Chủ tịch UNND tỉnh Đồng Tháp đã thừa nhận những sai phạm trong việc hàng chục ngàn ha đất do người dân khai mở đã bị thu hồi cho người thân của lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện thuê làm ao nuôi cá với giá ưu đãi. Một trong số người thân ấy là vợ ông.Chưa tới hừng đông, người đàn ông ấy đã dậy thật sớm và bật máy tính của mình lên. Ông viết vài dòng bình luận cuối cùng về vụ scandal tham nhũng liên quan tới vợ con đã hủy hoại danh tiếng chính trị của mình.
Một giờ ba mươi phút sau, ông bước ra khỏi nhà và như thường lệ, trèo lên ngọn đồi nhỏ quen thuộc. Mặt trời đã nhú phía xa xa nhưng bị che mờ bởi một bầu trời giăng kín mây mù. Từ đỉnh đồi, nhà chính trị đưa mắt nhìn quê hương miền Nam thân yêu lần cuối rồi gieo mình xuống vực thẳm bên dưới…
Ông chết ngay khi được đưa vào bệnh viện vì chấn thương sọ não…
Người ta bật máy tính của ông lên và đọc được những dòng cuối cùng ông nhắn nhủ lại vợ con và nhân dân thế này:
“Đừng quá buồn, cuộc sống và cái chết là một phần của tự nhiên. Đừng hối tiếc. Cũng đừng đổ lỗi cho ai cả. Hãy chấp nhận nó như định mệnh.”
Trước đó, ông còn nói thế này nữa: “Tôi không thể nhìn thẳng vào mặt các bạn vì nhục nhã. Tôi xin lỗi vì đã làm người dân thất vọng.”
Quê hương miền Nam ấy là Bongha, Hàn Quốc và người đàn ông ấy là cựu tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun.
Cái chết của ông Roh vào tháng 5 vừa rồi đã khiến hàng triệu người Hàn Quốc rơi nước mắt và trong đám tang ông, người ta thấy hàng chục ngàn người lẽo đẽo đi theo chiếc xe tang kết đầy hoa trắng…
Xung đột lợi íchÔng Roh đã bị cáo buộc “nhận hối lộ” 6 triệu đôla từ một nhà sản xuất giầy. Doanh nghiệp này đã đưa khoản hối lộ cho vợ, con và anh vợ ông.
Câu chuyện của Roh không mới ở Hàn Quốc nói riêng và Châu Á nói chung. Chuyện nói nôm na như các cụ ta là “một người làm quan, cả họ được nhờ”, còn nói học thuật kiểu phương Tây một chút là “xung đột lợi ích”, sự nhập nhằng giữa công lợi và tư lợi.
Mô hình khá phổ biến cho “xung đột lợi ích” ở Châu Á là chồng “xung phong” nơi tiền tuyến chính trị, vợ và các con an tâm làm kinh tế ở hậu phương. Hậu phương và tiền tuyến hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Một tấm gương điển hình ở Châu Á là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ông này khi làm chính trị đã “buông hết” công ty, tài sản cho vợ con quản lý. Thậm chí khi phải kê khai tài sản thật, vợ con ông này còn tìm cách đẩy hết số tài sản ấy cho người coi nhà, giúp việc, lái xe, vệ sỹ… đứng tên. Hai trong số những người giúp việc trong nhà Thaksin đã từng nằm trong Top 10 người nắm giữ cổ phiếu nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Thái Lan.
Năm 2006, Thaksin đã bị lật đổ do những cáo buộc dùng quyền lực chính trị làm giàu cho Tập đoàn Shin do vợ con ông quản lý, đỉnh điểm là vụ bán cả tập đoàn viễn thông ấy cho Singapore mà không đóng thuế.
Ngay cả ở phương Tây cũng không tránh hết chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Gần đây nhất là vụ chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfovitz từ chức vào năm 2007 do bê bối quanh chuyện “dàn xếp nâng lương cho người yêu (cũng là nhân viên Ngân hàng Thế giới)”
Ông Thaksin từ trước khi làm thủ tướng đã có câu nói nổi tiếng về chuyện “xung đột lợi ích”: “trên đất nước Thái Lan, kinh doanh và chính trị quan hệ khăng khít với nhau như hai anh em sinh đôi vậy.” Không chỉ Thái Lan, bất cứ nơi nào thiếu pháp quyền và phân lập đều là mảnh đất mầu mỡ cho “xung đột lợi ích”.
Phản ứng và nhận thứcBản chất xung đột lợi ích ở mọi nơi là giống nhau, duy chỉ có điều, phản ứng của những chính trị gia bị phanh phui có “tư túi” từ “túi công” thì lại khác nhau. Sự khác đó cũng phản ánh mức độ tiến hóa của xã hội.
Ở Mỹ, ông Paul Wolfovitz ngay lập tức “từ chức” để bảo vệ uy tín của Ngân hàng thế giới cũng như chính mình, dù vi phạm của ông chỉ đơn giản là nâng lương cho cô bạn gái người Anh, gốc Lybia.
Ở Hàn Quốc, ông Roh Moo-hyun đã chọn cái chết để bảo toàn danh dự cá nhân. Là một chính trị gia từng nổi tiếng chống “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, từng ném thẳng cả một cái bảng tên vào tổng thống tham nhũng Chun Doo-hwan giữa Quốc hội Hàn Quốc vào thập niên 80, Roh đã dùng chính mạng sống của bản thân để giữ hình ảnh “một chính trị gia trong sạch” trong lòng công chúng.
Ở Thái Lan, ông Thaksin lại hỏi ngược dân chúng và những người cáo buộc rằng liệu họ cần một chính trị gia trong sáng như thiên thần nhưng không làm được tích sự gì hay cần một CEO thực sự biết cách điều hành đất nước tới hạnh phúc và giàu mạnh. Dù Thaksin bị tố cáo tham nhũng, một bộ phận khá lớn tầng lớp nhân dân vẫn “tôn thờ” ông và lịch sử đã chứng minh giai đoạn Thaksin nắm quyền là thời kỳ bình ổn và thịnh vượng hơn cả trong lịch sử Thái Lan.
Còn ở Việt Nam, sau cáo buộc “xung đột lợi ích” vừa rồi, ông Trương Ngọc Hân, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã “thẳng thắn nhìn nhận là có vi phạm trong việc quản lý thu hồi, cho thuê đất bãi bồi ở Châu Thành… trong đó có vợ tôi là bà Trần Ngọc Ánh, em phó chủ tịch Võ Trọng Nghĩa, vợ Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Minh Đoàn.”
Tuy vậy, ông lại cho rằng nguyên nhân của những vụ việc sai phạm vừa rồi “chủ yếu do nhận thức thiếu sót” và đã “nghiêm túc kiểm điểm”.
Xung đột lợi ích không bắt đầu từ vấn đề “nhận thức”. Nhưng “nhận thức” nên là điểm kết thúc của nó, như cựu tổng thống Hàn Quốc đã “nhận thức” ra ở những thời khắc cuối cùng của cuộc đời mình.
“Tôi không còn đại diện cho những giá trị mà tôi hằng đeo đuổi. Tôi không đủ tư cách để nói về những điều như dân chủ, tiến bộ và công bằng.”
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét