Thứ Tư, 28 tháng 1, 2009

Điểm non-fiction năm 2008

http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5910/index.aspx

Nhìn lại thị trường sách phi hư cấu năm 2008

Đã từng có thời, nói đến sách người ta liên tưởng tới truyện, tới tiểu thuyết văn học. Nhưng giờ đây, sách phi hư cấu về đủ loại chủ đề từ chính trị, kinh tế, kinh doanh, lịch sử, triết học… đã khá quen thuộc. . Đặc biệt năm 2008, rất nhiều tác giả phi hư cấu tên tuổi thuộc cả hai dòng thương mại và hàn lâm của phương Tây đã được Việt dịch.

Sách kinh doanh: năm hội tụ của các tên tuổi lớn

Sách kinh doanh có lẽ là mảng nở rộ nhất sau hội nhập. Năm 2008, một loạt các tác giả sách kinh doanh tên tuổi xuất hiện ở Việt Nam.

Trước nhất phải kể tới Peter Drucker, nhà triết học về quản trị số 1 của thế giới. Hai tác phẩm quan trọng của ông là Effective Executive và The Essential Drucker đã được NXB Trẻ và PACE dịch ra tiếng Việt với tựa đề Nhà quản trị thành công và Tinh hoa quản trị của Drucker. Đây là hai cuốn quan trọng trong trước tác hàng chục tác phẩm của nhà tư tưởng quá cố.

Trong cuốn Nhà quản trị thành công, Drucker đã đưa ra những khái niệm đơn giản nhưng then chốt của quản trị cá nhân. Muốn quản trị người khác trước hết phải quản trị chính mình sao cho làm việc hiệu quả. Hiệu quả theo Drucker lại độc lập với sự thông minh, kiến thức hay chăm chỉ. Trong cuốn sách này, Drucker lý giải rất sáng sủa những nguyên tắc để một nhân viên tri thức có thể làm việc hiệu quả hơn.

Cuốn Tinh hoa quản trị của Drucker rộng hơn, là tập hợp những tư tưởng tinh hoa nhất của Drucker về quản trị ở cả ba cấp độ: cá nhân, tổ chức và xã hội. Những khái niệm quan yếu định hình nên tên tuổi của Drucker như: “kinh doanh là tạo ra khách hàng”, “quản trị định hướng hiệu quả”, “quản trị như một chức năng xã hội”… đều được tổng hợp lại trong cuốn sách này. Drucker cho thấy một tầm tư duy thấu suốt về những vấn đề liên quan đến quản trị mà cuốn sách này là một minh chứng điển hình.

Cùng với Drucker, tác giả sách quản trị kinh doanh bán chạy nhất thế giới là Jim Collins đã được giới thiệu ở Việt Nam qua hai cuốn sách siêu bestseller trên toàn thế giới là Good to Great (từ Tốt tới Vĩ Đại) và Built to Last (Xây Dựng để Trường Tồn). Cả hai cuốn này cũng do NXB Trẻ và PACE giới thiệu. Đáng mừng là cả hai cuốn đều bán khá chạy và được giới quản trị kinh doanh Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.

Giá trị của hai cuốn sách nằm ở chỗ nhóm tác giả đứng đầu là Collins đã tổng hợp những nghiên cứu thực tiễn trên một số lượng lớn các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được nghiên cứu đều có thành công lâu dài và vượt trội trên tương quan so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Văn phong của cả hai cuốn đều hết sức hàm súc, lý giải gãy gọn, rõ ràng, đôi chỗ cuốn hút đặc biệt. Chủ các doanh nghiệp “khoái” mấy cuốn này cũng dễ hiểu khi qua đặc điểm thành công của các công ty hàng đầu, họ có dịp tự soi lại doanh nghiệp mình. Nhiều khái niệm đưa ra trong hai cuốn này thực sự hữu ích trong việc xây dựng tư duy chiến lược và quản trị chuyên nghiệp.

Thế nhưng, cả hai cuốn đều bị khá nhiều lời chỉ trích từ giới học giả trên thế giới. Thực tế cũng cho thấy, nhiều công ty trường tồn và vĩ đại được Jim Collins coi như hình mẫu đã suy thoái sau khi sách xuất bản. Cuốn sách phê phán Jim Collins hay nhất là The Halo Effect (Hiệu ứng hào quang) có thể sẽ sớm xuất hiện ở Việt Nam trong năm nay.

Một cuốn sách kinh doanh quan trọng khác là Focus (Chuyên biệt) đã được Alphabooks dịch và xuất bản trong năm nay. Tác giả Al Ries không còn xa lạ với người đọc Việt Nam nhưng cuốn sách quan trọng bậc nhất này của ông mới lần đầu được dịch đầu đủ ở Việt Nam. Lập luận của Al Ries vẫn như vậy, gần gũi, trong sáng và rất dễ hiểu. Tác giả thuyết phục người đọc bởi sự giản đơn của lập luận chứ không phải bằng hình thức màu mè.

Vào cuối năm, sự xuất hiện rầm rộ của cha đẻ lý thuyết cạnh tranh Micheal Porter đến Việt Nam làm cho hai cuốn sách dày cộp của ông là Competive Advantage (Lợi thế cạnh tranh) và The Competive Advantage of Nations (Lợi thế cạnh tranh quốc gia) bán khá chạy. Lý thuyết cạnh tranh của Porter có vai trò nhất định trong xác lập chiến lược của doanh nghiệp và quốc gia.

Nhưng những lập luận của Porter đã và đang tiếp tục bị không ít những lời chỉ trích từ các nhà kinh tế và giới nghiên cứu quản trị kinh doanh. Lý thuyết “năm lực đẩy” nổi tiếng cũng như nhiều lý giải khác của ông tỏ ra phức tạp, bị phê phán là thiếu cơ sở thực tiễn, chỉ đúng với một số tình huống chọn lọc chứ không đại diện cho toàn thể. Hơi khó để tìm ra những ý tưởng đơn giản nhưng đột phá từ khung tư duy của Porter.

Ngoài ra, một số tên tuổi khác như John Maxwell (chuyên gia về thuật lãnh đạo), Richard Koch (tác giả nguyên lý 80/20), Zig Ziglar (chuyên gia bán hàng) đều được giới thiệu ồ ạt trong năm nay và tạo ra được sức lan tỏa nhất định. Thị trường sách kinh doanh có vẻ như đã có một năm sôi động nhất xét về cả số lượng lẫn chất lượng tác phẩm.

Sách kinh tế: tiền đề cho năm 2009

So với lĩnh vực sách kinh doanh thì sách kinh tế ảm đảm hơn. Cũng dễ hiểu khi người ta thích đọc những gì có thể ứng dụng trực tiếp được như kinh doanh hơn là những vấn đề kinh tế vĩ mô xa xôi.

Năm 2008, một gương mặt khá quen thuộc là nhà kinh tế học Joseph Stiglitz được giới thiệu với 2 cuốn sách nổi tiếng của ông là Making Globlization Work (Vận hành toàn cầu hóa) và Globlization and its Discontents (Toàn cầu hóa và những mặt trái). Cả hai cuốn đều là những đúc kết của nhà kinh tế đoạt giải Nobel 2001 từ quãng thời gian 3 năm (1997-2000) làm phó chủ tịch ngân hàng Thế giới. Cuốn thứ nhất tập trung vào phê phán những khuyết tật của thể chế toàn cầu hóa hiện nay, cuốn thứ hai đề ra những phương hướng, giải pháp để hệ thống hiện nay hoạt động công bằng và chất lượng hơn. Cả hai cuốn đều bán rấtchạy trên thế giới nhưng đã không còn mới mẻ xét về cả tư tưởng lẫn thời gian. Tuy xuất hiện muộn ở Việt Nam, nhưng cả hai cuốn này đều là những tư liệu tham khảo quan trọng cho những ai nghiên cứu lĩnh vực kinh tế ở cấp độ toàn cầu.

Một cuốn sách khác cũng không còn mới (đã được xuất bản ở Mỹ vào giữa năm ngoái) nhưng mãi tới cuối năm nay mới được ra mắt ở Việt Nam là The Age of Turbulence (Kỷ nguyên hỗn loạn) của cựu chủ tịch FED Alan Greenspan. Cuốn này là một “di sản tri thức” trong suốt cuộc đời hoạt động thực tiễn và suy ngẫm về kinh tế học của Greenspan. Trong cuốn này, Greenspan khẳng định niềm tin gần như tuyệt đối vào lý thuyết thị trường tự do nhưng điều thú vị là cuốn sách vừa ra được một năm thì cuộc khủng hoảng tài chính ập về, thách thức những lý tưởng cả đời Greenspan đeo đuổi.

Cuốn sách kinh tế mới nhất và mang tính thời sự nhất trong năm vừa rồi là “Mô thức mới cho thị trường tài chính” của George Soros. Nghe danh Soros đã lâu nhưng lần này, người Việt mới được “gặp” ông trong một tác phẩm được Phương Nam Books dịch khá nhuần nhị. Đây lại là cuốn sách đầu tiên đề cập tới đề tài khủng hoảng tài chính đang hot nên được đón nhận rất nồng nhiệt. Cuốn này mô tả khá kỹ diễn trình và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hiện nay. Điểm đặc biệt là ở chỗ, Soros dù là nhà hoạt động thực tiễn nhưng lại tiếp cận tài chính từ góc độ “triết học”.

Một số tác giả được đã được giới thiệu từ năm ngoái nay lại có tác phẩm thứ hai tiếp tục được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Điển hình là học giả đoạt giải Pulizer Daniel Yergin với tác phẩm The Commanding Heights (Những đỉnh cao chỉ huy). Năm nay, tác phẩm The Prize (Dầu mỏ - Tiền bạc và Quyền lực) của nhà lịch sử kinh tế này được Alphabooks giới thiệu. Cuốn sách “dày như cục gạch” này vẽ lại lịch sử kinh tế chính trị thế giới từ góc nhìn dầu mỏ. Ngập tràn những tình tiết và nhân vật như kiểu Tam Quốc Diễn Nghĩa, Yergin dẫn dắt người đọc vào một mê hồn trận của những cuộc xung đột bất tận giữa các thế lực tranh nhau nguồn tài nguyên dầu khí.

Một tác giả khác là John Perkins với tác phẩm gây tiếng vang Lời thú tội của một sát thủ kinh tế. Lần này, Perkins trở lại với cuốn Secret history of American Empire (Lịch sử bí mật đế chế Hoa Kỳ). Tựa sách thì khác nhưng luận điệu của sát thủ kinh tế “tự phong” John Perkins thì vẫn vậy: chống tập đoàn trị và toàn cầu hóa. Cuốn sách mang nhiều màu sắc kinh tế chính trị “vỉa hè” này nổi bật nhưng không có nhiều giá trị khách quan hay học thuật.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ vấn đang gây ảnh hưởng mạnh tới Việt Nam. Số lượng người quan tâm tới kinh tế tài chính sẽ tăng mạnh trong năm 2009. Vì vậy, có thể dự đoán số lượng sách kinh tế năm 2009 sẽ tăng. Đặc biệt những tác giả nổi danh có sách viết về cuộc khủng hoảng hiện nay như Nobel Kinh tế 2008 Paul Krugman chắc chắn sẽ sớm xuất hiện.

Sách chính trị: Điểm sáng Obama

Việc Obama được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ là sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất. Giới làm sách Việt Nam đã theo kịp mạch thời sự với việc tung ra một số cuốn sách do Obama viết.

Nổi bật nhất là cuốn Audacity of Hope (Hi vọng táo bạo) của NXB Trẻ. Cuốn này được Obama viết khi còn là thượng nghĩ sỹ. Với bút pháp khá tao nhã và thấu suốt, tác giả đã phê phán nền chính trị đầy chia rẽ của nước Mỹ hiện đại. Bằng những từ ngữ đầy mỉa mai và tinh thần phản biện, Obama gây bất ngờ khi chỉ trích chính nền chính trị mà ông đang tham gia với tư cách một thượng nghị sỹ. Obama nói cuốn sách sẽ làm thất vọng nhiều người nhưng có lẽ sau cuốn này, nhiều người lại có cảm tình hơn với ông bởi óc phê phán, sự khách quan và những nỗ lực chân thành.

Một cuốn khác cũng do Obama viết là Dream from my father (Những giấc mơ từ cha tôi). Tuy nhiên, cuốn này được chuyển ngữ tồi tệ tới mức “đọc không hiểu gì”.

2008 là một năm kinh tế chứa đầy những biến động khó lường. Đầu năm lạm phát, cuối năm suy thoái, những đơn vị xuất bản sách gặp nhiều khó khăn do giá đầu vào tăng cao và sức cầu yếu đi. Thế nhưng, sách vẫn ra đều đều và cuộc chiến cạnh tranh để mua bản quyền những cuốn non-fiction bán chạy ngày càng quyết liệt.

Lĩnh vực xuất bản sách thực sự đã có những bước tiến lớn trong hai năm trở lại đây. Chỉ tiếc là, văn hóa đọc có vẻ như chưa tiến kịp theo bước tiến ấy.

Khánh Duy

1 nhận xét:

  1. age of turbulence công nhận đọc sướng, nhưng đôi khi em có cảm giác Greenspan ba phải, thiếu quyết đoán hay là vì FED chỉ có quyền lực đến thế? Dẫu vậy, nhờ thái độ "trung dung" mà Greenspan được làm chủ tịch những 5 nhiệm kỳ, cái gì cũng có giá của nó cả!

    Trả lờiXóa