Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Trò hắc ám News of The World và sự tha hóa của báo chí


Bê bối New of The World không phải là một con sâu bỏ rầu nồi canh. Nó là phần nổi của một tảng băng chìm bấy lâu không được biết tới công khai bởi nỗi e ngại xâm phạm tới quyền lực và sự tự do của báo chí.

Nick Davies, phóng viên tự do của tờ The Guardian (Anh), là người đã phanh phui vụ bê bối nghe lén của tờ News of The World bằng một loạt những bài viết vạch trần cách thức tờ báo lá cải này xâm phạm trái phép các thông tin riêng tư của nạn nhân.

Một sự trùng hợp tình cờ, thời điểm vụ News of The World nổ ra cũng là thời điểm cuốn sách nổi tiếng nhất của Nick Davies được xuất bản tại Việt Nam. “The Flat Earth News”, cuốn sách gây chấn động được Nick Davies viết 3 năm trước vừa được công ty Nhã Nam phát hành dưới tựa “Tin tức trái đất phẳng”.

Trái đất thì tròn nhưng báo chí lại đồng loạt đưa tin là nó phẳng. Mượn hình ảnh một nghịch lý hiển nhiên, Nick Davies đã viết 500 trang sách chỉ để phơi bày sự lệch lạc của nền báo chí toàn cầu. Một nguyên tắc trong ngành báo: “Chó không ăn thịt chó”, các nhà báo phê phán người khác nhưng sẽ không phê bình lẫn nhau. Lần này, Nick Davies đã “bước qua lời nguyền” ấy để làm một cuộc phẫu thuật vào gan ruột báo chí.

Ca mổ đã phanh phui ra 3 căn bệnh lớn của báo chí: sự dốt nát trong các phòng biên tập tin tức dẫn tới việc đưa tin sai có hệ thống, sự tác động của PR vào báo chí làm biến dạng sự thật và cuối cùng, căn bệnh liên quan trực tiếp tới sự sụp đổ của News of The World. Tên của nó là “Nghệ thuật hắc ám”.

“Nghệ thuật hắc ám”

“Nghệ thuật hắc ám” là gì? Đó đơn giản là những cách thức phi pháp và đen tối mà nhà báo sử dụng để có được những thông tin riêng tư và bí mật. Vụ nghe lén điện thoại của các phóng viên News of The World là một ví dụ điển hình. Rất tiếc, đó không phải là tất cả.

Ai là người thường có thông tin riêng tư và bí mật: cảnh sát. Ai là người cần nó: nhà báo. Cầu nảy sinh cung và họ phải gặp nhau ở một thị trường mà Nick Davies gọi là thị trường chợ đen thông tin. Ban đầu, nhà báo “mua” cảnh sát để có những tin tức và dự liệu riêng tư. Sợ bị lộ, về sau, họ “mua” qua các “cò” thông tin, người đứng ra thay họ điều đình với cảnh sát và những người có thông tin. Trò “hắc ám” phát triển tiếp với việc nhà báo thuê thám tử tư và những kẻ moi tin chuyên nghiệp để có được những gì họ muốn.

Các thám tử được báo chí thuê đã sử dụng những nghiệp vụ của an ninh để xâm phạm đời tư của cả những nhân vật nổi tiếng, tai to mặt lớn ở Anh Quốc. Bằng đủ mọi cách, “cài phần mềm gián điệp” trong ổ cứng máy tính của đối tượng, “lắp một bức tường gương” vào máy tính để sao chép mọi thư điện tử ra vào, nghe trộm điện thoại từ mọi máy cố định và di động…

Đó là toàn bộ quá trình vận hành của thị trường thông tin “hắc ám”. Hài hước hơn cả là chuyện những kẻ moi tin chuyên nghiệp sáng sáng đi lục trộm thùng rác nhà các VIP để hi vọng tìm được thứ gì đó khả dĩ có thể xào thành tin lá cải cho buổi sáng hôm sau…

Cuốn sách của Nick Davies cho chúng ta 2 góc nhìn sâu vào vụ News of The World. Thứ nhất, đây không phải là vụ việc mang tính thời điểm, nó là một xu hướng đã kéo dài suốt 30 năm qua trong báo chí Anh Quốc, khởi nguồn từ thập niên 80. Thứ hai, đây không chỉ là câu chuyện của News of The World, những trò hắc ám tương tự đã lan rộng trong toàn bộ hệ thống báo lá cải và cả báo chính thống.

2 góc nhìn dẫn tới 1 kết luận: Bê bối New of The World không phải là một con sâu bỏ rầu nồi canh. Nó là phần nổi của một tảng băng chìm bấy lâu không được biết tới công khai bởi nỗi e ngại xâm phạm tới quyền lực và sự tự do của báo chí.

Tha hóa tuyệt đối


“Những tổ chức này tồn tại để kể sự thật, vậy mà lại thường xuyên nói dối về bản thân mình. Nhiều tổ chức báo chí là những người lớn tiếng nhất trong việc kêu gọi tôn trọng pháp luật và trật tự, kêu gọi trừng trị mạnh tay với tội phạm, có biện pháp mạnh hơn đối với hành vi chống lại xã hội, trong khi đó, chính họ lại thoải mái hối lộ, tham nhũng và đánh cắp thông tin bảo mật…”

Nick Davies viết về trò “đạo đức giả của báo chí”. Báo chí vẫn ra rả câu nói: Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Chính vì thế, vai trò của nó là kiểm soát và cân bằng các quyền lực khác để ngăn chặn sự tha hóa ấy. Nhưng cuối cùng, chính báo chí cũng vấp phải một nghịch lý chưa lời đáp: ai sẽ quản lý các nhà quản lý. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, quyền lực tuyệt đối của báo chí có dẫn nó tới sự tha hóa tuyệt đối như bản thân mọi quyền lực khác.

Các nhà báo thường trích dẫn một câu nói nổi tiếng của cha đẻ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Thomas Jefferson: “Nếu phải lựa chọn giữa một chính phủ không có báo chí và báo chí mà không cần chính phủ, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái sau.” Câu nói ấy minh họa cho tầm quan trọng quyết định của báo chí trong một xã hội dân chủ.

Thomas Jefferson đã nói câu ấy vào năm 1787, 14 năm trước khi ông trở thành vị Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Khi đã trở thành Tổng thống, chịu không ít búa rìu dư luận, ông nói một câu chẳng nhà báo nào thích dẫn: “Những người không đọc gì còn có giáo dục hơn những người không đọc gì, chỉ đọc báo.”

Sự giận dữ đối với báo chí của người khai sinh ra “Đế chế Tự Do” Hoa Kỳ từ 300 năm trước cho thấy khía cạnh tích cực: báo chí đã thể hiện quyền lực thứ 4 của mình mạnh tới mức khiến một Tổng thống cũng không thể yên thân. Nhưng sẽ ra sao nếu hiểu theo cách tiêu cực, báo chí đã lạm dụng quyền lực tự do của mình để phê phán mù quáng và xâm phạm sai trái lợi ích của người khác?

Câu hỏi ấy cần sự phân định rõ ràng bởi đúng như câu nói của Joseph Pulitzer mà Nick Davies đã dùng để kết thúc cuốn sách của mình: “Một nền báo chí bất cần đạo lý, đánh thuê, mị dân, tha hóa sẽ dần tạo ra một dân tộc như chính nó.”

Khánh Duy