Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Sách điện tử trên đường băng cất cánh


“Ý tưởng sách điện tử đã xuất hiện 10 năm trước nhưng chưa làm nên trò trống gì. Nhưng bây giờ mọi thứ đang rậm rịch và chuẩn bị cất cánh.” Steve Haber, giám đốc Bộ phận máy đọc sách điện tử của Sony cho biết.

Ngay trong buổi bình mình của kỷ nguyên số, người ta đã dự đoán sách số sẽ lấn lướt sách in. Nhưng quá trình đó đã diễn ra chậm hơn so với các lĩnh vực khác như âm nhạc.

Tốc độ số hóa sách đã không như dự đoán bởi việc đọc sách có những đặc trưng riêng mà các công cụ số không đáp ứng hoàn hảo. Cụ thể ở đây là máy tính cũng như điện thoại di động đã tạo ra ba yếu tố cản trở việc đọc sách: độ bền pin, màn hình làm mỏi mắt và kích thước thiết bị (máy tính quá cồng kềnh còn di động lại quá nhỏ).

Nhưng, giờ đây đã xuất hiện những điềm báo cho sự lên ngôi của sách số, đồng nghĩa với sự thoái vị của sách in.

Bùng nổ các công cụ đọc sách số ưu việt

Điềm báo trước nhất là sự mọc lên như nấm sau mưa của các phương tiện đọc sách số.

Đầu tiên phải kể tới máy đọc sách Kindle của Amazon, công cụ này đã khiến thị trường sách điện tử tăng trưởng phi mã. Hiện Kindle chiếm tới 70% thị phần máy đọc sách và 80% thị phần sách điện tử bán ra.

Kindle ưu việt bởi màn hình mực điện tử tạo cảm giác như đọc sách thật và khả năng kết nối tới khoảng 400 000 đầu sách trên hệ thống của amazon.com. Việc mua bán dễ dàng qua mạng không dây trong chưa đầy 1 phút cộng với giá sách rẻ chỉ 9,99 đôla Mỹ một cuốn đã khiến doanh số bán sách qua Kindle tăng nhanh chóng. Trong năm 2008, các nhà xuất bản Mỹ nói sách bán theo phiên bản Kindle chiếm 1% số lượng sách bán ra. Nhưng giờ đây, theo tờ New York Times, con số đã tăng ít nhất gấp từ ba tới bốn lần. Không dừng lại ở đó, Amazon đang bắt đầu phát triển ứng dụng Kindle cho Iphone, Mac, PC và BlackBerry.

Thứ nữa phải kể tới “hàng khủng” sẽ chính thức bán đại trà vào tháng Tư này: Ipad của Apple. Máy tính bảng mới của hãng Quả táo đã bị chê điểm này điểm khác nhưng có một đặc điểm được khen ngợi nhiều nhất: đó là một chiếc máy đọc sách hoàn hảo.

Apple đã đàm phán được với 5 trong số 6 nhà xuất bản lớn nhất Hoa Kỳ Hachette Book Group, HarperCollins Publishers, Macmillan, Penguin and Simon & Schuster để đưa sách vào hệ thống Ibookstore của họ.

Apple cũng không giấu diếm tham vọng đối đầu trực tiếp với Kindle, CEO của Quả táo Steve Jobs nói: “Chúng tôi sẽ đứng trên vai họ và đi xa hơn.”

Kế nữa là gã khổng lồ Google với kế hoạch Google Edition. Google đã nói về dự án này trong suốt một năm qua.. . Google tuyên bố có thể đọc sách điện tử trên bất kỳ phương tiện nào kể cả điện thoại di động, chứ không chỉ gói gọn trong một máy đọc sách như Kindle.

Các công cụ như Kindle và Ipad đều khắc phục được 3 yếu tố cản trở việc đọc sách trên thiết bị số. Kindle có pin lên tới 2 tuần, dùng mực điện tử khiến người đọc không bị mỏi mắt và có kích thước vừa tay như một cuốn sách nhỏ. Với đà này, một số nhà phân tích ở Mỹ đã tiên đoán, doanh số bán ra của sách điện tử một ngày nào đó sẽ vượt sách in.

Hình thành thị trường sách số cạnh tranh

Cạnh tranh mới phát triển, phát triển nhờ cạnh tranh. Nguyên lý cơ bản này lại đúng với thị trường sách số mới định hình. Cạnh tranh thể hiện không chỉ ở sự ưu việt về công nghệ máy đọc sách mà còn ở chiến lược giá và sức hấp dẫn với nguồn cung sách: các nhà xuất bản.

Amazon đi tiên phong trong quá trình này khi bán sách điện tử với giá chỉ 9,99 đôla so với giá sách in trung bình 26 đôla. Trong khi đó, Amazon trả cho các nhà xuất bản mức giá bằng giá mua buôn sách in, nghĩa là khoảng 12 đến 17 đôla.

Amazon đang bán lỗ nhưng họ cố tình làm thế để bán được nhiều máy đọc Kindle. Chính vì vậy, các nhà xuất bản lo ngại, khi đã chiếm lĩnh xong phần lớn thị trường, Amazon sẽ độc quyền buộc các nhà cung cấp sách phải giảm giá xuống.

Apple cũng đã xác định mô hình kinh doanh của mình để cạnh tranh với Amazon. Apple sẽ trở thành đại lý bán sách theo đúng mô hình đại lý truyền thống: ăn 30% và gác 70% còn lại cho nhà xuất bản và tác giả. Nhà xuất bản sẽ được từ ấn định giá sách điện tử của mình trên Ipad chứ không bị cố định giá 9,99 đôla như với Kindle. Tuy nhiên, khung giá chỉ được dao động trong khoảng 12,99 đến 14,99 đôla.

Sự nổi lên của Amazon và Apple khiến các nhà xuất bản chiếm được lợi thế trong đàm phán với Google. Google dự định trả cho các nhà xuất bản 63% giá bán, và cho phép người dùng in, cắt và dán các trích đoạn từ sách. Tuy nhiên, tỉ lệ 70% trong mô hình mới giữa Apple với các nhà xuất bản đã khiến Google phải nhân nhượng các điều khoản này.

Giám đốc Google Books Daniel Clancy đã phải hòa hoãn: “Google luôn cởi mở khi làm việc với các nhà xuất bản trong chương trình Google Editions, để hỗ trợ một thị trường sách điện tử thông thoáng và cạnh tranh.”

Xuất hiện kênh phân phối sách số độc lập

Để tạo ra hẳn một sân chơi đủ sức sinh lời cho riêng mình cần tạo ra một hệ thống phân phối riêng biệt, đó là bài học mà hãng Apple đã làm được với hệ thống nhạc số Itunes. Ipod và Itunes đã phá hủy khái niệm về Album nhạc truyền thống và tạo ra văn hóa nghe nhạc mới của thế giới.

Hãng Amazon định làm một cuộc cách mạng tương tự với Kindle và hệ thống Kindle Store với 400 000 đầu sách của mình. Apple dù đi sau nhưng cũng đi theo con đường đó với Ipad và Ibookstore. Hai hãng này sẽ không chỉ cung cấp công cụ đọc sách mà cung cấp cả cửa hàng bán sách. Họ không chỉ cạnh tranh với nhau mà cạnh tranh với những siêu thị sách kiểu Barnes&Noble.

Cuộc cách mạng này thành công đồng nghĩa với sự thay đổi phương thức đọc sách của thế giới, từ sách in sang sách số. Khi ấy, cấu trúc ngành sẽ thay đổi căn bản và một thị trường sách điện tử rộng lớn sẽ mở ra.

Thị trường sách in sẽ lâm vào cảnh “chợ chiều” nhưng các nhà xuất bản không nhất thiết phải lo ngại, họ đã có thể đem hàng tới bán ở thị trường sách số sẽ vui “chợ Tết”.

Khánh Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét