Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

Kỳ 2: Tắm Thổ “thật” và màn “tra tấn” với già Thổ

“Tắm Thổ với các cô gái mặc bikini như vậy không phải kiểu truyền thống đâu. Muốn biết tắm Thổ truyền thống như thế nào phải lên Istanbul.” Ilknuk, người dẫn đoàn du lịch giải thích lại một lần nữa.

Hóa ra, chúng tôi vẫn chưa biết thực sự thế nào là tắm Thổ. Càng tò mò, rà lại Lonely Planet, chúng tôi ghi ra tên Nhà tắm Thổ truyền thống nổi tiếng nhất Istanbul và quyết tâm đi tắm một lần nữa.

Cemberlitas Hamami
Vezirhan Cad. No: 8 – 34120

Quá tình cờ, Nhà tắm Thổ Cemberlitas ở ngay khu phố cổ trung tâm Istanbul, đường Divanyolu, đối diện Cây cột Vòng Constantine nổi tiếng. Vào năm 1584, kiến trúc sư hoàng gia Sinan đã xây nhà tắm này dưới sự ủy nhiệm của Nurbanu Sultan, vợ của Hoàng đế Selim II. Nhà tắm này đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Mehmed Pasa và ngay sát Lăng Hoàng đế Mahmud II.

“Nhà tắm lại ngay sát Nhà thờ?” Có cái gì bất thường ở đây khi người ta sắp đặt một công trình thánh thiêng bên cạnh một nhu cầu “trần tục” của con người là tắm rửa. Hay đó là sự lập dị chỉ có ở Cemberlitas? Bạn đã nhầm, các nhà tắm Thổ (Hamam) trong văn hóa Ottoman thường được coi như một thành tố kiến trúc phụ trợ nhưng quan trọng trong Nhà thờ Hồi giáo. Theo thời gian, chúng nhanh chóng trở thành những công trình độc lập và hơn thế nữa, thành những kiến trúc hoành tráng. Cemberlitas là một trong số đó.

Chúng tôi tách đoàn và nhảy vào nhà tắm Thổ Cemberlitas vào quãng cuối giờ chiều. Nhà tắm đông như hội, biển ngoài chỉ rõ: nhà tắm mở cửa từ 6h sáng cho tới nửa đêm. Hamam này như các loại hình Nhà tắm khác từ La Mã không chỉ dành cho đàn ông. Quần thể Cemberlitas bao gồm những khu riêng cho nam và nữ.

“Nam nữ không tắm lẫn lỗn nhưng người tắm cho chúng tôi là nam hay nữ?” Anh bạn tôi hỏi đùa cô bán vé.

“Nam tắm cho nam và nữ tắm cho nữ.”

Hết chuyện, lần này không còn cô Nga nào tắm cho chúng tôi nữa. Dẫu sao thì chúng tôi cũng trả 59 Lira Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương 40 đôla Mỹ để bước vào trong cánh cửa của nhà tắm Thổ. Một không gian hai tầng bằng gỗ được xây như kiểu Tứ Hợp Viện Trung Quốc, 4 mặt đều là ban công và các phòng thay đồ, ở giữa là sảnh lớn lớn nhộn nhịp người qua kẻ lại...

Một người đàn ông chờ chúng tôi ở ngay sảnh để phát khăn tắm và một hộp nhỏ chứa găng tay. Anh này dẫn chúng tôi lên một phòng ở tầng 2 để thay đồ.

“Khi bước chân vào khu nhà tắm này, bạn được chào đón bằng một không gian hoài cổ, nơi thời gian như trôi ngược về quá khứ....” Tôi đọc nhanh mấy dòng chữ trên tờ rơi giới thiệu về Nhà tắm. Cuối cùng, cái cảm giác trôi về quá khứ Ottoman ấy cũng đến khi chúng tôi được dẫn vào phòng tắm nóng.

Tương tự như nhà tắm kiểu La Mã, một Hamam truyền thống có 3 phòng chính liên thông nhau, caldarium (phòng nóng), tepidarium (phòng ấm) và frigidarium (phòng lạnh).

Phòng nóng là trung tâm của Nhà tắm Thổ và chỉ khi bước vào đây với một chiếc khăn duy nhất quấn trên người, chúng tôi mới được trải nghiệm thật sự thế nào là tắm Thổ. Tắm Thổ Nhĩ Kỳ hay còn gọi là Hamam là một biến thể của tắm hơi, xông hơi và tắm kiểu Nga, nhưng chú trọng nhiều hơn tới sử dụng nước để phân biệt với tắm hơi truyền thống.

Kiến trúc của Phòng nóng mang đặc trưng Hồi giáo Ottoman và được giữ nguyên như 5 thế kỷ trước. Một căn phòng rộng, hình tròn với mái vòm như mọi nhà thờ Hồi giáo ở Istanbul. Điểm khác biệt chỉ là, người ta đục hàng trăm lỗ nhỏ trên mái để tạo ra hàng trăm tia sáng tự nhiên chiếu xuống phòng tắm. Giữa ánh sáng mờ ảo như thế, hàng chục người đàn ông nằm la liệt trên một tảng đá cẩm thạch lớn được đặt giữa phòng. Một số ngồi cạnh các bệ nước nhỏ gắn chặt vào hốc tường xung quanh căn phòng.

Một ông già Thổ người gày đét như La Hán chỉ cho chúng tôi một chỗ trên phiến đá tròn cẩm thạch khổng lồ ấy. Chúng tôi nằm xuống phiến đá, gối đầu lên một chiếc bát sắt và cảm nhận sức nóng rát khắp toàn thân. Phiến đá nóng này nhằm mục đích giúp cơ thể bạn được thư giãn, mở hết các lỗ chân lông và toát mồ hôi một cách tự nhiên. Chúng tôi thả lỏng cơ thể để cảm nhận hết sức nóng, nhìn lên những tia sáng đục chiếu qua đỉnh mái vòm. Hàng trăm năm trước, những hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng được tắm như thế và bây giờ với 40 đôla Mỹ, chúng tôi đã có được cảm giác như họ.

20 phút thư giãn trôi qua và ông già người Thổ đến dựng chúng tôi dạy để bắt đầu màn tắm. Kỳ cọ bằng găng tay nhám, massage toàn thân, giội nước nóng ùm ụp và thổi xà phòng khắp người, lần này cũng khác bao nhiêu so với kiểu tắm cùng các cô gái Nga. Chỉ có điều, khác với bàn tay mềm mại lần trước, bàn tay của các ông già Thổ như gọng kìm miết khắp cơ thể chúng tôi.

Đau quá, tôi kêu oai oái và mấy lần yêu cầu nhẹ tay. Có lúc, tôi tưởng bị chuột rút khi bàn tay cứng như sắt của ông già ấn vào hai bắp chân. Những người xung quanh lại có vẻ rất khoan khoái với màn tẩm quất như “tra tấn” này. Tắm Thổ truyền thông là như thế, một sự kết hợp kỳ lạ giữa xông xơi, tẩm quất và tắm thông thường, ngay giữa những di sản của đế chế một thời oanh liệt.

Không thấu hiểu hết những di sản lịch sử ấy thì việc tắm Thổ mất đi nhiều ý nghĩa. Từng dụng cụ tắm đang được sử dụng đều mang dấu ấn của lịch sử từ thời La Mã, loại khăn chúng tôi cuốn quanh cơ thể là peştemal làm bằng lụa hoặc cotton, nalın một loại guốc gỗ để tránh bị trơn trượt trong phòng tắm, kese là chiếc găng tay nhám để kỳ cọ cơ thể.

Trong giai đoạn thịnh trị của đế chế Ottoman ở Thổ Nhĩ Kỳ, thông thường, nhân viên tắm Thổ thường là những thanh niên trẻ có đủ sức khoẻ giúp khách hàng massage và kỳ cọ cơ thể. Những thanh niên này thường không phải người Hồi giáo, có thể là Do Thái, Hy Lạp, La Mã hay Armenia. Sau khi đế chế Ottoman sụp đổ vào đầu thế kỷ 20, những người đứng tuổi như ông già La Hán tắm cho chúng tôi mới thay thế thanh niên trong vai trò ấy.

Màn xông hơi, kỳ cọ, massage toàn thân ở phòng nóng dừng lại, chúng tôi được đưa ra phòng ấm để tắm tráng với xà phòng và nước. Tráng gội xong những tưởng đã đến lúc kết thúc, người hướng dẫn lại đẩy chúng tôi vào phòng nóng để nằm lên phiến đá một lần nữa. Lần toát mồ hôi thứ hai giải phóng nốt toàn bộ những mệt mỏi cuối cùng ra khỏi cơ thể.

Tắm tráng một lần nữa, chúng tôi được đưa trở ra phòng lạnh để thư giãn. Sảnh gỗ bốn mặt nơi chúng tôi bước vào đầu tiên chính là phòng lạnh theo quan niệm truyền thống Thổ Nhĩ Kỳ. Một cốc cam tươi lạnh hoàn toàn nguyên chất cho chúng tôi cảm giác sảng khoái trọn vẹn. Xung quanh, những khách tắm vẫn tấp nập đi lại như trảy hội.

Chúng tôi bước ra khỏi nhà tắm Thổ truyền thống với một tinh thần thoải mái và tươi trẻ hơn nhiều so với trước khi bước vào. Tắm Thổ có giá trị nhiều hơn việc làm sạch cơ thể, đó còn là biện pháp thư giãn và tập thể dục. Chưa hết, trong lịch sử huy hoàng của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ, nhà tắm Thổ không chỉ là nơi tắm rửa mà còn được coi như một trung tâm xã hội. Đó là nơi gặp gỡ bạn bè, vui chơi giải trí (nhảy múa, ăn uống, đặc biệt trong khu phụ nữ), lễ hội (như trước đám cưới, lễ tết, thôi nôi). Vì thế, mô hình này nở rộ khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đế chế Ottoman thịnh trị.

Nơi nào trên thế giới con người chẳng tắm rửa, chỉ có ở Thổ Nhĩ Kỳ, những giá trị nội tại và giá trị gia tăng của hoạt động này mới được nâng lên thành một thứ văn hóa, một di sản văn hóa đích thực. Di sản ấy đã mang lại doanh thu rất lớn cho du lịch Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm.

Khách du lịch may mắn khi được tắm theo nghĩa đen giữa những di sản của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Người Thổ Nhĩ Kỳ còn may mắn hơn, họ được hưởng lợi nhờ “tắm” giữa những di sản văn hóa giàu có cha ông để lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Duy Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét