Những mái tóc thiếu nữ bằng râu ngô, những tấm lưng trần thiếu nữ bằng áo ngô, mùn cưa. Những bầu trời màu trắng nhờ nhờ bằng lá gai, những thảm rừng hay cánh đồng hoa cải vàng rực bằng kén tằm… Đó là một số nét chấm phá trong rất nhiều sáng tạo của họa sỹ Tạ Ngọc Hải với chất liệu lá.Người lấy lá để ghép thành tranh rất ít nếu so với số lượng các họa sỹ vẽ bằng sơn dầu hay màu nước. Tuy vậy, một vài gallery vẫn bày bán những bức tranh lá màu sắc rực rỡ. Chỉ có điều, đó là tranh làm bằng những chiếc lá khô đã được nhuộm màu. Tạ Ngọc Hải đặc biệt bởi ông thuộc về thiểu số trong thiểu số, nếu không muốn khẳng định là người duy nhất ở Việt Nam, không bao giờ nhuộm lá.
“Có người khuyên dùng hóa chất giữ màu hay nhuộm lá đi cho ra màu đẹp. Tớ không chấp nhận , thiên nhiên cho cái gì thì giữ nguyên cái đó. Các nhà chuyên môn quan tâm đến hình họa, màu sắc, bố cục, mình quan tâm tới việc kiếm tìm chất liệu để đưa vào bức tranh.” Họa sỹ Tạ Hải tâm sự.
“Những sắc màu của lá”Con đường kiếm tìm chất liệu lá tự nhiên của Tạ Hải là một hành trình nghệ thuật đầy say mê và gian khổ. Hành trình nhen nhóm từ những năm 1965 khi ông còn đang trong quân ngũ và được thưởng 3 ngày phép về Hà Nội. Lang thang trên phố Tràng Tiền, Tạ Hải thấy họ ghép mảnh tre thành bức tranh Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm. Trở về, ông nảy ý định xé lá chuối khô trong vườn dán chơi cảnh Vịnh Hà Long bằng bún và cơm nguội trên mảnh bìa.
Bẵng đi 25 năm, đến năm 1990, khi công việc và gia đình đã ổn định, Tạ Hải mới bắt đầu nghĩ tới thú chơi vẽ tranh bằng lá ngày nào. Ông bắt đầu con đường lang thang đi nhặt lá về làm tranh… Với Tạ Hải, mỗi màu sắc tìm thấy qua một loại lá là một kỷ niệm hạnh phúc.
“Một hôm đi công tác nắng quá vào quán nghỉ chân, đang ngồi uống nước nhìn bà bán hàng tãi ngô ra, tớ thấy màu đen, màu nâu của râu ngô hay hay nên xin một nắm về thử dùng làm tranh. Hay có lần đi viết báo ở Vĩnh Linh, có cổng trào lá vàng rất đẹp, hỏi dân lá cây gì, dân bảo cây đung, họ dẫn ra ven bờ biển ngắt lá đung về để khô thành màu vàng rất đẹp.” Tạ Hải kể về những sắc màu của lá ông đã tìm thấy.
Tuy thế, không phải sắc màu nào cũng đa dạng và dễ tìm, có những màu đặc biệt khó tìm, nghịch lý khi đó lại là màu xanh vốn được coi là màu của lá. Khi những chiếc lá đã khô, chất diệp lục không còn nên rất khó giữ được màu xanh. Họa sỹ Tạ Hải phải mất hàng chục năm mới phát hiện ra ngay trong vườn nhà mình, có loại lá để khô trong râm mát vẫn giữ được màu xanh.
“Màu đỏ tớ cũng mất công tìm kiếm đúng 10 năm mới thấy. Một hôm mẹ ăn trầu, nhờ ra chợ Đồng Xuân mua cây vỏ. Tớ mới phát hiện ra vỏ ngoài cây vỏ có màu đỏ rất đẹp, để khô rồi vẫn màu đỏ.” Họa sỹ Tạ Hải tiếp tục kể về hành trình kiếm tìm màu sắc của mình.
Cuộc hành trình ấy của họa sỹ không phải bao giờ cũng thành công, có những sắc màu tưởng như đã tìm thấy rồi lại biến mất. Những chiếc lá xà cừ màu vàng hay lá bàng khô màu hổ phách ban đầu rất đẹp nhưng sau thời gian khô kiệt thành đen kịt không dùng được. Người ta đi Nga về ai cũng khuân hàng hóa đầy các va li, hai vợ chồng Tạ Hải lại trở về với hai va li lèn chặt lá phong và lá bạch dương. Cuối cùng, màu lá vàng tươi của mùa thu nước Nga sau một thời gian cũng thành màu nâu mất. Cánh hoa phượng, hoa hồng cũng thế, lúc tươi thì đỏ rực nhưng khi khô bỗng chuyển màu đen xỉn.
Cũng có những sắc màu Tạ Hải ao ước nhưng ông tìm kiếm cả cuộc đời chưa thấy, màu xanh nước biển hay xanh da trời chẳng hạn. Dẫu vậy, họa sỹ không dừng lại, đi đâu ông cũng chú ý ngắm nhìn và nhặt nhạnh từng chiếc lá bất chấp không ít lời “chê cười” từ thế gian.
“Mỗi lần đi nhặt lá là lại có người ngạc nhiên hỏi, tớ đùa là mang về làm thuốc trị ngứa chân. Xin vỏ tỏi, vỏ hành của các bà bán hàng ngoài chợ cũng bị người ta bảo dở hởi à. Có họa sỹ nói mình làm trò vớ vẩn, tớ cũng chỉ cười đáp lại: vì nghèo không có tiền mua màu nên đành làm vậy. Tớ hay đùa bạn bè, thấy trên đường có ai “tay nhặt lá, chân đá ống bơ, miệng bị ẩm, có vẻ IC bị ẩm” thì đấy là tớ…” Họa sỹ Tạ Hải tự trào về hành trình tìm lá của mình.
Mỗi bức tranh, một thông điệpSinh năm 1944, cầm tinh con Khỉ, Tạ Hải không thừa nhận ông là họa sỹ mà chỉ nhận là “người hay bắt chước”. Chưa từng kinh qua bất kỳ một trường mỹ thuật nào, Tạ Hải chỉ học nhờ xem triển lãm, xem tranh các họa sỹ lớn. Như một người học trò khiêm tốn, ông cần mẫn lao động nghệ thuật trong hơn 20 năm qua để tạo ra 1000 bức tranh mà theo lời ông chỉ là những “cuộc chơi” mà thôi. Tuy vậy, cả hai lần triển lãm vào năm 1998 và 2008, tranh của ông đều được quần chúng và giới chuyên môn đánh giá và đón nhận.
“Tranh lá của Tạ Hải là một lối chơi tao nhã đầy bản sắc, góp một tiếng nói cảm xúc mới lạ và làm phong phú đời sống thẩm mỹ đương đại.” Ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội mỹ thuật Hà Nội nhận xét về tranh Tạ Hải.
Tranh lá Tạ Hải cho thấy ông không hề nghiệp dư như họa sỹ tự nhận xét về mình. Ngược lại, người họa sỹ tìm tòi và sáng tạo ra những sắc màu và “nét bút” độc đáo mà ngay cả những họa sỹ chuyên nghiệp cũng “chào thua”. Điển hình là sáng tạo của Tạ Hải với lá gai. Những chiếc lá gai màu rong rêu được ông miết thật chặt xuống thành những hình nổi nham nhở. Phố cổ Hà Nội trong tranh Tạ Hải bảng lảng một không gian hoài niệm nhờ sáng tạo này.
Giá trị của những bức tranh lá của Tạ Hải không chỉ nằm ở tính mỹ thuật mà còn ở thông điệp. Mỗi bức tranh của ông đều là một thông điệp. Nhìn ông ngồi vẽ say sưa giữa đống chất liệu mà ở nơi khác người ta ngay lập tức vứt vào thùng rác mới thấy rõ thông điệp ấy: phải bảo tồn và gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, những thứ tưởng như cỏ rác vẫn còn giá trị, huống chi những chiếc lá xanh tươi mà con người nỡ tàn phá nó.
“Năm nào 30 Tết, tớ cũng đi chơi đêm giao thừa. Đi chơi để tìm sự vui thú nhưng năm nào cũng bị ức chế bởi người ta hái lộc vô tội vạ. Tớ rất bực và cãi nhau mấy lần vì người ta bẻ cả cành cây sống, văn hóa tôn trọng thiên nhiên ở đâu, căm tức mà bất lực không cản được…” Họa sỹ tâm sự.
Vòng đời của láTừng đi bộ đội 9 năm rồi chuyển ngành về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, cho tới ngày về hưu năm 2004, nghề nghiệp chính của Tạ Ngọc Hải là một nhà báo chuyên mảng thanh thiếu niên. Ông bước vào hội họa chỉ như nghề tay trái. Có những bức tranh ông vẽ đã bán được cả ngàn đôla Mỹ nhưng Tạ Hải không đi vào con đường hội họa chuyên nghiệp để vẽ tranh mưu sinh. Tranh với Tạ Ngọc Hải là nơi ông gửi gắm những suy tư về vòng đời của lá.
“Vòng đời chiếc lá thật kỳ diệu, chiếc lá đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái từ trong đất, sau khi hoàn thành sứ mệnh lại rụng xuống làm phân để cây có chất nhựa cho ra đời vòng lá mới. Sự hi sinh của chiếc lá thật ý nghĩa bởi khoảnh khắc rơi xuống đồng nghĩa với sự bắt nguồn của sự sống.” Họa sỹ chiêm nghiệm.
Xem tranh lá Tạ Hải, ngoài ngắm nhìn hình họa hay màu sắc, người xem còn phải để tâm suy nghĩ về vòng đời của những chiếc lá khô. Nhìn sâu vào những chiếc lá trong tranh Tạ Hải mới cảm nhận hết niềm hoan lạc và xúc động trước một vẻ đẹp đã rơi xuống vẫn còn bừng sáng lên một lần nữa để phục vụ con người. Tạ Hải dường như không vẽ mà ông chỉ sắp đặt lại thiên nhiên, thổi vào lá một linh hồn mới, một sức sống mới. Họa sỹ đã hồi sinh cho khoảnh khắc cuối cùng của những chiếc lá, biến khoảnh khắc đầy ý nghĩa ấy thành vẻ đẹp nhân văn như hai câu thơ ông đã viết:
“Chiếc lá xa cành về với đất
Để cây đời mãi mãi xanh tươi”
Khánh Duy