Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Chủ nghĩa tư bản có lỗi nhưng không có tội


Xin lỗi mượn lời em Vàng Anh để thanh minh cho CNTB. Bài viết cũng đã lâu lâu từ tháng 4 rồi.

Nếu Adam Smith có sống lại để thanh minh cho CNTB trong giai đoạn này, có lẽ ông sẽ nói: “CNTB có lỗi nhưng không có tội…”

Mất niềm tin vào CNTB

Theo một điều tra mới nhất của công ty truyền thông Rasmussen Reports, chỉ có 53% người Mỹ trưởng thành tin rằng CNTB tốt hơn CNXH, 20% tin rằng CNXH tốt hơn và 27% không biết chắc chắn câu trả lời.

Mới chỉ tháng 12 năm 2008, có đến 70% người Mỹ trưởng thành ủng hộ nền kinh tế thị trường tự do, chỉ 15% tin rằng nền kinh tế do nhà nước quản lý tốt hơn và 15% không quyết định.

Ngay trên đất Mỹ, quê hương của những tư tưởng tự do, mà chỉ có phân nửa dân cư ủng hộ CNTB. Hơn thế nữa, trong vòng chỉ có vài tháng, tỉ lệ ủng hộ CNTB lại sụt giảm khá mạnh. Đó là những con số bất ngờ. Bỏ qua những sai lầm có thể có trong quá trình điều tra, có một sự thực là cuộc khủng hoảng hiện nay đã làm cho niềm tin vào CNTB bị lung lay.

Người dân Mỹ đang mệt mỏi vì khó khăn do khủng hoảng hay bực tức khi những đồng thuế của họ được đóng góp để cứu các nhà tư bản lớn? Có thể cả hai và có thể đó là những nguyên nhân khiến họ giảm niềm tin vào CNTB tự do, được coi là linh hồn đã đem lại thịnh vượng cho nước Mỹ từ ngày lập quốc.

Người dân Mỹ và người dân nhiều quốc gia khác đang mất niềm tin vào CNTB. May thay chưa thấy ai nói nó “đang giãy chết” nhưng không ít người nghi ngờ tính hợp lý trong sự tồn tại của nó. Những nghi ngờ đó cần được xem xét lại. Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng như những cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ là những biến động gây ra bởi những “lỗi” trong một thành phần của hệ thống tư bản chủ nghĩa, nhưng toàn bộ hệ thống đó xét như một tổng thể có cơ sở hợp lý để tồn tại.

Cuộc khủng hoảng của CNTB tài chính

Đặc điểm cơ bản của CNTB là nó phải vận hành trên cơ sở giá trị. Muốn tồn tại và có lợi nhuận, nhà tư bản phải sản xuất ra những hàng hoá và dịch vụ có giá trị thực sự đối với số đông quần chúng. Vô giá trị có nghĩa là không trao đổi ra tiền và đồng nghĩa với việc nhà tư bản phá sản… Thực tế đó khiến họ buộc phải tạo ra giá trị có lợi cho cộng đồng. Từ thị trường hàng hoá, dịch vụ tới nhân lực, nơi nơi quy luật giá trị chi phối

Adam Smith viết những dòng bất hủ: “Chính không phải do lòng tốt của người bán thịt, người sản xuất rượu bia hay người làm bánh mỳ mà chúng ta có được một bữa ăn ngon, mà do sự quan tâm của họ tới lợi ích riêng của họ.” Nhà tư bản có thể chỉ nghĩ tới lợi ích riêng nhưng xã hội thì luôn được lợi bởi sự điều chỉnh của nguyên tắc giá trị.

Nhà tư bản càng sản xuất ra những sản phẩm dịch vụ có giá trị thì anh ta càng có cơ hội bán được nhiều và bán được với giá cao. Trong thị trường hàng hóa dịch vụ, luôn có sự tương quan tỉ lệ thuận giữa giá cả và giá trị một cách tương đối. Càng đẹp, càng xịn, càng sang, càng tốt đương nhiên giá càng cao. Đó là nguyên tắc giá cả.

Thị trường hàng hóa, dịch vụ thì như vậy. Nhưng thị trường tài chính và bất động sản thì không phải lúc nào cũng tuân theo nguyên tắc đó. Hay nói cách khác là trong những thị trường này, mối tương quan giữa giá cả và giá trị nhiều khi trở nên vô nghĩa. Trong nhiều trường hợp, người mua kẻ bán trong những thị trường này tuân theo nguyên tắc kỳ vọng chứ không phải giá trị. Người mua sẵn sàng mua ở những mức giá trên trời hoàn toàn không tương xứng với giá trị thật miễn là họ kỳ vọng sẽ bán được giá cao hơn trong tương lai. Đó chính là đầu cơ.

Trong thị trường hàng hóa dịch vụ, giá càng tăng người mua càng giảm, giá càng hạ càng bán được nhiều. Nhưng với thị trường chứng khoán và bất động sản trong cơn sốt, giá càng cao người ta càng đổ xô đi mua nhiều. Đến khi thị trường hạ nhiệt, giá xuống thấp lại rất ít người mua, nhà đầu cơ chỉ nhanh nhanh bán thốc bán tháo để rút khỏi thị trường

Tóm lại, thị trường tài chính và bất động sản trong nhiều tình huống vận hành ngược với thị trường hàng hóa và dịch vụ thông thường. Nhìn lại các cuộc khủng hoảng của CNTB trong lịch sử, đặc biệt là cuộc khủng hoảng những năm 1930 và cuộc khủng hoảng hiện nay, người ta đều thấy khởi nguồn từ sự nổ tung của “bong bóng” đầu cơ trong thị trường bất động sản và chứng khoán.

Nếu chia nền kinh tế tư bản ra thành hai thành phần rõ rệt là nền kinh tế tư bản sản xuất (hàng hóa và dịch vụ) và nền kinh tế tư bản tài chính (công cụ tài chính phái sinh, chứng khoán, bất động sản) thì có thể thấy: bộ phận thứ nhất tuân theo nguyên tắc giá cả và giá trị nên khá ổn định và bền vững; bộ phận thứ hai luôn biến động trồi sụt bởi trong nhiều trường hợp vận hành theo nguyên tắc kỳ vọng.

Trong một nền kinh tế ngày càng có mối liên hệ dây chuyền chằng chịt, mỗi thành tố đều ảnh hưởng tới các thành tố khác. Bộ phận tài chính “ảo” sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của bộ phận sản xuất “thật”. Ngay từ những năm 1930, khi bộ phận tài chính chưa tinh vi và nền kinh tế cũng chưa có sự liên thông phức tạp như bây giờ, nhà kinh tế học Galbraith đã đưa ra kết luận đó trong cuốn sách Great Crash 1929 (bản tiếng Việt sắp ra mắt với tựa Ác mộng Đại khủng hoảng 1929): “Sự xoay tròn vô nghĩa của thị trường chứng khoán đã tác động đến giá nông sản, giá trị đất đai và sự hồi phục của tiền giấy và tài sản thế chấp. Chính trên thị trường chứng khoán, người ta không chỉ đánh bạc số tiền mình có mà đánh bạc cả sự thịnh vượng của một quốc gia.”

Ngày nay, những công cụ tài chính phái sinh được các nhà tư bản tài chính “phát minh” ngày càng nhiều đã tạo ra chất xúc tác cho cuộc khủng hoảng. Tín dụng lỏng tạo điều kiện cho đầu cơ bất động sản tràn lan thì châm ngòi cho cuộc khủng hoảng ấy. Câu chuyện khủng hoảng vẫn bắt nguồn từ sự lộng hành của nền kinh tế tài chính. Tài chính đã không còn là nơi cung cấp vốn cho sản xuất đơn thuần nữa mà cũng tự “sản xuất” ra những “sản phẩm” để kinh doanh. Những sản phẩm vô giá trị như “rác” cũng được bán với giá của “vàng” cho tới một ngày giấc mộng qua đi thì tất cả bỗng sụp đổ.

Cuộc khủng hoảng được châm ngòi từ nền kinh tế tài chính, mà nền kinh tế đó thường xuyên bất tuân theo quy luật giá trị và giá cả thông thường. Khi nền kinh tế tài chính “hắt hơi” thì nền kinh tế sản xuất cũng “sổ mũi” hay nói theo Galbraith thì “kẻ yếu không chỉ hủy hoại những kẻ yếu khác mà còn làm mối mọt kẻ mạnh”.

Vì thế, nền kinh tế tài chính ‘ảo” mới là tác nhân của khủng hoảng, không phải nền sản xuất ‘thật”. Quy luật kỳ vọng mới tạo ra khủng hoảng chứ không phải quy luật giá trị và giá cả hợp lý của CNTB. Vậy nên, kết tội CNTB cho những đổ vỡ hiện nay là thái quá, quay về với những mô hình nhà nước điều tiết sản xuất kinh doanh càng nguy hiểm. Cái cần điều tiết mạnh hơn là bộ phận kinh tế tài chính chứ không phải toàn bộ nền kinh tế tư bản nơi bộ phận sản xuất hàng hóa và dịch vụ vẫn đóng vai trò chủ lực.

Bộ phận kinh tế tài chính đương nhiên cũng là một phần quan trọng của bức tranh kinh tế tư bản, phần đó có những lỗi lầm mà CNTB chưa giải quyết được. Tuy nhiên, đó là những lỗi lầm của một thành phần chứ không phải toàn thể CNBT, đó là những sai sót không thuộc về bản chất hợp lý là quy luật giá trị - giá cả của CNTB. Nếu Adam Smith có sống lại để thanh minh cho CNTB, có lẽ ông sẽ nói: “CNTB có lỗi nhưng không có tội…”

Khánh Duy

Thế giới đa cực hay đa đối tác?


Viết hơi vội, nếu có thời gian thì tốt hơn nhiều.


"Dù quan hệ trước đây giữa Mỹ và Trung Quốc bị ảnh hưởng của ý tưởng cân bằng quyền lực giữa các nước lớn, thì suy nghĩ mới về thế kỷ 21 sẽ đưa chúng ta từ một thế giới đa cực tới một thế giới đa đối tác". Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố như vậy trong cuộc đối thoại Mỹ Trung về kinh tế và chiến lược đang diễn ra. Nhưng thế giới có đa đối tác được như bà nói hay không?

Lịch sử chính trị thế giới đúng như bà Clinton nói bị chi phối bởi ý tưởng cân bằng quyền lực giữa các nước lớn. Từ thời Hi Lạp cổ đại ở phương Tây, Xuân thu Chiến Quốc ở phương Đông cho tới kỷ nguyên hiện đại, nhiều điều đã đổi thay nhưng bản chất của chính trị thế giới không thay đổi. Mức độ từng giai đoạn có thể khác nhau, nhưung đó vẫn là cuộc đấu tranh quyền lực giữa các nước lớn.

Thế kỷ 20 bị phủ bóng đen bởi 2 cuộc thế chiến đẫm máu, hệ quả của những giằng xé quyền lực giữa các nhóm nước. Chiến tranh lạnh lại là một biểu hiện khác của cuộc xung đột quyền lực, thế giới chuyển từ đa cực trước thế chiến hai thành hai cực trong chiến tranh lạnh. Mỹ và Trung Quốc đã ở vào thế đối cực trên bàn cờ đó.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nhiều người cho rằng thế giới là đơn cực do Mỹ chi phối. Với sự trỗi dậy của Trung Quốc, không ít khẳng định thế giới rồi sẽ lại quay về hai cực Mỹ - Trung. Phần đông kết luận rằng thế giới đang ở đa cực với Mỹ, Trung Quốc, Liên Minh Châu Âu và nhiều nhóm các quốc gia khác đang nổi lên. Dù thế nào, đã nói tới lưỡng cực hay đa cực là nói tới sự cạnh tranh trực tiếp giữa các cực với nhau.

Xét trên lý thuyết, những người cho rằng luôn có sự phân cực cạnh tranh thuộc về trường phái hiện thực. Họ xem thế giới là “vô chính phủ” và luôn tồn tại cuộc chiến giữa các quốc gia vì lợi ích vị kỷ, trong đó các thế lực luôn sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để chèn ép các thế lực khác. Nói như Stalin sau thế chiến 2 thì: “Ai cũng sẽ áp đặt hình mẫu hệ thống của mình ở phạm vi quân đội của mình có thể với tới. Không thể nào khác được.”

Ngược lại, những người ủng hộ một thế giới hợp tác nhiều hơn thuộc trường phái tự do. Họ cho rằng thế giới đang tiến về một giai đoạn mà các quốc gia có xu hướng trở thành đối tác để phát triển kinh tế hơn là đấu tranh quyền lực. Hợp tác sẽ chi phối thế giới thông qua các thể chế quốc tế, thị trường tự do và giá trị dân chủ. Như học giả Francis Fukuyama viết về “điểm tận của lịch sử” sau khi chiến tranh lạnh kết thúc: Lịch sử đã kết thức ở mô hình thị trường tự do, điều đó “đồng nghĩa với tiến trình “Thị trường Chung hoá” ngày càng tăng của các mối quan hệ quốc tế, cũng như sự thu hẹp khả năng xung đột trên diện rộng giữa các nhà nước.”

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton cho thấy phần nào bước chuyển của Mỹ trong chính sách đối ngoại, từ quan điểm hiện thực dưới thời Bush sang quan điểm tự do hơn dưới thời Obama. Nước Mỹ đã nhìn nhận thế giới một cách ôn hòa và hợp tác nhiều hơn sau một giai đoạn “kiêu ngạo” và đôi khi “hiếu chiến” của Bush.

Nhưng, thế giới trong thế kỷ 21 này có “đa đối tác” được như bà Clinton nói không thì lại là một câu chuyện khác. Hãy cùng nhớ lại khoảng thời gian đầu thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tổng thống Mỹ Wilson cũng nhiều lần tuyên bố về viễn cảnh thành lập một Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc sau này) với hi vọng sẽ ngăn chặn được tất cả các cuộc chiến tranh. Trên đường tới hội nghị hòa bình, một số cố vấn đã hỏi tổng thống Wilson rằng liệu ông có nghĩ rằng kế hoạch đó sẽ hoạt động hay không, Wilson đã đáp ngắn gọn như sau: “Nếu nó không hoạt động thì cũng phải làm cho nó hoạt động.”

Wilson đã đem mong muốn chủ quan của mình áp đặt cho trật tự thế giới và kết quả đương nhiên trái với ý ông. Lịch sử thế kỷ 20 sau khi ông phát biểu câu nói ấy đã chứng kiến thêm một cuộc chiến tranh thế giới khủng khiếp nữa và vô vàn các cuộc xung đột khác mà Liên Hợp Quốc chỉ “biết đứng nhìn”.

Trong chính trị, giữa lý tưởng và hiện thực, giữa những điều mong muốn và những điều có thể luôn có một khoảng cách lớn lao. Thế giới “đa đối tác” có thể sẽ chỉ là câu nói cửa miệng của một “nhà ngoại giao” hơn là diễn ngôn mô tả viễn cảnh thế giới hiện thực.

Khánh Duy