Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Hiệu ứng Hào quang

http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6713/index.aspx

Công thức thành công hay những ảo tưởng ngờ nghệch?

Đối với những ai còn đang lâng lâng tâm đắc với những bí quyết thành công được viết ra trong những cuốn sách kinh doanh nhan nhản hiện nay thì có lẽ Hiệu ứng Hào quang của giáo sư Phil Rosenzweig là một gáo nước lạnh. Gáo nước không thèm đổ vào những cuốn sách thông thường mà ụp xuống đầu những “quả bom tấm” đang được giới CEO ca ngợi nhiệt liệt.

Kẻ phá bĩnh

Steve Balmer, thủ lĩnh của Microsoft nói rằng ông gối đầu giường cuốn sách “Từ tốt đến Vĩ đại” của tác giả Jim Collins. Không chỉ Balmer, CEO khắp nơi trên thế giới tìm đọc cuốn sách của Jim Collins để tìm hiểu “công thức” xây dựng một công ty vĩ đại. Cuốn này cùng với cuốn “Xây dựng để trường tồn” của Collins đều đã được dịch ra tiếng Việt. Có lẽ đó là hai cuốn sách kinh doanh được các giám đốc ở Việt Nam đọc và bán tán nhiều nhất.

Trong khi thế giới đang tung hô Jim Collins diễn thuyết trên bục thì có một người lại ném lên đó “một chiếc giầy”. Kẻ phá bĩnh đó là Phil Rosenzweig, giáo sư Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD); và chiếc giày đó là cuốn “Hiệu ứng Hào quang”.

Không chỉ Jim Collins, chiếc giầy còn được ném về phía nhiều tác giả khác là các giáo sư quản trị kinh doanh, các nhà nghiên cứu quản trị cũng như một số tác giả sách bán chạy nhất trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp. Một mũi tên bắn nhiều con chim, Phil Rosenzweig đã nhập vai một người “chọc gậy bánh xe” hoàn hảo khi phê phán tất cả các thể loại công thức thành công chỉ là những ảo vọng.

“Cô gái” khác… “bà già”

“Điểm khác biệt giữa một quý bà và một cô gái không phải ở cách xử thế của họ, mà ở cách họ được đối xử như thế nào.” Rosenzweig trích dẫn câu nói dí dỏm của Bernard Shaw trong cuốn sách.

Đàn ông vây quanh, nhìn ngắm, ngưỡng mộ những cô gái trẻ đẹp, chẳng ai làm thế với một bà già. Tất nhiên rồi, với các công ty cũng thế, báo chí tôn vinh, ca ngợi các công ty thành công và CEO của nó lên tận mây xanh. Còn những công ty thất bại thì đương nhiên chẳng ma nào đoái hoài tới.

Công ty thành công nào mà chẳng được ngợi ca rằng có những giám đốc táo bạo, mạnh mẽ, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn vượt trội, liêm chính, sẵn sàng hi sinh sự phát triển của công ty…

Công ty thành công nào chẳng được suy tôn rằng có những chiến lược tập trung, kiên định, thực tế; một nền văn hóa khuyến khích sáng tạo, một hệ thống nhân sự luôn cam kết vì sự hoàn hảo…

Khí một công ty đang ở đỉnh vinh quang, báo chí, nhân viên, đối tác, khách hàng thi nhau “bốc thơm” họ. Phil Rosenzweig gọi đó là Hiệu ứng hào quang. Chúng ta luôn nhìn thấy quanh những vì sao là một vầng hào quang lấp lánh.

Một số cuốn sách kinh doanh bán chạy nhất hiện nay đều dựa trên dữ liệu nghiên cứu là hàng ngàn bài báo viết về các công ty thành công, cũng như thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn đối với nhân viên, đối tác của họ. Theo Phil Rosenzweig, người viết sách không thể thu được kết quả chính xác từ những dữ liệu đó bởi tất cả sẽ chỉ là hào quang.

Rosenzweig đưa ra hai ví dụ nghiên cứu là công ty Cisco và công ty ABB. Khi ở trên đỉnh thành công, họ được báo giới và doanh giới ca ngợi như trên. Đến khi hai công ty này xuống dốc, những giám đốc táo bạo ngày nào bỗng bị chê là liều lĩnh, những giám đốc liêm chính ngày nào bỗng biến thành những kẻ tham tiền.

Còn những chiến lược trước đây được khen ngợi là tập trung nay bị gọi là bảo thủ, nền văn hóa công ty trước được coi là gắn kết thì nay bỗng bị phê bằng những từ ngữ nặng nề nhất. Câu chuyện cổ tích thế là tan vỡ…

Phil Rosenzweig cho rằng đa số những cuốn sách tuyên bố đưa ra những bản thiết kế để xây dựng công ty thành công đều chỉ là những câu chuyện cổ tích. Tác giả của nó là người giỏi kể chuyện chứ không phải nhà nghiên cứu khoa học bởi tất cả những dữ liệu đều không mang tính chính xác của khoa học do bị che mờ bởi hiệu ứng hào quang.

Người đọc tất nhiên khoan khoái khi nghe những câu chuyện cổ tích thú vị, họ mơ màng nhìn lên bầu trời đầy sao và tưởng tượng ra vẻ đẹp lung linh của nó. Những tất cả chỉ là ảo tưởng, những vì sao lấp lánh hào quang kia khi đến gần cũng chỉ là lớp đất đá xù xì…

Thầy bói xem voi

Hiệu ứng hào quang chỉ là một trong số nhiều ảo tưởng mà các nhà nghiên cứu kinh doanh mắc phải. Rosenzweig đã chỉ ra tới 8 ảo tưởng khác làm mờ mắt các nhà nghiên cứu, biến họ thành những ông thầy bói xem voi hơn là nhà khoa học.

Một ảo tưởng thú vị khác mà Rosenzweig gọi là ảo tưởng về sự tương quan và quan hệ nhân quả. Ví dụ như một nhà nghiên cứu có thể đưa ra mệnh đề: Đào tạo nguồn nhân lực mạnh là yếu tố then chốt tạo ra thành công của một công ty. Ông ta sẽ liên tục tìm ra mọi dẫn chứng và số liệu để chứng minh cho mệnh đề của mình.

Một bài báo hay thậm chí cả cuốn sách có thể ra đời từ chỉ một mệnh đề đó và đương nhiên, người đọc sẽ bị thuyết phục bởi chất chồng những nghiên cứu tình huống và số liệu thực tế mà nhà nghiên cứu đưa ra. Tuy vậy, cả nhà nghiên cứu và người đọc đều quên một điều: Đào tạo nguồn nhân lực và thành công có mối quan hệ tương quan chứ không hẳn là nhân quả của nhau.

Đúng là đào tạo nguồn nhân lực mạnh có thể sẽ khiến một công ty có nền tảng tốt hơn để phát triển nhưng cũng có thể nhờ công ty phát triển nên mới có tiền nhiều để đào tạo nguồn nhân lực. Hai yếu tố này tương quan với nhau theo kiểu con gà quả trứng, rất khó để minh định xem cái gì tác động tạo ra cái gì. Vội vã kết luận rằng đào tạo nguồn nhân lực là chìa khóa của thành công là một sự nông nổi.

Còn hơn thế, nguồn nhân lực chỉ là một yếu tố trong vô vàn yếu tố có khả năng tác động tới hiệu quả công ty. Rosenzweig đưa ra những ví dụ từ nghiên cứu của các đồng nghiệp. Người cho rằng định hướng thị trường đóng góp 25% thành công của công ty, kẻ tuyên bố trách nhiêm xã hội tập thể (CRS) đóng góp tới 40% hiệu quả công ty. Một nghiên cứu khác thì đương nhiên kết luận quản trị nguồn nhân lực góp 5% trong tăng trưởng doanh thu và vai trò của giám đốc góp 15%. Cộng gộp lại thì có lẽ chỉ 4 yếu tố đó đã chiếm mất 85%.

Thế còn vô thiên lủng những khía cạnh khác từ: văn hóa công ty, chiến lược cạnh tranh, năng lực tài chính…. thì sẽ đóng góp bao nhiêu phần trăm nữa??? Chỉ một ví dụ đó, Rosenzweig đã cho thấy tính phiến diện của các nghiên cứu, mỗi nghiên cứu chỉ nhìn nhận một yếu tố trong khi thực chất các yếu tố đan xen vào nhau tới mức không thể xác minh rõ ràng chúng tác động tới nhau và tới kết quả chung như thế nào.

Tác giả gọi đó là ảo tưởng bởi những giải thích phiến diện. Mỗi nhà nghiên cứu như một ông thầy bói sờ một con voi và vội vã tuyên bố phát minh của mình. Ngay cả khi mỗi nghiên cứu đơn lẻ được tập hợp thành một bản thiết kế tổng thể thì cũng vẫn còn quá nhiều yếu tố bị bỏ sót. Thực hiện theo những thiết kế đó không bao giờ đảm bảo thành công.

Chuyện thành công hay chuyện cổ tích?

Rosenzweig dẫn lại một nghiên cứu của Michael Porter. Giáo sư chiến lược của Harvard đã nghiên cứu hàng ngàn công ty từ năm 1984 đến 1994 và kết luận rằng những yếu tố riêng biệt nội bộ đó chỉ đóng góp có… 32% cho hoạt động chung. Thế thì 68% còn lại thuộc về cái gì? Nó thuộc về những yếu tố bên ngoài từ bản chất của ngành kinh doanh, quan hệ hợp tác, may mắn và thậm chí là những yếu tố… chưa biết.

Trong môi trường kinh doanh bất định, liên tục bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài như đối thủ cạnh tranh, sự thay đổi công nghệ, chính sách vĩ mô… việc vẽ ra một sơ đồ đi tới thành công là một ảo tưởng lớn. Và ngay cả việc nghĩ rằng sẽ có được những công ty thành công vĩ đại và trường tồn trong thế giới kinh doanh này cũng là một ảo tưởng nốt.

Tất cả những điều đó chỉ là những câu chuyện cổ tích lấp lánh ánh hào quang nơi có một chàng hoàng tử tức giám đốc nào đó “biết cách nắm giữ những giá trị quan trọng, vạch ra một tầm nhìn tươi sáng, quan tâm tới nhân viên, tập trung vào khách hàng và phấn đấu cho sự hoàn hảo…”.

Rosenzweig nói rằng ông đánh giá cao những giá trị và lý tưởng đó trong các cuốn sách quản trị nổi bật hiện nay. Đi theo những con đường đó không có gì xấu cả, nếu không muốn nói rằng tốt. Nhưng sẽ không có gì đảm bảo rằng đó là con đường dẫn câu chuyện tới kết thúc có hậu. Chàng hoàng tử có tìm thấy công chúa của mình hay không còn phụ thuộc vào nhiều điều khác.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Phi lý trí




Thân mình như con rối

Cho cuộc đời giật dây

http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc//6529/index.aspx

Chúng ta phi lý trí như thế nào?

Theo quan niệm thông thường, con người nói chung luôn hành động theo lý trí của mình trừ những người “mất trí”. Thế nhưng trong cuốn sách bestseller trên toàn thế giới Predictably Irrational (Tính phi lý trí có thể dự đoán được), Dan Ariely, giáo sư kinh tế học hành vi của Học viên công nghệ Massachusetts MIT, đã thực hiện nhiều thí nghiệm đặc biệt để chứng minh rằng: trong rất rất nhiều tình huống, con người không chỉ phi lý trí mà còn phi lý trí có hệ thống.

Bạn sẵn sàng rút 2000 đồng cho một người ăn mày nghèo khổ trên đường. Nhưng cũng chính bạn lại cò kè từng 2000 bạc với bà đồng nát khi bán mớ báo cũ trong nhà.

Bạn sẵn sàng bỏ ra 10 triệu để chụp bộ ảnh cưới thật đẹp mà chỉ xem một vài lần rồi cất vào tủ. Nhưng chắc chắn bạn sẽ rất cân nhắc và suy tính cẩn thận khi quyết định mua một chiếc máy ảnh với giá 10 triệu trong khi bạn có thể dùng nó nhiều năm liền.

Bạn sẵn sàng đi cả chục cây số từ nhà bạn ở Cầu Giấy tới tận Hồ Gươm để mua một cuốn sách giảm giá 20.000đ. Nhưng chắc chắn bạn không mất công như vậy nếu biết rằng có một chiếc máy giặt giảm giá 20.000 đồng ở Hồ Gươm so với giá bán ở cửa hàng gần nhà bạn.

Bạn sẵn sàng giúp một cô gái lắp lại xích của chiếc xe đạp nếu cô ấy ngỏ ý nhờ bạn. Nhưng nếu cô ta đưa cho bạn 10.000đ để bạn làm điều đó thì chắc chắn bạn đã bỏ đi.

Bạn cảm thấy một món ăn ngon hơn khi có người khác bỗng khen rằng ngon nhỉ (cho dù có khi món ăn đó cũng không ngon đến vậy). Bạn cảm thấy mình nhỏ bé hơn, khúm núm hơn khi có dịp nói chuyện với một người nổi tiếng cho dù có khi anh ta cũng chẳng hơn gì bạn xét về cả hình thức lẫn trí tuệ.

Nhưng không chỉ bạn phi lý, tất cả chúng ta đều luôn phi lý. Và không chỉ trong chuyện tình cảm chúng ta phi lý, mọi quyết định trong mọi lĩnh vực chúng ta đều phi lý. Và không chỉ một vài lần phi lý, chúng ta liên tục phi lý, phi lý có hệ thống, phi lý có thể dự đoán được.

Các doanh nhân lắm tiền nhiều của vẫn mua những bức họa chỉ đáng vài triệu với giá vài chục thậm chí vài trăm triệu chỉ để “có” nó. Những nhà đầu tư vẫn mua các cổ phiếu của những công ty “phọt phẹt” với cái giá cao ngất trời chỉ vì những người khác cũng đang làm thế, trong khi giá của nó chỉ vài tháng trước ở mức thấp không tin nổi thì chẳng ai đoái hoài. Nhiều người bệnh đã cảm thấy đỡ mặc dù bác sỹ chỉ cho họ uống thuốc giả vờ hoặc phẫu thuật giả vờ để trấn an tâm lý. Con người nhìn chung vẫn phi lý trí một cách dễ đoán định như vậy.

Nhà kinh tế học hành vi của đại học MIT đã chỉ ra điều đó trong cuốn sách mới của ông: Predictably Irrational (từ nay dịch tắt là Phi lý trí). Được xuất bản ở Mỹ đầu năm 2008, cho tới nay, cuốn sách vẫn nằm trong danh sách bán chạy nhất trên trang mạng amazon.com.

Trong Phi lý trí, Dan Ariely đã tiến hành nhiều khảo sát hành vi kỳ lạ để chứng minh cho các quan điểm của mình. Ông cho rằng sở dĩ chúng ta luôn phi lý trí bởi một số các tác động nhất định như: quy luật tương đối, quy tắc xã hội, sự hưng phấn... Mỗi chương trong cuốn sách, tác giả dành để mô tả một tác động như thế bằng nhiều thí nghiệm khác nhau.

Hiệu ứng vật làm “nền”

Một thí nghiệm tiêu biểu mà Ariely đã đưa ngay vào đầu cuốn sách của mình là “chiêu thức” tạp chí The Economist đã dùng để Marketing cho sản phẩm của họ. Họ đưa ra báo giá cho sản phẩm của mình như sau:

1. Đặt tạp chí điện tử giá 59 đô-la

2. Đặt tạp chí in giá 125 đô-la

3. Đặt cả tạp chí in và tạp chí điện tử giá 125 đô-la

Nhìn vào báo giá trên thấy rõ ràng sẽ không ai phi lý đến nỗi chọn phương án thứ 2, phương án này gần như chỉ đưa vào để “làm nền”. Tác giả kiểm chứng bằng cách đưa ra ba lựa chọn này cho 100 sinh viên ở trường Quản lý Kinh doanh Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), có 16 sinh viên đã chọn lựa phương án số 1 và 84 sinh viên chọn phương án số 3, đương nhiên không ai chọn phương án số 2.

Tác giả thử bỏ phương án “làm nền” số 2 và thử nghiệm với 100 sinh viên khác. Kết quả ngược lại hoàn toàn. “Lần này, 68 sinh viên chọn đặt tạp chí điện tử với giá 59 đô-la, tăng từ 16 sinh viên trước đó. Chỉ có 32 sinh viên chọn đặt cả tạp chí điện tử và tạp chí in với giá 125 đô-la, giảm từ con số 84 trước đó.”

Với chủ một phương án “làm nền” được đưa vào, quyết định của chúng ta đã thay đổi hoàn toàn. Phương án làm nền số 2 đã đẩy sự chú ý của chúng ta hướng tới phương án số 3 và cho chúng ta có cảm giác rằng phương án đó rẻ hơn cả. Thực chất thì không phải vậy và trong khoảng khắc lựa chọn đó, chúng ta đã trở nên phi lý trí. Hiệu ứng “làm nền” là “tác nhân bí mật trong nhiều quyết định hơn chúng ta tưởng tượng.”

Hiệu ứng mỏ neo

Một câu chuyện khác rất đặc sắc được Ariely đưa vào trong cuốn sách là chuyện về “những viên ngọc trai đen”. Năm 1973, nhà buôn ngọc trai người Mỹ Assael gặp một chàng trai người Pháp, chàng trai này sở hữu một đảo san hô ở đó có loài ngọc trai vỏ đen. Vỏ đen của những con trai này gợi cho nhà buôn Assael ý tưởng về những con ngọc trai đen.

Hai doanh nhân này nhanh chóng kết hợp với nhau để “thu hoạch ngọc trai đen và bán cho toàn thế giới”. Nhưng mọi nỗ lực tiếp thị đều thất bại bởi người ta không quan tâm tới loại ngọc trai này. Tuy nhiên, thay vì vứt đi hoặc bán giá rẻ, Assael đã khôn ngoan mang chúng tới nhờ trưng bày tại cửa hàng danh tiếng của bạn ông, nhà buôn đá quý huyền thoại Harry Winston. Tất nhiên, những viên ngọc trai đen được gắn với một mức giá cao đến kinh ngạc. Assael còn đăng loạt bài dài quảng cáo về sự quý hiếm của ngọc trai đen Tahiti trên nhiều tạp chí với hình ảnh những chuỗi ngọc trai đen bên cạnh kim cương, đá hồng ngọc và ngọc lục bảo.

Ngọc trai đen từ chỗ bán chẳng ai mua ở thành cơn sốt ở Manhattan dù được bán với giá cắt cổ. Nguyên nhân lại chính là mức giá cắt cổ đó và cách thức quảng bá khôn ngoan của Assael. Assael đã tạo ra một ấn tượng mạnh trong tâm trí mọi người là ngọc trai đen là thứ bảo vật đắt tiền, quý hiếm, sang trọng và khan hiếm.

Giả sử ông thực hiện chiến lược bán tốc bán tháo số ngọc trai ấy với giá rẻ thì chắc chắn đã rất ít người mua, thậm chí có lẽ ngọc trai đen cũng không có được vị thế siêu đẳng cấp như bây giờ. Mức giá cắt cổ đã tạo ra một ý niệm ban đầu trong xã hội về sự quý hiếm của ngọc trai đen. Ariely gọi đó là “cố kết tuỳ ý” hay một chiếc mỏ neo ban đầu, chiếc mỏ neo đó có tác động lâu dài đối với việc chúng ta sẵn sàng mua ngọc trai với mức giá tương tự và cao hơn trong tương lai.

Không chỉ với ngọc trai đen, chúng ta luôn tự “neo mình” vào mức giá đầu tiên khi quyết định mua đủ loại hàng hóa. Chúng đắt hay rẻ chỉ là cảm nhận của chúng ta trên tương quan so sánh với chiếc mỏ neo đã khắc sâu trong não, chứ không phải lúc nào cũng dựa trên tính toán duy lý của chúng ta về giá trị sử dụng thực. Vô số hàng hóa được gắn lên đó một thương hiệu đẳng cấp và bán với giá “trên trời”. Chúng ta không chỉ mua hàng hóa, chúng ta đã mua thương hiệu; chúng ta không quyết định mua hàng trên cơ sở giá cả hợp lý mà đã để sự phi lý của giá cả tác động tới quyết định của mình.

Đi xa hơn thế, giáo sư MIT Ariely còn tự hỏi: “Có phải cuộc sống mà chúng ta đang tạo dựng phần lớn chỉ là sản phẩm của sự cố kết tùy ý? Liệu đó có phải là cách chúng ta lựa chọn sự nghiệp, người bạn đời, quần áo và cách chúng ta tạo kiểu tóc cho mình không? Đó có phải là những quyết định thông minh hay không? Hay chúng chỉ là những dấu ấn đầu tiên có phần ngẫu nhiên và lộn xộn?”

Đó là những câu hỏi đáng để suy nghĩ, mỗi chúng ta cần xem lại những mỏ neo của cuộc đời mình để thấy chúng ta đã phi lý như thế nào trong vô số quyết định từ nhỏ nhặt nhất tới trọng đại nhất trên con đường đã qua. Phi lý trí của Ariely gợi mở, khuyến khích chúng ta nhìn nhận lại tất cả những quyết định đó, rút ra bài học từ những sai lầm trong hành vi của chính mình và những người khác.

“Chúng ta thường nghĩ mình đang ngồi ở vị trí người lái, với sự kiểm soát đối với những quyết định chúng ta đưa ra và hướng rẽ cuộc đời chúng ta lựa chọn; nhưng rất tiếc, nhận thức này liên quan nhiều tới mong muốn của chúng ta – với việc chúng ta muốn nhìn nhận bản thân ra sao – hơn là với thực tế.” Ariely đã viết như vậy ở phần cuối cùng của cuốn sách. Nếu như chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, luôn suy nghĩ cứng nhắc theo một khuôn mẫu, thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục phi lý trí một cách có hệ thống, sẽ tiếp tục sai lầm và sẽ “chỉ là một con tốt trong một trò chơi mà hầu như chúng ta không thể hiểu cách đi của nó…”

Khánh Duy