Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Palestinian girls

Chụp với em bé Palestine



Ánh mắt của em bé Palestine



Mira, sinh viên Khoa Media, ĐH Bezeit, Palestine

Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Kỳ 4: Nhà báo Việt dính đạn cay tại Palestine






Các nhà báo Việt Nam đã dính hơi cay khi tác nghiệp tại một cuộc đụng độ của người Palestine với Israel ở làng Belein sát biên giới vào thứ 6, 20/05.

“Anh cẩn thận đấy nhé, đặc biệt với bom thối, nếu bị dính vào một chút thôi là mấy tuần cũng không hết mùi đâu?” Rebecca dặn dò tôi trên những con đường của làng Belein, con đường mà đoàn biểu tình vẫn đi qua vào mỗi ngày thứ 6.

Vóc người mảnh khảnh, gương mặt xanh xao và gày gò với cặp kính cận trắng, Rebecca có vẻ như một nữ sinh miệt mài với sách vở hơn là một nhà hoạt động xã hội hay đi biểu tình. Khác biệt hẳn với nhóm bạn quần jeans áo phông đen đang cầm biểu ngữ xung quanh kêu gọi tự do cho Palestine, Rebecca yếu ớt trong một bộ đồ vải, lọt thỏm giữa đoàn người lố nhố tiến về biên giới.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là, Rebecca là một người Israel. Cô đi từ bên kia biên giới tới đây biểu tình cùng với những “kẻ thù” của dân tộc mình. Không chỉ mình cô, 20 người Israel khác cũng tham gia cuộc biểu tình của Palestine. Trước đó, họ tụ tập ở trung tâm ngôi làng để nghe một “thủ lĩnh” giảng dạy cách chống hơi cay, bom thối, đạn cao su, bom âm thanh của Israel.

“Đừng sợ hơi cay, cảm giác sẽ cực kỳ khó chịu nhưng bạn cứ để nguyên như thế, chỉ sau 2 phút, mọi cảm giác sẽ tự biến mất. Điều đặc biệt cần chú ý là đừng để những quả đó rơi vào đầu.” “Thủ lĩnh” Ryan, 38 tuổi, giảng viên Toán trường Đại học Hebrew của Israel trình bày rất rõ ràng bằng tiếng Anh.

Tóc vàng buông xoã ngang vai, quần jeans bó sát và áo phông bỏ ngoài, Ryan lãng tử như một ca sỹ nhạc rock. “Thứ sáu tuần nào tôi cũng biểu tình ở đây, đã hai năm rưỡi nay rồi, đều đặn như thế. 1 năm qua có 2 người chết và rất nhiều người bị thương ở đây, nhưng chúng tôi không lùi bước.” Ryan nói.

Khi Ryan, Rebecca và những người bạn Do Thái khác của mình bước ra khỏi căn phòng nơi họ dạy nhau cách chống đàn áp thì những người Palestine cũng chuẩn bị bước ra khỏi nhà thờ Hồi giáo gần đó. Người Israel và người Palestine, họ nhập vào nhau thành một đoàn cỡ hơn 150 người, cùng tiến về phía đường biên giới.

“1 2 3 4
Không chiếm đóng nữa
Tự do cho Palestine”

Đoàn biểu tình bắt đầu hô to khẩu hiệu. Cờ quạt, biểu ngữ bay phấp phới, quang cảnh yên bình của làng Belein chỉ mất phút trước đã tan biến. Nhà báo Như Phong và đạo diễn Trần Quỳnh chạy hẳn lên phía trước để chụp ảnh và quay phim. Đại sứ Palestine Saadi Salama cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với những người tổ chức. Ở ngôi làng chỉ cách thành phố Ramallah nửa tiếng đi xe này, người ta biểu tình đều như vắt chanh vào 1h chiều thứ sáu hàng tuần.

“Hôm nay là vắng, làng chỉ có 1750 người dân nhưng có những khi đoàn biểu tình đi chật ngõ, chúng tôi phải đóng hết cửa nhà vì đạn cay của Israel.” Ahmad Samara, nhà cách mạng 63 tuổi có ngôi nhà ngay sát trung tâm làng Belein giải thích.

Nháo nhào trong đoàn biểu tình, tôi thấy đủ loại người: người Israel và người Palestine, người già và người trẻ, phụ nữ và trẻ em, phóng viên mặc áo chống đạn và những người nước ngoài cầm máy ảnh. Có cả những người người khuyết tật phải lê trên chiếc xe đẩy. Không khí như một “lễ hội” và “lễ hội” ấy ngày một xôm tụ và rộn ràng hơn khi đoàn người leo dần lên một ngọn đồi thoai thoải nơi đỉnh điểm của nó là hàng rào ngăn cách hai lãnh thổ Israel và Palestine.

Tôi đi ngay sát cạnh để trò chuyện với Rebecca, cô nói năm sau mình mới vào Đại học. Rất nhiều những gương mặt Israel và Palestine khác xung quanh đều xấp xỉ tuổi cô. Kinh ngạc hơn, có cả những đứa bé Palestine chỉ lên chín lên mười, đầu quấn kín bằng tấm khăn choàng đen trắng, chỉ để hở mỗi đôi mắt như thường thấy ở những phim Ninja hay khủng bố.

“Em vào lãnh thổ Palestine từ Israel có khó không?” Tôi hỏi Rebecca.
“Không, với người Israel thì rất dễ.”
“Tuần nào em cũng tới đây biểu tình à?”
“Không hẳn, nhưng em cố gắng đi đầy đủ, cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi.”

Khi tôi còn chưa kịp hỏi lý do tại sao Rebecca, cô gái có gương mặt già trước tuổi ấy lại ham biểu tình chống lại nước mình thì đã nghe những tiếng hò hét ở đầu đoàn. Những người dẫn đầu đã đi tới sát đỉnh đồi, cách hàng rào sắt ngăn cách khoảng hơn chục mét. Phía bên kia, một số lính Israel lăm lăm súng ống đứng cạnh một chiếc xe tải “khủng”. Nhà báo Như Phong vẫn dẫn đầu đoàn và hướng máy ảnh thẳng về Israel.

“Tự do cho Palestine!”

Những người dẫn đầu cầm mic bắt đầu la hét. Trong khoảnh khắc, một quầng nước trắng hất thẳng từ chiếc xe tải, thành một vòi rồng cao vút về phía đám biểu tình. Những người dẫn đầu táo tác chạy lùi hẳn xuống dưới và dạt sang hai bên. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi vừa chạy ngược về phía sau thì đụng ngay phải hai thanh niên Palestine vẫn đang đi ngược lên.

“Từ đâu tới thế?”
“Việt Nam”
“Việt Nam thì không được chạy, Việt Nam là một dân tộc dũng cảm. Israel bắn nưới thối đó. Không có vấn đề gì, hãy tiếp tục tiến lên với chúng tôi.”

Hai thanh niên Palestine kéo tôi tiếp tục tiến lên phía trước, một vài trong số họ bắt đầu nhặt đá và ném thẳng về phía lính Israel bên kia biên giới. Ngay tức khắc, những tiếng nổ vang lên và những làn khói hình cầu vồng bay thẳng về phía đoàn biểu tình. Khói bay mù mịt ở trên, cả đoàn biểu tình nháo nhác chạy ngược về phía sau như bày ong vỡ tổ. Tôi vẫn chưa kịp hiểu người Israel đã dùng loại vũ khí gì thì thấy nhà báo Như Phong tất tả chạy xuống, mắt nhắm tịt, mặt mũi đỏ au au và nhễ nhại nước:

“Rát quá! Rát quá! Dính đạn cay rồi!”

Những tiếng nổ lớn và những quả đạn cay vẫn được bắn liên tục về phía nhóm biểu tình. Chỉ còn những kẻ kiên gan nhất vẫn tiếp tục tiến lên sát đỉnh đồi. Phần còn lại lùi rải rác ở khoảng lưng chừng, nhưng không thấy ai bỏ về. Những thanh niên Palestine trùm khăn kín mặt để tránh hơi cay, vấn ném đá liên tục qua hàng rào, bằng tay hoặc bằng một loại dây cao su đàn hồi để đường đá bay được xa.

Một loạt đạn cay nữa được bắn sang và khói bụi lại mù mịt trên khắp ngọn đồi. Tôi thấy một cảm giác bỏng rát ở mắt và mặt dù đang đứng ở lưng chừng. Cả nhóm nhà báo đều chịu chung một cảm giác tương tự, bầu không khí của nửa trên quả đồi thưa thớt ôliu ấy đã ngập ngụa trong hơi cay.

Chúng tôi bịt mũi chạy ngược về phía sau để tránh làn cay, nước mắt chảy giàn giụa. Đại sứ Saadi Salama đã nôn thốc nôn tháo ngay tại gốc cây ôliu ven đường do hít phải hơi cay vào bụng. Nhà báo Như Phong bị nặng nhất bởi hít phải làn khói của một quả đạn cay nổ ngay trước mặt.

Tôi nghe thấy những tiếng nổ với những âm thanh khác. Có thể lính Israel đã dùng đạn cao su. “Người Israel có thể dùng đạn cao su hoặc đạn thật nếu cần. Đạn cao su bên trong có lõi sắt. Còn có những loại đạn đặc biệt, bám vào da là hút máu.” Tôi nhớ lại lời Ryan.

Thứ sáu tuần trước, một thanh niên Palestine 17 tuổi đã chết bởi đạn cao su. Cảm thấy không còn an toàn được nữa, cả nhóm nhà báo chạy lùi tiếp về phía chân đồi. Xung quanh, nhiều người biểu tình nấp sau gốc cây ôliu hoặc chạy vào những chiếc xe ô tô đỗ quanh đó. Một chiếc xe cứu thương réo còi ụ đi lên, nhà báo Như Phong phải hít bông của bác sỹ mới đỡ cảm giác khó chịu.

Từ chân đồi, tôi ngước nhìn lên phía trên, gần trăm người Palestine và cả Israel vẫn không lùi bước, họ chỉ tản mát ra khắp nơi chứ không còn tụ lại như trước nữa. Những thanh niên quá khích nhất vẫn tiến về phía hàng rào để ném đá. Từ bên kia, những làn khói trắng vẫn bắn phụt sang.

Tôi không thấy Rebecca đâu cả, cô không có ở chân đồi. Có lẽ cô gái bé nhỏ ấy vẫn đứng đâu đó ở giữa quả đồi kia, ngay phía sau những thanh niên Palestine đang ném đá về phía đồng bào của cô, “cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi....”

* Tên nhân vật Rebecca và Rian đã được thay đổi

Khánh Duy (từ Ramallah, Bờ Tây, Palestine)

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Kỳ 3: Palestine: câu lạc bộ đêm và những ánh mắt hút hồn


Nằm ở trung tâm vùng đất xung đột và ảnh hưởng bởi đạo Hồi, Ramallah vẫn có những quán bar đầy sức mê hoặc nơi “mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp xếp hàng đầu thế giới.”

Snow Bar, có nghĩa là quán Bar Tuyết. Nhưng không ai ở đây thấy lạnh, không chỉ bởi một ngọn lửa lớn được đốt ngay giữa trung tâm. Toàn bộ không gian 300 mét vuông của Snow Bar nằm hoàn toàn ngoài trời, trên một sườn đồi thoai thoải nhìn xuống thung lũng bên dưới. Khác hoàn toàn với các sườn đồi khô cằn sỏi đá tại Trung Đông, Snow Bar toạ lạc ở một quả đồi nơi những cây thông mọc thẳng đứng, cao vút.

Một quán bar nằm giữa một khu rừng mini trên đồi, Snow Bar không giống với bất kỳ quán bar nào trên thế giới. 10h đêm, ô tô đã đỗ chật kín trên con phố Ein Samaan dẫn vào quán. Cách đó không xa là những bức tường an ninh, nhưng ở trong này, không thấy ai nói về cuộc xung đột.

Ywad, một diễn viên trẻ tuổi nói: “Tôi đến đây hàng tuần, để cảm nhận không khí tự do.” Một không khí tự do như thế tràn ngập trong khuôn viên quán bar, những thanh niên trẻ Palestine bắt đầu xuống sàn nhảy, lắc lư theo những điệu nhạc phương Tây và ánh đèn flash liên tục đổi màu. Không ai nghĩ đây lại là một quán bar ở giữa một vùng đất vẫn đang nằm trong ách chiếm đóng.

Người người vẫn nườm nượp đi vào quán bar, không dễ tìm được một chỗ đứng chứ không phải chỗ ngồi. Mùi thuốc shisha tan vào trong những cơn gió nhẹ thổi mơn mơn quanh thung lũng. Mùi shishi là dấu hiệu duy nhất cho biết đây là quán bar của một lãnh thổ ảnh hưởng bởi đạo Hồi. Xung quanh, mọi người đều uống bia và rượu, một đặc điểm không dễ tìm thấy tại những quán bar khác ở Trung Đông, nơi chỉ có bia không cồn được phép bày bán.

“Đạo Hồi cấm uống rượu bởi theo kinh điển, uống rượu sẽ làm các tín đồ đọc sai Kinh Koran.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng đã giảng cho chúng tôi từ trước. Ở đây thì khác, một bầu không khí thế tục và tự do hoàn toàn.

“Ramallah là một thành phố rất dễ chịu và dễ sống bởi thời tiết mát mẻ. Hơn thế, Ramallah rất tự do, bạn thích đi nhà thờ thì có nhà thờ, đi mua sắm thì có siêu thị, đi uống rượu thì có quán rượu. Rất thoải mái.” Đại sứ Saadi Salama nói về thành phố ông yêu thích.

Thế tục là cảm nhận chung về Ramallah và Snow Bar. Thế tục nhưng không vì thế mà trần tục. Không thấy có những cô gái “hở hang” ngồi phì phèo một mình “chờ khách” như ở mọi quán bar trên thế giới, thậm chí không thấy bất kỳ cô gái nào đi một mình. Khách hàng của quán bar là những đôi lứa, những nhóm thanh niên Palestine, những nhân viên tình nguyện nước ngoài, rất ít khách du lịch bởi không dễ vào được lãnh thổ Palestine.

“Quá tuyệt vời, đây là quán bar tuyệt nhất tôi từng đến, đầy sức sống nhưng rất lành mạnh, không như nhiều Câu lạc bộ đêm khác,” một nhà quay phim chúng tôi gặp ở quán bar chia sẻ.

Điều tuyệt vời nhất ở Snow Bar là “mật độ những cô gái xinh đẹp trên một mét vuông mặt sàn và phần trăm những cô gái cực đẹp trên những cô gái đẹp hàng đầu thế giới. Ở đây, không thấy có cô gái nào xấu. Tôi chưa từng đến một quán bar nào mà phụ nữ xinh đẹp như ở nơi này”, lời nhà quay phim nước ngoài mà chúng tôi chưa kịp ghi tên.

Đó là bất ngờ lớn nhất tại Ramallah, nơi tưởng chỉ có súng đạn vẫn có những gương mặt trái xoan như quả ôliu với ánh mắt sâu hút hồn, những “ánh mắt tổ quốc” của phụ nữ Palestine theo lời Đại sứ Saadi Salama.

Chỉ riêng điều ấy cũng đủ giải thích cho việc tại sao cả BBC lẫn New York Times đều có bài riêng về những quán bar ở Ramallah, nơi cuộc sống về đêm đang phát triển với một tốc độ đáng ngạc nhiên. BBC cho biết cứ mỗi tháng lại có một quán bar được mở và nhiều người Palestine coi việc vui chơi ở những quán xá ban đêm là một cách để giải tỏa phần nào những bức bối của cuộc sống trong vùng chiếm đóng.

Tờ New York Times trích lời Veronica Grant, một thanh niêm Mỹ gốc Do Thái ở North Calorina: “Tôi thấy Ramallah tự do hơn nhiều địa điểm khác ở Trung Đông, thậm chí hơn cả Amman.” Còn John Saadeh, một thanh niên Mỹ gốc Palestine thì nói: “Ở đây mọi người đều biết nhau, bạn cảm thấy mình như một ngôi sao. Rất dễ gặp gỡ chuyện trò.”

12h đêm, toàn bộ sàn nhảy và những không gian của Snow Bar đã chật cứng. Không còn ai muốn ngồi nữa và một cô gái bỗng trèo hẳn lên bàn để “nhảy”. Ngoài cổng quán bar, bảo vệ đã không cho phép vào thêm nhưng rất nhiều thanh niên vẫn đang chầu chực ngoài đó để chờ đợi. Họ sẽ phải chờ lâu vì không ai muốn ra về.

“Bạn biết thi sỹ nổi tiếng Palestine Mahmoud Darwish không? Ông ấy từng viết rằng đất nước này luôn có cái đáng sống vì nó. Bạn thấy không tự do ở dưới kia không, chiếm đóng không là gì cả nếu chúng ta có tinh thần tự do. Tự do ở đây này, trong trái tim của chúng ta, trong tâm hồn của chúng ta.” Ywad vừa nói vừa đặt tay lên tim mình. Thoáng chốc, chúng tôi đã không thấy anh đâu nữa, anh đã hòa vào nhóm người tự do ở dưới kia, ngay giữa tâm điểm của vùng đất còn chưa thoát khỏi ách chiếm đóng.

Khánh Duy (từ Ramallah, Bờ Tây, Palestine)

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2011

Kỳ 2: Những nhà báo Việt đầu tiên trên đất Palestine


Nhóm nhà báo Việt Nam cũng đã bất ngờ khi biết rằng mình là những người làm báo Việt Nam đầu tiên đặt chân tới lãnh thổ Bờ Tây sông Jordan, thuộc Palestine.

Sốt ruột như “xát muối Biển Chết”

“Rung lên nào là rung lên nào!” Đạo diễn Lê Trần Quỳnh cứ lặp đi lặp lại điệp khúc đó. Là người cầm máy điện thoại liên lạc với ĐS Palestine tại Ramallah, anh lúc nào cũng “ngắc ngoải” chờ một cú điện thoại gọi báo tin mừng.

Chỉ tiếc, ngày chờ đợi thứ 4 cứ chầm chầm trôi qua nhưng cái tin mừng có được visa vào “nước Chúa” vẫn chưa có.

Bất an nảy sinh bói toán, hết gieo đồng xu đến bấm Quẻ Dịch. Nhà báo Như Phong bấm ngày tháng thế nào ra Quẻ Phong Thủy Hoán biến ra Quẻ Thuần Khảm và kết luận: “Sông nước vẫn mịt mùng lắm, chưa đi được.”

“Al Zazeera đưa tin Israel đã bắn 14 người biểu tình Palestine khi những người này tiến vào biên giới Israel từ Syria, Lebanon và Gaza. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1973 có hiện tượng người định tràn qua biên giới Israel. Tổng thống Abbas tuyên bố hôm nay là ngày Quốc tang. Sự thể như thế này, chắc chắn chúng ta rất khó được cấp visa.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng “đổ nước dập lửa” ngay từ đầu giờ sáng Thứ 2.

Tờ Jordan Times số thứ 2 đưa bài TOP nói 13 người chết và gọi cuộc đụng độ giữa lính Israel và người biểu tình Palestine vào ngày Nakba hôm Chủ Nhật là “cuộc đụng độ gây chết người nhiều nhất” trong nhiều năm qua, kèm lời Tổng thống Abbas: “Những giọt máu quý giá ấy sẽ không lãng phí. Máu đã đổ vì mục tiêu là nền tự do của đất nước chúng ta.”

Tin dồn dập càng làm nhóm nhà báo nóng ruột như “bị xát muối Biển Chết”. May mắn là lại có một tia hi vọng nhỏ nhưng cũng đủ để níu giữ đoàn nhà báo chưa quyết định mua về bay về. “Bộ trưởng Hợp tác Israel-Palestine đã gọi nói chúng ta sẽ được cấp visa thôi. Có thể tối nay sẽ đi.” ĐS Palestine Saadi Salama gọi vào cuối giờ chiều ngày Thứ 2, 16/05.

Tin “gần mừng” ấy đủ làm nhà báo Như Phong phấn chấn hơn đôi chút. Ông trầm ngâm nói: “Vào được hay không chuyến này cũng sẽ viết một bài: Những suy ngẫm về một chuyến đi. Tít phụ thứ nhất: Những ngày cầm tù ở Khách sạn 5 Sao. Tít phụ thứ hai: 1/1000 tia hi vọng.”

Chúng tôi lại nói đùa khi mạo muổi đổi chữ “cầm tù” của ông thành “tị nạn” cho gần gũi với nhân dân Palestine. Đành vậy, lại một đêm “tị nạn” bởi vẫn không có thêm một “tin mừng” nào khác cho tới nửa đêm.

Sáng thứ 3, 17/05, chúng tôi mở mắt nhìn những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu xiên vào ô cửa ban công khách sạn. Một tia hi vọng lại nhen nhóm, đúng hơn đó là một linh cảm lạc quan, có thể ngày hôm nay sẽ đi.

Một buổi sáng nữa trôi ì ạch, cuối giờ trưa, đạo diễn Lê Trần Quỳnh chủ động gọi cho Đại sứ Saadi và anh buồn bã truyền đạt lại: “Vẫn chưa biết khi nào sẽ cấp visa, nếu hết ngày hôm nay chưa có, sáng mai chúng ta phải đổi vé bay về.” Tia hi vọng mong manh cuối cùng gần như đã tắt.

“Vật cùng tắc biến”, vào những giờ phút tưởng như cầm chắc vé về ấy, một cú điện thoại reo lên quãng 2h30 phút chiều. “Các anh đã có visa rồi, 30 phút nữa nhân viên sứ quán Palestine tại Jordan sẽ đón các anh qua biên giới.” Đại sứ Palestine Saadi mừng rỡ thông báo.

Chúng tôi ai nấy nhẩy ra khỏi giường, sau 5 ngày lầm nhẩm câu ca: “Ramallah đó niềm tin yêu hi vọng”, cuối cùng, niềm tin đã cho thấy sức mạnh thần kỳ của nó…

“Lễ Vượt qua” biên giới Palestine

Vượt cửa khẩu để vào được lãnh thổ do phía Israel kiểm soát luôn là một câu chuyện đáng kể. Phỏng vấn gắt gao ngay tại cửa khẩu, lục tung các vali để kiểm tra an ninh ngặt nghèo, những câu chuyện như thế có thể đọc được ở vô số những cuốn sách và bài viết do các nhà báo từng tới khu vực này kể lại.

Chúng tôi đã chờ đợi những khó khăn như vậy sẽ xảy ra ở cửa ngõ Palestine. Chúng tôi đã nghĩ trước cái tít cho bài báo của mình đại khái sẽ là: “Lễ Vượt qua” biên giới Palestine, một cách chơi chữ khi “ngoa ngôn” so sánh những gian khó của việc vượt cửa khẩu do Israel kiểm soát như việc nhà tiên tri Moses từng dẫn dân tộc Do Thái vượt qua sa mạc bao la từ Ai Cập về tới Palestine.

Rất tiếc, không có câu chuyện nào đáng kể trong lần vượt biên giới này và không có cơ hội nào để chúng tôi so sánh “điêu toa” như vậy. Có 5 trạm kiểm soát, 3 bên phía Jordan và 2 thuộc về Isreal trong quãng đường trung chuyển từ biên giới Jordan sang Bờ Tây. Có những hàng rào thép ngăn cách hai bờ như vẫn thường thấy ở các biên giới Israel-Arập. Có một nhân viên an ninh Jordan đã “hộ tống” chúng tôi sang tới cửa khẩu Israel. Ngoài ra không còn gì nữa.

Không một ai mở hành lý kiểm tra đồ đạc của nhóm nhà báo, thậm chí hành lý không phải đi qua một máy thử nào. Một cô gái nhỏ bé ra hỏi chúng tôi dăm câu ba điều như cho qua chuyện: “Các anh có mang vũ khí không?” “Có ai ở Jordan gửi các anh cái gì không?” Chấm hết.

Thậm chí, sự nhã nhẵn của nhân viên an ninh cửa khẩu Israel còn làm chúng tôi ngạc nhiên. “Các anh khoẻ không?” “Các anh có cần giúp đỡ gì không?”. Đúng ra, chúng tôi có nhìn thấy hai thanh niên mặc thường phục non choẹt lăm lăm hai khẩu súng dài ngoằng, có lẽ đó là những lính dự bị được đưa vào đây phục vụ. Nhưng họ chỉ đứng đó như những anh lính gác.

May mắn được “trở về nhà”

15h30 khởi hành. 17h đến cửa khẩu. 18h30 vượt qua được cửa khẩu và 19h30 phút đã có mặt tại khách sạn Movenpick ở Ramallah, cuộc hành trình suôn sẻ ấy đã kết thúc bằng cuộc gặp thân mật với Đại sứ Palestine ở một quán cà phê rộng rãi nằm trên sân thượng khách sạn. Đại sứ Saadi đã không về quê thăm mẹ suốt 5 ngày qua để ở đây lo nốt cho đoàn Việt Nam có thể sang.

“Chúc mừng, các anh đã trở thành đoàn Việt Nam không chính thức đầu tiên đến được Palestine và là những nhà báo Việt Nam đầu tiên có mặt tại đây.” Saadi nói.

Những nhà báo đầu tiên, chúng tôi cũng không ngờ mình lại là những nhà báo Việt Nam đầu tiên tới được Bờ Tây để tận mắt nhìn thấy những hàng rào an ninh, những trại tị nạn, những khu định cư Do Thái trên mảnh đất khô cằn huyền thoại này. Dù đã nhìn sang Gaza và Bờ Tây từ lãnh thổ Israel và Jordan, cảm giác trực tiếp đặt chân lên miền đất này vẫn khác.

“Vào được đây không đơn giản đâu nhé, chúng ta bị chậm 5 ngày nhưng may mắn hơn nhiều đoàn khác bị từ chối thẳng thừng hoặc bị cản trở không vào được dù đã tới cửa hải quan. Với đoàn Việt Nam, tôi vẫn hi vọng bởi Israel không từ chối mà chỉ không nói rõ bao giờ sẽ cấp visa. Họ nói chậm là do phải kiểm tra an ninh từng đoàn một.” Đại sứ Saadi giải thích.

Thế có nghĩa là chúng tôi đã may mắn, may mắn như anh chàng phóng viên ảnh Jordan mà chúng tôi gặp tại bữa ăn tối. Dù sống ngay ở nước láng giềng, 15 năm qua anh mới được vào quê hương cũ của mình, thăm lại chị gái nay đã có chồng con và những đứa cháu. “Tôi vui lắm khi có người gọi chú ơi!” Anh nói.

Anh và chúng tôi đã may mắn hơn Moath và Mohamad, những nhân viên của sứ quán Palestine và Quỹ Quốc gia Palestine tại Jordan, những người đã nhiệt tình đưa chúng tôi tận tới cửa khẩu. Chỉ cách đó vài chục cây số theo đường chim bay, nhưng các anh chưa bao giờ được trở về mảnh đất nơi cha mẹ, ông bà các anh hằng sống.

1948, hắt từ mốc ấy trở về sau, khoảng 6 triệu người Palestine vẫn còn lưu lạc đâu đó mà chưa tìm được nẻo về. Thi sỹ Mahmoud Darwish của Palestine đã viết: “Chúng tôi đi như những người khác, nhưng chúng tôi không có chốn trở về,” và “Đất nước của tôi không là cái vali.”

“Các bạn đã trải qua 5 ngày không được nhập cảnh để hiểu nối khổ của một nhà nước chưa có chủ quyền trọn vẹn, để có thể tự do đi lại như những dân tộc khác.” Đại sứ Saadi nói đúng, chúng tôi đã hiểu, xét từ nỗi niềm 60 năm tha hương ấy của những người Palestine, chúng tôi mới thấy 5 ngày “tha phương” của mình nào có đáng là bao.

Khánh Duy (từ Ramallah, Bờ Tây, Palestine)

Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Kỳ 1: Palestine vẫn là “Miền đất hứa”


Đoàn nhà báo Việt Nam tới thăm Palestine theo lời mời của sứ quán Palestine tại Hà Nội từ ngày 12 tới ngày 23 tháng 5. Sáng ngày 12, đoàn đã tới thủ đô Amman của Jordan chỉ cách biên giới Palestine vài chục cây số nhưng tới sáng ngày 17 vấn không có visa vào đuợc lãnh thổ Palestine.

“Miền đất hứa Jerusalem kia rồi!”

Chúng tôi đã nhìn thấy nó, nhưng không phải trên lãnh thổ Palestine mà từ bờ bên này Biển Chết, trên lãnh thổ Jordan. Ở bờ bên kia, xứ Jerusalem, người ta đang biểu tình và đánh nhau. Ở bờ này, các nhà báo lại “tác nghiệp” bằng cách rong ruổi trên chiếc xe du lịch 7 chỗ lang thang hết khu cũ tới khu mới của thành phố Amman.

“Đụng độ nổ ra ở Issawiyya, Al-Tur và Ras al-Amud, những khu vực sát sườn thành phố cổ Jerusalem. Tại trại tị nạn Shufat ở Đông Jerusalem, cảnh sát chìm của Israel đã tới khu vực đụng độ và bắt giữ một số người Palestine. Ở Bờ Tây, 500 người ủng hộ phe Hamas đã tuần hành ngay giữa trung tâm Hebron, mang theo những poster kỷ niệm ngày Nakba. Trên phía Bắc, 20 người Palestine đã ném đá vào quân lính Israel tại Qualandia gần Ramallah.” Tờ Al Zazeera viết thế trong một bài báo ngày thứ bảy, 14/05.

Đụng độ nóng bỏng như vậy nhưng cách đó chỉ một eo biển ngắn cũn cỡn, các nhà báo Việt Nam vẫn nằm phơi bụng trắng hếu trên Biển Chết, nổi lềnh bềnh với tờ Jordan Times trên tay và quay mặt về vùng chiến Jerusalem. Jerusalem ở đâu đó sau dãy núi kia, căng thẳng bởi bạo lực bùng phát trong ngày Quốc khánh Israel. Ở bờ biển bên này, chúng tôi vẫn giết thời gian với biển xanh, đùi cừu hầm, nước quả ép và những quán bar.

Chẳng có trường báo chí nào dạy kiểu tác nghiệp “xuyên biển” kỳ lạ thế. “Như đi an dưỡng chứ tác nghiệp gì.” “Thế mà có khi lại được chấm nhuận bút cao vì đã tường thuật từ nơi đặc biệt nguy hiểm.” Chúng tôi đùa nhau. Đã ba ngày rồi, đoàn nhà báo đến từ Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trong khách sạn 5 sao Bristol ở thành phố Amman, Jordan. Hết giờ ngủ lại đến giờ ăn mà vẫn thấy chưa hết ngày hết buổi.

“Cuộc đời làm báo thật là hay
Nói phét, chơi rong suốt cả ngày.”

“Đại nhà báo” Như Phong theo cách gọi của chúng tôi đọc thơ vui, những câu đùa của cây viết phóng sự lão làng làm thời gian trôi nhanh hơn một ít. Nhưng cũng không vì thế mà 3 ngày “ăn sung, mặc sướng” ở khách sạn 5 Sao ở Amman trôi đi dễ dàng. Ai có thể thích kiểu cách 5 Sao tùy họ, với những cây viết sẵn sàng tới miền đất của xung đột này, 3 ngày ở thủ đô Amman chính xác hơn là 3 ngày “ăn vạ, nằm vật.” Chưa bao giờ, chúng tôi sốt ruột muốn vào lãnh thổ Palestine như lúc này.

“Làm báo là có mặt ở những nơi điển hình, gặp những nhân vật điển hình trong những thời điểm điển hình,” nhà báo Như Phong tâm sự về nghề báo trong những giờ ăn tối rảnh rỗi ở Amman. Chúng tôi càng sốt ruột bởi không có thời điểm nào điển hình hơn lúc này để có mặt ở một địa điểm lúc nào cũng điển hình như Palestine.

Thứ 7, 14/05, là ngày Quốc khánh Israel, ngày này năm 1948, Israel tuyên bố thành lập nhà nước trên vùng đất mà Kinh Thánh đã ghi rằng Chúa hứa cho họ. Chỉ sau đó một ngày, chủ nhật, 15/05, là ngày Thảm hoạ của người Palestine. Quốc khánh của người Israel lại là Quốc hận của người Palestine bởi ngay sau sự lập quốc của dân tộc Do thái,khoảng 700 000 người Hồi giáo đã phải rời bỏ quê hương hoặc bị trục xuất trong cuộc chiến tranh xảy ra sau đó.

Thế mà, cả hai ngày quan trọng ấy đã qua đi trước sự tiếc nuối của nhóm nhà báo chỉ ở cách đó có vài chục cây số.

“Một trong những cuộc tuần hành lớn nhất đã diễn ra tại Bờ Tây gần trại tị nạn và trạm kiểm soát Qalandiya, cửa chính vào Bờ Tây từ Israel. Một số người đã bị thương bởi hơi cay quân đội Israel. Bạo loạn gia tăng sau cái chết của một thanh niên 17 tuổi bị bắn giữa các cuộc đụng độ vào thứ 6 ở Silwan, vùng lân cận Đông Jerusalem.”

Lại là tin Chủ nhật từ hãng Al Zazeera. Những tin tức chỉ gây thêm sự sốt ruột. Nhà báo Như Phong tiếp tục giảng “đạo làm báo”: “Cái giống làm báo chỉ cần có mặt ở đó chụp một cái ảnh rồi viết gì thì viết, ngồi dịch báo Tây ra cũng được. Nhưng phải có mặt ở đó chứ không thể ngồi trong phòng mà phịa ra được.”

Làm báo salon kiểu ngồi trong phòng điều hòa tường thuật chiến sự nóng bỏng không phải là cách của TBT báo Năng lượng mới Như Phong. Với ông, 3 ngày ở Amman là 3 ngày “ăn trực, nằm chờ” hơn là “ăn sung, mặc sướng”. Chỉ thấy có nhà nghiên cứu Trung Đông Nguyễn Ngọc Hùng tỏ ra bình tĩnh và thanh thản hơn cả. Đã hơn 65 tuổi, ông vẫn ăn ngủ ngon lành hơn tất cả chúng tôi.

“Mọi sự đều có thể xảy ra, tôi đã nói với các bạn rồi. Thậm chí có thể chúng ta sẽ không có visa và phải đi về. Đứng về mặt an ninh, người Israel có cái chính đáng của họ. Họ không lường được người Palestine sẽ phấn khích thế nào trong ngày này và cũng không muốn Palestine khuyếch trường Ngày thảm họa này với thế giới.” Ông Hùng phân tích.

Đại sứ Palestine Saadi Salama mới là người sốt ruột nhất cho dù ông đã qua được biên giới từ ngày thứ 6, 13/05. Từ Ramallah, ông liên tục gọi về: “Các bạn đi chơi Biển Chết đi, đi thành phố cổ Jerash chơi đi cho đỡ buồn, ở khách sạn làm gì. Chúng tôi đã nhờ quốc tế và Tổng thư ký liên đoàn bóng đá thế giới can thiệp rồi. 300 người đã vào được rồi, chỉ còn 80 người nữa thôi. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng các bạn sẽ vào được.”

“Người Palestine đã rất khôn ngoan khi tổ chức một giải bóng đá 16 đội để nhân sự kiện thể thao này mời các nhà báo tới. Palestine muốn truyền đi thông điệp rằng họ đủ đoàn kết và năng lực để điều hành một nhà nước độc lập. Họ đang làm tất cả để được Liên Hợp Quốc chứng nhận là nhà nước độc lập vào tháng 9 tới. Nhưng Israel hiểu điều đó, và quyền quyết định có cho vào lãnh thổ Palestine hay không lại nằm trong tay họ. Vậy nên chúng ta phải chờ đợi mà thôi.” Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Hùng phân tích thêm.

Chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi. Chúng tôi cũng còn biết làm gì hơn ngoài nằm khểnh ở khách sạn Bristol 3 ngày ròng rã, đọc hết sạch một cuốn Chuyện Kinh Thánh 500 trang và chờ đợi một đấng Cứu thế của Thiên Chúa đưa chúng tôi tới Miền đất của Sữa và Mật ong mà Ngài đã hứa.

“Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì cửa sẽ mở...” Kinh thánh viết như vậy và nhóm nhà báo cũng không biết làm gì hơn ngoài “cầu nguyện” và nằm chờ một phép lạ của Chúa giúp mở cánh cửa hải quan giữa Jordan và Palestine... Phép lạ ấy, kỳ lạ, lại nằm trong tay người Israel.

Khánh Duy

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2011

The Ice Hotel

Bình thường, dị thường và vô thường ở Khách sạn băng


Tùy bút nghĩa là cứ phóng bút viết thế nào thì tùy

Chúng tôi đã phải ngủ trong chiếc “tủ lạnh” lớn nhất thế giới với 6000 mét vuông mặt sàn. Chiếc “tủ lạnh” ấy là Khách sạn Băng tại miền cực bắc Thuỵ Điển.

6h tối, con tàu bắt đầu chuyển bánh đưa đoàn nhà báo Việt Nam đi dọc theo chiều dài đất nước Thuỵ Điển, từ thủ đô Stockholm ở miền Trung đi ngược lên miền Bắc. Chuyến tàu đêm cuối tuần chở đa số là những người mê trượt tuyết mang theo người đầy những đồ nghề. Con tàu sẽ đi thẳng sang Na Uy nhưng chúng tôi sẽ dừng lại ở thành phố Kiruna gần cực bắc Thụy Điển, khu vực này đã nằm ngoài vòng cực 200 Km. Đích đến sẽ là một khách sạn đặc biệt nhất thế giới chỉ làm bằng băng và tuyết có tên Ice Hotel (Khách sạn băng), cách Kiruna 12 Km.

“140 đôi từ khắp thế giới tới khách sạn băng để cưới nhau mỗi năm.” Ai đó đọc thông tin từ tờ hướng dẫn.

“Không hiểu họ cởi quần áo để ngủ với nhau trong đó kiểu gì nhỉ?” Ai đó hỏi.

Tiếng cười rộn lên ở cái khoang giường năm 6 người trên chuyến tàu cuối tuần. Ai cũng tò mò với chuyến đi độc nhất vô nhị tới một địa điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất Thuỵ Điển, khách sạn băng đầu tiên và cũng là lớn nhất trên thế giới. Năm nay, khách sạn băng ấy bước sang tuổi thứ 21 và mỗi năm đón 60 000 khách thăm. Chỉ có 30% trong số đó là người Thuỵ Điển.

“Đắt lắm, rất ít người Thụy Điển đã tới khách sạn băng. Châu Á chỉ có người Nhật hay tới đây, nhiều đôi Nhật làm đám cưới ở đó.” Cô Karin, người dẫn đoàn nhà báo Việt Nam cũng hồi hộp không kém.

Mà đắt thật. Phòng rẻ nhất ở đó cũng khoảng hơn 8 triệu một đêm tính ra tiền Việt, phòng đắt nhất khoảng 22 triệu. Đã đắt lại còn xa, 18 tiếng liên tục trên tàu là quãng thời gian rất dài. May mắn là màn đêm đã nhanh chóng biến quãng thời gian bải hoải ấy thành một cái chớp mắt.

7h sáng, chúng tôi tỉnh dậy và nhìn ra ngoài khung cửa sổ: chỉ thấy loang loáng màu trắng của băng tuyết và màu xanh đen của những cây thông trụi lá. Nhà cửa cứ thưa thớt dần và màu trắng của tuyết mỗi lúc một dày thêm khi đoàn tàu tiến dần về miền cực.

Hệ thống sưởi cực tốt làm không khí bên trong con tàu luôn ấm áp nhưng nhiệt độ buổi sớm bên ngoài luôn khoảng -10 độ C. Chúng tôi nhìn thấy những khoảng trắng mênh mông phẳng lặng, đó là những dòng sông hay những hồ nước đã đóng cứng thành băng và bị che phủ thêm lần nữa bởi một lớp tuyết dày.

Bữa sáng nhẹ với bánh mỳ kẹp, nước táo cộng thêm với văn hóa buôn chuyện của người Việt đã đẩy thời gian đi tới điểm cực của nó. 10h sáng, cô Ingela trưởng đoàn đi khắp từng khoang nhắc chúng tôi.

“Các bạn sẵn sàng chưa, chuẩn bị xuống nhé, sắp tới Kiruna rồi.”

Cô Ingela đã ngoài 50 vẫn thật trẻ trung trong chiếc áo thể thao màu xanh. Cô làm chúng tôi cảm động vì sự chu đáo của mình.

Kiruna đã hiện ra xa xa từ ngoài cửa sổ con tàu. Không lãng mạn cho lắm, một quả núi khá to nham nhở màu đen của nhà cửa và màu trắng của tuyết. Thành phố nhỏ xíu này tồn tại chỉ bởi ở đó có một mỏ sắt lớn nhất thế giới ngay trong quả núi, toàn bộ nơi này sống phụ thuộc vào khu mỏ ấy. Nhà ga Kiruna với lớp gạch và mái đỏ hiện ra khá xinh xắn giữa màu tuyết trắng phau và màu trời xanh ngắt.

Một chuyến xe bus đón chúng tôi từ ga tàu xuôi xuống Khách sạn băng cách đó 12 Km. Những cánh rừng tuyết phủ bắt đầu hiện ra và không gian của miền cực dần rõ nét. Tuyết, tuyết và chỉ có tuyết, mùa đông ở vùng Lapland của Thuỵ Điển mang đặc trưng Bắc Âu: tuyết là vua và tuyết cũng là hoàng hậu.

Ngôi làng Jukkaskarvi nơi có khách sạn băng thật bình dị. Những nóc nhà lơ thơ giữa một vùng tuyết trắng bao la. Toàn ngôi làng chỉ có 900 người sinh sống với khoảng 1000 chú chó. Khách sạn băng đã làm tan đi cái không khí heo hút của ngôi làng ngoài vòng cực ấy, mỗi năm, 20 000 người trên khắp thế giới về đây chỉ để được ngủ trong những căn phòng băng tuyết.

Xe bus đậu ngay trước cổng khách sạn băng, chúng tôi bước ra khỏi xe nhưng vẫn chưa biết đâu là khách sạn, vẫn là những căn nhà nhỏ xinh xắn bình thường với mái phủ lớp tuyết dày.

“Trời ấm quá, ấm hơn cả ở Stockholm.” Tôi nói với cô Ingela.

“Yes, nhưng vừa từ xe xuống thôi, đi một lúc trong tuyết mới thấy lạnh.” Cô Ingela trả lời.

Quá trình check in diễn ra chậm chạp, đoàn 24 người được bắt thăm để chia làm hai nhóm, nhóm 16 người được ở phòng Băng và nhóm 8 người còn lại ở phòng Tuyết. Chưa ai biết phòng ốc thế nào, chỉ biết phòng Băng thì “xịn” hơn phòng Tuyết.

Sau khi check in, như thường lệ, khách sẽ được về phòng tắm rửa nghỉ ngơi. Nhưng ngược lại, ở khách sạn băng, check in xong vẫn chưa được về phòng mà buộc phải… đi chơi. Người ta phát cho mỗi chúng tôi một chiếc chìa khóa nhỏ có ghi số phòng nhưng không phải để mở cửa phòng mà để mở… tủ đựng quần áo.

Có một khu riêng gọi là Phòng Thay đồ (Dressing Room) nơi có một dãy tủ dài. Mỗi người phải vứt hết quần áo đồ đạc của mình vào trong chiếc tủ ấy và được phát một bộ quần liền áo to đùng, một đôi giày cao cổ khủng bố và một đôi găng tay của võ sỹ đấm bốc. Ai cũng phải “đeo” bộ đồ nặng như cùm ấy vào người và bắt đầu đi ra ngoài. Vẫn chưa biết mặt mũi cái khách sạn băng thế nào.

Cô Ingela và cô Karin lại không ở trong phòng băng tuyết mà thuê hai phòng ấm ở ngoài. Cái khách sạn băng kỳ lạ này chỉ có 60 phòng lạnh trong băng tuyết, số còn lại là phòng ấm lát gỗ thông như khách sạn bình thường. Chúng tôi bảo nhau, chắc phòng băng đắt, các cô phải nhường cho nhóm khách.

Cuộc đi chơi chuẩn bị bắt đầu thì nảy sinh… nạn đói. Đã 2h chiều và chiếc bánh kẹp buổi sáng đã làm hết nhiệm vụ của nó. Nhà hàng ở khách sạn băng thì đắt và như thường lệ, người Việt tìm về với món ẩm thực giá rẻ truyền thông của mình: mỳ tôm. Chết ở chỗ “xin” đâu ra nước sôi ở khách sạn băng bây giờ? Có phòng đâu mà về đun nước nấu mì.

May mắn thay, cả đoàn gần 20 nhân mạng kéo cả vào hai phòng ấm của cô Karin và cô Ingela để “lục tục” nấu mì. Khổ thân 2 cô có lẽ đã phải ngủ đêm ấy trong cái hương vị mì tôm vẫn còn quanh quất đâu đó trong căn phòng nhỏ. Chờ đũa, chờ bát và chờ cả nước sôi khiến công cuộc cứu đói kéo dài không dưới 1 tiếng.

Ăn no lại... lo đi chơi. Chúng tôi lại đóng bộ quần áo và giày găng khủng bố vào người để bước ra ngoài vùng băng tuyết. Vẫn chỉ có những ngôi nhà xinh đỏ đậm và vàng sẫm giữa không gian của tuyết. Tuyết ở khắp nơi, tuyết phủ kín trên mái nhà, nhấn chìm những ô tô, những thuyền máy và tất cả những gì có thể. Lạ thay, tuyết vẫn không làm ngôi làng nhỏ mất đi vẻ thanh tao của nó với những hàng rào nhỏ bé quây quanh những căn nhà.

“Cổ tích.”

“Như trong cổ tích ý nhỉ?”

Không chỉ một người nói thế, với những người đến từ miền nhiệt đới như chúng tôi, thế giới của băng tuyết như thế chỉ có thể tìm thấy trong những câu chuyện cổ tích của tuổi thơ. Giờ đây thì dư âm cổ tích ấy đã quay trở lại, cuối con đường kia là một nhà thờ nhỏ với cái chóp nhọn cao nhất trong làng. Chúng tôi cứ xuôi về hướng ấy mà lang thang mãi cho tới cuối buổi chiều.

Đúng 5h, tất cả lại tập kết về căn phòng thay quần áo Dressing Room để chuẩn bị “thăm quan” khách sạn băng. Thăm quan thôi nhé! Chưa ai được ngủ ở trong đó cả. Một cậu trẻ có gương mặt non non người Thụy Điển mặc chiếc áo khoác bạc và đội mũ màu xanh có tên hiệu Ice Hotel ra hướng dẫn chúng tôi.

“Tớ là Robert. Bây giờ chúng ta sẽ đi thăm khách sạn băng.”

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đứng trước cửa khách sạn băng. Hóa ra khách sạn ấy chỉ cao có 5m với một cánh cổng phụ phủ bằng da tuần lộc khá úi xùi nên chúng tôi cũng không nghĩ rằng đó lại là khách sạn với ít nhất 8 triệu một đêm. Khi bước vào lại càng hoang mang, ái chà, tủ lạnh đây rồi nhưng cũng chưa đến nỗi lạnh lắm, nhưng sao vắng vẻ, đơn giản và cô quạnh quá.

Chỉ có 2 kiến trúc cơ bản ở đây: những khuôn vòm tuyết và những cột băng. Những khuôn vòm rộng 6m, cao 5m tạo thành những hành lang dẫn vào các khu riêng biệt và như mọi khách sạn khác, hai bên hành lang là hệ thông phòng riêng biệt.

“Tất cả các phòng ở đây đều mở cửa cho khách thăm. Nhưng đúng 6h, các phòng sẽ có chủ, các bạn chú ý, 6h tối mỗi phòng là một thế giới riêng tư.” Robert hướng dẫn.

Ặc, riêng tư kiểu quái gì mà cửa không có, chỉ có mỗi một tấm ri đô treo hờ hững trước cửa phòng thế này. Chúng tôi tản ra các phòng để ngắm nghía. Ngoài hai loại phòng Băng và Tuyết, còn có phòng thuộc loại đẹp hơn cả gọi là Phòng Nghệ thuật. Đẹp thì đương nhiên là đắt hơn. Ở đó, có những chiếc giường to tổ chảng trông như bồn tắm khổng lồ, có những đồ vật trang trí như bức tranh hay bức tượng, có những bộ bàn ghế nhỏ. Một lưu ý hết sức quan trọng, tất cả đều làm bằng băng và tuyết. Không có gì ngoài băng và tuyết trừ cái riđô treo ngoài cửa mỗi phòng.

“Nào, bây giờ là hướng dẫn quan trọng nhất, cách ngủ trong khách sạn băng.” Robert gọi mọi người vào một phòng nhỏ, trên giường đã để sẵn một túi ngủ màu xanh to dài.

“Nguyên tắc quan trọng nhất: Mặc càng ít thì càng ấm,” Robert nói.

Thì ra, cái túi ngủ ủ bằng lông ngỗng công nghiệp ấy theo Robert có thể giữ cơ thể ấm ở nhiệt độ -25 độ C. Bạn phải cởi bỏ đa số quần áo ra vào chui vào trong một túi ngủ con làm bằng lớp vải mỏng bên trong túi ngủ to, áo khoác quần jeans cởi ra cũng phải nhét hết vào túi ngủ to. Kéo khóa lên cao và chỉ để hở mỗi cái mũi ra ngoài, bạn sẽ có một giấc ngủ ngon suốt đêm ở nhiệt độ -5 độ C.

Robert nói thế và chúng tôi phải tạm tin như thế.

“7h sáng, sẽ có nhân viên đánh thức bạn dạy với một cốc nước dâu dại nóng đặc trưng của vùng cực bắc Thụy Điển.” Robert kết thúc.

“Nếu lúc đó tôi còn sống để mà đánh thức.” Ai đó đùa.

Tiếng cười theo chúng tôi đi sang một khu vực khác của khách sạn băng. Nhà thờ. Đó là một căn phòng khá rộng với một cây thánh giá bằng băng đặt trên bục trung tâm. Phía dưới là những hàng ghế cho các con chiên cũng bằng băng nốt. May thay có một tấm nệm mỏng trên đó, nếu không chắc ít có con chiên ngoan đạo nhất nào dám ngồi xuống tấm băng ấy để nguyện cầu.

Chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế băng ấy để nghe “cha” Robert giảng nốt bài thuyết giáo của mình. Một số người bắt đầu lập cập bởi cái sự lạnh. Cái lạnh ở đâu cũng thế, càng lâu càng thấm, điều ấy đúng hơn bao giờ hết ở khách sạn băng.

“Nhà thờ này là nơi chứng kiến lễ thành hôn của khoảng 200 đôi từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm. Mặc giá rét, họ vẫn tới đâu để làm đám cưới.”

Có một căn phòng đóng kín cửa dàng riêng cho đôi lứa, đó là căn phòng nơi vua và hoàng hậu Thụy Điển từng tới ngủ qua đêm.

“Nhưng các đôi ngủ với nhau kiểu gì nhỉ?” Ai cũng muốn hỏi nhưng không ai dám.

May quá, cô Karin hiểu ý đã trả lời thay cho Robert: “Họ ngủ trong những túi ngủ đôi.”

Không hiểu cô Karin đùa hay thật.

Từ nhà thờ, chúng tôi lại dẫn nhau qua một điểm đặc sắc khác của khách sạn băng: quán bar băng có cái tên: Absolut Icebar. Hãng rượu vodka nổi tiếng Thụy Điển rõ khéo làm thương hiệu. Một giá rượu, một cái bàn quây, những bàn rượu nhỏ, đồ trang trí… trừ người bán hàng và những chai rượu, tất cả đều bằng băng tuốt.

“Đây là những cốc rượu bằng băng.” Robert giơ cao một chiếc cốc băng và bắt đầu giải thích về nó.

Hay nhỉ, ở nơi khác, người ta cho đá vào đồ uống. Ở đây, đồ uống lại ở trong đá. Điều kỳ diệu ấy chỉ có ở những nơi lạ kỳ như khách sạn băng.

“Cố gắng mua một chiếc cốc về kỷ niệm nhé.” Cô Karin trêu tôi.

“Chắc chỉ mang được nó lên ô tô là cùng. Giá mà nó không tan thì tốt biết mấy.” May mà tôi kịp hiểu ý cô.

Nghĩ kỹ thì trong cái khách sạn băng ấy cũng chẳng thiếu gì, quán bar, nhà thờ, phòng ngủ. Ơ, thế còn cái toilet, không thấy có phòng nào có toilet, không hiểu kiểu gì?

“Toilet ở đâu?” Tôi hỏi riêng Robert.

“Toilet nằm ngoài khách sạn băng, ở phòng thay đồ. Ở trong đây người ta không thiết kế được toilet.”

Chết dở, tôi đã nghĩ tới một kịch bản không hay ho lắm cho những người ngủ qua đêm ở đây mà…. yếu thận.

“Chuyến thăm quan khách sạn băng kết thúc. Chúc các bạn một đêm ngon giấc ở đây. Hãy luốn nhớ rằng phòng thay quần áo (Dressing Room) ở bên ngoài luôn mở cửa 24/24.” Robert kết thúc.

Phù, cuối cùng thì chúng tôi cũng được chui ra khỏi cái nhà lạnh quái quỉ ấy.

“Ấm quá, ấm quá.” Cả nhóm chen nhau đi vào khung cửa hẹp của phòng thay đồ. Bây giờ mới thấm giá trị của sự ấm áp. Nhưng cái sự ấm cũng chẳng kéo dài được mấy nỗi, tất cả lại lục tục áo xống đi ra ngoài ăn tối.

Hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống trên bầu trời Kiruna. Ánh hoàng hôn xanh xao và ảm đạm ngoài vùng cực. Chúng tôi lại men theo con đường cũ hướng về phía nhà thờ để tới quán ăn. Ánh sáng muộn màng cuối ngày làm cho những căn nhà gỗ nhỏ trên mỗi nẻo đường bỗng mang một tinh thần khác: huyền ảo và tinh tế hơn.

Quán ăn nhỏ không khác bao nhiêu so với những căn nhà xung quanh, nếu không bước vào thì không ai nhận ra đó là một nhà hàng. Ấm áp và bình yên lạ thường trong căn nhà gỗ ấy, những chiếc khăn trải bàn và những bình nước dâu dại đỏ sậm đã chờ sẵn chúng tôi.

Mặc cho gió tuyết réo gào bên ngoài những khung cửa sổ, trong này thật sự là một mái ấm. Phải ở ngoài vùng cực trong những ngày đông mới thấy thấm thía hai chữ “mái ấm”, khác, sẽ rất khác so với những hình dung về nó ở những xứ sở nhiệt đới quanh năm được sưởi bởi ánh mặt trời.

Ngoài kia, màu của hoàng hôn vẫn xanh một cách lạ thường, hấp dẫn và mời gọi. Nhưng sẽ không ai muốn ra ngoài để được ở lại đây lâu hơn với thịt bò sốt bằng nước dâu dại và khoai tây hầm kiểu Thụy Điển. May thay, thời gian vẫn luôn trôi chậm chạp hơn ở ngoài vòng cực, có 6 tuần trong năm, mặt trời không bao giờ mọc trên mảnh đất này.

“Thôi nào, ra về thôi, chúng ta sẽ trở về bằng một con đường khác. Đi tắt qua sông băng, chúng ta sẽ đi trên mặt sông.” Cô Ingela nói.

Thú vị quá, đi trên mặt sông ở giữa mùa băng. Sẽ không ai nghĩ đó là một dòng sông, dòng sông Torne thơ mộng và trong trẻo bậc nhất thế giới vào mùa hè giờ đây chỉ còn là một khoảng không trắng tới vô tận. Màu trắng của băng tuyết hay người ta vẫn gọi, màu của thiên đường.

Chúng tôi đi sát vào nhau trên mặt dòng sông băng vì sợ trơn trượt và để giữ ấm. Gió vẫn lạnh nhưng trời đã tối sậm hơn. Từng nhóm đen lầm lũi đi trên một sân băng trắng toát. Ai nấy co ro trong bộ quần áo to sụ vì hơi lạnh, lạnh từ trên xuống và lạnh cả từ dưới lên.

Tôi vẫn có thò mặt ra ngoài chiếc mũ rộng vành của mình để nhìn thấy quang cảnh xung quanh, chỉ có những căn nhà và những cây thông xa xa. Cái lạnh của đêm Bắc Cực không xóa đi nổi một cảm giác thú vị chưa từng thấy: “cảm-giác-đi-giữa-sông-băng”, tôi không tìm nổi từ trong tiếng Việt để mô tả cho đúng cảm giác ấy nên đành gọi nó bằng một danh từ riêng như thế.

“Cẩn thận sụt xuống sông đấy.”

“Không sụt được đâu, băng ở đây dày một mét.”

Một mét nước đóng băng, trên đó là một lớp tuyết lạo xạo. Dòng sông Torne chính là dòng sông mẹ của khách sạn băng. Nơi đây, người ta lấy những tảng băng để xây dựng khách sạn băng. Chính xác là, dòng sông ấy còn là mẹ của tất cả những quán bar bằng băng trên toàn thế giới. Tất cả đều phải nhập khẩu băng từ đây.

“Hi vọng đêm này sẽ nhìn thấy Cực quang.” Cô Karin nói.

Cực quang à? Là cái quái gì vậy, ai cũng nói tới Cực quang. Tôi chưa kịp Google xem nó là cái gì, chỉ biết đó là thứ ánh sáng huyền ảo người ta chỉ có thể nhìn thấy khi ở gần Bắc Cực.

“Nếu may mắn chúng ta sẽ nhìn thấy nó vào khoảng từ 9h đến 11h tối nay, các bạn chờ nhé.” Cô Karin nói tiếp.

Khách sạn kia rồi, lạ chưa, chúng tôi về tới khách sạn nhưng không ai muốn về phòng, đây chắc chắn là khách sạn kỳ lạ nhất trên thế giới khi khách ở không muốn về phòng. Không có gì thú vị chờ đợi họ ở đó ngoài giá rét. Và hai “chiến binh” đầu tiên đã vội vã xin hàng. Hai chị gái đã phải nói khó với hai cô dẫn đoàn “xin” được ở phòng ấm vì sợ ốm.

“Tiếc thế, mất 8 triệu rồi.” Tôi đùa.

“Ừ, mình cũng tiếc tiền lắm, cứ vào ngủ thử xem.”

Hơn 20 chiến binh còn lại vẫn kiên trung giữ vững mặt trận, quyết không đào ngũ.

“Lạnh sợ gì, bây giờ vào bar băng uống rượu cho ấm!”

Tất cả kéo vào quán bar, mới 9h, nhạc đã bật nhưng bar chưa đông đúc lắm.

“Phải muộn hơn mới đông.” Cô Ingela nói.

Tôi mời cô một ly rượu trong cốc băng. Chiếc cốc băng trắng toát càng làm tôn lên màu rượu đỏ sậm. Tôi đặt môi vào chiếc ly băng để nhấm nháp những dòng rượu pha giữa vodka Absolut mà một vài hợp chất hoa quả nào đó, một cảm giác êm dịu ngọt ngào.

Cô Ingela và tôi ngồi xuống những chiếc ghế băng có phủ da tuần lộc.

“Cũng ấm áp đấy chứ, không đến nỗi lạnh lắm.” Tôi nói

“Xuống nhảy nhót một lúc cho ấm.” Cô Ingela nói. Tôi không ngờ cô lại trẻ trung đến vậy.

Cả nhóm bắt đầu xuống sàn băng và lắc lư theo điệu nhạc. Sự quyến rũ của sàn băng đã mê hoặc cả những ai đứng tuổi và những ai nhút nhát nhất. Không hiểu nhạc nhảy bốc quá hay vì muốn làm nóng cơ thể, hơn 10 chiến binh lao vào rung lắc giữa một không gian băng sáng lóa.

Hoá ra, cái lạnh của băng cũng không thể làm nguội cảm hứng của con người, thác loạn mười mấy phút đã có người cởi hẳn áo khoác ngoài, bar băng cũng không khác bao nhiêu so với những quán bar bình thường khác xét về khía cạnh “thác loạn” ấy.

“Ra ngoài thôi, có Cực quang rồi đấy.” Ai đó gọi và chúng tôi đành từ biệt quán bar để đi ra bên ngoài.

“Lại ra đứng ở trên sông nhé!”

Chúng tôi đứng sát vào nhau và nhìn lên bầu trời. Đó là một dải sáng lúc mờ lúc rõ và liên tục thay đổi hình thù. Có lúc nó như một chiếc khăn vắt từ bầu trời bên này sang bầu trời bên kia, có lúc lại chỉ như một chiếc đĩa nhỏ luôn chuyển động.

“Những hôm trời quang hẳn, Cực quang sẽ rất rõ và có màu sắc, thậm chí còn phát ra những âm thanh đặc trưng nữa. Hôm nay không được rõ lắm.” Cô Karin, người háo hức nhất với Cực quang nói.

Chẳng hiểu nó là gì, chúng tôi vẫn bất chấp cái lạnh, nghển cổ lên nhìn vệt sáng nhờ nhờ cứ lúc ẩn lúc hiện ấy.

“Lạnh quá, về thôi.” Mấy người nói và tất cả hưởng ứng. Về thì về, nhưng về phòng thì nào có ấm hơn là bao so với ở giữa sông băng này. Gió có thể ít hơn nhưng nhiệt độ không vì thế mà giảm xuống.

Không ai muốn về phòng. Chúng tôi cứ tha thẩn mãi ở phòng Reception và phòng thay đồ. Kẻ đọc báo, người bấm điện thoại. Ngao ngán và lạ kỳ làm sao khách sạn băng. Cái khách sạn mà kẻ chưa đi thì muốn đến cho bằng được còn kẻ đã đến lại không muốn vào.

“Đến xem cho biết thôi, sao phải ngủ trong đó làm gì nhỉ?”

“Các cô ấy đã nói rồi, cứ ngủ trong đấy một đêm cho có cái mà kể cho con cháu.”

Ừ, thì cố. Có người đã bắt đầu lục tục ra lấy túi ngủ để vào khách sạn. Cái gì đến cũng phải đến. Tôi cũng ôm một chiếc túi ngủ to đùng từ phòng thay đồ bước vào cổng khách sạn băng.

“Thử xem thế nào, có ai chết đâu mà sợ!” Tôi nghĩ.

Tôi với một anh bạn chui vào căn phòng đánh số 348, một phòng Tuyết có giá rẻ nhất ở đây. Không có gì ngoài một chiếc giường băng trải lông tuần lộc.

“Ái chà, phòng bé xíu. Trông như cái nhà xác.” Tôi nghĩ thầm.

Tôi bỏ hết áo khoác và chui vào trong chiếc túi ngủ nhỏ. Vật vã mãi tôi mới nhồi được chiếc áo vào trong túi và kéo được khóa lên. Anh bạn cùng phòng đã chui vào tự bao giờ:

“Cũng ấm lắm đó, ngủ được.” Anh nói.

“Vâng, khá ấm.”

Tôi để chiếc túi ngủ hở cả khuôn mặt, nhưng bên trong khá ấm. Chiếc túi ngủ vẫn mang sức ấm của căn phòng bên ngoài. Khá dễ chịu, tôi ngơ ngáo nhìn xung quanh từ chiếc lỗ bên trên túi ngủ, ái chà, toàn tuyết là tuyết. Không có cái gì chống đỡ cả, sao xây bằng tuyết mà nó không sập xuống nhỉ?

Sáng hôm sau đọc hướng dẫn tôi mới hiểu, tuyết dùng để xây khách sạn này không phải là thứ tuyết (snow) thông thường mà đó là một thứ tuyết đặc biệt được gọi là snice. Mỗi năm 30 000 mét khối nước từ dòng sông Torne được chuyển qua những chiếc máy đặc biệt để tạo thành loại tuyết đó. Sản phẩm cuối cùng là sự kết hợp giữa băng và tuyết có độ đông đặc phù hợp, đủ cứng để không sụp và đủ mềm để tạo hình.

Tôi thiếp đi lúc nào không biết giữa cái khách sạn dị thường ấy sau những mệt mỏi của một ngày ắp đầy những kỷ niệm dị thường. Không có giấc mơ kinh dị nào nữa, thế đã là quá đủ cho một ngày sống của mình.

Giữa đêm, có lẽ là giữa đêm, tôi bắt đầu tỉnh dạy. Lạnh, lạnh quá. Tôi cố co người lại trong chiếc túi ngủ con nhưng vẫn lạnh. Khí lạnh hình như đã tràn vào túi ngủ to.

“Sao lại lạnh thế được nhỉ?” Tôi chợt nghĩ có lẽ mình đã làm sai điều gì đó trong cách thức ngủ được Robert dạy. Robert nói: “Nguyên tắc quan trọng nhất: càng mặc ít quần áo càng ấm.”

Tôi nghĩ ra rồi, nguyên tắc là ở chỗ để cho cơ thể sát với thành trong túi ngủ, chính nhiệt độ cơ thể sẽ làm ấm chiếc túi ngủ. Nhưng tôi đã trót dại mặc cả áo len và quần jeans chui vào ngay từ đầu. Bây giờ cởi hết ra chắc lạnh chết mất. Thôi đành, cố quằn quại chịu vậy.

Bên cạnh, không thấy anh bạn cùng phòng có động tĩnh gì. Tôi quay hết bên này tới bên kia trong chiếc túi ngủ chết tiệt. Sao mà chiếc túi dành cho thằng Tây to thế, khí lạnh ở khắp nơi chui vào trong lòng túi hết cả, co quắp kiểu gì cũng không hết lạnh.

Quằn quại thêm tiếng thì tôi chịu hết nổi, tôi thò tay tìm chiếc áo khoác để mặc nhưng tìm mãi không thấy.

“Ơ, sao lại có đứa nào vào đây ăn cắp áo của mình được nhỉ?”

Tôi đâm hoảng, lục loạn trong túi ngủ vẫn không thấy, càng quẫy đạp sờ soạng càng thấy lạnh. Thành trong chiếc túi đã lạnh như bên ngoài. Hóa ra cái áo khoác to đùng chui tọt xuống phía chân túi từ khi nào. Tôi gắng sức kéo chiếc khóa túi ngủ ra và mặc áo vào trong trạng thái run lập cập. Xỏ được chân vào đôi giày mà tôi nghĩ cũng không phải là giày, sao lại có cái thứ giày lạnh thế.

Tôi lập cập đi ra khỏi căn phòng chết tiệt ấy, dò dẫm giữa những hành lang nhập nhoạng được chiếu sáng bởi những bóng đèn mập mờ trước cửa mỗi căn phòng. Có khác gì cái nhà xác đâu cái khách sạn quỉ quái này. Âm u và lãnh lẽo. Chính xác là, đi một mình giữa dãy hành lang ấy tạo ra cảm giác đi giữa một nhà xác thực sự.

Mở cửa phòng thay đồ mới biết mình đã thoát. Ấm như chưa bao giờ được ấm. Đập vào mắt tôi, một quang cảnh khôi hài, nhóm “chiến binh” dũng cảm nằm la liệt trong túi ngủ trên những chiếc ghế dài dùng để ngồi thay đồ. 4 nhân mạng đang nằm ngủ ngon lành không vẫy tai. Ơn Chúa, tôi không phải là thằng hèn duy nhất và đầu tiên.

Tôi mở cửa phòng Sauna Nam, hai nhân mạng nữa đang hồn nhiên ngáy pho pho trên hai chiếc ghế khác. Không kể đàn ông đàn đàn bà, ở đâu có ghế dài và ở đâu có cái sự ấm là cứ ngủ.

Tôi bước qua phòng Reception, đã 4h sáng, cô gái Thụy Điển đứng quầy vẫn mỉm cười tự nhiên. Tôi mua vội một ly ca cao nóng để uống cho ấm người và ngồi xuống chiếc ghế xoay. Phải biết thế nào là lạnh mới hiểu giá trị đích thực của một mái ấm, điều ấy ngàn vạn lần đúng giữa vùng băng tuyết mịt mùng này.

Không chỉ có dân Ta, một ông Tây cũng vừa chạy ra khỏi phòng băng và trả hết túi ngủ:

“Khó thở quá, khó thở quá, không lạnh nhưng tôi khó thở.” Ông ta nói với cô gái đứng quầy.

Cô gái vẫn chỉ mỉm cười, chắc cô đã quá quen với cái cảnh ấy.

Đêm chầm chầm trôi, tôi lấy cho mình quyển tạp chí về khách sạn băng để giết thời gian. Đọc lại lịch sử mới thấy khách sạn đã bước sang tuổi 21 này có đời sống dữ dội và phi thường.

Đó là khách sạn duy nhất trên thế giới mỗi năm phải xây dựng lại một lần. Mỗi năm, cứ khi mùa đông tới là thời điểm người ta bắt đầu tính tới chuyện xây khách sạn băng. Nhưng những nguyên liệu để xây khách sạn đã được tích trữ từ năm trước, 4000 tấn băng đã được lấy từ mùa đông trước và lưu trong kho lạnh.

Mỗi năm, ý tưởng thiết kế khách sạn băng lại khác nhau nhưng thời gian để hoàn thành khách sạn quốc tế với 160 phòng ấy chỉ có vẻn vẹn 2 tháng. Không chỉ là khách sạn, nơi đây còn sẽ là một triển lãm băng nơi 25 nhà thiết kế từ khắp nơi tới trổ tài.

Phần xây dựng cơ bản thực chất chỉ được diễn ra trong 6 tuần. Một cuộc chạy đua thực sự với thời gian, mùa đông khiến ngày càng trở nên tối hơn.

Đến giữa tháng 11, khi mặt trời đã không còn mọc ở phía đường chân trời nữa và nhiệt độ đã lạnh tới mức không thể lạnh hơn (-25 độ C), khách sạn có diện tích bằng hai sân băng ấy bắt đầu mở cửa đón khách thăm quan.

Khách sạn sẽ chỉ hoạt động trong vòng 5 tháng nếu Chúa trời phù hộ. Ngay khi những tia nắng sớm của mùa hè soi rọi xuống vùng Cực này, những mảng băng tuyết đầu tiên của khách sạn sẽ bắt đầu tan chảy. Khách sạn mang màu của thiên đường sẽ vĩnh viễn tan mất từ khoảng giữa tháng 4.

Như một giấc mơ có thật, khi tôi dời mắt khỏi cuốn tạp chí cũng là lúc những ánh sáng đầu tiên của bình mình đã bắt đầu le lói ngoài kia. Tôi khoác áo ra ngoài châm một điếu thuốc. Trời trong vắt, không khí trong vắt và màu băng tuyết trong vắt. Nơi này, sự trong trẻo đã đạt tới tận cùng của nó, khói thuốc cũng chỉ như một làn sương mỏng, vẩn lên rồi tan vội vào vào sự trong trẻo ấy.

Những “chiến binh” dũng cảm nhất cuối cùng cũng đã đi ra, hình như chỉ có 1 hay 2 người chờ được một cô gái Thụy Điển xinh đẹp nào đó đến đánh thức bằng ly nước dâu nóng. Kẻ lạnh, người chịu được, nhưng cuối cùng, may mắn là ai cũng “sống sót”. Hơn thế, cô Ingela nói đúng, ai cũng có những câu chuyện làm quà để kể cho gia đình mình.

Sau màn xông hơi và tắm nước nóng kiểu Bắc Âu, chúng tôi sang nhà hàng ăn sáng. 7h sáng mới là thời điểm đẹp nhất của Khách sạn băng. Trời xanh như không thể xanh hơn và trong suốt như chưa từng có gì trên đó. Khách sạn trắng muốt tương phản trọn vẹn với màu xanh mịn của bầu trời. Từ cửa sổ phòng ăn nhìn ra, làng Jukkasjarvi với những hàng thông và bạch dương giờ đây đã thực sự hóa thành cổ tích.

Sau bữa sáng, chúng tôi lại đi ra giữa dòng sông băng. Dòng sông đã không còn lạnh nữa, ánh nắng chan hòa khắp nơi khiến cho ai cũng có một cái đuôi là cái bóng của chính mình. Xa kia có những đỉnh núi thấp cây phủ lơ thơ, còn ở đây, giữa dòng sông chỉ có băng tuyết và một đàn xe chó kéo từ đâu chạy tới, đậu sẵn ở đó chờ khách.

“Chúng ta ra xem người ta khai thác băng để xây khách sạn năm sau nhé.” Một cô gái người Thụy Điển có làn da nâu sẫm bước tới, cô là người hướng dẫn địa phương.

Những chiếc xe xúc băng màu vàng bắt đầu đưa những tấm băng đã được cắt sẵn từ dưới hồ lên.

“Mỗi năm người ta khai thác khoảng 3000 đến 4000 khối băng như thế này. Nhưng chỉ có 1000 dành cho xây khách sạn băng ở đây, số còn lại để xuất khẩu cho các quán bar băng, triển lãm băng... ở nhiều nơi trên thế giới.” Cô hướng dẫn nói.

“Tại sao lại phải nhập khẩu băng từ đây mà không phải từ nơi khác?” Ai đó hỏi.

“Sông Torne là dòng sông trong trẻo bậc nhất thế giới và có dòng chảy rất khoan thai. Nếu dòng sông đục hay dòng chảy nhanh chậm thất thường đều sẽ tạo ra những tảng băng đục. Những tảng băng ở đây trong suốt nhất thế giới nên mọi nơi đều phải nhập băng ở đây.” Cô hướng dẫn trả lời.

Lại một điều kỳ diệu nữa của Jukkasjarvi, thêm một lý do nữa giải thích tại sao ngôi làng nhỏ nơi số chó còn nhiều hơn số người mỗi năm thu hút số lượng khách thăm gấp 60 lần dân số của nó.

Những chiếc xe cắt băng đã tới, một lưỡi cưa được đưa xuống theo những vết đánh dấu sẵn, làm cho bọt nước bắn tung tóe theo mỗi nhịp cắt. Những tảng băng gọn gàng đã tách ra khỏi dòng sông mẹ khổng lồ, chờ để đưa vào một kho lạnh rất lớn cách đó không xa.
Băng sẽ được lưu ở đó suốt mùa hè, chuẩn bị cho khách sạn mới mùa đông sang năm.

Chúng tôi lầm lũi rời khỏi dòng sông băng để ra về. Trước mặt là khách sạn băng trắng toát và sau lưng là dòng sông mẹ đã sản sinh ra nó. Có câu nói rằng mọi thứ sinh ra từ đất mẹ rồi lại trở về với đất mẹ. Ở đây, mẹ không phải là đất mà lại là sông.

Khách sạn băng khi chúng tôi đến đã là cuối tháng 3, chỉ còn hai tuần nữa thôi, mặt trời bắt đầu tỏa sức nóng mãnh liệt của nó xuống mảnh đất này. Khách sạn băng và cả dòng sông mẹ của nó bắt đầu tan chảy. Cái gì vốn thuộc về dòng sông rồi sẽ trở lại với dòng sông.

Đặc biệt làm sao, khách sạn băng. Giữa bao nhiêu dị thường của nó vẫn tồn tại một quy luật hết sức bình thường: quy luật ấy chính là sự vô thường. Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, khách sạn dựng lên, biến mất rồi lại dựng lên như những giấc mơ có thật.

Chúng tôi lên xe bus rời đi, tất nhiên, trước khi khách sạn hư ảo ấy tan biến vào với dòng sông đã làm ra nó. Nhưng những ký ức và kỷ niệm đã có nơi này không hề tan biến đi đâu cả, cô Ingela, cô Karin và những gương mặt bạn bè khác nữa... Chỉ có những ký ức không quên ấy thách thức được sự vô thường trên mỗi nẻo đường cuộc sống đi qua....

Khánh Duy