Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

Kỳ 4: Nhà báo Việt dính đạn cay tại Palestine






Các nhà báo Việt Nam đã dính hơi cay khi tác nghiệp tại một cuộc đụng độ của người Palestine với Israel ở làng Belein sát biên giới vào thứ 6, 20/05.

“Anh cẩn thận đấy nhé, đặc biệt với bom thối, nếu bị dính vào một chút thôi là mấy tuần cũng không hết mùi đâu?” Rebecca dặn dò tôi trên những con đường của làng Belein, con đường mà đoàn biểu tình vẫn đi qua vào mỗi ngày thứ 6.

Vóc người mảnh khảnh, gương mặt xanh xao và gày gò với cặp kính cận trắng, Rebecca có vẻ như một nữ sinh miệt mài với sách vở hơn là một nhà hoạt động xã hội hay đi biểu tình. Khác biệt hẳn với nhóm bạn quần jeans áo phông đen đang cầm biểu ngữ xung quanh kêu gọi tự do cho Palestine, Rebecca yếu ớt trong một bộ đồ vải, lọt thỏm giữa đoàn người lố nhố tiến về biên giới.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là, Rebecca là một người Israel. Cô đi từ bên kia biên giới tới đây biểu tình cùng với những “kẻ thù” của dân tộc mình. Không chỉ mình cô, 20 người Israel khác cũng tham gia cuộc biểu tình của Palestine. Trước đó, họ tụ tập ở trung tâm ngôi làng để nghe một “thủ lĩnh” giảng dạy cách chống hơi cay, bom thối, đạn cao su, bom âm thanh của Israel.

“Đừng sợ hơi cay, cảm giác sẽ cực kỳ khó chịu nhưng bạn cứ để nguyên như thế, chỉ sau 2 phút, mọi cảm giác sẽ tự biến mất. Điều đặc biệt cần chú ý là đừng để những quả đó rơi vào đầu.” “Thủ lĩnh” Ryan, 38 tuổi, giảng viên Toán trường Đại học Hebrew của Israel trình bày rất rõ ràng bằng tiếng Anh.

Tóc vàng buông xoã ngang vai, quần jeans bó sát và áo phông bỏ ngoài, Ryan lãng tử như một ca sỹ nhạc rock. “Thứ sáu tuần nào tôi cũng biểu tình ở đây, đã hai năm rưỡi nay rồi, đều đặn như thế. 1 năm qua có 2 người chết và rất nhiều người bị thương ở đây, nhưng chúng tôi không lùi bước.” Ryan nói.

Khi Ryan, Rebecca và những người bạn Do Thái khác của mình bước ra khỏi căn phòng nơi họ dạy nhau cách chống đàn áp thì những người Palestine cũng chuẩn bị bước ra khỏi nhà thờ Hồi giáo gần đó. Người Israel và người Palestine, họ nhập vào nhau thành một đoàn cỡ hơn 150 người, cùng tiến về phía đường biên giới.

“1 2 3 4
Không chiếm đóng nữa
Tự do cho Palestine”

Đoàn biểu tình bắt đầu hô to khẩu hiệu. Cờ quạt, biểu ngữ bay phấp phới, quang cảnh yên bình của làng Belein chỉ mất phút trước đã tan biến. Nhà báo Như Phong và đạo diễn Trần Quỳnh chạy hẳn lên phía trước để chụp ảnh và quay phim. Đại sứ Palestine Saadi Salama cầm cờ dẫn đầu đoàn biểu tình cùng với những người tổ chức. Ở ngôi làng chỉ cách thành phố Ramallah nửa tiếng đi xe này, người ta biểu tình đều như vắt chanh vào 1h chiều thứ sáu hàng tuần.

“Hôm nay là vắng, làng chỉ có 1750 người dân nhưng có những khi đoàn biểu tình đi chật ngõ, chúng tôi phải đóng hết cửa nhà vì đạn cay của Israel.” Ahmad Samara, nhà cách mạng 63 tuổi có ngôi nhà ngay sát trung tâm làng Belein giải thích.

Nháo nhào trong đoàn biểu tình, tôi thấy đủ loại người: người Israel và người Palestine, người già và người trẻ, phụ nữ và trẻ em, phóng viên mặc áo chống đạn và những người nước ngoài cầm máy ảnh. Có cả những người người khuyết tật phải lê trên chiếc xe đẩy. Không khí như một “lễ hội” và “lễ hội” ấy ngày một xôm tụ và rộn ràng hơn khi đoàn người leo dần lên một ngọn đồi thoai thoải nơi đỉnh điểm của nó là hàng rào ngăn cách hai lãnh thổ Israel và Palestine.

Tôi đi ngay sát cạnh để trò chuyện với Rebecca, cô nói năm sau mình mới vào Đại học. Rất nhiều những gương mặt Israel và Palestine khác xung quanh đều xấp xỉ tuổi cô. Kinh ngạc hơn, có cả những đứa bé Palestine chỉ lên chín lên mười, đầu quấn kín bằng tấm khăn choàng đen trắng, chỉ để hở mỗi đôi mắt như thường thấy ở những phim Ninja hay khủng bố.

“Em vào lãnh thổ Palestine từ Israel có khó không?” Tôi hỏi Rebecca.
“Không, với người Israel thì rất dễ.”
“Tuần nào em cũng tới đây biểu tình à?”
“Không hẳn, nhưng em cố gắng đi đầy đủ, cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi.”

Khi tôi còn chưa kịp hỏi lý do tại sao Rebecca, cô gái có gương mặt già trước tuổi ấy lại ham biểu tình chống lại nước mình thì đã nghe những tiếng hò hét ở đầu đoàn. Những người dẫn đầu đã đi tới sát đỉnh đồi, cách hàng rào sắt ngăn cách khoảng hơn chục mét. Phía bên kia, một số lính Israel lăm lăm súng ống đứng cạnh một chiếc xe tải “khủng”. Nhà báo Như Phong vẫn dẫn đầu đoàn và hướng máy ảnh thẳng về Israel.

“Tự do cho Palestine!”

Những người dẫn đầu cầm mic bắt đầu la hét. Trong khoảnh khắc, một quầng nước trắng hất thẳng từ chiếc xe tải, thành một vòi rồng cao vút về phía đám biểu tình. Những người dẫn đầu táo tác chạy lùi hẳn xuống dưới và dạt sang hai bên. Không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi vừa chạy ngược về phía sau thì đụng ngay phải hai thanh niên Palestine vẫn đang đi ngược lên.

“Từ đâu tới thế?”
“Việt Nam”
“Việt Nam thì không được chạy, Việt Nam là một dân tộc dũng cảm. Israel bắn nưới thối đó. Không có vấn đề gì, hãy tiếp tục tiến lên với chúng tôi.”

Hai thanh niên Palestine kéo tôi tiếp tục tiến lên phía trước, một vài trong số họ bắt đầu nhặt đá và ném thẳng về phía lính Israel bên kia biên giới. Ngay tức khắc, những tiếng nổ vang lên và những làn khói hình cầu vồng bay thẳng về phía đoàn biểu tình. Khói bay mù mịt ở trên, cả đoàn biểu tình nháo nhác chạy ngược về phía sau như bày ong vỡ tổ. Tôi vẫn chưa kịp hiểu người Israel đã dùng loại vũ khí gì thì thấy nhà báo Như Phong tất tả chạy xuống, mắt nhắm tịt, mặt mũi đỏ au au và nhễ nhại nước:

“Rát quá! Rát quá! Dính đạn cay rồi!”

Những tiếng nổ lớn và những quả đạn cay vẫn được bắn liên tục về phía nhóm biểu tình. Chỉ còn những kẻ kiên gan nhất vẫn tiếp tục tiến lên sát đỉnh đồi. Phần còn lại lùi rải rác ở khoảng lưng chừng, nhưng không thấy ai bỏ về. Những thanh niên Palestine trùm khăn kín mặt để tránh hơi cay, vấn ném đá liên tục qua hàng rào, bằng tay hoặc bằng một loại dây cao su đàn hồi để đường đá bay được xa.

Một loạt đạn cay nữa được bắn sang và khói bụi lại mù mịt trên khắp ngọn đồi. Tôi thấy một cảm giác bỏng rát ở mắt và mặt dù đang đứng ở lưng chừng. Cả nhóm nhà báo đều chịu chung một cảm giác tương tự, bầu không khí của nửa trên quả đồi thưa thớt ôliu ấy đã ngập ngụa trong hơi cay.

Chúng tôi bịt mũi chạy ngược về phía sau để tránh làn cay, nước mắt chảy giàn giụa. Đại sứ Saadi Salama đã nôn thốc nôn tháo ngay tại gốc cây ôliu ven đường do hít phải hơi cay vào bụng. Nhà báo Như Phong bị nặng nhất bởi hít phải làn khói của một quả đạn cay nổ ngay trước mặt.

Tôi nghe thấy những tiếng nổ với những âm thanh khác. Có thể lính Israel đã dùng đạn cao su. “Người Israel có thể dùng đạn cao su hoặc đạn thật nếu cần. Đạn cao su bên trong có lõi sắt. Còn có những loại đạn đặc biệt, bám vào da là hút máu.” Tôi nhớ lại lời Ryan.

Thứ sáu tuần trước, một thanh niên Palestine 17 tuổi đã chết bởi đạn cao su. Cảm thấy không còn an toàn được nữa, cả nhóm nhà báo chạy lùi tiếp về phía chân đồi. Xung quanh, nhiều người biểu tình nấp sau gốc cây ôliu hoặc chạy vào những chiếc xe ô tô đỗ quanh đó. Một chiếc xe cứu thương réo còi ụ đi lên, nhà báo Như Phong phải hít bông của bác sỹ mới đỡ cảm giác khó chịu.

Từ chân đồi, tôi ngước nhìn lên phía trên, gần trăm người Palestine và cả Israel vẫn không lùi bước, họ chỉ tản mát ra khắp nơi chứ không còn tụ lại như trước nữa. Những thanh niên quá khích nhất vẫn tiến về phía hàng rào để ném đá. Từ bên kia, những làn khói trắng vẫn bắn phụt sang.

Tôi không thấy Rebecca đâu cả, cô không có ở chân đồi. Có lẽ cô gái bé nhỏ ấy vẫn đứng đâu đó ở giữa quả đồi kia, ngay phía sau những thanh niên Palestine đang ném đá về phía đồng bào của cô, “cứ thứ sáu nào cũng thế, đã hơn một năm nay rồi....”

* Tên nhân vật Rebecca và Rian đã được thay đổi

Khánh Duy (từ Ramallah, Bờ Tây, Palestine)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét