Người hâm mộ bóng đá ở Châu Âu luôn được sống trong không khí lễ hội vào mỗi cuối tuần trong khi đó cảm giác lễ hội hoàn toàn thiếu vắng trên các khán đài ở Việt Nam.
Theo lời mời của Nhà tài trợ vận chuyển cho CLB Manchester United: hãng hàng không Turkish Airlines, phóng viên VietNamNet đã trực tiếp đặt chân tới Old Trafford để xem Quỷ đỏ thi đấu và ghi lại những ấn tượng ở Nhà hát của những giấc mơ.1h chiều Chủ Nhật, ở thành phố Manchester, từng đoàn người lũ lượt kéo về Old Trafford. Không khí gần như một lễ hội. Ở thành phố bình yên với chỉ vẹn vẹn 500,000 dân sống ở trung tâm này, mỗi dịp cuối tuần khi MU thi đấu trên sân nhà lại là một dịp lễ hội.
50,000 cổ động viên mua vé theo mùa hòa với khoảng hơn 20,000 khách mua lẻ nườm nượp đổ về tất cả các cửa của sân Old Trafford. Ngay từ sáng, nhiều khách sạn, nhà hàng ở trung tâm Manchester đã náo nức và rộn ràng với những bóng áo đỏ khắp nơi. MU đã trở thành một thứ tôn giáo ở thành phố Manchester. Ở các thành phố khác Châu Âu, các tín đồ đi nhà thờ vào cuối tuần. Ở đây, người ta đi xem bóng đá. Với các MU fan, Sir Alex là thiên chúa còn các ngôi sao MU là các tông đồ.
Người Việt Nam không phải không đã từng có cảm giác náo nức như thế, đặc biệt mỗi khi được ra sân chứng kiến đội tuyển quốc gia thi đấu ở Seagames hay Tiger Cup. Chỉ có điều, không khí lễ hội ấy chỉ diễn ra mỗi năm một lần chứ không thường xuyên như với các cư dân Manchester. Không mấy người Việt náo nức chờ đợi một đội bóng ở cấp CLB của Việt Nam thi đấu mỗi dịp cuối tuần.
Đi tìm câu trả lời cho sự thiếu hào hứng ở giải quốc nội Việt Nam không khó và câu trả lời không hẳn do chất lượng chuyên môn của bóng đá Việt Nam ở mức thấp. Chuyên môn chỉ là một khía cạnh của bóng đá. Từ một khía cạnh mang tính bản chất hơn, bóng đá là một trò chơi nhiều bất ngờ mang lại sự hứng khởi cho người chơi và những người theo dõi. Cho dù có bị thương mại hóa đi bao nhiêu đi chăng nữa thì bản chất trò chơi vẫn còn đó. Ở Manchester trong suốt 100 năm qua, chưa bao giờ lý tưởng ấy bị nguội lạnh.
Ở trước sân Old Trafford, người ta cho dựng tượng Sir Matt Busby, một HLV huyền thoại thập niên 60,70 của MU. Sir Busby thường nói với các cầu thủ rằng: “Những gã trai làm trong các nhà máy luôn cảm thấy nhàm chán, họ cần sự hứng khởi vào mỗi dịp cuối tuần. Họ đến sân bóng là vì thế, vì muốn tìm thấy sự hứng khởi…”
Cho dù Manchester bây giờ không còn “những gã trai làm việc trong các nhà máy” bởi thành phố đã đi qua quá khứ công nghiệp hào hùng của mình, nhưng lối chơi cống hiến hết mình để mang lại sự hứng khởi cho người hâm mộ vẫn được tiếp nối bởi các thế hệ Quỷ Đỏ. Sir Bobby Charlton, một huyền thoại khác ở Old Trafford vẫn dặn dò các cầu thủ MU: “Chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự hứng khởi cho người hâm mộ. Đó là triết lý vẫn song hành cùng CLB cho tới ngày nay và mang lại danh tiếng cho MU trên toàn thế giới.”
Manchester United rất giỏi kinh doanh và kiếm bộn tiền từ thương hiệu của CLB, nhưng, thương mại hóa cao độ ngoài sân không làm Quỷ Đỏ đánh mất truyền thống “hứng khởi” trong sân đấu. Ngược lại, “hứng khởi” lại là nền tảng để CLB xây dựng thương hiệu hàng đầu trong suốt lịch sử hơn 100 năm qua ở Old Trafford.
Sự hứng khởi của một cuộc chơi chỉ có khi những người chơi vào cuộc với tâm thế cống hiến hết mình và quan trọng hơn nữa là trung thực. Chơi hết mình và trung thực nên mỗi trận đấu là một sự bất ngờ. MU có thể thắng hay thua nhưng sự bất ngờ thì luôn thắng.
Ở Việt Nam, khi nối đau bán độ ở nhiều trận đấu vẫn ám ảnh và sự trung thực với khán giả vẫn còn là dấu hỏi thì đòi hỏi người xem phải háo hức chờ đợi mỗi cuộc chơi và hứng khởi được theo dõi nó là không thể. Môi trường ấy đã khiến người hâm mộ Việt Nam tự đánh mất đi những ngày hội của mình vào mỗi dịp cuối tuần.
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét