Bạo lực trong những ngày qua ở Thái Lan đã khiến ít nhất 20 người đã chết và hơn 830 người bị thương. Nhưng không phải nền dân chủ đã dẫn Thái Lan đi vào con đường hỗn loạn như thế.Nền dân chủ từng đầy hứa hẹn ở Thái Lan nay đã trở thành một mớ hỗn độn. Không dễ để hiểu điều gì đã thực sự diễn ra với hai chữ “dân chủ” khi nó mang màu sắc Thái Lan. Có một người tự nhận rằng đã hiểu, đó là cựu Thủ tướng Thaksin
“Tôi biết khá rõ về triết lý dân chủ, vì thế những ai không hiểu rõ về vấn đề này hãy ngừng nói quá nhiều về nó… Tôi không phải một kẻ điên, càng không phải một kẻ điên có quyền lực…” Thaksin nói vậy vào năm 2002 trước những chỉ trích nhắm vào lối điều hành bị coi là phi dân chủ của ông.
Thaksin nói đúng, ông không điên, có kẻ điên nào lại trở thành tỉ phú đôla. Ngược lại, Thaksin chỉ quá “khôn”, khôn tới mức không chỉ hiểu lý thuyết dân chủ mà còn hiểu cả sự lắt léo của nó khi áp dụng vào thực tiễn chính trị kỳ dị ở Thái Lan. Nơi đó, mọi lý thuyết sách vở bỗng trở nên ngớ ngẩn bởi nền dân chủ ấy không vận hành theo lý tưởng.
Gần 4 năm sau khi Thaksin mất chức, thế giới mới thấy rõ và thấy hết sự kỳ quái của nền dân chủ Thái. Chính xác hơn thì, đó không phải là dân chủ mà là một sản phẩm lai căng giữa dân chủ, quân chủ và vô chủ. Thấu hiểu sự hỗn loạn hiện nay ở Thái Lan phải thấu hiểu sự pha trộn đặc trưng ấy.
Thủ tướng điều hành như … VuaThái Lan có một hệ thống đại nghị đa đảng và bầu cử tự do, về hình thức, Thái Lan là một nền dân chủ. Lịch sử để lại cho quốc gia này một ông vua, đương nhiên, nền dân chủ ấy vẫn mang hình bóng quân chủ. Hình thức lai tạp còn gọi là quân chủ lập hiến này không nguy hại bởi “ông vua” chỉ có quyền lực tinh thần. Nguy hại nhất ở Thái Lan là lãnh tụ dân bầu lại có xu hướng ứng xử như một “ông vua”.
“Ông vua” điển hình chính là Thaksin. Có nhiều những ví dụ chứng minh cho cách cai trị “hoàng đế” của ông cựu thủ tướng trong giai đoạn ông trị vì.
Đầu tiên là chiến dịch chống ma tuý đẫm máu vào năm 2003 mà Thaksin phát động. Cảnh sát mỗi tỉnh đề ra định mức về số lượng kẻ buôn bán ma tuý phải giết. Không luận tội và xét xử, cảnh sát giết người tràn lan, sát hại cả những người vô tội chỉ vì họ bị hàng xóm thù ghét tố cáo qua đường dây nóng. Chống ma tuý trở thành cái cớ để thanh toán lẫn nhau, cảnh sát giết tình báo quân đội, quân đội lại giết cảnh sát.
Thứ nữa, Thaksin bịt miệng truyền thông đối lập. Đoạn sau trích lại lời giám đốc Hiệp hội Nhà báo Thái: “Trước khi ông ấy nắm quyền, báo chí Thái Lan được coi là tự do nhất thế giới… Thaksin đã liên tục gây trở ngại cho cả báo in lẫn truyền hình bằng những chiến lược chính là đánh vào nguồn thu từ quảng cáo hay mua gom cổ phiếu. Ông đã ép xóa sổ những kênh radio, trang mạng hay chương trình truyền hình chỉ trích mình.”
Đỉnh điểm là vụ bê bối đã khiến Thaksin bị phế truất. Vào tháng 1 năm 2006, một công ty được sở hữu bởi chính phủ Singapore đã mua 49,6% cổ phần tập đoàn Shin của Thaksin với giá gần 2 tỉ đôla. Bởi phi vụ mua bán này được thực hiện qua một công ty danh nghĩa đăng ký tại đảo Virgin của Anh, gia đình Thaksin Shinawatra đã không phải đóng một đồng thuế nào cho chính phủ Thái. Thaksin đã khôn ngoan lách luật và thao túng cả một nền dân chủ để kiếm tiền.
Nhưng nếu có ai đem lý thuyết về dân chủ và pháp quyền ra để bắt bẻ, Thaksin sẵn sàng trích dẫn cả cha đẻ của nó, Rousseau, để biện minh: “tất cả mọi người đều sinh ra tự do. Tuy nhiên, bằng việc xây dựng một nhà nước, con người đã chấp nhận hi sinh một phần tự do cá nhân của mình và hạn chế bản thân trong khuôn khổ các luật lệ và quy tắc của chính phủ…”
Toà án, quân đội hành xử như… Chúa Ông Vua Thaksin mất ngôi vào năm 2006 sau một cuộc đảo chính của quân đội. Đây không phải là cuộc đảo chính đầu tiên và cuối cùng. Vào khoảng thời gian từ năm 1932, khi nền quân chủ bị lật đổ, cho tới năm 2006 khi quân đội đảo chính Thaksin, Thái Lan đã chứng kiến ít nhất 10 cuộc đảo chính thành công và 7 nỗ lực đảo chính bất thành. Các cuộc đảo chính đa phần được hẫu thuận và dàn dựng bởi quân đội.
Thái Lan đã có nhiều thập niên trước đó sống dưới chế độ chuyên chế quân sự. Ảnh hưởng bao trùm của tầng lớp tướng tá tưởng như đã suy sụp trầm trọng trong cuộc khủng hoảng năm 1991-1992, khi quân đội tiến hành đảo chính nhưng sau đó bị những cuộc biểu tình lớn của nhân dân lật đổ. Tiếc thay, bóng ma quân đội lại quay trở lại hoành hành.
Một thể chế hoàn toàn phi dân cử như quân đội đã lật đổ thủ tướng dân bầu Thaksin. Cho dù Thaksin có “xấu xa” tới đâu thì việc ông bị truất ngôi cũng cho thấy tính chất “thổ Phỉ” của quân đội. Ở đây, hoàn toàn thiếu vắng tinh thần thượng tôn của pháp luật mà chỉ có ý chí của một vài cá nhân chủ chốt có trong tay lợi thế độc quyền: vũ khí.
Theo phân tích của nhà nghiên cứu Crispin trên tờ Asia Times năm 2009, quân đội cũng đã đứng sau sân khấu hậu thuẫn việc thành lập liên minh do đương kim thủ tướng Abhisit đứng đầu. Crispin cho rằng sự ổn định của Thái Lan sẽ phụ thuộc vào việc Abhisit đàm phán chia sẻ quyền lực thế nào, trước hết với quân đội. Kết luận trên càng cho thấy sự mong manh của nền dân chủ trước sức ép của vũ trang.
Một lực lượng hoàn toàn phi dân cử khác ở Thái Lan là tòa án cũng hành động theo chính trị hơn là pháp luật. Sau khi ông hoàng Thaksin mất ngai, toà án Hiến pháp đã cho giải thể Đảng Người Thái yêu Người Thái (TRT) của ông này với cáo buộc Đảng đã gian lận bầu cử.
Sau đó, Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) thực chất là kế tục của TRT lại giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và đứng đầu liên minh cầm quyền. Nhưng chẳng được bao lâu, trước sức ép biểu tình của phe đối lập, toà án lại quyết định buộc thủ tướng thứ nhất của PPP Samak Sundaravej từ chức khi phán quyết rằng việc ông này tham gia vào một chương trình… “truyền hình dậy nấu ăn” là vi phạm hiến pháp Thái Lan. PPP một thời gian sau cũng bị tòa cho tan rã với cùng lý do như TRT.
Các quyết định “hài hước” của Tòa án Thái Lan tiếp tục là bị “chính trị hóa” cao độ mà gần đây nhất là việc thu hồi hơn 1.4 tỉ đôla tài sản của Thaksin.
Nhân dân đương nhiên là… Thượng Đế Trong suốt giai đoạn hậu Thaksin gần 4 năm qua, ổn định chỉ là thời kỳ nghỉ ngơi chờ hỗn loạn. Khi những người được gọi là nhân dân không tìm được thỏa hiệp nơi nghị trường thì họ phải tìm nó trên đường phố. Nền chính trị Thái Lan được gọi là nền dân chủ đường phố.
Những người chống Thaksin thành lập một liên minh lỏng lẻo gọi là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD). Các thành viên của PAD thường được nhắc tới với cái tên Phe Áo Vàng, màu tượng trưng cho Vua Thái Lan. Những người theo Thaksin là Phe Áo Đỏ, tự gọi họ là Mặt trận đoàn kết dân chủ chống độc tài (UDD). Phe nào cũng tự xưng đấu tranh dân chủ nhưng thực chất nhiều nhà phân tích cho rằng họ chỉ là những con rối đại diện cho cuộc tranh giành quyền lực chính trị giữa hai nhóm tinh hoa: nhóm doanh nhân giàu có mới nổi như Thaksin và nhóm quân chủ, quan chức cũ như các tướng tá quân đội.
Phân hóa và đấu tranh chính trị trong khuôn khổ pháp luật là lẽ đương nhiên trong mọi nền dân chủ. Chỉ có điều, ở Thái Lan, ai ai cũng tự coi mình là luật pháp. Cứ mỗi khi phe này nắm quyền là phe kia lại biểu tình chống đối. Đỉnh điểm vào tháng 11 năm 2008 khi những người của phe áo Vàng PAD chiếm giữ hai sân bay ở Bangkok, làm tổn hại trầm trọng tới nền kinh tế quốc gia.
Vào tháng 4 năm 2009, đến lượt phe áo Đỏ UDD tức giận, đụng độ bạo lực làm ít nhất 2 người chết và hơn một trăm người bị thương. Ở một trong những resort ven biển Pattaya, những người chống đối đã khiến hội nghị thượng đỉnh khu vực phải hoãn lại và các nguyên thủ quốc gia phải sơ tán bằng trực thăng. Nền ngoại giao của một quốc gia bị “làm nhục” bởi những người biểu tình.
Bạo lực trong những ngày qua đã khiến ít nhất 20 người đã chết và hơn 830 người bị thương. Máu thật đã đổ xuống nhưng hành vi điên loạn tới mức khó tưởng tượng nhất là khi phe thân Thaksin tự hiến cả triệu cc máu để đổ trước dinh Thủ tướng Abhisit. Hành vi quái dị ấy đã cho thấy trọn vẹn tính chất “quái thai” của một nền dân chủ chưa hết dư âm của quân chủ và vô chủ.
Trái tim đích thực của dân chủ chính là pháp quyền và ý thức pháp quyền. Khi thiếu vắng cả hai điều ấy đến mức cả những người đứng đầu, các thể chế công quyền lẫn người dân hành xử trên pháp luật, độc đoán như quân chủ và tùy tiện như vô chủ thì không thể nói đó là nền dân chủ.
Gần 4 năm với một cuộc đảo chính, 6 thủ tướng liên tiếp và bất ổn xã hội lan rộng, nhiều người đã đổ hết những hỗn loạn ấy ở Thái Lan lên đầu hai chữ “dân chủ”. Nhưng nền dân chủ không có lỗi cho những hỗn loạn hiện nay, lỗi lại nằm ở chính điều ngược lại.
Khánh Duy