Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 vừa qua đã chia đôi thế giới xét trên cả khía cạnh tư tưởng hệ lẫn hiện thực. Trung Quốc đã nổi lên như một đối cực chắc chắn của Mỹ.
Khúc khải hoàn ca của hệ tư tưởng Mỹ
20 năm trước, năm 1989, học giả Francis Fukuyama công bố bài luận nổi tiếng thế giới “Sự cáo chung của lịch sử”. Trong bối cảnh tan rã của Liên Xô và Đông Âu, Fukuyama đã “cảm thấy một cái gì đó rất căn bản đã diễn ra trong lịch sử thế giới”, đó là ‘khúc khải hoàn ca lừng lẫy” của tư tưởng tự do phương Tây trước các ý thức hệ khác.
Fukuyama nhận định rằng lịch sử đã kết thúc ở mô hình tự do dân chủ phương Tây và thực chất đã kết thúc trong địa hạt tư tưởng bởi Hegel từ năm 1806 với những lý tưởng cao đẹp của cách mạng Pháp. Những diễn biến trong giai đoạn bức tường Berlin sụp đổ đó đã củng cố tính vững chắc về mặt thực tiễn cho nhận định của Fukuyama.
Năm 2009, chúng ta cũng đang “mơ hồ cảm thấy có một quá trình nào đó to lớn hơn đang vận động” như Fukuyama nhận định 20 năm trước. Tiếc là, chiều hướng của sự vận động có vẻ như trái với những kết luận của Fukuyama.
Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra, thế giới vẫn dường như vận động theo một quỹ đạo đã được lập trình mặc định bởi phương Tây mà đứng đầu là Mỹ. Mỹ đã tạo ra sân chơi và xác lập luật chơi theo hệ giá trị của họ trong quá trình dài suốt hơn 60 năm qua nếu kể từ thời điểm sau Thế chiến II.
Những mốc quan trọng trong quá trình xác lập giá trị Mỹ có thể bắt đầu từ năm 1944 với hội nghị Bretton Wood và xác lập mạnh mẽ vào năm 1988 với Đồng thuận Washington. Tinh thần chung của hệ giá trị ấy là tự do, tư nhân hóa và phi điều tiết. 2 thập kỷ của các Hiệp định thương mại tự do hậu bức tường Berlin tiếp tục củng cố hệ tư tưởng ấy.
Nước Mỹ và phương Tây đã trải qua giai đoạn thịnh vượng chưa từng thấy, Fukuyama đã đúng và tiếng kèn trompet đã ngân vang bài ca chiến thắng cho Mỹ và phương Tây suốt 20 năm sau chiến tranh lạnh. Ở nhiều nơi trên thế giới, vẫn còn những hệ giá trị khác biệt nhưng quan niệm chung vẫn là rồi chung cuộc, tất cả sẽ phải quy tụ dưới chân tượng nữ thần tự do của Mỹ.
“Ông thầy” đã sai
Nhưng, cú sụt trên thị trường nhà đất Hoa Kỳ và những công cụ tài chính phái sinh đã làm rung chuyển nền kinh tế Mỹ. Cú sốc tài chính không chỉ làm rạn nứt nền kinh tế, nó đã làm rạn nứt một tư tưởng hệ. Ngay cả đến một môn đồ suốt đời tôn thờ chủ nghĩa tự do như cựu chủ tịch FED Alan Greenspan cuối cùng còn phải cay đắng nhận định rằng những niềm tin của ông đã bị lung lạc.
Mới chỉ cách đây 2 năm, bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời Bush còn đang say sưa thuyết giảng về lý tưởng tự do ở Thượng Hải. “Thầy giáo” nói: ““Một thị trường tài chính mở cửa, cạnh tranh và tự do hóa, sẽ có thể phân bố các nguồn tài nguyên hiếm hoi một cách hiệu quả, bền vững, và thịnh vượng hơn một thị trường có sự can thiệp của chính phủ”
Rồi khủng hoảng nổ ra, phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Thâm nói với đồng nghiệp Mỹ: “Thầy giáo bây giờ gặp nhiều vấn đề rồi.” Còn chủ tịch Uỷ ban Kiểm tra Ngân hàng Trung Quốc thì nói: “Cuối cùng, chúng tôi đã hiểu được rằng nhiều điều mà ông thầy dậy chúng tôi là sai lầm” Từ bao giờ, Trung Quốc đã đủ quyền mỉa mai “ông thầy” Mỹ.
Đặc trưng của một số quốc gia như Trung Quốc hay Nga là nhà nước nắm quyền lực tập trung về chính trị, giữ kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng, hỗ trợ vật chất và chính sách cho các tập đoàn nhà nước, can thiệp sâu bằng nhiều biện pháp vào nền kinh tế. Có thể tạm gọi nó bằng một cái tên là chủ nghĩa tư bản tập quyền nhà nước.
Mỹ và phương Tây vẫn chẳng tiếc lời phê phán mô hình trên và cổ vũ cho một chủ nghĩa tư bản tự do thị trường. Quan niệm phổ thông luôn là: nhà nước luôn ngu ngốc và chỉ có thị trường mới đủ thông minh để giải quyết mọi vấn đề và đáp ứng mọi nhu cầu của nền kinh tế.
Khủng hoảng 2008 ập đến, mọi thứ bổng đổi thay. Giờ đây, Mỹ và phương Tây lại mua cổ phần, quốc hữu hóa các định chế tài chính, tập đoàn xe hơi; bỏ tiền cấp cứu nhiều ngành công nghiệp gặp khó khăn; thắt chặt kiểm soát và điều tiết hệ thống tài chính. Nước Mỹ có đang làm cái mà họ vẫn phê phán Trung Quốc?
Chẳng thế mà, tờ Daily Telegraph giật tít mỉa mai: “Chào các đồng chí, giờ chúng ta đã trở thành xã hội chủ nghĩa”
Niềm tin vào chủ nghĩa tư bản tự do ở Mỹ bị suy suyển thì ngược lại, ở Trung Quốc, hệ giá trị “màu sắc Trung Quốc” như vậy lại được củng cố. Buồn cười là, câu nói nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình để ủng hộ chủ trương cải cách: “Mèo trắng hay mèo đen miễn bắt được chuột ấy là mèo tốt” giờ đây lại được sử dụng với mục đích ngược lại. Các biện pháp Trung Quốc “bảo thủ” đang dùng chưa chắc đã đúng với sách giáo khoa kinh tế chính trị của Mỹ nhưng ‘miễn là bắt được chuột” thì ta cứ dùng.
Trung Quốc nhìn thấy những hậu quả của mô hình Mỹ và giờ đây giới tinh hoa cũng phải tự hỏi đâu là giới hạn của đổi mới và cải cách? Câu hỏi đó xác định tương lai Trung Quốc và cuộc khủng hoảng này có thể sẽ làm Trung Quốc siết lại thêm nữa những giới hạn đó.
Vòng khuynh loát của Trung Quốc
Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua đã làm xói mòn sức mạnh kinh tế tài chính của Mỹ. Đó là sự xói mòn vật chất, nhưng không chỉ thế, sức mạnh tinh thần Mỹ là hệ tư tưởng tự do cũng đã bị xói mòn, rạn nứt.
Fukuyama, cha đẻ của quan niệm lịch sử cáo chung, trong một bài luận gần đây đã phải thừa nhận rằng: hai giá trị quan trọng nhất là Tự do và Dân chủ kiểu Mỹ đang bị thách thức chưa từng thấy. Nếu nước Mỹ không tìm lại được thứ quyền lực mềm ấy, nước Mỹ sẽ phải nhường sân khấu cho những nhân vật khác.
Nhật vật đó có thể là ai khác nếu không phải là Trung Quốc. Sự nổi lên và bành trướng của Trung Quốc với một hệ giá trị khác đã biến vết rạn trong tư tưởng của Mỹ trở nên sâu sắc thêm trong hiện thực.
Trung Quốc đã phát triển tốc độ nhanh trong 30 năm qua nhờ mô hình chủ nghĩa tư bản có sự can thiệp mạnh của nhà nước. Mới đây, Nhân dân Nhật Báo Trung Quốc khôn khéo trấn an phương Tây: “không thể có chuyện mô hình Trung Quốc sẽ được lan truyền rộng rãi. Phương Tây chẳng cần phải lo lắng về điều này…”
Tờ Nhân Dân của Trung Quốc vội vàng bác bỏ khả năng Trung Quốc muốn “xuất khẩu” mô hình của mình như Liên Xô ngày trước để tạo ra đối cực với mô hình Mỹ, thanh minh rằng nước này không có ý đồ ảnh hưởng địa chính trị tới các quốc gia đang phát triển khác bằng mô hình của mình.
Nhưng nhìn những bước chân rầm rập của người Trung Quốc ra khắp thế giới trong khoảng thời gian gần đây, người ta thấy điều ngược lại. Trung Quốc đã và đang phát huy ảnh hưởng mạnh mẽ của mình bằng nhiều phương cách từ viện trợ tới đầu tư lên các quốc gia láng giềng gần gũi như Lào, Campuchia, Myanmar…. cho tới những quốc gia ở Châu Phi xa xôi. Trung Quốc đã trỗi dậy và còn đang mở rộng vòng khuynh loát của mình với một tốc độ và cường độ đáng nể phục.
Nửa đùa nửa thật, báo chí phương Tây tự hỏi liệu có đến một thời điểm mà thế giới sẽ đi theo “Đồng thuận Bắc Kinh” chứ không còn theo “Đồng thuận Washington” nữa. Tinh thần của Đồng thuận ấy chắc sẽ là: tăng tập quyền và điều tiết mạnh hơn, ngược với Đồng thuận cũ.
Bắc Kinh sẽ đi viện trợ, cho vay khắp thế giới với điều kiện các quốc gia đi vay phải điều tiết mạnh hơn, quản lý chặt hơn và nhà nước hóa. Đương nhiên, cũng như Mỹ, Nhật Bản, phương Tây viện trợ bây giờ, điều kiện đi kèm sẽ là sự thâm nhập của công ty và hàng hóa Trung Quốc vào tài nguyên và thị trường nội địa.
‘Đồng thuận Bắc Kinh” có thể là chuyện đùa phi hiện thực nhưng những động thái viện trợ, cho vay, tài trợ như kể trên của Trung Quốc với các nước nghèo hơn là chuyện thật sờ sờ trước mắt. Mà đâu chỉ nước nghèo, đừng quên Trung Quốc chính là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Bán kính của vòng khuynh loát ngày càng dài hơn khiến không ít người mơ hồ cảm thấy bóng dáng của một trật tự mới đang manh nha định hình trong thế giới hiện thực.
Bình minh của lịch sử
Cuộc khủng hoảng Made in America này đã làm cho nước Mỹ ngậm ngùi đi xuống còn Trung Quốc lại đang phơi phới đi lên. Phóng tầm mắt nhìn vào tương lai, có thể thấy Mỹ - Trung sẽ là hai cực lớn nhất trong một bàn cờ có thêm các cực khác nhỏ hơn. Xét trên khía cạnh cân bằng chính trị quốc tế, cuộc khủng hoảng này sẽ là điểm khởi phát cho một thế giới chia đôi như vậy. Mỹ sẽ không còn nắm quyền bá chủ được nữa.
Kết luận trong báo cáo mới đây của Hội đồng tình báo Quốc gia Mỹ về tương lai củng cố cho nhận định đó: “Khủng hoảng mở đầu tiến trình tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước.”
Câu “của cải sẽ tập trung nhiều hơn vào tay nhà nước” có thể ám chỉ sự nổi lên của Trung Quốc trong tương quan đối trọng với Mỹ, của mô hình tư bản tập quyền nhà nước đối trọng với mô hình tư bản thị trường tự do.
Trong một thế giới đang ngày càng phực hợp và hợp tác hơn, sẽ là không hoàn toàn chính xác nếu quy giản nó về thành cuộc cạnh tranh giữa hai thế lực đối nghịch với hai tư tưởng hệ như thời chiến tranh lạnh. Nhưng, xét trên một khía cạnh nào đó, một quy giản như vậy có thể cho ta một khuôn khổ hình dung dễ dàng hơn vào thế giới thực.
Francis Fukuyama viết trong bài luận năm 1989 rằng chúng ta đang ở giai đoạn hoàng hôn của lịch sử nhưng đến câu cuối cùng, ông lại phân vân: “Có lẽ chính cái viễn cảnh buồn chán kéo dài hàng thế kỷ như thế khi lịch sử cáo chung, sẽ làm cho lịch sử một lần nữa bắt đầu.” Quả đúng thế, lịch sử lại đang bước sang vào một buổi bình minh mới nơi chủ nghĩa tự do theo mô hình Mỹ đang phải đối mặt với thách thức từ Trung Quốc và mô hình mang màu sắc của họ.
Trật tự chia đôi sẽ dẫn thế giới này đi tới kết cục như thế nào? Liệu đây có phải là cuộc chiến cuối cùng của lịch sử trước khi thật sự kết thúc? Trong giai đoạn nhá nhem, tranh tối tranh sáng này của buổi bình minh, ngay cả trật tự mới cũng chưa được nhìn thấy rõ ràng thì những câu hỏi ở tương lai xa như trên chưa thể trả lời được.
Nhưng có một điều đúng như báo chí phương Tây nhận định, “các lực lịch sử đang làm chuyển dịch trọng tâm thế giới ra xa dần nước Mỹ”. Chắc chắn, cuộc khủng hoảng 2008 là một yếu tố chủ lực góp phần tái cấu trúc lại để tạo ra một trật tự thế giới mới trong đó Trung Quốc tạm thời trở thành một cực quan trọng trong thế giới hiện thực.
Khánh Duy
12.487. Tin Cập Nhật Thứ Tư 19/4
7 năm trước
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét