1.
1949 – 2009. Người ta nhìn thấy mốc thời gian đó ở nhiều nơi trong Lễ kỷ niệm Quốc khánh vừa qua của Trung Quốc. Năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa kết thúc bằng con số 9.
Số 9, theo quan niệm Trung Quốc, biểu trưng cho sức mạnh và quyền lực. Đó là con số dành cho các bậc vua chúa. Các hoàng đế Trung Quốc xưa thường mặc long bào có 9 con rồng, ngai vàng thường đặt trên 9 bậc, đội múa lân cho vua xem có 9 người. Đồ vật trong cung đình cũng thường có 9 như Cửu Long Bôi (9 cốc rồng), Cửu Đào Hồ (ấm 9 quả đào), Cửu Long Trụ (cột 9 rồng), Cửu Đỉnh (9 cái đỉnh).
Số 9 tượng trưng cho Trời, Thiên tử là con Trời mới xứng với số 9. Đó là con số của Cung đình, không ngẫu nhiên khi Tử Cấm Thành có đúng 9.999 phòng. Người Trung Quốc không làm gì mà không tính toán cẩn trọng về tâm linh, phong thủy.
Và cũng không ngẫu nhiên khi Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc có đúng 9 người.
Nếu số 9 đúng là biểu hiện cho Vương quyền thì việc lập quốc năm 1949 khá may mắn với Trung Quốc. Nhưng, kỳ lạ thay, những năm có đuôi 9 lại là những năm mà vương quyền Trung Quốc gặp nhiều thách thức nhất.
Chính vào năm 1949, Đài Loan bị chia tách khỏi đất mẹ. Năm 1959, cuộc nổi dậy của người Tây Tạng. Năm 1989, cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên ở Thiên An Môn. Năm 1999, sự kiện Pháp Luân Công và năm nay 2009, cuộc bạo động ở Tân Cương.
Đó là sự tình cờ của lịch sử hay nỗi ám ảnh tâm linh mang tên số 9?
2.
Quảng trường Thiên An Môn trong lễ kỷ niệm Quốc khánh 1.10 đẹp rực rỡ bởi cờ hoa. Cổng Thiên An Môn với bức ảnh lớn của ông Mao Trạch Đông quay mặt về hướng nam, nhìn thẳng ra Tượng đài tưởng niệm các anh hùng nhân dân và lăng Mao Trạch Đông. Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy ở trước Tượng đài kỷ niệm các anh hùng nhân dân, người ta đặt một tấm ảnh rất lớn của ông Tôn Trung Sơn.
Không phải bao giờ ảnh ông Tôn Trung Sơn cũng được đặt ở đó. Nhưng trong lễ kỷ niệm Quốc khánh này và một số thời điểm khác trong năm, người ta cho hai ông Mao Trạch Đông và Tôn Trung Sơn quay mặt nhìn nhau giữa quảng trường Thiên An Môn lộng gió.
Nhưng, những gì đã diễn ra trên đất nước Trung Quốc dười thời ông Mao Trạch Đông chắc chắn không làm vừa lòng Tôn tiên sinh nếu như ông còn sống để chứng kiến.
Tôn Trung Sơn là người chủ trương xây dựng chính thể cộng hòa, ông bị ảnh hưởng bởi tư tưởng phương Tây. Cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 do ông lãnh đạo đã lật đổ chế độ phong kiến nhà Thanh để thành lập Trung Hoa Dân Quốc, nền cộng hoà lâu đời nhất ở Đông Á. Tiếc là nỗ lực xây dựng nền Cộng hoà thực sự của ông đã không được hiện thực hóa trên đất nước Trung Quốc.
Tưởng Giới Thạch, người thay thế ông lãnh đạo Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1925, đã chỉ lo lắng tới việc điều binh khiển tướng để tiêu diệt Đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông nhằm thống nhất Trung Quốc hơn là cố gắng xây dựng một chính thể cộng hoà giữa thời buổi loạn lạc.
Mao Trạch Đông thống nhất Trung Quốc vào năm 1949, thành lập nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Tuy vậy, nền cộng hoà mà ông Mao Trạch Đông xây dựng khác với ý niệm Cộng hoà mà ông Tôn Trung Sơn đã hình dung.
Nền cộng hòa tư sản theo tinh thần cách mạng Pháp chưa bao giờ thực sự tồn tại ở Trung Quốc. Nền Cộng hoà mà Tôn Trung Sơn nhen nhóm từ đầu thế kỷ 20 tại sao không thể kéo dài thành công ở Trung Quốc? Tại sao ngay từ khi cách mạng Tân Hợi mới thành công đã xuất hiện một Viên Thế Khải âm ưu tự phong mình là hoàng đế hơn là hài lòng với chức vị tổng thống của nền Cộng Hoà?
Gần 100 năm từ cách mạng Tân Hợi, 60 năm CHND Trung Hoa, Trung Quốc đã không đi theo con đường Cộng hòa dân chủ kiểu Tây phương. Nền chính trị của Trung Quốc là nền chính trị nơi quyền lực được tập trung cao độ vào tay nhà nước (tập quyền) và phảng phất nét vương quyền phong kiến. Cho dù tên gọi có thể khác, cho dù tính chất đã bị giảm nhẹ nhưng tinh thần của một nhà nước vương quyền vẫn còn đó.
Phương Tây tốn quá nhiều giấy mực phê phán mô hình đó. Trung Quốc nói rằng mỗi quốc gia có bối cảnh riêng, Trung Quốc chọn con đường mang “màu sắc Trung Quốc”.
3.
Khu vực thành Bắc Kinh có một bố cục hoàn hảo về mặt phong thuỷ. Trục thẳng xuyên từ Bắc tới Nam thành phố nằm trên một đường long mạch dài 17Km, người Trung Quốc gọi đó là đường trung trục vĩ đại. Đường thẳng này đi xuyên qua toàn bộ những kiến trúc quan trọng nhất của thành Bắc Kinh từ Cổng thành phía bắc (nay là Lầu Phong Thuỷ) cho tới Tử Cấm Thành, Thiên An Môn, Lăng Mao Trạch Đông… và cả sân vận động Tổ Chim hiện đại.
Tất cả những di tích quan trọng về chính trị đều nằm trên một đường thẳng chính là đường long mạch của Bắc Kinh. Cấu trúc này mang hình dáng một con rồng, một biểu tượng của chế độ quân chủ chuyên chế hơn 2000 năm từ khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc.
Tượng đài tưởng niệm các anh hùng nhân dân là một cột bê tông lớn cắm thẳng xuống đường long mạch đó và nhìn thẳng về phía Tử Cấm Thành. Nguồn tin phi chính thống nói rằng việc cắm một cột bê tông xuống long mạch như vậy không chỉ nhằm mục đích tưởng niệm các anh hùng mà còn để “thiến rồng”, không để cho chế độ quân chủ phong kiến ngóc đầu dậy. Việc phá hẳn một cổng thành ngay trước Thiên An Môn để đặt Lăng Mao Trạch Đông ở đó cũng có ý nghĩa quan trọng về mặt Phong Thuỷ.
Tuy vậy, anh linh của các anh hùng dân tộc mà tấm bê tông kia tưởng niệm chỉ khiến cho con rồng quân chủ không thể ngóc đầu dậy về mặt hình thức. Xét về bản chất, hơi hướng của nền quân chủ tập quyền vẫn còn ngay trong thời đại ngày nay. Nói cách khác, tập quyền và vương quyền có cơ sở văn hóa lâu dài trong đời sống chính trị và văn hóa chính trị của Trung Quốc.
Khởi điểm là vào năm 221 trước Công Nguyên, khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc sau một giai đoạn các quốc gia hỗn chiến. Lần đầu tiên, một nhà nước phong kiến tập quyền mạnh cai trị trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Tần Thuỷ Hoàng bị không ít người phế phán là bạo tàn, bạc ác khi cai trị dân tộc một cách khắc nghiệt. Ông bắt dân xây Vạn Lý Trường Thành, đem quân đội mở mang bờ cõi làm cả triệu người bỏ mạng. Tuy vậy, nhà Tần ra đời là một bước ngoặt, đem lại những thay đổi lớn lao cho Trung Quốc. Quan trọng nhất là kể từ đó, Trung Quốc định hình mình như một đế chế chung với bờ cõi mênh mông chứ không còn là tập hợp những tiểu quốc luôn tìm cách thôn tính lẫn nhau.
Ai đã xem bộ phim nổi tiếng Anh Hùng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu mới thấu hiểu tinh thần này của Trung Quốc. Bộ phim kể về những thích khách đi ám sát Tần vương với những tình tiết bất ngờ. Bất ngờ nhất là khi Tần Vương hiểu ra sự thực rằng thích khách Tàn Kiếm đã có cơ hội giết mình nhưng đã không làm vậy. Khi được hỏi tại sao, Tàn Kiếm đã viết lên cát hai chữ: THIÊN HẠ.
Thống nhất được Thiên Hạ quan trọng hơn số phận của những cá nhân, để thống nhất cần một chính thể tập quyền. Tập quyền, chuyên chế chưa chắc đã dễ chịu với nhiều cá nhân nhưng nó đóng vai trò quan trọng để duy trì Trung Quốc như một ĐẠI Quốc. Xuyên suốt cả một lịch sử “tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan”, người Trung Quốc đặc biệt là giới tinh hoa chính trị có lý do để lo sợ sự đổ vỡ thành từng phân mảnh của một nước Trung Hoa lớn, họ phải tìm cách giữ lấy và bành trướng hơn nữa đất nước Trung Quốc bằng cách duy trì quyền lực tập trung.
Đi khắp đất nước Trung Quốc, lại càng thấy có vẻ như bá quyền đã trở thành một cái gì đó thuộc về bản sắc của đất nước tỉ dân này. Nơi nơi từ Vạn Lý Trường Thành tới Tử Cấm Thành, Trung Quốc bao giờ cũng thể hiện ra cho thế giới thấy sự vĩ đại, to lớn và vượt trội của nó. Lễ mừng Quốc khánh hôm 1.10 vừa qua là một điển hình.
Một điển hình tiêu biểu khác là các tòa nhà lớn, di tích lớn của Trung Quốc từ cổ chí kim rất hay có hai con sư tử đứng canh hai bên cổng. Theo phong thuỷ, một con đè chân lên một quả cầu thể hiện tinh thần BÁ QUYỀN THIÊN HẠ còn con kia đè chân lên một con sư tử con thể hiện tinh thần MẪU NGHI THIÊN HẠ. Sư tử theo phong thuỷ phát ra bá khí và Trung Quốc vẫn khao khát duy trì bản sắc bá quyền.
Ông Trương Nghệ Mưu đã mất ba năm để viết kịch bản cho bộ phim Anh Hùng. Bộ phim đã thành công vang dội không chỉ bởi nghệ thuật mà còn bởi thông điệp mang tính tư tưởng của nó. Trương Nghệ Mưu đã thay mặt nhiều người Trung Quốc nói lên tham vọng nhất thống THIÊN HẠ của một cường quốc. Bá quyền, tập quyền và vương quyền đã trở thành một truyền thống văn hóa hay nói chính xác hơn là một ý thức hệ của dân tộc Trung Hoa.
Nếu như người ta nói rằng nước Nga man rợ không thể tồn tại nếu thiếu ngọn roi hung bạo của Piốt Đại Đế thì cũng có thể nói rằng Trung Hoa mênh mông không thể tồn tại nếu thiếu tham gươm bá quyền của Tần Thủy Hoàng. Nước Nga đã tìm thấy cho mình một Sa Hoàng mới thì Trung Quốc vẫn phải tìm kiếm những Hoàng đế mới.
Con đường tới một xã hội dân sự mạnh và quyền lực được phân chia còn dài ở Trung Quốc. Không phải học giả và chính trị gia Trung Quốc không hiểu tự do dân chủ kiểu Tây Phương là thế nào, họ thừa sức để thấu hiểu. Nhưng thể chế chính trị phải tồn tại để bảo vệ chính nó và cũng phản ánh một phần bản sắc và não trạng chính trị của một dân tộc.
4.
Trong một hội thảo về Quan hệ quốc tế diễn ra ở Hàn Quốc vài năm trước, tôi có cuộc trao đổi với một anh bạn người Trung Quốc là Thạc sỹ Chính trị tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh. Tôi chép lại cuộc đối thoại thay cho lời kết:
- Liệu Trung Quốc có thể áp dụng mô hình dân chủ tự do kiểu phương Tây được không?
- Không phải bây giờ
- Tại sao?
- Vì Trung Quốc quá lớn
- Nước Mỹ đâu có nhỏ?
- Nhưng nước Mỹ không có lịch sử hơn 2000 năm vương quyền như Trung Quốc.
Khánh Duy