Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Kỳ 7: Hội chứng Jerusalem của người Palestine




Người Ý có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome.” Ở Palestine, mọi con đường đều dẫn tới Jerusalem. Mọi địa điểm quan trọng chúng tôi đi qua, từ Lăng mộ cố Chủ tịch Arafat tới Khu trại tị nạn Zelazon, đều có tấm biển chỉ khoảng cách tới Jerusalem...

“Đến Palestine mà không vào được Jerusalem thì chuyến đi mất một nửa ý nghĩa.” Nhà báo Như Phong ca thán bởi giấy phép nhập cảnh của chúng tôi không cho phép vào Jerusalem.

“Bên những dòng sông của Babylon, chúng tôi ngồi, chúng tôi khóc, khi chúng tôi nhớ Zion.”*

Nhưng không phải nhóm nhà báo đang khóc, chúng tôi cũng chưa thương nhớ và tiếc nuối Jerusalem đến vậy. Lời ca thán trên là những câu thơ được trích dẫn khá phổ biến ở Israel, mô tả nỗi đau của những người Do Thái trong quá khứ, khi không trở về được Ngôi đền thiêng của họ nằm giữa Jerusalem. Lịch sử dân tộc Do Thái gắn liền với nỗi đau ly hương như thế và chính ký ức về ngôi đền cổ ở Jerusalem đã gắn kết dân tộc từng bị tan tác ấy lại với nhau.

Cho đến khi người Do Thái được trở về năm 1948 và đặc biệt khi người Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, lại đến một dân tộc khác phải than khóc vì tiếc nhớ, đó là những người Arập sống trên lãnh thổ Palestine:

“Ngôi nhà là của chúng ta
Jerusalem là của chúng ta.”*

Bài ca Zahrat al-Madayin của người Palestine, cũng ai oán và bi thương không kém gì những khúc ca của người Do Thái. Nỗi khát khao trở về Jerusalem của họ gần như đã trở thành nỗi ám ảnh.

Nỗi ám ảnh ấy, chúng tôi nhìn thấy ở khắp mọi nẻo đường Palestine, dưới khắp mọi hình thức khác nhau. Chóp tròn màu vàng của Nhà thờ Hồi giáo là một biểu tượng dễ nhận ra nhất của Jerusalem và nó hiển hiện trên mọi ngóc nghách Bờ Tây. Người Palestine vẫn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của họ, ít nhất cũng ở trong địa hạt tinh thần. Họ vẽ màu vàng của chóp tròn ấy trên lưng những bức tường bê tông của Israel và cả trên những bức tường gạch của chính mình.

Ngạc nhiên hơn cả là khi chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Tây Ban Nha ở Ramallah. Ở đây, những đứa trẻ Palestine đã tự thể hiện nỗi ám ảnh Jerusalem bằng mọi dạng thức của nghệ thuật. Chúng dựng những mô hình Nhà thờ Hồi giáo ở Jerusalem bằng giấy, vẽ những bức tranh bằng mực màu, thêu bằng chỉ, ghép bằng đá... Jerusalem của chúng hiện ra trong những chiếc bình đã vỡ, phía sau những bức tường chiếm đóng, trên vai một ông già đã yếu sức hoặc trải dài rực rỡ suốt dọc bức tường...

“Chúng em chưa bao giờ được đặt chân tới Jerusalem, chúng em rất muốn tới đó...” Những đứa trẻ nói từ nơi cách Jerusalem chỉ vài cây số, Jerusalem ở ngay phía sau kia thôi, sau những bức tường an ninh ngồn ngộn che lấp tầm mắt, nhưng không ai trong số chúng tới được.

Khi chúng tôi đi trên một đỉnh đồi ra ngoại ô Ramallah, Đại sứ Saadi Salama cho dừng xe, để chỉ cho chúng tôi chóp nhà thờ màu vàng của Jerusalem. Khoảng cách quá xa và chúng tôi phải căng mắt mới nhìn rõ, một đốm vàng sáng đậm hơn màu vàng nhờn nhợt của phần còn lại ở Jerusalem.

“Tôi xin vào Jerusalem nhiều lần nhưng chưa lần nào được chấp nhận vì lý do an ninh.” Đại sứ Saadi nói. Không dễ để những người Palestine ngoài Jerusalem vào được đó, nơi vẫn còn khoảng 240 000 người Arập đồng bào của họ đang sinh sống. Khoảng cách rất gần về địa lý nhưng đã bị cách ly bởi những trạm kiểm soát và hàng rào an ninh phân chia đường ranh giới giữa Jerusalem và phần còn lại.

Jerusalem đặc biệt hơn tất cả phần còn lại, bao giờ cũng thế. Thành phố này thêu dệt xung quanh nó những huyền thoại thần thánh, để không chỉ khiến người ta muốn tới thăm mà còn “phát điên” lên vì nó. Tác giả Anton La Guardia còn viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về một căn bệnh tâm thần có tên “Hội chứng Jerusalem”. Thành phố này tạo ra những ảo tưởng linh thánh trong tâm trí những khách thăm. Họ đi vào và tự cảm thấy như bị mê muội bởi âm vang của thánh kinh. Mỗi căn nhà góc phố đều như đang ẩn chứa một bí mật nào đó, một hoài niệm nào đó được ghi trong sách thánh.

Jerusalem còn đó phần sót lại của Đền Thờ Do Thái, bức tường Than Khóc nơi những người Do Thái mộ đạo vẫn ngày ngày úp mặt vào đó nguyện cầu. Jerusalem còn đó Mộ Thánh, nơi Chúa Jesus đã được chôn sau khi bị đóng đinh trên Thập tự giá. Jerusalem còn đó Nhà thờ Hồi giáo, nơi chứa Vòm đá thiêng mà tương truyền nhà tiên tri Mohammed của Đạo Hồi đã bay từ đó lên Thiên đàng. Vô vàn những di tích khác bao trùm lên thánh địa Jerusalem một bầu không khí huyền hoặc của một thành phố luôn được coi là treo giữa trời và đất...

“Tôi đã từng vào được đó, nhưng phải đi trốn, đi một con đường khác vòng qua núi để trốn vào...” Cô nhà báo Palestine dẫn đoàn kể lại. Đi trốn vào Jerusalem! Một giải pháp nhưng quá mạo hiểm đối với chúng tôi.

“Có một cách khác, các bạn cứ thuê taxi đi vào đó như bình thường, nếu gặp trạm kiểm soát thì đưa hộ chiếu nước ngoài ra. Họ có thể sẽ cho qua, nếu không thì thôi, đừng ngại, với người nước ngoài, Israel cũng dễ chấp nhận thôi...” Những nhân viên ở khách sạn Movenpick, Ramallah đã khuyên chúng tôi như vậy.

Và tới khi chúng tôi đã sẵn sàng tập trung dưới sảnh, chuẩn bị gọi taxi để đi theo cách đó thì nhận được lời khuyên dừng lại. “Hôm nay là thứ 7, người Do Thái nghỉ làm việc, nếu có bất kỳ vấn đề gì với các bạn, sẽ không thể giải quyết trong hôm nay, chủ nhật mới giải quyết được thì đã chậm chuyến bay về mất rồi. Các bạn không nên vào đó nữa.” Đại sứ Saadi nhắc nhở.

Vậy nên, trên con đường đưa chúng tôi từ trung tâm Ramallah ra biên giới với Jordan để quay về nước, Jerusalem đành ở lại phía sau, phía sau cả những bức tường an ninh cao vời vợi kia nữa. Nhìn từ phía bên này, Jerusalem cũng không có gì đặc biệt ngoài một màu vàng của đá nhờn nhợt, nhờn nhợt như mọi nơi khác ở đây, đúng như Herman Melville viết khi đi thăm Palestine hồi năm 1857:

“Những ngọn núi đá và những đồng bằng đầy đá, những dòng nước lổn ngổn đá và những con đường lổn nhổn đá, những bức tường đá và những thửa ruộng đầy đá, những căn nhà làm bằng đá và những ngôi mộ xây bằng đá, những con mắt vô hồn như đá và những con tim chai cứng như đá....”*

Cũng chỉ là một đống đá thôi, có gì đáng để xem. Nhóm nhà báo Việt Nam phải tự an ủi mình như thế để ra về. Hoặc sẽ AQ theo kiểu: Thôi không vào được mới hiểu nỗi khao khát trở về Jerusalem của người Palestine.

Dẫu sao, mọi sự AQ cũng không khiến sự ra về ấy tránh khỏi một niềm tiếc nuối. Xét thế, có khi chúng tôi cũng đã mắc căn bệnh tâm thần mang tên “Hội chứng Jerusalem” ngay cả khi chưa được bước vào...

* Các trích dẫn được lấy từ cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” của tác giả Anton La Guardia, NXB Văn hóa Thông tin, Lưu Văn Hy dịch.


Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét