Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Đổi mới: Lòng thương dân mạnh hơn nỗi sợ


Đổi mới thành công khi những lãnh đạo ở cơ sở theo sát nhịp sống và mạnh dạn hành động vì dân.

Công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam những năm 1986 có điểm đặc biệt cơ bản so với một số quốc gia chuyển đổi khác. Đó là cuộc đổi mới “từ dưới lên” thay vì “từ trên xuống”.

Nhà nghiên cứu Trần Việt Phương trao đổi với VietNamNet: “Nhiều quốc gia việc phát triển từ dưới lên bị trấn áp nhưng ở Việt Nam thì không. Dần dần những người lãnh đạo cao nhất cũng nhận thức lại, khi từ dưới lên và từ trên xuống gặp nhau, lãnh đạo đóng dấu đỏ cho phép những sáng kiến của cơ sở. Đó là sự hình thành của chính sách đổi mới.”

Những sáng kiến của cơ sở và cả sự hậu thuẫn của những người lãnh đạo cao nhất cho những sáng kiến đó đều là những quyết định “phá rào” dũng cảm, khi “hàng rào” chính là luật pháp của nhà nước, quy định của chính phủ và cả những húy kỵ thiêng liêng của CNXH.

Nhiều trường hợp, đa số các cấp đều nhận thấy sự bất hợp lý trong cơ chế quản lý kinh tế nhưng vì “sợ” “nguyên tắc” nên không ai dám khởi đầu. Tác giả Đặng Phong viết trong cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi Mới”: “Thực ra thì lòng vả cũng như lòng sung. Nhưng cả huyện lẫn thành phố đều….: Sợ cấp trên. Thế là cả nước ở trong tình trạng vừa đói vừa sợ: xã sợ huyện, huyện sợ tỉnh thành, tỉnh thành sợ TW, TW thì sợ nguyên tắc và cũng sợ lẫn nhau.”

Những người đã vượt qua nỗi sợ hãi ấy chính là những người “anh hùng” của công cuộc “Đổi mới”. Tác giả Đặng Phong đã kể lại nhiều anh hùng vậy trong cuốn sách của ông.


“Sợ thì mặc bà con nông dân chết đói à?”


Tấm gương tiêu biểu được biết tới nhiều nhất chính là “ông khoán hộ”, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Sinh năm 1917 trong một gia đình nông dân nghèo ở Vĩnh Phúc, đến năm 1958, quay trở lại làm Bí thư tỉnh ủy ở chính quê hương mình, vì thế, ông thấu hiểu hoàn cảnh nông thôn Vĩnh Phúc.

Càng thấu hiểu, Kim Ngọc càng thấy bức xúc trước năng suất lao động quá thấp của mô hình hợp tác hóa nông nghiệp. Chính trong một lần xuống ruộng gặt cùng bà con như thế, ông Kim Ngọc đã nghe Chủ nhiệm HTX của thôn Đại Phúc kiến nghị: “Phải khoán cho người lao động thì họ mới làm tốt được”

Kim Ngọc chợt nhận ra ánh sáng ở cuối đường hầm, ông hỏi dồn vị chủ nhiệm: “Ông có dám làm thế không?” Khi vị chủ nhiệm còn ngập ngừng thì ông đã nói: “Ông sợ là phải, nhưng nếu tôi sợ, ông sợ, mọi người đều sợ thì cứ để mặc cho bà con nông dân chết đói à?”

Quyết định 69 của Tỉnh Vĩnh Phúc cho phép Khoán nông nghiệp do Kim Ngọc khởi xướng năm 1966 đã khiến ông Bí thư bị mang tiếng là mất lập trường giai cấp, đi theo CNTB. Nhưng quyết định công khai thách thức “phép Vua” ấy của ông sau này đã được lịch sử ghi nhận là đột phá sáng tạo đầu tiên của quá trình đổi mới nông nghiệp.

Một nhà lãnh đạo khác đã đi tiên phong trong mặt trận phá rào là Bí thư tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính. Thời bao cấp, việc ấn định giá nhà nước đã gây biết bao khó khăn cho các hoạt động kinh tế. An Giang không phải là ngoại lệ, giá cả không vận động theo quy luật cung cầu đã khiến cho tỉnh chìm sâu vào khủng hoảng cuối những năm 1970.

Ông Nguyễn Văn Chính đã làm chuyện tày trời khi năm 1977, phá bỏ cơ chế giá áp đặt của nhà nước và áp dụng giá thỏa thuận theo thị trường. Ngày đó, giá cả không chỉ là chuyện kinh tế mà còn là “lập trường”, là “tính Đảng”, vì thế, có người đã hỏi ông Chính rằng ông có biết sợ không khi làm những chuyện liều lĩnh như vậy.

Vị Bí thư tỉnh ủy ấy đã trả lời: “Có chứ, tôi không to gan như các anh tưởng đâu. Tôi sợ lắm chứ. Nhưng trong nhiều cái đáng sợ, tôi sợ nhất là nếu cứ để cho tiếp tục khủng hoảng như thế này thì dân chết, mà Đảng cũng chết. Tôi sợ cái đó nhất, nên tôi phải nghĩ ra cách tránh.”

Sau này, “lệ Làng” bãi bỏ giá bao cấp và tem phiếu ở Long An đã trở thành cơ sở thực tiễn để TW tổng kết và tiến tới việc bỏ hoàn toàn cơ chế quan liêu đó.

“…chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi chị…”

Đổi mới đã thành công không chỉ nhờ bản lĩnh của những lãnh đạo cấp cơ sở mà còn bởi những người lãnh đạo cấp cao nhất cũng mạnh dạn “bật đèn xanh”, bảo lãnh cho những phát kiến hợp lý dù chưa hợp pháp ấy.

Người lãnh đạo tiêu biểu nhất cho việc đỡ đầu mọi nỗ lực đổi mới là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Một câu chuyện điển hình là vào năm 1979, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở làm sao có đủ gạo ăn cho người dân TP Hồ Chí Minh. Cơ chế khi ấy rất cứng nhắc: Bộ Lương thực có trách nhiệm cung cấp gạo cho thành phố nhưng chưa bao giờ cung cấp đủ và kịp thời. Sở Lương thực thì không được phép mua với giá thị trường. Dân đồng bằng sông Cửu Long thì không chịu bán với giá nghĩa vụ. Thành phố có tiền để mua với giá thỏa thuận thì không được mua.

Ông Võ Văn Kiệt khi ấy là Bí thư thành ủy đã triệu tập cuộc họp tại nhà riêng để tìm cách tháo gỡ. Giải pháp được đưa ra là Thành phố xuất tiền cho cá nhân bà Ba Thi (khi ấy là phó Giám đốc Sở Lương thực), xuống các tỉnh mua gạo với giá thỏa thuận. Bà Ba Thi khác gì tư thương nên người ta gọi đùa Tổ mua gạo tư của bà là “Tổ buôn lậu gạo”.

Bà Ba Thi nói với Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt: “Làm cách này thì chúng tôi làm được nhưng nếu TW biết là đi tù đó.” Ông Sáu Dân vừa cười vừa nói: “Nếu do việc này mà anh chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi chị…”

Chủ trương khoán nông nghiệp cũng là ý tưởng được nhiều lãnh đạo cao nhất hậu thuẫn. Cho dù việc khoán ở Vĩnh Phúc năm 1966 của Kim Ngọc bị phê phán nhưng sau đó, thí điểm khoán ở Hải Phòng từ năm 1977 lại được hậu thuẫn. Từ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với lời khuyên: “Các đồng chí cứ mạnh dạn tìm tòi. Tìm tòi thì có thể sai. Có sai thì sửa…” tới lời thúc giục của cố Tổng bí thư Lê Duẩn: “Tôi đồng ý! Làm ngay! Làm ngay! Không phải hỏi ai nữa! Cứ làm ngay đi.”

Người ủng hộ khoán với những lời lẽ mạnh mẽ nhất chính là Ủy viên Bộ Chính Trị Võ Chí Công, ông khảng khái: “Khoán là đúng quá rồi! Các đồng chí đừng sợ chi hết. Nếu khoán có làm cho trời sập thì tôi cũng sẽ xin chịu trách nhiệm cùng các đồng chí…”

Không có những người lãnh đạo dám cùng chịu trách nhiệm và bảo vệ cho cấp dưới như thế, làm sao mô hình khoán ở xã Kiến An nhỏ bé có thể lan tới huyện Đồ Sơn, tới khắp thành phố Hải Phòng rồi tỏa ra nữa trên khắp đất nước Việt Nam.

Đổi mới và điều luyến tiếc

Lịch sử công bằng, đã trả lại đúng công lao và vinh danh những con người thực sự thương dân, đã dũng cảm và sẵn sàng trả giá để mang lại ấm no cho dân.

“Thương dân thì dân thương lại”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói vậy và lịch sử đã diễn ra đúng như vậy. Tác giả Đặng Phong đã viết những hình ảnh thật cảm động về tình thương của dân dành cho những người anh hùng đổi mới:

“Hôm tiễn Kim Ngọc từ văn phòng tỉnh ủy về nhà riêng (để nghỉ hưu), có rất đông nông dân trong tỉnh. Không ít người trong số họ vừa đi vừa kéo vạt áo lau nước mắt…”

“Có lần bà Ba Thi làm việc vất vả quá bị bệnh, phải vào nằm viện. Thật là kỳ lạ, nhân dân cả Thành phố đồn đại, họ biết tin bà nằm viện, họ tới thăm đông lắm. Đó chỉ là những người mua gạo, nhưng họ cảm tấm lòng của bà, họ đem quà bánh tới, săn sóc bà, có người đến ngồi bên giường bóp chân bóp tay cho bà…”

Quá trình Đổi mới và lịch sử Việt Nam mãi mãi ghi dấu hình ảnh của họ, những người lãnh đạo ở cơ sở mạnh dạn “phá rào”, những người lãnh đạo cao nhất dám tự nhận thức lại để gỡ đi “hàng rào” cũ và cả đội ngũ những những nhà tư vấn dám nói thẳng, nói thật.

Họ cùng với nhân dân Việt Nam đã làm nên cuộc Đổi mới hơn 25 năm trước. Điều luyến tiếc đọng lại là: giá như có thêm nhiều hơn nữa những con người như họ thì cuộc Đổi mới đã có thể diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn và sớm hơn…

Đó cũng là tâm sự của nhà nghiên cứu Trần Việt Phương với VietNamNet: “Hóa ra cái mới bao giờ cũng có độ trễ, bao giờ cũng phải sau một thời gian mới phát huy được tác dụng. Ở đâu cũng có độ trễ thôi nhưng ở ta lâu quá, thời gian tranh tối tranh sáng lâu quá, cái mới ló dần dần ra rồi mãi mới hình thành.”

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét