Có lẽ bạn sẽ lần giở mỗi trang của cuốn sách về Steve Jobs này, ở một nơi thanh vắng nào đó, trong một đêm yên tĩnh nào đó chẳng hạn, duy chỉ có điều, bạn không thể cảm thấy sự an tĩnh khi đọc cuốn sách này cũng như khi đọc bất kỳ điều gì liên quan đến Steve Jobs.Máu trong huyết quản của bạn phải chảy nhanh hơn và tim bạn phải đập mạnh hơn nếu như bạn thật sự hiểu được những tinh hoa trong con người Steve Jobs. Người đàn ông này không phải là con người của sự đứng yên, tĩnh tại, hay bình lặng, cho dù ông có ăn chay và tin tưởng vào đạo Phật.
Tuy thế, Steve không theo đuổi bất kỳ thứ chủ nghĩa trung tính và ôn hòa nào theo tinh thần Phật giáo. Cho tới những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, ông vẫn là một con người của sự nổi loạn, của một tinh thần hippie chảy rần rật trong mỗi mạch máu của mình. Tinh thần ấy thể hiện rõ nhất trong một phát biểu của ông: “Những kẻ đủ điên để nghĩ rằng họ có thể thay đổi thể giới cũng chính là những người có thể làm được điều đó.”
“Gã điên khùng” Steve Jobs đã đi qua hết những chặng đường điên loạn của mình. Ai đó nói rằng, thế giới này phát triển không bởi những con người suy nghĩ duy lý mà ngược lại. Điều ấy có vẻ như đúng hơn cả với Steve, con người luôn thách thức tất cả những quy luật thông thường bằng sự ngang ngược của mình: “thà làm hải tặc còn hơn làm hải quân”, “tôi không quan trọng mình có lý hay không, tôi chỉ quan tâm mình có thành công hay không…”
Steve bất tử, tất nhiên rồi. Nhưng kỳ lạ thay, con người đặc biệt này lại dùng nỗi ám ảnh từ cái chết để lấy đó làm động lực cho những nỗ lực phi thường trên con đường vươn tới thành công của mình. Ai cũng có thể nói rằng, hãy sống như ngày mai mình chết. Nhưng chỉ có một người như Steve, người trong suốt 33 năm cuộc đời, đã nhìn vào gương mỗi buổi sáng và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời, tôi có làm những điều tôi muốn hay không?”
Động lực chi phối hành vi của chúng ta. Động lực bạc tiền, động lực danh vọng, động lực tìm kiếm sự ngưỡng mộ của người khác giới, động lực tình yêu và còn nhiều động lực khác nữa … Duy chỉ có Steve coi cái chết là động lực ngay từ thời trai trẻ, phải chăng nhà tiên tri công nghệ này dường như đã linh cảm được sự yểu mệnh của chính mình?
Bạn có thể yêu mến Steve, tùy bạn, nhưng với những người làm việc cùng Steve, sẽ không hẳn thế. Đặc tính cáu gắt, thất thường, hay quát nạt cấp dưới và luôn luôn đòi hỏi quá cao của Steve khiến ông trở thành “hung thần” trong mắt nhân viên. Khí chất “điên loạn” xét theo nghĩa nào đó của Steve thể hiện một sự không hài lòng thường trực về mọi thứ, dưới mắt Steve, không gì là hoàn hảo. Thứ chủ nghĩa tối hảo hay chủ nghĩa tinh hoa tuyệt đối ấy là đặc trưng cơ bản nhất trong tinh thần Steve Jobs, là giá trị vô hình đã tạo ra những siêu phẩm hữu hình như Ipod, Iphone, Ipad… Như một câu bất hủ của Steve: “Người thợ mộc giỏi không sử dụng miếng gỗ tồi cho tấm lát sau lưng tủ cho dù chỗ đó không ai nhìn thấy…”
Ở Apple, những con người nổi loạn một cách sáng tạo và sáng tạo trên tinh thần nổi loạn có lẽ đã không thể kết hợp với nhau thành “đoàn hải tặc” nếu thiếu vị “hung thần” Steve. Chính nền “độc tài chuyên chính” lấy tinh thần tối hảo làm hệ tư tưởng ấy mới tạo ra những siêu phẩm, chứ không phải thứ dân chủ cãi vã và chủ nghĩa bình quân nhờ nhờ. Nhưng đừng vội quên, độc tài kiểu Steve khác hẳn những thứ độc tài lấy lợi ích cá nhân làm mục đích.
“Nghĩ khác” - Steve đặt khẩu hiệu cho công ty Apple như vậy. Không ít người dám nói thế, nhưng không nhiều người làm được thế. Ai cũng có thể ca ngợi tinh thần giản dị nhưng rồi lại vác về nhà một đống những thứ xa hoa, chỉ có Steve, nghĩ khác và làm cũng khác, tôi đặc biệt thích chi tiết ông vứt bỏ mọi thứ trong nhà, chỉ để lại một vài vật dụng giản đơn. Ông nói: “Tôi tự hào về những điều tôi không làm còn hơn cả những điều tôi làm”. Vứt đi càng nhiều càng tốt, buông bỏ được hết thì hay, riêng có điểm này, tôi thấy tinh thần của ông rất gần gũi với đạo Phật.
Steve là người đã khai sinh ra ngành máy tính cá nhân và Steve cũng là người đã hủy diệt nó. Với iPhone, iPad... máy tính cá nhân bỗng trở thành thứ gì đó nặng nề, cục mịch, quê mùa... Những thiết bị cầm tay nhỏ nhắn rồi sẽ bào mòn thị trường máy tính cá nhân bởi bản thân chúng đã là một thế giới hoàn hảo của những ứng dụng, dịch vụ và sản phẩm số.
Với tư cách là nhà sáng tạo, Steve đã tự hủy diệt chính mình, tự hủy diệt những đứa con tinh thần của mình bằng cách cho ra đời những đứa con khác để rồi lại hủy diệt nó đi….
“Cái chết có khả năng là phát minh duy nhất của cuộc sống. Nó là tác nhân thay đổi cuộc sống. Nó xóa cái cũ để mở đường cho cái mới…” Steve Jobs đã khẳng định điều ấy trong bài phát biểu súc tích ở trường Đại học Stanford năm 2005.
Vòng tròn sinh diệt ấy không bao giờ ngừng lại và đây là điểm mấu chốt: Steve bất tử bởi ông chưa bao giờ cho phép mình ngừng lại trên con đường kiếm tìm sự hoàn hảo, không có gì bất tử ngoài sự tiếp nối không ngừng và chỉ có sự tiếp nối không ngừng mới đem lại sự bất tử mà thôi...
Khánh Duy