“Dầu mỏ”: “Tam Quốc diễn nghĩa” thời hiện đại
1200 trang sách với hàng trăm nhân vật được miêu tả trong suốt gần 150 năm lịch sử, từ khi những giọt dầu đầu tiên được khai thác ở Pennsylvania nước Mỹ cho tới cuộc chiến Iraq xâm lược Côoét. Tác phẩm “Dầu mỏ - Tiền bạc và Quyền lực” của tác giả Daniel Yergin do công ty sách Alpha xuất bản có tầm vóc của một “Tam quốc diễn nghĩa” thời hiện đại.
Kỳ I: Kỷ nguyên của những người anh hùng
Toàn bộ thế kỷ 20 được coi là kỷ nguyên Dầu mỏ. Cuộc chiến tìm kiếm và chiếm giữ nguồn “vàng đen” này đã tạo ra những nhân vật anh hùng và chính họ lại làm biến đổi kỷ nguyên ấy theo những con đường khác biệt hoàn toàn so với bất kỳ giai đoạn nào trước đó.
“Tam Quốc Diễn Nghĩa” của Daniel Yergin
Câu chuyện mở đầu ở “một vùng đồi núi xa xôi phía tây bắc bang Pennsylvania” những năm 1850, nơi người ta nhìn thấy “một loại vật chất tối màu và nặng mùi trên mặt các con suối và nhánh sông.” Loại vật chất ban đầu chỉ được người dân ở đây dùng để làm thuốc và thắp sáng. Một người đàn ông nhạy bén với cơ hội kinh doanh có tên George Bissell đã nảy ra ý tưởng khai thác loại vật chất này với khối lượng lớn để bán như một loại dầu thắp sáng. Ý tưởng bị những người xung quanh nhạo báng này đã đặt nền móng cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới trong lịch sử loài người - kỷ nguyên dầu mỏ. Và ngay cả cha đẻ của kỷ nguyên ấy, George Bissell, cũng không thể ngờ rằng thứ vật chất mà ông chỉ nghĩ rằng dùng để thắp sáng đó, đã vĩnh viễn thay đổi cuộc sống và vận mệnh của biết bao cá nhân, công ty và quốc gia trên khắp địa cầu.
Tác phẩm “Dầu mỏ” khởi đầu nhẹ nhàng như vậy nhưng toàn bộ cuốn sách dày như một quyển từ điển này thì hoàn toàn ngược lại. Xuyên suốt tác phẩm là cuộc chiến không khoan nhượng giữa 3 thế lực trụ cột nhằm kiểm soát dầu mỏ: đó là các công ty dầu lửa, các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn và các cường quốc. Tương tự như ba nước Ngụy, Thục, Ngô trong “Tam Quốc diễn nghĩa” tranh giành đất đai và quyền lực, ba thế lực trong “Dầu mỏ” cũng xung đột liên tục trong suốt hơn một thế kỷ để tranh giành dầu mỏ - thứ vật chất có thể mang lại tiền bạc và quyền lực tối thượng cho những người sở hữu nó.
Nếu như “Tam quốc diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết sử thi nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc thì “Dầu mỏ” như lời bình luận của các tờ báo phương Tây là “thiên sử vĩ đại nhất thế kỷ 20”. Điểm khác nhau chỉ là “Dầu mỏ” không phải là một tác phẩm có ít nhiều hư cấu như Tam Quốc. Cuốn sách ngập tràn những thông tin và dữ liệu chính xác về lịch sử và tác giả của nó đã thể hiện rõ đẳng cấp của một học giả đoạt giải Pulitzer bởi tầm hiểu biết, khả năng tổng hợp và phân tích “siêu đẳng” các biến cố lịch sử phức tạp.
Nhân vật lịch sử: đã chết mà như đang sống
Không phải là một cuốn biên niên sử với những con số và ngày tháng khô khan, cuốn sách của Daniel sống động với những nhân vật được miêu tả đậm chất sử thi và mang tính “anh hùng” như những nhân vật trong Tam Quốc. Vua dầu mỏ Rockefeller, thủ tướng Anh Churchill, trùm phát xít Đức Hitler, tổng thống Bush cha và nhà độc tài Saddam Hussein, tất cả hiện lên trong cuốn sách bằng những nét khắc độc đáo rất “con người”.
Trùm dầu mỏ Rockefeller được nhắc tới nhiều nhất trong cuốn sách. Người đã sáng lập nên đế chế dầu mỏ Standard Oil này được miêu tả là một nhà doanh nghiệp đa nghi, lạnh lùng và khôn ngoan đến nỗi “khi mới ra đời, hẳn ông ta đã 100 tuổi.” Tuy là người giàu nhất nước Mỹ thời bấy giờ nhưng ông vẫn “duy trì tính căn cơ kỳ lạ”, “kiên quyết mặc những bộ comple cũ cho tới khi chúng sờn rách”. Thế mà, nhà tư bản bị người cùng thời nguyền rủa là tàn nhẫn và vô cảm ấy lại dành “số tiền lẻ” của mình để làm từ thiện lên tới 550 triệu đôla, trong đó có việc sáng lập ra đại học Chicago danh tiếng nhưng “từ chối việc đặt tên mình cho bất kỳ ngôi nhà nào trong trường.”
Tổng thống Bush cha lập nghiệp từ ngành dầu mỏ. Ông chủ dầu mỏ sau này thành người đứng đầu nước Mỹ, đã từng “làm những công việc nhỏ nhất của một nhân viên tập sự, từ sơn các thiết bị bơm dầu cho đến phụ trách bán hàng, lăn lộn khắp nơi để hỏi khách hàng cần mũi khoan cỡ nào, loại đá nào…” Xuất thân từ dòng dõi quý tộc và tốt nghiệp Đại học Yale nhưng Bush cha đã “từ chối một công việc đúng chuyên môn” để “thành lập một công ty dầu cùng với những người trẻ tuổi tham vọng và khao khát kiếm tiền.” Thấu hiểu “chân tơ kẽ tóc” của ngành dầu mỏ đã khiến Bush cha có những quyết định nhanh chóng và cứng rắn ngay khi Iraq xâm lược Côoét vào năm 1990.
Saddam Hussein được nhắc tới như một nhà độc tài với những quyết định sai lầm đã huỷ hoại dân tộc Iraq và gây ảnh hưởng tới nền công nghiệp dầu lửa thế giới. Chào đời năm 1937, tính cách Saddam được “hình thành trong môi trường chủ nghĩa dân tộc cực đoan” và bởi “nền văn hóa quê nhà Tikit, một vùng đất xa xôi hẻo lánh, nằm trên sa mạc khắc nghiệt. Người Tikrit đề cao giá trị của những quy luật sinh tồn trên sa mạc. Đó là sự đa nghi, yếu tố bất ngờ, và sử dụng vũ lực để đạt mục đích.” Môi trường đó là nguyên nhân biến Saddam trở thành một nhà lãnh đạo chuyên chế bậc nhất với âm mưu bá chủ thế giới dầu mỏ ở Trung Đông.
Nhiều nhân vật có vai trò quan trọng khác trong sân khấu dầu mỏ được mô tả rất đắt và hài hước. Thủ tướng Iran Mohammed Mossadegn, người đã quốc hữu hóa các công ty dầu lửa nước ngoài tại Iran những năm 50, là người lập dị đến nỗi luôn “mặc pijama và nằm dài trên giường” mỗi khi tiếp những nhân vật ngoại quốc quan trọng. Ông này còn là một “diễn viên chính trị” vĩ đại, cứ “đến đỉnh điểm của mỗi bài diễn văn là ông lại ngất.” Người sáng lập ra tập đoàn danh tiếng Shell, Marcus Samuel, đặt tên công ty như vậy bởi cha ông là người “buôn vỏ sò”, thương gia nhiều ý tưởng này lại đặc biệt đến nỗi “không tin vào khái niệm chi phí quản lý doanh nghiệp” bởi “điều hành công ty từ một văn phòng nhỏ” và “gần như chẳng có nhân viên nào.” Calouste Gulbenkian, người đã có công tạo lập chỗ đứng cho công ty dầu mỏ Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông sau chiến tranh thế giới thứ nhất, là người đa nghi quá mức, khi về già đã thuê “hai nhóm bác sỹ khác nhau để có thể kiếm tra chéo”, chính ông này cũng “luôn có ít nhất một người tình dưới 18 tuổi ngay cả khi đã 80 tuổi.” Thế giới nhân vật trong Dầu mỏ đa dạng từ những nguyên thủ quốc gia, các chủ tịch tập đoàn cho tới những kẻ giang hồ, nhưng tất cả đều mang trong đầu một tham vọng chung, đó là kiếm tìm thứ vật chất có thể tạo ra tiền bạc và quyền lực vô hạn: dầu mỏ.
Kỳ 2: Thời đại của những cuộc xung đột
Kỷ nguyên Dầu mỏ là một thế kỷ xung đột kéo dài giữa ba nhóm thực thể chính tạo nên bức tranh dầu mỏ toàn cầu: các cường quốc, các nước xuất khẩu dầu mỏ và các công ty dầu mỏ. Những câu chuyện tưởng như đã là quá khứ vẫn nóng hổi hơi thở hiện tại bởi những diễn biến lịch sử vẫn đang ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới ngày nay.
Xung đột lịch sử : quá khứ mang hơi thở hiện tại
Trước nhất phải nhắc tới cuộc đấu tranh giữa các cường quốc xung quanh nguồn tài nguyên có vai trò chi phối sức mạnh quân sự và kinh tế này. Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quyết định của thủ tướng Anh Churchill “xây dựng sức mạnh hải quân dựa trên dầu mỏ” đã tạo cho quân đội Anh lợi thế nổi bật so với việc sử dụng than đá trước đó. Việc quân đội Đức thất bại trong việc tiếp cận nguồn dầu ở Baku ở thời điểm cuối cuộc chiến đã là “một đòn quyết định”, khiến nước Đức kiệt quệ nguồn năng lượng và đầu hàng sớm. Yếu tố năng lượng đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của phe Đồng minh, dầu mỏ là “huyết mạch của chiến thắng” theo như lời thượng nghị sỹ Pháp Bérenger.
Nhưng chiến tranh thế giới nhất chỉ như một “phép thử” đối với vai trò của dầu mỏ trong cuộc tranh giành quyền lực. Trong thế chiến thứ hai, dầu mỏ mới thực sự là yếu tố then chốt trong chiến lược, chiến thuật của các nước lớn cũng như đóng vai trò quan yếu vào chiến thắng của phe đồng minh. Người đọc sẽ phát hiện ra những mốc lịch sử quan trọng lại xuất phát từ nguyên nhân dầu mỏ. Quân đội Nhật phải tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng bởi muốn ngăn chặn bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ khi Nhật chiếm những mỏ dầu ở Đông Ấn. Quân Đức phải tấn công Liên Xô bất chấp hiệp định giữa Stalin và Hitler trước đó bởi muốn chiếm mỏ dầu ở Baku. Tuy nhiên, âm ưu chiếm dầu của Hitler thất bại, đẩy phe Trục vào tình thế thiếu nhiên liệu trầm trọng và sụp đổ. Phe Đồng minh ngược lại với nguồn cung cấp dầu dồi dào từ Mỹ đã ngày càng chiếm ưu thế. Đoạn hay nhất là khi hồng quân Liên Xô tiến vào tới sát bongke của Hitler thì trùm phát xít đã “ra lệnh đổ xăng vào người mình và tự thiêu để không rơi vào tay những người Slav đáng ghét”. “Vẫn còn đủ xăng để thực hiện mệnh lệnh cuối cùng đó” của Hitler.
Cuộc chiến khốc liệt thứ hai phải nhắc tới là giữa các công ty dầu lửa và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Khởi đầu là các nhà tư bản dầu lửa phương Tây tìm cách đạt được các thoả thuận nhượng quyền khai thác với các quốc gia Trung Đông bằng cách trả một khoản tiền nhất định ban đầu. Giai đoạn khởi đầu đó, khi các nước Trung Đông chưa hiểu gì về dầu mỏ, những khoản tiền như vậy đã có thể coi là hợp đồng béo bở. Nhưng khi đã nhận thấy sức mạnh khủng khiếp của dầu mỏ, các nước xuất khẩu dầu mỏ bắt đầu quá trình “ép ngược” các tập đoàn dầu khí phương Tây. Đầu tiên, là các hợp đồng nhượng quyền, sau đó tới những thoả thuận phân chia lợi nhuận ngày càng có lợi cho các nước có dầu, từ 50-50, rồi 60-40, 70-30 và thậm chí 98-2. Đầu tiên, các công ty được trao độc quyền “tự tung tự tác”, sau đó, các quốc gia có mỏ dầu tiến tới “dự phần” tham gia điều hành, cuối cùng là nắm toàn bộ và chỉ thuê các công ty khai thác như những “nhà thầu”. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng hấp dẫn và đỉnh điểm của nó là những lần quốc hữu hóa. Khởi điểm là vào năm 1938 khi tổng thống Mexico Lazaro Cardenas tuyên bố truất hữu các công ty dầu. Tiếp đó là thủ tướng Iran Mossadegh quốc hữu hóa công ty BP của Anh quốc vào năm 1951. Nhưng việc quốc hữu hóa bao giờ cũng là thảm bại cho các nước có dầu bởi sự sụt giảm sản lượng trầm trọng do thiếu công nghệ của phương Tây.
Đặc sắc trong cuộc chiến giữa các công ty và các nước xuất khẩu dầu mỏ là vấn đề giá cả. Ban đầu, các công ty có quyền định giá dầu nhưng nhận thấy giá dầu thấp ảnh hưởng tới lợi nhuận của mình, các nước xuất khẩu dầu mỏ tìm mọi cách tăng giá dầu. Tổ chức OPEC ra đời những năm 60 chính xuất phát từ nhu cầu đoàn kết để kiểm soát giá dầu của các nước xuất khẩu dầu mỏ. Mỗi lần OPEC quyết định tăng giá là mỗi lần nền kinh tế toàn cấu lại chao đảo bởi dầu mỏ đã trở thành “máu” của nhiều ngành công nghiệp.
Cuộc xung đột thứ ba là giữa các cường quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Trong cuộc chiến này, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ đã sử dụng thứ vật chất này như “vũ khí” để tấn công các cường quốc. Tiêu biểu là cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 giữa Ai Cập và Israel. Các nước Trung Đông đã dùng việc “cấm vận, cắt giảm sản lượng và giới hạn xuất khẩu dầu mỏ” để gây sức ép khiến Mỹ, Anh, Nhật và các nước phương Tây khác phải thay đổi thái độ bênh vực Israel của mình. Lệnh cấm vận đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiệm trong những năm 73-74 và “vũ khí dầu mỏ” đã phát huy phần nào tác dụng của nó. Theo lời Kissinger thì, vũ khí dầu mỏ đã “biến đổi thế giới theo một cách không thể khác được.” Đúng như vậy, các cuộc khủng hoảng dầu mỏ dẫn tới khủng hoảng kinh tế ở Phương Tây trong suốt chiều dài lịch sử đều bắt đầu từ những biến đổi trong động thái chính trị của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, mà điển hình là cuộc khủng hoảng 1979-1981 khi vua Iran bị lật đổ bởi nhà lãnh đạo Hồi giáo căm thù phương Tây Ayatollah Khomeini.
Trung Đông với tư cách là rốn dầu của thế giới đã trở thành một khu vực đặc biệt quan trọng xét về mặt địa chính trị. Năm 1990, Saddam Hussein đã sai lầm khi nghĩ rằng có thể “nuốt chửng Côoét và đặt thế giới và sự đã rồi”. Mỗi động thái chính trị ở khu vực tối quan trọng này ngay lập tức sẽ được cộng đồng quốc tế phản ứng tức thời bởi giá dầu quyết định sự thịnh vượng của mọi nền kinh tế. Saddam đã không ngờ rằng thế giới phương Tây và các quốc gia Ả Rập lại bắt tay nhau nhanh tới vậy để ngăn chặn âm mưu của Iraq. Và đúng như lời tổng thống Bush cha: “Cuộc xâm lược sẽ không kéo dài lâu” bởi “công việc của chúng ta, cuộc sống của chúng ta, tự do của chúng ta và các nước bạn bè trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới rơi vào tay Saddam Hussein.”
Bài học nhỏ từ lịch sử dài những thăng trầm
Vào năm 1986, trong một cuộc đối thoại ở trường Đại học Havard, khi được một giáo sư hỏi về quá trình xác lập chính sách năng lượng của ArâpXêút, Yamani, vị bộ trưởng năng lượng xuất chúng của quốc gia này đã “trả lời không hề do dự”: “chúng tôi tuỳ cơ ứng biến.”
Khán giả cười ồ lên, nhưng chỉ một câu trả lời đó đã cho thấy tính chất lên xuống, bất định, bất thường của ngành công nghiệp dầu lửa thế giới trong suốt thế kỷ 20. Giá dầu lên rồi lại xuống, sản lượng tăng vọt rồi bị siết lại, nguồn cung thiếu hụt rồi lại dư thừa, hạn ngạch áp đặt rồi lại xóa bỏ, toàn bộ tác phẩm Dầu mỏ vẽ lại đồ thị hình sin của những thăng trầm như thế trong suốt hơn một trăm năm lịch sử.
Tuy nhiên, “Dầu mỏ” không chỉ là một cuốn biên niên sử chi tiết về ngành công nghiệp dầu lửa, mà đúng như Chicago Tribune Book World bình luận: “Yergin viết về lịch sử thế giới từ quan điểm dầu mỏ.” Cuốn sách như một cuốn cẩm nang về lịch sử chính trị và kinh tế của thế kỷ 20 với ngập tràn những số liệu và phân tích từ vi mô tới vĩ mô. Sự đồ sộ của tác phẩm và những kiến giải uyên thâm của tác giả tạo ra ấn tượng mạnh với người đọc.
Nhưng, điều đọng lại cuối cùng của tác phẩm với nhiều người có lẽ lại không phải là tầm khái quát khủng khiếp của tác giả trên suốt chiều dài lịch sử, mà lại là khả năng kể lại những tích truyện ngắn, nhỏ, nhiều ý nghĩa. Giống với Tam quốc diễn nghĩa, hay nhất trong tác phẩm là các đoạn kể về cuộc đời các vĩ nhân, ở đây là vĩ nhân trong sân khấu dầu mỏ thế giới. Dù là chính khách, doanh nhân hay những kẻ giang hồ, họ đều hiện lên mạnh mẽ, kiên định, quyết liệt, mưu lược và đầy tham vọng. Trong thế giới của những bất ổn và mưu toan tìm kiếm tiền bạc và quyền lực, đó chính là những phẩm chất để thành công. Đúng như Rockefeller đã viết trong bức thư khiển trách ban giám đốc Standard Oil:
“Chúng ta phải là những con người tháo vát, dám đương đầu với bất kỳ định mệnh nào. Phải tiến tới, phải theo đuổi, phải học cách nỗ lực và chờ đợi…”
Đó là bài học nhỏ hay nhất rút ra từ lịch sử dài đầy những thăng trầm trong “Dầu mỏ” .