http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5289/index.aspx
Khủng hoảng tài chính 2008 dưới góc nhìn George Soros
Trong cuốn sách mới được xuất bản tại Việt Nam “Mô thức mới cho thị trường tài chính”, nhà đầu cơ tài chính George Soros đã lý giải cuộc khủng hoảng hiện nay dưới một góc nhìn khái quát nhưng cũng rất cụ thể từ trải nghiệm của người trong cuộc.
Một bài báo phê phán George Soros đăng trên tờ Jewish World Review đã mở đầu bằng một câu chuyện hài hước thế này:
“Trong một bộ phim, diễn viễn Peter Sellers đã thủ vai một nhân vật mà chúng ta không biết dùng từ nào để diễn tả hợp hơn từ “tâm thần có vấn đề”. Thế mà, người ta lại cứ coi ông ta như một thiên tài. Trong cuộc họp báo, phóng viên hỏi ông nghĩ gì về đất nước Trung Quốc. Thiên tài trầm ngâm, cúi đầu rồi chậm rãi trả lời: “Đất nước Trung Quốc toàn là… người Trung Quốc”. Đám đông phóng viên ở dưới gật đầu lia lịa, tán thưởng trí tuệ của thiên tài và thì thầm với nhau: “Toàn người Trung Quốc, đúng quá rồi”.
Cũng đúng như vậy với người có tiền, khi anh có nhiều tiền, chẳng ai nghĩ anh điên cả. Hoạ chỉ có người nghèo mới điên. Khi một người giàu đến dạ hội với một bộ cánh kỳ quặc thì những người khác sẽ nghĩ rằng chính cách ăn mặc của họ mới không hợp mốt. Câu chuyện này làm ta nghĩ đến George Soros…”
Sự thật là Soros có quá nhiều tiền, năm 2004, ông đứng thứ 24 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, tài sản của ông hiện tại khoảng 9 tỉ USD. Và nhà đầu cơ huyền thoại này lại là một kẻ lắm tiền hay “nói”, ông viết đến cả chục cuốn sách từ kinh tế tới chính trị. Tất nhiên, chỉ tên tuổi của nhân vật được coi là “Mozart của thị trường chứng khoán” này đã khiến người ta quan tâm đến những điều ông nói rồi, đặc biệt khi ông nói về tài chính. Và những điều “thiên tài” nói không hề “ngu ngốc” như câu chuyện mỉa mai trên, điều đó thể hiện rõ trong tác phẩm mới nhất của ông “Mô thức mới cho thị trường tài chính.”
“Triết học” của một “triết gia bất thành”
Soros như thường lệ không bắt đầu một cuốn sách bằng cách đi ngay vào vấn đề chính mà ông bắt đầu bằng triết học. Đó là điểm đặc biệt của ông. Soros xây dựng cho người đọc một bộ khung tư duy triết học sau đó mới dùng khuôn mẫu tư duy đó áp vào chủ đề chính, cụ thể trong cuốn sách này là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Khung tư duy của Soros vẫn là một lý thuyết mà ông gọi là “lý thuyết phản thân” (Bản tiếng Việt dịch là “phản hồi” nhưng tôi cho rằng từ “phản thân” hợp lý hơn khi nói đến một mối liên hệ mà một vật có với chính nó). Lý thuyết này cho rằng các hiện tượng xã hội có một cấu trúc khác so với hiện tượng tự nhiên. Trong hiện tượng tự nhiên, người quan sát và hiện tượng độc lập với nhau, diễn trình của hiện tượng không phụ thuộc vào người quan sát. Ví dụ, người quan sát có đứng ở đâu thì trái đất vẫn quay, họ không thể thay đổi thực tế đó.
Nhưng trong hiện tượng xã hội thì ngược lại, người quan sát trực tiếp tác động làm thay đổi hiện tượng chứ không chỉ đơn thuần là nhận thức chúng. Soros gọi đó là “chức năng thao túng”. Ví dụ, Karl Mark cho rằng lịch sử là một quá trình tiếp nối các hình thái kinh tế xã hội, chủ nghĩa tư bản rồi đến chủ nghĩa cộng sản. Khi đó, ông không chỉ dừng lại ở việc nhận thức quá trình thay đổi mà thực chất đã tác động vào quá trình đó. Những người đi sau đã ứng dụng học thuyết của ông để xây dựng chủ nghĩa cộng sản ngay cả ở những quốc gia mà tư bản chủ nghĩa mới manh nha hoặc chưa định hình. Như vậy, con người không chỉ “nhận thức” hiện tượng xã hội mà còn “thao túng” để thay đổi chúng theo nhận thức của mình.
Nhưng nhận thức con người theo Soros luôn không hoàn hảo và “có thể sai” , thậm chí “triệt để sai”. Những nhận thức sai hay ngộ nhận này tác động làm thay đổi hiện tượng xã hội theo những con đường bất định, không đúng với những khung lý thuyết sẵn có mà chúng ta vẫn coi như chân lý. Ví dụ trong lĩnh vực kinh tế học là lý thuyết cân bằng: hành vi con người dựa trên cơ sở thông tin, nhận thức hoàn hảo cho nên giá cả thị trường luôn có xu hướng chạy về điểm cân bằng. Sự thực là nhận thức không hoàn hảo và luôn sai nên “thị trường rời khỏi trạng thái cân bằng với tần suất cũng ngang với chúng tiến lại trạng thái cân bằng ấy”. Khi ấy, thị trường không tuân theo quy luật cân bằng mà tuân theo quy luật bùng-vỡ (boom-bust). Giá cả tăng theo kiểu “bong bóng” rồi nổ tung dẫn tới sụp đổ, phá sản hàng loạt chứ không tự điều chỉnh cân bằng. Đó chính là khủng hoảng và theo Soros thì nhiều cuộc khủng hoảng tài chính đặc biệt là cuộc khủng hoảng hiện nay đã diễn tiến theo mô thức đó.
Mô thức tài chính mới của một “kẻ đầu cơ”
Từ triết học, Soros chuyển bước sang lĩnh vực sở trường của mình là tài chính. Nhân vật được mệnh danh là “RobinHood tài chính” đã lý giải đâu là những ngộ nhận dẫn tới quá trình bùng-vỡ tạo ra cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Theo Soros, quá trình bùng-vỡ này không chỉ là hệ quả của một bong bóng bất động sản như lý giải của các nhà nghiên cứu khác mà còn của một siêu bong bóng kéo dài 25 năm qua. Mọi bong bóng đều bao gồm một xu thế chủ đạo và một ngộ nhận chủ đạo tương tác với nhau theo kiểu phản thân.
Như nhiều nhà quan sát khác, Soros cho rằng xuất phát điểm trực tiếp tạo ra cuộc khủng hoảng hiện nay là sự hình thành của bong bóng trên thị trường bất động sản Hoa Kỳ. Bong bóng này là kết quả của xu hướng chủ đạo là việc FED hạ lãi suất liên tục xuống còn 1% để kích thích nền kinh tế sau khi bong bóng công nghệ nổ năm 2000 và sự kiện 11 tháng 9 năm 2001. Lãi suất thấp cho tới giữa năm 2004 đã tạo ra bong bóng bất động sản quy mô lớn.
Tín dụng lỏng và rẻ đã khiến người đi vay “nô nức” vay còn kẻ cho vay thì tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận bằng cách nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay thế chấp. Người có “xếp hạng mức độ tín dụng kém cũng dễ dàng vay được tiền mua nhà” (các khoản vay dưới chuẩn). Những người có ít hoặc không có giấy tờ chứng minh thu nhập thậm chí không thu nhập, không nghề nghiệp, không tài sản, cũng có thể vay để mua nhà với tài sản thế chấp là chính căn nhà đó. Cầu nhiều tất giá nhà đất càng được đẩy lên theo kiểu “bong bóng”, dẫn tới hiện tượng đầu cơ tràn lan. Đa số “con bạc” trong cuộc chơi này đều ngộ nhận rằng: “giá trị của tài khoản cầm cố nhà đất đó không bị ảnh hưởng bởi sự sẵn lòng cho vay”. Giá vẫn lên và tất cả “vẫn phải đứng dậy và tiếp tục khiêu vũ” theo lời chủ tịch CitiBank Chuck Prince. Ngộ nhận rằng giá trị tài sản cầm cố không thể suy giảm với độ mở tín dụng như vậy đã khiến người ta lao vào một cuộc chơi bùng nổ rồi vỡ tan chứ không quay về điểm cân bằng.
Điểm khác biệt hơn trong lý giải của nhà tài chính đã 78 tuổi Soros là ở chỗ ông đã phóng chiếu một tầm nhìn rộng hơn về một bong bóng khác mà ông gọi là siêu bong bóng. Bong bóng này là sự phình đại tín dụng mang tính toàn cầu, bãi bỏ những quy định kiểm soát thị trường chặt chẽ và “nảy nòi” ra hàng loạt những “phương pháp và công cụ tài chính mới, tinh vi đễn nỗi giới điều tiết cũng mất luôn khả năng tính toán những rủi ro đi kèm.” Là “người trong chăn” của giới tài chính, Soros quá thấu hiểu và đưa ra những thông tin rất cụ thể về những công cụ tài chính phức tạp, đan xem nhau đã góp phần tạo ra cuộc khủng hoảng dây chuyền ở phố Wall.
Các ngân hàng cho vay thế chấp bất động sản đã tối thiểu hóa rủi ro của họ bằng cách đóng gói chúng lại thành những chứng khoán có tên gọi giấy nợ có thế chấp (CDOs). Các CDOs này được bán lại cho các nhà đầu tư và trở thành một “cơn cuồng” từ năm 2005. Hơn thế nữa, các quỹ đầu tư phòng hộ (hedge fund) lại bước vào thị trường bảo hiểm cho các CDOs này theo các hợp đồng hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDSs), một hình thức bảo hiểm trong trường hợp xảy ra vỡ nợ. Rồi khi giá trị của những CDOs bị nghi ngờ, các ngân hàng đầu tư lại đưa chúng ra khỏi bảng cân đối tài sản và đưa vào những công cụ đầu tư kết cấu (SIVs). Các SIVs cung cấp tài chính cho các khoản đầu tư này bằng cách phát hành những thương phiếu được đảm bảo bằng tài sản… Các công cụ tài chính phức tạp mới được phát minh lại dựa trên một cơ sở thiếu lành mạnh là việc cho vay thế chấp địa ốc dưới chuẩn, tất cả đã dẫn tới sự sụp đổ của các “ông lớn” ở phố Wall.
Soros cho rằng, siêu bong bóng hình thành dựa trên xu hướng chủ đạo là những công cụ tín dụng ngày càng mở rộng và phức tạp hơn. Ngộ nhận chủ đạo ở đây là sự tin cậy thái quá vào cơ chế thị trường. “Chủ nghĩa thị trường đã trở thành một tín điều thống trị Hoa Kỳ vàơ năm 1980 khi Ronald Reagan trở thành tổng thống Hoa Kỳ và Margaret Thatcher trở thành thủ tướng Anh.” Theo Soros thì chủ thuyết này sai lầm ở chỗ nghĩ rằng thị trường luôn hoàn hảo và trở về cân bằng. Nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại ở thị trường tài chính, nếu cứ để mặc cho thị trường phát triển với những phương pháp và công cụ tinh vi của nó thì tất yếu “sẽ đi tới những trạng thái cực đoan” như cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
George Soros đã khá “đáng yêu” khi thừa nhận rằng mặc dù lý thuyết của ông đã được công bố nhiều năm nhưng “không được giới hàn lâm coi là nghiêm túc”, và “chính tôi cũng nghi ngờ không hiểu những điều tôi nói có mới và ý nghĩa hay không?” Ảnh hưởng bởi triết học Popper, Soros khiêm tốn nhận định “chân lý tối hậu nằm ngoài tầm với của con người” và những suy nghĩ của ông “không phải là kết luận mà chỉ là sự khởi đầu.”
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét