Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân




1.

“Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng” là cuốn sách mới nhất của thầy Nhất Hạnh. Cuốn sách là lời bình giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh về bài kinh “Con sư tử vàng” của thầy Pháp Tạng, một trong những sư tổ của Hoa Nghiêm Tông (tông phái nổi bật trong lịch sử Phật Giáo).

Thầy Pháp Tạng sống ở Trung Quốc vào thế kỷ 7, thời hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Nữ hoàng đương thời rất thích nghe thầy giảng. Một hôm, bà mời thầy vào cung. Thầy Pháp Tạng bằng trí tuệ tuyệt vời đã cầm một con sư tử vàng trong cung cấm, coi nó như ví dụ để diễn giải cho Võ Tắc Thiên nghe về toàn bộ giáo lý nhà Phật theo trường phái Hoa Nghiêm.

Lần giở hết cuốn sách này, tôi lại không nghĩ nhiều đến Con sư tử vàng của thầy Pháp Tạng, lại nghĩ về câu chuyện cặp nhẫn cưới vàng của tha nhân.

2.

Có cặp vợ chồng nọ rất giàu có, khi cưới nhau, họ đặt mua hẳn một đôi nhẫn cưới vàng đính kim cương “xịn” rất đắt tiền từ Châu Âu. Đeo một thời gian, thấy đôi nhẫn đẹp quá mà đeo thì phí, cô vợ “trưng bày” đôi nhẫn ấy trong chiếc tủ kính ở phòng ngủ.

Đứa giúp việc một hôm nảy sinh lòng tham lấy cặp nhẫn ấy đem bán rồi bỏ về quê. Anh chồng biết nhẫn mất, tiếc cặp nhẫn kỷ niệm hôn nhân, tát cô vợ vì đã để “hớ hênh” dẫn đến mất kỷ vật. Hình tượng người chồng bỗng sụp đổ trong lòng cô vợ.

Nhẫn mất, tình yêu cũng mất dần. Vài năm sau, họ chia tay…

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân có phải chỉ tại cặp nhẫn vàng?

Giáo lý Hoa Nghiêm dạy ta rằng không phải thế.

Đứa giúp việc chỉ nhìn thấy “vàng” ở cặp nhẫn, vàng ở đây là thứ kim loại quý, thứ tài sản bán được nhiều tiền. Cô vợ chỉ nhìn thấy “nhẫn” ở cặp nhẫn, nó là thứ trang sức nghệ thuật đẹp lộng lẫy từ Âu Châu nên phải “trưng bày”. Anh chồng lại chỉ nhìn thấy “cưới” ở cặp nhẫn, đó là kỷ niệm của một tình yêu. Chỉ một cặp nhẫn cưới vàng mà 3 cá nhân ấy nhìn nhận theo 3 cách hoàn toàn khác nhau.

Do nhìn nhận khác nhau mà đứa giúp việc sinh tâm tham ăn cắp nhẫn, cô vợ sinh tâm ái trưng bày nhẫn, anh chồng sinh tâm giận tát vợ. Mâu thuẫn dẫn tới đổ vỡ nẩy sinh từ những hình tượng khác nhau về cặp nhẫn cưới mà mỗi cá nhân đã tự tạo tác trong họ.

Lỗi không phải tại cặp nhẫn cưới vàng, lỗi tại cách mỗi con người nhìn nhận nó. Con mắt chỉ nhìn thấy những gì mà trái tim và cái tâm muốn thấy.

Con người đã chỉ nhìn thấy thế giới hiện tượng, “vàng”, “nhẫn” và “cưới” đều là thế giới hiện tượng hư ảo nẩy sinh trong tâm ý, trong khi bản chất thật của cặp nhẫn cưới vàng ấy đơn giản chỉ là sự kết hợp của những phân tử vàng, Au. Những phân tử Au “hồn nhiên” ấy nào có tội tình gì.

Con người đã tham lam, sân hận, si mê vào một thế giới hiện tượng ảo. Thầy Nhất Hạnh nhiều lần dùng ví dụ xem phim để người đọc thấy sự vô lý trong việc tự huyễn mình vào những biểu tượng không có thật.

“Khi nhìn những hình ảnh trên màn ảnh, dù biết chúng là ảo mà ta vẫn khóc, vẫn buồn, vẫn giận như thường. Đó gọi là vọng tình. Khi yêu hay ghét ai cũng vậy, ta tạo ra một hình ảnh rồi ta yêu, ghét hay giận chính hình ảnh đó.” Đó là “tâm ý sai lầm của ta. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ không còn bị những cái giả lừa gạt nữa.”

3.

Giáo lý Hoa Nghiêm không dừng lại ở việc giải thích tâm ý như trong câu chuyện nói trên. Hoa Nghiêm là một hệ tư tưởng triết học vẹn tròn trên cả ba cấp độ: tâm lý cá nhân, bản chất thực thể và lý giải vũ trụ. Những phát hiện mới của khoa học trong lĩnh vực lượng tử và vụ trụ có những điểm trùng hợp kỳ lạ với những phát hiện bằng trực giác của các tổ sư Hoa Nghiêm tông.

Thầy Pháp Tạng là sư tổ lỗi lạc nhất đã hệ thống hóa giáo lý này, “Con sư tử vàng” là bài kinh ngắn nhưng diễn giải đầy đủ những điểm cốt yếu của Hoa Nghiêm. Chính vì thế, dù đã được thầy Nhất Hạnh lý giải cặn kẽ bằng nhiều ví dụ thực tiễn, cuốn sách vẫn trừu tượng và có nhiều thuật ngữ không dễ hiểu với nhiều người.

Tuy vậy, đọc lại một vài lần với sự kiên tâm, cuốn sách trở nên dễ hiểu. Sách dậy: “Đi tìm Niết bàn ở đâu? Tìm ngay trong Sinh tử.” Vậy có lẽ: Đi tìm sự dễ hiểu, đơn giản và minh triết ở đâu? Phải tìm ngay trong sự khó hiểu đó.

Khánh Duy

1 nhận xét:

  1. Tiêu đề blog của bác hay nhỉ. Thinker.
    Em cũng hay xem thầy Thích Nhất Hạnh diễn thuyết. Nhà em có người đi tu từ nhỏ. Nên cũng khá hiểu về cuộc sống trong chùa. Hêhê

    Trả lờiXóa