Nước Mỹ hỗn loạn hậu 11/9 qua hồi ký cựu GĐ CIA
http://tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc//5654/index.aspx
“Tenet cố tình đổ tội cho người khác. Đừng mua sách!” Tờ Washington Post giật tít như vậy ngay sau khi cuốn hồi ký “Mắt bão” của cựu giám đốc CIA George Tenet ra mắt. Thế nhưng, sách của Tenet vẫn bán chạy. Người dân tò mò muốn biết nhân vật số 1 của tình báo Mỹ giải thích thế nào về sự kiện 11 tháng 9 và cuộc chiến Iraq. Còn chính giới Mỹ thì tranh cãi không ngớt xung quanh những luận điểm của ông.
Rìu và xe ủi
Trong Mắt bão, Tenet đã viết một đoạn rất thú vị về diễn biến trong nội bộ tổ chức Al-Qaida khi bàn âm mưu thực hiện 11/9. Ý tưởng để máy bay đâm vào tòa tháp đôi là của Khakid Sheikh Mohammed nhưng tên này chỉ đề xuất ăn trộm một máy bay nhỏ chất đầy thuốc nổ. Theo những gì kể lại, Bin Ladin đã hỏi:
“Tại sao lại phải dùng rìu trong khi có thể dùng hẳn xe ủi?”
Chính tay Bin Ladin đã sửa lại kế hoạch, thay máy bay thuốc nổ bằng máy bay thương mại với rất nhiều hành khách.
“Xe ủi” đã là phẳng Trung tâm thương mại thế giới, giết chết 3000 người và đẩy nước Mỹ vào một giai đoạn khốc liệt nhất hậu chiến tranh Lạnh. Đương nhiên, tâm điểm của mọi lời chỉ trích nhắm vào cơ quan tình báo Mỹ CIA vì họ đã không thể phát hiện ra âm mưu khủng bố “như trong phim” này của Bin Ladin và đồng bọn.
“Xe ủi” đã vĩnh viễn đổi thay não trạng của chính giới và người dân Hoa Kỳ. Từ nay, nước Mỹ không còn là quốc gia “bất khả xâm phạm”, ngoài tầm tấn công của kẻ thù nhờ vị trí địa lý bên kia đại dương. Từ chỗ “thờ ơ” với các nguy cơ, nay người Mỹ nhìn đâu cũng thấy khủng bố theo kiểu bác sỹ nhìn đâu cũng thấy vi trùng.
Dữ liệu nguy cơ khủng bố hậu 11/9 nhiều đến nỗi mỗi ngày được tập hợp thành một văn bản dày, được trình Tổng thống vào mỗi buổi sáng như một bữa điểm tâm. Mỗi ngày, CIA đều họp vào 5h chiều để theo dõi các nguy cơ này mặc dù theo Tenet “đa số các nguy cơ đều không có thật.” Chuyện bằng con kiến được thổi phồng lên thành con voi và chính quyền Mỹ sống trong nỗi lo sợ thường trực bởi những “ma trận nguy cơ” theo cách dùng từ của Tenet.
Trong cái “ma trận nguy cơ” ấy, Iraq đóng một vai trò nhất định. Chẳng hiểu vì lo sợ khủng bố quá mức hay cố tình như vậy, nhà cầm quyền Mỹ khăng khăng khẳng định rằng Sadam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có mối quan hệ khăng khít với Al-Qaida. Hoa Kỳ lại mang “xe ủi” đến để lật đổ hình tượng Saddam nhưng không ai tìm thấy vũ khí huỷ diệt hàng loạt như các báo cáo của CIA trước đó.
Tội vạ lại đổ lên đầu cơ quan tình báo Mỹ. Tenet có lý khi cho rằng nước Mỹ hậu 11/9 ở trong một cơn bão khủng khiếp và đương nhiên, CIA đứng ở vị trí trung tâm của cơn bão ấy.
Tình báo CIA: Thực tế khác với trong phim
“Chúng tôi không phải là những người tự do đi ám sát. Đó là việc của phim ảnh chứ không phải của một thế giới đầy rẫy sự phức tạp mà CIA đang hoạt động trong đó.”
Tenet biện luận như vậy trong hồi ký của mình. Đương nhiên, đứng ở mắt bão để hứng chịu búa rìu dư luận, cựu giám đốc CIA buộc lòng phải lên tiếng “thanh minh thanh nga”. Toàn bộ cuốn hồi ký có thể coi lời thanh minh của Tenet trước những lời chỉ trích. Tuy nhiên, điểm hay là ở chỗ, khi thanh minh cho bản thân mình, Tenet lại chĩa mùi dùi về phía chính quyền Bush chứ không phải phe chỉ trích.
Theo Tenet, CIA đã có những cảnh báo về vụ khủng bố 11/9 chứ không đến nỗi mù thông tin. Điển hình nhất là vào ngày 4/12/1998, CIA đã có một bản báo cáo tóm tắt cho tổng thống Clinton với tiêu đề: “Bin Laden chuẩn bị cướp máy bay Mỹ và tiến hành các cuộc tấn công khác.” Từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2001, có khoảng 105 báo cáo tóm tắt được gửi tới lãnh đạo các cơ quan hàng không. Nhưng những lời cảnh tỉnh CIA đưa ra đã đi từ tai này sang tai kia của giới chức Hoa Kỳ.
Không chỉ nhận thức không đúng mực những nguy cơ, Tenet cho rằng CIA đã không được cung cấp đủ nguồn lực và không gian pháp lý đủ để hành động. Chính quyền Clinton chỉ cho phép bắt sống Bin Ladin, “đi ám sát Bin Ladin là không được phép và không thể chấp nhận được” trước ngày 11/9. Đó là vấn đề luật pháp và chính trị, những điều đó theo Tenet đã cản trở CIA hoạt động một cách thực sự hiệu quả để chặn đứng những âm mưu khủng bố.
Cú úp rổ “nhầm lỗ”
Trong một cuộc họp kín với tổng thống và các quan chức cấp cao Hoa Kỳ trước chiến tranh Iraq, George Tenet đã nói với tổng thống đại ý rằng việc phát hiện ra Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt chẳng khác nào một “slam dunk”. Chữ này là một từ trong bóng rổ được dịch là “cú úp rổ mạnh mẽ”. Hàm ý ở đây là việc phát hiện ra Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt chẳng khác nào một động thái mang tính bước ngoặt, khẳng định đã đến lúc phải tấn công.
Sau này, tổng thống Bush và các quan chức Mỹ nhiều lần sử dụng chữ “cú úp rổ” này của Tenet để biện minh cho tính cấp thiết của cuộc tấn công Iraq nhằm giải trừ vũ khí huỷ diệt của nước này. Vũ khí huỷ diệt đâu chẳng thấy, chỉ thấy “rác rưởi” từ đâu “úp” lên đầu giám đốc CIA George Tenet.
Sự thực theo Tenet, CIA chỉ đưa ra những báo cáo mang tính đánh giá chứ không hề khẳng định rằng Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Các thông tin tình báo không đủ cơ sở để chứng minh điều đó và CIA cũng không phát hiện “bất kỳ liên hệ nào giữa Saddam và sự kiện 11/9”, “không có bằng chứng nào cho thấy Baghdad cho phép, định hướng hay điều hành các chiến dịch của Al-Qaida.”
Thế nhưng, chính quyền Bush liên tục có những thúc ép buộc CIA phải đưa ra những kết luận và báo cáo mang tính khẳng định nhiều hơn. Tenet viết nhiều đoạn ám chỉ rằng mưu đồ chiến tranh đã được chuẩn bị từ trước và “vũ khí hủy diệt” chỉ là cái cớ dễ được dân chấp nhận, là “vấn đề mà tất cả mọi người đều có thể đồng ý.” Nằm trong cơn lốc đó, CIA cũng phải hòa theo dòng chảy chung chứ không thể đứng chắn ngang “đoàn tầu đang ầm ầm lao về phía trước” được.
Những thông tin tình báo manh mún và không đầy đủ đã được Collin Powell đem ra trước Liên Hiệp Quốc để biện minh cho cuộc tấn công Iraq. Nhưng đến khi không tìm thấy vũ khí, người ta lại đổ tội cho những thông tin tình báo “sai lạc” đó, cho rằng chính tình báo yếu kém đã dẫn chính quyền Mỹ tới một quyết định khiến quân đội sa lầy.
Đứng trước những lời cáo buộc, Tenet mất hết kiên nhẫn. Ông khẳng định tình báo chỉ là người thực thi chính sách chứ không phải người đề ra chính sách. Đoạn cuối cuốn sách, ông “điên tiết” tuyên bố cảm giác mình chỉ như một “kẻ thế mạng” để chính phủ “tròng cái thòng lọng vào cổ”. Tenet gọi đó là “chuyện hèn hạ nhất tôi từng thấy trong đời” và gọi tất cả trò đổ tội đó bằng hai từ “bịp bợm”.
Biện minh hay minh biện?
Nhiều lời thanh minh của Tenet khá thuyết phục nhưng cũng có nhiều đoạn quan điểm của ông mập mờ, hai mặt. Là người ủng hộ chiến tranh Iraq nhưng giờ đây Tenet lại cho rằng nước Mỹ đã chưa có những cuộc tranh luận nghiêm túc về sự cần thiết cũng như hậu quả của cuộc chiến này.
Tenet phê phán nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền Mỹ từ phó tổng thống Cheney cho tới cố vấn an ninh quốc gia Condi Rice nhưng lại không dám đả động gì tới tổng thống Mỹ Bush. Từng 7 năm giữ chức giám đốc CIA dưới cả hai chính quyền Bush và Clinton, không khó hiểu khi Tenet luôn đưa ra những lập luận theo kiểu “vừa đấm vừa xoa”, không rõ ràng như chính những thông tin tình báo lẫn lộn thật giả ở CIA của ông.
Phần cuối sách được viết cảm động nhưng có vẻ như số người cảm thông với tác giả không nhiều. Quan điểm “lập lờ” của Tenet đã nhận được sự công kích của các nhân vật ở cả hai phe chủ chiến và phản chiến, của cả giới chức cấp cao như Condi Rice, John McCain… cho tới những đồng nghiệp, nhân viên cũ của Tenet ở CIA. Đặt tên cuốn sách của mình là “Mắt bão”, như một điềm báo trước, tác giả của nó lại phải nằm ở tâm của một cơn bão chỉ trích mới nhắm vào ông.
Đọc đau cả đầu, em chỉ đọc những chỗ in đậm thôi, heheeeee...
Trả lờiXóa