“Tin tức chính thống từ chỗ được che chở nay bỗng lạc vào thế giới tàn ác, phải tự bơi tự sống hoặc chết chìm”. Tác giả Alex S. Jones mô tả số phận của tin chính thống trong thế giới số. Mô tả mang tính ẩn dụ trên được tác giả Alex S.Jones đưa ra trong cuốn sách mới nhất của ông vừa được nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành có tên “Losing the News”, tạm dịch “Sự suy thoái của tin tức”
Alex S.Jones là một nhà báo đã từng đoạt giải Pulitzer của Mỹ vào năm 1987, hiện ông là giám đốc Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shoreinstein, Đại học Harvard.
Đạn súng thần côngAlex S.Jones coi tin tức như một quả đạn súng thần công, một quả cầu sắt, xám, xù xì và nặng. Quả đạn sắt ấy có sức công phá khủng khiếp, có thể bắn gục cả tổng thống như trường hợp của Richard Nixon trong vụ Watergate bị báo chí Hoa Kỳ phanh phui những năm 1972-1974.
Không phải tin tức nào cũng là đạn súng thần công. Chỉ có những tin tức “buộc chính phủ và những người có quyền lực phải có trách nhiệm giải trình” mới mang trong lòng sức mạnh ấy. Chúng được gọi là những tin tức chính thống, đối lập với những tin tức kiểu nhẹ nhàng, giải trí.
Tin chính thống là trung tâm của báo chí, nó như một quả cầu tròn nằm ở giữa và bao quanh là những thông tin đủ loại khác trên mặt báo từ giải trí, tư vấn, bí quyết, công thức nấu ăn, truyện ngắn, biếm họa, du lịch, trò chơi ô chữ…
Thậm chí ngay cả những bài xã luận, bài bình luận do các học giả lớn viết cũng không được xếp vào trong vòng tròn trung tâm ấy, đó chỉ là thứ phái sinh từ trung tâm, lý giải và phân tích tin tức chính thống. Alex viết: “Chúng nằm ngoài trung tâm, bởi chúng luôn cung cấp những bình luận và quan sát cá nhân, đó không phải là thông tin gốc.”
Nếu ví tin chính thống như “trái đất” thì tất cả những thứ xung quanh chỉ như “tầng sinh quyển”. Rất nhiều thứ trong tầng sinh quyển phát sinh từ trái đất. Không có bình luận, xã luận thậm chí cả truyện cười chính trị, biếm họa nếu như không có một sự kiện nào đó khơi nguồn.
Tin tức chính thống có sức công phá của thần công còn bởi nó dựa trên hiện thực và đã được kiểm chứng. Nó đối lập với những kiểu tin giả định vẫn đầy rẫy ở các blog, diễn đàn hay quán nước vỉa hè.
Alex cho rằng tin chính thống làm nên sức mạnh thứ 4 của báo chí. Nó là trái tim của báo chí, là một trong những cột trụ của nền dân chủ.
Thế lưỡng nan giữa vai trò xã hội và nhiệm vụ kinh doanhTheo những nghiên cứu được Alex Jones đưa ra trong cuốn sách thì có tới 85 đến 95% những tin tức chính thống như vậy đến từ những tờ báo. Các tờ báo ở Mỹ luôn thuộc sở hữu tư nhân nên chúng luôn phải cân bằng giữa hai yếu tố trách nhiệm xã hội và trách nhiệm kinh doanh.
Có một thực tế là đa số độc giả sẽ bị hút bởi những “tin nhẹ” kiểu giải trí, thư giãn, giật gân hơn là những “tin nặng” chính thống. Vậy nên, để đảm bảo tính hấp dẫn và mục tiêu lợi nhuận, các tờ báo in luôn duy trì tỉ lệ 15% cho “tin chính thống”, 35% cho các tin mềm mại giải trí cho số đông, 50% số trang cho quảng cáo.
Tỉ lệ trên đã duy trì trong suốt 150 năm qua ở Mỹ, tức là suốt từ giữa thế kỷ 19. Tin chính thống chỉ chiếm 15% và mang lại lượng độc giả cũng như doanh thu ít hơn nhiều so với “tin nhẹ” nhưng lại tiêu tốn một số tiền lớn của tờ báo.
Sở dĩ như vậy bởi, chủ báo phải tốn nhiều chi phí cho việc trả lương những người thực hiện được kiểu “tin nặng” như vậy. Họ hưởng thu nhập cao bởi luôn được coi là những người giỏi nhất và chuyên nghiệp nhất trong làng báo. Họ là linh hồn của tờ báo.
Đỉnh cao nhất trong số họ là những phóng viên điều tra, tổng chi phí lương lậu và hành chính cho một phóng viên điều tra giỏi ở Mỹ theo Alex Jones có thể lên tới 250 ngàn đô la một năm.
Cho dù không “tươi mát”, “ăn khách” và đem lại tiền của rõ ràng như tin giải trí vui vẻ, những tờ báo lớn vẫn phải “nuôi” dòng tin chính thống để duy trì bản sắc, thương hiệu và uy tín của tờ báo, nói cao xa hơn một chút là để thực hiện trách nhiệm xã hội của tờ báo.
Tin chính thống và những phóng viên chính trị, xã hội chính thống là những “cậu ấm” được nuông chiều. Cho dù đứng trước sức ép kinh doanh, gặp nhiều khó khăn, các chủ báo lớn vẫn duy trì tỉ lệ 15% cho “tin nặng” trong một lịch sử dài hơn thế kỷ rưỡi.
Thế rồi, kỷ nguyên số ập đến, khó khăn của các tờ báo in bỗng biến thành khủng hoảng. Người đọc chuyển sang báo mạng và doanh thu quảng cáo báo in giảm thê thảm.
Các tờ báo in không còn cách nào khác buộc phải: “cắt giảm những nhân sự làm tin chính thống, những người làm ra loại tin mà độc giả cho là nhàm chán nhất nhưng lại tốn kém nhất, thu hút những phóng viên giỏi và nhiều kinh nghiệm nhất. Càng ngày, loại tin tức này càng bị coi là xa xỉ hơn là cần thiết…”
Từ “cậu ấm”, tin chính thống bỗng thành “trẻ lại loài” bị ném ra ngoài đường phố của thế giới số. Tin nặng ngày càng bị lấn lướt và khuynh loát bởi tin nhẹ. Quả cầu sắt thần công đang nhỏ dần và mất đi uy lực của nó.
Quá trình đó đã được Alex mô tả kỹ càng trong cuốn sách “Sự suy thoái của tin tức” của ông. Nhưng, đó chỉ là phần nhỏ trong cuốn sách, từ sự băng hoại dần dần của tin chính thống, Alex trăn trở về những tổn thất mà nền dân chủ sẽ gặp phải khi thiếu vắng những tin “buộc chính phủ phải giải trình” như vậy.
Đẩy vấn đề sâu hơn, Alex tiếp tục dẫn người đọc vào thế giới của báo chí, nơi không chỉ tin chính thống bị thách thức, mà ngay cả tự do ngôn luận, sự khách quan, đạo đức báo chí cũng đang ở trong trạng thái mong manh dễ vỡ.
Giữa một xã hội đang ngày càng tiến bộ hơn, Alex viết ra những điều ấy có vẻ như nghịch lý, nhưng đó là những nghịch lý có thật. Ông đã cho người đọc xem một bức tranh hiện thực toàn cảnh về nền báo chí Hoa Kỳ.
Những tổn thương của các giá trị báo chí mà Alex viết trong cuốn sách không hề là chuyện xa xôi của nước Mỹ. Ngay ở Việt Nam, những giá trị đó cũng đang vô tình hay cố ý bị xâm phạm, và nguyên nhân của nó không phải chỉ là sự lên ngôi của kỷ nguyên số.
Khánh Duy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét