Những người kinh doanh “bê tông và thép” ngập tràn danh mục 500 người giàu nhất Việt Nam trong khi đó, các lĩnh vực thuộc về công nghiệp sáng tạo như truyền thông, giải trí “vắng bóng”.
Theo danh sách 500 người giàu nhất Việt Nam (theo số liệu trên sàn chứng khoán) vừa được VNEXPRESS công bố, trong 10 người đầu tiên, có tới 9 người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Bất động sản là lĩnh vực tạo ra nhiều người giàu nhất trên sàn chứng khoán, vượt trên cả ngân hàng, thép, thực phẩm, thủy hải sản…
Kết quả tìm kiếm chữ “truyền thông” trong danh sách trên cho thấy “truyền thông” chỉ hiện ra đúng 2 lần. Đó là “Công ty mạng và truyền thông CMT” nhưng ngành nghề của công ty này là Dịch vụ máy tính chứ không phải truyền thông.
Ngược lại, theo Danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ của Forbes, danh mục truyền thông xuất hiện nổi bật. 38 người trong lĩnh vực truyền thông nằm trong danh sách Forbes 400 trong đó có những tên tuổi lớn như Michael Bloomberg của Bloomberg (xếp thứ 10), Anna Cox của hãng Cox (xếp thứ 19), Rubert Murdoch của News Corp (xếp thứ 38), ngôi sao truyền hình Opral Winfrey (xếp thứ 130)….
Nếu coi cả những công ty Google, Facebook hay Amazon cũng là công ty truyền thông thì danh sách còn dài và ấn tượng hơn, với hai ông chủ của Google Larry Ellison và Larry Page đứng số 11, Jeff Bezos của Amazon đứng thứ 18, Mark Zuckerberg của Facebook đứng thứ 35.
So sánh Việt Nam với Mỹ là một sự khập khiễng và câu trả lời cho sự tương phản trên là đơn giản: Mỹ là nền kinh tế cạnh tranh tự do bậc nhất nên tạo ra môi trường thúc đẩy động lực cho một ngành kinh doanh đòi hỏi sáng tạo như truyền thông. Ngược lại, ngành truyền thông ở Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp nhà nước và cơ chế nhà nước, vì thế, không thể tồn tại những “ông lớn” đích thực trong một chất lượng thể chế chưa đủ sức tạo ra lực đẩy như vậy.
Nhưng, kết quả tìm kiếm doanh nhân truyền thông trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc do Forbes bình chọn lại ngược với dự kiến theo logic trên. Trung Quốc cũng được coi là một đất nước nơi chính phủ kiểm soát chặt chẽ môi trường truyền thông. Vậy mà, rất nhiều doanh nhân truyền thông Trung Quốc nằm trong danh sách và còn nằm ở những vị trí rất cao. Ông chủ tập đoàn Tencent, Mahuang Teng, đứng ở vị trí thứ 9 năm vừa rồi.
Điều đáng ngạc nhiên tiếp theo là kinh doanh truyền thông thành công không phải là câu chuyện mới ở Trung Quốc. 5 năm trước, năm 2005, Forbes trong bản Danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc của mình đã phải xếp truyền thông vào một danh mục riêng nổi bật.
Ông trùm Bruno Wu của Sun Media Holdings, người nắm giữ vô số tạp chí, báo in, kênh truyền hình ở nước này được Forbes dành riêng cho một bài ngợi ca. Những tên tuổi lớn trong ngành truyền thông Trung Quốc đều có mặt từ năm 2005 như Jason Jiang của Focus Media Thượng Hải (xếp thứ 58), đây là nhân vật đã làm bùng nổ thị trường quảng cáo trên màn hình trong các thang máy và tòa cao ốc ở Trung Quốc. Đối thủ trực tiếp của Focus là David Yu của Target Media xếp thứ 307.
Các đại gia khác như Liu Changle của Truyền hình vệ tinh Phoeniz, Charles Zhang của Sohu và Nick Yang của KongZhong Corp đều đã có mặt từ danh sách năm 2005 với các thứ tự xếp hàng lần lượt là 47, 150, 264.
Và đây là kết luận của tạp chí Forbes: “Mặc dù ngành truyền thông Trung Quốc còn bị chính phủ thống trị nhưng danh sách những người giàu nhất cho thấy các doanh nhân thông minh sáng tạo của nước này luôn lách qua những giới hạn để tìm ra con đường cho mình.”
Truyền thông vốn luôn ồn ào còn những ông chủ phía sau họ đều là những người thích lặng lẽ giấu mình để tìm kiếm những con đường, họ được Forbes gọi là “những người đi bán ồn ào một cách lặng lẽ”.
Không có ai “bán ồn ào” trong danh sách những người giàu nhất Việt Nam, nhưng danh sách của Trung Quốc cho thấy, nguyên nhân không phải lúc nào cũng nằm ở hai chữ “cơ chế”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét