Giờ đây, Saadi đã là một Đại sứ luôn mặc bộ veston lịch sự và đi trên chiếc xe màu sữa rất sang trọng có cắm cờ Palestine. Nhưng tôi biết rằng Saadi không hề thay đổi so với ngày xưa, khi còn là cậu sinh viên thời bao cấp, “phải đi bằng xe đạp để hoà với nhân dân Việt Nam, chấp nhận một cuộc sống vất vả để thấu hiểu và cảm thông với dân tộc ấy.”
Việt Nam dưới con mắt “Anh Đại sứ” Những năm 1980 khi Saadi tới Việt Nam học tập, đất nước đang trong giai đoạn suy thoái và cấm vận nặng nề. Cậu sinh viên Saadi đã băn khoăn tự hỏi: “Tôi rất cảm động khi nhớ lại giai đoạn ấy, tại sao một dân tộc đã đấu tranh giành độc lập tự do lại phải sống trong tình trạng cô lập và khó khăn như vậy?”
Saadi hài hước kể lại những khó khăn của sinh viên nước ngoài ngày ấy: “Tôi nhớ thường sáng từ 4h đến 7h, chiều từ 3h đến 8h mới có điện, có điện thì mới bơm nước tắm rửa. Một lần 10 ngày liền không có điện, có nước nên không tắm rửa được, sinh viên nước ngoài bức bối khó chịu quá, phải chờ trời mưa để tắm mưa.”
Tôi yêu cầu Saadi vẽ hai bức tranh tương phản của một Việt Nam trước và sau Đổi mới. Anh phác ra vài nét bút chân phương: “Này nhé, ngày xưa người Việt Nam ai cũng mang cặp lồng để ăn trưa ở cơ quan, nhà hàng vắng tanh vắng ngắt, bây giờ, nhân viên công sở toàn ăn ở nhà hàng, nơi đâu người ta cũng “nhậu”. Những năm 80, đa số người già người trẻ hút thuốc lào, giờ đây ít thấy người Việt Nam hút thuốc lào. Ngày xưa, phụ nữ Việt Nam chỉ mặc áo trắng, quần lụa đen và đi guốc gỗ; đàn ông, áo trắng, quần ca ki, dép cao su. Bây giờ ai ai cũng ăn mặc sặc sỡ và hiện đại như phương Tây. Việt Nam dễ thay đổi và hoà hợp thật.”
“Ngoài chuyện ăn chuyện mặc ra, thì còn gì thay đổi không?” Tôi hỏi Saadi. Anh tiếp tục diễn thuyết: “Nhiều lắm, trước đổi mới, không có nổi một thang máy nào ở Việt Nam, giờ đây biết bao toà nhà xây cao tầng mọc lên có thang máy. Những năm 1980, cả thành phố Hà Nội chỉ có một trạm bán xăng ở phố Tôn Đức Thắng, bây giờ thì trạm xăng dầu ở khắp nơi. Ngày đó, chỉ quân đội và cơ quan nhà nước mới có xe hơi, xe máy cũng rất ít, ai có xe máy thuộc giai cấp quý tộc rồi. Giờ đây, ô tô xe máy chạy đầy đường.”
“À, hôm trước, tôi cho các con đi Big C, tôi không đi được vì người đông như kiến. Người Việt thu nhập cao nên mới có khả năng tiêu dùng như vậy. Ai cũng tay sách nách mang, hối hả mua sắp, người như làn sóng. Trong khi đó tôi nhớ ngày xưa, Bách Hoá Tổng Hợp ở Việt Nam không có gì, chỉ thấy Quần áo lao động và giấy vệ sinh.”
Tôi bật cười trước so sánh ngỗ nghĩnh giữa Big C và Bách Hóa Tổng Hợp của Saadi. Anh đã rất hiểu Việt Nam và phải sống rất sâu trong lòng nó để nhận ra sự biến mất của cặp lồng, thuốc lào và cả những Bách Hóa Tổng Hợp.
Khát khao hoà bình Việt Nam đã thay đổi và phát triển nhiều trong 17 năm Saadi không có ở đây. Những ngày mới tới Việt Nam cuối năm ngoái, Saadi tâm sự rằng Anh “không muốn ngủ, chỉ muốn mở mắt để đi ra ngoài ngó nghiêng mọi thứ, xem những gì ngày xưa giờ đã ra sao.” Anh nói về sự thay đổi ấy với một sự hồ hởi, vui thích và nhiều cảm hứng.
Bỗng nhiên, anh đột ngột chuyển chủ đề: “Tôi muốn nói thêm về tầm quan trọng của Hoà bình.” Tôi nhắc anh rằng cuộc nói chuyện ngày hôm nay sẽ không đề cập tới mọi vấn đề về chính trị và xung đột ở Trung Đông, tôi chỉ muốn viết về anh với tư cách một con người.
Saadi trả lời tôi: “Tôi chỉ muốn nói rằng nhìn những thành tựu của Việt Nam, tôi lại nhớ tới những người Palestine đang phải sống trong các vùng đất bị chiếm đóng, trong các trại tị nạn ở các quốc gia láng giềng. Họ đã phải sống như thế hơn 60 năm qua và luôn khao khát có đuợc một tổ quốc thanh bình để quay trở về. Nhờ có hoà bình, Việt Nam mới phát triển được như vậy, vì thế, tôi hi vọng một ngày nào đó Palestine cũng có được một nền hoà bình như thế, có một nhà nước độc lập bên cạnh nhà nước Israel. Khi ấy, giới trẻ Palestine sẽ xây dựng một quốc gia giàu mạnh như các bạn đã làm với dân tộc mình.”
Tôi thoáng thấy một nỗi buồn trong mắt Saadi khi anh nói câu ấy. Saadi bỗng hơi chùng xuống và một luồng giao cảm rất con người cho tôi nhận thấy nỗi buồn ấy là có thật chứ không phải một cách nói ngoại giao. Saadi nói tiếp: “Việt Nam là tấm gương cho nhiều dân tộc trên con đường tìm kiếm hoà bình, với đa số người dân Palestine, hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sức khích lệ rất lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc. Rất nhiều người Palestine đặt tên con theo tên Đại tướng, ở Palestine có lệ khi quý trọng ai thì đặt tên con theo tên người ấy. Bạn cứ đến Palestine mà xem, nếu bạn nói là người Việt Nam thì người dân sẽ mời bạn vào nhà và tiếp đãi như thượng khách.”
Bún chả và phở bòSaadi đã nói đúng, tôi từng gặp những người Palestine ngay trên dải đất Trung Đông và chứng kiến sự nhiệt tình của họ khi nghe thấy hai tiếng Việt Nam. Cuộc xung đột trên quê hương anh sẽ còn là một câu chuyện dài và buồn, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Tôi kéo anh trở về câu chuyện vui hơn, những thay đổi của Việt Nam hậu Đổi mới.
“Anh nói về nhiều thay đổi trên đất nước Việt Nam. Thế anh thấy có gì còn giữ nguyên không?” “Có chứ, truyền thống vẫn còn đó, bún chả và phở bò. Tôi mê bún chả lắm vì ở đó có tất cả những đặc trưng của ẩm thực Việt Nam như nước mắm, giấm, thịt nướng, tỏi, rau thơm. Tôi cũng hâm mộ Phở vì món ăn đó rất lành mạnh, không có mỡ, có lợi cho sức khoẻ, ăn vào không bị đau dạ dày.”
Saadi sành quá. Có lẽ anh là vị Đại sứ duy nhất ở Việt Nam không chỉ biết nấu nhiều món ăn truyền thống Việt Nam mà còn biết pha nước mắm. Anh vẫn tự tay pha nó cho mình và khách quý trong những bữa ăn. Saadi sành tới mức biết phải ăn phở ở Nam Ngư và bún chả ở Sinh Từ. Về khoản ẩm thực này, Sadi chắc chắn là một người Hà Nội.
Tôi định hỏi Saadi nhiều hơn nữa, về tôn giáo của anh, về quan niệm chính trị “dân chủ xã hội” mà anh coi trọng, về nền cuộc xung đột còn dang dở trên quê hương Anh. Nhưng đêm đã về khuya và tôi quyết định để dành tất cả những câu hỏi ấy trong lần gặp tiếp theo với Saadi. Có lẽ tôi sẽ mời anh đi ăn phở ở Bát Đàn hoặc bún chả ở Hàng Mành cũng được, Saadi đủ gần gũi để một người Việt bình thường có thể mời anh như thế.
Khi tôi ra ngoài thì trời đã tạnh mưa, nhưng yên xe của tôi bị ướt. Sadi vội vã chạy vào nhà lấy một tập giấy ăn đưa cho tôi lau yên xe. Hành động ấy của một vị Đại sứ sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ phải xúc động, và tôi không phải ngoại lệ. Sadi đã vượt qua hết những nghi thức ngoại giao, thứ bậc trên dưới, rào cản sắc tộc để đến với Việt Nam và ứng xử với những con người bình dị trên quê hương ấy một cách bình đẳng và thân thiết như giữa những người bạn…
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét