Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Lãnh tụ cuối cùng của Đông Đức cũ và cơn sóng thần 1989


Egon Krenz là một người đàn ông có đôi mắt buồn. Đó là ấn tượng mạnh nhất về ông trong lần chúng tôi gặp Krenz gặp tại Khách Sạn InterContinental Hanoi hồi năm ngoái.

Ông trao cho bạn tôi quyền dịch và xuất bản cuốn Hồi ký của ông “Mùa thu năm 1989”. Phong cách khá bình dị, dáng người to lớn và gương mặt thuần hậu của ông cho người tiếp xúc cảm giác dễ chịu. Người đàn ông mộc mạc đã 73 tuổi này từng là Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất của Đông Đức ở thời điểm ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ.

Krenz nói đại ý rằng qua cuốn sách, muốn người Việt Nam hiểu đúng hơn về giai đoạn lịch sử ấy và về cá nhân ông. Câu chuyện chung chung, Krenz vừa nói vừa buồn buồn nhìn ra cửa sổ khách sạn.

Gorbachev đã phản bội, Krenz có nói ý đó. Sau này, khi cuốn sách của Krenz đã được NXB Công An Nhân Dân và Alphabooks cho ra mắt, người đọc mới hiểu hơn về ý ấy của Krenz.

Đoạn cuối của sợi dây thừng


Trong sách, Krenz kể một đoạn trong một cuộc hội đàm với Gorbachev những năm tháng cuối cùng của nước CHDC Đức, Krenz hỏi Tổng Bí Thư của Liên Xô:

- CHDC Đức là con của Liên Xô, chúng tôi thật sự muốn biết các đồng chí có tôn trọng nghĩa vụ làm cha?

Gorbachev trả lời một ý khá mập mờ:

- Dây thừng có xoắn tới đâu thì cũng có lúc tới cuối dây.

Cuốn hồi ký này của Krenz mô tả lại đoạn cuối của chiếc dây thừng đó, nơi những vòng xoắn cuối cùng cũng bung ra hết. Nó bung nhanh tới mức Krenz chỉ kịp cầm quyền có 50 ngày, từ 08/10/1989 đến 06/12/1989. Cuốn sách này có thể được đặt tên là “50 ngày” cũng được, bởi cấu trúc của nó theo mạch thời gian tuyến tính, từng ngày từng ngày.

Nguyên nhân trực tiếp của cái sự bung ra ấy của sợi dây thừng được Krenz liệt kê: “biểu tình ngoài phố, thất vọng trong Đảng, cộng đồng XHCN tan rã, lực lượng chống CNXH trỗi dậy, CHLB Đức chống phá CHDC Đức…”

Krenz đã không may khi phải cầm quyền vào đúng giai đoạn hỗn loạn ấy, cái giai đoạn mà theo lời ông thì “tâm lý hoang mang và chán nản lan tràn, không còn viễn cảnh tươi sáng nào nữa…”

Cuộc chạy đua với cơn Sóng thần lịch sử

Cuốn sách này của Egon Krenz cho người đọc cảm giác về một cuộc chạy lũ. Nước từ đâu cứ ùn ùn chảy xuống và Krenz cùng các đồng sự của mình cố hết sức để ngăn dòng. Thực ra đó không phải là cơn lũ mà là một cơn sóng thần, người ta chỉ có thể bỏ chạy chứ không có cách gì ngăn lại được sức công phá của nó.

Vậy nhưng Krenz cũng đã tìm cách đắp đê chắn sóng trong những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn nước CHDC Đức. Về kinh tế, “xóa bỏ hệ thống trung tâm hóa đầy quan liêu trong lãnh đạo và lập kế hoạch kinh tế quốc dân, trở lại lấy tiền làm thước đo cho thành tích và thành công kinh tế.” Về chính trị, “dân chủ hóa xã hội, đối thoại là một phần mặc định của văn hóa chính trị, tăng cường nhà nước pháp quyền, định nghĩa mới về quốc hội và cơ quan công quyền, sự thật và minh bạch trong chính sách thông tin.”

Nhưng không còn kịp nữa, công cuộc cải cách mang tên Bước Ngoặt đã diễn ra quá chậm và Krenz, với tư cách người đứng đầu nhà nước Đông Đức ngày ấy, đã không tìm ra được lối thoát cho CHDC Đức trong thực tiễn. Ngay cả trong lý thuyết, câu hỏi tại sao nước Đức XHCN lại sụp đổ cũng không dễ trả lời với một con người tới cuối cuộc đời vẫn tự nhận còn mang trong mình lý tưởng XHCN như ông.

“Càng cố tìm câu trả lời, tôi càng ngập sâu vào mâu thuẫn.” Krenz thừa nhận như vậy. Nhưng cuốn sách này cũng là một nỗ lực trả lời câu hỏi ấy của Krenz, trải nghiệm nhiều năm trong hệ thống và quãng thời gian dài chiêm nghiệm lại sau đó đã dẫn ông tới những kết luận khá rõ ràng: “sự kết thúc ấy đã có từ lâu, nó nằm trong sự bất lực của các nhà nước XHCN ở Châu Âu, không kiến tạo nổi CHXH hiện thực như một lựa chọn đáng tin, có sức thuyết phục và thực sự đáng sống…”

Ai viết hồi ký cũng có ý biện minh cho mình, trong cuốn này, Krenz lý giải theo quan điểm cá nhân nhiều tình tiết lịch sử nhưng ông không phủ nhận lỗi lầm cá nhân trong sự sụp đổ của Đông Đức mùa thu năm 1989. “Cả hôm nay lẫn tương lai tôi không đổ trách nhiệm ấy lên đầu người khác. Chúng tôi đã thất bại có lẽ vì không đủ dũng cảm sớm chia tay với một chính sách đã làm biến dạng CNXH và bầu cử giả hiệu đã làm xấu mặt đất nước với thế giới.”

Nước tới chân mới nhảy. Câu thành ngữ Việt Nam này phù hợp với những diễn biến ở Đức mùa thu năm 1989. Cú nhảy muộn màng đã không cứu được Egon Krenz và Đông Đức thoát khỏi cơn sóng thần lịch sử 1989. Cho dù thừa nhận tính tất yếu của sự sụp đổ ấy, rằng “tình cảnh đó không khác được nữa rồi”, Krenz vẫn trăn trở và suy tư vì ông vẫn còn tin vào lý tưởng XHCN.

Vĩ thanh


Đọc sách của Krenz, người đọc không có một cảm giác dễ vào bởi quá nhiều những sự kiện lịch sử và chính trị đan xen phức tạp. Cuốn sách không hấp dẫn để có thể ngấu nghiến từ đầu tới cuối nhưng có rất nhiều tình tiết đáng lưu tâm. Một trong số đó là mô tả của Krenz về thái độ của những Đảng viên Cộng sản khi Đảng đứng trước bờ vực sụp đổ: “Hàng nghìn người rời bỏ Đảng. Đó là những người trước đó tỏ ra rất cách mạng, các đồng chí có tinh thần phê phán và vì thế hay có “vấn đề” bây giờ lại là lực lượng dũng cảm đấu tranh cho Đảng.”

Và đây, là câu nói mà Egon Krenz đã chắt lọc từ những trải nghiệm của cả cuộc đời chính trị để tổng kết: “Nơi nào chính trị bị hạ cấp thành tư tưởng hệ thì nó mang sức huỷ hoại, bất kể ở hệ thống nào.”

Khánh Duy