Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Hiến pháp có nên ghi “theo quy định của pháp luật”?




Hiến pháp tạo ra được thể chế pháp quyền là cách tốt để ngăn chặn các hành vi gây rối loạn và bảo vệ sự ổn định của đất nước.

Bản dự thảo Hiến pháp đang được Quốc hội đề nghị góp ý có rất nhiều đoạn khẳng định đi khẳng định lại những cụm từ như: “theo quy định của phát luật”, “hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, “phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật”, “do luật định”, “theo pháp luật Việt Nam”, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Ví dụ điều 26 sửa đổi nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

Có thể hiểu rằng những người soạn thảo bản Hiến pháp lo ngại những quyền được hiến định trong Hiến pháp như tự do ngôn luận, tự do biểu tình, tự do hội họp có thể dẫn tới việc lạm dụng quá trớn, gây rối loạn xã hội, ảnh hưởng đến tính ổn định của bộ máy chính trị và đời sống nhân dân. Những lo ngại này có lý và không chỉ Việt Nam, chính phủ các nước khác đều có những lo ngại tương tự. Nhưng tại sao họ không nhất thiết phải ghi những cụm từ như trên trong Hiến pháp?

Thứ nhất, Hiến pháp tự thân nó đã là đạo luật cao nhất rồi, những điều khoản trong đó không phải ghi rằng theo “quy định của pháp luật” nữa, ghi như vậy tạo một mâu thuẫn: vậy giữa Hiến pháp và luật khác thì điều gì cao hơn? 

Thứ hai, Hiến pháp nào tạo ra một hệ thống pháp quyền thật sự tự nó sẽ khống chế được những biểu hiện cực đoan của tự do và giải quyết được sự mất ổn định xã hội.

Pháp quyền giúp ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của quyền tự do hiến định như thế nào? Thử lấy các trường hợp ở Mỹ ra làm ví dụ. Tòa án Mỹ liên tục phải đối mặt với vô vàn tình huống “đau đầu” khi công dân khởi kiện các lệnh cấm của chính quyền các cấp căn cứ vào Hiến pháp. Ví dụ: một công dân la hét phản đối vào lúc 2h sáng giữa khu dân cư đông đúc có nên được bảo vệ bởi tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp không? Một đoàn biểu tình chiếm tất cả các cửa ga tầu điện ngầm ngay giữa giờ cao điểm có nên được bảo vệ bởi quyền tự do biểu tình hiến định không? Hay thậm chí, có những tranh cãi pháp lý rất hài hước như: múa khỏa thân có nên được xếp vào quyền tự do biểu đạt, hay coi bói cho người khác có là một dạng thức ngôn luận cần tôn trọng trong Hiến pháp?

Hiến pháp chỉ ghi những quyền và nguyên lý chung nhất, nhưng sự giản đơn của Hiến pháp khi va đập với thực tế phức tạp của cuộc sống tạo nên những nghịch lý, những tình thế tiến thoái lưỡng nan như vậy. Câu trả lời của các tòa án Mỹ là: không thể có tự do nào là tự do tuyệt đối và những động thái kiểm soát của chính quyền để ngăn chặn các hành vi “tự do” nhưng gây hại là cần thiết. Tuy nhiên, các lệnh cấm đều phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ do tòa án định ra và chỉ có tòa án mới là nơi duy nhất có thẩm quyền quyết định ai đúng ai sai. Khi ra tòa, chính quyền chứ không phải người dân đi kiện sẽ phải giải trình tính hợp hiến của các động thái kiểm soát tự do.

Lấy tự do ngôn luận làm ví dụ. Các luật cấm liên quan tới ngôn luận khi ra tòa án Mỹ thường phải thỏa mãn 4 tiêu chí sau để được chấp nhận là hợp hiến.

Thứ nhất, luật cấm phải trung tính, nghĩa là đảm bảo không nhắm cụ thể vào một nhóm thông điệp nào đó. Ví dụ nếu muốn cấm phát tờ rơi trước trụ sở chính quyền, phải cấm tất cả các dạng thức tờ rơi chứ không chỉ cấm tờ rơi có nội dung chỉ trích thị trưởng.

Thứ hai, luật cấm không được ngăn chặn tuyệt đối. Ví dụ nếu muốn cấm biểu tình vì lo ngại ách tắc giao thông, chỉ có thể cấm biểu tình trên lòng đường, nếu cấm cả biểu tình trên vỉa hè có nghĩa là đã ngăn chặn tuyệt đối và những đạo luật như vậy thường ngay lập tức bị coi là vi hiến ở Mỹ.

Thứ ba, luật cấm phải được biện minh bằng những lợi ích quan trọng. Ví dụ, cấm biểu tình ngay trước cổng bệnh viện có thể được biện minh bằng lợi ích của bệnh nhân. Việc tụ tập ở đây có thể dẫn tới việc những xe cấp cứu không thể vào được kịp thời, dẫn tới tính mạng bệnh nhân bị đe dọa. Cấm biểu tình giữa quảng trường chắc chắn bị coi là vi hiến.

Thứ tư, luật cấm phải được thiết kế hẹp để chỉ triệu tiêu vừa đủ tác hại của hành vi. Ví dụ lệnh cấm ở bệnh viện trên sẽ bị tòa phủ nhận nếu không quy định cụ thể là cấm biểu tình trước cổng bệnh viên trong phạm vi bao nhiêu mét. 30 mét có thể được chấp nhận nhưng 50 mét là quá xa và lệnh cấm là vi hiến.

Quay về với cuộc biểu tình ở ga tàu điện ngầm vào giờ cao điểm gây trì hoãn giao thông công cộng. Chính quyền hoàn toàn có thể ra một lệnh cấm được công nhận là hợp hiến như sau: cấm mọi dạng thức biểu tình trong phạm vi ga tàu điện ngầm và cách các cửa ga 20 mét trong giờ cao điểm, từ 7h tới 9h sáng và từ 5h tới 7h chiều. Lệnh cấm ấy đủ linh hoạt để để không ngăn chặn mọi dạng thức biểu đạt và đủ hẹp để ngăn chặn tác hại lên giao thông công cộng.

4 nguyên tắc trên được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm từ vô số vụ kiện ở tòa án các cấp tại Hoa Kỳ. Nguyên tắc vừa bảo vệ vừa giới hạn quyền tự do ngôn luận được đảm bảo trong Hiến pháp. Nguyên tắc định hình ra đường biên giới của các hành vi ngôn luận, làm cơ sở tham chiếu để chính quyền biết mình có thể kiểm soát tới đâu và công dân biết mình được tự do tới đâu.

Pháp quyền là để cho tòa án có một quyền lực độc lập, kiểm soát và cân bằng các quyền lực khác. Một tòa án độc lập sẽ tự tìm thấy các nguyên tắc như trên để điều chỉnh sự quá đà của tự do. Tòa án mới là tiếng nói cuối cùng quyết định đúng sai. Cảnh sát, quân đội, thị trưởng và kể cả tổng thống cũng không thể can thiệp và tác động được vào sự công chính của quan tòa. Tòa án độc lập chính là nơi sẽ kiểm soát mọi hành vi gây mất ổn định, thay vì sử dụng lực lượng vũ trang.

Hiến pháp trao cho nhân dân các quyền cơ bản nhưng đồng thời cũng đã có tòa án độc lập để cân bằng lại những biểu hiện lạm quyền. Pháp quyền tự thân nó đã là một giải pháp ngăn chặn mất ổn định từ bên trong, hiệu quả và lặng lẽ, bởi không cần thêm một khẩu hiệu nào nữa.

Khánh Duy

Hiến pháp là mái nhà bảo vệ nhân dân



Hiến pháp không chỉ là câu chuyện xa vời của các chính khách nhằm thiếp lập thể chế quyền lực cho thượng tầng chính trị, hiến pháp ngược lại nếu được vận dụng nghiêm cẩn sẽ gắn sát sườn và bảo vệ trực tiếp quyền lợi của tất cả công dân. 

Một câu chuyện nhỏ về hiến pháp Hoa Kỳ nhưng liên quan tới Việt Nam để minh họa, vụ kiên Tinker v. Des Moines được phán quyết bởi Tòa tối cao Mỹ năm 1969. Chuyện nhỏ mà không nhỏ, bởi đây là một trong những vụ kiện tiêu biểu và nổi tiếng nhất trong lịch sử vận dụng Tu chính án số một của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án số một được phát biểu như sau trong Hiến pháp Mỹ: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào liên quan tới việc tổ chức tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận, báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp một cách hòa bình, và quyền khiếu kiện Chính phủ nhằm thay đổi những thực tế đang gây bất bình.”


Câu chuyện bắt đầu vào một ngày tháng 12 năm 1965, một nhóm học sinh lớn tụ tập ở căn nhà của cậu Christopher Eckhardt, 16 tuổi ở tiểu bang Iowa. Họ quyết định thể hiện thái độ phản kháng đối với sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam bằng việc đeo băng tay màu đen khi tới trường trung học Des Moines nơi nhóm học sinh đang theo học. Ban giám hiệu trường Des Moines bằng cách nào đó đã biết trước được ý đồ của nhóm học sinh. Vào ngày 14 tháng 12, lãnh đạo ban giám hiệu nhóm họp và ra một điều luật mang tính ngăn chặn: buộc học sinh nào đeo băng đen tới trường phải gỡ bỏ, nếu không, họ sẽ bị cho thôi học cho tới khi nhận thức ra vấn đề.


Nhóm học sinh “nổi loạn” đã biết được chính sách mới của nhà trường, tuy thế, họ không lùi bước. Sáng 16 tháng 12 năm 1965, cô bé Mary Beth 13 tuổi và cậu Christopher Eckhardt 16 tuổi vẫn đeo băng đen tới trường để phản đối Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Ngày hôm sau, cậu bé John Tinker 15 tuổi cũng thực hiện hành vi tương tự. Họ đều bị nhà trường đuổi về với lời đe dọa: khi nào không đeo băng tay nữa thì hãy tới trường. Nhóm “nổi loạn” lại tiếp tục thể hiện sự phản kháng bằng cách ở nhà cho tới hết năm. Còn hơn thế, thông qua cha mẹ, họ khởi kiện lệnh cấm đeo băng đen của nhà trường vì cho rằng điều luật ấy là vi hiến, xâm phạm tới quyền tự do ngôn luận được ghi trong Tu chính án số một của Hiến pháp.


Vụ án được Tòa án Quận xem xét và sau khi điều trần, tòa án bác bỏ cáo buộc của nhóm học sinh, với lý do: nhà trường có quyền hợp hiến trong việc ngăn chặn mọi hành vi gây rối loạn kỷ cương trường học. Nhóm học sinh tiếp tục kiện lên tòa án cao hơn nhưng cáo buộc tiếp tục bị bác. Tính chất điển hình của vụ kiện đã khiến Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trực tiếp vào cuộc và quyết định tiếp nhận vụ án. Tại phiên xử ở tòa tối cao, 7 trong số 9 quan tòa đã đồng thuận và khẳng định: đeo băng đen trong trường hợp này hoàn toàn không thể gây ra và không liên quan gì tới việc gây rối, ngược lại, đeo băng đen là “ngôn luận thuần túy” được bảo vệ toàn diện trong Tu chính án số một của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tòa phán: “Những nỗi sợ và lo lắng vô cớ về gây rối không thể đứng trên quyền tự do biểu đạt… Các trường công không phải là lãnh địa của độc quyền lãnh đạo. Các quan chức của trường không có quyền áp đặt tuyệt đối lên học sinh. Cả trường và học sinh đều là những thực thể nằm dưới Hiến pháp. Các học sinh đeo băng tay để biểu lộ sự bất đồng của họ đối với cuộc chiến Việt Nam cũng như ủng hộ việc ngừng bắn, các em muốn hành vi ấy được mọi người biết và từ đó làm theo… Trong trường hợp này, Hiến pháp không cho phép các quan chức nhà nước được khước từ quyền tự do biểu đạt ấy của các em”.


Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã lật ngược lại toàn bộ phán quyết của các tòa cấp thấp hơn và vận dụng Tu chính án số một trong Hiến pháp để bảo vệ các em học sinh. Điểm đặc biệt cần lưu ý trong vụ án này các em học sinh đã lặng lẽ đeo băng tay chứ không hề phát ngôn chống chính sách tham chiến của chính phủ. Tu chính án số một cũng chỉ quy định hết sức đơn sơ là sẽ bảo vệ “quyền tự do ngôn luận”. Nhưng tòa án tối cao đã vận dụng Hiến pháp hết sức linh hoạt khi cho rằng bản thân hành vi đeo băng tay cũng là một hình thức ngôn luận mang tính biểu tượng, bất kỳ hành vi nào phát đi một thông điệp và người tiếp nhận có thể hiểu thông điệp đó thì dù không nói ra lời vẫn được coi là ngôn luận. Tu chính án số một trong Hiến pháp không chỉ bảo vệ quyền nói mà cả quyền được lặng im, nếu sự im lặng ấy là thông điệp.


Vụ án Tinker v. Des Moines đã mở đường cho Tòa Tối cao cũng như các tòa cấp thấp hơn vận dụng Hiến pháp để bảo vệ người dân trong vô số vụ án sau này liên quan tới các hành vi mang tính biểu tượng. Nếu không có Hiến pháp bảo vệ, không có sự công minh của Tòa án tối cao, làn sóng biểu tình và các hình thức đa dạng phản đối chiến tranh Việt Nam trong nhân dân Hoa Kỳ không bao giờ dữ dội và mạnh mẽ đến như thế. Chính nhân dân Mỹ đã tạo ra một phần sức ép khiến chính phủ Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Họ làm được điều ấy bởi họ được chở che dưới mái nhà Hiến pháp.


Hiến pháp không phải là chuyện “trên giời” mà ngược lại, bảo vệ lợi ích “sát sườn” của mọi người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Cho dù có thể rất nhiều người hoàn toàn không biết gì về Hiến pháp và không nhận ra ảnh hưởng to lớn của nó, thì “nụ cười” hay “nước mắt” của họ trong tương lai sẽ bị tác động bởi Hiến pháp và quá trình thực thi nó. Cho dù ảnh hưởng của văn bản pháp lý cao nhất này lên mỗi cá thể sẽ khác nhau, có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nhưng số phận của toàn bộ đất nước và tất cả nhân dân không thể tách rời khỏi mái nhà chung trên đầu chúng ta, mái nhà mang tên “Hiến pháp”.


Khánh Duy

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Họa sỹ Tạ Hải – người hồi sinh cho lá











Những mái tóc thiếu nữ bằng râu ngô, những tấm lưng trần thiếu nữ bằng áo ngô, mùn cưa. Những bầu trời màu trắng nhờ nhờ bằng lá gai, những thảm rừng hay cánh đồng hoa cải vàng rực bằng kén tằm… Đó là một số nét chấm phá trong rất nhiều sáng tạo của họa sỹ Tạ Ngọc Hải với chất liệu lá.

Người lấy lá để ghép thành tranh rất ít nếu so với số lượng các họa sỹ vẽ bằng sơn dầu hay màu nước. Tuy vậy, một vài gallery vẫn bày bán những bức tranh lá màu sắc rực rỡ. Chỉ có điều, đó là tranh làm bằng những chiếc lá khô đã được nhuộm màu. Tạ Ngọc Hải đặc biệt bởi ông thuộc về thiểu số trong thiểu số, nếu không muốn khẳng định là người duy nhất ở Việt Nam, không bao giờ nhuộm lá.

“Có người khuyên dùng hóa chất giữ màu hay nhuộm lá đi cho ra màu đẹp. Tớ không chấp nhận , thiên nhiên cho cái gì thì giữ nguyên cái đó. Các nhà chuyên môn quan tâm đến hình họa, màu sắc, bố cục, mình quan tâm tới việc kiếm tìm chất liệu để đưa vào bức tranh.” Họa sỹ Tạ Hải tâm sự.

“Những sắc màu của lá”


Con đường kiếm tìm chất liệu lá tự nhiên của Tạ Hải là một hành trình nghệ thuật đầy say mê và gian khổ. Hành trình nhen nhóm từ những năm 1965 khi ông còn đang trong quân ngũ và được thưởng 3 ngày phép về Hà Nội. Lang thang trên phố Tràng Tiền, Tạ Hải thấy họ ghép mảnh tre thành bức tranh Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm. Trở về, ông nảy ý định xé lá chuối khô trong vườn dán chơi cảnh Vịnh Hà Long bằng bún và cơm nguội trên mảnh bìa.

Bẵng đi 25 năm, đến năm 1990, khi công việc và gia đình đã ổn định, Tạ Hải mới bắt đầu nghĩ tới thú chơi vẽ tranh bằng lá ngày nào. Ông bắt đầu con đường lang thang đi nhặt lá về làm tranh… Với Tạ Hải, mỗi màu sắc tìm thấy qua một loại lá là một kỷ niệm hạnh phúc.

“Một hôm đi công tác nắng quá vào quán nghỉ chân, đang ngồi uống nước nhìn bà bán hàng tãi ngô ra, tớ thấy màu đen, màu nâu của râu ngô hay hay nên xin một nắm về thử dùng làm tranh. Hay có lần đi viết báo ở Vĩnh Linh, có cổng trào lá vàng rất đẹp, hỏi dân lá cây gì, dân bảo cây đung, họ dẫn ra ven bờ biển ngắt lá đung về để khô thành màu vàng rất đẹp.” Tạ Hải kể về những sắc màu của lá ông đã tìm thấy.

Tuy thế, không phải sắc màu nào cũng đa dạng và dễ tìm, có những màu đặc biệt khó tìm, nghịch lý khi đó lại là màu xanh vốn được coi là màu của lá. Khi những chiếc lá đã khô, chất diệp lục không còn nên rất khó giữ được màu xanh. Họa sỹ Tạ Hải phải mất hàng chục năm mới phát hiện ra ngay trong vườn nhà mình, có loại lá để khô trong râm mát vẫn giữ được màu xanh.

“Màu đỏ tớ cũng mất công tìm kiếm đúng 10 năm mới thấy. Một hôm mẹ ăn trầu, nhờ ra chợ Đồng Xuân mua cây vỏ. Tớ mới phát hiện ra vỏ ngoài cây vỏ có màu đỏ rất đẹp, để khô rồi vẫn màu đỏ.” Họa sỹ Tạ Hải tiếp tục kể về hành trình kiếm tìm màu sắc của mình.

Cuộc hành trình ấy của họa sỹ không phải bao giờ cũng thành công, có những sắc màu tưởng như đã tìm thấy rồi lại biến mất. Những chiếc lá xà cừ màu vàng hay lá bàng khô màu hổ phách ban đầu rất đẹp nhưng sau thời gian khô kiệt thành đen kịt không dùng được. Người ta đi Nga về ai cũng khuân hàng hóa đầy các va li, hai vợ chồng Tạ Hải lại trở về với hai va li lèn chặt lá phong và lá bạch dương. Cuối cùng, màu lá vàng tươi của mùa thu nước Nga sau một thời gian cũng thành màu nâu mất. Cánh hoa phượng, hoa hồng cũng thế, lúc tươi thì đỏ rực nhưng khi khô bỗng chuyển màu đen xỉn.

Cũng có những sắc màu Tạ Hải ao ước nhưng ông tìm kiếm cả cuộc đời chưa thấy, màu xanh nước biển hay xanh da trời chẳng hạn. Dẫu vậy, họa sỹ không dừng lại, đi đâu ông cũng chú ý ngắm nhìn và nhặt nhạnh từng chiếc lá bất chấp không ít lời “chê cười” từ thế gian.

“Mỗi lần đi nhặt lá là lại có người ngạc nhiên hỏi, tớ đùa là mang về làm thuốc trị ngứa chân. Xin vỏ tỏi, vỏ hành của các bà bán hàng ngoài chợ cũng bị người ta bảo dở hởi à. Có họa sỹ nói mình làm trò vớ vẩn, tớ cũng chỉ cười đáp lại: vì nghèo không có tiền mua màu nên đành làm vậy. Tớ hay đùa bạn bè, thấy trên đường có ai “tay nhặt lá, chân đá ống bơ, miệng bị ẩm, có vẻ IC bị ẩm” thì đấy là tớ…” Họa sỹ Tạ Hải tự trào về hành trình tìm lá của mình.

Mỗi bức tranh, một thông điệp

Sinh năm 1944, cầm tinh con Khỉ, Tạ Hải không thừa nhận ông là họa sỹ mà chỉ nhận là “người hay bắt chước”. Chưa từng kinh qua bất kỳ một trường mỹ thuật nào, Tạ Hải chỉ học nhờ xem triển lãm, xem tranh các họa sỹ lớn. Như một người học trò khiêm tốn, ông cần mẫn lao động nghệ thuật trong hơn 20 năm qua để tạo ra 1000 bức tranh mà theo lời ông chỉ là những “cuộc chơi” mà thôi. Tuy vậy, cả hai lần triển lãm vào năm 1998 và 2008, tranh của ông đều được quần chúng và giới chuyên môn đánh giá và đón nhận.

“Tranh lá của Tạ Hải là một lối chơi tao nhã đầy bản sắc, góp một tiếng nói cảm xúc mới lạ và làm phong phú đời sống thẩm mỹ đương đại.” Ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội mỹ thuật Hà Nội nhận xét về tranh Tạ Hải.

Tranh lá Tạ Hải cho thấy ông không hề nghiệp dư như họa sỹ tự nhận xét về mình. Ngược lại, người họa sỹ tìm tòi và sáng tạo ra những sắc màu và “nét bút” độc đáo mà ngay cả những họa sỹ chuyên nghiệp cũng “chào thua”. Điển hình là sáng tạo của Tạ Hải với lá gai. Những chiếc lá gai màu rong rêu được ông miết thật chặt xuống thành những hình nổi nham nhở. Phố cổ Hà Nội trong tranh Tạ Hải bảng lảng một không gian hoài niệm nhờ sáng tạo này.

Giá trị của những bức tranh lá của Tạ Hải không chỉ nằm ở tính mỹ thuật mà còn ở thông điệp. Mỗi bức tranh của ông đều là một thông điệp. Nhìn ông ngồi vẽ say sưa giữa đống chất liệu mà ở nơi khác người ta ngay lập tức vứt vào thùng rác mới thấy rõ thông điệp ấy: phải bảo tồn và gìn giữ vẻ đẹp của thiên nhiên, những thứ tưởng như cỏ rác vẫn còn giá trị, huống chi những chiếc lá xanh tươi mà con người nỡ tàn phá nó.

“Năm nào 30 Tết, tớ cũng đi chơi đêm giao thừa. Đi chơi để tìm sự vui thú nhưng năm nào cũng bị ức chế bởi người ta hái lộc vô tội vạ. Tớ rất bực và cãi nhau mấy lần vì người ta bẻ cả cành cây sống, văn hóa tôn trọng thiên nhiên ở đâu, căm tức mà bất lực không cản được…” Họa sỹ tâm sự.

Vòng đời của lá

Từng đi bộ đội 9 năm rồi chuyển ngành về công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, cho tới ngày về hưu năm 2004, nghề nghiệp chính của Tạ Ngọc Hải là một nhà báo chuyên mảng thanh thiếu niên. Ông bước vào hội họa chỉ như nghề tay trái. Có những bức tranh ông vẽ đã bán được cả ngàn đôla Mỹ nhưng Tạ Hải không đi vào con đường hội họa chuyên nghiệp để vẽ tranh mưu sinh. Tranh với Tạ Ngọc Hải là nơi ông gửi gắm những suy tư về vòng đời của lá.

“Vòng đời chiếc lá thật kỳ diệu, chiếc lá đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái từ trong đất, sau khi hoàn thành sứ mệnh lại rụng xuống làm phân để cây có chất nhựa cho ra đời vòng lá mới. Sự hi sinh của chiếc lá thật ý nghĩa bởi khoảnh khắc rơi xuống đồng nghĩa với sự bắt nguồn của sự sống.” Họa sỹ chiêm nghiệm.

Xem tranh lá Tạ Hải, ngoài ngắm nhìn hình họa hay màu sắc, người xem còn phải để tâm suy nghĩ về vòng đời của những chiếc lá khô. Nhìn sâu vào những chiếc lá trong tranh Tạ Hải mới cảm nhận hết niềm hoan lạc và xúc động trước một vẻ đẹp đã rơi xuống vẫn còn bừng sáng lên một lần nữa để phục vụ con người. Tạ Hải dường như không vẽ mà ông chỉ sắp đặt lại thiên nhiên, thổi vào lá một linh hồn mới, một sức sống mới. Họa sỹ đã hồi sinh cho khoảnh khắc cuối cùng của những chiếc lá, biến khoảnh khắc đầy ý nghĩa ấy thành vẻ đẹp nhân văn như hai câu thơ ông đã viết:

“Chiếc lá xa cành về với đất
Để cây đời mãi mãi xanh tươi”

Khánh Duy

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Lễ hội bóng đá và sự hứng khởi ở Old Trafford





Những cổ động viên bóng đá Việt Nam nhận lời mời của Nhà tài trợ vận chuyển chính thức cho CLB Manchester United đã đặt chân tới Nhà hát của Những giấc mơ để cảm nhận bầu không khí lễ hội đầy hứng khởi nơi đây.

“Những gã trai làm trong các nhà máy luôn cảm thấy nhàm chán, họ cần sự hứng khởi vào mỗi dịp cuối tuần. Họ đến sân bóng là vì thế, vì muốn tìm thấy sự hứng khởi…” Đó là lời của Sir Matt Busby, HLV huyền thoại vào thập kỷ 60 của MU.

Thành phố Manchester giờ đây đã khác nhiều so với thời Matt Busby, thành phố công nghiệp đầu tiên trên thế giới giờ đây đã không còn công nghiệp như xưa nữa. Chỉ còn đó những nhà kho, bến cảng, bảo tàng nơi những ký ức một thời công nghiệp còn hiển hiện, Manchester giờ đây đã là một trung tâm của dịch vụ, tài chính và các ngành phi công nghiệp khác. Những nhà máy còn lại đều đã được chuyển ra ngoại vi thành phố. Trung tâm của nó chỉ có 500,000 dân và không khí của Manchester giản dị và yên tĩnh hơn nhiều so với tên tuổi của thành phố.

Sự bình lặng chấm dứt vào những ngày cuối tuần nơi MU thi đấu trên sân nhà. Ở đây, MU là một thứ tôn giáo và mỗi fan của MU như một tín đồ. 2h chiều trận đấu mới khai cuộc, 12h trưa, toàn bộ các nhà hàng gần đó đều đã chật kín “tín đồ”. Có những fan dễ nhận ra với chiếc áo đỏ truyền thống trên người, những người khác kín đáo hơn và chỉ nhận ra “tôn giáo” của họ khi bắt chuyện. Tất cả đều háo hức trước cuộc hành hương về thánh địa mỗi chiều cuối tuần như những người Công giáo đi Nhà thờ vào mỗi sáng Chủ nhật.

1h chiều, một không khí lễ hội trên khắp các nẻo đường dẫn về Old Trafford. Những cửa hàng lưu niệm đỏ rực màu cờ phướn được lập ra xung quanh cổng chính dẫn vào sân. Phấn khích nhưng rất trật tự, khoảng hơn 70,000 người rầm rầm kéo về Old Trafford để kiếm tìm sự hứng khởi đúng như lời Sir Matt Busby. Điều khác chỉ là dòng người đổ về Old Trafford mỗi cuối tuần không phải là “những gã trai làm trong các nhà máy” như ngày xưa nữa mà có thể là bất kỳ cư dân nào trong một thành phố đang trên đà mở rộng nhanh chóng.

Sức chứa của cả 4 khán đài Nam, Bắc, Tây, Đông của Old Trafford khoảng 76, 000 chỗ. Mỗi khi MU đá trên sân nhà, rất ít chỗ trống còn sót lại trên Thánh địa của những giấc mơ. Kỷ lục về số lượng được lập vào năm 2007 khi Quỷ đỏ đánh bại Blackburn Rovers 4-1 với 76,089 fan hâm mộ có mặt. Riêng những người đặt chỗ cả mùa đã chiếm khoảng 50,000 vé. Số còn lại được bán cho khách lẻ và khách quốc tế.

Ít ai tưởng tượng được, mỗi khi MU đá trên sân nhà, số lượng tín đồ khổng lồ này ngốn hết khoảng 2,5 tấn bánh mì và xúc xích. Điện năng sử dụng cho một ngày diễn ra trận đấu lên đỉnh tới 5,5 megawatts. Số lượng người phục vụ ở Old Trafford khoảng 400 nhưng vào ngày thi đấu, con số này phải lên tới 2500 người.

Nước Anh nổi tiếng bởi những cổ động viên quá khích nhưng sự hứng khởi ở Old Trafford diễn ra trong khuôn khổ kỷ luật, văn hóa và văn minh. Nhóm cổ động viên đội khách West Bromwich có khoảng 3000 vé được sắp riêng vào một khu có hàng rào ngăn và hàng chục nhân viên đứng gác ở hai bên. Old Trafford có khu riêng dành cho các cổ động viên khuyết tật với khoảng 120 chỗ ngồi đặc biệt được thiết kế cho xe đẩy và người nhà đi kèm. Những người khiếm thị hoặc thị lực yếu được phát riêng hệ thống tai nghe để nghe bình luận trực tiếp.

76,000 cổ động viên chắc chắn thải ra một lượng rác khổng lồ. Một điểm đặc biệt khác ở Old Trafford là CLB tái chế lại toàn bộ số rác này. Giấy, chai nước, bảng biểu được phân loại riêng trong khi đó mọi thứ rác còn lại đều được gửi tới Cơ sở tái chế Vât liệu Công viên Trafford để xử lý. Thậm chí ngay cả cỏ được cắt từ đường pitch cũng được tái chế thành phân bón. Không có bất kỳ loại rác nào từ sân Old Trafford bị vứt ra bãi thải.

Old Trafford là sân vận động đầu tiên ở Âu Châu có hệ thống phòng VIP và sảnh tiếp khách dành riêng cho VIP. Đoàn khách đến từ Việt Nam theo lời mời của Nhà vận chuyển chính thức cho MU Turkish Airlines được sắp xếp vào một phòng VIP riêng và phục vụ ăn uống theo chế độ đặc biệt. Tuy thế, khi trận đấu bắt đầu, toàn bộ bia rượu sẽ được dọn ra ngoài để tránh các cổ động viên bên dưới nhìn thấy cảnh chè chén trong phòng VIP. Tới giờ nghỉ giữa hiệp, rượu bia lại được mang vào nhưng người phục vụ kéo tầm rèm che toàn bộ khung kính nhìn ra sân vận động. Ngay cả khách VIP cũng không nằm ngoài những nguyên tắc khắt khe nhưng mang chuẩn mực văn hóa ở Old Trafford.

“Sir Matt Busby nói rằng người hâm mộ đi xem bóng đá vào mỗi dịp cuối tuần để tìm kiếm sự hứng khởi. Vì thế, chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự hứng khởi cho họ. Đó là triết lý vẫn song hành cùng CLB cho tới ngày nay và mang lại danh tiếng cho MU trên toàn thế giới.” Sir Bobby Charlton viết.

Manchester là một trong những CLB chơi thứ bóng đá có chất lượng chuyên môn cao nhất thế giới. Nhưng thành công của MU không chỉ nhờ chất lượng chuyên môn. CLB đã chạm tới trái tim người hâm mộ bởi một điều quan trọng khác: Quỷ đỏ luôn biết cách tạo ra một lễ hội văn hóa đầy hứng khởi nhằm phục vụ người hâm mộ vào mỗi dịp cuối tuần. Quan trọng hơn thế, đó còn là sự hứng khởi được tổ chức đầy văn hóa và hết sức văn minh trên tất cả các tiêu chí của nó.

Khánh Duy

Từ Old Trafford tới VN: những lễ hội bị đánh mất






Người hâm mộ bóng đá ở Châu Âu luôn được sống trong không khí lễ hội vào mỗi cuối tuần trong khi đó cảm giác lễ hội hoàn toàn thiếu vắng trên các khán đài ở Việt Nam.

Theo lời mời của Nhà tài trợ vận chuyển cho CLB Manchester United: hãng hàng không Turkish Airlines, phóng viên VietNamNet đã trực tiếp đặt chân tới Old Trafford để xem Quỷ đỏ thi đấu và ghi lại những ấn tượng ở Nhà hát của những giấc mơ.


1h chiều Chủ Nhật, ở thành phố Manchester, từng đoàn người lũ lượt kéo về Old Trafford. Không khí gần như một lễ hội. Ở thành phố bình yên với chỉ vẹn vẹn 500,000 dân sống ở trung tâm này, mỗi dịp cuối tuần khi MU thi đấu trên sân nhà lại là một dịp lễ hội.

50,000 cổ động viên mua vé theo mùa hòa với khoảng hơn 20,000 khách mua lẻ nườm nượp đổ về tất cả các cửa của sân Old Trafford. Ngay từ sáng, nhiều khách sạn, nhà hàng ở trung tâm Manchester đã náo nức và rộn ràng với những bóng áo đỏ khắp nơi. MU đã trở thành một thứ tôn giáo ở thành phố Manchester. Ở các thành phố khác Châu Âu, các tín đồ đi nhà thờ vào cuối tuần. Ở đây, người ta đi xem bóng đá. Với các MU fan, Sir Alex là thiên chúa còn các ngôi sao MU là các tông đồ.

Người Việt Nam không phải không đã từng có cảm giác náo nức như thế, đặc biệt mỗi khi được ra sân chứng kiến đội tuyển quốc gia thi đấu ở Seagames hay Tiger Cup. Chỉ có điều, không khí lễ hội ấy chỉ diễn ra mỗi năm một lần chứ không thường xuyên như với các cư dân Manchester. Không mấy người Việt náo nức chờ đợi một đội bóng ở cấp CLB của Việt Nam thi đấu mỗi dịp cuối tuần.

Đi tìm câu trả lời cho sự thiếu hào hứng ở giải quốc nội Việt Nam không khó và câu trả lời không hẳn do chất lượng chuyên môn của bóng đá Việt Nam ở mức thấp. Chuyên môn chỉ là một khía cạnh của bóng đá. Từ một khía cạnh mang tính bản chất hơn, bóng đá là một trò chơi nhiều bất ngờ mang lại sự hứng khởi cho người chơi và những người theo dõi. Cho dù có bị thương mại hóa đi bao nhiêu đi chăng nữa thì bản chất trò chơi vẫn còn đó. Ở Manchester trong suốt 100 năm qua, chưa bao giờ lý tưởng ấy bị nguội lạnh.

Ở trước sân Old Trafford, người ta cho dựng tượng Sir Matt Busby, một HLV huyền thoại thập niên 60,70 của MU. Sir Busby thường nói với các cầu thủ rằng: “Những gã trai làm trong các nhà máy luôn cảm thấy nhàm chán, họ cần sự hứng khởi vào mỗi dịp cuối tuần. Họ đến sân bóng là vì thế, vì muốn tìm thấy sự hứng khởi…”

Cho dù Manchester bây giờ không còn “những gã trai làm việc trong các nhà máy” bởi thành phố đã đi qua quá khứ công nghiệp hào hùng của mình, nhưng lối chơi cống hiến hết mình để mang lại sự hứng khởi cho người hâm mộ vẫn được tiếp nối bởi các thế hệ Quỷ Đỏ. Sir Bobby Charlton, một huyền thoại khác ở Old Trafford vẫn dặn dò các cầu thủ MU: “Chúng ta phải có trách nhiệm tạo ra sự hứng khởi cho người hâm mộ. Đó là triết lý vẫn song hành cùng CLB cho tới ngày nay và mang lại danh tiếng cho MU trên toàn thế giới.”

Manchester United rất giỏi kinh doanh và kiếm bộn tiền từ thương hiệu của CLB, nhưng, thương mại hóa cao độ ngoài sân không làm Quỷ Đỏ đánh mất truyền thống “hứng khởi” trong sân đấu. Ngược lại, “hứng khởi” lại là nền tảng để CLB xây dựng thương hiệu hàng đầu trong suốt lịch sử hơn 100 năm qua ở Old Trafford.

Sự hứng khởi của một cuộc chơi chỉ có khi những người chơi vào cuộc với tâm thế cống hiến hết mình và quan trọng hơn nữa là trung thực. Chơi hết mình và trung thực nên mỗi trận đấu là một sự bất ngờ. MU có thể thắng hay thua nhưng sự bất ngờ thì luôn thắng.

Ở Việt Nam, khi nối đau bán độ ở nhiều trận đấu vẫn ám ảnh và sự trung thực với khán giả vẫn còn là dấu hỏi thì đòi hỏi người xem phải háo hức chờ đợi mỗi cuộc chơi và hứng khởi được theo dõi nó là không thể. Môi trường ấy đã khiến người hâm mộ Việt Nam tự đánh mất đi những ngày hội của mình vào mỗi dịp cuối tuần.

Khánh Duy

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Kỳ 3: Xem Quỷ Đỏ MU thi đấu ở phòng VIP Old Trafford






Nhà hát của Những giấc mơ Old Trafford có một hệ thống phòng đặc biệt dành riêng cho khách VIP với chi phí khoảng 2,5 tỉ đồng Việt Nam một phòng cho cả mùa bóng.


Theo lời mời của Nhà tài trợ vận chuyển cho CLB Manchester United: hãng hàng không Turkish Airlines, phóng viên VietNamNet đã trực tiếp đặt chân tới Old Trafford để xem Quỷ đỏ thi đấu và ghi lại những ấn tượng ở Nhà hát của những giấc mơ.

75,000 bảng tương đương 2,5 tỉ Việt Nam đồng cho một phòng 8 người để xem 19 trận bóng đá. Tính trung bình, mỗi trận đấu là có giá 130 triệu cho 8 người. Giá vé của mỗi người khoảng 16 triệu đồng Việt Nam.

Bỏ ra 16 triệu đồng để đi xem một trận bóng đá ngoại hạng Anh là con số rất lớn, ngay cả khi đó là trận đấu của CLB được yêu thích nhất thế giới Manchester United. Con số này lớn không chỉ với người Việt.

“Những phòng VIP như vậy chủ yếu được các công ty lớn thuê để tiếp khách thôi, người hâm mộ dù giàu có cũng không muốn bỏ ra một khoản lớn đến vậy để ngồi trong phòng VIP xem đội bóng của họ thi đấu.” David Brewer, một cổ động viên bóng đá người Anh chia sẻ.

Được mời bởi Nhà tài trợ vận chuyển cho CLB Manchester United: hãng hàng không Turkish Airlines, các khách mời Việt Nam mới được đặc cách ngồi trong phòng VIP riêng của Turkish Airlines trên Old Trafford. Phòng VIP ở khán đài phía Nam có vị trị đẹp nhất với góc nhìn vào chính giữa sân vận động.

“Turkish Airlines là nhà vận chuyển chính thức trong mọi hành trình của các cầu thủ MU nên mới có phòng VIP ở vị trí này. Mỗi tuần Turkish Airlines mời đoàn của từng nước tới xem Quỷ đỏ thi đấu. Kế hoạch mời được lên trước cả năm.” Ông Ngô Minh Đức, Tổng giám đốc công ty lữ hành Hương Giang chia sẻ.

16 triệu một suất ngồi VIP là mức giá “trên trời” nếu so với mức giá ngồi ghế thường bán lẻ từng trận. Với những trận đấu không quá hot như Manchester gặp West Bromwich ngày 11/03/2012, giá vé bán lẻ chỉ rơi vào khoảng 2 triệu đồng Việt Nam với những vị trí phía sau cầu môn và khoảng 3 triệu ở hai khán đài bên. Nếu mua vé cả mùa để xem MU thi đấu tất cả 19 trận trên sân nhà, mức giá chỉ dao động từ 17 triệu đồng Việt Nam tới mức cao nhất là hơn 30 triệu. Với thiếu niên ở tuổi 16-17 hoặc các cụ già trên 65, giá cả mùa còn giảm tới mức chỉ dao động từ 8 triệu tới 12 triệu.

Ngồi phòng VIP một trận bằng người ta mua vé cả mùa, ấy vậy nhưng không phải ai cũng có cơ hội được ngồi phòng VIP. Trong khi các cổ động viên còn đang phải xếp hàng chờ mua vé hay rồng rắn đi qua các cửa chính vào Old Trafford, các khách VIP đến từ Việt Nam đã được đưa qua một cánh cửa riêng biệt, chào đón bằng một tấm thẻ VIP khoác lên cổ và dẫn thẳng lên tầng trên nơi không ai nghĩ đó có thể là một nơi xem bóng đá.

Một sảnh khá rộng tràn ngập người qua lại, một bàn dài để đồ ăn chính giữa, xung quanh đó là quầy bia tươi và nhiều bàn nhỏ. Đây là một trong số nhiều sảnh tiếp khách (Executive Suite) ở sân Old Trafford, không khác bao nhiêu so với phòng ăn buffet của khách sạn 5 sao. Khách VIP xem Quỷ đỏ thi đấu có thể tự do ra đây ăn uống và tán gẫu trước, trong và sau mỗi trận đấu. Bên trong sảnh, ngôi sao một thời của Quỷ đỏ Bryan Robson đang “mỏi tay” vì ký cho khách tới từ nhiều quốc gia khác nhau.

Bên cánh phải sảnh tiếp khách mở ra những phòng VIP riêng biệt (private box). Một bàn tiệc đã được bày sẵn với Menu riêng và quà tặng cho khách đã được đặt sẵn trên ghế. Mặt trước căn phòng là khuôn kính rộng, mở tầm nhìn ra toàn cảnh sân cỏ phía dưới, góc lý tưởng để theo dõi diễn biến toàn bộ trận đấu. Một chiếc TV được treo góc phòng luôn tường thuật trực tiếp để khách có thể xem lại các pha bóng trên sân.

Khách có thể ăn uống thoải mái trong phòng VIP nhưng tuyệt đối không được uống bia rượu trong 90 phút diễn ra trận đấu. Trước trận đấu, bồi bàn dọn toàn bộ bia ra khỏi phòng VIP. Tới giữa hiệp, bia được mang vào nhưng quản lý kéo toàn bộ tấm màn che khuôn kính phía trước để các cổ động viên phía dưới không thể nhìn thấy cảnh bia rượu trong phòng VIP.

Ngay từ đầu trận đấu, các khách VIP đã được đăng ký dự đoán kết quả và một khách Việt Nam dự đoán trúng đã nhận được một áo thi đấu có chữ ký sống của các hảo thủ một thời của MU. Giờ nghỉ giữa hai hiệp, các cựu cầu thủ MU ở thập niên 70 trong đó có Lou Macari trực tiếp mang Cúp vô địch Premier League lên chụp ảnh với các khách mời Việt Nam trong phòng VIP.

“Mình đi xem bóng đá nhiều ở Châu Âu, ngồi ghế thường nhìn lên phòng VIP nghĩ sao họ khổ thế, xem bóng đá trong lồng kính thế kia thì mất hết không khí. Bây giờ được ngồi phòng VIP mới thấy cũng thích thật.” Một khách Việt Nam chia sẻ.

Old Trafford là sân vận động đầu tiên ở Châu Âu xây dựng những box riêng cho VIP. Vào năm 1964-1965, khoảng 55 box như vậy đã được xây dựng để chuẩn bị cho World Cup 1966. Từ năm 1996 tới 2006, hai tầng box VIP như vậy lại tiếp tục được bổ sung ở khán đài phía Bắc Old Trafford với những sảnh tiếp khách rộng lớn. Mô hình box VIP khởi nguồn từ Manchester đã lan rộng sang nhiều sân khác ở Anh Quốc và Châu Âu.

Khánh Duy

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Kỳ 2: Muôn cách kiếm tiền từ thương hiệu MU ở Old Trafford




Nguồn doanh thu quan trọng của CLB giàu có bậc nhất hành tinh Manchester United là bán đồ lưu niệm cho fan. Hoạt động này thực tế đa dạng hơn nhiều so với việc bán những chiếc áo thi đấu đơn thuần.


Theo lời mời của Nhà tài trợ vận chuyển cho CLB Manchester United: hãng hàng không Turkish Airlines, phóng viên VietNamNet đã trực tiếp đặt chân tới Old Trafford để xem Quỷ đỏ thi đấu và ghi lại những ấn tượng ở Nhà hát của những giấc mơ.


Khoảng 300,000 lượt khách vào tới thăm quan Bảo tàng và Sân vận động của Manchester United mỗi năm. Với giá vé 15 bảng (khoảng 500,000 đồng Việt Nam) cho cả hai địa điểm, tổng doanh thu của toàn bộ hoạt động thăm quan ước đạt 4,500,000 bảng (khoảng 150 tỉ đồng Việt Nam).

MU không chỉ trông chờ vào khoản thu khiêm tốn đó, và thực tế, không ai tới Old Trafford mà trong ví chỉ vơi đi 15 bảng. Công nghệ kinh doanh trên thương hiệu Manchester United ở Old Trafford đa dạng và phong phú hơn nhiều chuyện bán vé thăm sân.

Mua vé thăm chỉ là màn dạo đầu. Khách thăm được dẫn qua rất nhanh một Bảo tàng nhỏ lưu giữ lại tất cả các Cúp vô địch, kỷ niệm chương, áo và giầy thi đấu của các danh thủ trong suốt lịch sử 102 năm qua của CLB. Từ chiếc áo đấu của Cristiano Ronaldo mặc trong trận chung kết FA năm 2004 tới chiếc giày của Bobby Charltons trong trận đấu cuối cùng với Chelsea năm 1973, lịch sử hào hùng của CLB được yêu thích nhất thế giới được phác họa nhanh và liên tục. Điểm nhấn của khu lưu niệm là căn phòng còn giữ lại 3 chiếp cúp trong Cú ăn ba lịch sử của Quỷ đỏ năm 1999. Chiếc giày của Solskjaer trong trận chung kết lịch sử với Bayern Munich năm đó vẫn còn lưu giữ ở đây.

Màn tiếp theo là thăm sân vận động với sức chưa 76,000 người của Manchester. Từ phòng thay đồ tới phòng tụ tập trước trận đấu, từ đường hầm Munich kỷ niệm vụ tai nạn máy bay lịch sử năm 1958 của MU tới đường hầm nơi các cầu thủ chờ trước khi ra sân, khách thăm được lần lượt giới thiệu những điểm đặc biệt của sân vận động lớn thứ hai ở Anh Quốc.

Hai màn “biểu diễn” trên như chỉ là cú hích cho màn thứ ba, quan trọng và được mong chờ nhất: shopping. Manchester United gọi cửa hàng bán đồ lưu niệm của họ là Megastore nghĩa là cửa hàng lớn và sự thật Megastore lớn hơn bất kỳ cửa hàng bán lưu niệm thể thao nào trong các siêu thị, lớn hơn khá nhiều so với cửa hàng cùng loại của CLB cùng thành phố: Manchester City.

“Mình đến đây một lần hồi tháng 11 rồi bây giờ quay lại. Lần đó tiêu hết 300 bảng, tức hơn 10 triệu đồng. Mỗi cái áo thi đấu ở đây được bán với giá 65 bảng trong khi ở sân bay, giá chỉ còn một nửa.” Ông Bàng, đại diện một công ty bán vé máy bay cho biết.

Không chỉ có áo thi đấu, áo phông, áo khoác, áo nỉ, áo gió, quần, tất, cốc, bóng và cả những chiếc ti giả cho trẻ em cũng mang logo Manchester United. Hàng ngàn mặt hàng trong một khuôn viên rộng chật kín khách thăm vào một sáng thứ bảy.

“Nào chỉ có đàn ông, các bà Việt Nam sang đây mua cũng khỏe. Ai cũng mua về vài cái áo cho con cháu, cứ tưởng rẻ và tiêu bằng thẻ nên không thấy xót tiền. Tính ra người Việt trong đoàn mình đi qua đây ai cũng hết vài ba trăm bảng.” Ông Bàng nói thêm.

Chưa hết, ở góc cửa hàng là một quầy đặc biệt đượi gọi bằng các tên “Cá nhân hóa quà tặng của bạn”. Nơi này, du khách mua quần áo xong được cung cấp các dịch vụ gia tăng dành riêng cho họ. Hàng loạt những máy in nhỏ hiện đại được xếp cạnh nhau phục vụ nhu cầu in “TÊN BẠN” lên áo. In tên và số hết 15 bảng (hơn 500,000 đồng Việt Nam), in tên không hoặc số không giá chỉ còn một nửa.

Với những ai thửa cho mình một đôi giày thể thao của MU, một dịch vụ khác dành cho họ có tên: Thêu giày. Thêu tên và số của chính mình vào đôi giày hết 20 bảng (660,000 đồng Việt Nam), nếu chỉ thêu tên hoặc số giá cũng chỉ còn một nửa.

Ngay cạnh đó là một dịch vụ khác kiếm bộn tiền: bán bằng chứng nhận đã từng thăm quan Old Trafford. Nếu đồng ý trả 10 bảng (330,000 đồng Việt Nam), bạn sẽ được chỉ ra một chiếc máy và tự điền tên tuổi của mình vào đó. Ngay sau đó, bạn trợ lại quầy và nhận tấm bằng chứng nhận khổ A4 đã có tên bạn và chữ ký của Sir Alex dành riêng cho bạn (tất nhiên là chữ ký in sẵn). Tấm bằng được lồng vào khung bìa cứng như bằng tốt nghiệp Đại học, mặt trái sẽ là ảnh và chữ ký của các ngôi sao như Rooney, Ryan Giggs, Paul Scholes với lời đề tặng như thật: Cảm ơn bạn đã tới thăm tôi ở Old Trafford.

Một chiêu hút tiền khác là mua trang nhất tờ “Tin tức Manchester United” với giá 9,99 bảng. Tất nhiên không ai lại mua một tờ báo bình thường với giá ấy. Tờ báo đặc biệt này đã có tên bạn ở trang nhất với tít lớn: “TÊN BẠN đã ký hợp đồng với Manchester United”, ở dưới là dòng dẫn “TÊN BẠN, một huyền thoại ở tuổi 18.” Đi kèm bên cạnh là ảnh Sir Alex cầm tấm áo số 7 trên đó đã có in TÊN BẠN. Ngoài ra, bạn cũng có thể “thửa” riêng một tấm hình chụp trong phòng thay đồ của MU, trên đó TÊN BẠN đã được in trên tấm áo cạnh áo của các “thần tượng”.

Trên toàn thế giới, MU có cả trăm triệu fan hâm mộ, riêng ở Trung Quốc, Manchester United đã có tới 23,6 triệu fan. Ai trong số đó không từng mơ ước được tới Old Trafford và không ai tiếc tiền khi mua những kỷ niệm với MU. Những nhà điều hành CLB đã kiếm được rất nhiều tiền nhưng doanh thu chỉ đến khi MU đã “chạm tới trái tim của rất rất nhiều người hâm mộ” theo lời giám đốc CLB: Sir Bobby Charlton.

Khánh Duy