Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

Chứng khoán hay những lâu đài cát?

“…có một bi kịch đã trôi qua gần 80 năm rồi mà người Mỹ nói riêng và thế giới tư bản nói chung vẫn chưa thể quên. “Ác mộng Đại Khủng Hoảng 1929” của nhà kinh tế học Galbraith mô tả lại tấm thảm kịch đó…”

1.

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại đang ở những ngày sôi động. Những kỷ lục mới về khối lượng và giá trị giao dịch được xác lập. Người người lại lên sàn như đi hội bởi ai cũng kiếm được tiền. Những nhà đầu tư đang say mê lướt sóng có vẻ như đã quên rất nhanh bi kịch của một năm về trước.

Marx từng nói đại ý rằng nếu lợi nhuận 300% thì dù bị treo cổ nhà tư bản vẫn cứ làm. Cứ nhìn thấy lãi tăng liên tục vài phần trăm một ngày, các “nhà tư bản” ở nước ta vội quên những tháng ngày tuột dốt không phanh của năm 2008 cũng chẳng có gì lạ.

Thế mà, có một bi kịch đã trôi qua gần 80 năm rồi mà người Mỹ nói riêng và thế giới tư bản nói chung vẫn chưa thể quên. “Ác mộng Đại Khủng Hoảng 1929” của nhà kinh tế học Galbraith mô tả lại tấm thảm kịch đó.

2.

“…những cảnh tượng đang diễn ra tại New York sầm uất: những kẻ đầu cơ tự gieo mình qua cửa sổ; khách bộ hành phải tự tìm đường đi giữa thi thể của những nhà tài phiệt vừa rơi xuống…Làn sóng tự sát xuất hiện, và 11 nhà đầu cơ nổi tiếng đã tự kết liễu cuộc đời mình…”
Chỉ có màn này của tấm thảm kịch 1929 là người Việt Nam có lẽ chưa tưởng tượng ra được. Còn lại tất cả những gì Galbraith viết trong cuốn sách đều quen thuộc và dễ hình dung, đặc biệt đối với những ai đã trải nghiệm và quan sát cú tuột xích của chứng khoán Việt Nam năm 2008. Quy mô và mức độ của nó tất nhiên không thể so sánh với cú sụt lớn của nước Mỹ 80 năm về trước, nhưng bản chất thì có cái gì nhang nhác như nhau.
Bản chất đó, nói một cách thẳng thắn như Galbraith, là: “một khát khao hơi quá quắt, là mong muốn làm giàu nhanh chóng với nỗ lực ít nhất…”

3.

“Các chính khách quên mất chính trị; luật sư quên tòa án; nhà buôn quên mất công việc buôn bán; bác sĩ quên bệnh nhân; con nợ quên chủ nợ; linh mục quên bục giảng kinh, và thậm chí chính những người phụ nữ đã quên mất lòng kiêu hãnh và bàn trang điểm!” “Các văn phòng môi giới chật kín người đứng kẻ ngồi từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều, họ dán mắt vào tấm bảng đen thay vì giành thời gian chú tâm vào công việc.”
Galbraith kể lại chuyện nước Mỹ vào khoảng thời gian đầy hi vọng trước năm 1929 mà như chuyện Việt Nam 2 năm trước. Người người bỏ việc cơ quan, nô nức kéo nhau lên sàn như đi chảy hội. Nhà đầu tư cá nhân đã thế, còn các công ty cũng không thể bỏ qua cơ hội lớn để kiếm lời. Các doanh nghiệp nhà nước thi nhau lập công ty tài chính hoặc dùng vốn nhà nước để đầu tư tài chính thay vì đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Hóa ra, nước Mỹ 80 năm trước cũng vậy:
“thay vì sản xuất hàng hóa và phải đối mặt với những bất tiện và vấn đề đau đầu nhức óc, họ sẽ chuyển sang đầu cơ tài chính. Ngày càng nhiều công ty bắt đầu cho Phố Wall vay vốn thặng dư.”
Trong cơn say chứng khoán của hai năm trước, rất nhiều nhà đầu tư ngây thơ đã mua cổ phiếu OTC của những công ty con do các tập đoàn nhà nước mới thành lập. Chưa có thống kê chính thức, nhưng không ít trong số đó thành lập với mục tiêu chỉ là tận dụng cơn cuồng của thị trường để bán cổ phiếu. Giờ đây, vẫn còn nhiều người đang khóc dở mếu dở bởi không bán được cho ai những cổ phiếu hay chính xác hơn là mớ giấy vụn đó. Hoá ra, nước Mỹ cũng đã từng như thế.
“Có một thực tế không tránh khỏi là nhiều người sáng lập ra các công ty mới chỉ vì mục đích tranh thủ sự quan tâm của công chúng đối với những ngành công nghiệp nhiều hứa hẹn để huy động vốn và phát hành cổ phiếu.”
Bối cảnh đầy lạc quan và hi vọng trước cú sụt năm 1929 đã ru ngủ đa số người Mỹ. Không ai tin chứng khoán lại có thể sụp giữa những tháng ngày huy hoàng đó. Galbraith gọi đó là “niềm tin tự biện”, thứ niềm tin không dựa trên những chứng cứ thuyết phục mà chỉ dựa vào một cái cớ duy nhất: giá của ngày hôm sau chắc sẽ cao hơn ngày hôm trước.

4.

Nhưng rồi cái gì đến cũng phải đến.
“Những ảo ảnh càng lung linh bao nhiêu thì nỗi đau khi tỉnh mộng sẽ càng đau đớn bấy nhiêu. Sự thịnh vượng của Kỷ nguyên mới sẽ đến lúc phải tiêu tan, trong đám tang của nó, những khó khăn bù trừ sẽ đến gõ cửa.”
Cuối năm 1929, thị trường sụt giảm một cách thê thảm và trở thành một “cống thoát nước”, các nhà đầu tư điên cuồng bán tháo. Phố Wall chìm trong hoảng loạn. Cuộc chơi tài chính bỗng lộ nguyên hình là một cuộc chơi thao túng. Bao nhiêu những phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật, chỉ số, thuật ngữ, mô hình, dự đoán đều đổ sụp trước sự phũ phàng, trần trụi và đỏng đảnh của thị trường. Galbraith đi đến một kết luận có phần quá cay đắng:
“Phố Wall cũng giống như một người phụ nữ xinh đẹp và thành đạt, phải đi tất cotton đen, đồ lót bằng lông dầy cộm và khoa trương kiến thức nội trợ của mình, bởi vì, thật đáng buồn, tài năng tuyệt đỉnh của cô ta là làm gái điếm.”
Nhưng chưa hết, sự sụp đổ của thị trường tài chính đã lan sang nền kinh tế thực và tạo ra một cuộc đại suy thoái chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế cho tới tận ngày hôm nay. Cuộc đại suy thoái kéo dài 4 năm từ 1929 đến 1933 đó đã tạo ra sự thất nghiệp, phá sản và khốn khó cùng cực cho người Mỹ. Người Mỹ đã hiểu: “chính trên thị trường chứng khoán, người ta không chỉ đánh bạc với số tiền mình có mà còn đánh bạc cả với sự thịnh vượng của một quốc gia.”
5.
Năm ấy, mùa thu năm 1929, Sàn Giao dịch Chứng khoán New York bước sang tuổi 112. Từ khi thành lập cho tới năm 1929 và từ 1929 cho tới nay, nước Mỹ đã trở thành “lão làng” với quá nhiều trải nghiệm về những thăng trầm của chứng khoán. Người ta đã ví chứng khoán như những lâu đài cát, cứ xây lên cao cao mãi rồi nhiều khi chỉ một đợt sóng nhẹ cũng khiến cả toà lâu đài đổ ụp nhanh chóng.
Mô tả lại cuộc đại sụp đổ năm 1929, Galbraith đã không tiếc lời phê phán tính bất ổn và tiêu cực của thị trường. Dẫu vậy, thị trường tài chính chắc chắn có những mặt tích cực và đóng góp quan trọng, làm cơ sở tồn tại của nó cho tới ngày nay.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ là cậu bé lên chín lên mười, sẽ còn nhiều lần vấp ngã và suy sụp. Nhưng việc xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh để các doanh nghiệp triển vọng huy động vốn vẫn là cần thiết. Sẽ có những lâu đài sụp xuống để rồi lại được xây lên.