Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Miền đất được “vẽ” bằng phun trào núi lửa







Những thành phố được xây trên nền và dưới lòng đất đá và tro bụi núi lửa phun trào từ ít nhất 2 triệu năm về trước. Sự độc đáo ấy nằm ở một khu vực địa chất kỳ thú có tên Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.


Cappadocia không phải là một thành phố, chính xác đó là một vùng lãnh thổ nằm giữa các thành phố ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ như Aksasay, Nigde, Nevsehir và Keyseri. Vùng lãnh thổ có cái tên lịch sử Cappadicia ấy luôn là điểm đến ưu tiên của mọi tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bởi cấu tạo địa chất độc nhất vô nhị làm sững sờ mọi khách thăm.

Thành phố trên đá núi lửa


Đi vào Cappadocia là bạn đang đi trên một tầng đất đá, dung nham, tro bụi và cặn núi lửa còn sót lại từ hàng triệu năm về trước. Cấu tạo địa chất của kỳ quan thiên nhiên thế giới Cappadocia là kết quả của hai lực lượng tự nhiên đối nghịch. Lực lượng thứ nhất là những đợt phun trào của núi lửa từ khoảng Kỷ thứ 3, tức cách thời điểm chúng ta đang sống từ 50 tới 2 triệu năm. Lực lượng thứ hai là sự xói mòn lãnh thổ xảy ra sau khi các đợt phun trào của núi lửa đã kết thúc.

Núi lửa và xói mòn đã để lại một “bình nguyên” với những “cánh rừng” bạt ngàn. Không phải bình nguyên mang màu xanh hoa cỏ mà một bình nguyên vàng nhạt của đất đá núi lửa. Không phải một cánh rừng cây cối um tùm mà là một rừng của những cột đá hình tháp nhọn xếp lớp và trải dài mênh mông.

Lớp đất đá và dung nham phun trào từ núi lửa luôn mềm và dễ tạo hình hơn đất đá thông thường. Vì thế, ở Cappadocia, trong hàng ngàn năm qua, con người đã đẽo vào những đồi đá và cột đá để tạo thành nơi cư trú cho riêng mình. Những hốc nhà nhỏ xinh trong đá núi lửa là một đặc trưng lạ và hiếm của mảnh đất này.

Cao điểm nhất trong toàn bộ bình nguyên đá Cappadicia là Uchisar, hay còn được người dân ở đây gọi là Pháo đài. Đó là hai cột đá khổng lồ được viền quanh bởi những cột đá nhỏ hơn, trông giống một ngọn tháp. Người dân đã đào vào đá để cư trú trong ngọn tháp này suốt từ thời Byzantine cho tới thời Ottoman, tức khoảng 1500 năm. Họ tiếp tục sống như vậy và chỉ phải rời khỏi “ngôi nhà” của mình vài chục năm trước do đá bị xói mòn.

Cơ Đốc giáo trong lòng đá núi lửa


Thành phố cổ nhất của khu vực Cappadocia là Gorome, còn có tên là thành phố Macan trong quá khứ. Người bản địa sống trong những căn phòng được đào sâu trong núi đá và không gian thành phố được bao bọc bởi những lớp đá cao.

Điểm đặc biệt nhất của thành phố này là có rất nhiều nhà thờ trong hang đá, một cách để người bản địa theo đạo Thiên Chúa che giấu niềm tin của mình trước sự cấm đoán. Đa phần các nhà thờ ở Gorome đều nhỏ và chỉ có một phòng đơn, nhưng những bức họa về Đức Jerus và các điển tích Kinh thánh được vẽ trang trí cho thấy sự phát triển mạnh của Đạo Cơ Đốc ở khu vực này từ khoảng thế kỷ 7. Hiện chưa xác định rõ sự phát triển ấy kết thúc vào năm nào nhưng từ khoảng thế kỷ 11, rất ít nhà thờ mới được xây dựng. Với di sản địa chất, lịch sử và tôn giáo của mình, Gorome được gọi là “Bảo tàng mở ngoài trời” của Cappadocia.

Thung lũng của nấm bằng đá núi lửa

Nhưng di sản ngoài trời ấn tượng nhất ở Cappadocia phải là Thung lũng nấm. Cấu tạo nổi bật nhất ở đây là những hình nấm như trong cổ tích. Hàng loạt những cấu trúc nấm xếp liền nhau tạo thành những thung lũng nấm đẹp hùng vĩ.

Những hình nấm này chính là sản phẩm địa chất hình thành trong hàng triệu năm. Phun trào núi lửa đã tạo ra hàng loạt hình nón với đá tuff ở dưới và phủ bên trên là lớp đá magma bazan hoặc andesite. Lớp đá magma bazan có thể tạo thành những cột lớn hình nón hoặc tạo ra mỏm đá hình nón bên trên lớp đá tuff. Có những cột đá đội nón bazan cao tới 40 mét.

Theo thời gian, hiện tượng xói mòn bắt đầu làm mỏng đi lớp đá tuff mềm hơn phía dưới phần nón bazan cứng bên trên. Sự xói mòn này tạo ra những cột đá đội nón như những chiếc nấm tự nhiên độc đáo.

Thành phố ngầm dưới lòng đá núi lửa

Không chỉ đẽo đá trên mặt đất để cư trú, người Cappadocia còn đào xuống dưới lòng đất để tạo ra ra những thành phố ngầm, có khoảng 40 thành phố ngầm như thế liên thông với nhau.

Những thành phố ngầm này có 8 tới 9 tầng được đào sâu hơn 80 mét xuống lòng đất, chính xác hơn là được đào trên lớp đá tuff phun trào từ núi lửa. Những thành phố ngầm tạo ra một mê cung với hàng loạt những phòng ốc, đường đi hẹp và hệ thống dấn khí.

Các nhà sử học cho rằng người bản địa Cappadicia đã liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công và cướp bóc của người Ba Tư phương Đông và người Arập phương Nam từ thế kỷ thứ 7. Chính vì thế, họ đã phải xây những thành phố ngầm dưới đá núi lửa này để trú ẩn.

Thành phố ngầm Kaymakli mà chúng tôi tới thăm cách Nevsehir 20Km về phía Nam. Thành phố này dự tính được xây từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 trong thời gian bị người Ba Tư và Arập tấn công. Thành phố rộng tới 2,5 Km vuông với đầy đủ những phòng ở, nhà thờ, hầm mộ, kho chứa, nhà sản xuất rượu và phòng bếp.

Sự rộng lớn và kích thước đa dạng của các phòng ốc trong thành phố ngầm chứng tỏ nó đã là nơi trú ẩn của không ít người nhưng các nhà sử học vẫn khó xác định chính xác niên đại cũng như thành phần cư trú, bởi không hề có một hình vẽ nào trên các bức tường đá.

Lịch sử Cappadocia còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết, chỉ có một điều chắc chắn, lịch sử ấy đã được “vẽ” bởi những phun trào núi lửa. Chỉ điều ấy cũng đủ để mỗi năm 30 triệu lượt khách đổ về Thổ Nhĩ Kỳ không thể quên tới thăm Cappadocia.

Duy Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét