Cuốn sách “Dẫn dắt sự thay đổi” của GS quản trị Đại học Harvard John Kotter vừa được xuất bản ở Việt Nam. Đây là cuốn sách đã tạo ra tên tuổi cho Kotter như một nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực thay đổi chiến lược doanh nghiệp. Khoảng 2500 năm trước, ở phương Tây, nhà triết học Hy Lạp Heraclitus từng có phát ngôn nổi tiếng: “Không ai từng tắm hai lần trên một dòng sông.”
Cũng khoảng thời gian ấy, ở phương Đông, Khổng Tử đứng trước dòng sông cảm khái:” Tất cả đều trôi chảy thế này ư?”
Cả hai câu cách ngôn trên đều có cùng ý nghĩa: Vạn vật đều luôn luôn thay đổi, liên tục thay đổi và mãi mãi thay đổi. Và con người luôn phải thường xuyên thích ứng, thường xuyên thích nghi với những thay đổi đó.
Thay đổi diễn ra ở khắp các lĩnh vực trong cuộc sống, kinh doanh không phải là một ngoại lệ. Nếu không muốn nói rằng, kinh doanh là một lĩnh vực diễn ra sự thay đổi nhanh chóng hơn nhiều so với vô vàn các lĩnh vực khác.
Khi một doanh nghiệp có những sáng tạo mới về công nghệ hay tìm ra một thị trường mới đầy tiềm năng, ngay lập tức, các doanh nghiệp khác cũng bắt chước đi theo con đường ấy. Đại dương xanh đầy lợi nhuận ban đầu bỗng biến thành đại dương đỏ đầy máu của các đối thủ cạnh tranh, lợi nhuận tất yếu sẽ giảm sút và các nhà lãnh đạo ngay lập tức phải tư duy một con đường mới nếu không muốn tụt hậu, phá sản.
Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu về sự thay đổi trong kinh doanh. Và quá trình toàn cầu hoá ngày nay càng tăng tốc quá trình thay đổi đó ở tốc độ cao hơn và cường độ lớn hơn.
John Kotter viết trong cuốn sách: “Nếu bạn nói với các nhà quản lý ở thập niên 60 rằng giới kinh doanh ngày nay cố gắng làm tăng năng suất thêm 20-50% trong vòng 18-36 tháng, cải tiến 30-100% chất lượng, và giảm 30-80% thời gian phát triển sản phẩm mới thì họ chắc sẽ cười vào mũi bạn… Nhưng thách thức mà chúng ta phải đối mặt hôm nay rất khác biệt. Nền kinh tế toàn cầu hóa… buộc các hãng sản xuất phải cải tiến không chỉ để phát triển mà còn để tồn tại…”
Quán tính của sự trì trệCải tiến không ngừng, thay đổi không ngừng. Điều đó ai cũng biết nhưng không dễ thực hiện. Doanh nghiệp như một cỗ xe và cỗ xe nào cũng có quán tính. Tâm lý ngại thay đổi, lười thay đổi hay thậm chí sợ thay đổi tồn tại ở cả lãnh đạo lẫn nhân viên mọi doanh nghiệp.
Nhiệm vụ của mọi lãnh đạo doanh nghiệp trong thế kỷ 21 là phải dẫn dắt thành công quá trình thay đổi. Đây là một yếu tố tối quan trọng để thành công. John Kotter đã chọn cho mình hướng nghiên cứu này và chính điều đó đã tạo ra tên tuổi cho ông trong giới nghiên cứu quản trị kinh doanh quốc tế.
John Kotter đã bắt đầu hướng nghiên cứu này từ năm 1994 với bài luận: “Dẫn dắt sự thay đổi” đăng trên Tạp chí kinh doanh Harvard. Cuốn sách cùng tên này ra đời năm 1996 và cho đến giờ, những tri thức trong đó vẫn rất hợp thời. Quá trình thay đổi ngày càng tăng tốc đúng như vị GS Harvard đã nhận định.
Trọng tâm của “Dẫn dắt sự thay đổi” là 8 bước quan trọng mà một doanh nghiệp phải thực hiện để dẫn dắt sự thay đổi thành công. Kotter đã không tự nhiên nghĩ ra bộ công thức này mà đó là tập hợp những kết luận sau 15 năm nghiên cứu của ông về chủ đề này.
Nếu coi mỗi cuộc thay đổi là cách mạng, thì có thể coi 8 bước này là công thức làm cách mạng, công thức chiến thắng quán tính trì trệ của doanh nghiệp. Cuốn sách này là “Đường Cách Mệnh” của các nhà quản trị trong thế kỷ 21.
Tính cấp bách phải thay đổiMỗi hành trình đều khởi đầu từ một bước chân đầu tiên. Bước chân đó theo Kotter là phải “Tạo ra tính cấp bách” của việc phải thay đổi. Đây cũng là tên một cuốn sách khác của ông.
Tạo ra tính cấp bách không dễ, nguyên nhân của nó là tính tự mãn quá cao trong những tổ chức đã có ít nhiều thành công. Kotter viết: “Quá nhiều thành quả trong quá khứ, không có những cuộc khủng hoảng thật sự, các tiêu chuẩn công việc thấp, không có nhiều phản hồi từ bên ngoài… tất cả dẫn tới kết quả: “Đúng là chúng ta có một số khó khăn, nhưng không có gì nghiêm trọng. Mọi việc vẫn tốt đấy chứ.”
Việc đa số nhân viên và cả lãnh đạo sẽ không nhận ra rằng tảng băng đang tan dần dưới chân họ phổ biến ở khắp mọi nơi. John Kotter đã viết một cuốn sách ngụ ngôn thú vị về những chú chim cánh cụt đối phó như thế nào với việc những tảng băng chúng đang sống có nguy cơ tan vỡ. Trong cuốn sách có tên “Tảng băng tan”, John Kotter đã mượn hình ảnh ẩn dụ đó để nhấn mạnh tính cấp thiết phải hành động trước thay đổi.
“Tảng băng tan” đã được dịch ra tiếng Việt và bán khá chạy ở Việt Nam. Câu chuyện ngụ ngôn đó được viết dựa trên những nghiên cứu được trình bày trong cuốn “Dẫn dắt sự thay đổi” này, có thể coi “Dẫn dắt sự thay đổi” là cuốn sách mẹ của “Tảng băng tan”.
Lãnh đạo mới trong thế kỷ XXI8 bước của Kotter có đúng hay không trong thực tiễn Việt Nam? Liệu môi trường kinh doanh ở Việt Nam có thay đổi nhanh tới mức độ phải đọc và tìm hiểu những lý luận về thay đổi của Kotter? Lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đang trì trệ liệu có động lực đủ để nhìn thấy sự cần thiết phải tìm cách thay đổi như những gì Kotter thuyết giảng?
Mỗi người đọc phải tự tìm ra câu trả lời. Duy chỉ có điều, kết luận cuối cùng của Kotter rất khiến những người làm doanh nghiệp phải suy nghĩ: Nếu nhà quản trị doanh nghiệp trong thế kỷ 21 này chỉ đơn thuần là lên kế hoạch và kiểm soát sao cho mọi công việc đi đúng đường ray đã định thì họ sẽ sớm đi vào con đường bế tắc. Môi trường kinh doanh sẽ thay đổi nhanh tới mức một nhà quản trị bây giờ phải có tố chất của nhà lãnh đạo, liên tục truyền cảm hứng và dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đường ray khi sớm nhận thấy những tín hiệu thay đổi của thị trường.
Kotter kết luận: “Môi trường kinh doanh bất ổn định, cùng nhu cầu về khả năng lãnh đạo và học hỏi suốt đời, đã tạo ra các loại nghề nghiệp mà nhìn thoáng qua không hề giống với những công việc điển hình của thế kỷ XX”
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét