Thứ Ba, 20 tháng 1, 2009

Chú Obama




Obama sắp nhậm chức rồi. Lúc đầu tôi hok thích chú vì chú da đen. Tôi thích Hillary xinh đẹp hơn. Sau đọc sách chú, tôi thấy rất quý chú. Tôi viết bài điểm sách chú, chú phù hộ tôi nhé.

Chúc chú thành công mấy năm tới, đưa toàn Đảng (Dân chủ) toàn dân và toàn quân Hoa Kỳ tiến lên thế giới đại đồng.

http://www.tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/5918/index.aspx

Chính trị Hoa Kỳ dưới góc nhìn Obama

“Trông anh cũng đàng hoàng. Sao anh lại muốn nhảy vào một lĩnh vực bẩn thỉu và hiểm ác như chính trị.” Nhiều người đã hỏi Obama câu đó khi ông mới chỉ tranh cử ghế Thượng nghị sỹ Mỹ. Trong cuốn sách nổi tiếng “Hy vọng táo bạo” của mình, bằng thứ ngôn ngữ phản biện mạnh mẽ, Obama đã làm cho nhiều người bất ngờ khi đề cập đến nền chính trị Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ là mô hình dân chủ tự do điển hình, nhiều quốc gia soi chiếu vào mô hình đó để đi tìm lý tưởng chính trị cho mình. Lý tưởng chính trị “tự do ngôn luận”, “tam quyền phân lập”, “kiểm soát và cân bằng”… của các nhà lập quốc Hoa Kỳ được coi như khuôn mẫu về dân chủ, đúc kết từ tinh hoa tư tưởng của những trí tuệ lớn từ thời cổ đại tới thời Khai sáng.

Obama, một chính trị gia Mỹ tốt nghiệp Havard, đương nhiên thấu hiểu sâu sắc lý tưởng chính trị đó. Nhưng trong cuốn sách “Hy vọng táo bạo” của mình, vị tổng thống mới được bầu đã đưa ra một góc nhìn về thực tế chính trị đang diễn ra ở Mỹ so với những những lý tưởng chính trị của các nhà lập quốc năm xưa.

Nghề chính trị

Chính trị ở Mỹ có thể coi là một nghề và đó không phải là cái nghề đầy quyền uy và hào nhoáng như người ta tưởng. Obama bằng trải nghiệp trực tiếp của bản thân đã mô tả cái nghề chính trị đó hiện nay bằng những từ ngữ đầy mỉa mai: “Chính trị là nghề kinh doanh chứ không phải sứ mạng, những thứ được gọi là tranh luận thực chất cũng chỉ hơn biểu diễn một chút.”

Chính trị gia không thể thắng cử nếu không vận động để được biết tới, giống như doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu không quảng cáo vậy. Nhưng để tổ chức vận động thì anh phải có tiền, nếu giàu rồi thì anh tự bỏ tiền túi ra mà tranh cử, còn nếu không thì phải “đi xin người giàu” như Obama đã làm từ khi còn tranh cử ghế thượng nghĩ sỹ.

Đã đi “ăn xin” thì đương nhiên phải chấp nhận những lời chối từ, những người tham vọng trở thành chính trị gia phải chấp nhận dẹp qua cái sỹ diện của mình sang một bên. Obama đã vô cùng khó khăn khi phải làm điều đó. Ông kết luận rằng để vượt qua tất cả và trở thành thượng nghị sỹ Hoa Kỳ, một chính trị gia “đòi hỏi phải có chứng hoang tưởng tự đại nhất định” và chiến dịch tranh cử thì “khi điêu tàn, khi huy hoàng nhưng lúc nào cũng lố bịch.”

Phải có tiền hoặc đi xin tiền để thắng cử, đương nhiên, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nền chính trị cũng bị chi phối bởi đồng tiền. Thế cho nên, không ít những người cực đoan nói về những chính trị gia Mỹ như sau: “chúng đều là những con rối của các nhóm đặc quyền”, những “con buôn chính trị”.

Obama đã nỗ lực để không bị ảnh hưởng và chi phối bởi các nhóm lợi ích giàu có tài trợ cho hoạt động tranh cử của mình. Nhưng ông khá chân thành khi thừa nhận: “Hậu quả của hoạt động gây quỹ là tôi ngày càng giống những nhà tài trợ giàu có tôi gặp, nghĩa là dành nhiều thời gian cho thế giới đứng trên sự tranh chấp, bên ngoài sự đói khổ, thất vọng, sợ hãi, phi lý và khó khăn của 99% dân số, bạn di chuyển theo quỹ đạo khác với những người mà bạn đại diện. Khó khăn của người bình thường, tiếng nói từ những thị trấn thất nghiệp hay những khu trung tâm đang suy thoái chỉ còn là những tiếng vọng xa xôi.”

Nỗi lo sợ thất bại, ham muốn vươn tới “địa vị và quyền lực” đã khiến các chính trị gia đôi khi “đứng giữa vách đá cheo leo”, phải cân bằng giữa nhóm lợi ích và số đông quần chúng. Vì thế, không ít lần, họ trở thành những “chính trị gia hai mặt”, “vận động một kiểu, khi trúng của làm kiểu khác.” Và, quá trình lập pháp trở thành sản phẩm của “hàng trăm thỏa hiệp lớn nhỏ”.

Nền dân chủ lệch lạc và chia rẽ

Chính trị Hoa Kỳ, theo Obama, đang đứng trước: “sự chia rẽ lớn nhất kể từ sau Thế chiến hai”. Nền chính trị với hai đảng đối lập nhau là Dân chủ và Cộng hoà có nhiều ưu việt nhưng dường như đang trôi về những thái cực cực đoan nhất của nó. “Mọi vấn đề dù lớn hay nhỏ, đối nội hay đối ngoại, tất thẩy đều được quy thành phải lựa chọn quan điểm bên này hay bên kia, phản đối hay ủng hộ, rất ngắn gọn.”

Mô hình hai đảng cạnh tranh với nhau biến thái thành “công kích”, “lăng mạ” lẫn nhau. Không bên nào công nhận tính đúng đắn của bên kia cho dù trong thâm tâm họ nghĩ rằng bên kia cũng có một phần đúng. Kết quả là chính trị gia tự nhiên phải đi theo chủ nghĩa bảo thủ cực đoan hoặc chủ nghĩa tự do ngang bướng. “Chính trị như một cuộc đấu, không chỉ là giữa các quan điểm chính trị mà là giữa thiện và ác, hoặc anh ủng hộ hoặc anh chống đối, anh phải chọn một trong hai phía.”

Obama mô tả nền chính trị bằng một cụm từ rất hay là “loại sản phẩm đóng gói”. Mọi quan điểm từ thuế má tới nạo phá thai đều đã được hai Đảng “đóng gói” lại, khi cần tranh luận với Đảng kia thì chúng sẽ được “lôi ra khỏi giá”. Theo Obama, “các suy nghĩ giáo điều và tính đảng phái cứng nhắc đã khiến người Mỹ quay lưng lại với chính trị”, “đa phần mọi người giờ đây đều xem chính trị như một trò tiêu khiển, một môn thể thao trong đó các chính trị gia là các đấu sỹ bụng phệ, còn những người đang duy trì mối quan tâm tới họ là các cổ động viên mỗi bên.”

Nền dân chủ bị chia rẽ và lệch lạc như vậy đã khiến tất cả trở thành “màn kịch chính trị”. Cho dù đóng một vai trong “màn kịch” đó, nhưng nhiều trường hợp, Obama lại phê phán nó bằng những từ ngữ nặng nề như thể người ngoài cuộc: “Những ngôn từ bay bổng được sử dụng cho những mục đích phi đạo lý, những cảm xúc cao quý nhất có thể bị phá hoại vì quyền lực, thủ đoạn, sự tham lam và thiếu khoan dung. Những lợi ích hẹp hòi cạnh tranh đề giành ưu thế, những nhóm tư tưởng thiểu số cố gắng áp đặt suy nghĩ của họ về chân lý tuyệt đối.”

Mặt trái của tự do ngôn luận

Không chỉ nền chính trị trở nên cực đoan thái quá mà báo chí cũng cực đoan như vậy. Truyền thông là sân khấu để giới chính trị biểu diễn quan điểm và công kích lẫn nhau, mọi quan điểm đều được phóng đại trên truyền hình và mạng để tạo thành một “nền chính trị thô lỗ” theo lời Obama.

Trong quá trình tranh cử, các chính trị gia dùng hàng triệu đô la để tạo ra những “cơn bão quảng cáo đả kích”. Những chuyện vợ con, tình ái của đối thủ cũng được lôi lên báo chí để triệt hạ lẫn nhau. “Họ nói với nhau về những lời lăng mạ, buộc tội, những chuyện tầm phào và cạnh khoé suốt 24h một ngày, bẩy ngày một tuần.” Obama cho rằng những công kích thiếu lịch thiệp và xây dựng như vậy chỉ tạo ra “sự giận dữ, ngờ vực và bào mòn nghị lực” của chính trị gia và “xói mòn khả năng đánh giá sự thật” của quần chúng.

Mọi lời nói của cá nhân Obama và các chính trị gia khác đều bị săm soi và trích dẫn vô lối trên blog cá nhân, báo chí để bới móc và tạo ra mâu thuẫn. Tự do ngôn luận để khuyến khích nói thật nhưng đôi khi lại phản tác dụng, khi người ta biết rằng nếu nói thật sẽ rơi vào tâm bão chỉ trích. Obama kết luận khá bi quan: “Chính trị gia ngày nay hiểu điều đó. Ông ta có thể không nói dối, nhưng ông biết không có gì tốt đẹp dành cho những người nói thật.”

Tìm lại nền chính trị đồng thuận

Dường như, có một khoảng cách giữa nền dân chủ lý tưởng trên lý thuyết với thực tế chính trị hiện tại. Thậm chí, những nguyên tắc tạo nền móng vững chắc cho nền dân chủ Mỹ từ thời khai quốc dường như đang phải đối mặt với thách thức, khi những biến thái cực đoan của nó tạo ra sự lệch lạc trong hệ thống chính trị.

Obama kêu gọi một nền chính trị khác, một nền dân chủ đồng thuận với những giá trị gốc rễ từ năm 1776, “một nền chính trị chín chắn, cân bằng giữa lý tưởng và thực tế, để phân biệt được vấn đề gì có thể thoả hiệp được và vấn đề gì không thể, để thừa nhận rằng đôi khi phe đối lập cũng đúng”, một nền chính trị biết “sự khác biệt giữa tín điều và lẽ phải, giữa có trách nhiệm và vô trách nhiệm, giữa những điều sẽ tồn tại mãi mãi và những thứ chỉ lướt qua…”

“Bình thản và thấu suốt”, Obama với tư cách một thượng nghĩ sỹ đã phân tích những mặt trái của nền chính trị mà ông đang phục vụ. Giữa thời đại hỗn loạn của những giá trị bị thách thức này, những tiếng nói phản kháng đã được lắng nghe và đó có thể là một nguyên nhân khiến Obama được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Nhưng từ những lời hô hào thay đổi tới hành động để thay đổi nền chính trị là một hành trình rất dài và khó khăn với Obama, chính Obama cũng phân vân: “Có thể chính trị đã bị tầm thường hóa tới mức không thể trở lại được như cũ…”

Người dân Mỹ và thế giới vấn đang chờ đợi hành trình tìm lại Giấc mơ Mỹ của Obama với “hi vọng táo bạo” như tên cuốn sách mà ông đã viết.

Khánh Duy

3 nhận xét:

  1. Bài hay thế này mà được có 200k thì phí thật. Nhưng thôi, vật chất là tầm thường, hy vọng từ những bài điểm sách của chú mà có thêm người thích đọc sách, nâng cao dân trí, bồi đắp tri thức cho một thế hệ độc giả mới của Việt Nam. KD cố lên.

    Trả lờiXóa
  2. hmmm, sao nhieu nguoi ko thich Obama luc dau chi vi ong y da den the nhi?

    Trả lờiXóa
  3. Người Mỹ thống trị! :(

    Trả lờiXóa