Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Nghịch lý của Chiến lược đuổi kịp




http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5351/index.aspx

Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp
Chủ nhật, 23/11/2008, 09:41 GMT+7

Tên sách: NGHỊCH LÝ CỦA CHIẾN LƯỢC ĐUỔI KỊP (The Paradox of Catching up)
Tác giả: Litan
Dịch giả: Nguyễn Minh Vũ, Vũ Duy Thành, Lã Việt Hà, Nguyễn Hồng Quang
Phát hành: NXB Trẻ
*****

Khi Alexander Đại đế đến thăm nhà triết học Diogenes và hỏi liệu ngài có thể làm được gì cho ông ta không, câu trả lời của Diogenes là: "Có đấy, xin hãy tránh xa ra một chút để đừng che lấp mặt trời của tôi".

Câu chuyện ngụ ngôn được kể trong cuốn sách Hiểu kinh tế qua một bài học của Henry Hazlitt đã trở thành một ẩn dụ để những người theo trường phái tự do nói về vai trò của chính phủ đối với nền kinh tế. Theo họ, chức năng của chính phủ chỉ là khuyến khích và duy trì thị trường tự do chứ không can thiệp vào thị trường.

Vào những năm 1980 và đặc biệt sau khi hệ thống các nước cộng sản sụp đổ vào thập niên 90, tư tưởng laissez-faire đó đã thống trị toàn cầu và tưởng như đã trở thành một chân lý bất biến.

Nhưng, tư tưởng duy thị trường đó lại không giải thích được một cách trọn vẹn nhiều hình mẫu trong thực tiễn. Tại sao Trung Quốc với rất nhiều doanh nghiệp nhà nước (SOE) là trụ cột của nền kinh tế lại vẫn phát triển với tốc độ chóng mặt?

Tại sao các nước Đông Á vẫn làm nên những "sự thần kỳ" cho dù chính phủ tham gia sâu vào quá trình định hướng thị trường, thao túng doanh nghiệp? Và thậm chí, ngay cả những mô hình hoàn toàn phi thị trường như Liên Xô cũng có những giai đoạn dài trong lịch sử phát triển rất mạnh mẽ?

Với chỉ 300 trang, cuốn sách: The paradox of catching up của tác giả Litan với bản dịch tiếng Việt là Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp đã nỗ lực tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên. Cuốn sách tư duy lại mô hình phát triển kinh tế dựa vào nhà nước, lý giải sự ưu việt cũng như giới hạn không thể vượt qua của nó.

"Lợi thế của sự lạc hậu"

Tác giả Litan đã sử dụng Lý thuyết chi phí giao dịch của nhà kinh tế học Ronald Case để lý giải lợi thế của các nền kinh tế dựa vào nhà nước trong quá trình phát triển.

Theo lý thuyết này, "luôn tồn tại chi phí thực hiện các trao đổi trên thị trường". Nghiên cứu của các nhà kinh tế học sau này đã chỉ ra rằng "chi phí giao dịch chiếm gần một nửa thu nhập quốc dân của nền kinh tế Mỹ".

Nói cách khác, người mua kẻ bán không thể đơn giản gặp nhau và tự nguyện trao đổi với chi phí giao dịch bằng không (0) như lý thuyết tân cổ điển đơn giản hóa. Nền kinh tế càng phát triển càng đòi hỏi các giao dịch nhằm "bôi trơn" để thị trường vận hành, ví dụ như các ngành ngân hàng, bảo hiểm, luật, quảng cáo, bán lẻ…

Trong những nền kinh tế phát triển trước như Anh, Mỹ, các doanh nghiệp phải tự mày mò phát triển và tìm thị trường. Những ngành công nghiệp mới, những sản phẩm mới, thị trường mới nảy sinh từ quá trình "tự thân vận động" của doanh nghiệp.

Quá trình dài nhiều gian nan này là tiền đề để nảy sinh các dịch vụ giao dịch hỗ trợ, ngược lại, các dịch vụ giao dịch cũng tác động ngược, bôi trơn để quá trình phát triển công nghiệp diễn ra xuôi chèo mát mái hơn.

Nhưng, các quốc gia phát triển sau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc và cả Liên Xô cũ, không nhất thiết phải tự thân vận động để tìm kiếm các ngành công nghiệp mới, thị trường mới. Do lợi thế thông tin của các nước phát triển sau, chính phủ của họ đã "nghiên cứu các mô hình phát triển công nghiệp của các nền kinh tế đi trước để áp dụng vào quá trình sản xuất của nước mình".

Đó chính "là lợi thế của sự lạc hậu", là nguyên nhân quan trọng khiến các quốc gia này dù dựa vào nhà nước để định hình nền kinh tế vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ.

Vật cản: sự kém phát triển của khu vực phi sản xuất

Sự lạc hậu, như Litan đã viết, có lợi thế của nó. Các quốc gia đi sau, nhờ "tương tác thường xuyên và trực tiếp với các thị trường phát triển của thế giới" (xét về cả đầu vào là mô hình lẫn đầu ra là xuất khẩu), đã rút ngắn được giai đoạn công nghiệp hóa xuống còn vài chục năm thay vì vài trăm năm như những nước tiên phong.

Tuy nhiên, quá trình đi tắt đón đầu này cũng tạo ra một rào cản mang tính thể chế trên con đường chinh phục vị trí lãnh đạo của các nền kinh tế này. Sự phát triển tắt dựa vào việc nhà nước định hướng, định hình đã tạo ra sự bất cân xứng giữa hai khu vực sản xuất và dịch vụ giao dịch. Trong khi khu vực sản xuất phát triển mạnh nhờ học theo mô hình các nước đi trước thì khu vực phi sản xuất lại lẹt đẹt.

Chính sự kém phát triển của khu vực phi sản xuất đã "đóng vai trò kìm hãm sự phát triển của thị trường trong nước, cản trở khả năng tạo ra sự đổi mới cơ bản trong cuộc chạy đua giành vị trí dẫn đầu về kinh tế".

Ví dụ, luật pháp về quyền sở hữu trí tuệ kém không thể tạo ra đòn bẩy khuyến khích cần thiết để những phát minh, sáng chế, sáng tạo mang tính đột phá ra đời. Theo tác giả Litan thì sự bất cân xứng này khiến các quốc gia đi sau không thể vượt lên để dẫn dắt nền kinh tế thế giới thay thế Mỹ, Anh hay Đức được.

Phát triển, nhưng không tạo ra cách mạng

Khung lý thuyết thứ hai mà Litan đã dùng để lý giải sự nhảy vọt cũng như điểm tới hạn của các nền kinh tế dựa vào nhà nước là lý thuyết Tiến hóa hay lý thuyết Tân Schumpeter.

"Sự thần kỳ châu Á", đối với Litan, mang lại phát triển và thịnh vượng nhưng không tạo ra những cuộc cách mạng về văn minh,
vì châu Á thiếu những doanh nhân cách mạng.
Nguồn: stuckincustoms.com

Lý thuyết này khái quát sự phát triển của nền kinh tế thế giới như một quá trình năng động, từ "mô hình kinh tế - công nghệ cũ sang mô hình kinh tế - công nghệ mới".

Ví dụ, làn sóng công nghệ thứ nhất vào cuối thế kỷ 18 ở nước Anh là dệt may và sản xuất than. Làn sóng công nghệ thứ hai giữa thế kỷ 19 là đột phá về đầu máy hơi nước, đường sắt. Làn sóng thứ ba là điện lực, luyện thép, cơ khí nặng diễn ra đầu tiên ở Hoa Kỳ và Đức.

Làn sóng thứ tư khởi nguồn ở Hoa Kỳ là sáng chế trong công nghiệp ôtô, hàng không và tự động hóa, sản xuất hàng loạt… Làn sóng mới nhất là cuộc cách mạng thông tin: máy tính, Internet, điện thoại di động…

Quá trình phát triển của mô hình kinh tế - công nghệ này được thúc đẩy bởi hai quá trình nhỏ hơn là đổi mới cơ bản và đổi mới tiệm tiến. Đổi mới cơ bản là những thay đổi công nghệ mang tính cách mạng, bước ngoặt, tạo ra động lực chính và dẫn tới sự phát triển lên tầm mới của nền kinh tế thế giới.

Đổi mới tiệm tiến, ngược lại, chỉ mang tính tiến hóa, giúp phát tán các đổi mới cơ bản tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế thông qua bắt chước và thích nghi.

Dễ thấy các quốc gia đi sau và dựa vào nhà nước như nhóm Đông Á, Trung Quốc đều bắt chước và thích nghi với công nghệ nhiều hơn là có những phát minh mang tính cách mạng. Hay nói cách khác, các nước đi sau chỉ có những đổi mới tiệm tiến chứ không tạo ra được sự đổi mới cơ bản sang hẳn một làn sóng công nghệ mới như Anh, Mỹ, Đức đã làm được.

Biết đâu, khi thế giới "phẳng" hơn nữa, những Bill Gates hay Steve Jobs
sẽ xuất hiện ở những nơi không phải là nước Mỹ
Nguồn: gizmodo.com

Nguyên nhân là do mô hình phát triển dựa do nhà nước định hình không tạo ra được môi trường năng động, cởi mở và khuyến khích cần thiết để có những đột phá mang tính cách mạng.

Ở các quốc gia phát triển sau dựa vào nhà nước, không có những doanh nhân anh hùng tạo ra cả một nền công nghiệp như Rockefeller, Henry Ford, Thomas Edison, Bill Gates… mà chỉ thấy những nhà lãnh đạo nhà nước như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình, Pak Chung Hee, Mahathir Mohamad…

Các nhà lãnh đạo đã chỉ ra con đường phát triển "từ trên xuống" chứ không phải những doanh nhân dám nghĩ dám làm đã tạo ra sự thay đổi "từ dưới lên".

Theo tác giả, không thể có những doanh nhân anh hùng trong một thể chế mà dịch vụ giao dịch không phát triển và nhà nước can thiệp sâu vào nền kinh tế. Sự tham dự của nhà nước đã giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và bắt chước công nghệ, tạo ra sự thần kỳ trong phát triển nhờ tận dụng lợi thế thông tin của nước đi sau. Nhưng, đó lại là rào cản trong quá trình vươn lên vị trí dẫn đầu. Đó là nghịch lý của chiến lược đuổi kịp.

Nghịch lý của chiến lược đuổi kịp giải thích sự phát triển đột phá của các quốc gia Đông Á, Trung Quốc nhưng cũng lý giải tại sao Nhật Bản trong quá khứ và cả Trung Quốc của tương lai khó có thể vượt qua Mỹ với thể chế hiện tại.

Nhưng một câu hỏi đặt ra sau khi ta gấp cuốn sách lại: Liệu khi thế giới trở nên phẳng hơn nữa, xã hội mở hơn nữa và toàn cầu hóa diễn ra sâu rộng hơn nữa theo một chuẩn mực chung, thì những rào cản về mặt thể chế kia có bị san bằng hay không? Biết đâu, khi đó lại có một Bill Gates hay Steve Jobs ra đời ở một quốc gia nào đó - không phải Mỹ?

  • Khánh Duy

1 nhận xét:

  1. Thía là bít tên thật của Thinker rùi nhé, hihi…
    Thinker vít nhìu vào nha, ngày nèo cũng vào blog Thinker xem có gì mứi hốc mừ hốc có gì mứi, chán wé…

    Trả lờiXóa