Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Angkor, miền lý tưởng xa vời


Từ điêu tàn tới điêu tàn

Những căn nhà sàn lợp lá xơ xác, những cây thốt nốt trơ trọi giữa cái nắng thiêu đốt mùa hè, những đồng ruộng khô cạn không bóng người cày cấy, vùng nông thôn Campuchia sau 30 năm diệt chủng vẫn đói nghèo như thế.

Xuôi quốc lộ 6 trên con đường từ cửa khẩu Mộc Bài tới Siem Riep, không thấy bóng dáng của sức sống con người. Biết là Campuchia nghèo, nhưng tôi cũng không ngờ là nghèo đến vậy. Đi trên những con đường nông thôn Việt Nam, còn thấy nhà mái bằng, cửa hàng tạp hóa, đồng ruộng xanh tươi thấp thoáng bóng người chăm bón. Đi suốt dọc theo quốc lộ của Campuchia, hi hữa mới thấy một căn nhà mái bằng, đa số là nhà lá, phần còn lại là những căn nhà ốp ván tạm bợ.

Qua những thị trấn ở Kongpong Thom, Kongpong Cham, khung cảnh bớt tiêu điều hơn nhưng nơi đâu cũng thấy bóng ma diệt chủng dường như vẫn còn ám ảnh đâu đây. Những con đường, thị trấn chẳng biết tên gọi là gì, chỉ thấy người ta gọi nó bằng những cái tên như Đại lộ Kinh hoàng, Thị trấn ma. 30 năm trước, nơi đây có những căn nhà 15 người không một ai còn sống sót bởi một chế độ vô nhân tính. 30 năm sau, vẻ ngơ ngác và khổ cực vẫn hằn lên trên từng khuôn mặt Campuchia đen đúa.

Điêu tàn, đó có lẽ là từ cô đọng hơn cả để nói về vùng nông thôn Campuchia. Điểm nhấn có lẽ chỉ là những đoàn xe du lịch sang trọng hàng ngày vẫn chạy về Siem Riep chỉ để thăm quan một nơi điêu tàn khác: khu quần thể Ankor nổi tiếng, kỳ quan thiên nhiên thế giới năm 1992 theo bình chọn của Liên Hợp Quốc.

Angkor là một quần thể những đền đài một thời là trung tâm của đế chế hùng mạnh Khmer. Điêu tàn có lẽ cũng là từ hợp lý khi nhìn cận cảnh những phế tích còn tồn tại trên mảnh đất này. Nhưng đó lại là cái điêu tàn đáng xem, khác với cái điêu tàn của những cánh đồng trơ trụi chỉ có nhà lá và cây thốt nốt.


Một lịch sử bị lãng quên


Là kinh đô của đế chế Khmer thịnh trị suốt từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, Angkor một thời đã từng là trung tâm quyền lực và tôn giáo của cả một vùng đất rộng lớn gồm cả Campuchia, Lào, Miễn Điện, Thái Lan và một phần của miền nam Việt Nam bây giờ. Những cung điện, đền đài trong hai khu chính của Angkor là Angkor Wat (Kinh đô chùa) và Angkor Thom (Kinh đô lớn) được xây dựng hoàn toàn bằng những phiến đá ghép lại với nhau. Xưa kia, nơi đây chắc chắn đã từng một thời tráng lệ và linh thiêng. Như giáo sĩ người Bồ Đào Nha Diogo Do Couto viết trong chuyến viếng thăm Angkor năm 1686: “Đây là một công trình ngoại hạng đến nỗi không diễn tả nổi bằng ngòi viết, một kiến trúc không giống kiến trúc nào khác trên thế giới. Angkor có những tháp, kiến trúc trang trí và tất cả những cái tinh tuý nhất mà thiên tài con người có thể nghĩ ra được.”

Vào năm 1431, vương quốc Ayutthaya của người Thái đánh bại đế chế Khmer. Đế chế hùng mạnh một thời đi vào quên lãng và khu quần thể Angkor cũng bị lãng quên hoàn toàn trong rừng sâu ít người qua lại. Mãi tới năm 1858, nhà thực vật học và thám hiểm người Pháp Henri Mouhot đã khám phá lại khu di tích Angkor u tịch, chìm đắm trong rừng rậm từ bao thế kỷ. Từ trên đỉnh núi Bakheng, ông nhìn xuống Angkor và xúc động viết những dòng sau trong cuốn nhật ký của mình: “Tất cả vùng này giờ đây vắng lặng và cô quạnh, trước kia chắc hẳn nhộn nhịp và vui vẻ lắm, nay chỉ còn tiếng hú của các loài thú dữ và tiếng chim kếu giữa im lặng cô đơn…”

Angkor không còn im lặng cô đơn như xưa nữa bởi giờ đây, hơn 2 triệu lượt khách đổ về vùng này mỗi năm và con số cứ mỗi ngày một tăng chóng mặt. Angkor giờ nhộn nhịp những bước chân người như thời còn hưng thịnh. Duy chỉ có điều, những khu đền đài của Angkor ngày nay không còn gì thánh thiêng như chắc nó đã từng thời ấy, không chỉ bởi tất cả đã cũ kỹ và đổ nát theo tháng năm…

Angkor Wat – Gương mặt thánh thiêng đã mất

Angkor của ngày xưa là miền đất thánh của hai tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Những chứng tích tôn giáo hiển hiện trên toàn bộ khu di tích rộng lớn cũng như trên từng nét chạm khắc nhỏ nhất của Angkor.

Toàn bộ khu đền Angkor Wat được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 12 dưới thời vua Suryavarman II. Khu quần thể rộng tới 200 hécta này được xây dựng để thờ thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Angkor Wat được mô phỏng theo đúng vũ trụ Meru của người Ấn Độ xưa. Hào nước rộng bao quanh khu đền biểu tượng cho những đại dương nhiệm màu bao quanh trái đất. Những hành lang đồng tâm liên tục bao quanh khu tháp trung tâm biểu tượng cho những dãy núi bao quanh đỉnh núi Meru, ngôi nhà của các Thánh Thần. Phải leo lên những cầu thang dốc tới 80 độ mới có thể vào được ngọn tháp trung tâm hàm ý: người thường phải nỗ lực hết mình mới giác ngộ để gặp được thần linh.

Ý tưởng kiến trúc tổng thể của Angkor Wat cũng như sự kỳ công thể hiện trên từng bức phù điêu của khu đền thể hiện rõ sự sùng bái Ấn giáo của vua Suryavarman II nói riêng cũng như của đế chế Khmer nói chung. Chắc hẳn nơi đây xưa kia đã từng chứng kiến những nghi lễ tôn giáo hoành tráng và linh thiêng. Nhưng giờ đây, người ta đổ về Angkor Wat chỉ để ngắm nhìn những phế tích chứ không phải để cảm nhận bầu không khí thánh thiêng tôn giáo ở mảnh đất này. Không thấy nơi nào để thờ tự, chỉ thi thoảng bắt gặp những bàn thờ tạm bợ đặt dưới những bức tượng cũ kỹ. Khách du lịch cũng chẳng mấy ai thắp hương ở những bàn thờ bày ra cho có lệ như vậy.

Tượng Phật trong khu Angkor Wat có kha khá nhưng đa số đều… mất đầu. Trong nhiều năm, những kẻ ăn cắp cổ vật đã chặt đầu cả thần Phật để bán cho những nhà buôn đồ cổ phương Tây. Những gì có thể bán lấy tiền thì đều bị vặt mất, từ đầu rắn thần Naga tới mặt nàng Aspara. Toàn thể khu Angkor khá tráng lệ khi nhìn từ xa nhưng lại gần mới thấy sự xác xơ của nó. Thời gian và cả con người nữa đã phá hủy gương mặt thánh thiêng của Angkor Wat.

Angkor Thom - Sự sống vô thường

Khu kinh đô Angkor Thom được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 12 dưới thời vua Jayavarman VII. Ông vua này sùng đạo Phật đến nỗi xây dựng ở trung tâm của nó một khu đền gọi là Bayon. Khu đền trông như một rừng đá này có 54 ngọn tháp lô nhô, mỗi ngọn tháp đều có 4 mặt Phật quay sang 4 hướng khác nhau với nụ cười trầm tư bí hiểm.

Kiến trúc tổng thể của Bayon được cho là mô tả hình ảnh kỳ diệu trong Phật thoại, khi Đức Phật biến hóa trên không trung thành hàng ngàn Đức Phật quay tròn lấp lánh. 256 gương mặt đá nhìn về 4 hướng khác nhau thể hiện ánh sáng nhiệm màu của Phật pháp soi tỏa bốn phương.

Cấu trúc kỳ lạ của Bayon và toàn thể Angkor Thom cho thấy Phật giáo đã thịnh trị ở Campuchia dưới thời Jayavarman VII, tức cuối thế kỷ 12. Những nghi lễ Phật giáo chắc chắn đã từng được tổ chức linh đình ở khu vực này ngày đó. Nhưng giờ đây, cũng như Angkor Wat, Angkor Thom và Bayon chỉ còn là những khối đá vô tri lạnh lẽo chứ không còn thấy tinh thần ấm áp của đạo Phật. Không khói hương, không thờ tự, không sư sãi… chỉ còn đó những khối đá kỳ vĩ được trạm khắc công phu nhưng đã móc meo và sứt sẹo qua hơn 800 năm lịch sử.

Đi vào Bayon, ngẩng đầu lên chỗ nào cũng chỉ thấy những mặt Phật mỉm cười, nhân từ nhưng khó hiểu. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó là nụ cười thấu biết của Đức Phật, nụ cười của người hiểu hết lẽ vô thường của sự sống. 256 gương mặt ấy đã đứng sừng sững như thế trong suốt hơn 800 năm để chứng khiến sự hưng thịnh và suy vọng của một đế chế, chứng kiến một trong những bi kịch diệt chủng dã man nhất trong lịch sử hiện đại.


Miền lý tưởng xa vời


Angkor là một di sản văn hóa, một kỳ quan may mắn còn lại giữa rừng sâu sau những biến động của gần một thiên niên kỷ. Những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo có thể tìm thấy ở Angkor những bằng chứng vô giá cho những công trình của họ. Khách du lịch đến Angkor để chiêm ngưỡng một vẻ đẹp kỳ lạ, không lung linh rực rỡ nhưng có cái gì đó rất hoài niệm, cổ xưa.

Angkor đẹp thật nhưng, có lẽ sai lầm nếu giờ đây người ta gọi mảnh đất này là thánh địa. Angkor của ngày xưa có thể là thánh địa nhưng bây giờ chắc chắn chỉ còn là phế tích. Lang thang trong khuôn viên mênh mông của Angkor, có đôi khi cũng bắt gặp một vài vị sư áo vàng. Nhưng có đổ vào Angkor 1000 vị sư áo vàng thì cũng không cứu nổi một thực tế rằng: Angkor đã không còn là đất thánh. Không có miền đất thánh nào lại toàn những tượng thánh mất đầu…

Angkor chính là hiện thân của Campuchia, nó như một tấm gương phản chiếu lịch sử Campuchia, phản chiếu toàn bộ những nghịch lý và khổ đau mà dân tộc này phải chịu. Đất nước tôn thờ Phật pháp từ bi đến nỗi không giết cá bằng cách đập đầu cũng chính là nơi hàng trăm ngàn người bị đập vào đầu bằng cuốc xẻng cho đến chết. Đất nước của hoa sen cũng lại chính là đất nước của đầu lâu.

Tha thẩn giữa không gian hoang sơ của Angkor dễ làm người ta nảy sinh hoài niệm về quá khứ. Từ những bức phù điêu còn lại trên các bức tường đá ở Angkor, có thể tưởng tượng lại những nghi lễ huyền hoặc năm xưa. Angkor trong trí tưởng tượng âý sẽ rất khác với Angkor trong hiện thực. Đến Angkor để chợt nhận ra sự bất lực của giáo lý trước sự đói khổ của con người, nhận ra miền lý tưởng vẫn còn ở nơi nào đó rất xa vời so với hiện thực ngày nay.


Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét