. Giá vẫn lên và tất cả “vẫn phải đứng dậy và tiếp tục khiêu vũ” theo lời chủ tịch CitiBank Chuck Prince. Ngộ nhận rằng giá trị tài sản cầm cố không thể suy giảm với độ mở tín dụng như vậy đã khiến người ta lao vào một cuộc chơi bùng nổ rồi vỡ tan chứ không quay về điểm cân bằng.

Điểm khác biệt hơn trong lý giải của nhà tài chính đã 78 tuổi Soros là ở chỗ ông đã phóng chiếu một tầm nhìn rộng hơn về một bong bóng khác mà ông gọi là siêu bong bóng. Bong bóng này là sự phình đại tín dụng mang tính toàn cầu, bãi bỏ những quy định kiểm soát thị trường chặt chẽ và “nảy nòi” ra hàng loạt những “phương pháp và công cụ tài chính mới, tinh vi đễn nỗi giới điều tiết cũng mất luôn khả năng tính toán những rủi ro đi kèm.” Là “người trong chăn” của giới tài chính, Soros quá thấu hiểu và đưa ra những thông tin rất cụ thể về những công cụ tài chính phức tạp, đan xem nhau đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng dây chuyền ở phố Wall.

Các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản đã tối thiểu hóa rủi ro của họ bằng cách đóng gói chúng lại thành những chứng khoán có tên gọi giấy nợ có thế chấp (CDOs). Các CDOs này được bán lại cho các nhà đầu tư và trở thành một “cơn cuồng” từ năm 2005. Hơn thế nữa, các quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) lại bước vào thị trường bảo hiểm cho các CDOs này theo các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDSs), một hình thức bảo hiểm trong trường hợp xảy ra vỡ nợ. Rồi khi giá trị của những CDOs bị nghi ngờ, các ngân hàng đầu tư lại đưa chúng ra khỏi bảng cân đối tài sản và đưa vào những công cụ đầu tư kết cấu (SIVs). Các SIVs cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư này bằng cách phát hành những thương phiếu được đảm bảo bằng tài sản… Các công cụ tài chính phức tạp mới được phát minh lại dựa trên một cơ sở thiếu lành mạnh là việc cho vay thế chấp địa ốc dưới chuẩn, tất cả đã dẫn tới sự sụp đổ của các “ông lớn” ở phố Wall.

Soros cho rằng, siêu bong bóng hình thành dựa trên xu hướng chủ đạo là những công cụ tín dụng ngày càng mở rộng và phức tạp hơn. Ngộ nhận chủ đạo ở đây là sự tin cậy thái quá vào cơ chế thị trường. “Chủ nghĩa thị trường đã trở thành một tín điều thống trị Hoa Kỳ vàơ năm 1980 khi Ronald Reagan trở thành tổng thống Hoa Kỳ và Margaret Thatcher trở thành thủ tướng Anh.” Theo Soros thì chủ thuyết này sai lầm ở chỗ nghĩ rằng thị trường luôn hoàn hảo và trở về cân bằng. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại ở thị trường tài chính, nếu cứ để mặc cho thị trường phát triển với những phương pháp và công cụ tinh vi của nó thì tất yếu “sẽ đi tới những trạng thái cực đoan” như cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

George Soros đã khá “đáng yêu” khi thừa nhận rằng mặc dù lý thuyết của ông đã được công bố nhiều năm nhưng “không được giới hàn lâm coi là nghiêm túc”, và “chính tôi cũng nghi ngờ không hiểu những điều tôi nói có mới và ý nghĩa hay không?” Ảnh hưởng bởi triết học Popper, Soros khiêm tốn nhận định “chân lý tối hậu nằm ngoài tầm với của con người” và những suy nghĩ của ông “không phải là kết luận mà chỉ là sự khởi đầu.”

Khánh Duy