Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

Cái đuôi dài




Ai quan tâm đến truyền thông, kinh doanh truyền thông và xu hướng công nghệ nên đọc cuốn này.

http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6460/index.aspx

Cơ hội cho hàng “ế” trong kỷ nguyên số?

Rất công phu và ngập tràn những ý tưởng mới mẻ, Chris Anderson đã làm được một việc ý nghĩa: giúp chúng ta hiểu truyền thông nói chung và ngành kinh doanh truyền thông nói riêng đã đổi thay như thế nào trong kỷ nguyên số. Những lập luận trong cuốn sách Cái đuôi dài của ông thách thức cả những quy luật tưởng như đã bất biến trong kinh tế và kinh doanh.

Kỷ nguyên hit và Nguyên lý 80/20

20% sản phẩm tạo ra 80% doanh số. 20% dân số nắm giữ 80% của cải toàn xã hội. 20% thời gian tạo ra 80% hiệu quả. Một thiểu số quan trọng tạo ra đa số kết quả. Đó là nội dung của quy luật 80/20, một quy luật vẫn thường được gọi là Nguyên lý Pareto theo tên nhà kinh tế học người Ý đã phát kiến ra nó.

Nguyên lý Pareto được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng tỏ ra đặc biệt đúng trong truyền thông.

Ví dụ, một số ít bộ phim bom tấn đem lại doanh thu khổng lồ trong khi đa số các bộ phim còn lại chỉ hòa vốn hoặc lỗ.

Một số ít các cuốn sách trở thành best seller đem lại lợi nhuận cao còn đa số nằm im trên giá bán lay lắt hoặc không được bán.

Một số ít các tờ báo có lượng độc giả lớn trong khi đa số chẳng mấy người ngó ngàng tới.

Một số ít các chương trình truyền hình nhiều người xem trong khi đa số chẳng để lại ấn tượng gì.

Những sản phẩm truyền thông bom tấn, bestseller đó được Anderson gọi là sản phẩm hit. Kỷ nguyên chúng ta đã trải qua trong suốt nhiều thập niên trước đây là kỷ nguyên hit. Kỷ nguyên đó chỉ tôn vinh một thiểu số những sản phẩm đem lại đa số doanh thu. Quy luật 80/20 thể hiện tính chính xác của nó trong kỷ nguyên hit truyền thống.

Quy luật 98% trong kỷ nguyên số

Chris Anderson thừa nhận quy luật 80/20 nhưng cho rằng trong kỷ nguyên thông tin mà Internet phát triển với tốc độ như hiện nay, quy luật 80/20 đã bị biến dạng, nói chính xác hơn thì bị làm nhẹ đi rất nhiều. Các thiểu số sản phẩm hit không hoàn toàn tạo ra đa số doanh thu như thời kỳ trước.

Ngược lại, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, những sản phẩm thời kỳ trước chẳng mấy ai đoái hoài nay lại có thêm “đất diễn”, những sản phẩm thời kỳ trước luôn bán chậm nhất nay lại có thể bán được nhiều hơn. Anderson gọi những sản phẩm như vậy là sản phẩm ngách.

Tại sao lại xảy ra hiện tượng đó, tại sao sản phẩm hit giờ đây không còn thống trị mạnh mẽ như trước và sản phẩm ngách dù không nổi bật cũng vẫn tiêu thụ được?

Anderson lý giải những câu hỏi đó bằng lý do công nghệ, trong vài ba năm trở lại đây, sự xuất hiện của Internet đã làm cho “kỷ nguyên thống trị của các sản phẩm hit kết thúc.”

Trong giai đoạn trước, doanh thu của các bộ phim đến đa số từ việc bán vé ở các rạp. Các rạp thì luôn hữu hạn về số phòng và thời gian chiếu. Một bộ phim không bán được vé hoặc không bán được nhiều vé ngay lập tức được thay thế bằng một bộ phim khác “bom tấn” hơn. Sự hữu hạn của không gian và thời gian đã không tạo cơ hội thứ hai cho những bộ phim dù hay nhưng không bùng nổ.

Điều tương tự cũng xảy ra trong lĩnh vực âm nhạc. Giai đoạn trước, doanh thu từ việc kinh doanh nhạc phẩm đến phần nhiều từ việc bán đĩa. Nhưng không gian hữu hạn của một cửa hàng băng đĩa chỉ cho phép trưng bày những sản phẩm có tính thương mại đủ lớn.

Lĩnh vực sách cũng hoàn toàn như vậy. Chỗ trên giá của những hiệu sách lớn chỉ dành cho những cuốn bán chạy nhất hoặc bán tốt thường xuyên. Những cuốn không bán được số lượng kha khá sẽ sớm bị trả lại.

Trong đa số các lĩnh vực truyền thông, sự hữu hạn của không gian truyền thông đã cản trở bước tiến của những sản phẩm ở chiếu dưới xét trên khía cạnh thương mại. Nói chính xác thì là, trong canh bạc truyền thông luôn xảy ra tình trạng “được ăn cả, ngã về không”, bom tấn hoặc thua lỗ.

Tính nhân văn của kỷ nguyên kỹ thuật số là ở chỗ nó tạo cơ hội đứng dậy cho những “kẻ thất bại” trong kỷ nguyên hit trước đó. Không gian trên Internet luôn mênh mông chứ không hữu hạn như những cửa hàng bán lẻ thông thường.

Anderson đưa ra những số liệu về sự khác biệt đó: “Công ty Itunes đã cung cấp số lượng đĩa nhạc gấp gần 40 lần so với hệ thống Wal-Mart. Netflix có thể cung cấp lượng đĩa DVD gấp 80 lần so với cửa hàng BlockBuster. Amazon cung cấp nhiều gấp 40 lần so với nhà sách Borders.”

Hệ thống bán lẻ trên mạng đã tạo ra cơ hội vàng cho những sản phẩm ngách trước đây bị thải loại, ít nhất đó là cơ hội được “bày bán”. Đa số mọi người sẽ nghĩ rằng với những sản phẩm “ế” như vậy thì “được bán” nhưng chắc gì đã “được mua”.

Khi được dự đoán, phần lớn người được hỏi đều cho rằng chỉ phân nửa số đầu sách có trên trang mạng amazon bán được ít nhất một lần trong quý. Nhưng kết quả cực kỳ bất ngờ, có tới 98% trong 100 nghìn đầu sách thượng vàng hạ cám trên amazon bán được ít nhất một lần trong quý.

Càng bất ngờ hơn khi quy luật 98% này đúng với cả các ngành kinh doanh thương mại điện tử khác. Anderson viết: “Quy luật 98% hóa ra gần như phổ quát. Công ty Apple cho biết, tất cả các bài hát trong một triệu bài lưu trữ trên itunes tại thời điểm đó được bán ít nhất một lần trong quý. Netflix cho biết 95% trong tổng số 25 nghìn đĩa DVD (giờ là 90 nghìn) được thuê ít nhất một lần trong quý.”

Với quy luật 98% này thì một bức tranh khác đã hiện ra. Những sản phẩm hit vẫn sẽ dẫn đầu bảng xếp hạng nhưng những “cái đuôi” theo sau sẽ cũng có chỗ đứng của nó chứ không “chết hẳn” như xưa.

Phần đầu thì luôn rất ngắn còn phần đuôi lại rất dài. Mỗi một sản phẩm trong phần đuôi đem lại doanh số nhỏ nhưng cái đuôi ngày càng dài nên tổng doanh thu lại lớn. Trên amazon, tổng doanh thu của những đấu sách không được bán ở các nhà sách thông thường chiếm tới 30%.

Hơn thế nữa, thương mại điện tử lại đang chiếm một thị phần ngày càng lớn so với bán lẻ truyền thống. Hiện ở Mỹ, bán qua mạng đã bằng 90% so với bán lẻ, một con số ấn tượng thể hiện xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn Internet hóa mọi thứ hiện nay

Thương mại điện tử còn cho phép tạo ra những khoảng trống vô tận mà chi phí không đáng kể. Sản phẩm bán được nhiều hơn với chi phí gần bằng 0 tạo ra lợi nhuận không hề nhỏ. Thực tế trong thời đại Internet đã thách thức lối tư duy cũ: chỉ có những sản phẩm bán được nhiều mới mang lại lợi nhuận còn những sản phẩm bán được ít thì không.

Kinh tế học của sự dư thừa

Không dừng lại ở việc đưa ra hiện tượng, Anderson tìm cách lý giải gãy gọn tại sao thời đại công nghệ thông tin lại kéo dài phần đuối và khiến nó mang lại lợi nhuận. Thời đại ấy đã khiến cho việc sản xuất, phân phối và kết nối cung cầu các sản phẩm truyền thông trở nên “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” hơn bao giờ hết. Các nguồn lực trở nên dồi dào và dư thừa chứ không khan hiếm như trước.

Kinh tế học truyền thống được định nghĩa là khoa học nghiên cứu sự phân bổ và sử dụng các nguồn lực khan hiếm. Đó là kinh tế học của sự khan hiếm. Nhưng Anderson lại chỉ ra rằng chúng ta đang sống trong kinh tế học của sự dư thừa. Công nghệ đã làm dư thừa nguồn lực.

Cuốn sách của Anderson đưa ra những lập luận mới mẻ, thách thức cả quy luật 80/20 cũng như kinh tế học khan hiếm. Cho dù nó không thể phủ định hoàn toàn được các nguyên lý trên nhưng “Cái đuôi dài” cũng cho người đọc những góc nhìn lạ, khơi gợi nhiều cảm hứng và suy nghĩ.

Những người đã, đang và dự định làm thương mại điện tử sẽ tìm thấy trong sách nhiều động lực để tiếp tục. Với những ai quan tâm tới truyền thông và công nghệ, cuốn này cho họ một cái nhìn hết sức tổng quát.

Còn những ai đang sản xuất các sản phẩm truyền thông thì nên nghe Anderson một cách có phê phán. Đang có cơ hội cho hàng ế nên cứ sản xuất chúng thật nhiều chắc chắn không phải là tư duy của người làm truyền thông chuyên nghiệp.

Khánh Duy

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2009

Thông tin và sự minh bạch




http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6285/index.aspx

Thông tin và sự minh bạch

Theo lý thuyết về thông tin hiện đại, thông tin là thứ tài sản “công cộng”. Người dân đóng thuế để chính phủ thu thập và cung cấp thông tin. Đương nhiên, đã là “công cộng” thì thông tin phải được công khai minh bạch cho tất cả dân chúng được biết.

Thông tin về việc sử dụng Gói kích cầu tiêu dùng đầu tư của chính phủ không nằm ngoài lý thuyết trên. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có những chỉ đạo theo đúng tinh thần đó trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua: việc triển khai gói kích cầu phải được thực hiện công khai, minh bạch. Chính phủ sẽ phải có biện pháp chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa hành vi trục lợi.

Tại sao phải thực hiện công khai minh bạch Gói kích cầu này theo như chỉ đạo của Thủ tướng? Và nên công khai minh bạch như thế nào là những câu hỏi cần làm rõ.

“Ánh nắng là chất khử trùng mạnh nhất”

Đó là hình ảnh mà nhà kinh tế đoạt giải Nobel năm 2001 Joseph Stiglitz sử dụng để nói về vai trò của sự minh bạch thông tin. Kinh tế gia này đã đoạt giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu về sự bất đối xứng thông tin. Ông là một trong những người đã phân tích thấu đáo nhất về vai trò của sự minh bạch thông tin đối với tiến bộ xã hội. Những trích dẫn trong ngoặc kép ở phần dưới là từ bài luận nổi tiếng “Sự minh bạch trong chính phủ” của ông.

Theo Stiglitz, giữa nhà quản lý công ty với các cổ đông, giữa nhà cầm quyền với dân chúng luôn có sự bất đối xứng về thông tin. Nhà quản lý công ty hay người cầm quyền đất nước luôn có nhiều thông tin hơn và họ có xu hướng không minh bạch hóa những thông tin đó vì một số lý do.

Thứ nhất, không công khai thông tin “sẽ tạo ra sự cách ly nhất định để khỏi bị buộc tội là sai lầm.” Công khai thông tin nhiều hơn đồng nghĩa với việc người công khai sẽ phải chịu nhiều chỉ trích hơn nếu chính sách đó thất bại. Công chúng có nhiều thông tin càng có nhiều cơ sở để phê phán chính sách. Nỗi sợ bị buộc tội là nguyên nhân của sự che giấu thông tin. Tuy nhiên, theo Stiglitz thì chính phủ cũng như mỗi cá nhân không thể tránh khỏi những sai lầm và “Chấp nhận khả năng mắc sai lầm… sẽ củng cố lòng tin của công chúng vào thể chế, chí ít cũng là qua việc chứng tỏ thể chế đó rất tự tin…”. “Chính phủ nào đối xử một cách trung thực với người dân của mình, sự tin cậy vào chính phủ đó và các tổ chức công sẽ tăng lên.”

Thứ hai, khan hiếm thông tin sẽ làm cho một số nhóm lợi ích được hưởng lợi. Ở một số xã hội đang phát triển, đây chính là nguồn gốc của tham nhũng, hối lộ, lãng phí. Ngay cả ở những nước dân chủ như Hoa Kỳ, các chính trị gia vẫn có xu hướng che giấu thông tin để bảo vệ những nhóm lợi ích đã ủng hộ tiền cho họ trong chiến dịch tranh cử. Nhưng, sự bưng bít thông tin chỉ có lợi đối với một thiểu số trong ngắn hạn, xã hội xét như một tổng thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự khan hiếm thông tin. Stiglitz khẳng định: “Sự bưng bít là nền móng cho tệ tham nhũng dai dẳng, một tệ nạn làm suy giảm lòng tin vào các chính phủ dân chủ ở nhiều nước trên thế giới.”

Thứ ba, nhiều quốc gia biện minh cho việc không công khai thông tin bằng lý do ổn định. Công khai thông tin có thể tạo ra tâm lý bất an và sự hỗn loạn. Ví dụ như công khai thông tin về tài chính kiệt quệ của một ngân hàng có thể dẫn tới tình trạng rút tiền ồ ạt, gây ra sự hỗn loạn trong tâm lý người dân. Quả là có những tình huống như vậy nhưng theo nhà kinh tế đoạt giả Nobel 2001 thì, những trường hợp đó chỉ là ngoại lệ. Không thể mượn một vài ngoại lệ để phủ nhận tính đúng đắn của việc minh bạch hóa thông tin. Sự ổn định là quan trọng nhưng hiệu quả và phát triển còn quan trọng hơn. Che giấu chỉ làm “méo mó nhãn quan chính trị”, “làm cho khả năng tham gia một cách có ý nghĩa của người dân trở nên khập khiễng”, “làm cho chất lượng ra quyết định suy giảm nhiều hơn.” Tất cả những điều đó ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách.

Những lập luận của Stiglitz đã bẻ gẫy các lý do của việc cố tình che giấu thông tin. Công khai thông tin làm gia tăng mãnh mẽ niềm tin vào chính phủ còn che giấu thì tạo ra hiệu ứng ngược lại. Niềm tin của nhân dân là yếu tố then chốt tạo ra sự ổn định chính trị nên công khai phải là một ưu tiên của chính phủ.

Không phải ngẫu nhiên mà từ hơn 200 năm trước, Thụy Điển có lẽ đã là nước đầu tiên ban hành bộ luật tăng cường sự minh bạch trong lĩnh vực công. Vào năm 1966, nước Mỹ đã thông qua Luật về Tự do Thông tin, theo đó, luật này cho phép “bất kỳ công dân nào cũng có quyền tiếp bận bất kỳ thông tin nào trong lĩnh vực công, trừ một vài ngoại lệ hạn hẹp liên quan đến sự riêng tư…”

Những lập luận trên của Stiglitz càng cho thấy chỉ đạo của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về sự cần thiết phải công khai minh bạch Gói kích cầu là rất đúng đắn. Nhưng câu hỏi quan trọng thứ hai là “nên kiểm tra, kiểm soát như thế nào để tránh trục lợi”? Xem xét bài học của nước Mỹ có thể cho Việt Nam một vài gợi ý.

Công khai Gói Kích thích – Bài học Mỹ

Nước Mỹ đã công khai Gói kích cầu của họ bằng biện pháp rất đơn giản là thiết lập một trang web riêng về Gói kích cầu này. Vào trang web www.recovery.gov mới thấy việc công khai hóa đã được thực hiện một cách đơn giản đến kinh ngạc.

Ngay ở trang chủ là một đoạn video trong đó đích thân đương kim tổng thống Obama nói về sự cần thiết của trang web. Hãy thử nghe ông phát biểu:

“Kích thước và Quy mô của kế hoạch này yêu cầu phải có những nỗ lực chưa có tiền lệ để loại trừ lãng phí cũng như những khoản chi thiếu hiệu quả và không cần thiết. Trang recovery.gov này là một cổng thông tin online nằm trong nỗ lực đó. Trang này sẽ xuất bản các thông tin cho mọi người biết số tiền đã thông qua sẽ được chi tiêu đúng thời điểm, đúng mục tiêu và minh bạch. Thay vì để cho các chính trị gia phân phát số tiền đó đằng sau những cánh cửa đóng, từng đồng đôla đầu tư từ tiền thuế của các bạn sẽ được chính các bạn kiểm soát. Bất kỳ khi nào đồng tiền bắt đầu được chi tiêu, người dân sẽ được thấy nó được chi như thế nào, khi nào và ở đâu.”

Việc ông Obama đích thân đứng ra tuyên bố và quảng bá cho trang mạng này là một chiến lược chính trị thú vị, chắc chắn sẽ rất được lòng dân. Còn nhiều điểm thú vị khác khi nghiên cứu trang mạng này của Mỹ. Trang này có riêng một phần để cho người dân có thể chia sẻ những tâm sự về ảnh hưởng của Gói kích thích này đối với cá nhân họ. Hãy xem lời mào đầu của chính phủ với dân chúng:

“Chúng tôi muốn biết cuộc khủng hoảng này và chương trình kích thích này sẽ tác động thế nào tới bạn? Bạn là chủ doanh nghiệp, chúng có tác động tới tư duy kinh doanh và các quyết định cá nhân của bạn không? Bạn là sinh viên, chúng có tác động tới các quyết định lựa chọn học hành của bạn không? Bạn là người đang tìm việc, công việc tìm kiếm ấy thay đổi như thế nào?”

Ngoài ra, người dân ở mỗi bang có thể biết số tiền đang được chi tiêu ở bang họ như thế nào. Vào phần riêng của từng bang lại thấy các thông điệp từ các thống đốc mỗi bang. Có lẽ thấu hiểu thực tế bộ máy công quyền là nơi dễ xẩy ra tham nhũng lãng phí nhất, trang mạng này còn có hẳn một phần riêng biệt cho dân chúng biết mỗi cơ quan công quyền sử dụng Gói kích thích này như thế nào.

Mục tiêu chung, khung thời gian và những chi tiết cụ thể của Gói kích thích ở cấp độ quốc gia cũng như từng đơn vị nhỏ đều được minh bạch hóa một cách trong sáng, đơn giản và rất dễ tiếp cận.

Recovery.gov đã cho thấy nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc công khai hóa thông tin bằng công nghệ thông minh. Hơn thế, nó còn cho thấy sự thông minh chính trị của chính quyền Obama. Không có gì ngạc nhiên khi Obama đang nhận được tỉ lệ ủng hộ cao nhất từ trước tới nay theo một số cuộc thăm dò dư luận gần đây.


Ông Obama có lẽ hơn ai hết thấu hiểu tinh thần mà một trong những người cha của nước Mỹ là James Madison đã từng rút ra: “Một chính phủ của nhân dân mà không có thông tin đại chúng hoặc phương tiện để có được những thông tin đó, thì chính phủ đó chẳng là gì khác hơn sự mở màn của một tấn hài kịch hoặc bi kịch, hoặc cả hai”…

Khánh Duy