Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Bài học “thật” từ “ảo mộng Lehman Brothers”



Đế chế Lehman Brothers đã đổ sụp vì những người cầm đầu “phù phiếm” và “đần độn”. Tác giả Lawrence G.McDonald kết luận như vậy trong cuốn sách mới được NXB Trẻ cho ra mắt tại Việt Nam có tên: “Ảo mộng Lehman Brothers”

Kết luận trên của Mc Donald là khá sốc và mới so với những gì đa phần công chúng đã biết. Sự sụp đổ của Lehman đã cũ nhưng những gì tác giả viết có lại nhiều điểm mới.

Cũ…

Thứ Hai, ngày 15 tháng 9 năm 2008, ngân hàng đầu tư 158 tuổi Lehman Brothers đã chính thức tuyên bố phá sản, một dấu mốc kinh hoàng trong cuộc Đại khủng hoảng tài chính 2008. Đó là câu chuyện đã cũ.

“Lehman đã phá sản vì khoản thua lỗ 660 tỉ đôla và đây là vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử thế giới.”

Nguyên nhân vụ phá sản ấy của Lehman cũng tương tự như nguyên nhân của toàn bộ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Căn nguyên đó đã được các học giả, nhà báo “đào đi, xới lại” trên các mặt báo và sách vở quá nhiều.

Tuy vậy, Mc Donald cũng không thể không nhắc lại cơn cuồng bất động sản và chứng khoán dựa trên tài khoản vay thế chấp đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ấy.

“Tổng giá trị của tất cả các chứng khoán dựa trên tài khoản vay thế chấp được phát hành từ năm 2001 đến 2006 lên tới 13,4 nghìn tỉ đôla. Nếu bạn chuyển đổi tất cả thành những tờ 1 đôla, chồng tiền có thể cao tới tận mặt trăng. 13,4 nghìn tỉ là số tiền mặt cực lớn đủ để rải kín bề mặt trái đất.”

Độ lớn khủng khiếp của số tiền “ảo” lý giải tại sao tác giả gọi nền tài chính ở phố Wall giai đoạn ấy là “một nhà thương điên”.

Những điều đó đều không mới đối với những ai quan tâm tới cuộc khủng hoảng năm 2008. Điểm mới ở đây là: Mc Donald cho biết “nhà thương điên” ấy do những ông hoàng “mất trí” nắm quyền.

Mới…

Mc Donald đã kể một câu chuyện mang nhiều tính chất cá nhân và nội bộ trong ngân hàng Lehman vào giai đoạn trước khủng hoảng. Ông là “người trong chăn” bởi khi ấy là phó giám đốc phụ trách bộ phận giao dịch nợ rủi ro về các chứng khoán có thể chuyển đổi ở Lehman.

Câu chuyện tác giả kể mới mẻ ở chỗ ngân hàng Lehman hiện lên như một vương quốc với hai ông hoàng xa hoa, độc tài và dốt nát. Đó là tổng giám đốc Richard Fuld và chủ tịch hội đồng quản trị Joe Gregory.

“Họ đã biến Lehman Brothers thành một vương quốc với đủ lệ bộ tôn ti trật tự. Vua Richard cai trị từ văn phòng lát gỗ lộng lẫy như một cung điện với phòng họp cá nhân của ông ta và cả phòng tắm riêng.”

Hai ông hoàng này “cai trị tòa nhà với quyền lực tuyệt đối và không bị thách thức bởi những lời khuyên.”

Mặc cho những “trung thần” là những bộ óc tài chính xuất sắc nhất phố Wall là Mike Gelband, Alex Kirk và Larry McCarthy hết lời can gián, hai ông chủ vẫn lao như “thiêu thân” vào các cuộc chơi đầu tư bất động sản và chứng khoán dựa trên thế chấp.

Những nhà tài chính kiệt xuất trên của Lehman đã tiên đoán trước sự sụp đổ của “lâu đài cát” tài chính từ năm 2005: “Thị trường nhà đất này chỉ chơi doping thôi.”

Nhưng, mọi cảnh báo đều được lắng nghe một cách thờ ơ rồi cuối cùng bị phớt lờ bởi hai ông hoàng và các “nịnh thần” xung quanh. Cuối cùng, các “trung thần” đều lần lượt “gạt lệ” tự rời bỏ vương quốc Lehman để khỏi phải nhìn thấy thảm cảnh sụp đổ của ngân hàng.

Câu chuyện của McCarthy kể khiến đế chế tài chính Lehman hiện lên giống với một vương quốc thời phong kiến ở phương Đông, nơi đám vua chúa đam mê tửu sắc, tin kẻ xu nịnh, hắt hủi hiền tài.

Khá kỳ lạ khi những câu chuyện tưởng như chỉ diễn ra hàng ngàn năm trước ở những xứ sở độc tài lại tái diễn ngay ở phố tài chính, trái tim năng động nhất của nước Mỹ, quê hương tự do, dân chủ.

Cuộc đối thoại định mệnh

Tình tiết đắt nhất diễn ra ở cuối câu chuyện khi tổng giám đốc Lehman Richard Fuld gặp Bộ trưởng tài chính Mỹ thời ấy là Hank Paulson. Paulson đã đưa ra lời khuyên rằng Fuld hãy thận trọng với những bong bóng. Fuld đã đáp lại phũ phàng:

“Tôi ngồi ở vị trí này lâu hơn nhiều so với thời gian ông đương nhiệm ở Goldman. Vì thế, đừng có bảo tôi phải điều hành công ty của mình như thế nào.”

Theo tác giả, sự “ngạo mạn, trơ tráo, thiếu khiêm tốn” của Fuld “ngay ở những giờ phút tăm tối nhất của Lehman” đã khiến cho vị Bộ trưởng tài chính tức giận và không ra tay cứu trợ khi Lehman sau đó gặp nguy hiểm. “Chính thời khắc đó, số mệnh của Lehman đã được định đoạt.”

Sự sụp đổ của Lehman đã không còn mới mẻ gì nữa nhưng bài học của nó vẫn còn nguyên tính thời sự: ở nơi nào những tiếng nói phản biện xây dựng bị phớt lờ bởi những ông hoàng ưa phỉnh nịnh, thích xa hoa; nơi ấy, khủng hoảng đã cận kề…

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét