Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Đổi mới: Lòng thương dân mạnh hơn nỗi sợ


Đổi mới thành công khi những lãnh đạo ở cơ sở theo sát nhịp sống và mạnh dạn hành động vì dân.

Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam những năm 1986 có điểm đặc biệt cơ bản so với một số quốc gia chuyển đổi khác. Đó là cuộc đổi mới “từ dưới lên” thay vì “từ trên xuống”.

Nhà nghiên cứu Trần Việt Phương trao đổi với VietNamNet: “Nhiều quốc gia việc phát triển từ dưới lên bị trấn áp nhưng ở Việt Nam thì không. Dần dần những người lãnh đạo cao nhất cũng nhận thức lại, khi từ dưới lên và từ trên xuống gặp nhau, lãnh đạo đóng dấu đỏ cho phép những sáng kiến của cơ sở. Đó là sự hình thành của chính sách đổi mới.”

Những sáng kiến của cơ sở và cả sự hậu thuẫn của những người lãnh đạo cao nhất cho những sáng kiến đó đều là những quyết định “phá rào” dũng cảm, khi “hàng rào” chính là luật pháp của nhà nước, quy định của chính phủ và cả những húy kỵ thiêng liêng của CNXH.

Nhiều trường hợp, đa số các cấp đều nhận thấy sự bất hợp lý trong cơ chế quản lý kinh tế nhưng vì “sợ” “nguyên tắc” nên không ai dám khởi đầu. Tác giả Đặng Phong viết trong cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi Mới”: “Thực ra thì lòng vả cũng như lòng sung. Nhưng cả huyện lẫn thành phố đều….: Sợ cấp trên. Thế là cả nước ở trong tình trạng vừa đói vừa sợ: xã sợ huyện, huyện sợ tỉnh thành, tỉnh thành sợ TW, TW thì sợ nguyên tắc và cũng sợ lẫn nhau.”

Những người đã vượt qua nỗi sợ hãi ấy chính là những người “anh hùng” của công cuộc “Đổi mới”. Tác giả Đặng Phong đã kể lại nhiều anh hùng vậy trong cuốn sách của ông.


“Sợ thì mặc bà con nông dân chết đói à?”


Tấm gương tiêu biểu được biết tới nhiều nhất chính là “ông khoán hộ”, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Phúc, đến năm 1958, quay trở lại làm Bí thư tỉnh ủy ở chính quê hương mình, vì thế, ông thấu hiểu hoàn cảnh nông thôn Vĩnh Phúc.

Càng thấu hiểu, Kim Ngọc càng thấy bức xúc trước năng suất lao động quá thấp của mô hình hợp tác hóa nông nghiệp. Chính trong một lần xuống ruộng gặt cùng bà con như thế, ông Kim Ngọc đã nghe Chủ nhiệm HTX của thôn Đại Phúc kiến nghị: “Phải khoán cho người lao động thì họ mới làm tốt được”

Kim Ngọc chợt nhận ra ánh sáng ở cuối đường hầm, ông hỏi dồn vị chủ nhiệm: “Ông có dám làm thế không?” Khi vị chủ nhiệm còn ngập ngừng thì ông đã nói: “Ông sợ là phải, nhưng nếu tôi sợ, ông sợ, mọi người đều sợ thì cứ để mặc cho bà con nông dân chết đói à?”

Quyết định 69 của Tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Khoán nông nghiệp do Kim Ngọc khởi xướng năm 1966 đã khiến ông Bí thư bị mang tiếng là mất lập trường giai cấp, đi theo CNTB. Nhưng quyết định công khai thách thức “phép Vua” ấy của ông sau này đã được lịch sử ghi nhận là đột phá sáng tạo đầu tiên của quá trình đổi mới nông nghiệp.

Một nhà lãnh đạo khác đã đi tiên phong trong mặt trận phá rào là Bí thư tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính. Thời bao cấp, việc ấn định giá nhà nước đã gây biết bao khó khăn cho các hoạt động kinh tế. An Giang không phải là ngoại lệ, giá cả không vận động theo quy luật cung cầu đã khiến cho tỉnh chìm sâu vào khủng hoảng cuối những năm 1970.

Ông Nguyễn Văn Chính đã làm chuyện tày trời khi năm 1977, phá bỏ cơ chế giá áp đặt của nhà nước và áp dụng giá thỏa thuận theo thị trường. Ngày đó, giá cả không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là “lập trường”, là “tính Đảng”, vì thế, có người đã hỏi ông Chính rằng ông có biết sợ không khi làm những chuyện liều lĩnh như vậy.

Vị Bí thư tỉnh ủy ấy đã trả lời: “Có chứ, tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Tôi sợ lắm chứ. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, tôi sợ nhất là nếu cứ để cho tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất, nên tôi phải nghĩ ra cách tránh.”

Sau này, “lệ Làng” bãi bỏ giá bao cấp và tem phiếu ở Long An đã trở thành cơ sở thực tiễn để TW tổng kết và tiến tới việc bỏ hoàn toàn cơ chế quan liêu đó.

“…chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi chị…”

Đổi mới đã thành công không chỉ nhờ bản lĩnh của những lãnh đạo cấp cơ sở mà còn bởi những người lãnh đạo cấp cao nhất cũng mạnh dạn “bật đèn xanh”, bảo lãnh cho những phát kiến hợp lý dù chưa hợp pháp ấy.

Người lãnh đạo tiêu biểu nhất cho việc đỡ đầu mọi nỗ lực đổi mới là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một câu chuyện điển hình là vào năm 1979, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở làm sao có đủ gạo ăn cho người dân TP Hồ Chí Minh. Cơ chế khi ấy rất cứng nhắc: Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho thành phố nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời. Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thị trường. Dân đồng bằng sông Cửu Long thì không chịu bán với giá nghĩa vụ. Thành phố có tiền để mua với giá thỏa thuận thì không được mua.

Ông Võ Văn Kiệt khi ấy là Bí thư thành ủy đã triệu tập cuộc họp tại nhà riêng để tìm cách tháo gỡ. Giải pháp được đưa ra là Thành phố xuất tiền cho cá nhân bà Ba Thi (khi ấy là phó Giám đốc Sở Lương thực), xuống các tỉnh mua gạo với giá thỏa thuận. Bà Ba Thi khác gì tư thương nên người ta gọi đùa Tổ mua gạo tư của bà là “Tổ buôn lậu gạo”.

Bà Ba Thi nói với Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt: “Làm cách này thì chúng tôi làm được nhưng nếu TW biết là đi tù đó.” Ông Sáu Dân vừa cười vừa nói: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi chị…”

Chủ trương khoán nông nghiệp cũng là ý tưởng được nhiều lãnh đạo cao nhất hậu thuẫn. Cho dù việc khoán ở Vĩnh Phúc năm 1966 của Kim Ngọc bị phê phán nhưng sau đó, thí điểm khoán ở Hải Phòng từ năm 1977 lại được hậu thuẫn. Từ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lời khuyên: “Các đồng chí cứ mạnh dạn tìm tòi. Tìm tòi thì có thể sai. Có sai thì sửa…” tới lời thúc giục của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Tôi đồng ý! Làm ngay! Làm ngay! Không phải hỏi ai nữa! Cứ làm ngay đi.”

Người ủng hộ khoán với những lời lẽ mạnh mẽ nhất chính là Ủy viên Bộ Chính Trị Võ Chí Công, ông khảng khái: “Khoán là đúng quá rồi! Các đồng chí đừng sợ chi hết. Nếu khoán có làm cho trời sập thì tôi cũng sẽ xin chịu trách nhiệm cùng các đồng chí…”

Không có những người lãnh đạo dám cùng chịu trách nhiệm và bảo vệ cho cấp dưới như thế, làm sao mô hình khoán ở xã Kiến An nhỏ bé có thể lan tới huyện Đồ Sơn, tới khắp thành phố Hải Phòng rồi tỏa ra nữa trên khắp đất nước Việt Nam.

Đổi mới và điều luyến tiếc

Lịch sử công bằng, đã trả lại đúng công lao và vinh danh những con người thực sự thương dân, đã dũng cảm và sẵn sàng trả giá để mang lại ấm no cho dân.

“Thương dân thì dân thương lại”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói vậy và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Tác giả Đặng Phong đã viết những hình ảnh thật cảm động về tình thương của dân dành cho những người anh hùng đổi mới:

“Hôm tiễn Kim Ngọc từ văn phòng tỉnh ủy về nhà riêng (để nghỉ hưu), có rất đông nông dân trong tỉnh. Không ít người trong số họ vừa đi vừa kéo vạt áo lau nước mắt…”

“Có lần bà Ba Thi làm việc vất vả quá bị bệnh, phải vào nằm viện. Thật là kỳ lạ, nhân dân cả Thành phố đồn đại, họ biết tin bà nằm viện, họ tới thăm đông lắm. Đó chỉ là những người mua gạo, nhưng họ cảm tấm lòng của bà, họ đem quà bánh tới, săn sóc bà, có người đến ngồi bên giường bóp chân bóp tay cho bà…”

Quá trình Đổi mới và lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi dấu hình ảnh của họ, những người lãnh đạo ở cơ sở mạnh dạn “phá rào”, những người lãnh đạo cao nhất dám tự nhận thức lại để gỡ đi “hàng rào” cũ và cả đội ngũ những những nhà tư vấn dám nói thẳng, nói thật.

Họ cùng với nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Đổi mới hơn 25 năm trước. Điều luyến tiếc đọng lại là: giá như có thêm nhiều hơn nữa những con người như họ thì cuộc Đổi mới đã có thể diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và sớm hơn…

Đó cũng là tâm sự của nhà nghiên cứu Trần Việt Phương với VietNamNet: “Hóa ra cái mới bao giờ cũng có độ trễ, bao giờ cũng phải sau một thời gian mới phát huy được tác dụng. Ở đâu cũng có độ trễ thôi nhưng ở ta lâu quá, thời gian tranh tối tranh sáng lâu quá, cái mới ló dần dần ra rồi mãi mới hình thành.”

Khánh Duy

Đổi mới: nhóm tư vấn và tinh thần dân chủ


Từ đổi mới trong nhận thức khái quát được thành chủ trương, đường lối trong hiện thực đòi hỏi phải có đội ngũ tư vấn và một môi trường dân chủ nội bộ.

Giờ đây, đa số đều cho rằng câu chuyện đổi mới những năm 86 đã cũ và là lẽ đương nhiên. Nhưng đặt trong bối cảnh chính trị và tư duy thời điểm ấy mới thấy đó là một bước ngoặt lớn. Hàng chục năm tư duy theo lối nhà nước kiểm soát nay có những dấu hiệu bước sang mô hình kinh tế thị trường là không đơn giản, đặc biệt khi sự thay đổi đó động chạm tới những nền tảng lý luận truyền thống về CNXH.

Đổi mới, như đã phân tích, bắt nguồn từ sự nhận thức lại những vấn đề cơ bản của cố TBT Trường Chinh. Nhưng, để từ nhận thức đổi mới khái quát được thành chủ trương, đường lối đòi hỏi phải có đội ngũ tư vấn và một môi trường dân chủ nội bộ.

Bài học nhóm tư vấn

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, kể lại: “lúc đó TBT Trường Chinh có một trợ lý là anh Hà Nghiệp, một người có trình độ nghiên cứu và thẳng thắn. Chính anh Hà Nghiệp đề xuất với TBT mời nhóm cố vấn lại để báo cáo và trình bày. Tất cả đều là chuyên gia nghiên cứu, chỉ có một thứ trưởng, nên không bị vướng vào chuyện chức quyền.”

Nhóm nghiên cứu là tập hợp những người có lý luận, thực tiễn và tư duy mới như Hà Nghiệp, Nguyễn Thiệu, Lê Văn Viện, Võ Đại Lược, Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm, Trần Nhâm, Dương Phú Hiệp, Lê Xuân Tùng… Cố TBT trực tiếp tham gia và chỉ đạo nhóm.

Trong cuốn “Tư duy kinh tế Việt Nam”, tác giả Đặng Phong đã trích lời ông Trần Nhâm,
nguyên trợ lý TBT Trường Chinh: ““Suốt 4 năm tồn tại, (từ tháng 12 năm 1982 tới tháng 12 năm 1986), nhóm nghiên cứu đã sinh hoạt thường xuyên, đều kỳ, làm việc tận tụy, hết mình, để nghiên cứu, phân tích, gợi mở một số vấn đề lý luận và thực tiễn Việt Nam, giúp đồng chí Trường Chinh nắm vững và hiểu rõ cội nguồn để từ đó hình thành tư duy đổi mới của ông.”

Nhóm tư vấn đã không chỉ giúp cố TBT Trường Chinh nhận thức đúng nhiều vấn đề kinh tế xã hội mà ông băn khoăn, mà còn trực tiếp soạn thảo nhiều văn bản quan trọng để cố TBT phát biểu tại Hội nghị TW cũng như các cuộc họp ở Bộ Chính trị.

Thời điểm trước Đại hội VI năm 1986, TBT Trường Chinh không hài lòng với Báo cáo chính trị do tổ biên tập Văn kiện Đại hội đang soạn thảo và đề nghị viết lại. 3 thành viên của nhóm tư vấn có “tư duy mới” là Hà Nghiệp, Trần Đức Nguyên và Lê Văn Viện đã được bổ sung vào Tổ biên tập.

Ông Trần Đức Nguyên, kể lại: “Tôi chịu trách nhiệm viết quan điểm thứ ba trong ba quan điểm đổi mới là đổi mới cơ chế quản lý: từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế vận dụng quan hệ hàng hóa tiền tệ gắn với thị trường. Lúc đó chưa dám dùng hẳn chữ “cơ chế thị trường” đâu mà dùng chữ “cơ chế hạch toán kinh doanh XHCN. Đó là một trong ba điểm quan trọng nhất của đổi mới những năm 1986.”

Chính những nhà nghiên cứu trong nhóm tư vấn đã góp phần quan trọng định hình tư duy đổi mới, tạo ra quan điểm, đường lối, chiến lược cho công cuộc đổi mới. Để làm được điều ấy, họ cũng phải vất vả đương đầu với các quan điểm bảo thủ.

Nhà nghiên cứu Trần Việt Phương nhớ lại: “Còn có cả một cuộc đấu giữa các chuyên gia, giữa các chuyên gia có đầu óc nghiên cứu, đổi mới và những “chuyên gia” khác cơ hội, giáo điều, bảo thủ. May mắn là cuối cùng nhóm chuyên gia có tư duy đổi mới đã chiến thắng.”

Cố TBT Trường Chinh sau này đã nhìn nhận: việc hình thành một nhóm nghiên cứu với tư duy khái quát và năng lực phân tích mạnh là kinh nghiệm quan trọng mà các nhà lãnh đạo nên duy trì và tận dụng.

Trung tướng Đặng Quốc Bảo kết luận: “Bản chất của chiến lược là năng lực làm chủ không gian và thời gian, muốn làm được điều ấy cần kiến thức uyên bác, mà kiến thức của một người không bao giờ đủ được, nên muốn làm chủ cần một hệ thống tư vấn. Trong lịch sử cổ kim, người nào làm chủ đất nước khôn ngoan cũng phải có hệ thống tư vấn.”

Dân chủ nội bộ

Không chỉ có nhóm nghiên cứu cho cố TBT Trường Chinh, trước áp lực đòi hỏi của thực tế những năm trước đổi mới cũng như sau đó, nhiều nhóm chuyên gia khác đã ra đời.

Ông Đặng Phong viết: “Đây là thời kỳ trăm hoa đua nở của các tổ chức, các nhóm nghiên cứu, các Bộ cũng có, các tỉnh và thành phố cũng có… Chỉ đạo các nhóm chuyên gia đó là một vị lãnh đạo của Chính phủ hoặc của Đảng, phương pháp làm việc là tự do ngôn luận, không áp đặt trước những định hướng… “

Sở dĩ, những nhóm nghiên cứu có đất phát triển và nở rộ một phần nhờ tinh thần dân chủ lên cao vào giai đoạn đó.

Ông Trần Đức Nguyên kể lại: “Khi đồng chí Trường Chinh chuẩn bị các bài phát biểu ở Hội nghị TW, đưa ra các quan điểm mới, ông bao cũng chuẩn bị rất kỹ càng, cả tình hình và lập luận. Bao giờ, ông cũng sang làm việc trước với TBT Lê Duẩn và cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng trên tinh thần tôn trọng. Lúc bấy giờ có điểm rất hay là ai có quan điểm đều đưa ra nói thẳng và tranh luận rõ ràng trong Bộ Chính trị, không khí thảo luận sôi nổi và hăng hái lắm.”

Không khí cởi mở, dân chủ ấy đã tạo ra sự đa dạng, phong phú và sức sống cho hoạt động tư duy kinh tế, những ý kiến thẳng thắn, thậm chí trái ngược hoàn toàn với quan điểm truyền thống đều được đem ra trao đổi, nghiên cứu, thảo luận.

Trung tướng Đặng Quốc Bảo kể về những góp ý rất thẳng thắn của ông với cố TBT: “Tôi đã nói rằng nhân loại không có một con đường nào khác ngoài kinh tế thị trường. Nhân loại đã trải quan 6 thiên niên kỷ dậm chân tại chỗ của văn minh nông nghiệp do nền văn minh ấy là nền kinh tế tự cung tự cấp, làm ra của cải chỉ để sinh tồn.

Khi chuyển sang văn minh công nghiệp, nền kinh tế thị trường ra đời là động lực của sự phát triển. Nhưng những người Cộng sản chúng ta đã để cho nền kinh tế trở về thời tự cung tự cấp, nên bây giờ phải chuyển trở lại kinh tế thị trường.

Nếu Đảng Cộng sản không chơi con bài kinh tế thị trường thì không có cách gì phát triển hết, đó là cứu cánh duy nhất. Và TBT Trường Chinh đã tán thành với những luận điểm đó.”

Việc tạo ra bầu không khí thừa nhận những ý kiến khác nhau, cùng thảo luận, tranh luận là sự thúc đẩy và động lực to lớn cho đổi mới. Sức sống trong tư duy thổi luồng sinh khí tạo ra sức sống cho nền kinh tế nói riêng và toàn xã hội nói chung.

Ông Trần Đức Nguyên kết luận: “Người lãnh đạo vì dân vì nước, biết sử dụng chuyên gia nhưng đồng thời không khí dân chủ nội bộ cũng rất quan trọng, có như thế thì mới có đổi mới được.”

Khánh Duy

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

Đổi mới: Lắng nghe, phản tỉnh và nhận thức lại



Mọi quá trình đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức phải đổi mới, mọi nhận thức đều bắt đầu từ những người dám nói và những người dám lắng nghe.

Bước chuẩn bị đầu tiên của mọi quá trình Đổi mới thành công là “Nhận thức”: phải giúp lãnh đạo và người khác “nhận ra nhu cầu của đổi mới và tầm quan trọng của việc gấp rút hành động.” Đó là quan điểm của John Kotter, giáo sư trường kinh doanh Harvard, chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu quá trình thay đổi và đổi mới trong các loại hình tổ chức.

Quá trình Đổi mới ở Việt Nam được khởi đầu bởi cố TBT Trường Chinh, chính ông là người đã đặt nền móng và đề ra chủ trương Đổi mới ở Đại hội VI, năm 1986.

Để hiểu rõ hơn về quá trình cố TBT đã nhận thấy “tầm quan trọng của việc gấp rút hành động” và quá trình những người khác đã giúp ông “nhận ra nhu cầu của đổi mới” như thế nào, chúng tôi đã tìm gặp Trung tướng Đặng Quốc Bảo, nguyên Ủy viên TW Đảng, là em chú bác với TBT Trường Chinh.

Từ lắng nghe…

Ông Đặng Quốc Bảo năm nay đã 82 tuổi nhưng vẫn sang sảng kể lại những ký ức về cố TBT: “TBT Trường Chinh là con người có cái tâm biết lắng nghe. Trước đổi mới, chúng tôi đã nói với ông rất thẳng thắn thế này: Tôi không thể tưởng tượng được khi anh đi thăm các địa phương, mười vạn người xếp hàng để đón anh. Họ phải rải bèo hoa dâu để đón anh, nhà trí thức phải mượn bánh chưng để trang trí.

Như thế, anh yên trí rằng cuộc sống nó khác mà không thấy rằng cuộc sống đến đáy rồi, nhân dân không thể sống nổi nữa rồi.

Anh phải lắng nghe những người góp ý thẳng thắn với chúng ta, người có thông tin hơn chúng ta, nghe cả kẻ thù của chúng ta và những người chửi chúng ta. Ở đó mới có tiếng nói đích thực từ nhân dân, nếu chỉ nghe báo cáo cấp ủy thì chỗ nào cũng tốt hết.

Điều tốt nhất và hay nhất ở Trường Chinh là ông đồng ý lắng nghe và khi nghe xong rồi ông thấy tình hình rất nghiêm trọng.”

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, cũng đồng quan điểm về cái tâm thực sự biết lắng nghe của cố TBT Trường Chinh: “Anh Trường Chinh từng nói với chúng tôi: Tôi mời các đồng chí tới đây chủ yếu để nghe các đồng chí, các đồng chí thông cảm là tuổi cao nên tôi nhờ thư ký ghi hộ. Nhưng đến khi bọn tôi phát biểu, anh Trường Chinh vẫn giở sổ ra cặm cụi ghi và không bao giờ cắt ngang người khác. Ý thức tôn trọng người khác rất rõ."


… tới phản tỉnh…


Tình hình những năm 84, 85 trước đổi mới thực sự nghiêm trọng, tác giả Đặng Phong đã mô tả nó trong cuốn sách “Tư duy kinh tế Việt Nam”: “Lương danh nghĩa của cán bộ và công nhân viên chức chỉ đủ sống trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày… Ngân sách thâm thủng, lạm phát tăng, do đó giá lại tăng. Cái vòng luẩn quẩn đó ngày càng tăng tốc.”

Tuy nhiên, tình trạng “làm thì láo, báo cáo thì hay” quá phổ biến tới mức đôi khi lãnh đạo bị “che mắt” và không thấu hiểu hết thực tiễn ở dưới. Những đồng chí và cộng sự xung quanh cố TBT đã có công rất lớn trong việc thông tin cho ông cũng như đưa ông xuống cơ sở để nắm bắt được tình hình thực tế. Từ đầu năm 1985, ông đã đi khảo sát tại Nghĩa Bình, Quảng Nam-Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp…

Ông Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban nghiên cứu của Thủ tướng, trao đổi với chúng tôi: “Có nhiều người tác động vào tư duy của cố TBT Trường Chinh khiến ông đổi mới trong đó có thể kể đến cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, cố TBT Nguyễn Văn Linh, anh Chín Cần (Nguyễn Văn Chính – Nguyên Bí thư tỉnh ủy Long An), anh Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn, bí thư tỉnh ủy An Giang)… Họ đều là những người chủ chốt nên khi làm việc họ luôn trình bày quan điểm và hơn thế nữa, họ mời anh Trường Chinh tới dự trực tiếp những cuộc gặp với cơ sở, nghe cơ sở nói lên những bức xúc của họ…”

Chính những cuộc khảo sát xuống địa phương, gặp gỡ với cơ sở và lắng nghe ý kiến chuyên gia đã khiến TBT Trường Chinh phản tỉnh. Ông nhận ra trong một thời gian khá dài, nhiều thông tin đã bị bưng bít và nhiều lý luận chính thống đã đổ vỡ trước thực tiễn cuộc sống đa chiều. Các đồng sự đã dẫn Trường Chinh về tận quê ông, Nam Định để cố TBT nghe chính những người bà con của mình nói về sự tính cấp thiết tột cùng phải đổi mới. Đó là những “giọt nước tràn ly” khiến ông thực sự “lột xác” trở thành “vị tổng bí thư của Đổi mới”.

Thực tế khi cố TBT Trường Chinh về thăm quê cũng như các địa phương khác đều đã chứng minh: khoán hộ là hình thức hiệu quả vượt trội so với hợp tác hóa. 95% đất ruộng thuộc HTX chỉ làm ra 50% thu nhập, trong khi, 5% đất phần trăm của nông dân làm ra tới 45%.

Tác giả Đặng Phong viết trong cuốn sách của mình một ví dụ sinh động và điển hình về sự phản tỉnh của TBT Trường Chinh. “Người ta đưa ông đến thăm một chuồng trại nuôi lợn của hợp tác xã, chuồng trại rất khang trang, con nào cũng béo tốt… Ông rất mừng khi thấy có hợp tác xã làm tốt như thế… Nhưng sau đó có người thầm báo với ông rằng trước khi ông đến, người ta đã xuống những hộ gia đình cá thể nào có con lợn béo nhất thì mượn đưa về chuồng hợp tác xã để giới thiệu với chủ tịch. Ông rất bực dọc. Nhưng câu chuyện như thế đã góp phần làm ông chợt tỉnh.”

…và nhận thức lại

Từ phản tỉnh, cố TBT Trường Chinh đã nhận thức lại hàng loạt những sai lầm đề căn bản về lý luận của kinh tế kế hoạch và tập thể hóa. Từ đó, quan điểm của ông thay đổi hoàn toàn và những bài phát biểu mang tính đổi mới của ông tại các hội nghị TW luôn được hoan nghênh nhiệt liệt, vì đã đánh trúng vào mong mỏi và nguyện vọng của đại đa số nhân dân.

Việc cố TBT Trường Chinh có quan điểm đổi mới có sức thuyết phục to lớn trong Đảng bởi uy tín và công lao của ông đã được thừa nhận, và trước đó, ông vốn được coi là người tuân thủ các nguyên tắc của CNXH rất “cứng”.

Ông Trần Đức Nguyên giải thích tại sạo những người lãnh đạo thời ấy lại dễ sửa sai và nhận thức lại: “Những người lãnh đạo chủ chốt có ý thức vì dân, vì nước rất sâu đậm. Cả cuộc đời hoạt động của họ vì dân vì nước, trước đây phạm sai lầm là do quan điểm, nhận thức chứ hoàn toàn không có lợi ích riêng tư cho nên họ rất dễ tiếp thu.”

Cố TBT Trường Chinh là một người như thế. Ông đã từng là Trưởng ban chỉ đạo cuộc Cải cách ruộng rất những năm 1953-1954, sau đó nhận ra sai lầm, ông từ chức và trực tiếp chỉ đạo chiến dịch sửa sai. Những năm 1968, ông cũng là người phê phán gay gắt mô hình khoán ở Vĩnh Phúc của Kim Ngọc, nhưng rồi ông đã thay đổi quan điểm để trở thành “Tổng bí thư của đổi mới” như lời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

GS Trần Nhâm, trợ lý của cố TBT từng kể với VietNamNet: “Một ngày trước khi ông mất ông còn nói với tôi về chuyện Vĩnh Phúc. Tôi có hỏi "sao lúc bấy giờ Bác lại làm to chuyện như vậy?". Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng, có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình không bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác.”

Theo lý luận của John Kotter thì mọi quá trình đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức phải đổi mới, mọi nhận thức đều bắt đầu từ những người dám nói và những người dám lắng nghe. Điểm khởi đầu ấy đã đúng với công cuộc đổi mới của Việt Nam năm 1986.

Trung tướng Đặng Quốc Bảo kết luận: “Có cái tâm biết lắng nghe nên chọn lọc được những cái đúng, biết ai nói đúng. Đổi mới là công lao của xã hội, không phải của bất kỳ một cá nhân nào, nhưng đổi mới không thành hiện thực nếu lãnh tụ không thực sự lắng nghe xã hội. TBT Trường Chinh đã làm điều đó và chính ông là người đã châm bó đuốc đổi mới.”


Khánh Duy


Kỳ 2: Đổi mới: nhóm tư vấn và tinh thần dân chủ

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

10 nhân vật có ảnh hưởng nhất thập kỷ


Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 vừa kết thúc vài ngày nhưng đã thành lịch sử. Lịch sử được tạo nên bởi những con người xuất chúng, dù tích cực hay tiêu cực, họ đã viết nên những trang đầu tiên của cuốn biên niên sử thế kỷ 21.

1) Obama:

Tổng thống da đen đầu tiên của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ nên được gọi là sứ giả của hy vọng. Ông đem đến hy vọng lớn lao trong một giai đoạn hỗn loạn của khủng hoảng kinh tế và mất niềm tin chính trị nghiêm trọng trong lịch sử nước Mỹ và thế giới.

Obama đã được bầu nhờ “nói thật” nhiều điều đằng sau lớp áo giả dối: tranh cử là “ăn xin”; chính trị là “màn kịch”, tranh luận là “biểu diễn”, chính trị gia luôn “mắc chứng hoang tưởng tự đại” và là “con rối của nhóm đặc quyền”, quan điểm của mỗi đảng phái là “loại sản phẩm đóng gói”, quá trình lập pháp là “sản phẩm của hàng trăm thỏa hiệp lớn nhỏ”…

Obama kêu gọi tìm lại nền chính trị của sự thật nơi sự cân bằng, chín chắn và lẽ phải ngự trị. Người dân Mỹ và thế giới vẫn đang quan sát xem nhà hùng biện này có đem đến thành công hay cũng lại trở thành nạn nhân của sự thật như một câu nói nổi tiếng của ông.

“Chính trị gia ngày nay hiểu điều đó, ông ta có thể không nói dối, nhưng ông ta biết không có gì tốt đẹp dành cho người nói thật.”

2) Steve Jobs:


CEO của Apple có một số phận thăng trầm kỳ lạ.

20 đã bỏ học để sáng lập ra công ty Apple trong một gara ôtô. 30 tuổi bị đuổi khỏi chính công ty mà mình sáng lập. 40 tuổi trở lại nắm quyền và liên tục cho ra đời những “tác phẩm” cách mạng trong công nghệ: Mac Book, Ipod, Iphone.

Steve là “thầy phù thủy” bởi mỗi khi chiếc đũa thần của ông chạm vào lĩnh vực nào thì ở nơi ấy xuất hiện những điều kỳ diệu.

Năm 2004, ông bị chẩn đoán ung thư tuyến tụy nhưng cũng kỳ lạ thay, các bác sỹ đã reo lên khi nội soi cho ông và phát hiện ra rằng đó là trường hợp ung thư hiếm hoi có thể chữa được bằng phẫu thuật.

Gã “lông bông” chưa có bằng Đại học “tái xuất” sau cơn bạo bệnh và có bài phát biểu xúc động ở lễ tốt nghiệp của trường Stanford, nơi ấy, “thầy phù thủy” đã cho sinh viên những lời khuyên gan ruột từ cuộc đời thăng trầm của mình:

“Đừng lãng phí thời gian để sống cho cuộc đời một ai đó… Hãy luôn khát khao, hãy cứ dại khờ.”

3) Osama Bin Laden:

Lãnh tụ của phong trào Hồi giáo cực đoan chắc chắn là nhân vật có ảnh hưởng “tiêu cực” nhất trong thập kỷ vừa qua.

Người đàn ông 54 tuổi người Ả rập này cũng là nhân vật bí ẩn nhất, thích xem BBC nhưng lại căm ghét phương Tây, thích làm thơ làm vườn nhưng lại ưa súng ống, sẵn sàng sống khổ hạnh trong hang núi nhưng khi cần cũng xa hoa với Mercedes và thuyền đua.

Bin Laden có ít nhất 5 vợ và cả tá con, người vợ cả và con trai đều cho biết trùm khủng bổ nổi tiếng là người giỏi tính toán và có thể đọ sức cả với máy tính. Tài tính toán của Bin Laden đã được thể hiện qua khả năng đạo diễn vụ 11/9 một cách tinh vi, khiến Bin Laden trở thành biểu tượng tinh thần không chỉ của nhóm Al-Qeada mà còn của phong trào Hồi giáo cực đoan toàn cầu.

Câu nói thể hiện bản chất của Bin Laden rõ hơn cả là khi nhóm Al-Qeada bàn kế hoạch thực hiện vụ khủng bố 11/9 bằng cách cho một máy bay nhỏ chứa thuốc nổ lao vào Tòa tháp đôi ở New York. Bin Laden đã sửa lại kế hoạch đó, thay máy bay nhỏ bằng máy bay thương mại chở khách và lập luận:

“Tại sao lại phải dùng rìu trong khi có thể dùng xe ủi?”

4) George W.Bush

Cựu tổng thống Hoa Kỳ trong gần suốt thập kỷ có lần tự nhận mình là “decider”, một từ có thể hiểu là “người quyết định” mặc dù nó không có trong từ điển tiếng Anh.

Đó là một trong vô số những phát ngôn bị chê cười của ông Bush, tổng thống thứ 43 trong lịch sử Hoa Kỳ có lần đã nói: “Đã nhiều lần, tôi tự hỏi mình rằng: Tại sao, tại sao cậu lại cứ thích xớ rớ vào những chuyện xảy ra bên ngoài nước Mỹ thế hả Bush?”

Xâm chiếm Iraq và tấn công Afganistan là hai trong số những quyết định “xớ rớ” như thế, cũng là hai quyết định mang tầm ảnh hưởng toàn cầu và gây tranh cãi nhất.

2 nhiệm kỳ 8 năm của ông Bush không mấy thành công, Bush được “chào đón” bằng một cuộc đại tấn công khủng bố và “chia tay” bằng cuộc đại khủng hoảng kinh tế. Thêm vào đó, Bush làm mất lòng một cơ số đồng minh và tự tạo ra không ít kẻ thù.

Nỗi lo ngại về kẻ thù đã khiến cho vị tổng thống xuất thân từ doanh nhân dầu lửa tiếp tục có những phát biểu như trong phim hài:

“Những kẻ thù của chúng ta rất sáng tạo và nhiều thủ đoạn, chúng ta cũng thế. Chúng không ngừng nghĩ ra những phương cách mới để hãm hại đất nước và con người Mỹ, chúng ta cũng thế.”


5) Mark Zuckerberg


CEO của mạng xã hội Facebook là một doanh nhân ngẫu nhiên và một tỉ phú tình cờ. Như Steve Jobs và Bill Gates, chàng trai sinh năm 1984 này không hứng thú gì với việc học hành ở trường Đại học, anh bỏ ngang trường Harvard để đến California khởi lập công ty Facebook.

Lập nghiệp từ năm 20 tuổi với hai bàn tay trắng: không nhà cửa, không tiền bạc, không xe hơi, giờ đây, chỉ 3 năm sau, 2007, Mark đã trở thành ông chủ của công ty trị giá 15 tỉ USD sau quyết định mua 1,6% cổ phần Facebok của Bill Gates.

Nhà tỉ phú trẻ vẫn thích mặc quần jeans và đi xăng đan này cũng không nghĩ rằng ý tưởng ban đầu hồn nhiên lại dẫn anh tới ngai vàng đầy quyền lực của một vương quốc có tới 350 triệu thần dân tính tới cuối năm 2009.

Facebook của Mark đã thay đổi và dẫn dắt cuộc cách mạng trong lĩnh vực mạng xã hội. Ít ai ngờ, ý tưởng của nó nảy sinh khi chàng trai tội nghiệp đang ngập chìm trong rượu bởi lần đầu tiên bị phụ tình:

“Jessica là một cô gái lẳng lơ. Tôi cần phải nghĩ đến một cái gì để cô ấy biến khỏi đầu óc tôi. Tôi cần có cái gì đó xâm lấn tâm trí tôi. Thế là, tôi nghĩ ra ý tưởng (Facebook)”

6)Vladimir Putin

Hiện lên như một người đàn ông cường tráng và mạnh mẽ, đối nghịch với hình ảnh những lãnh tụ quốc gia già yếu Xô Viết trong lịch sử, Putin có sức thu hút đặc biệt. Chơi Judo, câu cá, bơi lội, chèo thuyền, lái máy bay chiến đấu, tầu thủy, xe tăng, thậm chí cởi trần cưỡi ngựa, Putin thể hiện như một anh hùng trong phim Hollywood.

Trong mắt một phần đông người Nga, Putin là anh hùng đã cứu nước Nga thoát khỏi trạng thái hỗn loạn và tìm lại vị thế cường quốc sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ. Nhà tỉ phú Soros có lý khi nhận định: “Với Putin, chủ nghĩa dân tộc thay cho chủ nghĩa cộng sản trong vai trò ý thức hệ.”

Một quan điểm thân Mỹ và phương Tây cho rằng Putin là nhà độc tài có xu hướng dẫn dắt xã hội Nga đi về hướng phi dân chủ, cản trở tự do báo chí và xã hội dân sự. Putin trả lời:

“Tôi xin nói với các ngài một cách thành thật, chúng ta chắc chắn là không muốn có cùng kiểu dân chủ như họ có ở Iraq."

7) Bill Gates

Gates từng tâm sự rằng công việc chi phối ông tới mức nhiều lần ông lái xe vào con đường đến thẳng công ty trong khi định đi nơi khác. Gates sinh ra để đi trên con đường ấy với Microsoft, con đường đã mang lại cho ông ảnh hưởng toàn cầu.

Gates giờ đây đã đi một con đường khác. Năm 2008, ông chia tay Microsoft và trích 58 tỷ đôla tài sản của mình cho Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates. Người đàn ông giàu nhất thế giới từng "ước sao mình không phải là người giàu nhất” đã quyết định ghi dấu ấn và ảnh hưởng của mình ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.

“Kẻ bỏ học nổi tiếng nhất Harvard” được coi là nhà tiên tri đã thành công trong việc “tạo ra thời đại” công nghệ thông tin nhờ “biết trước tương lai”. Nhưng, khi tổng kết lại cuộc đời kinh doanh của mình trong cuốn “Con đường phía trước”, ông vẫn nói:

"Thành công là một giáo viên tồi. Nó ru ngủ những người thông minh với suy nghĩ rằng họ không thể thất bại"

8)Alan Greenspan

Cựu chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ FED là một tín đồ nhiệt thành của kinh tế thị trường tự do, môn đồ của trường phái “bàn tay vô hình” của Adam Smith.

18 năm ngồi trên ghế chủ tịch FED để điều hành chính sách tiền tệ của nước Mỹ, những quyết định của Greenspan có ảnh hưởng vô cùng lớn tới nền tài chính toàn cầu. Giai đoạn nắm quyền của Greenspan được coi là khúc khải hoàn ca của sự thịnh vượng Mỹ cũng như của lý thuyết kinh tế tự do.

Cho tới khi nhà kinh tế khi đó đã 80 tuổi “rửa tay gác kiếm” vào năm 2006, Greenspan vẫn được tụng ca nhiệt liệt. Mọi chuyện chỉ bắt đầu đổ vỡ khi cuộc khủng hoảng tài chính vô tiền khoáng hậu bùng nổ năm 2008.

Cựu chủ tịch FED bị coi là tội đồ khi đã giảm lãi suất liên tục từ năm 2001 tới giữa năm 2004, việc này bị cho là đã tạo đà cho bong bóng bất động sản phình đại dẫn tới khủng hoảng. Lý tưởng tự do phi điều tiết tài chính của ông cũng đã dẫn tới sự hình thành vô số các công cụ tài chính phái sinh, chất xúc tác làm lan truyền khủng hoảng.

Đáp lại tất cả những lời cáo buộc, con người dành cả cuộc đời mình để suy ngẫm về kinh tế học đã thừa nhận có “sai lầm” nhưng vẫn chưa hết “sốc” và “ngơ ngác”:

“Trụ cột quan trọng của cạnh tranh và thị trường tự do đã đổ vỡ. Tôi cũng chưa hiểu rõ toàn bộ sự việc xảy ra như thế nào.”


9)Hồ Cẩm Đào

Hồ Cẩm Đào sinh năm 1942, tuổi Nhâm Ngọ. Sự thăng tiến trên con đường chính trị của ông cũng nhanh chóng và suôn sẻ như ngựa phi trên thảo nguyên thênh thanh.

Chú ngựa ấy luôn về nhất trong các cuộc đua dù “non” nhất. Khi còn đi học, ông luôn đứng đầu. Trên quan lộ, năm 1982, Hồ Cẩm Đào trở thành uỷ viên trung ương trẻ nhất khi mới 39 tuổi. Năm 1985, ở tuổi 43, Hồ Cẩm Đào là bí thư tỉnh uỷ Quý Châu, bí thư tỉnh uỷ trẻ nhất. Năm 1992, khi mới 49 tuổi, ông trở thành Ủy viên Bộ chính trị trẻ nhất và năm 98 Phó Chủ tịch nước trẻ nhất.

Luôn trẻ nhất nhưng Hồ Cẩm Đào nổi tiếng là con người chín chắn và điềm tĩnh đến thần bí. Chỉ nói vừa đủ những điều cần nói vào những lúc cần nói, lãnh tụ của quốc gia 1,3 tỉ dân hiếm khi hé lộ những cảm xúc bột phát hay phát ngôn thiếu thận trọng.

Quan điểm của ông gói gọn trong một câu phát biểu của ông dịp kỷ niệm 60 năm Quốc Khánh Trung Quốc vừa qua:

“Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu nguy cho Trung Quốc và chỉ có cải cách và mở cửa mới có thể đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc.”

10)Larry Page và Sergey Brin

Hai nhà sáng lập ra Google cũng không ngờ rằng dự án nghiên cứu chung của họ khi đang làm tiến sỹ ở Stanford lại làm cho họ trở thành những tỉ phú chỉ vài năm sau đó.

Dự án bắt đầu vào năm 1996 và chỉ 10 năm sau, năm 2006, số lượt tìm kiếm trên Google đã là 2,7 tỉ lượt một tháng. Ảnh hưởng của Google tiếp tục tăng phi mã, con số ấy vào cuối năm 2009 đã là 31 tỷ.

Hai chàng trai cùng sinh năm 1973 đã tuyên bố sứ mệnh của Google là “sắp xếp và quản lý thông tin toàn cầu.” Hai tiến sỹ “hụt” của Stanford đã làm được điều đó khi giúp hàng tỉ công dân toàn cầu tiếp cận thông tin ở bất kỳ lĩnh vực nào một cách miễn phí và nhanh chóng nhất, họ đã thay đổi cách thức học tập và thu thập thông tin của thế giới.

Vậy nhưng, khi chia sẻ về những kinh nghiệm thành công của mình ở Israel năm 2003, Larry Page chỉ đơn giản nói:

“Bạn phải hơi ngốc nghếch trong việc đặt ra mục tiêu. Hãy quan tâm tới điều không thể. Bạn hãy thử làm những việc mà người khác chưa nghĩ tới.”

Khánh Duy
(tổng hợp và bình luận)

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2010

Tăng sức mạnh mềm bằng chính sách chính đáng



Trong hành trình 2 ngày tới Việt Nam, nhà tư tưởng đối ngoại hàng đầu Hoa Kỳ đã để lại một thông điệp then chốt: gia tăng sức mạnh mềm là gieo lòng tin vào đối tác bằng tính chính đáng trong các chính sách của mình.

Trong hai ngày, GS Joseph Nye đã có một lịch trình dày đặc, cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam, trực tuyến trên VietNamNet, thuyết trình tại Diễn đàn VNR500 và nói chuyện với cán bộ ngoại giao Việt Nam.

Các cuộc thảo luận đều tập trung vào hai chủ đề được quan tâm nhiều nhất là gia tăng sức mạnh mềm cho Việt Nam và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.

Hai chủ đề tưởng khác nhau này lại có liên hệ với nhau ở chỗ: Trung Quốc trỗi dậy như một cây cao phủ bóng thì các nước xung quanh trong đó có Việt Nam làm thế nào để không bị “cớm nắng”.

GS Joseph Nye đã có câu trả lời.

Niềm tin để có điệu nhảy hai người

Trong cuộc gặp với lãnh đạo doanh nghiệp tại Diễn đàn VNR500, ông nói “Sức mạnh mềm như một điệu nhảy, nó đòi hỏi phải có đối tác.” Nói nôm na là, một chàng trai phải có sức hấp dẫn đủ để thuyết phục một cô gái nhảy với mình. Thành công phụ thuộc và sự chấp nhận của cô gái.

Có những cách khác để đạt mục đích như ép buộc cô gái (cây gậy) hay dùng tiền để dụ dỗ (cà rốt), nhưng cả hai đều không có lợi trong dài hạn bằng việc tạo ra niềm tin và thiện cảm trong lòng cô gái kia.

Nye khẳng định: “Chìa khóa của sức mạnh mềm là lòng tin.”

Lý lẽ đơn giản đó không phải quốc gia nào cũng thấu hiểu sâu sắc và áp dụng triệt để.

Mỹ vẫn đơn phương gây chiến và Iraq và đánh Afganistan bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia. Điều đó bào mòn lòng tin vào sức hấp dẫn của hệ tư tưởng Mỹ ở nhiều nơi trên thế giới. GS Nye nói trong Diễn đàn VNR500: “Mỹ không xóa bỏ được quan niệm của thế giới về nước Mỹ tự kiêu, áp đặt nước khác, thì nước Mỹ không thể thành công.”

Trung Quốc cũng nỗ lực gia tăng sức hấp dẫn bằng cách thành lập hàng trăm Học viện Khổng Tử, quốc tế hóa kênh CCTV và Tân Hoa Xã… Nhưng, những nỗ lực đó sẽ không đạt hiệu quả mong đợi nếu Trung Quốc tiếp tục có những động thái làm rạn vỡ niềm tin của thế giới.

GS Nye nói trong cuộc bàn tròn trên VietNamNet: “Trung Quốc có những hành xử làm xấu đi hình ảnh của mình với thế giới như cách hành xử ở Biển Đông, thiếu hợp tác tại Hội nghị biến đổi khí hậu Copenhagen hay vấn đề nhân quyền trong nước…”

Những điều đó góp phần khiến cho Trung Quốc chưa thể có sức mạnh mềm đáng kể so với Mỹ. GS Nye cho biết, trong một cuộc thăm dò gần đây, đa số người dân các quốc gia Châu Á bị hấp dẫn và ảnh hưởng bởi giá trị Mỹ chứ không phải Trung Quốc.

Cởi mở để gia tăng sức mạnh mềm

Trở lại với Việt Nam, nhà tư tưởng đối ngoại khẳng định như hai năm trước rằng: “tinh thần độc lập dân tộc và phát triển kinh tế nhanh chóng” là nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam khiến thế giới ngưỡng mộ.

Việt Nam có nhiều câu chuyện hấp dẫn để kể và để tăng hơn nữa sức hấp dẫn của mình, GS Nye cho rằng Việt Nam hãy tiếp tục thực hiện mạnh hơn nữa con đường cải cách và hội nhập theo hướng cởi mở như trong thời gian Đổi mới vừa qua.

GS Nye khẳng định trong cuộc bàn tròn trên VietNamNet: “Về đối nội, Việt Nam nên tiếp tục gia tăng tự do phát ngôn và tính phản biện trong nước hơn nữa. Về đối ngoại, nên quan hệ chặt chẽ với các quốc gia khác nhất là khối ASEAN.”

Ông còn có một số ý tưởng cụ thể trong cuộc gặp với cán bộ ngoại giao Việt Nam như Việt Nam hãy cùng ASEAN đưa ra giải pháp chung chống biến đổi khí hậu thay vì cãi nhau như các nước khác; đầu tư vào các dự án tốt và kiên quyết nói “Không” với các dự án bẩn gây ô nhiễm môi trường.

Những chính sách chính đáng như vậy mới giúp Việt Nam phát triển bền vững và gia tăng ảnh hưởng trong dài hạn.

GS Nye kết luận: “Đó là cách chứng tỏ Việt Nam đi đúng hướng. Khi đó, Việt Nam sẽ tranh thủ được sự cảm thông và ủng hộ của thế giới. Và sẽ khó cho Trung Quốc trong việc "phủ bóng" Việt Nam.”

Khánh Duy

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Nhận thức, mất chức và tự tử


Chủ tịch UNND tỉnh Đồng Tháp đã thừa nhận những sai phạm trong việc hàng chục ngàn ha đất do người dân khai mở đã bị thu hồi cho người thân của lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện thuê làm ao nuôi cá với giá ưu đãi. Một trong số người thân ấy là vợ ông.

Chưa tới hừng đông, người đàn ông ấy đã dậy thật sớm và bật máy tính của mình lên. Ông viết vài dòng bình luận cuối cùng về vụ scandal tham nhũng liên quan tới vợ con đã hủy hoại danh tiếng chính trị của mình.

Một giờ ba mươi phút sau, ông bước ra khỏi nhà và như thường lệ, trèo lên ngọn đồi nhỏ quen thuộc. Mặt trời đã nhú phía xa xa nhưng bị che mờ bởi một bầu trời giăng kín mây mù. Từ đỉnh đồi, nhà chính trị đưa mắt nhìn quê hương miền Nam thân yêu lần cuối rồi gieo mình xuống vực thẳm bên dưới…

Ông chết ngay khi được đưa vào bệnh viện vì chấn thương sọ não…

Người ta bật máy tính của ông lên và đọc được những dòng cuối cùng ông nhắn nhủ lại vợ con và nhân dân thế này:

“Đừng quá buồn, cuộc sống và cái chết là một phần của tự nhiên. Đừng hối tiếc. Cũng đừng đổ lỗi cho ai cả. Hãy chấp nhận nó như định mệnh.”

Trước đó, ông còn nói thế này nữa: “Tôi không thể nhìn thẳng vào mặt các bạn vì nhục nhã. Tôi xin lỗi vì đã làm người dân thất vọng.”

Quê hương miền Nam ấy là Bongha, Hàn Quốc và người đàn ông ấy là cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun.

Cái chết của ông Roh vào tháng 5 vừa rồi đã khiến hàng triệu người Hàn Quốc rơi nước mắt và trong đám tang ông, người ta thấy hàng chục ngàn người lẽo đẽo đi theo chiếc xe tang kết đầy hoa trắng…

Xung đột lợi ích

Ông Roh đã bị cáo buộc “nhận hối lộ” 6 triệu đôla từ một nhà sản xuất giầy. Doanh nghiệp này đã đưa khoản hối lộ cho vợ, con và anh vợ ông.

Câu chuyện của Roh không mới ở Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung. Chuyện nói nôm na như các cụ ta là “một người làm quan, cả họ được nhờ”, còn nói học thuật kiểu phương Tây một chút là “xung đột lợi ích”, sự nhập nhằng giữa công lợi và tư lợi.

Mô hình khá phổ biến cho “xung đột lợi ích” ở Châu Á là chồng “xung phong” nơi tiền tuyến chính trị, vợ và các con an tâm làm kinh tế ở hậu phương. Hậu phương và tiền tuyến hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Một tấm gương điển hình ở Châu Á là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ông này khi làm chính trị đã “buông hết” công ty, tài sản cho vợ con quản lý. Thậm chí khi phải kê khai tài sản thật, vợ con ông này còn tìm cách đẩy hết số tài sản ấy cho người coi nhà, giúp việc, lái xe, vệ sỹ… đứng tên. Hai trong số những người giúp việc trong nhà Thaksin đã từng nằm trong Top 10 người nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Thái Lan.

Năm 2006, Thaksin đã bị lật đổ do những cáo buộc dùng quyền lực chính trị làm giàu cho Tập đoàn Shin do vợ con ông quản lý, đỉnh điểm là vụ bán cả tập đoàn viễn thông ấy cho Singapore mà không đóng thuế.

Ngay cả ở phương Tây cũng không tránh hết chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Gần đây nhất là vụ chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfovitz từ chức vào năm 2007 do bê bối quanh chuyện “dàn xếp nâng lương cho người yêu (cũng là nhân viên Ngân hàng Thế giới)”

Ông Thaksin từ trước khi làm thủ tướng đã có câu nói nổi tiếng về chuyện “xung đột lợi ích”: “trên đất nước Thái Lan, kinh doanh và chính trị quan hệ khăng khít với nhau như hai anh em sinh đôi vậy.” Không chỉ Thái Lan, bất cứ nơi nào thiếu pháp quyền và phân lập đều là mảnh đất mầu mỡ cho “xung đột lợi ích”.

Phản ứng và nhận thức


Bản chất xung đột lợi ích ở mọi nơi là giống nhau, duy chỉ có điều, phản ứng của những chính trị gia bị phanh phui có “tư túi” từ “túi công” thì lại khác nhau. Sự khác đó cũng phản ánh mức độ tiến hóa của xã hội.

Ở Mỹ, ông Paul Wolfovitz ngay lập tức “từ chức” để bảo vệ uy tín của Ngân hàng thế giới cũng như chính mình, dù vi phạm của ông chỉ đơn giản là nâng lương cho cô bạn gái người Anh, gốc Lybia.

Ở Hàn Quốc, ông Roh Moo-hyun đã chọn cái chết để bảo toàn danh dự cá nhân. Là một chính trị gia từng nổi tiếng chống “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, từng ném thẳng cả một cái bảng tên vào tổng thống tham nhũng Chun Doo-hwan giữa Quốc hội Hàn Quốc vào thập niên 80, Roh đã dùng chính mạng sống của bản thân để giữ hình ảnh “một chính trị gia trong sạch” trong lòng công chúng.

Ở Thái Lan, ông Thaksin lại hỏi ngược dân chúng và những người cáo buộc rằng liệu họ cần một chính trị gia trong sáng như thiên thần nhưng không làm được tích sự gì hay cần một CEO thực sự biết cách điều hành đất nước tới hạnh phúc và giàu mạnh. Dù Thaksin bị tố cáo tham nhũng, một bộ phận khá lớn tầng lớp nhân dân vẫn “tôn thờ” ông và lịch sử đã chứng minh giai đoạn Thaksin nắm quyền là thời kỳ bình ổn và thịnh vượng hơn cả trong lịch sử Thái Lan.

Còn ở Việt Nam, sau cáo buộc “xung đột lợi ích” vừa rồi, ông Trương Ngọc Hân, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã “thẳng thắn nhìn nhận là có vi phạm trong việc quản lý thu hồi, cho thuê đất bãi bồi ở Châu Thành… trong đó có vợ tôi là bà Trần Ngọc Ánh, em phó chủ tịch Võ Trọng Nghĩa, vợ Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Đoàn.”

Tuy vậy, ông lại cho rằng nguyên nhân của những vụ việc sai phạm vừa rồi “chủ yếu do nhận thức thiếu sót” và đã “nghiêm túc kiểm điểm”.

Xung đột lợi ích không bắt đầu từ vấn đề “nhận thức”. Nhưng “nhận thức” nên là điểm kết thúc của nó, như cựu tổng thống Hàn Quốc đã “nhận thức” ra ở những thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình.

“Tôi không còn đại diện cho những giá trị mà tôi hằng đeo đuổi. Tôi không đủ tư cách để nói về những điều như dân chủ, tiến bộ và công bằng.”

Khánh Duy