Có bạn đang cần đọc bài này nên tôi post lại trên Blog. Bài này đã đăng ở trang mạng talawas.
http://www.phamthihoai.org/talawas/talaDB/showFile.php?res=9266&rb=0402
Lê Khánh Duy
Cuộc xung đột 3 lớp ở Trung Đông
Lời dẫn: Cuộc xung đột không kết thúc. Đó là cách người ta thường nói về cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine trên dải đất nhỏ bé nằm ở vị trí quan trọng bậc nhất, điểm nối giữa 3 châu lục: Châu Á, Châu Phi và Châu Âu. Trực tiếp đặt chân đến nhiều địa điểm lịch sử trên miền đất nóng bỏng này, đồng thời trò chuyện với nhiều chính khách, học giả và người dân nơi đây, tôi đã có được một góc nhìn tổng quát và sâu sắc hơn vào lòng cuộc khủng hoảng nhiều lớp ở Trung Đông.
Thông tin về xung đột Trung Đông lúc nào cũng tràn ngập trên truyền hình và các mặt báo khắp thế giới. Đại sứ Israel tại Việt Nam đã nói vui với chúng tôi trước khi sang Trung Đông rằng: “Israel là quốc gia xuất khẩu tin tức chính trị lớn nhất trên thế giới.” Sự thực đúng là như vậy, không thể đếm hết những bài đưa tin và phân tích về cuộc khủng hoảng dai dẳng này. Nếu nhìn xa vào lịch sử thì có lẽ cuộc xung đột ấy đã kéo dài cả trăm năm rồi, từ khi những dòng người Do Thái trở về vùng đất tổ tiên của họ vào cuối thế kỷ 19 và vấp phải sự chống đối của những người Arập đang sống ở đó. Nhìn gần lại một chút thì cuộc xung đột được tính từ thời điểm năm 1947, khi Liên Hợp Quốc quyết định chia mảnh đất Palestine thành 2 phần: một cho nhà nước Do Thái và một cho nhà nước Ả Rập.
Mọi cuộc xung đột rồi cũng đi đến chấm dứt nếu tìm được một giải pháp. Nhưng tại sao máu của những người Do Thái và những người Arập đã đổ cả trăm năm rồi mà người ta vẫn không tìm thấy một giải pháp toàn vẹn? Đặt chân tới Trung Đông và có nhiều cuộc trao đổi với những người trong cuộc, tôi đã tìm thấy phần nào câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi nhận ra rằng cuộc xung đột hiện nay không chỉ là một cuộc xung đột mà là nhiều cuộc xung đột hoà trộn với nhau, không phải chỉ là một bi kịch mà là nhiều bi kịch chồng lớp lên nhau...
Trong bài viết này, tôi sẽ thử cắt lớp cuộc khủng hoảng Trung Đông thành 3 phần rõ ràng để tiện phân tích.
I: Tôn giáo – Dư âm vang vọng từ quá khứ
II: Lãnh thổ - Lời giải dở dang của hiện tại
III: Niềm tin – Hi vọng mong manh cho tương lai
Bài viết hoàn toàn dựa trên những suy nghĩ, cảm xúc và nhận định của một cá nhân trên những nẻo đường Trung Đông, không phải là bài đưa tin về sự kiện hay phân tích những diễn biến mới nhất của cuộc khủng hoảng. Bài viết cố gắng nhìn nhận cuộc khủng hoảng ấy trên bình diện tổng quát và theo những chiều kích mới. Tôi cố đặt mình vào địa vị của những người Do Thái và những người Arập để thấu hiểu cách hành xử của họ, để thấy được những khó khăn của họ trong việc tìm kiếm chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa hoà bình. Chỉ khi nhìn nhận cuộc xung đột dưới góc nhìn nhân bản mới thấy hết được những thách thức hết sức nan giải, nhưng đồng thời cũng thấy được những cơ hội, những hi vọng cho tương lai của một Trung Đông bình ổn và thịnh vượng.
1. Tôn giáo – Dư âm vang vọng từ quá khứ
Đã biết đến Jerusalem và những tranh chấp hơn 2000 năm liên quan đến vùng đất thánh này qua những trang sách, nhưng khi bước chân vào thành cổ Jerusalem, tôi vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Mỗi người khi bước đến đây đều cảm thấy như đang trôi trong những giấc mơ. Jerusalem là thành phố của những hoài niệm, nơi mỗi viên đá trên mỗi con đường hay mỗi bức tường, đều như gợi nhắc về lịch sử hình thành cũng như xung đột của 3 tôn giáo lớn trên thế giới: Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo.
Nghịch lý Jerusalem
Thành cổ Jerusalem chia làm 4 khu chính: Khu của người Hồi giáo, Khu của người Cơ Đốc giáo, Khu người Do Thái và Khu người Armenia. Khu của người Do Thái là nơi có Bức tường Than Khóc nổi tiếng, phần còn sót lại của ngôi đền thiêng của đạo Do Thái đã bị đế chế La Mã phá huỷ vào năm 70 sau Công nguyên. Khu của người Cơ Đốc là nơi Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập tự giá và phục sinh. Khu của người Hồi giáo còn đó nhà thờ Al – Aqsa chứa Vòm đá, nơi theo truyền thuyết thì nhà tiên tri Muhammad đã giẫm vào để bay lên trời nhận những lời khải huyền của Thượng đế.
Rõ ràng, mảnh đất thánh thiêng này là nơi khai sinh ra Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo, cũng là mảnh đất rất quan trọng với người Hồi giáo chỉ sau Mecca và Medina. Toàn bộ thành phố nhỏ bé mà có tới 1072 nhà nguyện Do Thái, 59 nhà thờ Hồi giáo, 65 Thánh đường và 72 Tu viện. Không một tín đồ tôn giáo nào muốn thấy mảnh đất ấy nằm trong quyền kiểm soát của một tôn giáo khác. Máu đã đổ vì những cuộc tranh chấp tôn giáo ở đây quá nhiều. Lịch sử kể lại rằng toàn bộ Jerusalem đã ngập tràn trong máu khi quân Thập tự chinh Thiên chúa giáo tràn vào tàn sát thảm khốc hàng chục ngàn người Hồi giáo vào năm 1099. Phải chăng vì thế mà các nhà hiền triết Do Thái luôn nói rằng: “Thiên hạ có mười phần đẹp thì Jerusalem vinh dự có được chín, mười phần khổ đau thì Jerusalem chịu chín, mười phần thông thái thì Jerusalem giành lấy chín và mười phần ác độc thì Jerusalem vô phúc có đến chín.”
Lịch sử ngàn năm đã thế và cho đến bây giờ vẫn thế. Tôi bước đến Bức Tường Than Khóc của người Do Thái và nghe thấy râm ran những lời cầu nguyện từ hàng trăm tín đồ đạo Do Thái đứng đọc Kinh Thánh trước bức tường khổng lồ ấy. Tôi bước vào Khu mộ Chúa Jesus và bàng hoàng khi nghe những bài thánh ca trầm bổng và thanh thoát đến lạ kỳ. Tôi nhìn thấy nỗi buồn và cả những giọt nước mắt của những tín đồ Cơ Đốc khi trở ra từ khu Mộ Chúa, và tôi cũng đã nhìn thấy vẻ thành tâm của những người Do Thái khi úp đầu vào bức tường thánh thiêng kia để nguyện cầu. Người ta nói rằng ở đây có một đường dây nóng nối trực tiếp tới thiên đàng để mỗi lời nguyện cầu của các con chiên đều có thể đến được tai Chúa. Và có lẽ không một tín đồ nào thuộc bất kỳ tôn giáo nào lại không nguyện cầu cho một cuộc sống hoà bình và hạnh phúc. Nhưng nghịch lý thay, nơi luôn râm ran những lời khấn nguyện ấy lại chính là nơi không ngày nào không râm ran tiếng súng...
Đó chính là nghịch lý của Jerusalem, thành phố mà không ít người nói rằng luôn treo giữa trời và đất, giữa thiên đường và hoả ngục, giữa những giấc mơ và những cơn ác mộng. Từ núi Olive hay từ đỉnh của toà nhà YMCA, tôi nhìn toàn cảnh Jerusalem cổ kính với một màu vàng dịu nhẹ dưới ánh nắng mặt trời. 4 khu trong thành cổ hiện lên từ xa rất rõ ràng và tôi hiểu tại sao Jerusalem luôn là một vấn đề lớn trong bất kỳ cuộc đàm phán hoà bình nào ở Trung Đông. Tôi hiểu tại sao Liên Hợp Quốc lại phải quyết định đặt Jerusalem dưới quyền kiểm soát quốc tế khi phân chia lãnh thổ Palestine thành 2 nhà nước năm 1947. Tôi hiểu tại sao đã có những thời điểm gần như có thể đạt được một hiệp định hoà bình mà hai bên đều đã không nhân nhượng về vấn đề phân chia chủ quyền của miền đất thánh thiêng này, bởi miền đất ấy xác quyết những giá trị của cả những người Do Thái giáo và những người Hồi giáo.
Ý người hay ý Chúa?
Cuộc xung đột tôn giáo ở Trung Đông không chỉ là chuyện chủ quyền của vùng đất thiêng Jerusalem. Trong cuộc xung đột này, tôn giáo còn được viện ra để biện minh cho những động thái của hiện tại. Người Israel khẳng định rõ ràng rằng toàn lãnh thổ Israel ngày nay chính là vùng Đất Hứa mà Chúa đã hứa dành cho dân tộc họ qua những lời khải huyền với Abraham, ông tổ của người dân Do Thái. Nhà tiên tri Moses, người anh hùng đã cứu dân tộc Do Thái khỏi bị diệt chủng ở Ai Cập, cũng đã nhận được những lời dạy của Chúa, phải đưa dân tộc quay về miền Đất Hứa năm xưa. Tất cả những điều đó đã được ghi trong Kinh Thánh thiêng liêng của người Do Thái và không một thế lực nào có thể cản được ý Chúa. Cũng nhờ niềm tin như thế mà sau ngót hai nghìn năm lang thang khắp thế giới, người Do Thái vẫn không bị đồng hoá và sẵn sàng quay về mảnh đất thánh thiêng mà họ luôn chắc chắn rằng Chúa đã dành cho họ.
Còn đối với những người Hồi giáo, việc chấp nhận những người Do Thái trên mảnh đất này cũng thật khó khăn. Giám đốc chương trình nghiên cứu truyền thông Palestine của Israel Itamar Marcus trong một bài thuyết trình đã đưa ra một dẫn chứng làm tôi hơi bất ngờ. Ông nói rằng trong sách thánh Hadidth của người Hồi giáo có ghi rõ: “Thời điểm phục sinh sẽ không đến chừng nào những người Hồi giáo sẽ chiến đấu chống lại người Do Thái và giết chết họ.” Còn rất nhiều những dẫn chứng kiểu như vậy và ông Marcus khẳng định rằng người Hồi giáo coi người Do Thái không chỉ là kẻ thù đơn thuần mà còn là kẻ thù của Chúa. Điều đó biện minh cho những hành động đánh bom tự sát theo kiểu tử vì đạo của biết bao thanh niên Hồi giáo trẻ tuổi, họ sẵn sàng chết không chỉ vì quốc gia Palestine mà cao cả hơn thế, vì Chúa. Tôi không đồng ý hoàn toàn với quan điểm của ông Marcus khi cho rằng toàn bộ người Hồi giáo luôn có quan điểm coi Do Thái là kẻ thù của Chúa. Nhưng tôi cũng không thể phủ nhận rằng ít nhất thì một bộ phận cực đoan tôn giáo đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng này, và chính lực lượng đó đã “tôn giáo hoá” cuộc khủng hoảng, khiến cho nó trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Israel đã viện dẫn Kinh Thánh để khẳng định quyền trở về và thống trị miền đất Hứa của tổ tiên họ. Một bộ phận người Hồi giáo viện dẫn sách thánh để phủ nhận sự tồn tại của dân tộc Do Thái. Không biết đó thực sự là ý Chúa hay chỉ là ý của con người. Nhưng sự thật là những dư âm tôn giáo từ ngàn năm về trước vẫn còn những vang vọng và ảnh hưởng lớn đến hiện tại. Ánh sáng của một Chúa duy nhất khúc xạ qua lăng kính tâm trí con người để trở thành các tôn giáo khác nhau. Và những luồng sáng khác nhau ấy lại tiếp tục được khúc xạ qua những lăng kính mới để làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng chưa hồi kết trên miền đất Thánh.
2. Lãnh thổ - Lời giải dở dang của hiện tại
Những cái tên như Khu Bờ Tây, Dải Gaza đã trở nên quá quen thuộc đối với bất kỳ ai kể cả những người không mấy quan tâm đến thời sự quốc tế. Hình thành một nhà nước Palestine độc lập trong hai vùng lãnh thổ ấy chưa bao giờ thực sự trở thành hiện thực. Những bước đi đầy kịch tính của lịch sử đã để lại một bài toán lãnh thổ vô cùng nan giải cho cả hai phía Israel và Palestine.
Từ trứng tráng thành trứng?
Xe đưa chúng tôi từ Jerusalem đến Biển Chết, con đường xuyên qua khu Bờ Tây. Con đường này nằm hoàn toàn trong quyền kiểm soát của người Israel. Phóng tầm mắt ra xa một chút, tôi nhìn thấy những khu định cư của người Do Thái với những ngôi nhà màu vàng rất đặc trưng. Thi thoảng, ở một vài điểm thích hợp, tôi có thể nhìn thấy khu của người Palestine. Chúng tôi đi trực thăng trên bầu trời khu Bờ Tây, từ trên cao nhìn xuống mới thấy vùng lãnh thổ này đan xen phức tạp như thế nào. Bờ Tây và vùng lãnh thổ thuộc Israel được ngăn cách bằng những hàng rào an ninh do chính phủ Israel dựng lên để ngăn chặn những kẻ đánh bom tự sát xâm nhập. Trong địa phận Bờ Tây, tôi cũng có thể nhìn thấy rất rõ những khu của người Palestine và cả những khu định cư Do Thái nằm tách biệt nhau, ở giữa có những con đuờng do người Israel xây dựng để kiểm soát khu vực này. Nếu nhìn vào một bản đồ địa chính trị, bất kỳ ai cũng có thể nhận ra ngay rằng những khu định cư Do Thái và những khu của người Arập nằm xen kẽ với nhau như tổ ong trên dải đất khô cằn mà người ta thường gọi là Bờ Tây ấy.
Xe đưa chúng tôi đến cả biên giới giữa Israel và dải Gaza. Người Do Thái đã rút hết toàn bộ các khu định cư với 7000 dân khỏi dải đất này từ năm 2005. Nhìn từ lãnh thổ Israel, dải đất Gaza hiện lên thật bình yên, nhưng từ đó, mỗi ngày, những tên lửa loại nhỏ của cả Hamas, Fatal và Jihad vẫn bắn đều đặn sang thị trấn nhỏ Sedrot miền Nam Israel. Tiến sỹ Ely Karmon thuộc Viện chống khủng bố Israel nói về một khả năng làm tôi hơi giật mình: Israel có thể xem xét việc tái chiếm Gaza nếu vẫn bị đe doạ từ khu vực này. Nếu khả năng đó xảy ra thì diễn biến của cuộc xung đột sẽ ngày càng trở nên phức tạp.
Tận mắt chứng kiến địa hình khu Bờ Tây và những quả tên lửa bắn sang từ Gaza, tôi càng hiểu tại sao bài toán lãnh thổ cho cả hai phía Israel và Palestine lại khó giải quyết đến như vậy. Nếu tư duy một cách đơn giản thì bất kỳ ai cũng có thể nói rằng, Israel đã chiếm đóng Bờ Tây và Gaza trong cuộc chiến sáu ngày năm 1967, vậy họ hãy rút toàn bộ các khu định cư, các trạm kiểm soát ra khỏi Bờ Tây như họ đã làm với Gaza. Thậm chí, có thể đặt vấn đề một cách kiên quyết hơn, Israel phải trả lại toàn bộ cả những vùng lãnh thổ chiếm được trên đất Israel ngày nay để đường biên giới giữa hai nhà nước đúng như đường biên giới mà Liên Hợp quốc đã định vào năm 1947.
Nhưng giữa thực tiễn trên địa hình với lý tưởng trên bàn giấy luôn là những khoảng cách, và việc đưa ra lời giải cho bài toán cộng sinh giữa 2 quốc gia Israel và Palestine ở 2 vùng lãnh thổ độc lập không hề đơn giản. Tôi nhớ những giọt nước mắt, những sự chống đối của 7000 dân Do Thái khi bị buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ ở những khu định cư trên dải Gaza theo hoà ước Oslo năm 1993. Tất nhiên, những người dân ấy tiếc mảnh đất mà họ đang làm ăn và sinh sống, tiếc công sức bao năm xây dựng để rồi một ngày phải từ bỏ. Tất cả chúng ta đều tiếc nếu lâm vào hoàn cảnh của họ. Cần lưu ý là số người Do Thái ở Bờ Tây lớn hơn rất nhiều so với Gaza, tổng cộng có 200 nghìn người đang sống rải rác trong các khu định cư thuộc Bờ Tây. Cái giá mà họ phải trả, sự tiếc nuối mà họ và cả chính phủ Israel nữa phải chấp nhận sẽ lớn hơn rất nhiều. Đó là một phần lý do giải thích tại sao chính phủ Israel lại rất khó nhân nhượng trong việc rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây. Cựu thủ tướng Israel Shimon Peres dùng một ẩn dụ rất hay để mô tả thực tế này: “Bạn có thể biến món trứng thành trứng tráng, nhưng quả là rất khó để biến món trứng tráng thành trứng. Những gì chúng ta đang cố làm là để biến món trứng tráng thành trứng.”
Địa hình Bờ Tây cũng thực sự hổ lốn như một món trứng tráng vậy, và bây giờ để biến món trứng tráng ấy thành trứng cần có một nỗ lực rất lớn từ cả hai phía đặc biệt là Israel. Theo tôi, điều đó có thể thực hiện được. Nhưng vấn đề nan giải lại nằm ở một điểm khác, bởi còn có một lý do khác nữa khiến cho việc Israel rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây là vô cùng khó khăn.
Thế lưỡng nan về an ninh của “kẻ đi bóp cổ”
Ngày chúng tôi đến dải Gaza, có 3 quả tên lửa được bắn vào lãnh thổ Israel từ đó, ngày hôm trước có 7 quả. Người dẫn đoàn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về lịch sử xung đột cũng như việc rút các khu định cư Do Thái khỏi Gaza. Nhưng có một tình tiết này anh kể làm cho tôi khá bất ngờ: rằng kể từ sau khi Israel rút hết khỏi Gaza thì những đợt tấn công từ khu vực này lại tăng lên chứ không hề suy giảm. Tôi không có số liệu để kiểm chứng thông tin trên nhưng điều có thể khẳng định thì rõ rằng, Israel đứng trước một thế lưỡng nan về mặt an ninh khá rõ rệt. Họ không rút hết khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng thì chắc chắn họ sẽ còn là mục tiêu của các cuộc tấn công, nhưng họ rút hết thì ai đã dám chắc rằng họ sẽ có hoà bình?
Ngay cả một sử gia Palestine cũng phải thừa nhận tình trạng đó: “Israel đang nắm họng chúng tôi và làm chúng tôi nghẹt thở. Nhưng thật tệ hại, nó không thể buông ra.” Nghịch lý chính là ở chỗ đó, Israel chẳng khác nào một “người đi bóp cổ” người khác, nhưng nhưng vấn đề là “kẻ đi bóp cổ” ấy lại không dám buông ra vì họ sợ rằng “kẻ bị bóp cổ” sẽ vùng lên ngay sau đó. Rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây đồng nghĩa với việc một nhà nước Palestine mạnh sẽ ở sát bên hông họ, biên giới phía Đông với các nước Arập yếu đi. Không lấy gì đảm bảo rằng phe Hamas hay Jihad sẽ không lấy đó làm nền tảng để tiếp tục những cuộc tấn công khủng bố vào lãnh thổ Do Thái, bởi đối với Hamas hay Jihad thì toàn bộ vùng lãnh thổ Israel hiện nay đều thuộc về họ.
Tôi không hề có ý định bênh vực nhà nước Do Thái. Tôi không đồng ý với nhiều cách ứng xử của họ từ sau cuộc chiến 1967 cho đến cuộc chiến gần đây với Li Băng. Đôi khi người Israel đã cực đoan, ứng xử cứng nhắc, mang nhiều tính chất vũ lực và cưỡng bức đối với người Palestine. Nhưng gác lại những gì thuộc về quá khứ thì tôi hiểu tình thế lưỡng nan hiện nay của họ. Tôi rất bất ngờ khi ngay cả một người phục vụ khuân đồ đạc cho tôi ở sân bay Israel cũng nói với tôi câu này: “Các anh là nhà báo đến đất nước chúng tôi, các anh hãy cố hiểu những gì chúng tôi nên làm và những gì chúng tôi buộc phải làm.”
Tất cả những người ủng hộ hoà bình Trung Đông có lẽ đều hiểu rằng giải pháp đẹp nhất là Israel nên rút hoàn toàn khỏi Bờ Tây như họ đã làm với Gaza. Hai quốc gia tồn tại độc lập trong hai vùng lãnh thổ riêng biệt độc lập với nhau và như thế, bài toán cộng sinh giữa người Do Thái và người Arập có thể được giải. Tương lai nằm chính trong quá khứ, ít nhất là ở thời điểm trước cuộc chiến năm 1967. Tôi hoàn toàn ủng hộ một giải pháp lý tưởng như thế và Israel rõ ràng là nên làm như thế. Nhưng trong chính trị thì chưa bao giờ cái nên làm cũng là cái có thể làm và lời giải cho bài toán lãnh thổ riêng biệt giữa Israel và Palestine sẽ vẫn còn dang dở chờ tương lai giải quyết.
3. Niềm tin – Hi vọng mong manh cho tương lai
Bản chất cuộc xung đột hiện nay giữa người Israel và người Palestine thực chất là gì? Xung đột tôn giáo, xung đột lãnh thổ hay xung đột quốc tế giữa các quốc gia trong khu vực và các nước lớn khác? Có lẽ tất cả đều đúng, cuộc khủng hoảng hiện nay là sự hoà trộn của các yếu tố ấy. Nhưng khi đến Trung Đông tôi chợt nhận ra rằng, đằng sau đó còn có một cuộc xung đột khác khiến cho vấn đề trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Đó là cuộc khủng hoảng của niềm tin.
Nạn nhân của nạn nhân
Nhìn vào lịch sử của cả hai dân tộc Israel và Pelestine trong thế kỷ 20 này, người ta thấy một sự trùng hợp kỳ lạ. Người Do Thái là nạn nhân của Đức Quốc Xã, ai cũng biết rằng họ đã bị ngược đãi, bị làm nhục, bị sát hạt khủng khiếp thế nào trong suốt thời kỳ trước và trong Thế chiến 2. Không chỉ phát xít ngược đãi họ ở Đức, mà nhiều nước Châu Âu khác cũng kỳ thị với dân tộc Do Thái. Bước vào Bảo tàng tưởng niệm các nạn nhân của thảm hoạ diệt chủng Holocaust mới thấy hết cái khủng khiếp mà người Do Thái đã phải hứng chịu. Hơn 6 triệu người trong đó có 1,5 triệu là trẻ em đã chết bằng đủ mọi cách trong các trại tập trung, trong các lò thiêu, giữa những đường hào chôn người tập thể, trên những chuyến tàu hay trên những hành trình man rợ.
2000 ngàn năm không có tổ quốc và bị bạc đãi đã nung nấu quyết tâm của người Do Thái quay về với mảnh đất tổ tiên của họ. Và Liên Hợp Quốc cũng đã đưa ra một quyết định cá nhân tôi nghĩ rằng hợp lý khi cho dân tộc ấy một tổ quốc. Nhưng trớ trêu là ở chỗ, tổ quốc ấy lại nằm trên mảnh đất Palestine mà xung quanh là một vành đai Arập. Đó thực sự là một cuộc hôn nhân gượng ép. Sự trở về quê hương lập quốc của người Do Thái đã dẫn đến sự tha hương của những người Palestine đang sống trên mảnh đất này sau cuộc chiến năm 1948. 1 triệu người Palestine đã phải rời bỏ mảnh đất này ra đi, tới những nước láng giềng xung quanh, sống tạm bợ trong những túp lều rách nát, trong những trại tập trung nghèo khó. Sau cuộc chiến sáu ngày năm 1967, những người Palestine trong Khu Bờ Tây và Dải Gaza tiếp tục bị dồn ép, sống trong sự kìm kẹp của binh lính Israel. Ai có thể kể hết những nỗi khổ mà người Palestine đã phải chịu đựng? Thế cho nên không quá khó để lý giải phong trào quốc gia Palestine. Họ cũng như người Do Thái ngày trước, mất quê hương, bị chèn ép và tất nhiên phải vùng lên.
Israel là nạn nhân của Đức Quốc Xã và xét trên phương diện nào đó, Palestine lại là nạn nhân của nạn nhân kia. Điều quan trọng là rất nhiều người trong số họ không chịu thừa nhận nỗi đau của nhau. Tôi đã hỏi thẳng thắn một số nhà ngoại giao Israel rằng: “Sự phục quốc của người Do Thái đã dẫn đến sự mất tổ quốc của người Palestine, 1 triệu người Palestine tha hương kia liệu có phải là nạn nhân của chính người Israel?” Tôi nhận được những câu trả lời đại loại như: “Thực chất thì anh đừng quên rằng người Palestine chưa từng có tổ quốc, họ là người Arập sống trên vùng đất Palestine này mà thôi. Họ không có tổ quốc nên không có chuyện họ mất tổ quốc. Ngay sau cuộc chiến 1948 thì chính các quốc gia Arập như Ai Cập và Jordan cũng chiếm Gaza và Bờ Tây mà không trả nó cho một quốc gia Palestine nào cả. Quốc gia Palestine là một khái niệm mới chứ không phải đã có một quốc gia như vậy khi chúng tôi đến mảnh đất này.” Tôi không thể đồng ý với cách trả lời như vậy. Palestine có thể không có tổ quốc nhưng vẫn có quê hương, những Tel Aviv, Jaffa hiện nay của Israel chính là quê hương ngày xưa của họ. Không thể cứ bỏ qua một cách dửng dưng số phận của những người Palestine tha hương ấy.
Trong một bữa ăn tối thân mật với giáo sư sử học Trung Đông của trường Đại học Hebrew ở Jerusalem Amnon Cohen, tôi đã đem câu hỏi ấy trao đổi với ông. Ông cười nhìn tôi và hóm hỉnh nói rằng: “Không phải chỉ 1 triệu người Palestine phải tha hương đâu, 3 triệu đấy chứ.” Tôi hơi giật mình vì chẳng nhẽ mình lại nhớ nhầm. Vị giáo sư Do Thái uyên bác ấy cười nói tiếp: “Thật ra 1 triệu là ở thời điểm năm 1948, còn bây giờ, họ đã sinh con đẻ cái và con số ấy giờ đã lên khoảng 3 triệu rồi. Anh đã hỏi một câu rất hay và đó cũng chính là vấn đề mà chúng tôi phải thừa nhận, không thể chối cãi. Sự thực là như vậy. Nhưng hãy đặt mình vào địa vị Israel để hiểu thì anh sẽ thấy, bây giờ không lẽ để cho ngần ấy người trở về lại mảnh đất này và sống chung với người Do Thái chúng tôi. Sẽ đưa bao nhiều người về, 1 triệu, 2 triệu hay 3 triệu. Chỗ đâu cho họ trên mảnh đất này và tình hình an ninh rồi sẽ ra sao khi sống như vậy. Anh hãy cố hiểu thực tế đó.” Tôi thừa nhận là giáo sư Cohen có lý của ông, nỗi khổ của người Palestine có lỗi lớn của người Do Thái và không thể phủ nhận điều đó. Nhưng trong tình huống này thì người ta chỉ có thể giải quyết hiện tại bằng cách phác thảo một giải pháp cho tương lai chứ không phải bằng cách vẽ lại như những gì đã từng có trong quá khứ.
Vòng xoáy của khủng hoảng niềm tin
Lịch sử đã để lại những vết thương khó liền sẹo trên mảnh đất Trung Đông. Người Palestine uất hận vì mất quê hương đã đứng lên đòi phục quốc bằng nhiều cách trong đó có cả những cuộc tấn công khủng bố, và người Israel chống trả lại bằng những biện pháp cũng mang đầy tính chất vũ lực. Gần 60 năm bạo lực như thế đã trôi qua nếu chỉ tính từ thời điểm 1947. Khoảng thời gian đổ máu quá dài ấy đã gần như không còn làm cho cả hai dân tộc tin vào nhau được nữa. Trong mắt đa số người Palestine thì Israel là một đoàn quân Thập tự chinh mới. Còn đối với rất nhiều người Do Thái thì trong suốt một thời gian dài trước đây, quan niệm sống chung hoà bình với người Arập chỉ là một ảo vọng hoang đường. Niềm tin gần như đã tan vỡ sau 6 thập kỷ xung đột, người Israel không có hoà bình và người Palestine không có tổ quốc.
Tất nhiên, ở cả hai phía Israel và Palestine, không phải không có những lực lượng muốn thoả hiệp và nhân nhượng để khôi phục lại niềm tin giữa hai dân tộc. Không ít những chính khách và người dân bình thường có thiện ý muốn có được một giải pháp cộng sinh trong hoà bình giữa người Do Thái và người Arập. Nhưng điều đáng tiếc là không phải bất kỳ người Israel hay người Palestine nào cũng nghĩ đến nhân nhượng và thoả hiệp. Chính trường Palestine bị phân hoá giữa nhóm Fatal ôn hoà hơn và nhóm Hamas, Jihad với những tư tưởng mang nhiều tính chất cực đoan. Chính trường và dân chúng Israel cũng bị phân hoá sâu sắc, một bộ phận thiên tả mong muốn thoả hiệp trong khi phần còn lại thiên hữu kiên quyết đòi những giải pháp cứng rắn hơn nữa. Những bộ phận cực đoan đó đã biến cuộc khủng hoảng này trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Chính một tay súng cực đoan phe hữu người Israel đã bắn chết vị thủ tướng ôn hoà Yitzhak Rabin, một trong những kiến trúc sư chính của thoả ước Oslo năm 1993. Tôi nhớ mãi những trang sách xúc động mà tôi từng đọc về cái chết của ông. Ông ra đi khi vừa mới diễn thuyết để cổ xuý cho hoà bình với Palestine trước 100 ngàn người ở Tel Aviv. Trong ngực áo của vị chính khách ôn hoà ấy sau khi ông bị bắn 2 phát đạn, người ta tìm thấy một tờ giấy đẫm máu trên đó ghi lời “Bài ca hoà bình” mà ông vừa hát cùng với những người Do Thái khác trước đó chỉ vài phút. Tôi nhớ đến bài diễn thuyết của ông đọc ở Washington trong lễ ký kết Hoà ước Oslo: “Máu, máu chảy đã đủ rồi.” Nhưng đối với những kẻ cực đoan thì máu chưa bao giờ chảy đủ.
Những phe phái cực đoan ở cả hai phía càng đẩy cuộc khủng hoảng niềm tin giữa người Israel và người Palestine vào một vòng xoáy không kết thúc. Vũ lực và sự kìm kẹp của phe cứng rắn Israel kích động thêm tư tưởng khủng bố theo kiểu tử vì đạo của những lực lượng cực đoan Palestine. Và những vụ tấn công khủng bố liên tục sát hại thường dân vô tội ấy cũng khiến ngay cả những con bồ câu nhất trên chính trường Israel dễ trở thành diều hâu. Và khi ấy, một vòng xoáy bạo lực mới lại bắt đầu...
Đi tìm chiếc chìa khóa cuối cùng
Trong suốt hành trình Trung Đông, trong đầu tôi luôn vang lên một câu hỏi rằng thực chất thì cuộc khủng hoảng này rồi sẽ đi về đâu, liệu rồi sẽ có một sự đột phá nào không, có hay không một chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa hoà bình sau hàng thập kỷ bạo lực và niềm tin tan vỡ? Tôi đem câu hỏi ấy trao đổi với nhiều học giả và nhà ngoại giao Israel. Và may mắn thay, qua những cuộc trao đổi ấy, tôi nhận ra rằng hoà bình không hoàn toàn là hão huyền và vẫn có những cơ hội để giải quyết hoặc ít ra là giảm thiểu tối đa cuộc khủng hoảng ấy.
Bạo lực rõ ràng chỉ đẻ ra bạo lực. Những vụ tấn công khủng bố, những vụ đánh bom tự sát, những vụ bắt cóc, ném đá triền miên đã khiến cho giờ đây, khá nhiều người Israel đã hiểu rằng cần phải sống chung hoà bình với người Palestine. Đó là con đường duy nhất. Trong những cuộc trò chuyện với các trí thức Israel, tôi đã nhận thấy những suy nghĩ đó. Israel đã sống bằng thanh gươm từ ngày lập quốc và bây giờ họ không thể tiếp tục như vậy. Giáo sư Cohen của Đại học Hebrew nói với tôi rằng: “Chính trị là nghệ thuật của cái có thể, là nghệ thuật của sự thoả hiệp. Anh không thể đòi được tất cả và anh cũng không bao giờ bị mất tất cả. Chúng ta cần phải thoả hiệp với nhau.” Trong một cuộc gặp với Giám đốc Quỹ phim Israel Katriel Schory, một người đàn ông đứng tuổi có khuôn mặt rất giống nhà bác học Do Thái Albert Einstein, nhà sản xuất phim ấy đã nói một câu làm tôi nhớ mãi: “Chính phủ Israel luôn mạo hiểm cho chiến tranh nhưng chưa thực sự mạo hiểm cho hoà bình.” Ông phê phán chính sách của chính phủ Israel và cho rằng cần nhân nhượng nhiều hơn nữa đối với những người Arập. Rõ ràng, cuộc xung đột này cũng như chuyện hai con dê qua cầu, thoả hiệp và nhân nhượng là con đường duy nhất nếu cả hai đều không muốn cùng rơi xuống nước.
Nhưng người ta chỉ có thể thoả hiệp với nhau, nhân nhượng với nhau nếu tin vào nhau. Không thể đàm phán khi súng vẫn nổ và máu vẫn đổ trên mảnh đất này. Tôi nhận thấy rằng, chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa hoà bình trước hết cũng lại nằm ở hai chữ Niềm tin rồi mới đến vấn đề tôn giáo hay lãnh thổ. Và tôi đã được chứng kiến những bước đi dù rất nhỏ để xây dựng niềm tin như thế.
Chúng tôi đến thăm toà nhà YMCA ở Jerusalem và có một cuộc trò chuyện với bà Amy Kronish, giám đốc chương trình cùng tồn tại hoà bình giữa người Arập và người Do Thái. Bà kể cho chúng tôi nghe về rất nhiều dự án trong chương trình. Điển hình nhất có thể kể đến dự án cho các thanh niên Arập và Do Thái từ 24 đến 30 tuổi cùng thảo luận chung với nhau trong vòng 8 tháng về quan điểm của mỗi bên xung quanh cuộc xung đột, dự án trao đổi văn hoá bằng cách cho thanh niên Arập và Do Thái tuổi từ 15 đến 17 đến thăm nhà nhau, dự án vườn trẻ nơi trẻ con của hai dân tộc cùng vui chơi và sinh sống. Bà Amy Kronish nói với chúng tôi rằng mục đích của những dự án như vậy là giúp cho giới trẻ của 2 dân tộc thấy được “bộ mặt nhân bản của kẻ thù”, rằng thực ra thì tất cả đều là con người với những xúc cảm rất con người, rằng mảnh đất này là “ngôi nhà chung của tất cả chúng ta”, rằng “những người mẹ Arập hoá ra cũng vào bếp nấu ăn và nghĩ như những người mẹ Do Thái”. Tôi không biết hiệu quả của những chương trình này đến đâu nhưng tôi nghĩ những chương trình như vậy đang đi đúng hướng. Mọi quyết định chính trị “từ trên xuống”, mọi bản hiệp ước hoà bình về phân chia lãnh thổ giữa hai nhà nước sẽ trở nên vô tác dụng nếu như “từ dưới lên”, người dân hai dân tộc này vẫn tiếp tục thù địch với nhau, không tin vào nhau.
Bất chấp những trở ngại gây ra bởi phe cực đoan bên phía Palestine hay phe cứng rắn bên phía Israel, vẫn cần bắc những cây cầu niềm tin qua những “hố bom” để lại sau bao tháng năm dài xung đột. Không thấu hiểu nỗi đau của nhau, không chấp nhận sự khác biệt của nhau thì cuộc khủng hoảng này sẽ vĩnh viễn không có hồi kết. Nếu như mỗi người Israel đặt mình vào địa vị của mỗi người Palestine thì sẽ thấy rằng nỗi đau mất tổ quốc của người Arập ngày nay cũng chẳng khác gì so với nỗi đau mất tổ quốc của họ ngày xưa. Tôi bước vào Bảo tàng tưởng niệm nạn nhân thảm họa Holocaust và nhìn thấy ngay ở những bước chân đầu tiên dòng chữ này: “Một quốc gia đích thực không chỉ được thể hiện ở những gì nó có thể làm được mà còn ở những gì nó có thể tha thứ.” Người Do Thái muốn nhắn nhủ thông điệp gì trong câu đó, phải chăng rằng họ đã tha thứ cho những tội lỗi khủng khiếp mà Đức Quốc Xã đã gây ra cho dân tộc họ, phải chăng họ đã gác lại quá khứ để hướng tới tương lai? Nếu như hôm nay những người Arập có thể tha thứ cho người Do Thái như thế, nếu như hôm nay những người Do Thái có thể tha thứ cho những người Arập như thế thì mọi vấn đề sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Nhưng rõ ràng không hề dễ dàng để ngay lập tức có được sự tha thứ như vậy, không hề dễ dàng để quá khứ có thể được gác lại. Tôi rất đồng ý với ông Benny Dagan, giám đốc phòng quan hệ Trung Đông, thuộc Viện Nghiên cứu chính trị Bộ Ngoại giao Israel. Trong một bài thuyết trình về những thách thức và cơ hội của Israel trong cuộc xung đột này, ông nói rằng: “Không thể có một giải pháp trong một tương lai gần nhưng như thế không đồng nghĩa với việc không có hi vọng gì cho một viễn cảnh tốt của khu vực.” Nếu nhìn vào lịch sử 60 năm qua thì ta dễ thấy, tình hình hiện tại dù chưa khả quan nhưng đã tốt hơn nhiều so với những thập kỷ trước. Bối cảnh quốc tế thuận lợi hơn và quan hệ ngày càng cải thiện giữa Israel với một số quốc gia Arập láng giềng đang dần tạo tiền đề cho một hoà ước trọn vẹn trong tương lai.
Tôi rời Trung Đông với tâm trạng lạc quan hơn trước khi đặt chân đến đây. Nhìn thấy những khu của người Palestine khá khang trang ngay trong lòng lãnh thổ Israel, nhìn thấy khu chợ tấp nập của người Arập giữa thành cổ Jerusalem, tôi chợt nhận ra rằng giải pháp cùng tồn tại hoà bình là hoàn toàn có thể.
Trong những tháng ngày tuyệt vọng bị truy đuổi bởi phát xít Đức, một người Do Thái đã viết lên bức tường của căn nhà nơi anh ta lẩn trốn những dòng này này:
“Tôi tin vào mặt trời dù mặt trời không toả sáng
Tôi tin vào tình yêu dù tình yêu tôi không cảm thấy được
Tôi tin vào Chúa dù Chúa vẫn lặng thinh.”
Còn cá nhân tôi, qua hành trình Trung Đông ngắn ngủi của mình, tôi tin rằng Chúa sẽ không lặng thinh thêm nữa nếu như người Do Thái và người Arập thực sự trở nên ôn hoà hơn và học được cách tin vào nhau như họ đã từng học được cách tin vào Chúa...