Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2009

Sân Golf, truyền thông và chính quyền

Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa qua đã cho thấy sự tương tác hợp lý giữa chính quyền, truyền thông và lợi ích của người dân.

Hồi tháng 4, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành rà soát lại việc quy hoạch sân golf, đồng thời đánh giá lại hiệu quả các sân golf đã được cấp phép đầu tư.

Tuần này, UBND thành phố Hà Nội quyết định xóa sổ 10 sân golf trong địa bàn thủ đô, bao gồm cả những dự án đình đám như Khu luyện tập thể thao và vui chơi giải trí Mễ Trì, Khu sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây, Sân Temple Lake Golf & Resort Chương Mỹ, Khu sân golf – resort – vui chơi giải trí cao cấp Hồ Cầm Quỳ.

Như vậy, từ chỉ đạo của thủ tướng tới quyết định dừng đầu tư một loạt những sân golf của lãnh đạo Hà Nội chỉ trong vòng 4 tháng. Khoảng thời gian không dài, và chắc chắn để đưa ra được quyết định đó, trong suốt 4 tháng qua, chính quyền đã liên tục tham vấn các Bộ, ngành, các chuyên gia đặc biệt là từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Rất nhiều bộ phận đã đóng góp vài thành công của chính sách trên, một phần trong đó không thể không kể tới vai trò của truyền thông. Trong vụ việc với sân golf, truyền thông và chính quyền đã có sự tương tác hợp lý theo đúng những nguyên tắc, cách thức chuẩn mực của xã hội dân chủ.

Theo lý thuyết hiện đại, truyền thông có thể tác động tới kết cục chính trị theo 3 cách: sàng lọc, thiết lập kỷ luật và thu hút sự quan tâm chính trị.

Sàng lọc

Sàng lọc là quá trình truyền thống giúp soi rọi vào những góc khuất của xã hội, tấn công nhằm loại bỏ những chính khách hoặc chính sách chưa tốt. Trong vụ việc với sân golf, báo chí đã chỉ ra khá rõ ràng dự án sân golf nào chiếm quá nhiều đất công và ảnh hưởng tới những công trình khác.

Lấy sân golf Mễ Trì làm ví dụ, dự án này đã được báo chí “mổ xẻ” khi chiếm tới 26,8ha đất ngay gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Quyết định “nhồi nhét” một sân golf vào khu vực trung tâm của một thủ đô chật chội trong khi Hà Nội đang “thừa” sân golf là một bất hợp lý đã được các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư lên tiếng phản biện công khai trên các phương tiện truyền thông.

Những phản biện đó đóng vai trò “sàng lọc”, góp tiếng nói với chính quyền loại bỏ dự án Mễ Trì ra khỏi danh sách được đầu tư.

Thiết lập kỷ luật

Thiết lập kỷ luật là một vai trò quan trọng khác của truyền thông trong quá trình tác động tới quyết định chính trị. Lấy trường hợp sân golf làm ví dụ: các cơ quan truyền thông đã đồng loạt lên tiếng về hiện tượng chủ đầu tư xin đất làm sân golf nhưng thực chất để xây dựng trong đó những biệt thự, resort để bán hoặc cho thuê.

Dự án xây sân golf cuối cùng lại là dự án bất động sản “núp” dưới những mỹ từ rất kêu “khu đô thị sinh thái”. Hãy để ý những tên sân golf đã bị dừng đầu tư theo quyết định vừa rồi của lãnh đạo Hà Nội, chúng ta có thể thấy điều đó: Khu du lịch đô thị sinh thái và sân golf Phú Mãn (Cty XNK tổng hợp Hà Nội); Khu đô thị du lịch sinh thái và sân golf Long Biên (Cty CP Vincom); Sân golf 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì (Cty TNHH Sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh Bitexco).

Ngoài ra, câu chuyện sân golf lấn chiếm đất nông nghiệp của nông dân, khiến không ít gia đình mất tư liệu sản xuất, phải sống vất vưởng bằng những nghề không phù hợp với sở trường đã được phản ánh nhiều và tới được “tai” những người có thẩm quyền.

Khi quyết định xem xét lại các dự án sân golf, lãnh đạo Hà Nội đã đề ra nguyên tắc chung “hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa”. Và trong các dự án bị xóa sổ vừa rồi, người ta thấy có tên những dự án dự tính sẽ “siêu lấn lúa” như Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu với 198,2 h, Temple Lake golf & resort với 97,51 ha “lấn lúa”.

Loại bỏ những dân golf chiếm đất nông nghiệp để đầu cơ bất động sản là chính là quá trình “thiết lập kỷ luật”, quá trình ấy có tác động không nhỏ của giới truyền thông.

Thu hút sự quan tâm chính trị

Câu chuyện sân golf nóng trên nhiều mặt báo đã đưa sân golf trở thành vấn đề trung tâm của những tranh luận chính trị, là thước đo để nhân dân nhìn nhận cách hành xử của chính quyền. Nhóm dân cư bị tổn thương bởi những dự án sân golf phải được chú ý và đưa vào chương trình chính trị.

Một số bài báo còn đặt vấn đề quyết liệt khi cho rằng, quá nhiều sân golf xa xỉ là sự thể hiện ra bên ngoài khoảng cách giàu nghèo trên thực tế, tạo ra khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đối xử trong tâm lý số đông quần chúng thu nhập thấp. Điều này bất lợi cho uy tín chính trị của chính quyền.

Quyết định xóa sổ 10 sân golf vừa rồi cho thấy chính quyền đã có những phản ứng lại nhạy bén và hợp lý để giữ uy tín và chiếm lại tình cảm của người dân. Còn truyền thông đã đóng vai trò cung cấp thông tin, dẫn dắt vấn đề để chính quyền đi tới quyết định ấy. Sự tương tác hai chiều đó rất hợp lý trong một xã hội dân chủ, và truyền thông đã làm tốt vai trò giám sát của mình.

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét