Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Bữa cơm gà với “trùm khủng bố” ở Palestine






Cuối cùng thì “tên khủng bố” cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, ngay ở cổng biệt thự của ông ở vùng ven thành phố Jericho. Xộc xệch trong chiếc áo phông xanh da trời và chiếc quần kaki đã cũ, Abu Sharif chào đón nhóm nhà báo Việt Nam bằng một nụ cười hài hài và hiền hiền trông rất giống Mr Bean….

Bassam Abu-Sharif. Thử google cái tên ấy, kết quả tìm kiếm bạn nhận được sẽ rất nhiều. Tiểu sử của ông trên Wikipedia, những bài trả lời phỏng vấn trên BBC, New York Times, Al Jazeera, những cuốn sách do Bassam viết trên Amazon… Một núi thông tin dễ khiến những người muốn tìm hiểu về ông nản lòng…

Vậy Bassam Abu-Sharif thực chất là ai? Đơn giản thế này, chúng tôi tạm giở cuốn sách “Arafat và giấc mơ của Palestine” mà Đại sứ Saadi đã tặng trước đó và dịch nguyên văn câu mở đầu ngay trên bìa gấp: “Bassam Abu Sharif là một trong những tên khủng bố khét tiếng và nguy hiểm bậc nhất trên thế giới vào những năm 60 và 70 của thập kỷ này….”

“Hôm nay, chúng ta sẽ tới nhà ăn cơm với Abu Sharif. Có bể bơi ở đó, các bạn có thể mang theo đồ bơi nếu muốn.” Đại sứ Saadi dặn dò. Đến nhà “trùm khủng bố” để ăn cơm và ....“bơi”. Thì đi, “In Sha’allah, Ma’alesh”, chúng tôi đã học được mấy câu cửa miệng của người Arập: “Nếu thánh Allah cho phép, không sao cả.”

Cuối cùng thì “tên khủng bố” cũng hiện ra trước mắt chúng tôi, ngay ở cổng biệt thự của ông ở vùng ven thành phố Jericho. Xộc xệch trong chiếc áo phông xanh da trời và chiếc quần kaki đã cũ, Abu Sharif chào đón nhóm nhà báo Việt Nam bằng một nụ cười hài hài và hiền hiền trông rất giống Mr Bean.

“Abu Sharif là một người tôi vô cùng kính trọng về tinh thần đấu tranh, ông từng là cố vấn thân cận của Chủ tịch Arafat. Có những thời điểm ông được coi là nhân vật số 2 để thay thế Chủ tịch Arafat trong Tổ chức giải phóng Palestine PLO.” Đại sứ Saadi Salama giới thiệu.

Trùm khủng bố. Cố vấn cho Chủ tịch Arafat. Nhân vật số 2. Quá nhiều danh xưng và chúng tôi bắt đầu rối trí và tò mò về người đàn ông này. Chưa hết, Đại sứ Saadi lại dặn riêng tôi: “Chút nữa phỏng vấn, nhớ hỏi tại sao ông lại từ bỏ việc học ở Đại học Mỹ để đi theo con đường cách mạng nhé.” Cùng lúc, trợ lý của Abu Sharif đã đi xuống mang theo một chồng sách tặng chúng tôi, mỗi người hai cuốn với tựa “Điều đẹp nhất của những kẻ thù” và “Arafat và giấc mơ của Palestine.”

“Abu Sharif viết trực tiếp bằng tiếng Anh đấy, cả hai cuốn. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng. Ông từng đóng vai trò “Bộ trưởng Tuyên truyền” trong Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine PFLP.” Đại sứ Saadi giới thiệu tiếp.

Học giả lớn. Nhà cách mạng. “Bộ trưởng” nữa. Lại thêm những danh xưng nữa cho Abu Sharif. Quá nhiều để không biết gọi ông là gì? Chúng tôi liếc nhanh hai cuốn sách của Abu và đập vào mắt là một câu ghi ngay trên bìa của cả hai cuốn: “Người đàn ông này từng được tạp chí TIME gọi bằng cái tên “Gương mặt Khủng bố””

Rốt cục, “Gương mặt Khủng bố” cũng thanh thản ngồi xuống cạnh chúng tôi vẫn với nụ cười của Mr Bean, rất hài hước và hiền lành. Chỉ cho đến khi quan sát kỹ gương mặt ấy, chúng tôi mới thấy những dấu vết của “khủng bố” theo đúng nghĩa đen của nó. Gương mặt Abu Sharif đen sạm, lỗ chỗ, một con mắt bất động hoàn toàn và tai bên phải gắn kèm một nút nhựa trắng, có thể đó là chiếc máy nghe điếc.

“Tôi vẫn làm việc ít nhất 15 tiếng một ngày với chỉ một mắt mà chính xác ra là nửa mắt, và một tai chỉ có thể nghe được bằng nửa tai.” Abu Sharif tâm sự.

Người đàn ông chỉ còn “nửa mắt và nửa tai” bắt đầu nói bằng một thứ tiếng Anh sôi nổi, rõ ràng, chuẩn mực và cực kỳ logic. Dưới cặp kính nâu, không còn đôi mắt tinh anh nữa nhưng từ con người thương tật đầy mình ấy vẫn toát ra một “charisma”, một thần thái cuốn hút và hấp dẫn người khác của lãnh tụ.

“Nguy hiểm hơn bom tấn”


Năm 1967, Abu Sharif tốt nghiệp thạc sỹ tại Trường Đại học Mỹ ở Beirut, Lebanon. Đó cũng là thời điểm Israel chiếm đóng Jerusalem, Bờ Tây, Gaza, Sinai và Cao nguyên Golan. Dù đã có học bổng tới Canada, Abu Sharif từ bỏ con đường học thuật để tham gia cách mạng sau khi nhìn thấy những người Palestine tị nạn, “không nhà cửa, không tự do, không quê hương và không phẩm giá” ở Jordan.

“Tấm bằng tiến sỹ không đem đến cho tôi phẩm giá, không mang lại cho tôi Giấy chứng minh là một con người. Tôi quyết định chỉ có một con đường, đó là đấu tranh để giành lại tự do cũng có nghĩa là giành lại phẩm giá. Tôi muốn trở thành một chiến binh giải phóng cho Palestine cũng chính là giải phóng cho bản thân mình, trả lại cho bản thân giá trị của một con người đích thực.”

Abu Sharif bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về giai đoạn thanh niên của ông, giai đoạn ông đã dừng việc học tập để đồng sáng lập Mặt trận dân tộc giải phóng Palestine (PFLP), một tổ chức chính trị theo khuynh hướng Marxist, lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng là nền tảng phân tích.

PFLP đã thực hiện vụ “không tặc” Dawson’s Field chấn động thế giới năm 1970, khi “đánh cắp” đồng loạt 5 máy bay khởi hành từ các địa điểm ở Châu Âu và Trung Đông tới New York. Các máy bay này và con tin được đưa đến một địa điểm trên sa mạc ở Jordan, 310 con tin được thả ngay sau đó nhưng phi hành đoàn và các hành khách Do Thái gồm 56 người đã bị giữ lại. Abu Sharif lúc đó đóng vai trò Bộ trưởng Thông tin của PFLP đã ra tuyên bố: mục tiêu của cuộc không tặc này là “buộc Israel phải thả những tù nhân chính trị đang bị giam giữ để đổi lấy các con tin.”

Vụ không tặc đình đám này đã chụp lên đầu Abu Sharif cái mũ “Gương mặt khủng bố”. Không chỉ thế, vào một buổi sáng của năm 1972, một bưu kiện được gửi đến cho Abu Sharif. Ông mở nó ra và run lên vì mừng rỡ. Trong bưu kiện là cuốn sách về người anh hùng cách mạng Che Guevara của Châu Mỹ, một cuốn sách Abu Sharif đã chờ đợi biết bao lâu để đọc nó. Nhưng ông vừa mới lật trang thì phát hiện cuốn sách được khoét rỗng, bên trong chứa hai tuýp thuốc nổ màu nâu.

“Khoảnh khắc tiếp nối, tôi như cảm thấy bị rơi vào căn hầm sâu hút và tối tăm của sự im lặng kinh hoàng. Tôi nghĩ mình đang chết. Tôi cảm thấy cái gì đó ẩm ướt đang chảy ròng trên khuôn mặt và bàn tay tôi, đó là máu. Tôi cảm thấy con ngươi mắt phải của mình đang lủng lẳng dưới má như một giọt nước mắt to. Tôi chết lặng đi và sau đó là một cơn đau khủng khiếp...”

Đó là một cơn ác mộng mà Abu Sharif vẫn nhớ rõ từng chi tiết cho dù đã gần 40 năm trôi qua. Chàng trai 26 tuổi đã mất một con mắt, một bên tai và bốn ngón tay vì quả bom thư ấy. Khi được hỏi tại sao người ta lại muốn giết ông, Abu Sharif dựng thẳng người lên, nheo nheo con mắt còn lại đầy hài hước:

“Sao anh lại hỏi tôi, hãy đem câu hỏi ấy tới người phụ trách lực lượng Mossad của Israel lúc ấy chứ. Tôi cho anh tên và số điện thoại của ông ấy nhé. Ông ấy hiện là giám đốc một công ty ở Tel Aviv. Đã từng có lần, một số nhà báo Israel mời tôi tới ăn tối tại Tel Aviv. Họ nảy ra ý định gọi cả ông ấy tới để cho thế giới thấy hai kẻ thù xưa giờ đã bắt tay nhau. Ông ấy trả lời thế này: Ôi các nhà báo ngu ngốc, các bạn chưa hiểu Basam Abu Sharif là ai. Ông ta còn nguy hiểm với Israel hơn bom tấn. Nếu tôi có thể giết ông ta vào ngày mai, tôi vẫn sẽ làm như thế...”

“Gương mặt của hòa bình”


Basam Abu Sharif “bốc” một chiếc đùi gà vào đĩa của mình. Ông lặng lẽ ăn ngon lành như như thể không có ai ở xung quanh, ngây ngô và hiền lành như một đứa trẻ. Ông ăn bằng hai bàn tay với những ngón cụt lủn của mình. Bàn tay dù cụt lủn ấy vẫn chưa bao giờ ngừng viết những sự thật về cuộc xung đột trên quê hương mình. Basam Abu Sharif “nguy hiểm” bởi ngòi bút chứ không phải bởi “cây súng”, nhưng “trùm khủng bố” không bao giờ khuyên người Palestine buông súng:

“Chúng tôi phải tự giành lấy tự do cho mình cho dù phải giành lấy bằng đá. Nỗ lực để được Liên Hợp Quốc công nhận là một nhà nước độc lập trên danh nghĩa là có thể nhưng đó chỉ là một cuộc chơi chính trị. Nhưng trên thực tế, cần có một nỗ lực có tổ chức để chống lại và đuổi quân chiếm đóng khỏi lãnh thổ của chúng tôi. Độc lập không phải cái được cho, đó là cái phải giành lấy. Người Việt Nam là một minh chứng cho điều đó...”

Basam Abu Sharif lấy lại cách nói chuyện “sục sôi” của mình sau giờ ăn trưa. Ông mang xuống một chai whiskey và bắt đầu uống. Nhà cách mạng lão làng này của Palestine là một người mê rượu, lửa cách mạng và men rượu sẵn trong máu của Abu Sharif bắt đầu tỏa mạnh hơn. Và chúng tôi cảm nhận được sức lan tỏa đó qua từng lời nói của Abu Sharif, dõng dạc và mạch lạc. Mỗi câu nói như một câu văn viết, đó là phẩm chất của nhà chính trị.

“Một ai đó vào nhà bạn, bắn súng vào con em bạn. Bạn có quyền giết anh ta. Tôi chờ đợi một cuộc nổi dậy. Người Palestine không cần phải nghe lãnh đạo nếu lãnh đạo của họ nói: Đừng chiến đấu. Không ai muốn bạo lực, nhưng tự vệ là quyền chính đáng của con người.”

Mỗi lời nói vang lên như một viên đạn trong căn phòng rất rộng ở biệt thự của Basam Abu Sharif.

“Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng thông minh và học thức nhất trong lịch sử thế giới. Tôi không cho rằng ông ấy là một chiến binh vì dân tộc Việt Nam, ông ấy là một chiến binh của nhân loại. Arafat là một nhà biện chứng từ bản chất, ông ấy luôn suy nghĩ theo cách biện chứng, không phải bao giờ ông ấy cũng đúng như quan trọng là không bao giờ Arafat cho phép bản thân dừng lại và đợi chờ.”

Abu Sharif bắt đầu nói về lịch sử Việt Nam, lịch sử Chiến tranh lạnh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Arafat... Người đàn ông này vẫn được các nhà báo và bạn bè gọi là “Bộ trưởng Thông tin” bởi khối kiến thức đồ sộ của ông về lịch sử, chính trị, triết học, kinh tế, vật lý.... Khát khao tranh đấu và khát khao kiến thức vẫn chi phối cuộc sống của “trùm khủng bố”. Ông kết thúc bài phỏng vấn với chúng tôi bằng quan điểm của mình về cuộc Cách mạng mùa xuân đang diễn ra ở thế giới Arập.

“Mùa xuân Arập đang đến, tôi già rồi, tôi không có điều kiện để chứng kiến tất cả nhưng nó sẽ đến. Nó giống như nước sôi, bạn không thấy nước sôi ngay lúc đầu mà chỉ nhìn thấy từng bong bóng một. Nhưng sau đó tất cả sẽ sục sôi. Người dân đang tỉnh giấc chống lại những chính quyền tham nhũng, những kẻ bù nhìn được chỉ định từ thời thực dân.”

“Tinh thần chiến đấu của ông còn mãnh mẽ và cách mạng lắm. Thế ông nghĩ sao khi bị người ta gọi là “Gương mặt khủng bố?” Chúng tôi hỏi Basam Abu Sharif như vậy và ông lại cười hỏi lại chúng tôi:

“Tôi hỏi thật các anh, các anh có nghe thấy người ta gọi những chiến binh đấu tranh cho tự do ở những nước thuộc địa ngày xưa là gì khác ngoài “kẻ khủng bố” chưa? Cứ ai chống đối mà họ chẳng gọi là khủng bố, ngay cả với Gandhi của Ấn Độ, con người ôn hòa nhất chỉ đấu tranh bất bạo động. Người Việt Nam chống Mỹ: khủng bố. Người Palestine chống Israel: khủng bố. Trong khi đó, chính những kẻ xâm lược kia mới là khủng bố.”

Abu Sharif đứng lên tiễn chúng tôi ra ngoài, mảnh sân rộng trước cửa nhà ông rực lên bởi màu nắng gắt và màu hoa đỏ như phượng vỹ của Việt Nam. Ông đứng thẳng, cười mím môi và nghiêng nghiêng mái đầu chào chúng tôi một cách kiêu hãnh. “Gương mặt khủng bố” còn có một câu chuyện chưa kể nốt: ông chính là người đã chủ trương đề xuất hai nhà nước dẫn tới cái bắt tay lịch sử giữa Arafat và Rabin năm 1993 tại Oslo. Ông đã không nhắc tới một biệt danh khác của mình đã được báo chí quốc tế đặt cho.

“Gương mặt của hòa bình”

Khánh Duy

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Kỳ 7: Hội chứng Jerusalem của người Palestine




Người Ý có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome.” Ở Palestine, mọi con đường đều dẫn tới Jerusalem. Mọi địa điểm quan trọng chúng tôi đi qua, từ Lăng mộ cố Chủ tịch Arafat tới Khu trại tị nạn Zelazon, đều có tấm biển chỉ khoảng cách tới Jerusalem...

“Đến Palestine mà không vào được Jerusalem thì chuyến đi mất một nửa ý nghĩa.” Nhà báo Như Phong ca thán bởi giấy phép nhập cảnh của chúng tôi không cho phép vào Jerusalem.

“Bên những dòng sông của Babylon, chúng tôi ngồi, chúng tôi khóc, khi chúng tôi nhớ Zion.”*

Nhưng không phải nhóm nhà báo đang khóc, chúng tôi cũng chưa thương nhớ và tiếc nuối Jerusalem đến vậy. Lời ca thán trên là những câu thơ được trích dẫn khá phổ biến ở Israel, mô tả nỗi đau của những người Do Thái trong quá khứ, khi không trở về được Ngôi đền thiêng của họ nằm giữa Jerusalem. Lịch sử dân tộc Do Thái gắn liền với nỗi đau ly hương như thế và chính ký ức về ngôi đền cổ ở Jerusalem đã gắn kết dân tộc từng bị tan tác ấy lại với nhau.

Cho đến khi người Do Thái được trở về năm 1948 và đặc biệt khi người Israel chiếm Đông Jerusalem năm 1967, lại đến một dân tộc khác phải than khóc vì tiếc nhớ, đó là những người Arập sống trên lãnh thổ Palestine:

“Ngôi nhà là của chúng ta
Jerusalem là của chúng ta.”*

Bài ca Zahrat al-Madayin của người Palestine, cũng ai oán và bi thương không kém gì những khúc ca của người Do Thái. Nỗi khát khao trở về Jerusalem của họ gần như đã trở thành nỗi ám ảnh.

Nỗi ám ảnh ấy, chúng tôi nhìn thấy ở khắp mọi nẻo đường Palestine, dưới khắp mọi hình thức khác nhau. Chóp tròn màu vàng của Nhà thờ Hồi giáo là một biểu tượng dễ nhận ra nhất của Jerusalem và nó hiển hiện trên mọi ngóc nghách Bờ Tây. Người Palestine vẫn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của họ, ít nhất cũng ở trong địa hạt tinh thần. Họ vẽ màu vàng của chóp tròn ấy trên lưng những bức tường bê tông của Israel và cả trên những bức tường gạch của chính mình.

Ngạc nhiên hơn cả là khi chúng tôi tới thăm Trường tiểu học Tây Ban Nha ở Ramallah. Ở đây, những đứa trẻ Palestine đã tự thể hiện nỗi ám ảnh Jerusalem bằng mọi dạng thức của nghệ thuật. Chúng dựng những mô hình Nhà thờ Hồi giáo ở Jerusalem bằng giấy, vẽ những bức tranh bằng mực màu, thêu bằng chỉ, ghép bằng đá... Jerusalem của chúng hiện ra trong những chiếc bình đã vỡ, phía sau những bức tường chiếm đóng, trên vai một ông già đã yếu sức hoặc trải dài rực rỡ suốt dọc bức tường...

“Chúng em chưa bao giờ được đặt chân tới Jerusalem, chúng em rất muốn tới đó...” Những đứa trẻ nói từ nơi cách Jerusalem chỉ vài cây số, Jerusalem ở ngay phía sau kia thôi, sau những bức tường an ninh ngồn ngộn che lấp tầm mắt, nhưng không ai trong số chúng tới được.

Khi chúng tôi đi trên một đỉnh đồi ra ngoại ô Ramallah, Đại sứ Saadi Salama cho dừng xe, để chỉ cho chúng tôi chóp nhà thờ màu vàng của Jerusalem. Khoảng cách quá xa và chúng tôi phải căng mắt mới nhìn rõ, một đốm vàng sáng đậm hơn màu vàng nhờn nhợt của phần còn lại ở Jerusalem.

“Tôi xin vào Jerusalem nhiều lần nhưng chưa lần nào được chấp nhận vì lý do an ninh.” Đại sứ Saadi nói. Không dễ để những người Palestine ngoài Jerusalem vào được đó, nơi vẫn còn khoảng 240 000 người Arập đồng bào của họ đang sinh sống. Khoảng cách rất gần về địa lý nhưng đã bị cách ly bởi những trạm kiểm soát và hàng rào an ninh phân chia đường ranh giới giữa Jerusalem và phần còn lại.

Jerusalem đặc biệt hơn tất cả phần còn lại, bao giờ cũng thế. Thành phố này thêu dệt xung quanh nó những huyền thoại thần thánh, để không chỉ khiến người ta muốn tới thăm mà còn “phát điên” lên vì nó. Tác giả Anton La Guardia còn viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về một căn bệnh tâm thần có tên “Hội chứng Jerusalem”. Thành phố này tạo ra những ảo tưởng linh thánh trong tâm trí những khách thăm. Họ đi vào và tự cảm thấy như bị mê muội bởi âm vang của thánh kinh. Mỗi căn nhà góc phố đều như đang ẩn chứa một bí mật nào đó, một hoài niệm nào đó được ghi trong sách thánh.

Jerusalem còn đó phần sót lại của Đền Thờ Do Thái, bức tường Than Khóc nơi những người Do Thái mộ đạo vẫn ngày ngày úp mặt vào đó nguyện cầu. Jerusalem còn đó Mộ Thánh, nơi Chúa Jesus đã được chôn sau khi bị đóng đinh trên Thập tự giá. Jerusalem còn đó Nhà thờ Hồi giáo, nơi chứa Vòm đá thiêng mà tương truyền nhà tiên tri Mohammed của Đạo Hồi đã bay từ đó lên Thiên đàng. Vô vàn những di tích khác bao trùm lên thánh địa Jerusalem một bầu không khí huyền hoặc của một thành phố luôn được coi là treo giữa trời và đất...

“Tôi đã từng vào được đó, nhưng phải đi trốn, đi một con đường khác vòng qua núi để trốn vào...” Cô nhà báo Palestine dẫn đoàn kể lại. Đi trốn vào Jerusalem! Một giải pháp nhưng quá mạo hiểm đối với chúng tôi.

“Có một cách khác, các bạn cứ thuê taxi đi vào đó như bình thường, nếu gặp trạm kiểm soát thì đưa hộ chiếu nước ngoài ra. Họ có thể sẽ cho qua, nếu không thì thôi, đừng ngại, với người nước ngoài, Israel cũng dễ chấp nhận thôi...” Những nhân viên ở khách sạn Movenpick, Ramallah đã khuyên chúng tôi như vậy.

Và tới khi chúng tôi đã sẵn sàng tập trung dưới sảnh, chuẩn bị gọi taxi để đi theo cách đó thì nhận được lời khuyên dừng lại. “Hôm nay là thứ 7, người Do Thái nghỉ làm việc, nếu có bất kỳ vấn đề gì với các bạn, sẽ không thể giải quyết trong hôm nay, chủ nhật mới giải quyết được thì đã chậm chuyến bay về mất rồi. Các bạn không nên vào đó nữa.” Đại sứ Saadi nhắc nhở.

Vậy nên, trên con đường đưa chúng tôi từ trung tâm Ramallah ra biên giới với Jordan để quay về nước, Jerusalem đành ở lại phía sau, phía sau cả những bức tường an ninh cao vời vợi kia nữa. Nhìn từ phía bên này, Jerusalem cũng không có gì đặc biệt ngoài một màu vàng của đá nhờn nhợt, nhờn nhợt như mọi nơi khác ở đây, đúng như Herman Melville viết khi đi thăm Palestine hồi năm 1857:

“Những ngọn núi đá và những đồng bằng đầy đá, những dòng nước lổn ngổn đá và những con đường lổn nhổn đá, những bức tường đá và những thửa ruộng đầy đá, những căn nhà làm bằng đá và những ngôi mộ xây bằng đá, những con mắt vô hồn như đá và những con tim chai cứng như đá....”*

Cũng chỉ là một đống đá thôi, có gì đáng để xem. Nhóm nhà báo Việt Nam phải tự an ủi mình như thế để ra về. Hoặc sẽ AQ theo kiểu: Thôi không vào được mới hiểu nỗi khao khát trở về Jerusalem của người Palestine.

Dẫu sao, mọi sự AQ cũng không khiến sự ra về ấy tránh khỏi một niềm tiếc nuối. Xét thế, có khi chúng tôi cũng đã mắc căn bệnh tâm thần mang tên “Hội chứng Jerusalem” ngay cả khi chưa được bước vào...

* Các trích dẫn được lấy từ cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” của tác giả Anton La Guardia, NXB Văn hóa Thông tin, Lưu Văn Hy dịch.


Khánh Duy

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Kỳ 6: Việt Nam trong khát vọng của người Palestine


“Ở Palestine, rất nhiều gia đình đặt tên con là Giáp, vì ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.” Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama từng nói vậy từ lâu rồi nhưng chúng tôi đã quên mất tình tiết ấy cho tới khi trực tiếp đặt chân đến Palestine….

“Bạn nghĩ gì về Việt Nam?” “Đất nước các bạn thật xinh đẹp, con người thì hiếu khách, lịch sử Việt Nam thật anh hùng.” Một câu hỏi đã quá nhàm tai của cánh nhà báo cho người nước ngoài và một câu trả lời cũng nhàm đến mức chưa nói nhưng ai cũng biết.

Ở Palestine thì khác, bạn không cần phải hỏi và bạn sẽ luôn có những câu trả lời khác biệt. “Đi bất kỳ nơi đâu ở Palestine, các bạn cứ nói rằng tới từ Việt Nam, người dân sẽ mời bạn vào nhà để tiếp đón như thượng khách.” Đại sứ Saadi đã không nói theo cách “ngoại giao” cho dù ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Tình cảm của người Palestine với Việt Nam là một sự ngạc nhiên với nhóm nhà báo và chúng tôi đã kiểm chứng điều ấy trên khắp các nẻo đường Palestine.

Giữa khu chợ bán hoa quả khá sầm uất giữa lòng Ramallah, chúng tôi dừng lại để mua một túi “cốm” kiểu Palestine. “Đây là các bạn tới từ Việt Nam.” Đại sứ Saadi vừa giới thiệu xong thì người bán hàng đã gom một túi đầy đưa cho chúng tôi và nhất quyết không chịu lấy tiền. Buổi sáng đầu tiên của các nhà báo ở Palestine đã được chào đón như vậy.

Xuôi những đoạn đường đèo quanh co từ Ramallah về thị trấn Idna, ngoại ô Hebron, chúng tôi tới thăm nhà Đại sứ Saadi Salama. Khoảng sân phía ngoài ngôi nhà nhanh chóng đầy khách khứa khi nghe tin Đại sứ trở về cùng những người bạn Việt Nam. Mohamad Shaker và Khalil Tumaizi, những nhà cách mạng cao tuổi ở làng, là những người đến đầu tiên.

“Các bạn biết không, khi tôi 11 tuổi, tất cả dân làng chúng tôi ở đây tổ chức Liên Hoan mừng chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam.” Nhà giáo Khalil Tumaizi nói. Râu tóc bạc trắng và bàn tay run run, Khalil đã quên nhiều nhưng lịch sử chiến thắng của Việt Nam thì ông nhớ khá rõ.

Mohamad Shaker thậm chí còn thuộc lịch sử Việt Nam hơn cho dù ông không phải là nhà giáo như Khalil. Người đàn ông 60 tuổi đã từng vào nhà tù của Israel 9 lần trong 9 năm này nổi tiếng khắp Palestine về tinh thần tranh đấu. Là con trai của người Cộng sản đầu tiên trong làng, Shaker đã từng tổ chức kết nạp nhiều Đảng viên vào Đảng Cộng sản Palestine. Thân thể sứt sẹo vì bị tra tấn và hai tai đã nghễnh ngãng, cách nói chuyện của Shaker vẫn hào sảng: “Người Việt Nam đã truyền cảm hứng và niềm tin cho người Palestine đấu tranh. Người Viết Nam đã làm được, đã giải phóng được dân tộc mình thì tại sao người Palestine không làm được. Rồi sẽ tới ngày đó.”

Ở mọi nơi và mọi lúc, từ những người dân bình thường tới quan chức, người ta chào đón Việt Nam với một sự nồng hậu chân tình. Sẽ có nhiều vùng đất mà trong quá khứ, Việt Nam từng được nhắc tới như một biểu tượng của chiến tranh giành độc lập, là hình mẫu để họ noi theo. Nhưng chỉ ở đây, ngay lúc này, giữa vùng đất mà nỗi đau chiếm đóng còn bỏ ngỏ, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là một nỗi khát vọng chưa dứt.

“Đừng tin tôi vì tôi là một nhà chính trị, hãy đến những làng quê gặp những người già thất học. Các bạn sẽ hiểu ở đây hai chữ Việt Nam có ý nghĩa như thế nào.” Giám đốc Học viện an ninh Palestine chia sẻ. Mặc bộ quần áo thể thao để tiếp chúng tôi ngay ở phòng khách Học viện, vị tướng này không tỏ ra là một người thích lễ nghi và nói những lời sáo rỗng.

Theo lời ông, chúng tôi đi xuống nhiều làng quê và gặp gỡ không ít người Palestine. Những bà mẹ Palestine đã già lắm vẫn ra ôm lấy chúng tôi và tận tình mang thịt nướng “bắt” chúng tôi thưởng thức. Những thanh niên Palestine vội chạy tới bắt tay khi nghe nói “Việt Nam”. Ở những khách sạn năm sao sang trọng trong thế giới phương Tây, vẫn có những nhân viên lễ tân tưởng nhầm Việt Nam là một tỉnh nào đó của Nhật Bản. Nhưng ở những làng quê còn nghèo nàn này của Palestine, Việt Nam không chỉ được biết đến rộng rãi, mà còn được quý trọng một cách chân thành.

Ahman Samara, người đàn ông ở làng Belein ngoại ô Ramallah năm nay đã 63 tuổi. Ông ngồi dưới những tán cây tỏa nắng loang lổ xuống mảnh sân nhà để kể cho nhóm nhà báo nghe về những ngày ở tù với tội danh tổ chức bạo lực chống Israel của mình: “Các bạn có biết rằng chúng tôi đã kỷ niệm chiến thắng năm 1975 của Việt Nam trong nhà tù không? Trong tù, có nhiều nhóm chính trị khác nhau của Palestine nhưng tất cả đều viết mật thư và thống nhất rằng: tới giờ quản ngục cho uống trà thì chúng tôi đồng thanh hát bài “Quê hương tôi” từ các phòng giam khác nhau. Hát xong, tất cả cùng hô to: “Việt Nam độc lập dân chủ thống nhất muôn năm”. Sau đó, chúng tôi uống trà trong niềm vui vô bờ bến.”

Vợ của Samara cũng bắt đầu mang trà Palestine ra mảnh sân nhỏ mời khách, những tách trà bao giờ cũng được bỏ thêm một nhánh rau bạc hà theo truyền thống ở đây. Ở ngôi làng ngay sát hàng rào thép của Israel này, 7 năm nay, có khoảng 260 người phải vào tù. Sự im vắng của cái nắng buổi trưa thứ sáu ngược hoàn toàn với tinh thần đấu tranh sôi sục của làng Belein.

“Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong quá khứ và cuộc đấu tranh của Palestine bây giờ có nhiều điểm đồng nhưng cũng khác nhau. Các bạn xưa kia có hậu phương là khối XHCN, chúng tôi không có. Không có một viên đạn nào được cung cấp cho Palestine từ thế giới Arập. Nhưng tôi vẫn tin rằng người dân Palestine sẽ có một ngày vui như người dân Việt Nam năm 1975 bởi chúng tôi có câu thế này: Không có chân lý nào phải chết nếu còn có người đòi hỏi.”

Cuối ngày, chúng tôi lật lại cuốn sổ tay và đọc thấy câu nói trên của Giám đốc Học viện An ninh Palestine. “Không có chân lý nào chết nếu còn có người đòi hỏi”. Chân lý nào đây? Rất giản dị. Thế mà chúng tôi đã không nghĩ ra cho tới khi nhà báo Như Phong nhắc tới: “Đến đây mới thấy cụ Hồ nói đúng quá, KHỐNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO.”

Khánh Duy

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Kỳ 5: Palestine: nỗi đau giữa những bức tường chiếm đóng



9 năm, 8 năm, 2 năm, 5 năm và 10 năm…. Đại sứ Palestine Saadi Salama lần lượt giới thiệu một số người bạn của ông ở ngôi làng Nilin, cách Ramallah quãng nửa giờ đi xe, không phải bằng tên mà bằng số năm tù.


Xét theo khía cạnh này, hài hước một chút, Palestine chắc chắn là nơi có phần trăm số người từng có “tiền án, tiền sự” trên tổng dân số nhiều nhất thế giới.

“Có 850 000 người Palestine đã từng vào nhà tù của Israel từ năm 1967 tới bây giờ, hiện vẫn còn khoảng gần 10 000 ở trong tù.” Một người đàn ông trong nhóm bạn cho biết. “Con số này rất lớn nếu tính tới dân số Palestine trong vùng lãnh thổ Bờ Tây chỉ khoảng 2,8 triệu và dân số năm 1967 chỉ hơn 1 triệu.”

Những gương mặt đàn ông khá giản dị và chất phác, không có vẻ gì chứng tỏ họ đã từng trải qua những năm tháng bóc lịch lâu đến vậy vì tổ chức bạo lực chống lại Israel. Mà không chỉ một lần, mỗi người trong số họ đều đã từng ra vào nhà tù chí ít cũng hai ba lần.

Chuyện thường ngày ở “tù”


9 lần vào tù với tổng cộng 9 năm, Mohamad Shaker, 60 tuổi, nổi tiếng khắp Palestine. Người đàn ông mà chúng tôi gặp ở thị trấn Idna, Hebron từng là thành viên tích cực của Mặt trận Dân chủ Palestine. Mái tóc bạc trắng và hai tai gần như điếc đặc, Shaker vẫn nhớ từng ngày tháng của những lần vào trại với tội danh: kết nạp và tổ chức quần chúng để đấu tranh vũ trang.

“Riêng ở làng này, 850 người đã từng bị giam giữ từ năm 1967.” Shaker nói. Người Palestine không quên các tù nhân. Ngay giữa quảng trường Sư tử, trung tâm thành phố Ramallah, người ta quây một khu riêng bằng dây thép gai như nhà tù, trong đó có những tấm bảng dán ảnh to của những tù nhân đã vào trại từ lâu lắm nhưng nay chưa thấy trở về.

Trên con đường vào trại tị nạn Zalazon ở Ramallah, chúng tôi gặp 4 thanh niên đi ngược chiều. 15, 16, 17, 16, lần giới thiệu này của người dẫn đoàn không phải là số năm tù mà là số tuổi, ơn chúa. Nhưng câu tiếp theo đã vội vã là: “Tất cả họ đều đã vào tù vì tội ném đá vào người Israel.”

Khanla Nakla, 53 tuổi, một người mẹ Palestine sống thanh đạm trong một căn nhà nơi con đường chính của trại tị nạn đâm thẳng vào cửa chính. Không biết có phải vì “phong thủy”, cậu con trai 16 tuổi của bà đã 15 tháng rồi nằm trong nhà giam ở Nam Jerusalem. Cứ 3 tháng một lần, một người nhà lại được vào thăm cậu bé để tiếp tế quần áo, vật dụng.

“Con cô có bị đưa ra tòa không?” Chúng tôi hỏi.
“Có chứ, nó bị kết án 20 tháng vì ném bom xăng vào Israel.” Bà Khanla Nakla trả lời
“Israel có đưa ra tòa. Như anh trai tôi bị xử 4 năm rưỡi vì tội dùng vũ khí.” Anh Jihad, người hướng dẫn đoàn trong trại tị nạn nói thêm.

Chúng tôi rời trại tị nạn 10 000 dân Zelazon khi tiếng kinh cầu từ nhà thờ Hồi giáo văng vẳng đâu đó theo một nhịp điệu buồn. Nhịp điệu của cuộc sống nơi này cũng không vui hơn. Ở khu trung tâm trại tị nạn, những người đàn ông tụ tập đầy trên hè phố, ngơ ngác ngó lơ theo những bước chân chúng tôi qua. Không thấy ai cười, còn lại chỉ là sự chịu đựng khắc khổ với những gì đã trở nên quá bình thường, như khi người mẹ tù nhân Khanla Nakla ấy thốt ra câu này, trong một sự bình thản khó ngờ:

“Gia đình nào ở đây chả có 1, 2 người đi tù. Đâu phải chỉ có con tôi, cả nhân dân Palestine đang sống trong nhà tù cơ mà.”

Trong vòng kim cô của những bức tường

“Israel đã phải sống trong gươm giáo từ thời lập quốc.” Nhà báo Pháp Anton La Guardia viết trong cuốn “Cuộc chiến không kết thúc” về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nhà báo Pháp cho rằng: sống trong một vòng vây Arập xung quanh, người Israel phải thiết lập một kỷ luật an ninh gang thép để có thể sinh tồn.

Palestine là nơi hứng chịu trọn vẹn nhất vòng cương tỏa về an ninh đó, thể hiện rõ ràng nhất ở những bức tường được dựng ra ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ Bờ Tây. Từ những hàng rào thép vây xung quanh một khu định cư, tới những hàng rào bê tông cao ngút được dựng lên để ngăn chặn, những tường rào như thế là biểu tượng trực quan nhất của chiếm đóng.

Nhưng còn có vô vàn những nỗi đau ẩn ngầm khác của chiếm đóng khác mà phải sống sâu trong lòng Palestine mới hiểu thấu. Chiếm đóng không chỉ là những bức tường, ở giữa chúng là một loạt những phức hợp khó tưởng tượng.

Xét trên khía cạnh quản lý, vùng lãnh thổ Bờ Tây chia làm 3 khu chính. Khu A do người Palestine kiểm soát, Khu B thuộc quyền kiểm soát dân sự của Palestine nhưng kiểm soát an ninh của Israel và Khu C người Israel kiểm soát hoàn toàn.

Trên những nẻo đường Bờ Tây, Đại sứ Saadi Salama vừa đi vừa chỉ cho chúng tôi những khu định cư Do Thái do Israel kiểm soát nằm gọn gàng trên những quả đồi. Rất dễ nhận ra chúng bởi những lớp ngói đỏ, những hàng rào an ninh và sự khang trang so với những khu vực xung quanh. “Có khoảng nửa triệu người Do Thái đang sống trong những khu định cư như vậy ở Bờ Tây.” Đại sự Saadi cho biết.

Những khu định cư Do Thái xen kẽ như tổ ong với phần đất của người Palestine biến cuộc xung đột Trung Đông thành một cuộc tranh chấp lãnh thổ có một không hai. Ở đây không chỉ là tranh chấp đường biên giới giữa Bờ Tây, Gaza và phần còn lại, bởi ngay trong đường biên giới lớn ấy đã có hàng ngàn đường biên giới nhỏ bao quanh mỗi khu định cư. Chính xác hơn là, không có một đường biên giới nào cả.

“Ở tỉnh Jerico, có 60 000 người Palestine sống chung với 6000 người Do Thái. Nhưng hơn 80% đất đai bị coi là khu quân sự, 12% dành cho người Do Thái định cư, 7% cho người Palestine. Trong khu quân sự, không một hòn đá nào được đưa vào để xây dựng.” Tỉnh trưởng thành phố Jericho Majed Al-Fityani chia sẻ với chúng tôi. Jerico là thành phố cổ nhất thế giới với 10 000 năm tuổi và sâu nhất thế giới dưới mặt nước biển 320 mét, việc ông tỉnh trưởng chỉ có quyền quản trị tối đa 7% diện tích thành phố của mình là một sự độc nhất vô nhị nữa chỉ có ở Jericho, thành phố vốn đã có thừa sự “lập dị” của mình.

Thành phố Hebron cũng “lập dị” không kém theo lời tỉnh trưởng Kamel Hemeid: “Ở khu vực Hebron số 2, có 400 người định cư Do Thái sống giữa 65 000 người Palestine. Chỉ có 400 người nhưng nhiều thời điểm, Israel phải thiết lập tới 170 trạm kiểm soát và 15 camera để theo dõi khu vực này. Phải có những con đường riêng dành cho người Do Thái và người Arập. Những thời điểm như ngay sau phong trào ném đá Intifada năm 2000, đi lại ở đây cực kỳ khó khăn, cứ 1 Km lại phải dừng bởi một trạm kiểm soát.”

Những kiểm soát “vô hình” với máy ảnh

Chiếm đóng luôn đi kèm với sự kiểm soát, sự kiểm soát tồn tại ở khắp nơi trên vùng lãnh thổ Palestine. Nhưng không dễ nhận ra chúng đối với những khách du lịch chỉ tới đây để “chụp ảnh”. Họ có thể chụp được những trạm kiểm soát hữu hình trên đường, những kiểm soát “vô hình” khác thì không. Kinh tế là một ví dụ.

Chúng tôi tới thăm nhà “liệt sỹ” mới 16 tuổi Mohamad Hamdan trong Trại tị nạn Zelazon. Những căn nhà trong Trại tị nạn không hề tồi tàn, sập sệ hay chỉ là những túp lều tranh như trong phim ảnh, đó đã là chuyện của giai đoạn sau 1948. Với sự hỗ trợ của quốc tế và nỗ lực của người dân, người tị nạn giờ cũng sống trong những ngôi nhà tươm tất của họ.

“Thu nhập của tôi một tháng là 800 đôla Mỹ. Tôi chỉ là công nhân trong 1 xưởng làm đá, cắt đá để xây nhà.” Anh trai Mohamad nói.

Chúng tôi “tá hỏa” và đùa nhau chắc phải bỏ việc để xin sang đây “tị nạn”. Sự thật không đơn giản thế, thu nhập “cao” không phản ánh chất lượng sống bởi nền kinh tế Palestine tương thuộc vào Israel, người Palestine tiêu tiền Israel và mua hàng với mức giá tương đương với Israel. Mọi mặt hàng phải nhập khẩu qua Israel nên giá cả trở nên đắt đỏ.

“25 đôla một Kg thịt cừu, 18 đôla một Kg thịt bò. 1 Kg gạo là 3 đôla. Phải có thu nhập 1500 đôla để một gia đình 5 người sống tương đối thoải mái.” Bố của Mohamad nói.

800 đôla của anh trai Mohamad phải giành để nuôi 6 người còn lại trong gia đình không đi làm. “50% dân số của trại tị nạn Zelazon thất nghiệp, chỉ có 1% vào Đại học mà đa số là nữ bởi nam còn bận đi làm kiếm ăn.” Jihad, người dẫn đoàn chúng tôi vào trại tị nạn cho biết.

Không dễ dàng cho anh trai Mohamad và những người Palestine khác phải sống trong một nền kinh tế “ký sinh” trên một cơ thể kinh tế khác có mức thu nhập trung bình cao vượt trội. Cảnh sống “ký sinh” ấy tạo ra những hoàn cảnh chẳng giống ai, đối với mọi người và với mọi khía cạnh của nền kinh tế. Du lịch là một ví dụ khác.

“Du lịch là một ngành mong manh, phụ thuộc vào chính trị. Làm du lịch trong tình trạng chiếm đóng cực kỳ khó khăn. Người Palestine không kiểm soát được điều đơn giản nhất là visa nhập cảnh. Mỗi năm có tới 2 triệu du khách tới đây, nhưng phần đông đến từ Israel. Chúng tôi chỉ thu được khoảng 5 đến 10% doanh thu bởi họ không ở lãnh thổ Palestine mà chỉ đi qua, chủ yếu họ ở Jerusalem.” TS Abu Dayyeh, Bộ trưởng Du lịch Palestine, một người theo đạo Thiên Chúa cho biết.

Palestine là điểm đến vàng cho du lịch tôn giáo và văn hóa. Thành Phố Bethlehem còn đó Nhà thờ Máng Cỏ nơi Chúa Jesus ra đời, đó chỉ là một trong vô số những di tích gắn liền với các truyền thuyết trong cả Cựu ước và Tân Ước. Mảnh đất của cả ba tôn giáo lớn này bản thân nó đã tạo ra một sức hút “thần thánh” với khách du lịch. Doanh thu 900 triệu đôla từ du lịch năm 2010, chiếm tới 15% GDP của Palestine là một minh chứng cho điều đó, bất chấp những khó khăn của một vùng lãnh thổ còn chưa hết xung đột và chiếm đóng.

“Độc nhất, vô nhị”

“Sự chiếm đóng tạo ra những hoàn cảnh độc nhất vô nhị.” Câu nói ấy của Bà Bộ trưởng Du lịch Palestine không dễ quên. Những cảnh tưởng “độc” và “lạ” ấy chúng tôi nhìn thấy rất nhiều trên mỗi nẻo đường. Ngôi trường cấp I trong trại tị nạn Aida cách Jerusalem 7,3 Km chẳng hạn. Ngôi trường ấy hoàn toàn không có cửa sổ hay nói đúng ra là mọi cửa sổ đã được bịt kín bởi sợ đạn từ phía hàng rào phân chia cách đó không xa.

Những học sinh trong đó sẽ không dễ thở, tất nhiên rồi. Người Palestine không dễ thở khi sống trong vùng lãnh thổ còn đang bị chiếm đóng. “Không ai từ nhỏ tới lớn ở Palestine chấp nhận được sự chiếm đóng.” Tỉnh trưởng Jericho chia sẻ với chúng tôi khoảng 30 phút về tình hình của thành phố, 30 phút liên tục, chúng tôi không hề nhìn thấy trên khuôn mặt người đàn ông ấy một nụ cười...

Khánh Duy