Thứ Bảy, 17 tháng 7, 2010

“Fan Hà Lan nên ủng hộ Tây Ban Nha vô địch”



Viết trước trận chung kết

Tác giả Brian Phillips viết như vậy trên một bài báo mang tên “Sự thoái hóa của đội bóng da cam”, bài báo được đọc nhiều nhất trên tờ Slate trong suốt mấy ngày qua.

Fan quay lưng, thầy quay mặt

“Giấc mơ của hàng triệu fan bóng đá Hà Lan đang bay trên những thành công của đội tuyển. Nhưng với tư cách cá nhân, tôi muốn đội bóng Hà Lan thất bại. Các fan bóng đá nên ủng hộ Hà Lan thua Tây Ban Nha.”

Brian Phillips là ai? Một cổ động viên của đội Tây Ban Nha chăng, hay một kẻ cá độ chuyên nghiệp đã đặt tất tay vào cửa Bò tót trong trận chiến đêm nay?

Không, rất tiếc, đây là câu kết của bài báo mà anh viết: “Tại sao tôi muốn Tây Ban Nha thắng đêm Chủ nhật này ư? Không phải bởi vì tôi không yêu Hà Lan, mà bởi tôi yêu đội bóng ấy và lịch sử của nó quá nhiều.”

12 tiếng trước trận chung kết định mệnh, có tới 1611 người thích bài báo của Phillips và 170 bình luận về bài báo, một con số rất lớn nếu bạn biết rằng Slate là một tạp chí văn hóa và chính trị của Mỹ, một đất nước không cuồng nhiệt với bóng đá. Lật trang Thể thao của New York Times những ngày này, bạn vẫn chỉ thấy toàn… bóng rổ.

Brian Phillips, một fan nhiệt thành nhất của bóng đá tổng lực Hà Lan đã quay mặt lại với đội bóng mà anh yêu. Không quá khó hiểu đâu nếu bạn biết rằng ngay cả chính huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff cũng đã làm như thế khi công khai tuyên bố: “Tôi sẽ rất vui nếu Tây Ban Nha vô địch. Là người Hà Lan nhưng tôi sẽ bảo vệ lối chơi của Tây Ban Nha.”

Cũng dễ hiểu thôi, người ta “quay lưng, quay mặt” bởi Hà Lan đã không còn giữ được bản sắc bóng đá tấn công đầy hiến dâng của mình nữa. Ngược lại, Tây Ban Nha bây giờ mới lại là đội bóng kế thừa truyền thống ấy của chính người Hà Lan.

Cái đèm đẹp và cái đẹp

Bóng đá tổng lực (total football) của Hà Lan ngày xưa ấy đâu rồi? Hãy nghe những hoài niệm về nó: “Bóng đá tổng lực là thứ bóng đá mãnh liệt và tự do nhất, các cầu thủ hoán đổi vị trí khắp sân, chạy vào các khoảng trống, toàn bộ đội hình được tái tổ chức nhanh và thích nghi liên tục như những người đang bay trên sân cỏ. Kết hợp với một hàng thủ luôn dâng rất cao để hạn chế không gian và bẫy việt vị đối phương, bóng đá tổng lực tạo ra một phong cách tấn công không ngừng nghỉ, gây phấn khích tột cùng cho người xem.”

Còn đây là thứ bóng đá tiki-taka mà người Tây Ban Nha đang chơi: “chuyền bóng liên tục, kiên nhẫn cầm bóng để kiến tạo lối chơi, liên tục gây sức ép lên hàng thủ đối phương.”

Không hoàn toàn là bóng đá tổng lực nhưng tiki-taka là lối chơi gần nhất với bóng đá tổng lực trong thời hiện đại, gen bóng đá Hà Lan đã chuyển sang Tây Ban Nha sau 8 năm cầm quyền của Cruyff ở Barcelona, CLB góp mặt tới 7 cầu thủ trong đội hình Tây Ban Nha trận Bán kết vừa rồi.

Thánh Johan nói trước trận chung kết: “Tây Ban Nha là phiên bản của Barca, là thông điệp tuyệt vời nhất của bóng đá. Giờ mọi đội bóng đều muốn giống như Tây Ban Nha.” Còn HLV Argentina huyền thoại phát biểu thậm chí còn ngay trước khi World Cup diễn ra: “Tây Ban Nha là đội bóng gần nhất với cái đẹp.”

So với Tây Ban Nha, Hà Lan giờ đây chỉ còn là cái đèm đẹp, chỉ thấy những khoảnh khắc loé sáng chết người chứ không còn ánh mặt trời lung linh như ngày nào. Ở một nơi nào khác, cổ động viên sẽ quan tâm tới chiến thắng cho dù lối chơi có thế nào đi nữa. Ở Hà Lan lại khác. Đừng quên triết lý mà Cruyff đã ghi dấu lên Hà Lan: “Thà thua 9-10 còn hơn thắng 1-0” và “không có huy chương nào đáng được vinh danh bằng lối chơi đẹp của đội bóng.”

“Cái đèm đẹp đang giết chết cái đẹp”, nhà thơ Trần Dần nói vậy. Điều ấy đúng với đội Hà Lan. Cái đẹp của quá khứ không mang tới cho Hà Lan chiến thắng cuối cùng ở sân chơi World Cup, nhưng lối đá tinh quái hiện nay đang giúp họ thắng liên tục và có cơ hội lần đầu đăng quang. Cái đèm đẹp đang được đội bóng của HLV Bert van Marwijk biện minh cho sự hi sinh cái đẹp.

Vượt qua lịch sử bằng lịch sử

Vậy nên, trận chung kết đêm nay ở Nam Phi sẽ mang tính định mệnh, đó không chỉ là trận đấu giữa hai anh chàng “học tài thi phận” Hà Lan và Tây Ban Nha mà còn là cuộc đấu giữa Hà Lan và lịch sử của chính nó.

Nếu thua bằng lối chơi phản công tinh quái, Hà Lan sẽ mang tiếng là kẻ thất trận bởi “nhút nhát” không dám “dâng hiến” như cha anh họ từng thể hiện. Còn nếu thắng bằng lối chơi rình rập ấy trước một Tây Ban Nha rực lửa tấn công, trớ trêu thay, Hà Lan lại đang vô nghĩa hóa và phủ nhận chính bản sắc cha anh họ, bởi Tây Ban Nha đang là hiện thân của bản sắc Hà Lan trong quá khứ.

Hà Lan chỉ có một con đường mà thôi, đó là thắng cách biệt Tây Ban Nha bằng thứ bóng đá tấn công đích thực. Điều ấy không dễ xảy ra trong một trận chung kết mà người Hà Lan buộc phải toan tính, càng không dễ trước một Tây Ban Nha quá mạnh với sự hẫu thuẫn của lời nguyền “thầy” bạch tuộc Paul.

Không dễ nhưng người hâm mộ Hà Lan vẫn tin, họ sẽ không ủng hộ Tây Ban Nha như lời khuyên cực đoan của tác giả Brian Phillips, họ sẽ ủng hộ Hà Lan chiến thắng đối thủ bằng cách chiến thắng chính bản thân mình, ủng hộ Hà Lan thoát khỏi bóng ma thành tích đen đủi ở World Cup trong quá khứ bằng chính quá khứ tấn công tổng lực chói sáng của họ.

Hà Lan phải vượt qua lịch sử bằng chính lịch sử. Còn nếu Hà Lan thua, cũng đừng quá buồn bởi lịch sử của họ đã thắng.

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét