Chờ cuốn này mãi mới ra, rút ra được nhiều ý mới sau khi đọc cuốn này
http://www.tuanvietnam.net/vn/nghexemdoc/sachhaynendoc/6925/index.aspx
Có hay không “thần dược” cho tăng trưởng kinh tế?
Trong cuốn “Truy tìm căn nguyên tăng trưởng”, tác giả William Easterly đã tự trao cho mình sự mệnh rà soát lại hành trình đi tìm thần dược tăng trưởng kinh tế của các nhà kinh tế học. Nhiều kết luận hữu ích đã được khai mở từ hành trình đó.
4 năm trước, Việt Nam xôn xao chuyện cơ hội của Thánh Gióng, làm thế nào tập hợp sức mạnh dân tộc để đẩy tốc nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, sớm biến Việt Nam thành cường quốc. Giờ đây, không thấy ai nói tới những chuyện “thần kỳ” như vậy nữa.
Sự thực là sự thần kỳ cũng đã diễn ra ở nhiều quốc gia Đông Á. Những vùng đất xưa là cánh đồng lúa, khu ổ chuột chỉ sau 15, 20 năm phát triển bỗng trở thành những khu cao ốc chọc trời như khu Phố Đông ở Thượng Hải. Tuy nhiên, điều tương tự đã không diễn ra ở đa số các quốc gia đang phát triển ở nhiều châu lục khác.
Việt Nam cũng được liệt vào danh sách các quốc gia có tốc độ tăng trưởng khá cao sau hơn 20 năm đổi mới. Nhưng chất lượng, chiều sâu và độ bền vững của tăng trưởng lại bị nghi ngờ. Sự phát triển dựa vào tăng vốn đầu tư và lao động giản đơn hơn là tăng năng suất nhờ cải tiến công nghệ.
Để tăng trưởng với số lượng và chất lượng tốt hơn, vẫn nghe nhiều quan chức, học giả lên tiếng đại loại như: chúng ta cần sử dụng hiệu quả hơn nữa viện trợ phát triển chính thức ODA, chúng ta phải thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài FDI, chúng ta nhất định phải phát triển nền giáo dục, chúng ta nhất thiết phải coi đầu tư vào khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu…
Rất nhiều “cần”, “phải”, “nhất thiết”, “nhất định”. Rất nhiều “mệnh lệnh” đã được đưa ra nhưng vốn ODA vẫn bị xà xẻo, FDI vẫn chậm giải ngân, giáo dục và công nghệ vẫn chậm được cải thiện. Mệnh lệnh, hô hào, khẩu hiệu càng nhiều thì hiệu quả càng ít, xưa nay vẫn vậy…
Câu chuyện trên không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở rất nhiều quốc gia khác. Các kế hoạch, chính sách, khuyến nghị phát triển… hoặc không được thực thi, hoặc được thực thi thì cũng không mang lại hiệu quả mong muốn trong thực tiễn.
Tại sao lại như vậy? Nhà kinh tế học William Easterly trả lời trong cuốn “Truy tìm căn nguyên tăng trưởng”.
Con người hành động vì động cơ
William là từng là chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB) về viện trợ và phát triển cho các nước thế giới thứ 3. Hơn 15 năm làm việc ở WB, ông có điều kiện khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố vẫn được coi là “thần dược” cho tăng trưởng kinh tế như: viện trợ, đầu tư, giáo dục, giảm dân số, xóa nợ…
Kết quả khảo sát của William Easterly khá bất ngờ: các thần dược trên không hoàn toàn có mối tương quan tỉ lệ thuận với tăng trưởng. Ở rất nhiều quốc gia, các yếu tố trên thì có nhưng tăng trưởng thì không.
William lý giải thực tế trên bằng một nguyên tắc cơ bản trong kinh tế học: Con người ai cũng hành động vì động cơ.
Để cho dễ hiểu, hãy thử hình dung trong một doanh nghiệp nhà nước có một ông giám đốc lo cho việc công thì ít mà tìm cách tư túi thì nhiều. Sử dụng vốn nhà nước và lại ít bị kiểm soát, ông này không có động cơ phải kinh doanh hiệu quả nên sẽ mặc sức lãng phí, tham nhũng. Nhân viên công ty cũng dễ có xu hướng hành động theo kiểu “biến tài nguyên công ty thành tài sản cá nhân”.
Trong tình huống này, nhà nước tiếp tục rót thêm tiền để công ty đầu tư vào máy móc, thiết bị cũng không mang lại hiệu quả vì đơn giản, toàn bộ công ty không có động cơ để kinh doanh hiệu quả. Có tìm cách giáo dục đào tạo nhân viên cũng chẳng ích gì bởi nhân viên không có động cơ phải học để nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu mang phong bì đến nhà sếp dễ được đề bạt hơn có năng lực thật thì không ai cảm thấy được khuyến khích phải phát triển năng lực cả.
Công ty vay ngân hàng quá nhiều tới mức không có khả năng chi trả, nhà nước tìm cách xóa nợ hay cho vay lãi suất thấp để công ty có điều kiện vực lại. Nhưng các giải pháp trên cũng chỉ mang tính tình thế, công ty thiếu động cơ để phát triển lại càng được thể, tiếp tục vay vốn ưu đãi để thực hiện những dự án hiệu quả thấp, thất thoát cao.
Tóm lại, mọi nỗ lực đầu tư, viện trợ, xóa nợ, giáo dục mà nhà nước ưu đãi cho công ty trên đều vô nghĩa. Các thần dược trên không thể thúc đẩy tăng trưởng khi mà bản thân công ty và những người lãnh đạo vô trách nhiệm của nó không có động lực tự nhân phải tăng trưởng.
Điều tương tự cũng diễn ra ở cấp độ quốc gia với một chính phủ vô trách nhiệm, mọi thần dược giúp các nước này phát triển cũng “như muối bỏ bể”. William Easterly lý giải: “Tăng thêm máy móc sẽ trở thành vô ích khi thiếu động lực phát triển. Có thể máy móc sẽ tạo ra những sản phẩm không ai mong muốn hoặc máy móc thì có nhưng những yếu tố sản xuất đầu vào thì lại không” hoặc “nếu không có động cơ đề đầu tư cho tương lai thì việc mở rộng giáo dục chẳng còn mấy giá trị. Cho dù bạn bị buộc phải đến trường thì điều đó cũng không làm thay đổi động cơ để bạn đầu tư vào tương lai. Ở một đất nước mà hoạt động duy nhất đem lại lợi nhuận là vận động hành lang để tìm kiếm ân huệ thì tạo ra những lao động có tay nghề cao không phải là chìa khóa của thành công.”
Một chính phủ không bị kiểm soát và cân bằng bởi các lực lượng khác trong xã hội sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng vô trách nhiệm. Chính phủ đó có thể bóp chết tăng trưởng bằng cách dễ dàng nhất là triệt tiêu, kìm hãm động cơ. William chỉ ra trong cuốn sách nhiều dạng thức qua đó chính phủ trực tiếp hay gián tiếp kìm hãm động cơ của xã hội từ tham nhũng, lạm phát, thâm hụt ngân sách tới duy trì tỉ giá chợ đen cao… Khi đó, các nỗ lực phát triển đều dậm chân tại chỗ.
Có hay không có “thần dược”?
Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986. Đó có thể coi là cuộc giải phóng động cơ lớn lao. Chấp nhận quyền tự do sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh đã khiến cho mỗi cá nhân tìm thấy động cơ làm giàu, động cơ phát triển. Mức tăng trưởng khá cao trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua là kết quả của cuộc giải phóng động cơ đó.
Dù vậy, giải phóng động cơ là cần thiết nhưng chưa đủ. Còn cần làm nhiều hơn thế để biến những khu ổ chuột thành cao ốc. Ngay cả khi không bị kìm hãm bởi chính phủ thì cũng không có gì đảm bảo rằng những người dân ở các quốc gia nghèo có được động lực và khuyến khích cần thiết để vươn lên mạnh mẽ hơn. Họ vẫn có xu hướng quẩn quanh trong vòng tròn tiêu cực của thiếu kỳ vọng, niềm tin và nỗ lực.
Việt Nam cũng đang ở ngưỡng loay hoay tìm một con đường phát triển khác với kiểu tăng trưởng theo chiều rộng như hiện nay. Nhiều học giả đã đề cập tới sự cần thiết của một cuộc đổi mới 2, thay đổi căn bản để quá trình phát triển có được bước ngoặt, chất lượng và bền vững hơn. Nhưng thực hiện điều đó trên tư tưởng nào? William Easterly đã rút ra được một số kết luận có giá trị.
Cuốn sách không đưa ra một công thức hay “thần dược” nào cụ thể, nhưng những người làm chính sách ở Việt Nam có thể tìm thấy nhiều gợi mở và khuyến nghị quan trọng cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Khánh Duy