Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

“Anh Đại sứ” của Phở bò và Bún chả (Kỳ I)


Tôi không gọi Saadi Salama là Ngài Đại sứ, Ông Đại sứ mà gọi bằng Anh, “Anh Đại sứ”. Cách gọi ấy có vẻ như thiếu sự nghiêm túc và trang trọng cần thiết khi giao thiệp với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Chỉ có điều, đối với tôi và tôi tin rằng với đa số những người Việt khác nữa, chữ Anh mới thực sự là từ thích hợp để gọi Saadi…

Tôi không cảm thấy khoảng cách quyền lực để phải gọi Saadi bằng Ông và cũng không cảm thấy khoảng cách ngoại giao để gọi bằng Ngài. Với Saadi, tôi không thấy có khoảng cách nào hết, ngay cả khoảng cách giữa hai con người không cùng chung quốc tịch. Ở Saadi, chỉ có sự thân tình và gần gũi, sự thấu cảm và hiểu biết, những điều ấy trong anh đủ mạnh để xóa nhòa mọi ranh giới khác biệt và cả đường biên giới giữa hai quốc gia.

Sự trở về của một “Anh Đại sứ”

Mà thực ra, tôi nghĩ rằng giữa Saadi và Việt Nam không có đường biên giới nào hết, anh đã và vẫn đang là một người con Việt Nam từ cái ngày đầu tiên vào năm 1980 khi anh tới Hà Nội để bắt đầu theo học đại học về lịch sử và tiếng Việt tại Việt Nam. 12 năm tuổi trẻ của anh, từ 1980 tới 1992, anh đã dành cho Hà Nội. Vì thế, với bất kỳ vị Đại sứ nào khác rời quê hương họ để tới Việt Nam, đó sẽ là sự ra đi, nhưng với Saadi, được bổ nhiệm làm Đại sứ Palestine tại Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái, lại là một sự trở về.

Sadi trở về sau 17 năm bôn ba làm công tác ngoại giao ở nhiều quốc gia Châu Á, Trung Đông và Châu Phi xa xôi, Thời gian thật dài và không gian thật xa nhưng sự gần gũi giữa Saadi với Việt Nam không hề mất đi. 12 năm ở Hà Nội và tình yêu với một cô gái Việt Nam sau này trở thành vợ anh đã khiến Saadi mang trọn vẹn trong lòng một mảnh hồn Hà Nội, Việt Nam đã là một quê hương thứ hai của Saadi.

Quê hương thứ hai ấy cho Saadi một thứ đầu tiên quý giá, đó là tiếng Việt. Tôi đón Saadi đến thăm cơ quan và tôi bị bất ngờ ngay ở những giây phút đầu tiên gặp Anh. Sau vài câu tiếng Anh rất chuẩn mực, Saadi đột ngột chuyển sang nói một thứ tiếng Việt thậm chí còn chuẩn mực hơn, một thứ tiếng Việt rất sành sõi, rõ ràng và tinh tế.

Tiếng Việt và sự cởi mở của anh đã tạo ra một thiện cảm lớn với bất kỳ ai khi tiếp xúc. Tôi thoải mái hẹn gặp anh bằng cách gọi điện trực tiếp và thậm chí cả nhắn tín. Bỏ qua hết những thủ tục ngoại giao, công văn, thư mời hoặc phải qua mấy tầng thư ký, tôi hẹn đến gặp anh tại nhà riêng ở phố Lê Phụng Hiểu. Trên đường tới, tôi ngạc nhiên khi thấy anh nhắn tin: “Bạn thân mến, khi nào đến thì gọi cho tôi nhé.”

Saadi vồn vã mang trà Palestine và bánh chà là của đất nước anh ra mời tôi thưởng thức. Ngoài cửa sổ, trời đã bắt đầu đổ mưa rào rào. Nhưng trong căn biệt thự kiểu Pháp ấm cúng của anh bên tách trà nóng, câu chuyện bỗng trở nên hết sức thân mật. Qua những chia sẻ của Saadi, tôi mới hiểu sự thân mật ấy của anh với người Việt Nam và đất nước Việt Nam bắt nguồn từ những ký ức và kỷ niệm thậm chí còn xa hơn thời điểm 1980, khi anh bắt đầu tới học ở Hà Nội.

“Gần gũi về tình cảm”


Đó là giai đoạn nổ ra cuộc chiến Trung Đông năm 1967, khi cậu bé 5 tuổi Saadi đứng trên nhà của mình ở thành phố Hebron, Palestine nhìn xuống thấy quân đội chiếm đóng của Israel bước vào thành phố. Chính xác là ngày 06/06/1967, Saadi linh cảm cuộc đời mình và cả dân tộc Palestine sẽ rẽ theo một hướng khác, hoà bình sẽ là một viễn tượng.

Sự thiếu thốn hòa bình và ổn định trên quê hương mình đã làm cho cậu bé Saadi dù còn ít tuổi đã quan tâm tới tình hình thời sự của những dân tộc khác có chung hoàn cảnh. Việt Nam ngày ấy đương nhiên là mối quan tâm hàng đầu của Saadi. Anh kể lại rằng từ năm 1968 đã quan tâm tới chiến dịch Mậu Thân của quân đội giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến năm 1972, anh thường xuyên theo dõi các diễn biến chiến sự ở Việt Nam trên báo chí.

Saadi nhớ lại: “Tôi luôn coi chiến thắng của Việt Nam là chiến thắng của Tự do và Chính nghĩa, hình ảnh của du kích Việt Nam luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, đặc biệt là thời khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh độc lập vào năm 1975. Hai quốc gia chúng ta dù xa về địa lý nhưng lại rất gần gũi về tình cảm.”

Sự “gần gũi về tình cảm” với đất nước có chung nỗi đau chiến tranh Việt Nam đã dẫn Saadi vào con đường tới Việt Nam. Thay vì chọn những quốc gia phát triển hơn là Ý và Rumani dù có cơ hội, anh lại tới Việt Nam theo chương trình trao đổi lưu học sinh giữa hai nước năm 1980.

Cũng sự “gần gũi về tình cảm” ấy lại dẫn Saadi tới một sự “gần gũi về tình cảm” khác. Anh đã đem lòng yêu một cô gái Việt Nam khi bất chợt “gặp một cô gái xinh đẹp và dịu dàng ở thư viện gần Nhà thờ lớn, tôi đã cố gắng bắt chuyện để trao đổi về ngôn ngữ… Ban đầu, cô ấy cũng ko muốn nói chuyện với tôi vì thời điểm đó, việc quan hệ với một người nước ngoài ở Việt Nam là rất nhạy cảm. Nhưng xuất phát từ sự tự tin rằng tôi là người bạn của Việt Nam, tôi mạnh dạn quyết định sẽ làm thân với cô ấy mà không ngại bị hiểu lầm.”

Saadi đã tiếp tục nỗ lực nhưng cô gái vẫn dè dặt và bố mẹ cô ấy cũng không đồng ý. Cô gái vốn sinh ra trong một gia đình truyền thống Việt Nam có truyền thống Cách mạng nên tư duy và cách sống rất nghiêm túc. Sadi phải “bày tỏ sự nghiêm chỉnh” bằng cách “báo cáo” với Uỷ ban đoàn kết Á Phi và Ban đối ngoại, các cơ quan này đã hiểu và thông cảm với tình cảm chân thành của cậu sinh viên Palestine trẻ. Tình yêu cuối cùng đã lớn lên và chiến thắng những định kiến còn nặng nề thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân hai quốc tịch đã thành vào ngày 27/07/1983.

Giờ đây, cô gái mà Saadi gặp trong thư viện thời còn sinh viên đã trở thành mẹ của 4 đứa con đã trưởng thành. “Hai cháu đầu sinh ở Lào, cháu thứ ba sinh ở Palestine và đến cháu thứ tư thì chúng tôi quyết định phải sinh ở Việt Nam.” Saadi kể lại một cách rất tự hào.

17 năm xa cách Việt Nam về địa lý, nhưng đi bên anh luôn có một người vợ Việt và 4 đứa con mang một nửa dòng máu Lạc Hồng, tôi biết rằng Sadi chưa bao giờ thực sự rời xa Việt Nam về tình cảm. Với Sadi, Việt Nam đã trở thành một phần của tâm hồn anh, tình cảm với Việt Nam đã trở thành máu thịt của Anh chứ không chỉ đơn thuần là “sự gần gũi về tình cảm” khi cậu bé lên mười theo dõi từng bước đi của quân giải phóng miền Nam Việt Nam trên các tờ báo mỗi ngày…

Khánh Duy (còn tiếp Kỳ II, trang sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét