http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5343/index.aspx
Soros nói gì về nước Mỹ hậu khủng hoảng?
Năm 1992, nhờ tiên đoán đúng xu hướng của đồng bảng Anh, tỉ phú George Soros đã kiếm được hơn một tỉ đô la Mỹ chỉ trong vòng 1 tuần. Từ đó, tên tuổi và tài “tiên tri” của Soros nổi như cồn. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, ông cũng là một trong số ít người tiên đoán trước sự suy thoái nặng nề. Theo Soros, một kỷ nguyên đã thực sự kết thúc với cuộc khủng hoảng này.
“Soros đã nhìn thấy trước sự kết thúc của một kỷ nguyên” Đó là tựa của một bài viết dài đăng trên The New York Review of Books. Trong cuốn sách mới của ông, Soros cũng đã viết như vậy.
“Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại”
Khủng hoảng tín dụng nổ ra, Soros “đắt sô” với báo chí, truyền hình. Đi đâu người ta cũng hỏi ông: “Kỷ nguyên mà ông nói sẽ kết thúc là kỷ nguyên nào vậy?”
Nhiều quan điểm chống thị trường tuyên bố: chủ nghĩa tư bản đã kết thúc, “Xin chào Chủ nghĩa xã hội” quay trở lại. Nhưng, Soros đã vội vã “chỉnh” lại những lập luận như vậy: “Chủ nghĩa tư bản sẽ tồn tại.” Mặc dù phê phán chủ nghĩa duy thị trường đã góp phần tạo ra khủng hoảng, nhưng Soros khẳng định: “Nhiều người muốn chính phủ đóng một vai trò ít nhất có thể và tôi cũng cho rằng chính phủ nên đóng một vai trò nhỏ hơn. Nhiều người tin vào thị trường, tôi cũng tin vào thị trường. Nhưng tôi chỉ muốn thị trường vận hành một cách hợp lý hơn…”
Để thị trường vận hành hợp lý, chính phủ phải đóng một vai trò nhất định, không phải đóng vai trò nhiều hơn mà là tốt hơn, không phải gia tăng thêm nhiều luật lệ mà đưa ra và thực thi một số những luật lệ phù hợp. Cho dù “chính phủ cũng là con người, họ luôn có xu hướng sai, luôn quan liêu, chậm trễ và bị ảnh hưởng bởi chính trị. Nhưng nếu chính phủ không can thiệp mà cứ để đấy cho thị trường quyết tất thì là một sai lầm.”
Nhà đầu tư 77 tuổi lập luận: “chủ nghĩa thị trường và chủ nghĩa Marx mắc phải một sai lầm tương tự nhau. Chủ nghĩa xã hội có thể phát triển tốt nếu những người cầm quyền luôn đặt lợi ích của dân chúng ở trong tim. Nhưng thực chất họ lại theo đuổi lợi ích cá nhân.” Cũng vậy, những “ông lớn” tài chính chỉ quan tâm đến lợi ích của họ chứ không phải nền kinh tế nói chung hay khách hàng họ đại diện. Đó là hai vấn đề về bản chất giống nhau và đương nhiên chính phủ cần đóng vai trò nắn cho các dòng lợi ích đó tương hợp với nhau ít nhất một cách tương đối.
Kinh tế khủng hoảng có nghĩa là dân chúng đang nghèo đi nhưng Soros nhấn mạnh rằng giấc mơ Mỹ sẽ không kết thúc. “Nước Mỹ vẫn là đất nước của những cơ hội vĩ đại và năng lực tự học hỏi vĩ đại.” Giấc mơ Mỹ không kết thúc nhưng thời đại của một nước Mỹ tiêu dùng đã kết thúc.
Nước Mỹ không còn là “động cơ” của nền kinh tế toàn cầu
Trong suốt 25 năm qua, nước Mỹ đã trở thành “động cơ” của nền kinh tế thế giới. “Động cơ” đó chính là năng lực tiêu dùng của người Mỹ, người Mỹ tiêu dùng nhiều hơn 6,5% so với khả năng sản xuất của nó. Giờ đây, “động cơ đã tắt”. Kỷ nguyên tiêu dùng Mỹ đã kết thúc.
Đó sẽ là một thời kỳ quá độ đầy khó khăn, nhưng Soros cho rằng: “thay vì tiêu dùng, giờ đây nước Mỹ phải xây dựng lại hệ thống điện, tiết kiệm năng lượng, làm cho cuộc sống thích nghi với năng lượng đắt đỏ cho đến khi khám khá ra nguồn năng lượng mới. Khí hậu toàn cầu nóng lên cũng là vấn đề lớn phải đối mặt. Tất cả sẽ đòi hỏi phải đầu tư lớn nhưng cuối cùng, nước Mỹ sẽ vượt qua…”
Đồng đôla Mỹ sẽ yếu đi, nước Mỹ xuất khẩu suy thoái sang các quốc gia khác nhưng đồng thời lại nhập khẩu lạm phát, giá cả sẽ tăng ở các siêu thị của Wal-Mart. Đồng đôla Mỹ cũng sẽ không còn là lựa chọn dự trữ quốc gia “không phải bàn cãi” của các nước khác. Chưa thực sự có một đồng tiền thay thế hoàn hảo nên đồng đô la vẫn có giá trị nhất định của nó nhưng “nước Mỹ sẽ phải tuân thủ những giới hạn được áp đặt bởi ý chí của các nước dự trữ đôla Mỹ, điều đó làm hạn chế khả năng của FED, ví dụ hạ lãi suất.”
“Obama là một người đặc biệt…”
Là nhà đầu cơ số một đã từng bị cựu thủ tướng Malaysia Mahatir Mohamad gọi là “quỷ dữ”, nhưng George Soros lại là một trong những người làm tự thiện nhiều nhất thế giới. Ông đã chi khoảng 5 tỉ đôla thông qua quỹ của mình trong đó có 27 triệu đô cho những “tổ chức chống Bush”. Soros đi du thuyết khắp cả nước để phê phán vị tổng thống này.
Soros nhận định trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây: “Bộ máy của Bush đã bịa đặt rất thành công nhắm mục đích thao túng nhân dân, thay đổi dữ kiện. Điều này thể hiện rõ khi chính quyền Bush nhận được tới 90% sự ủng hộ khi đánh chiếm Iraq dưới mác chống khủng bố giả tạo. Cuối cùng, họ đã nhận được những gì đáng nhận được. Bush muốn chứng minh sự vượt trội của sức mạnh Mỹ và thế là ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới bị suy giảm nghiêm trọng. Bush nghĩ rằng sẽ có thể làm cho tên tuổi ông ta vang danh thì cuối cùng lại tự vấy bẩn chính danh tiếng của mình.”
Về kinh tế, chủ thuyết duy thị trường gắn chặt với Đảng Cộng Hòa, có nguồn gốc sâu xa từ Reagan chứ không chỉ thời kỳ của Bush. Vì thế, Soros càng có xu hướng ủng hộ Đảng Dân Chủ. Ông đặt niềm tin mạnh mẽ vào Barack Obama: “Tôi cho rằng Obama đã chứng tỏ là một người đặc biệt, anh ta có thần thái và tầm nhìn để định hướng lại nước Mỹ một cách triệt để.”
“Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.”
Khi được hỏi: “Tiền tỉ có làm ông hạnh phúc?” Soros từng trả lời rằng: “Tất nhiên là tôi hạnh phúc nhưng không phải vì tiền, mà bởi tôi đã thành công trong hành trình lớn lao để thấu hiểu thực tại.”
Nhà tỉ phú luôn nhắc đi nhắc lại lý thuyết của mình rằng: ngộ nhận về thực tại là nguyên nhân của mọi khủng hoảng. Cho rằng phải chống khủng bố bằng cách đến tiêu diệt khủng bố ở một quốc gia khác, “đạp cửa nhà nguời khác và đe doạ họ” để tìm khủng bố là một ngộ nhận dẫn tới việc nước Mỹ sa lầy ở Iraq. Cho rằng cứ để đấy cho thị trường “làm tất” cũng là một ngộ nhận đẩy nước Mỹ và thế giới tới cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay.
Soros nhấn mạnh: “Cần nhận thức đúng thực tại chứ đừng bóp méo nó.” Bóp méo thực tại vì mục đích tự lợi (dù cố ý hay vô tình) cũng để lại những hệ luỵ khôn lường cho tương lai.
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét