Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

“Ngợp” trong thành phố lớn thứ hai thế giới thời La Mã





Trải qua 3000 năm lịch sử, sự rộng lớn và tinh xảo của những phế tích ở Ephesus còn khiến du khách bị ngợp hơn cả khi thăm những phế tích của cả Hy Lạp lẫn La Mã cổ đại ở Athens và Rome.

Dấu tích còn lại của nền văn minh Hy Lạp là thành cổ Acropolis ở thủ đô Athens và dấu tích của văn minh La Mỹ là khu vực Quảng Trường La Mã ở Rome. Nhưng cả hai địa danh lịch sử ấy đều đã chỉ còn là những cột đá ngổn ngang và đổ nát trong hoang phế. Thật bất ngờ, dấu vết “hoành tráng” của văn minh của Hy Lạp và đặc biệt là La Mã lại không phải ở nơi khai sinh ra nó mà lại ở khu vực gần thành phố biển Kusadasi, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm của toàn bộ khu vực ấy là một thành phố cổ có tên Ephesus, toàn bộ khu khảo cổ Ephesus trải dài trên một con đường 3Km với nhiều phế tích của các Cung điện, Nhà tắm, Quảng Trường, Đại lộ, Khu chợ, Nhà hát lớn, Sân Vận động và thậm chí cả những Nhà vệ sinh công cộng từ thời La Mã.

Không di sản La Mã nào trên thế giới còn lưu giữ được lại rộng lớn hơn về quy mô như ở Ephesus. Vào thời kỳ đế chế La Mã hưng thịnh, Đây là thành phố La Mã lớn thứ hai chỉ sau Rome và cũng là thành phố lớn thứ hai thế giới thời kỳ đó.

Tuy thế, lịch sử của Ephesus không bắt nguồn từ La Mã mà khởi thủy xa hơn thế. Ephesus là vùng đất được tìm thấy đầu tiên bởi người Amazon và sau đó nhiều bộ lạc địa phương như Carian và Lelegean đã sinh sống tại đây. Tuy nhiên, giữa những bộ lạc sinh sống tại khu vực duyên hải phía Tây này lại hoàn toàn không có sự thống nhất ngay cả về mặt ngôn ngữ dẫn tới việc Ephesus rơi vào tay người Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên.

Thành phố này đã nổi tiếng từ thời thời cổ đại bởi có Ngôi đền thờ thần Artemis nổi tiếng, một trong bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Vào thế kỷ thứ 3, Alexander Đại Đế thống trị Hy Lạp và Châu Âu. Vị Hoàng Đế này chiếm được Ephesus vào năm 334 trước Công nguyên và đưa thành phố này vào kỷ nguyên vàng trong lịch sử của nó với dân số lên tới 300 000 người. Năm 130 trước Công nguyên, người La Mã chiếm được toàn bộ khu vực Tiểu Á và thành phố Ephesus trở thành thủ đô cũng như đô thị lớn nhất Tiểu Á với dân số lên tới 200 000 người.

Nằm ngay dưới chân những quả đồi thấp và ở một khu vực địa lý sát bờ biển, miền đất Ephesus trù phú và phì nhiêu với khí hậu luôn mát mẻ và trong lành. Miền đất lành ấy cũng là nơi chứng kiến sự lan tỏa mạnh mẽ của đạo Cơ Đốc. Không xa so với Israel nơi Chúc Jesus đã ra đời và phục sinh, hai tông đồ của ông là Thánh John và Thánh Paul đều đã dành phần nhiều thời gian của mình để tới đây thuyết pháp. Cơ Đốc giáo nhanh chóng trở thành tôn giáo chủ đạo ở Ephesus và người dân tụ tập quanh ngọn đồi Ayasuluk nơi Nhà thờ thánh John tọa lạc.

Đặc biệt nhất trên ngọn đồi ngay sát Ephesus còn có căn nhà nơi Đức Mẹ Maria tương truyền đã sống và qua đời. Căn nhà nhỏ giữa núi đồi ngân vang tiếng kinh cầu buổi sáng trong trẻo tạo cho du khách một cảm giác rất dễ chịu. Ephesus không chỉ là lịch sử, nơi đây xứng đáng được coi là một điểm du lịch hành hương tôn giáo đối với những người theo đạo Cơ Đốc.

Ephesus giảm dần kích thước lẫn dân số của nó cùng với đà suy vong của đế chế La Mã và trở thành một nơi hoang phế khi đế chế Ottoman bắt đầu thống trị Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy đã bị bỏ hoang hàng trăm năm, nhiều di tích quan trọng trong lịch sử kinh qua cả hai đế chế Hy Lạp và La Mã ở Ephesus vẫn giữ được hình hài tương đối so với những di tích tương tự trên thế giới.

Điển hình nhất trong số đó là Thư viện Celsus, điểm gần cuối trên con đường di sản Ephesus. Tòa nhà này được xây như một lăng mộ vĩ đại vào năm 117 trước công nguyên bởi quan chấp chính tối cao La Mã Julius Aquila nhân danh cha mình là Celsus Polamaeanus. Tòa nhà này về sau được sử dụng với cả chức năng hầm mộ lẫn thư viện nơi những cuộn giấy được lưu trữ trong những hốc tường. Mặt trước cổng Thư viện là 4 bức tượng nữ nhân biểu trưng cho 4 đặc điểm của Celcus: trí tuệ, đức hạnh, thông minh và học thức.

Trải qua 3000 năm lịch sử, sự rộng lớn và tinh xảo của những phế tích ở Ephesus còn khiến du khách bị ngợp hơn cả khi thăm những phế tích của cả Hy Lạp lẫn La Mã cổ đại ở Athens và Rome.

Duy Khánh

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bơi giữa những đổ nát ở "thành phố chết"





Một thành phố nơi người ta tới để được… “chết”, không phải để tự tử, bạn đừng nhầm, nơi ấy, người ta tới để trị liệu và làm dịu nỗi đau bệnh tật trước khi qua đời. Đó chính là thành phố cổ Hierapolis ở một khu vực thiên nhiên nằm ở tỉnh Denizli, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Khu vực thiên nhiên vẫn được gọi bằng cái tên quen thuộc Pamukkale hay Lâu Đài Bông.

“Thành phố chết” Khi người dẫn chương trình Ilknuk nói với chúng tôi chi tiết ấy, chúng tôi đã bật cười. “Tớ còn yêu cuộc sống lắm, chưa muốn chết.” Tôi quay sang đùa Ilknuk. “Không, một thành phố chết nhưng mọi người sống đều muốn đến. Ở đó có rất nhiều cô gái Nga xinh đẹp, các bạn sẽ thấy.”

Cuối cùng thì Pamukkale đã hiện ra, xóa đi đôi chút sự tò mò của chúng tôi, một mảng núi trắng lấp lóa trải dài như một dải lụa trong ánh sáng của những tia nắng cuối chiều. Cũng khá hùng vĩ nhưng chưa có gì ấn tượng, thị trấn khá vắng vẻ và yên ả. Cảm giác đầu tiên: một nơi lý tưởng để thư giãn và nghỉ ngơi hơn là du lịch.

Sự thực, nơi đây đã từng là nơi thư giãn hoàn hảo từ thời cổ đại chứ không phải bây giờ và chuyện người ta tới đây để “chết” là câu chuyện có thật của lịch sử. Nhưng đến với Pamukkale những ngày nay chỉ có khách du lịch chứ không phải bệnh nhân. Pamukkale có gì mà hấp dẫn tới vậy, câu trả lời đến với chúng tôi khi trực tiếp leo lên đỉnh núi để thăm quan thành cổ vào buổi sáng hôm sau.

Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào khu du lịch Pamukkale là các suối nước nóng trên nền những dãy đá vôi lắng động hàng triệu năm bởi dòng chảy suối khoáng. Pamukkale có khoảng 17 suối khoáng với nhiệt độ từ 35 tới 100 độ C. Các suối khoáng trên nền đá vôi xếp tầng tầng lớp lớp trông rất ngoạn mục.

Các nhà sử học cho rằng các suối khoáng này chính là lý do khiến từ hơn 2000 năm trước, người dân đã về đây để tắm với mục đich thư giãn, làm dịu nỗi đau bệnh tật. Những bệnh nhân từ thời La Mã đã về đây tĩnh dưỡng và thậm chí qua đời khiến nơi này hiện còn rất nhiều những ngôi mộ. Cái tên thành phố chết xuất phát từ đó.

Tuy nhiên, giờ đây, thành phố chết lại trở thành một trung tâm du lịch sôi động xôn xao tiếng trẻ em và hình ảnh những cô gái mặc bikini từ khắp nơi, đặc biệt từ Nga và Đông Âu. “Không có mấy cô Nga mặc bikini tắm trên các suối khoáng lộ thiên này, Pamukkale mất một nửa giá trị.” Anh bạn đi cùng chúng tôi bình luận trên con đường “lội nước” men theo các lớp suối khoáng.

Mất tới 30 phút đi bộ bằng chân đất dọc theo lớp suối khoáng, chúng tôi trở ra và bắt đầu đi ngược lên khu thành cổ phía trên. Thành phố cổ Hierapolis được xây dựng ngay trên đỉnh của Pamukkale có chiều dài 2700 mét và chiều rộng 600 mét. Hiện có rất ít bằng chứng lịch sử về nguồn gốc của thành cổ này. Tuy nhiên, khi người La Mã chiếm được thành phố này vào khoảng thế kỷ 2 trước công nguyên, thành phố đã biến chuyển từ từ trở thành một thị trấn mang phong cách La Mã.

Người La Mã đã xây dựng ở thành phố này nhiều công trình quan trọng để phục vụ cho nhu cầu trị liệu bằng suối nóng ở đây bao gồm: nhà tắm kiểu La Mã, trường huấn luyện thể dục, một vài đền thờ và một khu phố chính với những hàng cột và đài phun nước. Đặc biệt là một nhà hát khổng lồ với sức chứa 15 000 chỗ ngồi. Những công trình chứng tỏ Hierapolis đã từng là một thành phố nổi bật dưới thời đế chế La Mã với dân số lên tới 100 000 người và thương mại phát triển mạnh.

Tuy nhiên, những trận động đất mạnh ở thế kỷ 7 và đặc biệt ở thế kỷ 14 đã phá hủy toàn bộ thành phố và chôn vùi nó dưới một lớp đá vôi dày. Những cuộc khai quật từ giữa thế kỷ 20 bắt đầu trả lại gương mặt đã mất cho Hierapolis. Những hàng cột của khu phố chính được dựng lại, nhiều ngôi nhà từ thời Byzantine được đào lên và một viện bảo tàng được xây trên nền Nhà tắm của La Mã cũ.

Du lịch tới Hierapolis quá phát triển vào cuối thể kỷ 20 khi những suối nóng ở đây trở nên nổi tiếng. Người ta bắt đầu xây dựng hàng loạt khách sạn hiện đại ngay trên đỉnh thành cổ, dẫn tới sự phá hại không nhỏ cảnh quan thiên nhiên nơi đây.

Những năm gần đây, những khách sạn này đã được dỡ bỏ, trả lại cho thành cổ sự yên tĩnh vốn có của nó. Tuy nhiên, bể bơi nước nóng của một khách sạn vẫn được giữ lại để du khách có cơ hội bơi trên những đổ nát của thành phố La Mã cũ. Khuôn viên của bể bơi La Mã ấy là một không gian “tiên cảnh” nơi những cô gái Châu Âu bơi tung tăng trên những phiến đá và cột đá vụn vỡ của cổ thành.

Bể bơi trên nền đổ nát được viền quanh bởi những cây trúc đào hồng rực ấy là điểm nhấn cuối cùng và ấn tượng bậc nhất cho mỗi du khách từng đặt chân tới Pamukkale.

Duy Khánh

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Miền đất được “vẽ” bằng phun trào núi lửa







Những thành phố được xây trên nền và dưới lòng đất đá và tro bụi núi lửa phun trào từ ít nhất 2 triệu năm về trước. Sự độc đáo ấy nằm ở một khu vực địa chất kỳ thú có tên Cappadocia, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ.


Cappadocia không phải là một thành phố, chính xác đó là một vùng lãnh thổ nằm giữa các thành phố ở miền trung Thổ Nhĩ Kỳ như Aksasay, Nigde, Nevsehir và Keyseri. Vùng lãnh thổ có cái tên lịch sử Cappadicia ấy luôn là điểm đến ưu tiên của mọi tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ bởi cấu tạo địa chất độc nhất vô nhị làm sững sờ mọi khách thăm.

Thành phố trên đá núi lửa


Đi vào Cappadocia là bạn đang đi trên một tầng đất đá, dung nham, tro bụi và cặn núi lửa còn sót lại từ hàng triệu năm về trước. Cấu tạo địa chất của kỳ quan thiên nhiên thế giới Cappadocia là kết quả của hai lực lượng tự nhiên đối nghịch. Lực lượng thứ nhất là những đợt phun trào của núi lửa từ khoảng Kỷ thứ 3, tức cách thời điểm chúng ta đang sống từ 50 tới 2 triệu năm. Lực lượng thứ hai là sự xói mòn lãnh thổ xảy ra sau khi các đợt phun trào của núi lửa đã kết thúc.

Núi lửa và xói mòn đã để lại một “bình nguyên” với những “cánh rừng” bạt ngàn. Không phải bình nguyên mang màu xanh hoa cỏ mà một bình nguyên vàng nhạt của đất đá núi lửa. Không phải một cánh rừng cây cối um tùm mà là một rừng của những cột đá hình tháp nhọn xếp lớp và trải dài mênh mông.

Lớp đất đá và dung nham phun trào từ núi lửa luôn mềm và dễ tạo hình hơn đất đá thông thường. Vì thế, ở Cappadocia, trong hàng ngàn năm qua, con người đã đẽo vào những đồi đá và cột đá để tạo thành nơi cư trú cho riêng mình. Những hốc nhà nhỏ xinh trong đá núi lửa là một đặc trưng lạ và hiếm của mảnh đất này.

Cao điểm nhất trong toàn bộ bình nguyên đá Cappadicia là Uchisar, hay còn được người dân ở đây gọi là Pháo đài. Đó là hai cột đá khổng lồ được viền quanh bởi những cột đá nhỏ hơn, trông giống một ngọn tháp. Người dân đã đào vào đá để cư trú trong ngọn tháp này suốt từ thời Byzantine cho tới thời Ottoman, tức khoảng 1500 năm. Họ tiếp tục sống như vậy và chỉ phải rời khỏi “ngôi nhà” của mình vài chục năm trước do đá bị xói mòn.

Cơ Đốc giáo trong lòng đá núi lửa


Thành phố cổ nhất của khu vực Cappadocia là Gorome, còn có tên là thành phố Macan trong quá khứ. Người bản địa sống trong những căn phòng được đào sâu trong núi đá và không gian thành phố được bao bọc bởi những lớp đá cao.

Điểm đặc biệt nhất của thành phố này là có rất nhiều nhà thờ trong hang đá, một cách để người bản địa theo đạo Thiên Chúa che giấu niềm tin của mình trước sự cấm đoán. Đa phần các nhà thờ ở Gorome đều nhỏ và chỉ có một phòng đơn, nhưng những bức họa về Đức Jerus và các điển tích Kinh thánh được vẽ trang trí cho thấy sự phát triển mạnh của Đạo Cơ Đốc ở khu vực này từ khoảng thế kỷ 7. Hiện chưa xác định rõ sự phát triển ấy kết thúc vào năm nào nhưng từ khoảng thế kỷ 11, rất ít nhà thờ mới được xây dựng. Với di sản địa chất, lịch sử và tôn giáo của mình, Gorome được gọi là “Bảo tàng mở ngoài trời” của Cappadocia.

Thung lũng của nấm bằng đá núi lửa

Nhưng di sản ngoài trời ấn tượng nhất ở Cappadocia phải là Thung lũng nấm. Cấu tạo nổi bật nhất ở đây là những hình nấm như trong cổ tích. Hàng loạt những cấu trúc nấm xếp liền nhau tạo thành những thung lũng nấm đẹp hùng vĩ.

Những hình nấm này chính là sản phẩm địa chất hình thành trong hàng triệu năm. Phun trào núi lửa đã tạo ra hàng loạt hình nón với đá tuff ở dưới và phủ bên trên là lớp đá magma bazan hoặc andesite. Lớp đá magma bazan có thể tạo thành những cột lớn hình nón hoặc tạo ra mỏm đá hình nón bên trên lớp đá tuff. Có những cột đá đội nón bazan cao tới 40 mét.

Theo thời gian, hiện tượng xói mòn bắt đầu làm mỏng đi lớp đá tuff mềm hơn phía dưới phần nón bazan cứng bên trên. Sự xói mòn này tạo ra những cột đá đội nón như những chiếc nấm tự nhiên độc đáo.

Thành phố ngầm dưới lòng đá núi lửa

Không chỉ đẽo đá trên mặt đất để cư trú, người Cappadocia còn đào xuống dưới lòng đất để tạo ra ra những thành phố ngầm, có khoảng 40 thành phố ngầm như thế liên thông với nhau.

Những thành phố ngầm này có 8 tới 9 tầng được đào sâu hơn 80 mét xuống lòng đất, chính xác hơn là được đào trên lớp đá tuff phun trào từ núi lửa. Những thành phố ngầm tạo ra một mê cung với hàng loạt những phòng ốc, đường đi hẹp và hệ thống dấn khí.

Các nhà sử học cho rằng người bản địa Cappadicia đã liên tục phải đối mặt với các cuộc tấn công và cướp bóc của người Ba Tư phương Đông và người Arập phương Nam từ thế kỷ thứ 7. Chính vì thế, họ đã phải xây những thành phố ngầm dưới đá núi lửa này để trú ẩn.

Thành phố ngầm Kaymakli mà chúng tôi tới thăm cách Nevsehir 20Km về phía Nam. Thành phố này dự tính được xây từ khoảng thế kỷ 6 đến thế kỷ 10 trong thời gian bị người Ba Tư và Arập tấn công. Thành phố rộng tới 2,5 Km vuông với đầy đủ những phòng ở, nhà thờ, hầm mộ, kho chứa, nhà sản xuất rượu và phòng bếp.

Sự rộng lớn và kích thước đa dạng của các phòng ốc trong thành phố ngầm chứng tỏ nó đã là nơi trú ẩn của không ít người nhưng các nhà sử học vẫn khó xác định chính xác niên đại cũng như thành phần cư trú, bởi không hề có một hình vẽ nào trên các bức tường đá.

Lịch sử Cappadocia còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá hết, chỉ có một điều chắc chắn, lịch sử ấy đã được “vẽ” bởi những phun trào núi lửa. Chỉ điều ấy cũng đủ để mỗi năm 30 triệu lượt khách đổ về Thổ Nhĩ Kỳ không thể quên tới thăm Cappadocia.

Duy Khánh

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi”


“Quyền lực thì đứng, quyền uy thì ngồi.” Những dòng tít trên chiếc standy giới thiệu về triển lãm “Ngai vàng của những ông hoàng” tại cung điễn Versailles nước Pháp làm người xem tò mò. Tại sao người Pháp lại trưng bày một triển lãm chỉ để đi tìm sự khác biệt giữa quyền lực và quyền uy?

Đó là thứ 3. Một ngày thường. Không vì thế mà cung điện Versailles vắng khách. Không có những di sản đặc biệt quý hiếm như Louvre, Versailles có những không gian hấp dẫn của riêng nó. Một giá trị gia tăng khác, từ ngày 1 tháng 3 tới 19 tháng 6 năm nay, những gian phòng của Versailles giành để trưng bày những chiếc ngai vàng từ khắp nơi trên thế giới.

Từ năm châu bốn biển, ngai vàng tụ tập cả về Versailles: ngai của lãnh tụ Inca ở Peru (Châu Mỹ) , ngai của vua Ghezo (vương quốc Dahomey) ở Benin (Châu Phi), ngai của Hoàng đế đào hoa Càn Long ở Trung Quốc (Châu Á), ngai của Louis XVI, ông vua bị đưa lên máy chém bởi cách mạng Pháp (Châu Âu)…

Đa dạng về không gian, đa dạng cả về thời gian. Chiếc ngai cổ nhất là của nước Marsch thuộc Đức thế kỷ thứ 5, rồi tới ngai của ông hoàng Dagobert nước Pháp thế kỷ thứ 7, gần đây nhất là chiếc ghế tổng thống Pháp Jacques Chirac đã ngồi để chiêm ngưỡng lễ mừng quốc khách 14 tháng 7 năm 2005…

Versailles đã mất công đi mượn từ các lâu đài, cung điện, bảo tàng ở khắp nơi trên thế giới để có được cuộc triển lãm kéo dài gần 4 tháng này. Cuộc triển lãm ngoài mục đích trình diễn “ngai vàng” để “mua vui” còn muốn đi tìm ý nghĩa thực của hai chữ “quyền uy” như cuốn sách giới thiệu về nó viết: “Từ Dagobert tới Pius VI, từ Hoàng đế Trung Quốc tới Sa hoàng Nga, những chiếc ngai bao giờ cũng đi đôi với uy quyền. Chế độ này hay chế độ khác, châu lục này sang châu lục khác, hình dáng có thể đổi thay nhưng chức năng của những chiếc ngai không hề thay đổi…”

Quyền uy ổn định, quyền lực mong manh

Hàng ngàn năm trước, người Hy Lạp cổ đại đã phân biệt giữa hai khái niệm mang tính bản chất cùng ám chỉ sự vận dụng quyền năng: quyền lực (power) và quyền uy (authority).

Quyền lực đi đôi với sức mạnh, một ông vua dùng sức mạnh để đàn áp người dân hay chiếm đoạt lãnh thổ của các quốc gia khác là một ông vua có quyền lực. Quyền lực thường biểu trưng bằng hình tượng đứng. Người “anh hùng” ấy sau trận thắng trở về thường đứng thẳng người để các thần dân xung quanh tung hô, hình ảnh đó tượng trưng cho sức mạnh của quyền lực. Xét về khía cạnh ổn định, quyền lực khá mong manh và rất dễ đổi thay.

Quyền uy cũng là một thứ quyền lực nhưng đi kèm với nó là một vị thế mang tính pháp lý và tinh thần lớn hơn. Chính vì thế, quyền uy có tính bền vững và chắc chắn hơn quyền lực. Quyền uy luôn đi kèm với hình tượng ngồi. Cảnh tượng ông vua ngồi trên chiếc ngai vững chãi và to lớn của mình mô tả đúng bản chất của hai chữ quyền uy.

“Khi cách mạng Pháp chấm dứt chế độ quân chủ, người ta đổi tên Quảng trường Ngai vàng thành Quảng trường Lật đổ Ngai vàng. Không giây phút nào trong lịch sử mà nền tảng và sức mạnh của biểu tượng ấy bị lãng quên. Khi Napoleon hồi phục lại nền quân chủ, ông ấy đã nhanh chóng tái lập lại những nghi thức và lễ lạt của nó trong đó có việc sử dụng lại ngai vàng đã bị xóa bỏ nhân danh sự bình đẳng trong Cách mạng.” Ông Jean Jacques Aillagon, giám đốc bảo tàng Versailles nói.

Những chiếc ngai vàng là biểu tượng hợp lý của quyền uy, không chỉ trong chính trị mà cả ở những lĩnh vực khác như tôn giáo hay tri thức. Quyền uy không chỉ mang tính “vật chất” mà tồn tại ở cả địa hạt tinh thần. Minh hoạ cho ý tưởng đó, bảo tàng Versailles không chỉ triển lãm ngai vàng của các ông hoàng mà còn triển lãm cả những bức tượng của các lãnh tự tôn giáo Đông Tây đang ngồi trên “ngai vàng” của mình. Bức tượng Phật ngồi bằng đồng Gandhara từ thế kỷ thứ 3 và bức tượng Đức Chúa Jesus năm 1230 đều được trưng bày lần này. Hai chiếc ngai thật của hai giáo hoàng Innocent X và Pius VI cũng được sắp xếp ở các vị trí quan trọng.

Quyền lực di chuyển, quyền uy đứng yên

Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là các “ngai vàng di động” như của Napoleong III, giáo hoàng Pius VII hay triều đại Habsburg cuối thế kỷ 18. Khi các ông hoàng phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác, để đảm bảo vị thế uy nghi của mình, họ vẫn sử dụng những chiếc ngai di động được hầu cận khiêng vác hoặc đặt trên lưng những động vật to khoẻ như voi hay lạc đà.

“Quyền lực có thể di chuyển nhưng quyền uy thì luôn ngồi vững chãi. Làm thế nào để có thể tương thích hóa tính cố định và vững chắc của quyền uy với sự chuyển động của người nắm uy quyền. Cách thức đơn giản nhất là đặt họ lên những chiếc ngai di động. Như thế, bản chất ung dung và thường hằng của quyền uy vẫn được giữ vững.” Ông Jean Jacques Aillagon phân tích.

Quyền uy quan trọng đặc biệt với những bậc nguyên thủ. Trong lịch sử, khi tới Boulogne để chuẩn bị tấn công nước Anh, Napoleon đã mượn chiếc ngai vàng của hoàng tộc lâu đời nhất nước Pháp Dagobert nhằm chứng minh tính chính đáng trong quyền uy của ông. Những chiếc ngai thường được đặt trên bệ cao để chứng minh cho sự vượt trội và thống trị của nguyên thủ so với thần dân.

Quyền uy đích thực không cần biểu tượng hình thức

Điều ngạc nhiên là ngay ở Versailles nhưng chiếc ngai bạc của chủ nhân cung điện, ông vua mặt trời Louis XIV, lại không thấy đâu. Hóa ra, chiếc ghế bạc ấy đã được chính chủ nhân của nó ra lệnh đốt cùng với nhiều đồ bạc khác vào năm 1689 để trả chiến phí.

Được quyết định khởi công từ năm 1666 bởi Vua mặt trời, Versailles đã trở thành cung điện hoàng gia vĩ đại nhất thế giới và cũng là một trong số ít cung điện không có thành lũy. Vua Louis XIV đã xây hoàng cung giữa đồng trống, để chứng tỏ một đấng quân vương đủ quyền uy không cần đến hào và tường thành bảo vệ. Vua mặt trời được người đời ngợi ca là vị hoàng đế lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Pháp cho dù biểu tượng hình thức của uy quyền là chiếc ngai vàng ông cũng sẵn sàng để vứt nó đi.

Khánh Duy