Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

Bình thường, dị thường và vô thường ở Khách sạn băng


Tùy bút nghĩa là cứ phóng bút viết thế nào thì tùy

Chúng tôi đã phải ngủ trong chiếc “tủ lạnh” lớn nhất thế giới với 6000 mét vuông mặt sàn. Chiếc “tủ lạnh” ấy là Khách sạn Băng tại miền cực bắc Thuỵ Điển.

6h tối, con tàu bắt đầu chuyển bánh đưa đoàn nhà báo Việt Nam đi dọc theo chiều dài đất nước Thuỵ Điển, từ thủ đô Stockholm ở miền Trung đi ngược lên miền Bắc. Chuyến tàu đêm cuối tuần chở đa số là những người mê trượt tuyết mang theo người đầy những đồ nghề. Con tàu sẽ đi thẳng sang Na Uy nhưng chúng tôi sẽ dừng lại ở thành phố Kiruna gần cực bắc Thụy Điển, khu vực này đã nằm ngoài vòng cực 200 Km. Đích đến sẽ là một khách sạn đặc biệt nhất thế giới chỉ làm bằng băng và tuyết có tên Ice Hotel (Khách sạn băng), cách Kiruna 12 Km.

“140 đôi từ khắp thế giới tới khách sạn băng để cưới nhau mỗi năm.” Ai đó đọc thông tin từ tờ hướng dẫn.

“Không hiểu họ cởi quần áo để ngủ với nhau trong đó kiểu gì nhỉ?” Ai đó hỏi.

Tiếng cười rộn lên ở cái khoang giường năm 6 người trên chuyến tàu cuối tuần. Ai cũng tò mò với chuyến đi độc nhất vô nhị tới một địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Thuỵ Điển, khách sạn băng đầu tiên và cũng là lớn nhất trên thế giới. Năm nay, khách sạn băng ấy bước sang tuổi thứ 21 và mỗi năm đón 60 000 khách thăm. Chỉ có 30% trong số đó là người Thuỵ Điển.

“Đắt lắm, rất ít người Thụy Điển đã tới khách sạn băng. Châu Á chỉ có người Nhật hay tới đây, nhiều đôi Nhật làm đám cưới ở đó.” Cô Karin, người dẫn đoàn nhà báo Việt Nam cũng hồi hộp không kém.

Mà đắt thật. Phòng rẻ nhất ở đó cũng khoảng hơn 8 triệu một đêm tính ra tiền Việt, phòng đắt nhất khoảng 22 triệu. Đã đắt lại còn xa, 18 tiếng liên tục trên tàu là quãng thời gian rất dài. May mắn là màn đêm đã nhanh chóng biến quãng thời gian bải hoải ấy thành một cái chớp mắt.

7h sáng, chúng tôi tỉnh dậy và nhìn ra ngoài khung cửa sổ: chỉ thấy loang loáng màu trắng của băng tuyết và màu xanh đen của những cây thông trụi lá. Nhà cửa cứ thưa thớt dần và màu trắng của tuyết mỗi lúc một dày thêm khi đoàn tàu tiến dần về miền cực.

Hệ thống sưởi cực tốt làm không khí bên trong con tàu luôn ấm áp nhưng nhiệt độ buổi sớm bên ngoài luôn khoảng -10 độ C. Chúng tôi nhìn thấy những khoảng trắng mênh mông phẳng lặng, đó là những dòng sông hay những hồ nước đã đóng cứng thành băng và bị che phủ thêm lần nữa bởi một lớp tuyết dày.

Bữa sáng nhẹ với bánh mỳ kẹp, nước táo cộng thêm với văn hóa buôn chuyện của người Việt đã đẩy thời gian đi tới điểm cực của nó. 10h sáng, cô Ingela trưởng đoàn đi khắp từng khoang nhắc chúng tôi.

“Các bạn sẵn sàng chưa, chuẩn bị xuống nhé, sắp tới Kiruna rồi.”

Cô Ingela đã ngoài 50 vẫn thật trẻ trung trong chiếc áo thể thao màu xanh. Cô làm chúng tôi cảm động vì sự chu đáo của mình.

Kiruna đã hiện ra xa xa từ ngoài cửa sổ con tàu. Không lãng mạn cho lắm, một quả núi khá to nham nhở màu đen của nhà cửa và màu trắng của tuyết. Thành phố nhỏ xíu này tồn tại chỉ bởi ở đó có một mỏ sắt lớn nhất thế giới ngay trong quả núi, toàn bộ nơi này sống phụ thuộc vào khu mỏ ấy. Nhà ga Kiruna với lớp gạch và mái đỏ hiện ra khá xinh xắn giữa màu tuyết trắng phau và màu trời xanh ngắt.

Một chuyến xe bus đón chúng tôi từ ga tàu xuôi xuống Khách sạn băng cách đó 12 Km. Những cánh rừng tuyết phủ bắt đầu hiện ra và không gian của miền cực dần rõ nét. Tuyết, tuyết và chỉ có tuyết, mùa đông ở vùng Lapland của Thuỵ Điển mang đặc trưng Bắc Âu: tuyết là vua và tuyết cũng là hoàng hậu.

Ngôi làng Jukkaskarvi nơi có khách sạn băng thật bình dị. Những nóc nhà lơ thơ giữa một vùng tuyết trắng bao la. Toàn ngôi làng chỉ có 900 người sinh sống với khoảng 1000 chú chó. Khách sạn băng đã làm tan đi cái không khí heo hút của ngôi làng ngoài vòng cực ấy, mỗi năm, 20 000 người trên khắp thế giới về đây chỉ để được ngủ trong những căn phòng băng tuyết.

Xe bus đậu ngay trước cổng khách sạn băng, chúng tôi bước ra khỏi xe nhưng vẫn chưa biết đâu là khách sạn, vẫn là những căn nhà nhỏ xinh xắn bình thường với mái phủ lớp tuyết dày.

“Trời ấm quá, ấm hơn cả ở Stockholm.” Tôi nói với cô Ingela.

“Yes, nhưng vừa từ xe xuống thôi, đi một lúc trong tuyết mới thấy lạnh.” Cô Ingela trả lời.

Quá trình check in diễn ra chậm chạp, đoàn 24 người được bắt thăm để chia làm hai nhóm, nhóm 16 người được ở phòng Băng và nhóm 8 người còn lại ở phòng Tuyết. Chưa ai biết phòng ốc thế nào, chỉ biết phòng Băng thì “xịn” hơn phòng Tuyết.

Sau khi check in, như thường lệ, khách sẽ được về phòng tắm rửa nghỉ ngơi. Nhưng ngược lại, ở khách sạn băng, check in xong vẫn chưa được về phòng mà buộc phải… đi chơi. Người ta phát cho mỗi chúng tôi một chiếc chìa khóa nhỏ có ghi số phòng nhưng không phải để mở cửa phòng mà để mở… tủ đựng quần áo.

Có một khu riêng gọi là Phòng Thay đồ (Dressing Room) nơi có một dãy tủ dài. Mỗi người phải vứt hết quần áo đồ đạc của mình vào trong chiếc tủ ấy và được phát một bộ quần liền áo to đùng, một đôi giày cao cổ khủng bố và một đôi găng tay của võ sỹ đấm bốc. Ai cũng phải “đeo” bộ đồ nặng như cùm ấy vào người và bắt đầu đi ra ngoài. Vẫn chưa biết mặt mũi cái khách sạn băng thế nào.

Cô Ingela và cô Karin lại không ở trong phòng băng tuyết mà thuê hai phòng ấm ở ngoài. Cái khách sạn băng kỳ lạ này chỉ có 60 phòng lạnh trong băng tuyết, số còn lại là phòng ấm lát gỗ thông như khách sạn bình thường. Chúng tôi bảo nhau, chắc phòng băng đắt, các cô phải nhường cho nhóm khách.

Cuộc đi chơi chuẩn bị bắt đầu thì nảy sinh… nạn đói. Đã 2h chiều và chiếc bánh kẹp buổi sáng đã làm hết nhiệm vụ của nó. Nhà hàng ở khách sạn băng thì đắt và như thường lệ, người Việt tìm về với món ẩm thực giá rẻ truyền thông của mình: mỳ tôm. Chết ở chỗ “xin” đâu ra nước sôi ở khách sạn băng bây giờ? Có phòng đâu mà về đun nước nấu mì.

May mắn thay, cả đoàn gần 20 nhân mạng kéo cả vào hai phòng ấm của cô Karin và cô Ingela để “lục tục” nấu mì. Khổ thân 2 cô có lẽ đã phải ngủ đêm ấy trong cái hương vị mì tôm vẫn còn quanh quất đâu đó trong căn phòng nhỏ. Chờ đũa, chờ bát và chờ cả nước sôi khiến công cuộc cứu đói kéo dài không dưới 1 tiếng.

Ăn no lại... lo đi chơi. Chúng tôi lại đóng bộ quần áo và giày găng khủng bố vào người để bước ra ngoài vùng băng tuyết. Vẫn chỉ có những ngôi nhà xinh đỏ đậm và vàng sẫm giữa không gian của tuyết. Tuyết ở khắp nơi, tuyết phủ kín trên mái nhà, nhấn chìm những ô tô, những thuyền máy và tất cả những gì có thể. Lạ thay, tuyết vẫn không làm ngôi làng nhỏ mất đi vẻ thanh tao của nó với những hàng rào nhỏ bé quây quanh những căn nhà.

“Cổ tích.”

“Như trong cổ tích ý nhỉ?”

Không chỉ một người nói thế, với những người đến từ miền nhiệt đới như chúng tôi, thế giới của băng tuyết như thế chỉ có thể tìm thấy trong những câu chuyện cổ tích của tuổi thơ. Giờ đây thì dư âm cổ tích ấy đã quay trở lại, cuối con đường kia là một nhà thờ nhỏ với cái chóp nhọn cao nhất trong làng. Chúng tôi cứ xuôi về hướng ấy mà lang thang mãi cho tới cuối buổi chiều.

Đúng 5h, tất cả lại tập kết về căn phòng thay quần áo Dressing Room để chuẩn bị “thăm quan” khách sạn băng. Thăm quan thôi nhé! Chưa ai được ngủ ở trong đó cả. Một cậu trẻ có gương mặt non non người Thụy Điển mặc chiếc áo khoác bạc và đội mũ màu xanh có tên hiệu Ice Hotel ra hướng dẫn chúng tôi.

“Tớ là Robert. Bây giờ chúng ta sẽ đi thăm khách sạn băng.”

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đứng trước cửa khách sạn băng. Hóa ra khách sạn ấy chỉ cao có 5m với một cánh cổng phụ phủ bằng da tuần lộc khá úi xùi nên chúng tôi cũng không nghĩ rằng đó lại là khách sạn với ít nhất 8 triệu một đêm. Khi bước vào lại càng hoang mang, ái chà, tủ lạnh đây rồi nhưng cũng chưa đến nỗi lạnh lắm, nhưng sao vắng vẻ, đơn giản và cô quạnh quá.

Chỉ có 2 kiến trúc cơ bản ở đây: những khuôn vòm tuyết và những cột băng. Những khuôn vòm rộng 6m, cao 5m tạo thành những hành lang dẫn vào các khu riêng biệt và như mọi khách sạn khác, hai bên hành lang là hệ thông phòng riêng biệt.

“Tất cả các phòng ở đây đều mở cửa cho khách thăm. Nhưng đúng 6h, các phòng sẽ có chủ, các bạn chú ý, 6h tối mỗi phòng là một thế giới riêng tư.” Robert hướng dẫn.

Ặc, riêng tư kiểu quái gì mà cửa không có, chỉ có mỗi một tấm ri đô treo hờ hững trước cửa phòng thế này. Chúng tôi tản ra các phòng để ngắm nghía. Ngoài hai loại phòng Băng và Tuyết, còn có phòng thuộc loại đẹp hơn cả gọi là Phòng Nghệ thuật. Đẹp thì đương nhiên là đắt hơn. Ở đó, có những chiếc giường to tổ chảng trông như bồn tắm khổng lồ, có những đồ vật trang trí như bức tranh hay bức tượng, có những bộ bàn ghế nhỏ. Một lưu ý hết sức quan trọng, tất cả đều làm bằng băng và tuyết. Không có gì ngoài băng và tuyết trừ cái riđô treo ngoài cửa mỗi phòng.

“Nào, bây giờ là hướng dẫn quan trọng nhất, cách ngủ trong khách sạn băng.” Robert gọi mọi người vào một phòng nhỏ, trên giường đã để sẵn một túi ngủ màu xanh to dài.

“Nguyên tắc quan trọng nhất: Mặc càng ít thì càng ấm,” Robert nói.

Thì ra, cái túi ngủ ủ bằng lông ngỗng công nghiệp ấy theo Robert có thể giữ cơ thể ấm ở nhiệt độ -25 độ C. Bạn phải cởi bỏ đa số quần áo ra vào chui vào trong một túi ngủ con làm bằng lớp vải mỏng bên trong túi ngủ to, áo khoác quần jeans cởi ra cũng phải nhét hết vào túi ngủ to. Kéo khóa lên cao và chỉ để hở mỗi cái mũi ra ngoài, bạn sẽ có một giấc ngủ ngon suốt đêm ở nhiệt độ -5 độ C.

Robert nói thế và chúng tôi phải tạm tin như thế.

“7h sáng, sẽ có nhân viên đánh thức bạn dạy với một cốc nước dâu dại nóng đặc trưng của vùng cực bắc Thụy Điển.” Robert kết thúc.

“Nếu lúc đó tôi còn sống để mà đánh thức.” Ai đó đùa.

Tiếng cười theo chúng tôi đi sang một khu vực khác của khách sạn băng. Nhà thờ. Đó là một căn phòng khá rộng với một cây thánh giá bằng băng đặt trên bục trung tâm. Phía dưới là những hàng ghế cho các con chiên cũng bằng băng nốt. May thay có một tấm nệm mỏng trên đó, nếu không chắc ít có con chiên ngoan đạo nhất nào dám ngồi xuống tấm băng ấy để nguyện cầu.

Chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế băng ấy để nghe “cha” Robert giảng nốt bài thuyết giáo của mình. Một số người bắt đầu lập cập bởi cái sự lạnh. Cái lạnh ở đâu cũng thế, càng lâu càng thấm, điều ấy đúng hơn bao giờ hết ở khách sạn băng.

“Nhà thờ này là nơi chứng kiến lễ thành hôn của khoảng 200 đôi từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. Mặc giá rét, họ vẫn tới đâu để làm đám cưới.”

Có một căn phòng đóng kín cửa dàng riêng cho đôi lứa, đó là căn phòng nơi vua và hoàng hậu Thụy Điển từng tới ngủ qua đêm.

“Nhưng các đôi ngủ với nhau kiểu gì nhỉ?” Ai cũng muốn hỏi nhưng không ai dám.

May quá, cô Karin hiểu ý đã trả lời thay cho Robert: “Họ ngủ trong những túi ngủ đôi.”

Không hiểu cô Karin đùa hay thật.

Từ nhà thờ, chúng tôi lại dẫn nhau qua một điểm đặc sắc khác của khách sạn băng: quán bar băng có cái tên: Absolut Icebar. Hãng rượu vodka nổi tiếng Thụy Điển rõ khéo làm thương hiệu. Một giá rượu, một cái bàn quây, những bàn rượu nhỏ, đồ trang trí… trừ người bán hàng và những chai rượu, tất cả đều bằng băng tuốt.

“Đây là những cốc rượu bằng băng.” Robert giơ cao một chiếc cốc băng và bắt đầu giải thích về nó.

Hay nhỉ, ở nơi khác, người ta cho đá vào đồ uống. Ở đây, đồ uống lại ở trong đá. Điều kỳ diệu ấy chỉ có ở những nơi lạ kỳ như khách sạn băng.

“Cố gắng mua một chiếc cốc về kỷ niệm nhé.” Cô Karin trêu tôi.

“Chắc chỉ mang được nó lên ô tô là cùng. Giá mà nó không tan thì tốt biết mấy.” May mà tôi kịp hiểu ý cô.

Nghĩ kỹ thì trong cái khách sạn băng ấy cũng chẳng thiếu gì, quán bar, nhà thờ, phòng ngủ. Ơ, thế còn cái toilet, không thấy có phòng nào có toilet, không hiểu kiểu gì?

“Toilet ở đâu?” Tôi hỏi riêng Robert.

“Toilet nằm ngoài khách sạn băng, ở phòng thay đồ. Ở trong đây người ta không thiết kế được toilet.”

Chết dở, tôi đã nghĩ tới một kịch bản không hay ho lắm cho những người ngủ qua đêm ở đây mà…. yếu thận.

“Chuyến thăm quan khách sạn băng kết thúc. Chúc các bạn một đêm ngon giấc ở đây. Hãy luốn nhớ rằng phòng thay quần áo (Dressing Room) ở bên ngoài luôn mở cửa 24/24.” Robert kết thúc.

Phù, cuối cùng thì chúng tôi cũng được chui ra khỏi cái nhà lạnh quái quỉ ấy.

“Ấm quá, ấm quá.” Cả nhóm chen nhau đi vào khung cửa hẹp của phòng thay đồ. Bây giờ mới thấm giá trị của sự ấm áp. Nhưng cái sự ấm cũng chẳng kéo dài được mấy nỗi, tất cả lại lục tục áo xống đi ra ngoài ăn tối.

Hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống trên bầu trời Kiruna. Ánh hoàng hôn xanh xao và ảm đạm ngoài vùng cực. Chúng tôi lại men theo con đường cũ hướng về phía nhà thờ để tới quán ăn. Ánh sáng muộn màng cuối ngày làm cho những căn nhà gỗ nhỏ trên mỗi nẻo đường bỗng mang một tinh thần khác: huyền ảo và tinh tế hơn.

Quán ăn nhỏ không khác bao nhiêu so với những căn nhà xung quanh, nếu không bước vào thì không ai nhận ra đó là một nhà hàng. Ấm áp và bình yên lạ thường trong căn nhà gỗ ấy, những chiếc khăn trải bàn và những bình nước dâu dại đỏ sậm đã chờ sẵn chúng tôi.

Mặc cho gió tuyết réo gào bên ngoài những khung cửa sổ, trong này thật sự là một mái ấm. Phải ở ngoài vùng cực trong những ngày đông mới thấy thấm thía hai chữ “mái ấm”, khác, sẽ rất khác so với những hình dung về nó ở những xứ sở nhiệt đới quanh năm được sưởi bởi ánh mặt trời.

Ngoài kia, màu của hoàng hôn vẫn xanh một cách lạ thường, hấp dẫn và mời gọi. Nhưng sẽ không ai muốn ra ngoài để được ở lại đây lâu hơn với thịt bò sốt bằng nước dâu dại và khoai tây hầm kiểu Thụy Điển. May thay, thời gian vẫn luôn trôi chậm chạp hơn ở ngoài vòng cực, có 6 tuần trong năm, mặt trời không bao giờ mọc trên mảnh đất này.

“Thôi nào, ra về thôi, chúng ta sẽ trở về bằng một con đường khác. Đi tắt qua sông băng, chúng ta sẽ đi trên mặt sông.” Cô Ingela nói.

Thú vị quá, đi trên mặt sông ở giữa mùa băng. Sẽ không ai nghĩ đó là một dòng sông, dòng sông Torne thơ mộng và trong trẻo bậc nhất thế giới vào mùa hè giờ đây chỉ còn là một khoảng không trắng tới vô tận. Màu trắng của băng tuyết hay người ta vẫn gọi, màu của thiên đường.

Chúng tôi đi sát vào nhau trên mặt dòng sông băng vì sợ trơn trượt và để giữ ấm. Gió vẫn lạnh nhưng trời đã tối sậm hơn. Từng nhóm đen lầm lũi đi trên một sân băng trắng toát. Ai nấy co ro trong bộ quần áo to sụ vì hơi lạnh, lạnh từ trên xuống và lạnh cả từ dưới lên.

Tôi vẫn có thò mặt ra ngoài chiếc mũ rộng vành của mình để nhìn thấy quang cảnh xung quanh, chỉ có những căn nhà và những cây thông xa xa. Cái lạnh của đêm Bắc Cực không xóa đi nổi một cảm giác thú vị chưa từng thấy: “cảm-giác-đi-giữa-sông-băng”, tôi không tìm nổi từ trong tiếng Việt để mô tả cho đúng cảm giác ấy nên đành gọi nó bằng một danh từ riêng như thế.

“Cẩn thận sụt xuống sông đấy.”

“Không sụt được đâu, băng ở đây dày một mét.”

Một mét nước đóng băng, trên đó là một lớp tuyết lạo xạo. Dòng sông Torne chính là dòng sông mẹ của khách sạn băng. Nơi đây, người ta lấy những tảng băng để xây dựng khách sạn băng. Chính xác là, dòng sông ấy còn là mẹ của tất cả những quán bar bằng băng trên toàn thế giới. Tất cả đều phải nhập khẩu băng từ đây.

“Hi vọng đêm này sẽ nhìn thấy Cực quang.” Cô Karin nói.

Cực quang à? Là cái quái gì vậy, ai cũng nói tới Cực quang. Tôi chưa kịp Google xem nó là cái gì, chỉ biết đó là thứ ánh sáng huyền ảo người ta chỉ có thể nhìn thấy khi ở gần Bắc Cực.

“Nếu may mắn chúng ta sẽ nhìn thấy nó vào khoảng từ 9h đến 11h tối nay, các bạn chờ nhé.” Cô Karin nói tiếp.

Khách sạn kia rồi, lạ chưa, chúng tôi về tới khách sạn nhưng không ai muốn về phòng, đây chắc chắn là khách sạn kỳ lạ nhất trên thế giới khi khách ở không muốn về phòng. Không có gì thú vị chờ đợi họ ở đó ngoài giá rét. Và hai “chiến binh” đầu tiên đã vội vã xin hàng. Hai chị gái đã phải nói khó với hai cô dẫn đoàn “xin” được ở phòng ấm vì sợ ốm.

“Tiếc thế, mất 8 triệu rồi.” Tôi đùa.

“Ừ, mình cũng tiếc tiền lắm, cứ vào ngủ thử xem.”

Hơn 20 chiến binh còn lại vẫn kiên trung giữ vững mặt trận, quyết không đào ngũ.

“Lạnh sợ gì, bây giờ vào bar băng uống rượu cho ấm!”

Tất cả kéo vào quán bar, mới 9h, nhạc đã bật nhưng bar chưa đông đúc lắm.

“Phải muộn hơn mới đông.” Cô Ingela nói.

Tôi mời cô một ly rượu trong cốc băng. Chiếc cốc băng trắng toát càng làm tôn lên màu rượu đỏ sậm. Tôi đặt môi vào chiếc ly băng để nhấm nháp những dòng rượu pha giữa vodka Absolut mà một vài hợp chất hoa quả nào đó, một cảm giác êm dịu ngọt ngào.

Cô Ingela và tôi ngồi xuống những chiếc ghế băng có phủ da tuần lộc.

“Cũng ấm áp đấy chứ, không đến nỗi lạnh lắm.” Tôi nói

“Xuống nhảy nhót một lúc cho ấm.” Cô Ingela nói. Tôi không ngờ cô lại trẻ trung đến vậy.

Cả nhóm bắt đầu xuống sàn băng và lắc lư theo điệu nhạc. Sự quyến rũ của sàn băng đã mê hoặc cả những ai đứng tuổi và những ai nhút nhát nhất. Không hiểu nhạc nhảy bốc quá hay vì muốn làm nóng cơ thể, hơn 10 chiến binh lao vào rung lắc giữa một không gian băng sáng lóa.

Hoá ra, cái lạnh của băng cũng không thể làm nguội cảm hứng của con người, thác loạn mười mấy phút đã có người cởi hẳn áo khoác ngoài, bar băng cũng không khác bao nhiêu so với những quán bar bình thường khác xét về khía cạnh “thác loạn” ấy.

“Ra ngoài thôi, có Cực quang rồi đấy.” Ai đó gọi và chúng tôi đành từ biệt quán bar để đi ra bên ngoài.

“Lại ra đứng ở trên sông nhé!”

Chúng tôi đứng sát vào nhau và nhìn lên bầu trời. Đó là một dải sáng lúc mờ lúc rõ và liên tục thay đổi hình thù. Có lúc nó như một chiếc khăn vắt từ bầu trời bên này sang bầu trời bên kia, có lúc lại chỉ như một chiếc đĩa nhỏ luôn chuyển động.

“Những hôm trời quang hẳn, Cực quang sẽ rất rõ và có màu sắc, thậm chí còn phát ra những âm thanh đặc trưng nữa. Hôm nay không được rõ lắm.” Cô Karin, người háo hức nhất với Cực quang nói.

Chẳng hiểu nó là gì, chúng tôi vẫn bất chấp cái lạnh, nghển cổ lên nhìn vệt sáng nhờ nhờ cứ lúc ẩn lúc hiện ấy.

“Lạnh quá, về thôi.” Mấy người nói và tất cả hưởng ứng. Về thì về, nhưng về phòng thì nào có ấm hơn là bao so với ở giữa sông băng này. Gió có thể ít hơn nhưng nhiệt độ không vì thế mà giảm xuống.

Không ai muốn về phòng. Chúng tôi cứ tha thẩn mãi ở phòng Reception và phòng thay đồ. Kẻ đọc báo, người bấm điện thoại. Ngao ngán và lạ kỳ làm sao khách sạn băng. Cái khách sạn mà kẻ chưa đi thì muốn đến cho bằng được còn kẻ đã đến lại không muốn vào.

“Đến xem cho biết thôi, sao phải ngủ trong đó làm gì nhỉ?”

“Các cô ấy đã nói rồi, cứ ngủ trong đấy một đêm cho có cái mà kể cho con cháu.”

Ừ, thì cố. Có người đã bắt đầu lục tục ra lấy túi ngủ để vào khách sạn. Cái gì đến cũng phải đến. Tôi cũng ôm một chiếc túi ngủ to đùng từ phòng thay đồ bước vào cổng khách sạn băng.

“Thử xem thế nào, có ai chết đâu mà sợ!” Tôi nghĩ.

Tôi với một anh bạn chui vào căn phòng đánh số 348, một phòng Tuyết có giá rẻ nhất ở đây. Không có gì ngoài một chiếc giường băng trải lông tuần lộc.

“Ái chà, phòng bé xíu. Trông như cái nhà xác.” Tôi nghĩ thầm.

Tôi bỏ hết áo khoác và chui vào trong chiếc túi ngủ nhỏ. Vật vã mãi tôi mới nhồi được chiếc áo vào trong túi và kéo được khóa lên. Anh bạn cùng phòng đã chui vào tự bao giờ:

“Cũng ấm lắm đó, ngủ được.” Anh nói.

“Vâng, khá ấm.”

Tôi để chiếc túi ngủ hở cả khuôn mặt, nhưng bên trong khá ấm. Chiếc túi ngủ vẫn mang sức ấm của căn phòng bên ngoài. Khá dễ chịu, tôi ngơ ngáo nhìn xung quanh từ chiếc lỗ bên trên túi ngủ, ái chà, toàn tuyết là tuyết. Không có cái gì chống đỡ cả, sao xây bằng tuyết mà nó không sập xuống nhỉ?

Sáng hôm sau đọc hướng dẫn tôi mới hiểu, tuyết dùng để xây khách sạn này không phải là thứ tuyết (snow) thông thường mà đó là một thứ tuyết đặc biệt được gọi là snice. Mỗi năm 30 000 mét khối nước từ dòng sông Torne được chuyển qua những chiếc máy đặc biệt để tạo thành loại tuyết đó. Sản phẩm cuối cùng là sự kết hợp giữa băng và tuyết có độ đông đặc phù hợp, đủ cứng để không sụp và đủ mềm để tạo hình.

Tôi thiếp đi lúc nào không biết giữa cái khách sạn dị thường ấy sau những mệt mỏi của một ngày ắp đầy những kỷ niệm dị thường. Không có giấc mơ kinh dị nào nữa, thế đã là quá đủ cho một ngày sống của mình.

Giữa đêm, có lẽ là giữa đêm, tôi bắt đầu tỉnh dạy. Lạnh, lạnh quá. Tôi cố co người lại trong chiếc túi ngủ con nhưng vẫn lạnh. Khí lạnh hình như đã tràn vào túi ngủ to.

“Sao lại lạnh thế được nhỉ?” Tôi chợt nghĩ có lẽ mình đã làm sai điều gì đó trong cách thức ngủ được Robert dạy. Robert nói: “Nguyên tắc quan trọng nhất: càng mặc ít quần áo càng ấm.”

Tôi nghĩ ra rồi, nguyên tắc là ở chỗ để cho cơ thể sát với thành trong túi ngủ, chính nhiệt độ cơ thể sẽ làm ấm chiếc túi ngủ. Nhưng tôi đã trót dại mặc cả áo len và quần jeans chui vào ngay từ đầu. Bây giờ cởi hết ra chắc lạnh chết mất. Thôi đành, cố quằn quại chịu vậy.

Bên cạnh, không thấy anh bạn cùng phòng có động tĩnh gì. Tôi quay hết bên này tới bên kia trong chiếc túi ngủ chết tiệt. Sao mà chiếc túi dành cho thằng Tây to thế, khí lạnh ở khắp nơi chui vào trong lòng túi hết cả, co quắp kiểu gì cũng không hết lạnh.

Quằn quại thêm tiếng thì tôi chịu hết nổi, tôi thò tay tìm chiếc áo khoác để mặc nhưng tìm mãi không thấy.

“Ơ, sao lại có đứa nào vào đây ăn cắp áo của mình được nhỉ?”

Tôi đâm hoảng, lục loạn trong túi ngủ vẫn không thấy, càng quẫy đạp sờ soạng càng thấy lạnh. Thành trong chiếc túi đã lạnh như bên ngoài. Hóa ra cái áo khoác to đùng chui tọt xuống phía chân túi từ khi nào. Tôi gắng sức kéo chiếc khóa túi ngủ ra và mặc áo vào trong trạng thái run lập cập. Xỏ được chân vào đôi giày mà tôi nghĩ cũng không phải là giày, sao lại có cái thứ giày lạnh thế.

Tôi lập cập đi ra khỏi căn phòng chết tiệt ấy, dò dẫm giữa những hành lang nhập nhoạng được chiếu sáng bởi những bóng đèn mập mờ trước cửa mỗi căn phòng. Có khác gì cái nhà xác đâu cái khách sạn quỉ quái này. Âm u và lãnh lẽo. Chính xác là, đi một mình giữa dãy hành lang ấy tạo ra cảm giác đi giữa một nhà xác thực sự.

Mở cửa phòng thay đồ mới biết mình đã thoát. Ấm như chưa bao giờ được ấm. Đập vào mắt tôi, một quang cảnh khôi hài, nhóm “chiến binh” dũng cảm nằm la liệt trong túi ngủ trên những chiếc ghế dài dùng để ngồi thay đồ. 4 nhân mạng đang nằm ngủ ngon lành không vẫy tai. Ơn Chúa, tôi không phải là thằng hèn duy nhất và đầu tiên.

Tôi mở cửa phòng Sauna Nam, hai nhân mạng nữa đang hồn nhiên ngáy pho pho trên hai chiếc ghế khác. Không kể đàn ông đàn đàn bà, ở đâu có ghế dài và ở đâu có cái sự ấm là cứ ngủ.

Tôi bước qua phòng Reception, đã 4h sáng, cô gái Thụy Điển đứng quầy vẫn mỉm cười tự nhiên. Tôi mua vội một ly ca cao nóng để uống cho ấm người và ngồi xuống chiếc ghế xoay. Phải biết thế nào là lạnh mới hiểu giá trị đích thực của một mái ấm, điều ấy ngàn vạn lần đúng giữa vùng băng tuyết mịt mùng này.

Không chỉ có dân Ta, một ông Tây cũng vừa chạy ra khỏi phòng băng và trả hết túi ngủ:

“Khó thở quá, khó thở quá, không lạnh nhưng tôi khó thở.” Ông ta nói với cô gái đứng quầy.

Cô gái vẫn chỉ mỉm cười, chắc cô đã quá quen với cái cảnh ấy.

Đêm chầm chầm trôi, tôi lấy cho mình quyển tạp chí về khách sạn băng để giết thời gian. Đọc lại lịch sử mới thấy khách sạn đã bước sang tuổi 21 này có đời sống dữ dội và phi thường.

Đó là khách sạn duy nhất trên thế giới mỗi năm phải xây dựng lại một lần. Mỗi năm, cứ khi mùa đông tới là thời điểm người ta bắt đầu tính tới chuyện xây khách sạn băng. Nhưng những nguyên liệu để xây khách sạn đã được tích trữ từ năm trước, 4000 tấn băng đã được lấy từ mùa đông trước và lưu trong kho lạnh.

Mỗi năm, ý tưởng thiết kế khách sạn băng lại khác nhau nhưng thời gian để hoàn thành khách sạn quốc tế với 160 phòng ấy chỉ có vẻn vẹn 2 tháng. Không chỉ là khách sạn, nơi đây còn sẽ là một triển lãm băng nơi 25 nhà thiết kế từ khắp nơi tới trổ tài.

Phần xây dựng cơ bản thực chất chỉ được diễn ra trong 6 tuần. Một cuộc chạy đua thực sự với thời gian, mùa đông khiến ngày càng trở nên tối hơn.

Đến giữa tháng 11, khi mặt trời đã không còn mọc ở phía đường chân trời nữa và nhiệt độ đã lạnh tới mức không thể lạnh hơn (-25 độ C), khách sạn có diện tích bằng hai sân băng ấy bắt đầu mở cửa đón khách thăm quan.

Khách sạn sẽ chỉ hoạt động trong vòng 5 tháng nếu Chúa trời phù hộ. Ngay khi những tia nắng sớm của mùa hè soi rọi xuống vùng Cực này, những mảng băng tuyết đầu tiên của khách sạn sẽ bắt đầu tan chảy. Khách sạn mang màu của thiên đường sẽ vĩnh viễn tan mất từ khoảng giữa tháng 4.

Như một giấc mơ có thật, khi tôi dời mắt khỏi cuốn tạp chí cũng là lúc những ánh sáng đầu tiên của bình mình đã bắt đầu le lói ngoài kia. Tôi khoác áo ra ngoài châm một điếu thuốc. Trời trong vắt, không khí trong vắt và màu băng tuyết trong vắt. Nơi này, sự trong trẻo đã đạt tới tận cùng của nó, khói thuốc cũng chỉ như một làn sương mỏng, vẩn lên rồi tan vội vào vào sự trong trẻo ấy.

Những “chiến binh” dũng cảm nhất cuối cùng cũng đã đi ra, hình như chỉ có 1 hay 2 người chờ được một cô gái Thụy Điển xinh đẹp nào đó đến đánh thức bằng ly nước dâu nóng. Kẻ lạnh, người chịu được, nhưng cuối cùng, may mắn là ai cũng “sống sót”. Hơn thế, cô Ingela nói đúng, ai cũng có những câu chuyện làm quà để kể cho gia đình mình.

Sau màn xông hơi và tắm nước nóng kiểu Bắc Âu, chúng tôi sang nhà hàng ăn sáng. 7h sáng mới là thời điểm đẹp nhất của Khách sạn băng. Trời xanh như không thể xanh hơn và trong suốt như chưa từng có gì trên đó. Khách sạn trắng muốt tương phản trọn vẹn với màu xanh mịn của bầu trời. Từ cửa sổ phòng ăn nhìn ra, làng Jukkasjarvi với những hàng thông và bạch dương giờ đây đã thực sự hóa thành cổ tích.

Sau bữa sáng, chúng tôi lại đi ra giữa dòng sông băng. Dòng sông đã không còn lạnh nữa, ánh nắng chan hòa khắp nơi khiến cho ai cũng có một cái đuôi là cái bóng của chính mình. Xa kia có những đỉnh núi thấp cây phủ lơ thơ, còn ở đây, giữa dòng sông chỉ có băng tuyết và một đàn xe chó kéo từ đâu chạy tới, đậu sẵn ở đó chờ khách.

“Chúng ta ra xem người ta khai thác băng để xây khách sạn năm sau nhé.” Một cô gái người Thụy Điển có làn da nâu sẫm bước tới, cô là người hướng dẫn địa phương.

Những chiếc xe xúc băng màu vàng bắt đầu đưa những tấm băng đã được cắt sẵn từ dưới hồ lên.

“Mỗi năm người ta khai thác khoảng 3000 đến 4000 khối băng như thế này. Nhưng chỉ có 1000 dành cho xây khách sạn băng ở đây, số còn lại để xuất khẩu cho các quán bar băng, triển lãm băng... ở nhiều nơi trên thế giới.” Cô hướng dẫn nói.

“Tại sao lại phải nhập khẩu băng từ đây mà không phải từ nơi khác?” Ai đó hỏi.

“Sông Torne là dòng sông trong trẻo bậc nhất thế giới và có dòng chảy rất khoan thai. Nếu dòng sông đục hay dòng chảy nhanh chậm thất thường đều sẽ tạo ra những tảng băng đục. Những tảng băng ở đây trong suốt nhất thế giới nên mọi nơi đều phải nhập băng ở đây.” Cô hướng dẫn trả lời.

Lại một điều kỳ diệu nữa của Jukkasjarvi, thêm một lý do nữa giải thích tại sao ngôi làng nhỏ nơi số chó còn nhiều hơn số người mỗi năm thu hút số lượng khách thăm gấp 60 lần dân số của nó.

Những chiếc xe cắt băng đã tới, một lưỡi cưa được đưa xuống theo những vết đánh dấu sẵn, làm cho bọt nước bắn tung tóe theo mỗi nhịp cắt. Những tảng băng gọn gàng đã tách ra khỏi dòng sông mẹ khổng lồ, chờ để đưa vào một kho lạnh rất lớn cách đó không xa.
Băng sẽ được lưu ở đó suốt mùa hè, chuẩn bị cho khách sạn mới mùa đông sang năm.

Chúng tôi lầm lũi rời khỏi dòng sông băng để ra về. Trước mặt là khách sạn băng trắng toát và sau lưng là dòng sông mẹ đã sản sinh ra nó. Có câu nói rằng mọi thứ sinh ra từ đất mẹ rồi lại trở về với đất mẹ. Ở đây, mẹ không phải là đất mà lại là sông.

Khách sạn băng khi chúng tôi đến đã là cuối tháng 3, chỉ còn hai tuần nữa thôi, mặt trời bắt đầu tỏa sức nóng mãnh liệt của nó xuống mảnh đất này. Khách sạn băng và cả dòng sông mẹ của nó bắt đầu tan chảy. Cái gì vốn thuộc về dòng sông rồi sẽ trở lại với dòng sông.

Đặc biệt làm sao, khách sạn băng. Giữa bao nhiêu dị thường của nó vẫn tồn tại một quy luật hết sức bình thường: quy luật ấy chính là sự vô thường. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, khách sạn dựng lên, biến mất rồi lại dựng lên như những giấc mơ có thật.

Chúng tôi lên xe bus rời đi, tất nhiên, trước khi khách sạn hư ảo ấy tan biến vào với dòng sông đã làm ra nó. Nhưng những ký ức và kỷ niệm đã có nơi này không hề tan biến đi đâu cả, cô Ingela, cô Karin và những gương mặt bạn bè khác nữa... Chỉ có những ký ức không quên ấy thách thức được sự vô thường trên mỗi nẻo đường cuộc sống đi qua....

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét